Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




ĐÔI CÂU ĐỐI ĐỘC ĐÁO CỦA VĂN THÂN
VIẾNG CỤ PHAN ĐÌNH PHÙNG.

  


P han Đình Phùng sinh năm 1847 tại Đông Thái, La Sơn, Hà Tĩnh trong một gia đình khoa bảng, đỗ Đình nguyên năm 1877, làm đến chức Ngự sử Đô sát viện, tính cương trực. Năm 1883, do bất đồng quan điểm, bị Phụ chính Tôn Thất Thuyết cách chức đuổi về quê.(1)

Sau cuộc tấn công bất thành của quân đội Triều Nguyễn vào đồn Mang Cá đêm 04-7-1885, kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết cùng hai em là Tôn Thất Đạm và Tôn Thất Thiệp rước vua Hàm Nghi ra chiến khu Tân Sở (Quảng Trị), truyền hịch Cần Vương kêu gọi quần chúng, nhân sĩ đứng lên chống Pháp. Cuối 1885, vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết chạy ra Hà Tĩnh, Phan Đình Phùng cùng với Phan Quang Cư, Phan Khắc Hòa, Hoàng Xuân Phong, Ngụy Khắc Kiều… tìm đến bái yết. Sau khi gặp vua trở về cụ hưởng ứng hịch Cần vương chiêu tập anh hùng, hào kiệt xây căn cứ tại Vũ Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh; có các tướng tài : Cao Thắng, Nguyễn Trạch, Nguyễn Thanh, Cầm Bá Thước, Phan Đình Cam, Nguyễn Mục… Đặc biệt trong đó có Cao Thắng, người ở Lê Động, Hương Sơn có tài chế súng theo kiểu Pháp để đánh Pháp.

Cuộc khởi nghĩa của cụ Phan là cuộc khởi nghĩa lớn nhất, có tổ chức khoa học nhất của phong trào Cần Vương. Năm 1888, sau khi vua Hàm Nghi bị Trương Quang Ngọc bắt nạp cho Pháp, Cụ vẫn tiếp tục kháng chiến. Năm 1893, nghĩa quân vây bắt Trương Quang Ngọc chém đầu, trị tội tên phản tặc.

Suốt mười năm (1885 - 1895), Cụ đã dùng lối đánh du kích gây cho giặc nhiều thất bại. Các tướng anh hùng như Cao Thắng, Vũ Phát, Nguyễn Trạch, Cao Nữu… đã chỉ huy quân đánh thắng nhiều trận ở Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, Hà Trai, Trường Lưu, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Linh Cảm… Ngày 28-12-1895, Cụ mất tại bản doanh ở núi Quạt (Hà Tĩnh) thọ 49 tuổi. Tay sai của Pháp là Nguyễn Thân sai người lên núi tìm mả, đào lấy xác đem về đốt rồi trộn tro với thuốc súng, bắn xuống La giang. Cuộc khởi nghĩa tan rã. Cái chết của cụ Phan Đình Phùng là một cái tang lớn của dân tộc, đặc biệt cho giới Nho sĩ, Văn thân lúc bấy giờ.

Để tưởng niệm người anh hùng quá cố, các nhân sĩ yêu nước đã viếng cụ Phan bằng đôi câu đối có một không hai: mỗi vế đối gồm 81 chữ. Tương truyền đôi câu đối được viết bởi 15 vị tiến sĩ. Trong lễ tưởng niệm vong linh người quá cố, 162 đại tự viết trên 2 giải lụa được treo từ trên đầu ngọn tre rủ xuống gần sát đất mới đủ độ dài. Nhiều năm sau, câu đối được truyền tụng rộng khắp trong giới văn thân xứ Lam-Hồng; đến nay các nhà nho cao niên còn sống vẫn thuộc nằm lòng; nay xin chép vào đây làm nén tâm hương tưởng niệm bậc liệt sĩ đã khuất:

江 嗟 怨 冷 顛 每 終 此 成

山 人 況 煙 大 念 朱 大 敗

百 事 此 消 廈 綱 之 義 英

年 無 日 誰 一 常 英 誓 雄

文 常 龍 人 木 重 墨 與 莫

獻 可 飛 不 難 可 之 先 論

翩 憐 雲 作 枝 恨 靈 君 此

戎 羅 暗 深 而 者 讀 子 孤

馬 越 共 山 宮 垂 書 始 忠


勁 嘆 情 移 決 無 宙 而 古

節 天 矧 物 頹 捺 藍 高 今

一 心 此 換 波 柏 之 峰 天

死 莫 時 何 中 松 風 同 地

精 助 雁 人 流 凋 鴻 是 無

神 獨 散 不 砥 為 之 大 窮

串 此 風 起 柱 何 雪 丈 而

斗 松 吹 故 而 哉 沖 夫 流

牛 梅 堪 園 星 潰 寒 宇 水

PHIÊN ÂM:

Thành bại anh hùng mạc luận, thử cô trung thử đại nghĩa thệ dữ tiên (3) quân tử thỉ chung. Châu chi anh, Mặc chi linh, độc thư mỗi (4) niệm cương thường trọng. Khả hận giả thuỳ điên đại hạ nhất mộc nan chi - nhi cung lãnh yên tiêu; thuỳ nhân bất tác thâm sơn oán. Huống thử (5) nhật, long phi vân ám, cộng ta nhân sự vô thường. Khả liên La Việt giang sơn bách niên văn hiến phiên nhung (6) mã.

Cổ kim thiên địa vô cùng, nhi lưu thuỷ, nhi cao phong, đồng thị đại trượng phu vũ trụ. Lam chi phong, Hồng chi tuyết, xung hàn vô nại bách tùng điêu. Vị hà tai, hội quyết đồi ba trung lưu chỉ trụ - nhi tinh di vật hoán, hà nhân bất khởi cố viên tình. Thẩn(7) thử thời, nhạn tán phong xuy, kham thán thiên tâm mạc trợ. Độc thử Tùng Mai kính (8) tiết, nhất tử tinh thần xuyến đẩu ngưu.(9).

DỊCH NGHĨA:

Chớ nên lấy thành bại mà luận anh hùng. Lòng cô trung ấy, nghĩa lớn ấy đã thề cùng người quân tử trước sau như một. Tinh anh đất Châu, linh thiêng đất Mặc mỗi khi đọc sách vẫn luôn nhớ sự trọng đại của cương-thường. Đáng hận thay: ngôi nhà lớn sắp đổ, một cây không chống nổi mà cung lạnh, khói tan; ai là kẻ không dậy lên nỗi oán thâm sơn? Huống chi ngày ấy rồng bay, mây tối, ai nấy đều than việc đời biến đổi. Đáng thương thay đất La-Việt văn hiến trăm năm thành trận mạc.

Xưa nay trời đất khôn cùng; nước chảy, núi cao, thảy là vũ trụ của bậc trượng phu. Gió sông Lam, tuyết núi Hồng, gíá rét không làm điêu tàn được tùng bách. Cớ sao mà: đê vỡ sóng trào (khiến) cột đá giữa dòng không ngăn nổi; vật đổi sao dời, ai là kẻ chẳng dậy tình quê cũ ? Phương chi bấy, gió nổi, nhạn tan; thương thay lòng trời chẳng giúp. Chỉ còn mỗi tiết cứng (của) Tùng Mai, một chết tinh thần xuyên Đẩu Ngưu.(9)
____________________
(1) Về việc này, Gs. Trần Văn Giàu có viết: ”…Tôn Thất Thuyết bỏ tù án sát Tôn Thất Bá, giết thượng thư Trần Tiễn Thành, giết cả vua chủ hòa nhưng lại chỉ cách chức Phan Đình Phùng khi Phan mắng Thuyết. Phan về làng thì Thuyết lại mật phong làm Tham biện Sơn phòng Hà Tĩnh”…
“…Dù sao đi nữa, trong triều đình Huế, Tôn thất Thuyết vẫn là lãnh tụ cang cường nhất lúc ấy, tiêu biểu nhất cho ý chí đề kháng; chỉ có những người hoặc là tôi đòi của thực dân, hoặc thiếu suy nghĩ kỹ, mới không chịu thấy rằng mặt tốt của Thuyết là căn bản; …Thực ra Tôn Thất Thuyết là một nhà ái quốc…”
( Tổng tập Trần Văn Giàu; trang 600; 493; 494; NXB Quân đội nhân dân 2006).
(2) Khi soạn câu đối, có lẽ các tác giả muốn thể hiện quan điểm Dịch học nên bố trí mỗi vế đối có 9 x 9 = 81 chữ. Nay xin chép lại thành 2 khung, mỗi khung là một vế, viết theo hàng dọc từ phải sang trái , mỗi dòng gồm 9 chữ. Ngoài ra do khổ trang hẹp nên không thể để 2 câu đối đối xứng nhau theo hàng ngang.
(3-8) Câu đối được truyền lại theo kí ức của các nhà Nho Nghệ Tĩnh nên so với bản chép trên đã có dị bản. Dị bản có các chữ chép khác: (3) chư 諸; (4) tối 最; (5) đương 當; (6) cung 弓; (7) cập 及 ; (8) khí 氣.
(9) Trong tài liệu “PHAN ĐÌNH PHÙNG; NHÀ LÃNH ĐẠO 10 NĂM KHÁNG CHIẾN Ở NGHỆ TĨNH“ , câu đối trên đã được Ô. Đào Trinh Nhất dịch đối quốc ngữ:
“Anh hùng thành bại kể chi? Dạ sắt son, lòng vàng đá, thề cùng các bạn giữ trước sau. Mặc, Châu đúc khí tinh anh, trung hiếu hẹn hò cùng sử sách. Ngao ngán nhẽ lầu cao sắp đổ, một cột khó nâng; phòng vắng khói tan, liếc mắt non xanh thêm tức tối. Vả bây giờ rồng bay mây xám, xót xa việc thế khôn lường, những thương La Việt giang sơn, văn hiến trăm năm thành trận mạc;
Trời đất xưa nay thế mãi. Đá dựng ngược, nước chảy xuôi, đó vẫn non sông phường tuấn kiệt. Lam Hồng nổi cơn bão tuyết, bách tòng úa rụng luống xông pha. Đau đớn thay, đê vỡ, sóng vồ, giữ dòng trụ đứng; sao dời vật đổi, ngảnh đầu người cũ phải bôn chôn. Đương lúc này gió thổi nhạn lìa, căm giận lòng trời cay nghiệt; riêng cảm tùng mai khí tiết, tinh thần một thác rạng trăng sao.”





VVM.27.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com