Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

LÝ THUYẾT & THỰC HÀNH ĐẠO PHẬT

  


G iáo Pháp Đạo Phật có hai phần, phần Lý thuyết gọi là LÝ và phần thực hành gọi SỰ. Nhiều người cho rằng cần gì Lý thuyết cho dông dài, mất thời gian, cứ bắt tay thực hành thì sẽ có kết quả nhanh hơn ! Đó là vì họ không biết rằng Đạo Phật dạy : “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”, có nghĩa là không thể Hành theo sự hiểu biết của người khác. Vì biết họ hiểu đúng hay sai, xong hay chưa ? Người không có tay nghề mà vác búa đục lung tung thì hư tác phẩm. Người thiếu hiểu biết trong Đạo Phật mà Hành pháp nào đó, thí dụ như Ngồi Thiền, khi chưa biết mục đích của Thiền, chưa biết những gì có thể diễn ra trong lúc Thiền, cũng như kết quả của Thiền là gì, thì sẽ sinh ra hai hiện tượng : Hoặc kiêu mạn nếu thấy chút gì đó, hoặc Tẩu hỏa nhập ma vì bị Thiên ma dẫn dắt. Vì thế mà Đạo Phật có quy trình VĂN-TƯ-TU. Không thể vừa nghe xong là Tu luôn. Trước đó cũng phải có GIỚI, ĐỊNH để giúp cho việc khai mở cái Trí HUỆ. BÁT NHÃ TÂM KINH khẳng định : “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật đa đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề” . “Bát Nhã Ba La Mật Đa” được dịch là “Trí Huệ đáo bỉ ngạn”. Ba đời Chư Phật đều nhờ vào Trí này mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Phải có Trí Huệ mới trừ được VÔ MINH, mới phân biệt những điều cần Hành để đưa tới kết quả mong muốn. Biết Hành đến đâu là đủ ? Trí Huệ cũng là Chánh Kiến, có được do kết quả của Chánh Tư Duy, Chánh Định.

Con đường tu Phật được Đức Thích Ca bày ra, mục đích là chỉ lại cho người đi sau một hành trình để Thoát Khổ. Qua bao nhiêu đời Tổ tiếp nối, mỗi Tổ đều có cách trình bày của mình, với mong mỏi người sau hiểu được, chấp nhận vào Đạo rồi thực hành mà hết Khổ. Nhưng như nhiều vị tu hành thời trước đã than thở : “Chúng ta thời này cách Phật và Hiền Thánh quá xa”, vì bao nhiêu thời qua, bao nhiêu người tu là bấy nhiêu kiểu suy đoán, giải thích, giảng luận, bày ra nhiều cách thức thực hành, làm mọi việc càng rối ren hơn. Ai cũng có vẻ là bậc chân tu, đạo cao, đức dày, người nào cũng nói mình mới là Chân truyền, nối truyền giòng Chánh Pháp. Biết nghe ai ?

Tuy vậy, có một điều chắc chắn là : Muốn tìm thứ gì thì trước đó thì phải được người đã thành công mách lại cho phương hướng, hình dung cái mà ta cần tìm, hình dáng, màu sắc ra sao để ta có thể phân biệt với hàng chục, hàng trăm thứ tương tự. Dấu hiệu để nhận biết là ta đi đúng hướng, sắp gặp thứ mà ta cần tìm. Thí dụ như muốn tìm Trầm thì cần phải vô rừng nào ? Cây nào mới có Trầm. Cách thức để nhận biết cây đang chứa Trầm..Phải đâu mới nghe nói Trầm là quý rồi cứ thấy rừng là xông vô, gặp cây nào cũng đốn, cũng chặt, cũng chẻ ra mà lấy được Trầm ? Muốn tìm Ngọc cũng thế. Làm sao nhận ra đá nào có chứa Ngọc ? Làm sao phân biệt Ngọc giữa đống đá cuội ? Trinh sát đi bắt người mà không hề biết được nhân dạng, mặt mũi người đó thì làm sao bắt đúng người cần bắt. Chẳng lẽ gặp ai cũng bắt ? Do đó, chỉ có người đã thành công mới có thể chỉ lại đường đi nước bước, để cho người đi sau đỡ mất nhiều thời gian mày mò, gọi đó là “Tâm truyền Tâm”, hoặc “Dùng Tâm ấn Tâm”. Do vậy, chỉ người đã Thấy Tâm mới có Tâm để truyền. Người chưa Thấy Tâm biết gì mà Truyền ? Đó là lý do mà chúng ta cẩn đọc Chính Kinh để nghe lời Tổ là những người dã tu hành thành công để lại kinh nghiệm tu học. Nhưng do lời người đã sống từ hàng mấy trăm năm về trước mô tả sự việc, nên người đọc cần thận trọng, phải gạn lọc, tìm hiểu cho rõ ý nghĩa trước khi áp dụng, và phải “Y Kinh liễu nghĩa bất y Kinh vị liễu nghĩa”.

Chỉ nên thực hành theo Kinh nào mà mình đã rõ nghĩa, vì “Y Kinh giải nghĩa Tam Thế Phật oan”.

Chắc chắn chúng ta đều đồng ý rằng không thể làm một việc gì mà có thể thành công nếu không nắm rõ quy trình, cách thức. Đạo Phật cũng không khác. Đọc Kinh Lăng Nghiêm, ta thấy Phật dạy : “Cũng như vị Quốc Vương, bị giặc đến xâm lăng, đem binh dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được” ! Thực tế đúng như thế. Đất nước có bốn phương, tám hướng. Giặc đang tấn công phương nào ? Không chỉ là phương hướng. Phải nắm luôn lực lượng của họ có bao nhiêu ? Thế mạnh, thế yếu như thế nào ? Muốn thắng giặc cần có binh pháp ra sao ? Nếu không nắm rõ những yếu tố đó của giặc thì làm sao thắng được giặc ? Tu hành cũng không khác. Chưa biết Đạo Phật cuối cùng về đâu ? Có lợi ích gì cho ta ? Có xứng đáng cho ta bỏ công sức, thời gian để theo đuổi để khỏi bỏ cuộc nửa chừng, vì tu hoài mà không thấy bến bờ là đâu? hay do không hiểu mục đích của Đạo Phật, nên nửa chừng tự nhiên hô hoán lên là đã Chứng đắc ?

Nhiều người tưởng rằng cứ Xuất Gia, vô Chùa thì đã là người tu hành. Nhưng vì sao có quá nhiều người tu cả đời mà không thành công ? Phải chăng vì họ không hiểu đúng những việc cần làm, do thiếu phân tích phần Lý để hiểu rõ từng Pháp, từng việc, biết vì sao phải hành những Pháp đó ? Hành thế nào cho đúng ? Khi đã hiểu rõ mọi thứ thì chỉ cần bắt tay vào thực hành. Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên có Kệ :

Đa văn là chim cánh vàng
Oai thế võ lực mạnh
Văn là kho hành bảo
Ở đâu lợi ích đấy
Văn là cầu cống to,
Cứu khỏi mọi khổ ách,
Văn là thuyền lái lớn
Đưa qua biển sanh tử
Đa văn chí được sáng
Vì sáng Trí Huệ thêm,
Trí Huệ hiểu nghĩa rộng
Thấy, Nghe, tu đúng pháp...

Lục Tổ Huệ Năng cũng dạy trong Pháp Bảo Đản Kinh : “Tất cả sự, Lý phải hiểu đến tận chỗ chơn”. Ai cũng biết rằng Đại Thừa có 12 Bộ Kinh. Người tin, người chống. Người chống thì cho rằng đó là “Kinh ngụy tạo”, vì không phải là lời của Phật thuyết, mà của các Tổ về sau viết. Điều đó không sai. Điều đáng nói là họ không nghiên cứu lịch sử của Đạo Phật để biết rằng các Tổ Đại Thừa là những người được Truyền Thừa, tức được sự ủy nhiệm của Phật. Bắt đầu là Ngài Ca Diếp, truyền lần xuống tất cả là 33 vị. Những vị được phong làTổ đều là người đã Thấy Tánh, đủ điều kiện để giảng đạo. Được Tổ đi trước Ấn Chứng. Và chúng ta nên biết, không phải ai tu Phật cũng Chứng Đắc, cũng có quyền giảng Pháp. Đó là điều mà nhiều người không đọc lịch sử Đạo nên không hiểu. Đạo Phật không buộc ai phải tin, trái lại, còn dặn dò phải kiểm tra cho kỹ rồi mới nên Tin. “Ngay cả lời của Như Lai, nếu có lòng nghi ngờ cũng không nên thọ trì” .(Đại Bát Niết Bàn).

Kinh không phải để đọc lướt qua, càng không phải để Tụng, vì đó là những lời giải thích cho những việc cần hiểu, cần làm để đạt kết quả của Đạo. Nhưng vì đó là những lời được giảng rồi chép lại cách đây hàng ngàn năm. Một phần chưa chắc người dịch đã là người Chứng Đắc, vì thế sự diễn tả đôi khi không thể rõ ràng, đòi hỏi người đọc phải Tư Duy cho kỹ rồi mới áp dụng. Đọc Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA sẽ thấy lời dặn dò, đối với quyển Kinh là phải : “Thọ trì đọc tụng, giải nói biên chép, Y Pháp tu hành” . Tức là khi đã có quyển Kinh thì phải đọc nhiều lần, giải nói, biên chép, tìm ra ý nghĩa để rồi “Y Pháp tu hành” . Nhưng đa phần chỉ mang Kinh ra Tụng, ê a nhịp nhàng theo chuông mõ thì làm sao hiểu được ý nghĩa để thực hành ? Mà đã không thực hành thì làm sao có được kết quả ?

Một thì dụ nhỏ là Kinh Bát Nhã, là một Kinh được gọi là “Nhật tụng” của người tu. Nhiều người có thể đọc thao thao : “Tam thế chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”, có nghĩa là Ba đời chư Phật đều y theo Trí Huệ Qua Bờ Bên kia mà thành Vô Thượng Chánh Đẳng chánh Giác. Nhưng nếu không tìm hiểu ý nghĩa “Trí Huệ qua bờ bên kia” là gì ? Muốn có Trí Huệ đó thì phải làm gì ? Thì làm sao bản thân mình có thể thành công, tức là “qua bờ bên kia” ? Trong khi đó, ngay phần đầu Kinh đã giải thích : “Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời Chiếu Kiến Ngũ Uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”. Có nghĩa là Bồ Tát Quán Tự Tại hành sâu vào Trí Huệ qua bờ bên kia là Soi để thấy Ngũ Uẩn là Không thì sẽ độ hết Khổ ách. Tức là Trí Huệ có được là nhờ Chiếu Soi Ngũ Uẩn để thấy nó là Không. Thấy Ngũ Uẩn là Không thì sẽ được qua Bờ bên kia, tức là được Giải Thoát. Nhưng Thấy nó là Không thì nó đã Không chưa, đã Giải Thoát chưa ? Hay là Nói Không mà Hành Có ? Đó là phần hành giả phải phân tích cho rõ nghĩa rồi đưa ra thực hành gọi là SỰ.

Cũng giống như một người muốn chạm một pho tượng. Trước hết phải có mẫu, sau đó là biết cần những dụng cụ nào để sắm sửa cho đầy đủ rồi bắt tay vào thực hành từng đường nét để hình thành pho tượng. Ta đang muốn “Thành Phật”, tức là dựa vào mẫu là Đức Thích Ca, thì phải xem Ngài dạy những gì ? Làm như thế nào ? Rồi từng bước ta thực hành theo để hoàn thành Phật của mình.

Một số Đệ Tử của Lục Tổ thấy được nhờ Ngồi Thiền mà Đức Thích Ca đắc đạo, nên lập hẳn ra một Tông, gọi là THIỀN TÔNG, chuyên lấy việc Khai Công Án làm công phu tu hành. Người thầy sẽ giao cho đệ tử một Công Án nào đó, thí dụ như chữ KHÔNG, hoặc “Ai niệm Nam Mô A Di Đà Phật”. Người trò cứ miệt mài Khai, đến một ngày nào đó ngộ ra ý nghĩa của CÔNG ÁN thì cho là Chứng Đắc ! Thật ra nói “Khai Công Án” cho lớn lao, nhưng chỉ là tên gọi khác của Tư Duy một Pháp nào đó theo bên Đại Thừa. Tiếc một điều là những vị đặt ra Môn Khai Công Án đã không đối chiếu lịch sử tu hành của Đức Thích Ca, để thấy có phải Phật Đắc Đạo là Đắc cái Không hay không ? rồi chỉ thấy cái KHÔNG mà tưởng là mình Chứng Đắc,trong khi Đạo Phật có biết bao nhiêu Pháp cần phải Quán Sát, đâu phải mỗi chữ Không ? Nào là Vô Thường, Vô Ngã, Hữu Ngã, Hữu Vi, Vô Vi, Tâm, Tướng, Pháp, Tánh Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Lục Đạo, Lục Độ.. v.v... Mỗi chữ, mỗi Pháp đều có ý nghĩa mà người tu học cần biết để áp dụng vào công cuộc tu hành. Cái thấy các Pháp là KHÔNG chỉ là một giai đoạn Quán sát Các Pháp của người tu hành, đâu phải là đích đến của Đạo Phật, vì con người đang sống trong cõi Nhân, là Cõi Có Tướng, vẫn phải mặc áo, ăn cơm, tiếp xúc với những Pháp hữu tướng khác, đâu thể nói tất cả các Pháp là Không được ?

Và rồi, bao nhiêu thời qua, biết bao nhiêu người đã Tu Thiền, sao không thấy được bao nhiêu người Đắc Đạo ? Chỉ mỗi chữ VÔ mà Ngài Vô Môn đã bỏ ra cả 6 năm dài, quên ăn, quên ngủ. Rồi một ngày nọ, Ngài cho là mình Chứng đắc, rồi trình Kệ cho Thầy. Nhưng đọc bài Kệ Chứng Đắc của Ngài, ta chỉ thấy 4 câu 5 chữ VÔ, chẳng hiểu nghĩa lý ra làm sao! Sau đó Ngài viết quyển VÔ MÔN QUAN, gom mấy mươi Công Án của những ngưởi đi trước, trong đó có nhiều Công Án gọi Phật là “que cứt khô”, “Ba cân mè’ ! Ngài Vô Môn còn cho là người đắc được Pháp Không còn cao hơn cả Phật ! “Thích Ca, Di Lặc, còn là tôi đòi của những kẻ đó” ! Quả là lộng ngôn, không giống ngôn ngữ của người Thực Chứng. Tất cả chỉ vì Ngài không biết “Trong Phật Pháp người có Chứng Đắc là kẻ Tăng Thượng Mạn”! Bởi vì sao ? Nguời tu Phật đến cuối cùng sẽ Chứng được cái “Vô Ngã”. Vô Ngã tức “Không có Ta”. Đã Không Có Ta thì lấy ai Chứng Đắc ? Thế mà Thiền Tông vẫn dùng tài liệu này cho các Thiền Sinh học !

Một vài Thiền Sư có để lại sách viết về Thiền, trong đó có Thiền Sư Suzuki và Thiền Sư Nguyệt Khê. Thiền Sư Suzuki viết Thiền Luận đến mấy ngàn trang, chê Phật Thích Ca : “49 năm tích cực du hóa sau ngày thành đạo đều nhằm luận giải sự Giác Ngộ ấy rồi vẫn chưa nói được tiếng nói cuối cùng, rồi tất cả những trầm tư sau này của Long Thọ, Mã Minh, Thế Thân và Vô trước, tất cả không biện minh được hết lời, cạn ý” (tr. 74. Quyển Thượng). Tuởng sao, đến lượt Ngài lại kết luận : “Tôi mong đem đến bạn một ý niệm, dẫu mơ hồ về Đạo Thiền theo như tinh thần đã được truyền lại Viễn Đông trên ngàn năm” ! Viết để luận về Thiền mà lại bảo : “Dầu có đem hết tâm trí nghiền ngẫm thiên cảo luận này vẫn không khỏi hoang mang về đại nghĩa của Thiền Pháp”, và : “Mục đích của bài luận này không nhằm chứng minh suông Thiền là cái gì không thể hiểu được và như thế không ích gì bàn nói đến. Chú tâm của tôi, trái lại, là thử tận lực làm sáng tỏ ra, dầu kết quả phải thiếu sót và lệch lạc” .

Thiền Sư mà nói về Thiền một cách mơ hồ, luận đến mấy ngàn trang mà bảo người đọc “dầu có đem hết tâm trí nghiền ngẫm vẫn không khỏi hoang mang về đại nghĩa Thiền Pháp” ! Ngài còn cho là “thử tận lực làm sáng tỏ ra, dầu kết quả phải thiếu sót và lệch lạc” thì người tu học còn mong chờ gì khi bỏ công ra nghiên cứu luận về Thiền của Ngài ? Trong khi Ngài chê Đức Thích Ca suốt 49 năm luận giải sự Giác Ngộ mà chưa nói được tiếng nói cuối cùng thì Đại Thừa có đến 33 Vị Tổ. Đó chẳng phải là những vị Giác Ngộ sao ?

Thiền Sư Nguyệt Khê thì viết Tuyệt Đối Luận, chê Kinh sách : “Nay con người chui đầu vào kinh điển sách vở, ôm chấp văn nghĩa thì điều tai hại há chẳng phải là nông cạn ư ? (Vì thế) chuyện không lập văn tự và ngôn ngữ tương đối để chỉ thị, chứng nhập vào cảnh giới tuyệt đối của chân như thì văn tự của Kinh điển chỉ là mớ bá láp mà thôi. ! Ngài cho là chỉ cần “Nhập thẳng vào tuyệt đối đó là Thiền Tông, không lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, Thấy Tánh thành Phật”. Phương pháp Ngài đưa ra là : “phủ định cái phủ định sau cùng (tức là đập tan vô thỉ vô minh) bèn nhập thẳng vào cảnh giới tuyệt đối, cho nên gọi là “Đốn ngộ”.

Cái “Hoát nhiên đại ngộ” được Ngài giải thích như sau : “Phủ định cái gọi là hình tướng, cái gọi là tên gọi, phủ định cái gọi là tư duy và cảm giác, sau cùng vô thỉ vô minh không có tư duy - không có cảm giác cũng bị phủ định luôn, cho đến khi không thể phủ định được nữa thì cõi tương đối kết thúc, liền nhập vào cảnh giới tuyệt đối, bèn hoát nhiên đại ngộ” !. Ngài tự cho : “Cõi Tuyệt đối không phải là chỗ mà ngữ ngôn và văn tự có thể biếu tượng được, cho dù với trí huệ của Phật Thích Ca vì muốn cho con người đích thân chứng được cảnh giới ấy nên Ngài đã dùng đủ mọi phương pháp và ví dụ để miêu tả mà vẫn chưa thể bày tỏ ra ngoài để chỉ dạy cho con người tự tu tự chứng”.

Và đây là phương pháp mà Ngài chỉ dạy : “Do đây mà quán sát, nếu muốn vũ trụ tương đối này kết thúc thì duy chỉ có đem vô thỉ vô minh là tất cả mọi nguồn gốc của tương đối ra mà đập tan, rồi sáu cõi tương đối mới có thể kết thúc”.

So với Giáo Pháp của Đạo Phật khi biết do Vô Minh là Mê Lầm rồi tạo Nghiệp, thì dùng Trí Huệ để chiếu phá Vô Minh, chuyển hóa nó, để nó trở thành Minh, thì Ngài Nguyệt Khê kêu “đem nó ra mà đập” ! Vô Minh đâu phải là cục gạch hay hòn đất để có thể dễ dàng lôi ra đập ? Nó ở đâu ? Lôi ra cách nào ? Lấy cái gì để lôi ra ? Dùng cái gì để đập ? Nếu chỉ cần Phủ Định tất cả thì vào cõi tuyệt đối thì cõi đó ở đâu, hay chỉ là cõi tưởng tượng của Ngải ?

Nhiều người cũng biết cuộc đời là Vô thường, cái Thân thì mong manh, không sống mãi, nên cũng muốn tìm Đốn Giáo để tu cho nhanh. Thiền Tông tự nhận Tông của mình là Đốn Giáo dẫn chứng bằng tích Ngài Ca Diếp mỉm cười khi Phật đưa cành Sen lên, hay Lục Tổ Huệ Năng đánh cho Thần Hội ba gậy...xem ra chẳng dính dáng gì đến Thiền !. Lý chưa thông, nên khi áp dụng, thay vì giảng cho người tham hỏi thì người Thầy chỉ “đưa ngón tay lên”, “nhại câu hỏi”, “hét”, “đánh”, quăng phất trần”, “đóng sập cửa cho gảy chân” .. cho đó là “vô ngôn thuyết” ! Đức Thích Ca giảng nói suốt 49 năm, trước khi nhập diệt còn thông báo cho đại chúng là ai còn thắc mắc thì cứ đến hỏi, Ngài sẽ giải đáp. Đâu có “Vô ngôn thuyết” ? May là Ngài vận dụng đủ thứ phương tiện, lập ra đủ thứ cảnh giới để diễn tả Đạo Giải Thoát trong một thời gian dài như thế, mà chỉ có mỗi Ngài Ca Diếp Chứng Đắc. Những Thiền Sư chỉ “đưa ngón tay” lên thì người tham hiểu ý Thiền Sư muốn nói gì mà học ?

Do không có ngôn ngữ để truyền thừa, nên Ngũ Phái Thiền đã một thời làm mưa làm gió, rốt cuộc, theo nhận xét của Ngài Pháp Diễn Thiền Sư “Pháp Nhãn Tông truyền sang Cao Ly. Vân Môn đã thất truyền từ lâu, chỉ còn ba Tông Qui Ngưỡng, Tào Động, Lâm Tế, nhưng con cháu các Tông chỉ lấy Cội Nguồn Gia Phổ để Truyền Thừa với nhau, ghi trên Pháp Quyển là Thiền Sư đời thứ mấy mà thôi, nếu hỏi về Gia Phong Tông Chỉ thì chẳng thể trả lời” (Cội nguồn Truyền Thừa của Ngài Nguyệt Khê ).

Trong khi Thiền Sư Suzuki chê Phật và các Tổ về sau là “chưa nói hết lời, cạn ý”, nhưng viết hàng mấy ngàn trang mà không giải thích được thế nào là THIỀN ĐỊNH, thì Kinh VIÊN GIÁC chỉ cần vài câu Kệ là đã giải thích rõ về ý nghĩa của THIỀN để người đọc có thể nương theo đó mà Hiểu, mà Hành :

THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ, QUÁN VÀ CHỈ QUÁN SONG TU.

CHỈ là dừng hết mọi hoạt động của Thân, của Tâm, thì người tu Phật nào cũng đã biết rồi. THIỀN QUÁN còn gọi là VIPASSANA thì người tu Phật nào có đọc Kinh sách thì cũng biết. Nhưng Quán pháp nào ? Quán như thế nào ? Bao nhiêu Pháp là xong ? Hay “Quán một pháp cũng đắc tâm” ? Có Pháp nào để Quán, và Quán như thế nào để Đắc Đạo như Đức Thích Ca hay không? Đó là điều mà những người tu Phật nếu chưa hiểu rõ để bổ sung phần Lý cho rõ ràng thì không bao giờ Ngồi THIỀN thành công được.

Đạo Phật dù được mở ra cách đây đã gần 3.000 năm, nhưng không phải là mớ lý thuyết mơ hồ, khó hiểu, khó thực hành. Trái lại đó là cả một quy trình, giải thích về Cảnh Khổ của kiếp sống con người, và cách thức để vẫn tiếp tục cuộc sống giữa phiền não mà không những không bị phiền não vùi dập, còn được an vui, hạnh phúc gọi là đạt Hữu Dư Y Niết Bàn.

Theo Đức Thích Ca, con người không chỉ có mặt ở trần gian trong hiện tại, chết là hết, mà có thể hết Tử rồi lại Sinh, Sinh rồi lại Tử theo vòng Nghiệp Lực đã gây tạo, gọi là Luân Hồi. Tu theo Đạo Phật lả để kết thúc Vòng Luân hồi. Muốn Thoát Vòng Luân Hồi không phải là ngưng không lập gia đình, không có vợ chồng, sinh con, đẻ cái, mà là thoát sự ràng buộc với cái Thân giả tạm. Khi ý thức được cái Thân chỉ là món mà mình tạm có ở hiện kiếp thì không gắn bó với nó, không chìu theo sở thích của nó, nhưng cũng không vùi dập hay bỏ bê nó. Vẫn giữ một nếp sống bình thường, nhưng không vì cung phụng cho nó mà gây Ác Nghiệp, chỉ tạo Thiện Nghiệp. Rồi tìm cho được cái Bổn Thể Tâm hay cái Mình Thật. Khi đã Thấy được cái Bổn Thể Tâm hay Thấy Tánh, hành giả sẽ sống với cái Chân Tánh đó thì sẽ không còn theo Cái Thân mà Luân Hồi, nên gọi là kết thúc vòng Luân hồi.

Con đường tu hành theo Đạo Phật là học để hiểu rõ nguyên nhân của Khổ và cách thức Thoát Khổ. Theo Đạo Phật, “Hữu Thân, hữu Khổ”. Sinh ra là đã khổ, rồi Già, Bệnh, Chết là những nỗi Khổ đeo dẳng cái Thân con người. Nguyên nhân của Những Nổi Khổ lớn và cách giải quyết được nêu rõ trong TỨ DIỆU ĐẾ gồm KHỔ, TẬP, DIỆT, ĐẠO. Người tu sẽ theo những phân tích của từng Đế mà chiêm nghiệm, rồi nếu thấy những lời Phật giải thích đó là đúng lý thì áp dụng ĐẠO ĐẾ, tức con đường để Thoát Khổ. Từng giai đoạn, từng Pháp mà Đạo Phật hướng dẫn đều nhằm mục đích đưa đến cứu cánh Thoát Khổ, không phải là để Chứng đắc Quả vị cao, thấp hay thành Thánh, thành Phật như nhiều người đã hiểu lầm.

Dù con đường tu Phật được Chư Vị Giác Ngộ nhiều thời giải thích bằng nhiều cách, nhưng rốt lại chỉ có hai nơi để tu sửa là THÂN và TÂM. Thân là tai sai và Tâm là chủ nhân. Chủ nhân sáng suốt thì điều khiển tai sai làm việc tốt cho cả hai. Chủ nhân Vô Minh thì đưa cả hai vào Nghiệp xấu, phải trả không kiếp này thì kiếp sau, không thể tránh được. Do vậy mà Tu PHẬT là phải TU TÂM, chỉ cần “Trực chỉ Chân Tâm, Kiến Tánh thành Phật” , vì tất cả vướng mắc hay Giải Thoát, chứng Thánh hay đọa Phàm cũng do đó. Tu Tâm chính là Đốn giáo. Người tu có thể ở bất cứ đâu ? Làm bất cứ nghề gì ? Độc thân hay có gia đình ? Già hay Trẻ, Nam hay Nữ. Không cần sửa Tướng, không cần lý thuyết dông dài. Không cần xây Chùa, đúc tượng. Không cần bỏ nhà cửa, cha mẹ. Không cần sống đời độc thân, có thể làm bất cứ ngành nghề gì, miễn là lương thiện, xã hội cho phép, không hại người khác và không dính vào nghiêp Sát.

Nghiên cứu cho kỹ lý thuyết của Đạo Phật, ta sẽ thấy đó không phải là một Tôn Giáo dạy Thờ Phật, mà là một Con Đường, người đi trên đó được hướng dẫn từng bước, để nhìn cho rõ Các Pháp, nhận rõ bản thân, nhận rõ kiếp sống để ý thức mà sống cho tốt đẹp hơn, trở thành một con người hoàn hào hơn, lợi mình, lợi người để mình và chung quanh đều được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống. Nhờ những phương tiện mà Đạo Phật dẫn dắt, người tu sẽ không còn Tham, Sân, Si, ích kỷ, kiêu mạn, không chỉ nghĩ vun vén cho bản thân, trái lại còn Từ Bi, Hỉ Xả, biết gieo Nhân Thiện thì Quả lành sẽ tự đến. Họ được dạy phải đền Tứ Ân là Ân Phật, Ân Thầy, Ân Đất Nước, Ân Chúng Sinh, tức là phải biết Ân tất cả mọi người chung quanh đã đóng góp cho cuộc sống của mình. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một xã hội mà không có trộm cắp, không ai ỷ mạnh, hiếp yếu, không có ai gian tham, bóc lột, lừa đảo ai, trái lại còn biết kính trên, nhường dười, tất cả mọi người yêu thường nhau, giúp đỡ nhau, tất cả đều được sống trong an vui, hạnh phúc. Đó chẳng phải là Niết Bàn tại thế hay sao ? Đó chính là mong mỏi của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật mà mấy ngàn năm qua vẫn chưa thực hiện được.

Người ý thức được lợi ích mà công việc tu hành mang lại, sẽ thấy kiếp sống này không phải vô giá trị, Thân này là ô trược, cần phải bỏ đi để mơ về một Nước Phật xa xôi nào, mà biết rằng mình may mắn có được Thân người để tu hành. Vì như lời Phật dạy “Nhân thân nan đắc”. Được làm người, đầy đủ Thân căn là điều rất đáng quý. Trước khi tu hành thì Lục Căn là Lục Tặc, vì nó luôn đòi hỏi phải cung phụng cho nó để đôi khi làm những điều xấu, tạo Ác Nghiệp vì nó. Khi đã giáo hóa nó xong, thì nó lại trở thành Lục Hộ Pháp để yểm trợ công việc tu hành cho người tu. Đó là lý do vì sao có tượng Đức Di Lặc bụng to, ngồi cười thoải mái với sáu đứa bé đeo bám quanh người. Hình Tượng đó tượng trưng cho người đã điều phục xong Lục Căn. Trước khi tu hành thì chúng là Sáu Tên Giặc, chuyên mang ngoại pháp về phá hại Thân, Tâm. Sau khi điều phục xong, thì Lục Tặc trở thành là sáu đứa bé vô hại, vui vẻ leo trèo quanh người. Không phải có một Ông Phật Di Lặc để mọi người tạc tượng để thờ, để cầu xin ! Phải “Điều phục xong Lục Căn thì mới thành Phật”. Đó là lý do mà Đạo Phật gọi Phật Di Lặc là Phật Vị Lai.

Phần LÝ rất quan trọng, là căn bản, là hướng nhắm, là sơ đồ, là phát thảo cho tác phẩm. Đẹp hay xấu, đúng hay sai, nhanh hay chậm là do phần Lý hoàn chỉnh hay không ? Lời Chư Vị Giác Ngộ dạy không sai : TU PHẬT LÀ TU TÂM. Là Sửa cái Tâm cho ngay thẳng, không còn quanh co, âm mưu, thủ đoạn, hại người, hại vật. Hình tướng không có giá trị đối với công việc tu hành. “Đầu tròn” nhưng Tâm đầy mưu mô tính toán, mưu danh, trục lợi thì liệu có phải là người tu ? Việc tu hành diễn ra nơi Tâm của mỗi người thì việc gì phải cất Chùa cho thật to cho hao tổn tiền bạc của bá tánh, rồi người tu tập trung vô đó, bỏ hết mọi việc, bắt người khác phải cung dưỡng cho mình tu ? Điều đó chỉ đúng trong thời Phật mới khai đạo.

Thật vậy, người tu phải hiểu là do thời xưa chưa có chữ viết, Giáo Pháp của Đạo Phật chưa có người nắm vững. Vì thế Phật phải bắt buộc Chư Đại Đệ tử bỏ hết việc đời, không được có gia đình để khỏi bận bịu, vướng víu, để toàn tâm toàn ý nghe Phật giảng rồi ghi nhớ, tương lai phổ biến. Thời này thì Kinh sách tràn lan, ở đâu cũng có, đâu cần phải bỏ hết việc đời để chú tâm nghe rồi ghi nhớ ? Do đó, bắt người muốn tu đang tuổi thanh xuân phải bỏ hết mọi việc đời, không góp sức mình để phụ giúp kinh tế cho gia đình, lo cho cha mẹ già yếu và trả nợ cuộc sống, thì đó là phí phạm sức người lẽ ra dùng để phục vụ đất nước, dân tộc, thì không những có lỗi với Đời mà cũng có lỗi với Đạo.

- Chỉ cần lên google gỏ : Phật có phải là Thần Linh không ? Sẽ cho câu trả lời là : “Đức Thích Ca không phải là Thần Linh, Ngài cũng là một con người bình thường như mọi chúng ta. Nhờ đoạn trừ phiền não mà được Giải Thoát”. Vậy thì chúng ta nghĩ sao khi mấy ngàn năm qua - cho đến hiện nay - mọi người vẫn Cầu An, Cầu Siêu, tốn bao nhiêu tiền bạc để cất biết bao nhiêu Chùa, Tháp để Thờ Phật, mục đích cầu xin Chư Phật gia hộ, phù hộ, độ trì ?

Hiểu cho đúng về quy trình tu hành theo Đạo Phật, ta sẽ thấy, toàn bộ những hình tướng mà người tu Phật mang trên người nói lên những điều họ cần thực hiện trong suốt cuộc đời .

Muốn tu hành thì phải Xuất Gia, Cạo tóc, Đắp Y, xây Chùa, đúc Tượng Phật, cúng dường Phật...mang ý nghĩa như sau:

- “Xuất Gia” không phải là rời nhà thế tục, mà là “Ra khỏi nhà lửa Tam Giới”.

- “Cạo Tóc” là Cạo sạch phiền não.

- “Đắp Y” là phủ lên Thân, Tâm một màu Giải Thoát.

- “Xây Chùa” là làm cho “Đất Tâm” trở nên thanh tịnh.

- “Đúc, tạc, Tượng Phật”, là dựa theo những việc mà Phật đã làm, coi đó là khuôn mẫu, rồi bắt chước theo để hình thành Tượng Phật của mình. Mỗi người theo đó mà hành, gọi là đúc, tạc, hay Chạm Tượng Phật cho mình. Không phải dùng vật liệu quý rồi chạm thành hình tượng Phật ngày càng to, để thờ, để cầu xin.

-“ Cúng dường Phật” : Muốn cúng dường Phật thì phải hiểu thế nào là Chúng Sinh. “Độ” được một chúng sinh, đó là ta đã “Cúng dường một vị Phật”. Một đời tu hành, mỗi người phải “Cúng dường vô lượng vô số ức Phật” trong nghĩa này. Không phải là tạc cho thật nhiều Tượng Phật rồi thắp hương để cúng.

- “Cuộc Đời ô trược” mà Đạo Phật dạy bỏ, không phải là người đời, là thế gian, mà là những Tham, Sân, Si, của bản thân. Ba Món đó lúc nào cũng sinh sôi, nẩy nở, trùng trùng, điệp điệp nơi Tâm. Phật ví như cư dân của cả ba thế giới. Người tu phải “độ” cho hết. Đó là ý nghĩa của “Phật cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế giới”. Không phải đi cứu độ thế giới bên ngoài, vỉ Đạo Phật dạy Tự Độ. - Nói rằng kiếp sống Vô Thường không phải để mọi người bỏ đời, vô Chùa tu, cả ngày chỉ Tụng kinh, Niệm Phật chờ về Niết Bàn, mà để thấy cuộc đời không dài. Duyên phận, thời gian bên người thân và những người ta yêu quý không kéo dài mãi, để yêu thương người, yêu thương cuộc đời, góp tay xây dựng để cuộc đời được tốt đẹp hơn. Nếu Đạo Phật dạy người tu phải bỏ thế gian thì sao còn dạy phải Đền Tứ Ân, phải thực hiện để có 32 tướng Tốt, 80 vẻ đẹp của Phật ?

- Lục Tổ Huệ Năng có Kệ : “Phật Pháp tại thế gian. Bất ly thế gian giác”. Người tu Phật là người sống giữa thế gian. Ví như người cuộc sống phải qua lại trên giòng sông Sinh tử, phiền não, nên phải học cách để chế ngự nó, để vẫn sống trong nó mà không bị nó nhấn chìm, đâu phải dọn lên bờ tránh sông nước, rồi tự hào là mình đã “thoát” ? Do vậy, Lục Tổ cho rằng người rời bỏ thế gian mà tìm Giải Thoát cũng như người đi tìm sừng thỏ : “Ly thế mịch bồ Đề. Cáp như cầm thố giác”. Cái “Thoát” của Đạo Phật là ở trong nó mà không bị nó vùi dập. Vì vậy mà Đạo Phật đã dùng biểu tượng là Hoa Sen để nói lên tính cách “Trong bùn mà không vương mùi bùn”, cũng như hình ảnh Đức Phật ngồi trên Đài Sen, mà nhiều người không hiểu chỉ biết tạc ra để Thờ !.

- Giáo Pháp của Đạo Phật bình đẳng tế độ cho tất cả mọi người, Phật Thọ Ký : “Ta là Phật dã thành. tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, đâu có nói là chỉ Tu Sĩ mới là Phật sẽ thành ? . Nếu nói về nghĩa của Tu, thì bất cứ ai, có Sửa cái Tâm của mình, có Giữ Giới và Hành theo Bát Chánh Đạo thì đó là người tu. Đâu cần phải cạo đầu, mặc Y ? Tổ Đạt Ma dạy : “ Nếu thấy tâm mình là Phật thì không cần cắt tóc cạo râu. Hàng bạch y vẫn là Phật. Nếu không thấy Tánh, cắt tóc cạo râu vẫn là ngoại đạo”. Lục Tổ Huệ Năng dạy : “Chư Thiện Tri Thức. muốn tu hành thi ở nhà tu cũng đặng, chẳng cần ở Chùa. Ở nhà mà lòng thường tu hành, thì cũng như người Đông phương có lòng lành. Ở Chùa mà chẵng tu thì cũng như người Đông phương có lòng dữ. Nếu lòng trong sạch thì Tánh mình tức là Tây Phương vậy”.

Chính những người chưa học hết Phật Pháp mà lại ra giảng dạy đã làm cho Đạo Phật bị đóng khung sau cánh cổng Chùa, không “đại chúng hóa” như Đức Thích Ca mong mỏi. Họ quan trọng hóa việc tu hành, cho rằng Tu Sĩ là những người hy sinh cuộc đời để “Cứu nhân độ thế”, vì thế phải độc thân, phải có sắc tướng, phải ở trong Chùa thì mới được gọi là Tu Sĩ, mới đắc Quả nọ, quả kia... Núp sau lưng hình tượng Phật, họ được hưởng mọi sự tôn trọng, chẳng cần làm gì để mưu sinh, lại được hưởng mọi tiện ích cao cấp của cuộc sống, được sự cung dưỡng của bá tánh.

Thời nào họ cũng kêu gọi bá tánh cất Chùa cho to, trang hoàng cho lộng lẫy nguy nga, viện lẽ là để tôn vinh Phật, để họ ở đó phụng sự Phật, trong khi Phật đã nhập diệt gần 3.000 năm rồi, Ngài đâu cần ai phụng sự ? Đọc Kinh Kim Cang, ta thấy sinh thời Đức Phật sinh hoạt bình thường như mọi người : “Lúc đó gần đến giờ ăn, Đức Thế Tôn đắp Y, mang bát vào Thành Xá Vệ mà khất thực. Trong thành ấy, Đức Phật theo thứ tự ghé từng nhà khất thực xong, trở về Tịnh Xá, dùng cơm rồi cất y bát. Sau khi rửa chơn xong, Đức Phật trải tòa mà ngồi” . Sau khi đã thành Phật rồi thì Đức Thích Ca cũng tự mình làm mọi việc, đâu cần ai phải phục vụ ? Đệ tử Ngài sau này hình như không còn thấy mấy người theo Hạnh đơn sơ đó. Chùa giàu thì Sư ngủ phòng máy lạnh, ra đường thì tiền hô hậu ủng, dù lộng nghênh ngang, làm cho nhiều người mỉa mai “ai bảo đi tu là khổ. Đi tu sướng lắm chứ” ! Như vậy phải chăng là bôi bác Đạo, vì làm mất di hình ảnh giản dị, thanh tịnh của người tu được cho là bỏ đời ! ? Suy cho cùng, những Tu Sĩ sống ở trong Chùa, ngoài sắc phục cũng đâu có làm điều gì khác hơn người muốn tu mà không thích vô Chùa ? Vẫn là Giữ Giới, Quán sát, tư duy, Thiền Định, sống theo Bát Chánh Đạo ? Do đó, họ không những nợ bá tánh từ chén cơm, ấm thuốc, cho tới mọi tiện ích của cuộc sống, mà còn nợ cuộc đời đã cho họ nương tựa, vì “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”, đâu có ai tu giùm cho ai được ? Phật cũng đâu có phải là Thần Linh để Tu sĩ cầu xin Phật gia hộ để trả ân ?

Người không hiểu thế nào là Đạo Phật thường chỉ nhìn bề ngoài để đánh giá. Ở đâu có Chùa, có Tượng Phật thì cho là “đất Phật”. Nhưng nếu chịu khó tìm hiểu thì sẽ thấy : CHÁNH PHÁP, TÀ PHÁP đều cùng đọc Kinh, cũng chiếu lời Phật dạy, nhưng do tư duy không đến nơi, đến chốn mà khi thực hành thì khác nhau : Một bên Quay Vô để Tu sửa cái Tâm, Tự Độ để được Giải Thoát hay Thành Phật, gọi là Nhất Thừa hay Phật Thừa. Một bên quay ra, hình tượng hóa tất cả những gì viết về Chùa, Phật, Như Lai, Bồ Tát..để Thờ, rồi thắp hương để Cầu Xin “Được Độ”, gọi là Nhị Thừa hay Quyền Thừa. Đọc Kinh Kim Cang ta sẽ thấy có Kệ để phân biệt Tà, Chánh rất rõ ràng : “Ai nương sắc thấy Ta. Dùng âm thanh để cầu ta. Kẻ đó hành tà đạo. Không thể thấy Như Lai”. Qua đó, ta thấy phần LÝ trong Đạo Phật quan trọng như thế nào đối với công việc tu hành mà người muốn tu hành chân chính không thể xem thường nếu muốn thành công vậy.

(Tháng 5/2021)





VVM.14.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com