Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




KIÊN GIANG:
NHÀ THƠ CHÂN QUÊ VÀ HOA TRẮNG TÌNH-YÊU

  


N hà thơ Kiên Giang đã đến và ở lại văn-học sử Việt Nam với tình-yêu chân quê và mối tình màu hoa trắng. Ông tên thật là Trương Khương Trinh, sinh ngày 17 tháng 2 năm 1929 tại làng Đông Thái, tỉnh Kiên Giang (cùng quê với nhà văn Sơn Nam, vùng rừng U Minh cũng là thế giới tiểu thuyết của Sơn Nam). Ngoài thơ-ca được ký dưới bút hiệu Kiên Giang khi đăng báo và Kiên Giang Hà Huy Hà khi xuất bản, ông còn là soạn giả cải lương Hà Huy Hà và ký giả kịch trường Kiên Giang Hà Huy Hà. Các bút hiệu ‘nghi-trang’ ông đã dùng trên báo chí miền Nam cộng-hòa: Ngân Hà, Nam Bình, Tám H., Trinh Ngọc, Bút Trời, Bút Sài-Gòn, Cửu Long Giang.

Năm 1946, ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm, trưởng Đoàn văn nghệ thiếu nhi cứu quốc tỉnh Rạch Giá, làm biên tập và phóng viên báo Tiếng Súng Kháng Địch ở chiến khu 9 với bút hiệu Huy Hà và ký Kiên Giang khi làm thơ. Ông đã gặp và sống gần gũi nhà thơ Nguyễn Bính trong cùng chiến khu và hai người đã kết nghĩa anh em. Kiên Giang đã kể rằng ông "có nhiều ràng buộc với thi sĩ Nguyễn Bính lúc Nguyễn Bính đến tá túc tại xóm biển Kiên Giang (Rạch Giá). Nguyễn Bính đã khích lệ tôi làm thơ" (1). Sau năm 1955, Kiên Giang trở về Sài Gòn viết báo và làm ký giả kịch trường cho các nhật báo Lẽ Sống, Dân Chủ Mới, Tiếng Chuông, Tiếng Dội, Thời Sự Miền Nam, Dân Ta, Dân Tiến, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng ở Sài-Gòn và Miền Tây ở Cần Thơ; cộng tác với một số tạp chí văn-nghệ như Đời Mới, Bông Lúa, Vui Sống, Nhân Loại (2), Thế Giới, Phổ Thông, v.v., soạn các tuồng kịch cải lương và bài ca vọng cổ. Ông còn là trưởng Ban thơ văn Mây Tần của đài phát thanh Sài-Gòn.

Về tác phẩm, ông đã xuất bản các tập thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (1962, nhà xuất bản Phù Sa của nhà văn Ngọc Linh, nhà văn Thanh Nam đề tựa, 62 trang), Lúa Sạ Miền Nam (NXB Lá Bối, 1970. 80 trang), Quê Hương Thơ Ấu (NXB Phù Sa, 1967, 63 trang). Sau 1975, ông có Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (NXB Văn-học, 1995) được tái bản và có tuyển tập Thơ Kiên Giang (Hà-nội: NXB Văn-hóa thông-tin, 1996. 107 trang). Ông cũng đã soạn nhiều vở cải-lương như Người vợ không bao giờ cưới (1958 với Phúc Nguyên), Ngưu Lang Chức Nữ, Áo cưới trước cổng chùa, v.v. và một số bài tân cổ giao duyên.  

Nhà thơ của hoa trắng tình-yêu

Chính thức gia nhập làng thơ Việt-Nam năm 1952 nhưng thi tập Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím  là tác-phẩm đầu tay của ông, được xuất bản và tái bản cùng năm 1962. Những bài thơ, trường thiên có, ngắn có, gợi nếp sống thanh bình hay cảnh chiến tranh, nhưng cả tập đều đầy hương vị của miền Nam thôn dã, ruộng đồng. Kỷ niệm thời hoa niên, những tình yêu ngang trái hay nhẹ nhàng, những cảnh quê của một miền Nam chưa đô thị hoá, ở khung cảnh và tâm tình con người. Giòng sông uốn khúc chảy ra biển "vẫn nhớ rễ bần, đất Hậu giang", cây đa xiêu vẹo đầu làng, tiếng nhạc xe bò qua cầu Hàng Sanh, màu mực tím từ trái mồng tơi, người mẹ cả đời hy sinh cho chồng con, một cô gái nhỏ ngây thơ, một tà áo tím kỷ niệm,...

Nổi tiếng nhất là bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím được dùng làm tựa tác phẩm, bài thơ mà vào đầu thập niên 1960 những tiếng ngâm Hoàng Oanh, Hồ Điệp, v.v. trên làn sóng điện trong chương trình Tiếng Thơ Mây Tần do Kiên Giang phụ trách trên đài phát thanh Sài Gòn, đã từng làm say mê thính giả một thời và được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím là một trong số những truyện kể của tập: Hai người học trò quen nhau, nàng hay mặc áo tím và cài hoa trắng. Thời gian qua nàng lấy chồng còn chàng đi theo tiếng gọi chống giặc xâm lăng cũng là để bảo vệ những kỷ niệm trân quý thời hoa niên. Một tình-sử đẹp thời chiến tranh chống ngoại xâm. Bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím đã đưa nhà thơ Kiên Giang vào văn-học sử. Một chuyện tình đẹp với những nét thuần-khiết và chân chất. Rất lâu sau này nhà thơ mới tiết lộ cho biết người con gái đối tượng tình-yêu và các chi tiết chung quanh bài thơ. Một chuyện tình thật của nhà thơ với cô Nguyễn Thúy Nhiều, một cô bạn học cùng lớp đệ nhị tại trường tư thục Nam Hưng, Cần Thơ. Tình trong như đã với cả hai nhưng thật câm nín, chàng trai chỉ biết theo bước chân nàng những hôm nàng đi lễ nhà thờ, nàng thường mặc áo tím và cài hoa trắng. Cho đến ngày kháng chiến tháng 8-1945. Ông về quê tham gia kháng Pháp rồi gia đình ép lấy vợ. Mười năm sau gặp lại, người nữ áo tím ngày nào vẫn chờ. "Hai tháng sau, ông nhận được thư bà Nhiều báo sẽ lấy chồng vì Kiên Giang đã có vợ. Người chồng của bà Nhiều cũng tên Trinh và khi sinh đứa con đầu lòng bà đặt tên tên Triều (gồm một nửa Nhiều và Trinh cộng lại)" (3).

Bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím có hai văn-bản: bản đầu ghi sáng tác tại Bến Tre ngày 14-11-1957, gồm 15 đoạn (60 câu), bản thứ hai ghi ‘Gia-Định 28-5-1958’ lược bỏ mất 8 câu và thay đổi một số câu và chữ dùng. Đặc biệt diễn tiến câu chuyện tình và ý tưởng ở cuối hai bản khác nhau nhưng người đọc và thính giả đài phát thanh và ca nhạc đa số chỉ giữ lại đoạn cuối của bài thứ nhất sáng tác vào tháng 11-1957: người nữ áo tím cài hoa trắng sẽ trở lại giáo đường, nhưng trong chiếc áo quan và mối tình sẽ bất diệt.

Trước hết, xin ghi lại văn bản đầu trích từ tuyển tập Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím do nhà Phù Sa xuất bản năm 1962, chúng tôi in nghiêng những câu và chữ sẽ thay đổi ở bản sau. Đầu bài thơ ghi “Tâm-tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo":


"Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xóa không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường

Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

*

Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! chuông nhà trường

Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương

Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

*

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
- Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

*

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường

Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u-tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ

Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu-qui ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu

*

Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang

Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ

Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường

"Lạy Chúa! con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời"
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !!"


(Bến Tre 14-11-57) (Tr. 25-27)

Trong bài này, mối tình đam mê của ‘người trai ngoại đạo’ rất nồng nàn và kết thúc lãng mạn. Ngược lại, ở bài sửa lại sau, ghi ngày 28-5-1958, thay vì nhân vật nữ chết và tình tác-giả vẫn nồng cháy, thì ông để người trai "đã chết hiên ngang dưới bóng cờ" khi bảo vệ ngôi thánh đường và như tác giả sau này cho biết vì muốn người yêu sống hạnh phúc bên chồng con, ông đã đổi một số câu trong bài cho hợp tình ý câu chuyện và đoạn kết bài thơ như muốn tống tiễn mối tình học trò trong trắng ấy (3). Xin ghi lại nguyên bài thứ hai (trong cùng tập do nhà Phù Sa xuất bản, tác-giả để bài năm 1958 lên đầu tập, trang 9-11 và phụ ghi là bài 1, bài năm 1957 thành bài 2, trang 25-27).


"Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường

Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

*

Quen biết nhau qua tình lối xớm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhựt em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường

Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông

Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường

Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi

*

Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường, buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy

*

Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ-vật ban đầu

Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng

Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù

Nhưng rồi người bạn đồng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ

Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi

*

Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc ...tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa"


(Gia-Định 28-5-58) (Tr. 9-11)

Bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím cốt kể một chuyện tình riêng tư đã trở thành một bản tình ca đẹp. Ngoài ra, trong một số bài thơ khác, Kiên Giang đã tỏ những mối tình đơn sơ, thoáng qua, v.v., như trong bài Quán Giữa Đồng:


"Trà Mi có quán giữa đồng,
Có cô gái nhỏ má hồng hữu duyên;
Hữu duyên mà lại chín chuyên,
Nhưng lòng khép kín như phên quán này .
   Trưa vào đúng buổi cày,
Tôi vào quán đợi xế dài ..., cày dâm.
Hôm nào trời đổ mưa dầm,
Tôi vào hơ áo... đợi tàn cơn mưa .
   Chiều chiều gió đẩy gió đưa,
Nhìn xem lá mạ mà mơ duyên nồng.
Tháng ba, cá rốc lên đồng;
Trai làng đã rạ kêu công đầu mùa .
Chiều rồi! ... đồng vọng chuông chùa;
Cày chưa hết việc... mặc giờ hoàng hôn.
Cày trưa thiếu nước thiếu cơm,
Ghé vào quán nhỏ đỡ cơn đói lòng.
Cám ơn cô quán giữa đồng,
Quán nghèo tuy hẹp, mà lòng không thưa .
    Từ khi giặc đốt quán xưa,
Thiếu nơi trú nắng, đụt mưa qua ngày .
Tôi buồn khi thả vốc cày,
đành ngồi dang nắng... đợi chiều cày dâm.
Trời dù mưa mới lâm râm,
Tôi lo thiếu lửa ..., hơ chăn áo nghèo (...)".

Hay những mối tơ duyên quê đơn sơ được kể lể trong bài Cầu Tre. Đặc biệt mở đầu bài thơ, Kiên Giang ghi lời nhắn "Gởi Thùy Nhiêu và thân tặng những bạn đường đang sống quay cuồng giữa đô thành loan vết xe ngựa và cát bụi, chắc không bao giờ hướng mắt về miền quê để mà sống lại với mối tình 'cầu tre' ..." (4). Phải chăng Thùy Nhiêu là Nguyễn Thúy Nhiều, người nữ của Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím? Vì bài được ghi làm ở “Rạch Giá, Thượng tuần tháng Chạp, 1953” tức lúc ông còn ở trong chiến khu, xa người yêu!


"...  Nhà anh ở kế bên cầu,
Nhà em ở cuối đầu cầu bên sông.
Bên sông cứ mỗi hừng đông,
Em ra vo gạo, bến sông bên cầu .
Anh vừa mở cổng thả trâu,
Thấy em, anh vội xé rào nhìn em.
Rồi qua cầu nói với em:
"Cô vo nếp anh thèm mùi xôi"
Vì anh, khi mới hừng trời,
Qua cầu, em biếu dĩa xôi muối mè .
Cầu tre lắc lẻo cầu tre,
Con đò chở tấm tình quê qua cầu ....
Từ đây cứ mỗi mùa cau,
Anh qua cầu để bẻ cau cho nàng.
Khi nào trầu hút trầu khan,
Anh qua xin lá trầu vàng bên em.
Khi mùa cấy hái "đông ken",
Ruộng anh em cấy, đất em anh cày .
Vần công lối xóm tiếp tay,
Kết tình lưu luyến gái trai đôi làng.
Đôi tim trang lứa nhịp nhàng,
Hoà theo nhịp sóng lúa vàng mênh mông.
Đôi lòng cách một dòng sông,
Tơ hồng chưa buộc, tơ lòng đã xe .
Cầu tre lắc lẻo cầu tre,
Duyên nghèo đầm thấm, tình quê nồng nàn.
Trong tình yêu nước, yêu làng,
Có tình chăn gối, đá vàng lứa đôi .
Mẹ chàng cậy mối cậy mai,
Tặng quà lễ nói một đôi bông vàng.
Hai bên cô bác họ hàng,
Chọn ngày lễ cưới qua rằm tháng Giêng.
Bỗng rồi lửa cháy xóm giềng,
Cầu tre gãy nhịp gục nghiêng giữa dòng.
Lửa tràn lan cháy bên sông,
Máu pha nước mắt đỏ lòng trường giang.
Giặc tràn về bắt sống nàng (. . .) ".

Sống đời vợ chồng, nhà thơ có những giây phút chạnh lòng thương người vợ hiền, sau những vui chơi với bè bạn, như đã được biểu tỏ trong bài Mới Cưới cảm hứng từ ý thơ "nàng ngỡ vợ chồng như mới cưới":


"Thành đô đêm ấy...trời mưa lớn
Tơ lạnh giăng sầu xóm ngoại ô
Có một linh hồn say đọa lạc
Trở về hốc hác giữa cơn mưa
Nghiêng nghiêng chiếc bóng xô phiên cửa
Rón rén vào trong bóng tối dày
Tóc rối còn tanh mùi phấn rửa
Mặt người úp xuống giữa bàn tay
Người ấy khoát rèm nhìn chiếu lạnh
Kìa người vợ yếu ngủ mê say
Đôi tay thon nhỏ kê làm gối
Hai đứa con gầy nằm sải tay
Thấy chăng con bú trong cơn ngủ
Nút mạnh đôi đầu vú héo hon
Ai biết mẹ gầy trong giấc ngủ
Vẫn sang dòng máu để nuôi con (...)" (1956).  

Nhà thơ chân quê

Quê hương, dân tộc, tình cảm yêu nước rõ nét hoặc bàng bạc trong nhiều bài thơ của ông. Lời lẽ nói chung chân thành và giản dị, không làm dáng, không phức tạp và đẽo gọt tiếng nói, lời văn. Lời và ý một nhịp, chân chất như con người vùng đất Hậu-giang. Thơ Kiên Giang mang tính truyện kể hơn là văn chương điêu luyện. Hãy nghe lời của một chàng trai ghé xin nước ở nhà một cô gái giữa trưa nắng gắt:


"Trời đang đứng bóng trưa gay gắt
Anh ghé nhà em xin nước mưa
Ngỡ lạc Đào Nguyên hay Thượng Uyển
Khi bông sứ nở hội đương mùa

Uống nước trời mưa anh như tưởng
Uống mùi hương tóc gái ngây thơ
Nước trong veo quá, không men rượu
Mới uống lòng đà ngây ngất say
Gió thổi tóc bay hương phảng phất
Giả vờ anh gợi "Nước mưa thơm"
Hương xông từ tóc lên da thịt
Vì má hồng chưa có dấu hôn

Vuốt tóc liếc nhìn như bẽn lẽn
Môi cười nửa nụ trách người quen
"Cái anh thi sĩ đa tình quá
Cho uống no rồi... chọc ghẹo em"
Cổng đã khép rồi bông sứ rụng
Anh lên đường giữa nắng ban trưa
Lòng còn say ngất dư hương cũ
Hương tóc hay là hương nước mưa". (Hương Nước Mưa)

Thề giới thơ của Kiên Giang có một phần thuộc về một thời học trò 'Mực tím phai rồi anh vẫn nhớ / Mùa hoa điệp nở, mộng ngày xanh":


"Tôi đã tương tư màu mực tím
Từng ngày mới viết chữ A, B
Cong queo dòng bút tình thơ dại
Chữ nghĩa đẹp trong nét vụn về
Mỗi lần trái mồng tơi chín
Anh hái làm mực tím
Tặng cô bạn nữa ve bầu
Cô đem mực tím nhuộm màu áo thơ
Từ ngày nhuộm áo màu tim tím
Bè bạn gặp em ở cổng trường
Thường gọi: Này cô em áo tím
Cho anh nhểu mực viết văn chương
Mỗi lần tan học tung tăng bước
Em đụt mưa chiều trú nắng trưa
Dưới lá mồng tơi râm bóng mát
Ngồi nghe mẹ kể chuyện đời xưa
Mẹ nghèo chăm bón vồng khoai tím
Hái lá mồng tơi bán chợ làng
Đổi gạo mua đèn cùng giấy mực
Nuôi con ăn học, mấy năm trường...(Màu Mực Tím)

"Từ khi cô giáo tập em đồ
Không kê giấy chặm em vô ý
Để dấu tay lem vở học trò" (Đồng Xu Giấy Chặm)

Bài thơ lục bát Tiền Và Lá được viết năm 1956, về sau được nhạc sĩ Bắc Sơn phổ nhạc, theo giai thoại đã được nhà thơ đề tặng: "Tặng thi sĩ Nguyễn Bính để nhớ ngày tá túc ở xóm biển Kiên Giang". Nhà văn Xuân Vũ trong cuốn Những Bậc Thầy Của Tôi có kể giai-thoại về Kiên Giang: "Người thứ hai tôi gần gũi là Huy Hà. Anh học ở trường Bassac và sớm mê thơ Nguyễn Bính. Con gái của anh hiện nay ở Hoa Kỳ, đã cho tôi biết là thuở còn đi học, anh đã từng lén nhà xúc gạo đem cho nhà thơ giang hồ nghèo Nguyễn Bính, khi thi sĩ lưu lạc về bờ biển Rạch Giá khoảng năm 1942" (5). Tiền Và Lá là chuyện thời thơ ấu chơi trò trẻ con nhưng đã ẩn ý và ám ảnh về giàu-nghèo khơi nguồn cho ý thức xã hội sau này. Trên tạp chí Thời Tập, Kiên Giang cho biết ông không ưng ý nhưng thích bài thơ này vì bài đã gói ghém một chút tình thơ dại (6). Lời đề tặng khác mở đầu bài thơ: “Riêng tặng các bạn đã dang dở với mối tình đầu ...”.


"Ngày thơ, hớt tóc "miểng rùa"
Ngày thơ, mẹ bắt đeo bùa "cầu ông".
Đôi ta cùng học vỡ lòng,
Dắt tay qua những cánh đồng lúa xanh.
Đôi nhà cũng một sắc tranh,
Chia nhau từ một trái chanh, trái đào .
Đêm vàng so bóng trăng cao,
Ngồi bên bờ giếng đếm sao trên trời .
Anh moi đất nắn "tượng người",
Em thơ thẩn nhặt lá rơi… làm tiền.
Mỗi ngày chợ họp mười phiên,
Anh đem "người đất" đổi "tiền lá rơi".
   Nào ngờ mai mỉa cho tôi,
Lớn lên em đã bị người ta mua .
Kiếp tôi là kiếp làm thơ,
Vốn riêng chỉ có muôn mùa lá rơi .
Tiền không là lá em ơi
Tiền là giấy bạc của đời in ra .
Người ta giấy bạc đầy nhà,
Cho nên mới được gọi là chồng em.
Bây giờ những buổi chiều êm,
Tôi gom lá đốt, khói lên tận trời!
   Người mua đã bị mua rồi,
Chợ đời họp một mình tôi… vui gì!" (Bến Kiên Giang 1956)

Kiên Giang đã chịu phần nào ảnh hưởng thơ Nguyễn Bính khi viết về tình yêu và đồng quê - hay đúng hơn nên nói cả hai ông đều chịu ảnh hưởng thơ ca đại chúng. Dù sao, 'lục-tỉnh tính' ở ông vẫn rõ nét và đánh dấu riêng của thổ ngơi, cảnh sắc và ngôn ngữ vùng Hậu-giang. Bài Lúa Sạ Miền Nam trong tập thơ cùng tựa, vẽ lại bức tranh miền Nam ruộng đồng thẳng cánh cò bay:


"Mời bạn về thăm quê hương lúa sạ
Ngắm biển trời Đồng Tháp, đất An Giang.
Gò Óc Eo còn dấu vết một kho tàng
Nhớ thuở bòn vàng những năm đồ khổ
Lặn dưới bùn sâu mở đường hơi thở
Đưng Ba Thê nhớ cỏ lúa Láng Linh
Bảy Núi gọi mây dựng bức tường thành
Ngăn gió độc cho xanh màu lá mạ

Mời bạn về ôm chân cây lúa sạ
Để reo mừng đau xót với Hậu Giang
Mẩy trăm năm từ thuở mới khai hoang
Nhạc rừng trâu vượt trời nghe đồng vọng
Gọi nhau về Miền Tây chân trời mộng
Chào tay chai rạch đất thế lưỡi cày
Thủy triều lên xuống vơi đầy
Mồ hôi đổ xuống, đất lầy trổ bông

Mời bạn về thăm vùng trời đất đứng
Để lắng nghe mạch sống chảy âm thầm
Dưới mặt nước, nhạc ngầm gợn dư âm
Chuyển thành sóng dập vờn theo tóc lúa
Lúa yêu đồng nên dịu dàng ca múa
Trên địa đàng thơm ngát hương phù sa
Cá tôm kéo về đại hội hải hà
Ca mừng lúa với "Trường ca sung túc"
Mặt đất rộng phơi da đầu dưới nước
Cho rễ dày đan tóc lúa rối đoanh
Gió gợn mặt biển xanh
Sóng xao tóc lúa vây quanh xóm làng

 (...) Lúa sạ vượt trời cao đất đứng
Bừng bừng hào khí ngút trăng sao
Trái tim bằng thép, chân bằng đá
Nước xoáy lòng sông cuộn máu đào

Màu Sóc nâu Nàng Tây gạo Điểm
Ngàn năm bốc khói bếp phù sa
Hãy về sông Hậu sông Tiền cũ
Dựng lại quê hương dưới mái nhà

Dầu ăn gạo Mỹ chở tàu binh
Đừng phụ gạo quê đất nước mình
Lúa sạ vẫn còn nguyên rễ mẹ
Địa đàng còn rộng chân trời xanh". (Miền Tây mùa nước lụt 1964).

Bài Đẹp Hậu-Giang như một thiên anh hùng ca (viết “để tặng người Việt yêu Hậu-Giang”) đề cao con người của vùng đất đã hy sinh và tranh đấu với người và nghịch cảnh để có được như hôm nay.


"(...) Nước chảy một dòng ra biển cả,
Vẫn mang tình nước Cửu-Long giang.
Sông ơi ! dù nước ra khơi biển,
Vẫn nhớ rễ bần đất Hậu-Giang ...".

Bài thơ Bánh Ống Trà Vinh cho biết món ăn quê nhà lúc nào cũng ngon hơn nếu phải so với những đặc sản của những vùng đất khác, vì liên hệ đến con người, cảnh vật thân quen :


"Tôi yêu kiểu áo "tầm vong" nhỏ
Đôi mắt đen huyền cô gái lai
Đôi mái chùa cong như cánh phượng
Gió bay cờ phướng đẹp mây trời.

Tôi yêu hơi nước trong nồi đất
Nấu chín mùi thơm bánh Phú Vinh
Lá dứa tiên thanh màu lá mạ
- Cô em mặc áo cũng thiên thanh.

 (...) Hơi nước còn thơm mùi bánh ống
Còn thơm tà áo sắc thiên thanh
Cô em bán bánh sao hiền quá
Lóng lánh mắt huyền in bóng anh.

Vườn bưởi Biên Hòa tuy ngọt lịm
Cũng không bằng nửa múi Thanh Trà
Vì hương tóc rối thơm bông bưởi
- Cô gái Trà Vinh đẹp mặn mà.

Về xứ Trà Vinh ăn bánh ống
Thương màu lá dứa, áo thiên thanh
Gió đưa hương bưởi vào hơi thở
Thương xứ thương luôn gái Vĩnh Bình" (Lúa Sạ Miền Nam)

Thơ Kiên Giang mang đặc tính giản dị, mộc mạc, bút pháp đặc-thù của miền Nam lục-tỉnh:


"Hương cau thơm phức ngôi sao mẹ
Thơm ngát mái nhà, thơm áo cơm
Con thở trong mùi thơm bát ngát
Thịt da mái tóc quyện mùi thơm
(…) Nhớ mùa cau trổ trong vườn cũ
Mẹ quét lá vàng ủ lấy phân
Khói trắng lên trời như tóc bạc
Con ngờ khói tóc quyện mây Tần …"

Vũng Tàu một giờ đêm 13-10-61 (Khói Trắng)

Dưới Giàn Mồng Tơi, với đề tặng "Kính tặng Mẹ". Nơi người mẹ sinh sống 'hai vai gánh nợ con chồng / Tay nhen bếp lửa, tay bồng con thơ":


"Mẹ già nấu rượu nếp than
Kiếm tiền trả bớt nợ nần thâm niên
Trán nhăn cày nếp ưu phiền
Bàn tay nào sạch ? Đồng tiền nào dơ ?
 (...) Hai vai gánh nợ con chồng
Tay nhen bếp lửa, tay bồng con thơ
Thở dài theo điệu ầu ơ
"Lấy chồng xa xứ, bơ vơ một mình
Bên ven rừng xứ U Minh
Trọn niềm dâu thảo, trọn tình mẫu thân
Bây giờ héo hắt tuổi xuân
Sáu mươi năm, sáu mươi năm mỏi mòn
Vầng trăng Xẻo Đước thôi tròn
Đường câu đă cuốn, lối mòn đã qua

(...) Ới sông Cái Lớn
Ới ngọn bần gie
Lửa đom đóm chẳng lập loè
Bao giờ mới thấy lối về quê xưa" (Lúa Sạ Miền Nam)

Hình ảnh người mẹ Việt Nam được vinh danh trong bài Tiếng Ru Ba Miền:


"Tiếng mẹ ngân nga triều nước lớn
Điệu vành khuyên, âm hưởng tiếng chim oanh
Mây không đuổi cánh cò bay mỏi gió
Đất miệt vườn mở rộng chân trời xanh

Tiếng mẹ ra mở đường bay cánh gió
Kết tụ mùa xuân trải bốn ngàn năm
Chìm xuống đất ngấm vào đáy thâm tâm
Sức mạnh chìm ngụy trang trong tiếng nấc
Mắt chìm xuống mà tâm hồn bất khuất
Tóc ngả màu vì bạc trắng niềm tang
Vạt áo tứ thân, manh áo vá quàng
Đều in ngầm bản đồ cong chữ S

Tiếng mẹ ru sình non thành đất thép
Trường Sơn gầy giương đòn gánh dẻo dai
Mốc trắng mồ hôi lưng áo vá vai,
Lóng lánh kim cương trái tim mẹ Việt
Tiếng ru vượt trời cao ôi diễm tuyệt
Cuộn sông Hồng uốn khúc Cửu Long Giang.
Gõ xương khô gọi hồn phách mồ hoang.

(...) Tiếng mẹ ru kéo lơi vòng kẽm sét
Phá vòng đai thế kỷ chiến tranh đen
Không xưng danh mà đời vẫn gọi tên
Mẹ Việt Nam: Mẹ oai hùng vạn kỷ
Đàn con mẹ mang tâm hồn thi sĩ
Tay làm thơ tay mở cánh thiên thần
Múa bút so gươm diệt lũ hung tàn
Dựng bao gấm mùa xuân trong huyết sử
Thế nước lòng dân ào ào thác lũ
Tổ Quốc mình bất tử vượt thời gian

Miền Trung sỏi đá
Lên nhịp hò khoan
Bánh xe gió vẫn chuyển luân khí hùng
Điệu ru cay đắng vị gừng
Mưa trong nắng đục, nhạc lừng sông Hương
Tiếng ngâm sa mạc
Giọng điệu à ời
Ngàn năm còn nức nở lời Nguyễn Du
Hồn Đồ Chiểu quyện cỏ khô
Ngàn năm dậy sóng tiếng ru đồng bằng. (Đêm 12-12-68)

Thơ Kiên Giang nhiều tình tự dân tộc. Bài Tình Quê Tình Nước mà năm sáng tác khi thì ghi năm 1954, khi 1955, có thể vì ý những câu chót đã hoặc sẽ khác:


"Ai yêu nước Việt Nam hơn người Việt,
Nhau rún chôn sâu giữa đất lành.
Bông trái muôn mùa không ngớt chín,
Sông đầy nước biếc, núi xanh xanh.

Luống cày mầu mỡ thơm mùi đất,
Vun bón rẫy vườn bông trái thơm.
No ấm cũng nhờ bông với trái,
Áo đời vẫn ấm, hột cơm ngon.

Kìa nước trường giang chảy uốn quanh,
Giữa giòng sông mát bóng dừa xanh,
Có cô gái trẻ nâu tà áo,
Chèo chiếc đò ngang trước bến đình.

Nào ai lăn lóc, xa quê cũ,
Mê chốn phồn hoa trắng bụi đường;
Giây phút chạnh lòng sao khỏi nhớ,
Nhớ nhà, nhớ đất, nhớ quê hương.

Nhớ quê có những đêm trăng sáng,
Sáng cả vườn xanh, cả ruộng vàng.
Con trẻ quây quần theo gót mẹ,
Lên chùa cúng Phật để dâng hương.

Nhớ tiếng võng đưa trầm điệu nhạc,
Hoà theo tiếng hát giọng ầu ơ ....
Từ môi người mẹ thân yêu quá,
Gợi lên bao tình thuở ấu thơ .

Tiếng chày nằng nặng nện không gian,
Cùng tiếng gà trưa gáy trễ tràng,
Tiếng tập đánh vần cùng nhịp thước,
Buồn như nước chảy giữa trường giang.

Ai quên cho mượn mái tranh nâu,
Luống đất bờ ao với nhịp cầu;
Mồ mả ông bà nằm giữa đất,
Lòng người lòng đất cảm thông nhau .

Quê hương là máu, là xương thịt,
Nước mắt mồ hôi của giống nòi,
Tranh đấu từ bao nhiêu thế kỷ,
Bảo tồn gấm vóc đến muôn đời .

Còn sống ngày nào trên đất nước,
Nếu ai xâm chiếm đến quê hương,
Tình quê sẽ hoá ra tình nước:
Tình nước đúc thành súng với gươm.

Lòng dân vũ trang bằng tình cảm,
Tay dân vũ trang bằng súng đạn.
Dân đứng lên siết chặt quân hàng:
Giặc vào đây giặc sẽ rã tan ...
Lời thơ như ngôn ngữ nói của đời thường:
"Phạt anh ngâm nước vô lu
Bẻ tàu chuối hột che dù cho em" (Ngựa Trúc)

"Tuổi hai mươi lòng hai mươi,
Là bông lúa mới là trời bình minh
(...) Người hùng thế hệ: người trai Việt,
Không chỉ hùng bằng xác thịt thôi .
Bằng cả tâm hồn và khối óc.
Người hùng thế hệ Việt Nam ơi! " (Người Hùng Thế Hệ, 1956)

Kiên Giang nhập dòng thơ quê hương và tình tự của con người ruộng đồng của những Anh Thơ, Bàng Bá Lân, v.v. Thơ của Kiên Giang mang tính chân quê và nhiều tình cảm – đôn hậu, tự nhiên, như tiếng lòng của con người những vùng sông nước ruộng đồng bao la. Thơ ông có nhiều câu được phổ biến rộng rãi, đó là lý do khiến một số câu thơ của ông bị hiểu lầm là ca dao, như:

- Ông bầu vờn đọt mù u
Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn ...
- Đói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.

Tính-chất bình dị đó của ngôn ngữ thơ Kiên Giang được nhà văn Sơn Nam cắt nghĩa: "Vốn liếng về từ ngữ người Kiên Giang rất ít, hàng ngày sống lân la với người Hoa bán tạp hóa và người Khơ-me làm ruộng. Ở đây có thể nói tiếng Việt không phát triển, lại thêm "tiếng lóng" mà người địa phương khác khó chấp nhận. Vốn duy nhất là ca dao được mẹ dạy cho, từ thuở ấu thơ. Vốn quan trọng hơn vẫn là cái tâm, lòng yêu nước, muốn giới thiệu tâm hồn người dân nghèo xóm mình với cả nước, cùng chia sẻ buồn vui (7).

Thơ Kiên Giang bình dị, tự nhiên vừa mang tính thời sự vừa trở về nguồn, cho nên tuy cùng thời với những nhà thơ Sa-Giang Trần Tuấn Kiệt, Thẩm Thệ Hà, Thanh Việt Thanh, v.v. nhưng thi-ca của Kiên Giang mang tính độc đáo của riêng ông.

  Chú-thích:
1- "Kiên Giang và Hoàng Trúc Ly - Tay đôi". Thời Tập 9, 7-1974, tr. 13.
2- Trên tạp chí Nhân Loại, ngoài thơ, Kiên Giang còn viết bình luận và bút ký như bài ''Quê Ngoại" (Bộ mới, số 100, 2-5-1958): "Còng cọc bắt cá dưới sông / Mấy đời cháu ngoại giỗ ông bao giờ".
3- Trần Hoàng Nhân trong bài viết "Nhà thơ Kiên Giang-Hà Huy Hà: tình yêu mãi cài trên áo tím" (lethieunhon.com) đã kể lại chi tiết câu chuyện tình hoa trắng và đã tiết lộ danh tính người nữ này là Nguyễn Thúy Nhiều, mất năm 1998. Đến ngày 18-3-2008, trong khuôn khổ một chương trình thơ nhạc mừng thượng thọ 81 tuổi của nhà thơ - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà tại Trung tâm Văn hóa quận Phú Nhuận, chính nhà thơ Kiên Giang đã công bố di ảnh bà Nguyễn Thúy Nhiều, nhân vật trong bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím: "Đêm lễ qui tụ nhiều nhà thơ, nghệ sĩ nổi tiếng, lãnh đạo ngành văn hóa và đông đảo khán giả. Tại đây, sau hơn 60 năm, nhà thơ Kiên Giang đã bất ngờ công bố di ảnh nhân vật cô gái xóm đạo trong bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím từng được nhiều thế hệ thanh niên yêu thích từ năm 1943 (?, 1957). Ông kể thuở mới lớn, ông thường đi sau bà thầm thương trộm nhớ và... làm thơ. Ông và bà chưa hề nắm tay nhau, nhưng con cháu bà ngày nay đều biết và quí mến ông" (Tuổi Trẻ, 20-03-2008).
4- Trích từ Phạm Thanh. Thi Nhân Việt-Nam Hiện Đại (Los Alamitos CA: Xuân Thu tb, 1990). Tr. 564.
5- Xuân Vũ. Những Bậc Thầy Của Tôi. Arlington, VA: Tổ hợp xuấ́t bả̉n miề̀n Đông Hoa Kỳ̀, 1998.
6- Thời Tập. Bđd, tr. 17.
7- Sơn Nam "Cùng bạn đọc". Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (NXB Văn Học, 1995).  

8-2008  




VVM.19.10.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com