Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        






NHẬN THỨC VỀ NGUỒN GỐC
VỚI TƯƠNG LAI CỦA DÂN TỘC VIỆT!



      Trong các bài viết của mình, chúng tôi thường nhắc tới việc nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa cổ, về nguồn gốc dân tộc sẽ làm nền tảng cho sự phát triển của dân tộc, đất nước trong tương lai, tại sao chúng tôi lại nói như vậy? Bài viết này là để giải thích về cách nói đó của chúng tôi. Chúng tôi thực hiện bài viết này dựa trên những trải nghiệm của cá nhân trong quá trình tìm hiểu, nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc của mình, bên cạnh đó là sự quan sát một cách kỹ lưỡng và toàn diện về lịch sử, về những hiện tượng trong văn hóa, xã hội người Việt ngày nay.

Những điều được viết ra đây, hoàn toàn là từ một tinh thần trung thực, trong sáng, và phần nào đó là sự khách quan, khoa học mà chúng tôi luôn đề cao ngay từ ngày đầu thành lập trang, nhận diện đúng sự thật và bản chất sự việc, để từ đó, chúng tôi kỳ vọng rằng người Việt sẽ nhận ra được tầm quan trọng của vấn đề nguồn gốc dân tộc đối với tương tai của dân tộc Việt, tương lai của đất nước Việt Nam.

Lời dẫn

Câu chuyện về nguồn gốc dân tộc là một câu chuyện vô cùng phức tạp, trong khoảng 100 năm gần đây, không biết bao nhiêu giả thuyết, trường phái đã được đề ra, nhưng chúng không góp phần vào giải quyết nguồn gốc người Việt, mà còn khiến vấn đề nguồn gốc người Việt ngày càng trở nên rắc rối, mù mịt hơn, giống như một ma trận không tìm thấy lối ra, nhiều người đã thử tìm hiểu nguồn gốc dân tộc, tìm hiểu lịch sử thời cổ đại của người Việt, nhưng đối mặt với hiện trạng đó, hầu hết đã bỏ cuộc và chấp nhận với một giả thuyết nào đó mà họ cảm thấy phù hợp.

Nguồn gốc dân tộc là một vấn đề quan trọng và rất cần thiết được quan tâm nghiên cứu, làm rõ, nhưng trong một thời gian rất dài, nó đã bị bỏ quên, người Việt không nhận ra những giá trị và tác động của vấn đề nhận thức chính xác về nguồn gốc dân tộc đối với nhận thức trong hiện tại và tương lai của dân tộc Việt, nên không mấy người thực sự chú tâm tìm hiểu về nguồn gốc dân tộc mình một cách khách quan, khoa học, tìm lại được những sự thực về cội nguồn của dân tộc mình, để những luồng tư tưởng phủ nhận về nguồn gốc dân tộc có không gian cực kỳ rộng rãi để tồn tại.

Những tác động của các luồng tư tưởng phủ nhận về nguồn gốc dân tộc là rất sâu và rộng, tới từng ngõ ngách, từng vấn đề nhỏ liên quan tới nguồn gốc, tới lịch sử của người Việt. Chúng tôi hiện tại đề cao tinh thần dân tộc khách quan, nhưng trước đây, vì những ảnh hưởng của các luồng tư tưởng phủ nhận về nguồn gốc dân tộc, chúng tôi cũng từng là những người mang tinh thần mặc cảm, tự ti dân tộc, một điều tưởng chừng như khó tin, nhưng sự thực là như vậy, nên chúng tôi rất hiểu tầm tác động mà những luồng tư tưởng đó đã tạo nên. Những trải nghiệm trong giai đoạn mặc cảm, tự ti dân tộc đó, và tiến trình thay đổi dần dần qua thời gian, khi nhận thức được về nguồn gốc dân tộc, giúp chúng tôi có một cái nhìn bao quát và toàn cảnh về những tác động của nguồn gốc dân tộc đối với nhận thức về giá trị của bản thân từng người, với sự phát triển và tiến bộ của xã hội, của dân tộc, và rộng hơn là của cả đất nước. Từ những quan sát, chiêm nghiệm, chúng tôi sẽ từng bước phân tích về những tác động của nguồn gốc dân tộc đối với nhận thức của từng cá nhân và với cả dân tộc, từ đó, chúng tôi kỳ vọng rằng bạn đọc sẽ nhận thấy được ý nghĩa và giá trị của vấn đề nhận thức về nguồn gốc dân tộc đối với tương lai phát triển của dân tộc Việt là như thế nào.

Nguồn gốc của sự tự ti

Chúng tôi cũng như đa số người Việt trong giai đoạn trước, bị ảnh hưởng bởi những sự tuyên truyền độc hại về những vấn đề liên quan tới nguồn gốc dân tộc, như người Việt có gốc Trung Quốc, người Việt cổ là người Giao Chỉ, người Kinh ngày nay không phải là người Việt cổ, người Việt là một dân tộc non trẻ, do lai tạp nhiều sắc dân mà thành, dân Việt là giống dân không có văn minh, người Việt hiện tại không làm nên điều gì tốt đẹp cho thế giới, văn hóa toàn là những thứ đi mượn, không mượn Trung Quốc thì mượn Ấn Độ, mượn người Chăm, người Thái, người Mường hay các dân tộc thiểu số, đất nước nghèo đói, bần hàn… Những tư tưởng ấy có sức tác động vô cùng đáng sợ với tâm tư của người Việt, tới ngày nay, chúng ta không khó để có thể nhận ra những tác động của chúng trong tinh thần của phần đa người Việt trên các diễn đàn mạng, trên các mạng xã hội, không ít thì nhiều, hầu như ai cũng đều có sự mặc cảm, tự ti về một vấn đề nào đó liên quan tới nguồn gốc hay văn hóa, lịch sử của dân tộc, sự tiêu cực trong nhận định về lịch sử, văn hóa dân tộc quả thực là rất đáng buồn.

Những tư tưởng tuyên truyền độc hại như vậy xét sâu xa về tiến trình lịch sử, thì chúng được bắt nguồn từ người Hoa Hạ, với không ít những ghi chép lịch sử xuyên tạc, hạ nhục người Việt, mô tả người Việt như một giống dân dã man, không có văn minh trong các tài liệu của họ. Người Pháp, sau đó đã “kế thừa” những gì người Hoa Hạ đã bắt đầu, thực hiện những chiến dịch đánh gục tinh thần dân tộc của người Việt, gây ra những chia rẽ sâu sắc trong người Việt bằng những mưu tính thâm độc, truyền bá những tư tưởng thực dân, mô tả người Việt như một giống người không có văn minh, xác định những nguồn gốc người Việt bằng các phương tiện giả khoa học, cho rằng mọi đặc trưng văn hóa, văn minh của người Việt đều có nguồn gốc từ bên ngoài. Những gì mà người Pháp đã thực hiện vẫn còn dư âm ảnh hưởng (một cách rộng rãi) cho tới tận ngày nay, với những tư tưởng, các di sản, ghi chép, sách vở mà họ đã để lại. Trong khoảng vài chục năm gần đây, thì những tư tưởng có chủ đích xấu về nguồn gốc dân tộc dân tộc của người Việt bắt đầu xuất hiện và phát triển mạnh, những thành phần chống phá sử dụng sách vở, sau đó là internet để tuyên truyền những thông tin sai lệch, những tư tưởng độc hại về nguồn gốc, lịch sử của người Việt, những luồng tư tưởng này là những nhân tố chính khiến người Việt ngày nay mù mờ trong nhận thức, hiểu biết về nguồn gốc, về lịch sử dân tộc.

Những thế lực chống phá hiểu rõ, rằng nguồn gốc dân tộc sẽ có sức tác động lớn như thế nào đối với người Việt, với đất nước Việt Nam, nên vấn đề nguồn gốc dân tộc trong một thời gian dài, đã bị tác động, chi phối bởi những thành phần không muốn nguồn gốc dân tộc Việt được làm rõ. Hệ quả, là một hiện trạng rất đáng báo động, khi người Việt gần như mất hết sự tự tin, không ý thức được nguồn gốc của mình, không có tinh thần, lòng tự tôn dân tộc. Sâu xa hơn, nó khiến con đường hướng tới tương lai của người Việt trở nên trắc trở, gập ghềnh, khi người Việt mất đi cốt lõi và nền tảng văn hóa. Những ảnh hưởng của các luồng tư tưởng phủ nhận là rất lớn, nó tác động sâu và rộng tới nhiều vấn đề xã hội của người Việt ngày nay, mà chúng ta do chưa thực sự hiểu và biết về nguồn gốc của dân tộc mình, nên đã không thể nhận ra.

Sự tự ti về nguồn gốc dân tộc tạo nên sự bất mãn

Điều đầu tiên, khi chúng ta không ý thức được nguồn gốc dân tộc, bị ảnh hưởng bởi những tư tưởng phủ nhận, đó là mang trong mình mặc cảm về một dân tộc kém cỏi, đây chính là cái lõi sinh ra những bất mãn, sự tiêu cực trong nhìn nhận những vấn đề xung quanh cuộc sống của chúng ta. Chúng tôi đã từng vì mặc cảm, tự ti dân tộc, mà bất mãn mọi thứ liên quan tới người Việt, mọi thứ của người Việt trong mắt chúng tôi đều trở nên vô cùng xấu xí, một đất nước nghèo đói, một xã hội thối nát, một dân tộc yếu nhược, “chân đất mắt toét”, một nền văn hóa kém cỏi, văn hóa thì toàn Trung Quốc, cái gì cũng vay mượn của nước ngoài, không mượn Trung Quốc thì cũng mượn người Mường, người Thái, người Chăm hay các dân tộc thiểu số nói chung, rộng hơn thì mượn người Ấn Độ, người Pháp, tựu chung là không có gì là của tự mình tạo ra cả, hay trong suốt lịch sử tồn tại, thì người Việt cũng không đóng góp được điều gì ý nghĩa cho nền văn minh thế giới. Bất mãn còn thể hiện những thứ nhỏ nhặt, như cách hành xử thiếu văn hóa của người Việt, tới những tiếng còi xe… Tựu chung, thì sự tự ti dân tộc có nguồn gốc từ những tư tưởng phủ nhận khiến chúng tôi bất mãn về mọi thứ liên quan tới người Việt bằng một thái độ cực đoan, mù quáng mà chúng tôi không hề nhận ra. Sự tự ti đó còn gây ra nhiều vấn đề đối với không chỉ chúng tôi, mà còn với hầu hết những người Việt mang trong mình mặc cảm về dân tộc.

Những ảnh hưởng của sự tự ti đối với nhận thức lịch sử

Những ảnh hưởng của sự tự ti cũng được thể hiện trong lịch sử, khi chúng ta luôn so sánh sử Việt và sử Trung Hoa, mong muốn lịch sử Việt Nam được đặc sắc như Trung Quốc, nếu không, thì ta sẽ cảm thấy thua kém, tự ti về lịch sử dân tộc. Lịch sử của người Việt đúng là nhiều giông bão, nhưng kỳ vọng vào một lịch sử dân tộc “đặc sắc”, đẫm máu, đầy những cuộc chiến tranh, nội chiến, đánh giết lẫn nhau như người Trung Hoa, hy vọng nó “drama” không thua kém gì lịch sử Trung Hoa, thì đây thực sự là một sự kỳ vọng thiếu đi sự tỉnh táo.

Lịch sử của người Việt phủ đầy bởi những cuộc chiến tranh, nhưng phần lớn những cuộc chiến tranh đó là chống lại sự xâm lược của các triều đại Hoa Hạ, mỗi cuộc chiến chống lại sự xâm lược của các triều đại Hoa Hạ, là một lần không biết bao nhiêu xương máu của người Việt đã đổ xuống, chiến tranh không một màu như những gì chúng ta thấy được trong sử sách, mà đằng sau đó, là sự lầm than, đau khổ, sự hy sinh, mất mát vô cùng to lớn, sự đau khổ, mất mát đó có từ trước, trong và kéo dài tới sau cuộc chiến tranh, thậm chí di hệ của nó có thể kéo dài tới hàng trăm, hàng nghìn năm. Quan trọng nhất, điều mà chúng ta đối mặt, đó là nguy cơ mất nước luôn hiển hiện, điều đã trở thành hiện thực khi người Việt thất bại trước nhà Minh, đau khổ, lầm than, mất mát không sau kể nổi, tuy may mắn chúng ta đã kịp giành lại được độc lập, nhưng những di hại của nó còn biểu hiện tới ngày nay, khi nền tảng văn hóa Việt cổ, nền tảng văn hóa thời Lý – Trần hoàn toàn bị tàn phá, hầu hết các tài liệu, ghi chép đều không còn, gây ra sự đứt gãy văn hóa nghiêm trọng đối với người Việt.

Lịch sử của người Việt quả thực là “oai hùng”, nhưng sự oai hùng đó tới từ những chiến tích của người Việt trước các cuộc xâm lược của các triều đại Trung Hoa, đó là điều chúng ta nên tự hào về tổ tiên của mình, và bên cạnh sự tự hào đó, chúng ta cũng nên nhận thức về những hiểm họa, những đau thương đằng sau các cuộc chiến. Không nên so sánh lịch sử Việt Nam với lịch sử Trung Hoa, hay lịch sử của bất cứ dân tộc nào khác, kỳ vọng lịch sử người Việt cũng như vậy, chúng ta có thể tự hào một cách trong sáng từ chính lịch sử vĩ đại của người Việt, tự hào về sự kiên cường, bất khuất vĩ đại của dân tộc Việt, bên cạnh đó, cũng là việc nhận thức được giá trị của sự độc lập mà bao người Việt đã ngã xuống để ngày nay chúng ta còn là một dân tộc độc lập, một đất nước độc lập.

Sự tự ti cũng khiến người Việt không đủ tỉnh táo để nhận diện chính xác những sự thực lịch sử của dân tộc mình, dễ dàng bởi những trường phái phủ nhận ảnh hưởng. Đây không phải hiện tượng hiếm, ngược lại còn rất phổ biến, các tư tưởng phủ nhận lịch sử người Việt thường chiếm thế thượng phong, mà không có mấy người viết bài, khảo cứu một cách kỹ lưỡng, sâu sắc để phản biện lại họ. Không hiếm người “hùa theo” các luồng tư tưởng phủ nhận đó, viết bài để “tát nước theo mưa”, “đồng thanh tương ứng” với họ, nhằm tạo ra hiệu ứng lan tỏa, khiến nhiều người dễ tin vào chúng hơn.

Sự tự ti cũng khiến chúng ta dễ dàng tin tưởng vào các giả thuyết cho rằng các triều đại Hạ, Thương, Chu là của người Việt, cho rằng Trung Hoa đã đổi trắng thay đen để chiếm những triều đại đó về mình, hay là chữ Hán là do người Việt tạo ra trước, những giả thuyết như vậy có sức ảnh hưởng, bởi nó giống như lật ngược lại những gì khiến người Việt mặc cảm, tự ti (do chính sự tuyên truyền, hạ nhục người Việt trong lịch sử Trung Hoa), nó “vô tình” khiến người Việt cảm thấy rằng mình phát triển hơn so với người Hoa Ha, nhưng chúng ta đã không đủ tỉnh táo nhận ra, rằng sự tự hào đó không có cốt lõi sự thật. Đúng là người Hoa Hạ đã mượn nhiều thứ của người Việt, nhưng để biết họ nhận, “chiếm đoạt” những gì, chúng ta cần có bằng chứng khoa học, khảo cổ chứng minh, nếu không rất dễ rơi vào cái bẫy của sự ảo tưởng. Nếu nhìn nhận một cách sâu sắc hơn, phải chăng tư tưởng cho rằng Hoàng Đế, hay các triều đại Hạ Thương Chu là Việt, là một mưu đồ đồng hóa người Việt? Chúng tôi nhận thấy đằng sau giả thuyết này dường như là một sự tính toán nhằm mục đích khiến người Việt cho rằng các triều đại Hạ Thương Chu là tổ của người Việt, đó sẽ là nền tảng cơ bản của sự đồng hóa, khi cả hai tộc người đều nhận các triều đại này là nguồn gốc của mình. Đây cũng chỉ mới là giả thuyết, nhưng có lẽ nó có thể là nguyên nhân thực sự đằng sau các giả thuyết này.

Sự tự ti khiến chúng ta dễ dàng tin vào những thứ hão huyền

Sự tự ti khiến chúng ta phải bám víu vào những niềm tự hào hão huyền, đôi khi chúng ta còn tạo nên những thứ không có thực, để nâng cao lòng tự hào của người Việt, chúng tôi đã nhiều lần chứng kiến những bảng xếp hạng (đôi khi là từ một tạp chí vô danh nào đó) được người Việt đề cao, xem trọng, xem đó như một sự nâng cao sự tự hào của dân tộc, điều này quả thực rất nguy hiểm, bởi người Việt đang tin vào những thứ không có thực, không biết tinh thần dân tộc của mình đang được “nâng cao” bằng sự trống rỗng.

Sự tự hào từ những thứ như vậy, cũng một phần tới từ việc chúng ta không có khả năng nhận diện những gì mà mình có, những giá trị của những gì dân tộc mình sở hữu. Chúng ta không có đủ niềm tin vào bản thân, phải chờ người ngoài đánh giá, mới dám tin vào năng lực, vào khả năng của bản thân, của dân tộc mình, xem những gì người ngoài nói là chân lý, còn những điều người Việt nói đều không có giá trị. Đó là một vấn đề rất lớn đối với tinh thần của người Việt trong bối cảnh sự phát triển của đất nước và dân tộc.

Sự tự ti, mặc cảm dân tộc dẫn tới tinh thần vọng ngoại

Sự tự ti, mặc cảm dân tộc cũng sinh ra tinh thần vọng ngoại, tôn thờ các quốc gia, các nền văn hóa khác, quay lưng với văn hóa Việt, quay lưng với đất nước Việt Nam. Trong xã hội người Việt ngày nay, không khó để nhận ra xu hướng vọng ngoại đang ngày càng phổ biến hơn. Sự tôn sùng các nền văn hóa, các quốc gia cũng đi cùng với sự quay lưng với dân tộc, với đất nước sinh ra và nuôi họ lớn lên.

Có không ít bạn trẻ ngày nay không có tinh thần dân tộc, tôn sùng những diễn viên, ca sĩ của Trung Quốc mà quay lưng với chủ quyền dân tộc, chọn bảo vệ thần tượng của mình, đứng về phía Trung Quốc, mặc kệ những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tới lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam.

Hay cũng có những người đứng về các nền văn hóa mà họ tôn sùng, như Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, mà phủ nhận những đau thương mà người Việt đã phải trải qua vì các quốc gia này trong khoảng 1000 năm gần đây. Danh sách các nền văn hóa, các quốc gia trở thành “thần tượng” dường như ngày càng nhiều hơn. Sự thần tượng một cách cực đoan đã trở thành một “căn bệnh” trong xã hội của người Việt ngày nay.

Sự tôn thờ văn hóa Hoa Hạ

Sự mặc cảm, tự ti, không có tinh thần dân tộc, không ý thức được nguồn gốc dân tộc của mình cũng là một phần nguyên nhân khiến không ít người Việt có xu hướng tôn thờ văn hóa Hoa Hạ, nền văn hóa đã ảnh hưởng rất sâu sắc tới người Việt trong suốt hơn 2000 năm gần đây. Đây có lẽ là dòng tư tưởng lâu đời nhất, có sức ảnh hưởng mạnh nhất, những người tôn sùng văn hóa Hoa Hạ coi mọi thứ liên quan tới văn hóa Hoa Hạ là vượt trội, là văn minh, những người tôn sùng văn hóa Hoa Hạ thường có xu hướng phủ nhận tuyệt đối nguồn gốc của người Việt, phủ nhận, chối bỏ những giá trị văn hóa cổ truyền, chối bỏ tổ tiên của mình. Đôi khi, họ dường như quan tâm tới văn hóa dân tộc, nhưng điều mà họ quan tâm, thực ra là những yếu tố văn hóa có liên quan tới Trung Quốc có trong văn hóa của người Việt thời trung đại.

Sự tôn sùng văn hóa và con người phương Tây

Tư tưởng tôn sùng phương Tây cũng là dòng tư tưởng có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ, nó chính là di hệ của chế độ thực dân phương Tây, xuất phát sâu xa từ sự mặc cảm và tự ti về chủng tộc mà thực dân phương Tây ngày xưa đã dựng nên và tuyên truyền rộng rãi với các dân tộc bị họ thuộc địa, tinh thần ấy có thể thấy được rất rõ ràng trong không chỉ người Việt mà còn là ở các quốc gia phát triển ở Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, sự ảnh hưởng này có thể thấy được ở hầu hết các quốc gia Đông Nam Á. Ngày nay, thì bộ máy tuyên truyền của thế giới nằm trong sự thống trị của phương Tây, những giá trị của văn hóa phương Tây được đề cao, thế giới học thuật, khoa học cũng do phương Tây thống trị, nên tư tưởng của nhân loại nhìn chung bị tác động rất mạnh bởi thế giới quan cho rằng phương Tây là trung tâm, là văn minh, các cách thức hạ thấp các nền văn hóa khác thông qua học thuật, thông qua phương tiện truyền thông.

Với người Việt, thì sự ảnh hưởng của đã trực tiếp sinh ra những con người tôn thờ văn hóa phương Tây, chê bai người Việt, văn hóa Việt, lịch sử dân tộc Việt. Tư tưởng này biểu hiện rõ nét nhất trong sự “hiếu khách” đặc biệt mà người Việt dành cho người phương Tây, người Việt quả thực rất hiếu khách, dù là với người Việt hay với bất cứ ai tới nhà, nhưng sự hiếu khách mà người Việt dành cho người phương Tây đã tới mức tôn sùng, hay thậm chí là mù quáng. Nếu chúng ta thực sự biết về nguồn gốc của dân tộc mình, hiểu được giá trị của văn hóa Việt, của dân tộc Việt, thì lúc ấy, chúng ta sẽ nhận ra những ảnh hưởng từ quá khứ, nhận ra những gì mà người phương Tây đang cố gắng thực hiện để duy trì sự thống trị tuyệt đối của mình, nhận ra những sự mù quáng mà chúng ta đang bị ảnh hưởng trong vô thức mà không hề nhận ra.

Nhận thức về nguồn gốc dân tộc cũng tác động tới sự đoàn kết

Sự đoàn kết có liên quan tới nguồn gốc dân tộc hay không? Câu trả lời là có. Sự đoàn kết có nguồn gốc quan trọng tới từ ý thức thống nhất về nguồn gốc dân tộc, như người Hoa Hạ đề cao Hoàng Đế, hay người Nhật đề cao nữ thần Amaterasu, họ luôn nói rằng tất cả người dân nước họ đều là con cháu của các nhân vật đó.

Hãy lùi về một không gian lịch sử xa hơn, đó là thời kỳ Hồng Bàng và Hùng Vương, từ các nghiên cứu lịch sử, chúng ta đã thấy được rằng người Việt có một ý thức về nguồn gốc và sự thống nhất cực kỳ mạnh mẽ, nó có nguồn gốc từ đâu, mà trải qua một quá trình dài hàng nghìn năm của lịch sử, mà người Việt vẫn thống nhất về ý thức dân tộc và văn hóa? Câu trả lời chính là ý thức Tiên – Rồng. Ngày nay, ý thức Tiên – Rồng đã phai nhòa, không còn sức ảnh hưởng rộng khắp, hầu hết các dân tộc cũng đã quên đi nó, khiến chúng ta xem nhẹ giá trị của nguồn gốc Rồng – Tiên, tuy nhiên, trong thời cổ đại, ý thức về nguồn gốc dân tộc cũng chính là ý thức về con cháu Rồng – Tiên, tất cả người Việt đều sinh cùng một bọc, từ một mẹ sinh ra, đều là anh em, có ý thức thống nhất như vậy, chính là nền tảng cực kỳ quan trọng để người Việt có sự thống nhất lâu dài trong một cộng đồng chung.



Tiên (chim Tiên) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà, cội nguồn của người Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]



Ý thức Rồng – Tiên trên các trống đồng và đồ đồng Đông Sơn.

So sánh với các văn hóa Hoa Hạ và văn hóa Nhật Bản, thì ý thức cũng là tương đồng, nó cũng chính là chất keo gắn kết toàn bộ dân tộc, nhưng khác với người Nhật, người Hoa, thì người Việt lại có tới hai vị Tổ, nó cũng chính là ý thức văn hóa quan trọng nhất đối với người Việt, từ đây, người Việt tạo nên từ hai yếu tố âm và dương, sự cân bằng luôn luôn hiện hữu trong người Việt, đó cũng chính là yếu tố quan trọng để văn minh của người Việt có thể tồn tại một cách bền vững và lâu dài như vậy.

Khi có một ý thức thống nhất về nguồn gốc dân tộc, chúng ta sẽ ý thức được những người anh em của mình, xây dựng được tình đoàn kết, bởi tất cả đều cùng một nguồn gốc, làm cơ sở cho sự tương trợ lẫn nhau trong các hoạt động xã hội, hoạt động kinh tế trong và ngoài nước.

Thử nhìn vào xã hội của người Việt ngày nay, điều mà chúng ta thấy rõ nhất, đó là sự không đoàn kết. Sự chia rẽ của người Việt không tới mức cực đoan, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của đất nước. Mâu thuẫn tiêu biểu nhất chính là sự chia rẽ vùng miền, người Việt các vùng miền thường có thái độ kỳ thị lẫn nhau, người vùng này kỳ thị vùng kia, tỉnh này kỳ thị tỉnh kia. Hay khi người Việt khi đi ra nước ngoài, có một câu nói mà người Việt thường nhắc nhau khiến chúng tôi cảm thấy rất đau lòng, đó là nên cẩn thận với người Việt, đáng lẽ khi đi ra nước ngoài, người mà chúng ta có thể tin tưởng nhất là đồng hương, thì ngược lại, chúng ta lại cần cẩn thận với họ! Quả thực là một nghịch lý rất đáng buồn. Bên cạnh đó, sự không đoàn kết được thể hiện trong các hoạt động kinh tế, khi người Việt có khi không hỗ trợ nhau làm ăn, mà không ít trường hợp lừa đảo, hãm hại những người làm ăn cùng mình. Những hiện trạng đó gần như là một hiện tượng phổ biến trong thực tế xã hội của người Việt, từ đó, chúng ta mới thấy được ý thức thống nhất của người Việt đã bị tàn phá tới mức nào.

Như chúng tôi đã phân tích ở trên, chúng ta cần xem xét lại việc giáo dục về cội nguồn và ý thức dân tộc, để xây dựng tinh thần dân tộc, củng cố sự đoàn kết của người Việt, kết nối người Việt thành một khối, sự đoàn kết chính là sức mạnh để người Việt có thể vươn tới những tầm cao mới, và nguồn gốc là một trong những chìa khóa quan trọng nhất để hình thành nên tinh thần đoàn kết. Có như vậy, người Việt mới có thể hình thành nên tinh thần đoàn kết, tương trợ, bảo vệ và đùm bọc lẫn nhau, loại bỏ những ảnh hưởng tiêu cực mà sự không đoàn kết, nghi kị lẫn nhau đã và đang tạo ra trong xã hội người Việt ngày nay.

Những tấm gương

Những tấm gương mà chúng ta đang ngưỡng vọng: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, tại sao họ lại giàu mạnh? Câu trả lời phần lớn tới từ sự ý thức về sự thống nhất và đoàn kết dân tộc, sử dụng nguồn gốc như một sự đoàn kết, nêu cao tinh thần dân tộc.

Nghiên cứu văn hóa, tuyên truyền văn hóa, tuyên truyền về các truyền thuyết cội nguồn là những hoạt động mà người Trung Quốc rất xem trọng và tập trung tiến hành, quá trình nghiên cứu về văn hóa cổ, cho chúng tôi thấy được người Hoa Hạ cực kỳ đề cao nguồn gốc Hoàng Đế, đề cao sự nghiên cứu, tuyên truyền về văn hóa, lịch sử. Tuy tinh thần của họ rất cực đoan, nhưng không thể phủ nhận rằng người Trung Quốc quả thực có ý thức dân tộc rất cao. Giá trị của ý thức cội nguồn đối với người Trung Quốc đã được họ chú tâm từ rất lâu, các chủ thuyết văn hóa đã sớm được họ đề ra, họ tự đặt mình vào trung tâm, là bề trên giáo hóa cho tất cả các dân tộc xung quanh. Đây chính là yếu tố cốt lõi để họ thu nạp, đồng hóa tất cả các dân tộc nơi họ chiếm được, xoay chuyển họ vào vòng xoáy ý thức Hoa Hạ, bị kéo vào ý thức thống nhất về nguồn gốc “Hoa” mà người Hoa Hạ đã đề ra. Từ đó, sự đoàn kết được nảy sinh khi tất cả người dân đều ý thức được nguồn gốc của mình, ý thức được cần phải bảo vệ, tương trợ lẫn nhau mọi lúc, mọi nơi. Người Trung Quốc khi di cư sang các vùng khác, thường tụ họp với nhau xây dựng chợ búa, tương trợ nhau bằng những hình thức rất thiết thực, như hỗ trợ nhà cửa, vốn làm ăn. Đấy là nội lực tạo nên sức mạnh của Trung Quốc trong suốt chiều dài lịch sử.

Câu chuyện Nhật Bản, Hàn Quốc điển hình hơn về tinh thần dân tộc, chúng ta không lạ lẫm gì với những câu chuyện, người Nhật Bản, Hàn Quốc có tinh thần rất cao trong việc ủng hộ, góp phần vào sự phát triển kinh tế của đất nước, họ ưu tiên sử dụng hàng nội địa, mặc dù chất lượng sản phẩm ban đầu có thể chưa tốt, nhưng họ ý thức được rằng, sự ủng hộ sẽ là nền tảng để giúp cho các công ty của họ lớn mạnh, từ đó có nội lực để có thể vươn ra được biển lớn. Không chỉ là người dân, mà các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản khi đi ra nước ngoài, họ cũng thường ưu tiên mua máy móc, vật liệu từ các công ty trong nước, liên kết với các công ty đồng hương để làm ăn, tương trợ lẫn nhau trong các hoạt động tại nước ngoài, người dân các quốc gia này khi ra nước ngoài cũng thường ưu tiên mua hàng hóa sản xuất trong nước, hạn chế mua hàng của quốc gia sở tại. Sức mạnh của các quốc gia này là sự đoàn kết, họ có được ngày nay cũng chính là từ sự đoàn kết. Sự đoàn kết tới từ ý thức và lòng tự tôn dân tộc. Chúng có nền tảng rất quan trọng, chính là ý thức thống nhất về cội nguồn.

Sự tự ti ngăn cản người Việt bộc lộ năng lực thực của mình

Sự tự tin, niềm tin, lý tưởng tạo nên cho con người ta những sức mạnh phi thường, tại sao trong lịch sử, chúng ta lại có những sức mạnh phi thường để đánh bại những kẻ thù hùng mạnh? Đó chính là bởi niềm tin, lòng tự tôn dân tộc, sự đoàn kết, lý tưởng bảo vệ độc lập dân tộc, đã tạo nên một sức mạnh để người Việt đánh bại mọi thế lực xâm phạm chủ quyền của tổ quốc. Trong không gian của một cá nhân đơn lập, thì có niềm tin vào bản thân, có lòng tự tôn, có lý tưởng, cũng chính là chìa khóa tạo nên những thành công vĩ đại, câu chuyện thành công bởi sức mạnh được tạo nên từ niềm tin, lý tưởng có lẽ không còn lạ lẫm gì với thế giới thông tin rộng mở và tiếp cận mọi người một cách nhanh chóng ngày nay. Soi chiếu vào một người Việt, vừa là một cá nhân đơn lẻ, vừa là một thành phần của dân tộc, thì khi người Việt mang trong mình niềm tự ti dân tộc, đây chính là một yếu tố cản trở người Việt phát triển năng lực thực sự của mình, họ không tự tin vào năng lực bản thân mình, không có hướng phát triển năng lực một cách phù hợp, không có động lực để hướng tới những tầm cao, làm nên những thành tựu. Sự tự tôn về nguồn gốc dân tộc là nhân tố quan trọng để chúng ta ý thức về giá trị của bản thân mình, làm nền tảng để phát triển những năng lực một cách liên tục, chúng tôi đã trực tiếp trải nghiệm về những tác động trong nhận thức về nguồn gốc dân tộc đối với năng lực cá nhân, sự tự ti dân tộc mà chúng tôi đã từng có đã ngăn cản khả năng phát triển của chúng tôi, nhưng khi nhận diện được nguồn gốc dân tộc của mình, chúng tôi bắt đầu ý thức được giá trị của bản thân, hay rộng hơn là giá trị của dân tộc mình, đó là động lực rất lớn lao để chúng tôi có thể phát triển tới ngày hôm nay, hướng tới những điều thiết thực và hữu ích, và ý thức về nguồn gốc dân tộc như một lý tưởng soi sáng cho những gì chúng tôi muốn hướng tới nhằm giúp văn hóa dân tộc và phần nào đó là đất nước phát triển. Người Việt rất thông minh, trong điều kiện kinh tế chưa phát triển, nhưng họ đã sánh vai với các cường quốc kinh tế trên thế giới về năng lực học tập. Mặc dù đó là một sự chứng minh năng lực của người Việt, nhưng, những năng lực thực sự của người Việt chưa được bộc lộ một cách đầy đủ, một phần nguyên nhân, là bởi chúng ta đang thiếu đi niềm tin và khát vọng, niềm tin về giá trị của bản thân và giá trị của dân tộc. Những quốc gia phát triển đa phần đều có niềm tin, lòng tự tôn, thậm chí là sự kiêu ngạo về giá trị của dân tộc mình, đó chính là nền tảng để họ phát triển được năng lực bản thân, từ đó thực hiện những công việc có tầm vóc, có sức ảnh hưởng. Nếu như người Việt ý thức hơn về nguồn gốc dân, về giá trị của dân tộc, giá trị của bản thân mình, đó sẽ là chìa khóa quan trọng mở ra một tương lai mới trong lịch sử phát triển của người Việt.

Văn hóa chính là gốc rễ của một dân tộc

Nguồn gốc dân tộc bao gồm cả nền tảng văn hóa cổ đại, nếu một dân tộc là một cái cây, thì văn hóa chính là gốc rễ, tạo nên nền tảng, sức sống để nuôi sống cây, cây có to lớn, phát triển tốt đẹp được hay không phần lớn là nhờ vào rễ cây. Văn hóa Việt trong một thời gian quá dài, đã bị đánh bật khỏi gốc rễ đó của mình, đánh mất đi bản sắc dân tộc, chịu những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa một cách nặng nề. Nền tảng, gốc rễ của văn hóa Việt thời kỳ Hùng Vương vẫn được các triều đại Lý – Trần và trước đó kế thừa, nền tảng văn hóa cổ đại chính là nguyên nhân cốt yếu giúp người Việt tạo nên bản sắc riêng biệt trong các triều đại này, tạo nên một quốc gia Việt phát triển rực rỡ cả về kinh tế, chính trị và văn hóa. Văn hóa cội nguồn của dân tộc chính là nền tảng tạo ra sự đơm hoa kết trái trong các thời đại Lý và Trần. Khi nhà Minh xâm lược, chúng đã nhận ra mối nguy hiểm trong sự phát triển của người Việt trong các triều đại này, nên khi chiếm đóng thành công đất Việt, Chu Đệ đã đề r những chính sách thâm độc, tàn phá toàn bộ sách vở, văn tự, di tích văn hóa của người Việt, cũng chính là một hành động đánh bật người Việt khỏi gốc rễ văn hóa của dân tộc mình, hành động này khiến sự phát triển của người Việt sau đó hoàn toàn chệch hướng. Nền tảng văn hóa cổ của người Việt đã mất đi, khiến cho văn hóa Việt ngày càng bị ảnh hưởng và chi phối bởi các chủ thuyết, tư tưởng của văn hóa Trung Hoa, đặc biệt là những ảnh hưởng của Nho giáo. Giai đoạn 600 năm sau đó là liên tục những cuộc nội chiến, chiến tranh, sự yếu nhược của triều đình nhà Nguyễn khiến đất nước suy yếu một cách nghiêm trọng, dẫn tới sự sụp đổ trước những bước chân xâm lược của người Pháp, từ đó tới nay, người Việt đã trải qua rất nhiều những cuộc chiến tranh giành độc lập, và bảo vệ nền độc lập dân tộc, hầu như từ đó cho tới gần đây, không có lúc nào dân tộc được bình yên phát triển. Giông bão sẽ còn ở phía trước, nếu chúng ta không nhận ra nền tảng, gốc rễ văn hóa có tầm quan trọng như thế nào với tương lai dân tộc.

Xét về lịch sử xa hơn khi người Việt còn được phát triển hòa bình và độc lập, thì trong suốt quá trình tồn tại trong độc lập, người Việt cũng trải qua một nốt trầm lớn, đó là sự kiện hạn hán trong vùng Dương Tử khiến người Việt phải rời bỏ vùng đất Tổ để di cư về phía Nam, nhưng gốc rễ văn hóa mà họ đã dựng xây được vẫn còn đó, không bị tác động, tàn phá một cách chủ quan, nên trong thời gian sau đó, văn hóa của người Việt vẫn tiếp tục được kế thừa, phát triển, để rồi nó đơm hoa, kết trái thành nền văn hóa Đông Sơn có sức ảnh hưởng rộng rãi trong khắp vùng Đông Á và Đông Nam Á.

Từ đó, chúng ta có thể thấy được nền tảng văn hóa dân tộc, văn hóa cổ đại chân chính của dân tộc Việt là quan trọng tới như thế nào, có gốc rễ, thì lá cây mới xanh tươi, có nền tảng văn hóa, thì dân tộc mới có thể phát triển một cách tự nhiên, vượt qua những giới hạn của hiện tại, và vươn tới những tầm cao mới. Chúng ta luôn mong muốn thoát khỏi những ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, nhưng mong muốn ấy không bao giờ thành hiện thực, nếu chúng ta không tìm về bản thể của mình, không biết dân tộc mình là ai, từ đâu tới, không ý thức được về giá trị, nguồn gốc của dân tộc mình. Con đường duy nhất mở ra tương lai mới, đó là hướng về cội nguồn, hướng tới sự khôi phục lại những giá trị văn hóa cổ, có như vậy, chúng ta mới có thể hy vọng vào một sự đột phá tới những tầm cao mới trong sự phát triển của dân tộc, của đất nước.

Con đường hướng tới tương lai

Từ những tác động rất lớn lao của vấn đề nguồn gốc dân tộc với sự phát triển của đất nước nói chung và tương lai của dân tộc Việt nói riêng như vậy, chúng tôi mong muốn đề xuất, rằng nhà nước sẽ xem trọng hơn giá trị của vấn đề nguồn gốc dân tộc, đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu một cách toàn diện và sâu sắc về nguồn gốc dân tộc dựa trên tinh thần khoa học, khách quan, tôn trọng sự thực. Từ đó, làm nền tảng xây dựng một kế hoạch toàn diện đưa nguồn gốc dân tộc tới với người Việt, trong đó quan trọng nhất là việc xây dựng tinh thần dân tộc, ý thức dân tộc thống nhất, xây dựng lòng tự tôn, tự trọng dân tộc, phát triển tinh thần đoàn kết, tương trợ, đùm bọc lẫn nhau, khôi phục ý nghĩa về sự đoàn kết dân tộc từý thức Tiên Rồng và bọc trăm trứng. Các hoạt động cần thiết để tương lai này có thể trở thành hiện thực: đưa nguồn gốc dân tộc vào chính sử, vào sách giáo khoa, giáo trình đại học, xuất bản sách vở nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc, đưa nguồn gốc dân tộc vào các phương tiện thông tin đại chúng đầu tư thu hút nhân tài trong lĩnh vực văn hóa, thực hiện các công trình nghiên cứu di truyền, khảo cổ, tích cực khám phá, đào xới những di sản của văn hóa dân tộc thời Phùng Nguyên cho tới Đông Sơn (ngoài những ngôi mộ táng), thực hiện những kế hoạch tuyên truyền, đưa các nét văn hóa cổ gần tới người Việt hơn. Và quan trọng nhất, đó chính là việc khôi phục những nét văn hóa cổ đại của người Việt, khôi phục văn hóa Tiên Rồng, khôi phục lễ tế Trời và đưa trống đồng trở về đúng với ý nghĩa của nó.

Ý thức về cội nguồn dân tộc sẽ là chìa khóa để người Việt hướng tới tương lai, ý thức được giá trị của dân tộc sẽ là nền tảng để họ có niềm tin về bản thân, có lý tưởng để góp phần xây dựng phát triển đất nước, người Việt có được tinh thần, sự đoàn kết sẽ tạo nên nội lực cực kỳ mạnh mẽ cho đất nước, có ý thức thực hiện những hành động thiết thực để trực tiếp góp phần vào một con đường tương lai mới rộng mở và rực rỡ hơn.

Tất nhiên, ý thức về cội nguồn dân tộc không phải là tất cả, mà còn cần sự phối hợp với các vấn đề: giáo dục, tổ chức xã hội, kỷ cương luật pháp, các chính sách xã hội… Sự cân bằng giữa những yếu tố đó mới tạo nên một “bản kế hoạch” hoàn hảo để chúng ta có thể hưởng tới tương lai, mà ở đó, người Việt trở về được đúng với vị thế vốn có trong thời cổ đại của mình.





VVM.19.11.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com