Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




MỘT CHÚT CẢM KHÁI VỀ THƠ NGUYỄN BÍNH

  

Đọc thơ Nguyễn Bính trước khi
đi viếng nhà lưu niệm thi sĩ.
(Sài gòn, tháng 3-07)


1. Viếng Hồn Trinh Nữ (1937)

Tác giả chọn đề tài độc đáo: Thương tiếc một người con gái nằm xuống khi tuổi còn xanh dầu mình không quen biết. Ông khéo léo hình dung ra những sinh hoạt thiếu nữ của nàng trước khi mất để làm nổi bật hơn tính cách bi đát. Những hình ảnh phụ như người mẹ, mấy đứa em, người để ý nàng được thêm vào để minh họa sự luyến tiếc của người thân thương. Càng bi thương hơn khi ông nói rồi mọi chuyện sẽ qua đi, hình ảnh về nàng sẽ chìm vào quên lãng của thời gian… Bài thơ gồm nhiều chữ trắng để diễn tả sự tang tóc đồng thời hàm ngụ ý trinh bạch của thiếu nữ và cái họ Bạch của nàng. Bài thơ man mác buồn dầu chữ dùng thiệt là đơn giản và ý được trải rộng ra quá nhiều. Bài nầy chịu ảnh hưởng của giai đoạn thi ca lãng mạn và cũng tác động mạnh lên sự lãng mạn của những thi nhân đồng thời.

Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu thi nhau chảy xuống hồ,
Tôi thấy bên tôi và tất cả
Kinh thành Hà Nội quấn khăn sô,
Nước mắt chạy quanh tình thắt lại.
Giờ đây tôi tiển một người về
Giờ đây tôi thấy lòng đau đớn
Như có ai mời chén biệt ly
Sáng nay vô số lá vàng rơi.
Người gái trinh kia đã chết rồi,
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi.
Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người,
Theo gót những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi,
Để đưa nàng tới nghĩa trang nầy
Nàng tới đây rồi ở lại đây,
Ờ nhĩ hôm nay là mấy nhĩ?
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay.
Sáng nay sau một cơn mưa lớn,
Hà nội bừng lên những nắng vàng,
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo gót bánh xe tang.
Thế là xa cách mãi mà thôi,
Tìm thấy làm sao được bóng người.
Vừa mới hôm qua còn thẹn thẹn,
Tay cầm sáp đỏ để lên môi,
Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may vội gió đầu thu,
Gió thu còn lại bao nhiêu gió,
Chiếc áo giờ đây ở dưới mồ,
Chắc hẵn những đêm như đêm qua,
Nàng còn say mộng ở chăn hoa,
Chăn hoa ướp một trời xuân sắc,
Cho tới tàn canh tan trống gà,
Chắc hẵn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về,
Nàng còn thao thức ôm cho chặt,
Chiếc áo nhung mềm tựa giấc mê,
Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngừng lại ở nơi tim,
Mẹ già xé vội khăn tang trắng,
Quấn vội lên đầu mấy đứa em,
Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu,
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều,
Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi,
Mà nay trên những môi ngoan ấy,
Chẳng được bao giờ gọi Chị ơi.
Nàng đã qua đời để bửa nay,
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên đường để mặc mưa rơi ướt,
Đem mãi bâng quơ những gót giầy.
Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan tính chuyện sang ngang,
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé
Đã cắm ngàn thu ở suối vàng.
Có gì vừa mất ở đâu đây,
Lòng thấy mềm hơn rượu quá say,
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối,
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.
Chỉ một vài ba năm thế rồi…
Người ta thương nhớ có ngần thôi,
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như một chuyện vui.
Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương nhớ bởi vì đâu?
Than ôi: ‘Tự cổ bao người đẹp
Chẳng hẹn trần gian đến bạc đầu.’

2. Tương Tư (1939)

Chuyện tình tự kể. Những hình ảnh nông thôn được sử dụng, những thống trách mang hơi hướm của người đồng quê chơn chất làm cho sự tương tư trở nên lung linh đẹp. Hàng loạt câu hỏi và lời tự giải thích biểu lộ cái yêu đã sâu đậm nhưng không được đáp ứng. Tác giả giấu cái thất bại trong tình yêu khi so sánh nỗi tương tư của mình với chuyện nắng mưa của trời đất. Câu hỏi cuối bài là câu đánh đố đáng yêu gởi đến ai kia:

Anh nhớ ai em có biết không?
Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông,
Một người chín nhớ mười mong một người.
Nắng mưa là chuyện của giời,
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng.
Hai thôn chung lại một làng,
Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này?
Ngày qua ngày lại qua ngày,
Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng.
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành.
Nhưng đây cách một đầu đình,
Có xa xôi mấy mà tình xa xôi?
Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho?
Bao giờ bến mới gặp đò,
Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau?
Nhà em có một giàn giầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông,
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

3. Chân quê

Sự đổi đời lúc nào cũng có. Những thay đổi nho nhỏ bên ngoài tưởng chừng là xao động bề mặt, nhưng thật sự là mầm chối bỏ quá khứ, xóa bỏ chân quê để ướm lốt thị thành. Cố gắng níu kéo cái đẹp đơn sơ ban đầu là một cố gắng tuyệt vọng vì sẽ thất bại.

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!


Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều


(1936)

4. Oan nghiệt

Những suy nghĩ vẩn vơ, ý nầy kéo ý kia của thi sĩ khi nghe tin người vợ cũ sanh con gái. Trong tưởng tượng có cái lo lắng cho kiếp đời đau khổ có thể xảy ra oan nghiệt của con mình. Mấy câu trở thành cổ điển: Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ / Nghèo lắm con ôi! Bạc lắm con!, là một lời dặn, một lời tự trách, tự biện. Tác giả dẫn Tỳ Bà Hành thiệt là hay!

Hôm nay bắt được thư Hà Nội
Cho biết tin Dung đã đẻ rồi
Giờ sửu, tháng ngâu, ngày nguyệt tận

Bao giờ tôi biết mặt con tôi?
Nào xem thử đoán tên con gái
Oanh, Yến, Đào, Trâm, Bích, Ngọc, Hồi?

Tôi biết vô tình Dung lại muốn
Con mình mang lấy nghiệp ăn chơi.
Ngọc nữ trót sinh vào tục lụy
Đời con rồi khổ đấy con ơi!
Mẹ con đeo đẳng nghề ca xướng
Nuôi được con sao, giời hỡi giời!
Mẹ con chỉ đợi hồng đôi má
Chỉ đợi chiều xuân kia thắm tươi
Hôn con một chiếc hay là khóc
Rồi gởi cho nhgười thiên hạ nuôi
Mẹ con nịt vú cho tròn lại
Chiều cái hoang đàng lũ khách chơi
Đời cha lưu lạc quê người mãi
Kiếp mẹ đêm đêm bán khóc cười
Có mẹ có cha mà đến nỗi
Miệng đời mai mỉa gái mồ côi
Vài ba năm nữa con khôn lớn
Uốn lưỡi làm sao tiếng "mẹ ơi"
Đời em xuống dốc tôi lên dốc
Nào có vui gì, khổ cả đôi
Sương chiều gió sớm bao đơn chiếc
Bướm lại ong qua mấy ngậm ngùi
Sắt son một chuyến giăng còn sáng
Tâm sự đôi dòng nước chảy xuôi
Cỏ bồng trở lại kinh kì được
Hoa đợi hay bay xứ khác rồi.
Vô khối ngọc trong the thắm đấy
Dung còn chung thủy nữa hay thôi?
Rồi có một đêm màn rủ thấp
Ngã vào tay một khách làng chơi.
Em có nghĩ rằng trong hắt hủi
Con mình trằn trọc cánh tay ai?
Em có nghĩ rằng trong quán trọ
Đầu tôi lại gối cánh tay tôi?
Cha mẹ đã không nuôi dạy được
Con là phận gái hạt mưa sa
Chân bùn tay lấm hay hài hán
Hay lại bình khang lại nguyệt hoa?
Cành đưa lá đón theo đời mẹ
Phách ngọt đàn hay tục xướng ca
Cha lo ngại lắm là con gái
Chẳng có bao giờ biết mặt cha
Con mười sáu bảy xuân đương độ
Cha bốn năm mươi chửa trót già
Cha buồn tiễn khách hơi thu quạnh
Con thẹn che đàn nửa mặt hoa
Chàng chàng thiếp thiếp vui bằng được
Bố bố con con chẳng nhận ra
Một lứa bên giời chung lận đận
Thương nhau cha soạn khúc Tì bà
Áo xanh mà ướt vì đêm ấy
Tội nghiệp đời con, xấu hổ cha
"Khóm cúc tuôn đôi dòng lệ cũ
"Con thuyền buộc một mối tình nhà..."
Giờ đây cha khóc vì thương nhớ
Gửi vọng về con một chiếc hôn
Tiền cha không đủ hoàn lương mẹ,
Còn lấy đâu mà nuôi nấng con?
Thôi cha cầu chúc cho con gái
Mắt chớ lưu cầu môi chớ son
Càng tài sắc lắm càng oan nghiệp
"Bảy nổi ba chìm với nước non"
Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ
Nghèo lắm con ơi! bạc lắm con!
Ở đây cha khóc mà thương nhớ
Đất Huế dầm mưa mấy tháng tròn...

Huế 1941

5. Rắc bướm lên hoa

Những câu hỏi là cũng những câu than. Những cảnh đẹp cũng là cảnh khổ. Người đọc bàng hoàng với hai chữ rắc, nhuộm của thi sĩ : sinh động đồng thời cho thấy viễn ảnh  xấu. Hạnh phúc và đau khổ đan xen, sanh hóa. Đây không là lời trách phiền tình phụ mà là lời trách móc cuộc đời đã sanh ra cái nếp phụ tình.

Ai đem rắc bướm lên hoa
Rắc bèo xuống giếng, rắc ta vào nàng?
Ai đem nhuộm lá cho vàng?
Nhuộm đời cho bạc, cho nàng phụ ta?




VVM.15.9.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com