Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




MƯỜI CÂU ĐỐI HAY

  


T ừ xưa đến nay, trong văn chương đã lưu lại biết bao câu đối hay, vui, lạ, dù đó là chuyện thật hay giai thoại chăng nữa, thì ta cũng cần gìn giữ nâng niu như là những tác phẩm quí báu để lưu lại cho con cháu sau này.

* HỒ QUÝ LY (1336-1407?) vua đầu tiên của nhà Hồ, người tỉnh Chiết Giang (Trung hoa), tổ tiên là Hồ Hưng Dật từ đời Ngũ Quí sang nước ta, ở làng Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông tổ bốn đời là Hồ Liêm dời ra Thanh Hóa. Khi còn hàn vi, một lần dạo chơi trên bãi biển, tình cờ ông thấy ai đó vạch lên bãi cát phẳng một câu rất hay: “Quảng Hàn cung lý nhất chi mai”. Thấy lời văn tao nhã, Quý Ly nhẩm đọc thuộc lòng.

Khi làm quan dưới triều Trần, một hôm ông được theo hầu vua đến điện Thanh Thử, cảnh trí rất đẹp, chung quanh nhiều cây cối, nhất là những cây quế xanh tốt ngát hương, vua Trần xúc cảnh sinh tình, ra cho các quan một vế đối:

Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế

Trong khi các quan còn đang bối rối chưa nghĩ ra vế đối thì Quý Ly chợt nhớ ra câu đã thuộc lòng bèn đọc lên ngay, không ngờ lại thành một vế đối rất hay, rất chỉnh:

Quảng Hàn cung lý nhất chi mai

Cả hai câu có nghĩa là:

Thanh Thử điện này nghìn gốc quế
Quảng Hàn cung nọ một cành mai

Các quan tấm tắc ngợi khen. Vua Trần lại càng kinh ngạc vì nhà vua có một cô công chúa tên là Nhất Chi Mai luôn ở trong cung cấm, không mấy khi ra ngoài. Vua hỏi Quý Ly:

- Công chúa của trẫm tên là Nhất Chi Mai, còn cung của công chúa trẫm đặt tên là Quảng Hàn cung, chưa từng nói với ai, sao ngươi biết được?

Không còn cách nào khác, Quý Ly đành phải khai sự thật. Vua cho là duyên số bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Hồ Quý Ly.

Chuyện này được học giả Lê Quý Đôn ghi lại trong cuốn Kiến văn tiểu lục.

* NGUYỄN GIẢN THANH (1480-?) người làng Ông Mặc (nay là Hương Mặc), huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh, đỗ trạng nguyên khoa Mậu Thìn (1508) đời Lê Uy Mục. Làng Ông Mặc tục gọi là làng Me nên người đương thời gọi Nguyễn là Trạng Me.

Hồi ông còn đi học, một hôm trời mưa to, học trò không về được, thầy giáo Đàm Thận Huy mới ra một vế đối để làm vui:

Vũ vô kiềm tỏa năng lưu khách (1)
(Mưa không kìm khóa tài lưu khách)

Nguyễn Giản Thanh đối ngay:

Sắc bất ba đào dị nịch nhân
(Sắc chẳng sóng cồn dễ đắm người)

Nguyễn Chiêu Huấn đối rằng:

Nguyệt tự loan cung bất xạ nhân (2)
(Trăng tựa cung giương chẳng bắn người)

Cụ Đàm bình luận rằng :“Giản Thanh sau này thành người phóng đãng, còn Chiêu Huấn có lòng nhân đức, nhưng cả hai đều đỗ cao”. Quả nhiên về sau Giản Thanh bị lụy vì nữ sắc, còn Chiêu Huấn có một sự nghiệp hoàn toàn tốt đẹp.

* ĐOÀN THỊ ĐIỂM (1705-1746)

Đoàn Thị Điểm biệt hiệu Hồng Hà nữ sĩ, người xã Giai Phạm (sau đổi là Hiến Phạm), huyện Văn Giang, trấn Kinh Bắc, nay thuộc tỉnh Hưng Yên, nổi tiếng văn chương từ khi còn bé. Bà sinh dưới triều Lê, cùng thời với Cống Quỳnh và Đặng Trần Côn, tác giả bản Chinh phụ ngâm bằng chữ Hán mà bà là dịch giả (sau này có người cho rằng bản dịch đó là của Phan Huy Ích?). Bà có người anh ruột là Đoàn Doãn Luân cũng là một tay văn chương cự phách.

Một buổi tối có trăng đẹp, ông Luân ra ao ngắm trăng, đi ngang qua cửa sổ thấy em soi gương trang điểm bèn ra vế đối:

Đối kính họa mi, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm
(Soi gương vẽ mày, một điểm biến thành hai điểm)

Ý nói soi gương, một cô Điểm biến thành hai cô Điểm. Bà ứng khẩu đối ngay:

Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
(Ra ao ngắm trăng, một vầng hóa ra hai vầng).

Luân là bánh xe, tròn như mặt trăng. Ý nói nhìn xuống ao, một ông Luân hóa thành hai ông Luân.Cái khéo trong hai câu này là đưa được tên của hai người (Điểm và Luân) vào câu đối.

* CỐNG QUỲNH (?-?) người làng Bột Thượng, nay là Hoằng Nghĩa, phủ Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, không rõ năm sinh năm mất, sống vào khoảng vua Lê Dụ Tông (1706-1726), Trịnh Cương làm chúa. Ông là người đồng thời và cũng là bạn thơ của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Người đời gọi ông là Trạng Quỳnh vì ông học giỏi, lại xuất khẩu thành chương, ứng đối lanh lẹ, nhưng thật ra ông chỉ đỗ hương cống (cử nhân) chứ không hề đỗ Trạng.

Ông nổi tiếng về văn chương nhưng tính khinh mạn và hay nhạo báng quan trường nên thi hoài không đỗ. Theo lời khuyên của bạn bè, một lần đi thi, ông quyết kiềm thúc tính nết, văn chương viết theo khuôn phép nên đỗ được hương cống. Vậy nhưng trong quyển thi của ông vẫn có những câu trào lộng mà khi quan trường phát hiện thì đã muộn.

Khi làm bài biểu, ông viết hai câu:

Quân tắc cổ, thần tắc cổ, đái hàm quan Ngu Thuấn chi công,
Thượng ung tai, hạ ung tai, ỷ đầu lại Đường Nghiêu chi trị

(Vua theo như vua đời cổ, bầy tôi cũng theo như bầy tôi đời cổ,
dân đều được đội ơn, coi như công của vua Thuấn,
Người trên hòa, người dưới hòa, dân đều được nhờ, ví như đời thịnh trị của vua Nghiêu).

Khi yết bảng đã có tên ông, vậy là Quỳnh trở thành hương cống, nhưng lúc các quan trường xem lại những bài được chấm đỗ thì mới phát hiện trong bài của ông có những chữ rất khó nghe: tắc cổ, ung tai, đái (vào) hàm quan, ỷ (lên) đầu lại…Thì ra ông cố tình dùng chữ Hán có âm tiếng Việt tục tằn, hiểu theo Hán văn thì đúng nghĩa, mà đọc theo âm Việt thì rất thô bỉ, nhưng đã yết bảng, đã cho đỗ rồi thì không thể đánh hỏng.

* NGÔ THỜI NHIỆM (Ngô Thì Nhậm) (1746-1803) là con của Ngô Thì Sĩ, quán làng Tả Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Ông làm quan thời chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, nhưng vì vụ Trịnh Khải, cha ông uống thuốc độc tự tử nên ông bỏ chức, sau đó về phò tá Nguyễn Huệ, được trọng dụng, phong tước Tĩnh phái hầu, dùng làm mưu thần.

Đặng Trần Thường thấy Nhiệm làm quan to bèn đến xin làm một chân nho sĩ trong phủ. Nhiệm thấy thái độ của Đặng khúm núm quá, không ưa, khuyên Đặng nên tìm đường tiến thủ tốt hơn, nhưng lời nói có vẻ cứng cỏi trước mặt nhiều người nên Đặng xấu hổ bỏ đi vào Nam đầu chúa Nguyễn.

Tây Sơn mất, Ngô Thời Nhiệm bị bắt về Thuận Hóa rồi giải ra Bắc. Bấy giờ Đặng Trần Thường được Gia Long trọng dụng nên đây là cơ hội trả thù. Khi Nhiệm bị áp giải đến trước sân để nhận trận đòn thì Đặng mỉm cười đọc một vế đối:

Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai

Nhiệm đối lại liền:

Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

Đặng giận lắm, ngầm bảo lính đánh Nhiệm cho đến chết. Nhưng không lâu sau, Đặng làm Binh bộ thượng thư bị dèm pha, bị khép án tử hình phải thắt cổ chết.

* NGUYỄN TRI PHƯƠNG (1800-1873) Ông tên là Nguyễn Văn Chương, tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên, người làng Chi Long, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, làm quan từ đời Minh Mạng tới đời Tự Đức thăng đến chức phụ chính đại thần. Ông rất thanh liêm nên cảnh nhà thanh bạch.

Ông có công bình định được Cao Miên, làm Kinh lược sứ Nam kỳ (1851), đắp đồn Kỳ Hòa (Chí Hòa) để chống Pháp. Sau hòa ước Nhâm Tuất (1862), vua phái ông ra Bắc dẹp được giặc Cai Tổng Vàng (1863) Tạ Văn Phụng (1865).

Ngày 5-11-1873 Francis Garnier đem binh ra Hà Nội, đóng ở Trường Thi. Sáng sớm ngày 20-11, bất thình lình Pháp tấn công thành Hà Nội và chỉ trong vòng mấy giờ đã hạ được thành. Phò mã Lâm, con trai Nguyễn Tri Phương, tử trận, Nguyễn Tri Phương bị bắt, không chịu để cho Pháp băng bó rồi nhịn ăn mà chết.

Việc để thất thủ Hà Nội là một tội lớn nên Nguyễn Tri Phương tuy đã chết nhưng cũng bị cách chức. Sau vua Tự Đức nghĩ lại, thương người trung nghĩa nên sai lập nhà thờ tại làng Chi Long gọi là Trung Hiếu từ để thờ Nguyễn Tri Phương, Nguyễn Duy (em ông) và Nguyễn Lâm. Đầu năm Bính Tuất (1886), Nguyễn Tri Phương được thờ trong miếu Trung liệt ở Hà Nội cùng với Hoàng Diệu và Nguyễn Cao. Trong miếu có đôi câu đối của Thám hoa Vũ Phạm Hàm:

Thử thành quách, thử giang sơn, bách chiến phong trần dư xích địa
Vi nhật tinh (3) vi hà nhạc (4), thiên niên tâm sự cộng thanh thiên

(Vẫn thành quách, vẫn non sông, trăm trận xông pha còn đất đỏ
Nào nhật tinh, nào hà nhạc, ngàn năm tâm sự có trời xanh).

* BÙI HỮU NGHĨA (1807-1872), hiệu Nghi Chi, người làng Long Tuyền, huyện Bình Thủy, tỉnh Cần Thơ, đỗ giải nguyên trường Gia Định năm 28 tuổi (1835, Minh Mạng 16) nên thường gọi là Thủ khoa Nghĩa. Ông được bổ làm Tri phủ Trà Vang (tỉnh Vĩnh Long) dưới quyền Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện.

Bấy giờ người Hoa lo lót với Tổng đốc Uyển và Bố chánh Truyện để tranh giành thủy lợi với người Thổ và đắp đập để khai thác. Các hào mục Thổ kéo đến kiện ở dinh Bùi Hữu Nghĩa. Ông xử rằng:

“Việc tha thuế thủy lợi là ân huệ của vua Thế Tổ (Gia Long) ban cho dân Thổ. Nay ai nhỏ hơn vua Thế Tổ mà đứng bán rạch ấy thì có chém đầu nó cũng không sao”.

Được lời xử ấy, dân Thổ bèn phá đập của người Hoa. Xung đột dữ dội xảy ra, bên phía người Hoa chết mất tám người. Tổng đốc Vĩnh Long bắt nhiều dân Thổ và bắt luôn Thủ khoa Nghĩa giải về Gia Định kết án tử hình và đệ sớ lên triều đình Huế xin phê chuẩn.

Trước nỗi oan của chồng, bà Thủ khoa Nghĩa (Nguyễn Thị Tồn) lặn lội ra Huế, đến Tam pháp ty khua ba hồi trống “kích cổ đăng văn” để minh oan cho chồng. Tam pháp ty nghị án rồi vua chung thẩm bản án như sau :“Tha tội tử hình cho Bùi Hữu Nghĩa nhưng phải quân tiền hiệu lực, lập công chuộc tội”.

Cứu được chồng xong, bà thủ khoa xuống thuyền về quê. Trên đường về, vì quá vất vả cực nhọc nên bà đã nhuốm bệnh rồi từ trần. Ông thủ khoa hay tin thì đã muộn, lúc về đến nơi việc tống táng đã xong xuôi, ông làm một bài văn tế rất thống thiết và viết đôi câu đối thờ vợ như sau:

Ngã bần, khanh năng trợ ; ngã oan, khanh năng minh ; triều dã giai xưng khanh thị phụ
Khanh bệnh, ngã bất dược ; khanh tử, ngã bất táng ; giang sơn ưng tiếu ngã phi phu

(Ta nghèo, mình giúp đỡ ; ta tội, mình kêu oan ; triều quận đều khen mình đáng vợ,
Mình bệnh, ta không thuốc ; mình chết, ta không chôn ; sông núi cười ta chẳng xứng chồng).

* NGUYỄN KHUYẾN (1835-1909) hiệu Quế Sơn, người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình nên gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Cụ làm quan đến chức Tuần phủ. Khi được bổ đi sung chức Sơn Hưng Tuyên Tổng đốc thì cụ bị đau mắt nặng nên xin cáo quan về dạy học.

Lúc cụ bà Nguyễn Khuyến mất, cụ có làm đôi câu đối khóc vợ như sau:

Nhà chỉn cũng nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng, le te chân trước chân sau, vì tớ đỡ đần trong mọi việc
     Bà đi đâu vội mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá tọa, gật gù tay đũa tay chén, lấy ai kể lể chuyện trăm năm.

* VŨ PHẠM HÀM (Thám Hàm - 1864-1906) tự Mộng Hải, hiệu Thư Trì, người làng Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Cụ học giỏi, cũng như Nguyễn Khuyến, đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình, nên người đời gọi là Tam nguyên. Cụ giành học vị Thám hoa (1892) nên được gọi là Thám Hàm. Cụ nhận chức Giáo thụ, sau thăng Đốc học Hà Nội rồi Án sát Hải Dương. Khi làm Đốc học ở Hà Nội, cụ cùng với Chu Mạnh Trinh làm tờ Đại Nam đồng văn nhật báo.

Lúc qua chơi Kiếp Bạc, cụ có đề đôi câu đối trước đền:

Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Lục Đầu vô thủy bất thu thanh
(5)
(Vạn Kiếp núi cao hơi kiếm tỏa
Lục Đầu (6) nước chảy tiếng thu vang)

* KHUYẾT DANH

Sau khi vua Tự Đức băng hà (1883), triều đình Huế hết sức rối ren. Hai quan phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết chuyên quyền, tha hồ làm mưa làm gió, chỉ trong bốn tháng mà giết đến ba vua.

Đầu tiên là vua Dục Đức, con nuôi của vua Tự Đức, mới lên ngôi có ba ngày đã bị bỏ ngục vì tội tự ý sửa di chiếu của tiên đế rồi bị bỏ đói cho đến chết. Kế đến là vua Hiệp Hòa vì muốn thỏa hiệp với Pháp, trái với chủ trương chống Pháp của hai ông Tường và Thuyết, nên bị buộc phải uống thuốc độc. Còn vua Kiến Phúc thì chết một cách bí mật. Chính sử nhà Nguyễn chép là vua chết vì bạo bệnh, nhưng nhiều người ngờ rằng vua bị ông Tường sát hại bằng cách bỏ thuốc độc vào thang thuốc chữa bệnh cho vua. Bấy giờ có một nhà nho khuyết danh nào đó (7) đã đưa ra đôi câu đối có thể tóm tắt được tình hình Huế lúc bấy giờ:

Nhất giang, lưỡng quốc, nan phân THUYẾT
Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất TƯỜNG
(8)
(Một sông, hai nước, khôn phân giải,
Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành)

Câu trên tận cùng bằng chữ THUYẾT ám chỉ Tôn thất Thuyết ; câu dưới tận cùng bằng chữ TƯỜNG ám chỉ Nguyễn Văn Tường. Sông đây là sông Hương, hai nước là Pháp và Việt Nam đóng hai bên bờ sông Hương. Ba vua là Dục Đức, Hiệp Hòa và Kiến Phúc. Biện minh cho hành động giết vua là vì công cuộc chống thực dân Pháp nên phải làm thế, dù sao đó cũng là một nỗi đau lịch sử.

(1) Theo Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục thì Vũ vô quan tỏa.
(2) Đây là theo Lê Quý Đôn. Còn theo Lãng Nhân thì Nguyệt hữu cung liêm bất xạ nhân (Trăng có cung liêm nhưng không bắn ai).
(3) Nhật tinh (日星): mặt trời và tinh tú.
(4) Hà nhạc (河岳): sông núi.
(5) Chữ “thu” (秋) gây ra tranh luận từ nhiều năm sau này về ẩn ý của chữ đó, nhưng chưa có giải đáp thỏa đáng. Cụ Lãng Nhân Phùng Tất Đắc, không rõ căn cứ vào đâu mà sửa lại là “Bất trang thanh”. Trang (còn một âm nữa là thung) (椿): cây cọc ; trang thanh là tiếng đóng cọc, nhắc lại chuyện Hưng Đạo vương sai quân đóng cọc dưới lòng sông Bạch Đằng để đánh bại quân Nguyên Mông.
(6) Sông Lục Đầu: nơi tụ hội của sáu con sông: sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam, sông Đuống, sông Kinh Thầy và nhánh chính của sông Thái Bình. Đền Kiếp Bạc ở gần sông Lục Đầu.
(7) Có người cho rằng tác giả hai câu này là Ông Ích Khiêm nhưng không lấy gì làm chắc.
(8) Bản chép khác: Nhất giang, nhị quốc, ngôn nan thuyết,
Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất tường.
(Một sông, hai nước, lời khó nói,
Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành).





VVM.19.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com