Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




Thâm Tâm (1917-1950)

THÂM TÂM
VỚI DANH TÁC “TỐNG BIỆT HÀNH”

  

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đó là bốn câu thơ mở đầu cho bài “Tống biệt hành”, bài thơ đã làm nên sự nghiệp văn chương của Thâm Tâm.

Thâm Tâm tên thật là Nguyễn Tuấn Trình, sinh ngày 12.5.1917 tại Hải Dương, xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo và đông con. Sau khi học hết bậc tiểu học, ông phải ở nhà giúp gia đình đóng sách và nấu bánh kẹo. Khoảng năm 1938, ông cùng gia đình lên Hà Nội sống bằng nghề vẽ tranh Bờ Hồ, làm đồ gốm và bắt đầu viết văn. Ông cộng tác với Tiểu Thuyết Thứ Bảy, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Ngày nay, Bắc Hà.

Sau Cách mạng tháng tám, ông công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc và làm biên tập viên cho tạp chí Tiên Phong. Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông nhập ngũ, làm thư ký tòa soạn báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội nhân dân), cơ quan ngôn luận của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông vừa làm thơ, viết tin, soạn kịch, vừa trình bày và vẽ tranh châm biếm.

Năm 1950, Thâm Tâm đi chiến dịch Cao Lạng để làm báo ngoài tiền tuyến. Ngày 18 tháng 8, một cơn sốt rét ác tính đã cướp mất đời ông ở tuổi 33 tại xã Phi Hải, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng.

Lúc đầu, vì dùng văn chương để làm kế mưu sinh nên Thâm Tâm viết nhiều thể loại. Về truyện, ông có tiểu thuyết Thuốc mê (1943), Đại đội Kim Sơn (1948). Về kịch có các vở Sương tháng tám (1939), 19 tháng 8 (viết chung với Trần Huyền Trân), Lối sống, Nga Thiên Hương, Đầu quân vào Nam (1945), Lá cờ máu (1946). Về tiểu luận có Văn thơ bộ đội (1949).

Nhưng chỉ có thơ mới làm cho Thâm Tâm nổi tiếng. Thơ của ông để lại không nhiều, khoảng 20 bài, trong đó có bài Tống biệt hành đã mang lại cho ông vòng nguyệt quế. Bài thơ này thành công nhất, được Hoài Thanh, Hoài Chân tuyển vào cuốn Thi nhân Việt Nam và người yêu thơ nào cũng biết.

Trước Cách mạng tháng tám, thơ Thâm Tâm rất buồn. Nhà thơ Vũ Cao – tác giả bài thơ Núi đôi – cũng có nhận xét như thế :

-“Trước cách mạng, tôi chỉ đọc Thâm Tâm vài truyện ngắn, vài bài thơ. Thơ anh rất buồn, cái buồn của những người bất đắc chí, chỉ biết đi là đi, chia biệt, mong nhớ, đượm cái khí thế “trượng phu” thời cổ, hào hùng thì ít, u hoài thì nhiều :

Chim nhạn chim hồng rét mướt bay,
Vuốt cọp, chân voi còn lận đận…”
(Vọng nhân hành)

Thâm Tâm buồn vì nhiều lẽ : vì “sinh bất phùng thời”, vì hoàn cảnh khó khăn, vì bạn bè ly tán…

Tai hại bao nhiêu sự thực đời,
Trừng lên, dập hết mộng. Như người
Tưởng yên ổn sống trong khung cổ,
Vụt tiếng kèn vang nhắc… hiện thời.
(Mơ thuở thanh bình)

Trong khi đó, cuộc sống của tác giả và gia đình gặp biết bao nỗi khó khăn :

Sinh ta, cha ném bút rồi,
Rừng nho tàn rụng cho đời sang xuân.
Nuôi ta, mẹ héo từng năm,
Vắt bầu sữa cạn, tê chân máu gầy.
Dạy ta ba bảy ông thầy,
Gươm dài sách rộng, biển đầy núi vơi.
Nhà ta cầm đợ tay người,
Kép bông đâu áo, ngọt bùi đâu cơm?
(Tráng ca)

Vì hoàn cảnh của đất nước, bạn bè của tác giả phải ra đi, mỗi người một phương trời, không hẹn ngày tái ngộ :

Ngươi chẳng thấy
Vì đời ta buồn như thế đấy,
Cho nên tri kỷ tếch phương trời
Chén rượu ngồi suông vắng cả người !
(Can trường hành)

Nỗi buồn của Thâm Tâm bàng bạc qua các trang thơ. Nghĩ đến chuyện cũ (cố sự) thì nỗi buồn cao vời vợi :

Chán ngán nhân tình sầu chất ngất
(Ngậm ngùi cố sự)

Nghĩ đến cuộc đời mình rày đây mai đó, chẳng biết sẽ trôi giạt về đâu nên lại càng buồn :

Nước mạnh như thác một con thuyền,
Ta lênh đênh hoài, sầu biết mấy !
(Can trường hành)

Vì buồn nên đi vãng cảnh cho đỡ buồn, nhưng cảnh Hương sơn cũng không thể làm vui một tấm lòng sầu não :

Khói sương trời đã nhuốm sầu thời gian
(Chào Hương sơn)

Sống dưới thời Pháp thuộc, làm dân một nước nô lệ, thơ Thâm Tâm biểu lộ nỗi bất bình với thời cuộc, nỗi u uất của thời đại và tâm trạng bế tắc không lối thoát. Nỗi đau của Thâm Tâm cũng là nỗi đau của những người cùng thế hệ :

Bọn ta một lớp lìa nhà,
Cháo hàng cơm chợ, ngồi ca lúa đồng.
(Tráng ca)

Muốn làm được việc lớn nhưng sức chưa đủ, thời chưa thuận và “vuốt cọp chân voi còn lận đận” nên :

Thằng thí cho nhàm sức võ sinh,
Thằng bó văn chương đôi gối hận.
Thằng thư trói buộc, thằng giả quê,
Thằng phấn son nhơ… chuửa một về.
(Vọng nhân hành)

Nói như Bùi văn Trọng Cường :“gam màu chủ đạo của hồn thơ Thâm Tâm là trầm và lạnh” quả không sai.

Buồn và bế tắc như vậy thì chỉ còn một lối thoát : ra đi. Vì thế trong thơ, Thâm Tâm luôn nhắc đến những từ như : ra đi, chia tay, lên đường, những trường đình, khói tàu, hiệu còi xoáy lộng, thét roi, phiếm du, xách gói sang Nam v.v… Nhưng đi đâu?

Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu (Bùi Giáng)

Thật vậy, đó là tâm trạng chung của thanh niên Việt Nam trước năm 1945. Họ muốn ra đi nhưng không có định hướng, chẳng biết đi đâu, về đâu, miễn là thoát ly khỏi cái bầu không khí ngột ngạt lúc bấy giờ.

Nhưng đi thì phải xa quê, xa bạn bè người thân, nỗi lưu luyến bùi ngùi làm se lòng người ly khách :

Trời hỡi ! Mai này tôi phải đi,
Thơ này rồi chẳng đọc ai nghe.
Đời nhiều nhưng có dăm người bạn
Thì viễn ly không hứa hẹn về.
(Ngược gió)

Nhưng chuyện ra đi vẫn thôi thúc hoài làm cho tác giả không yên nên mới quyết lòng dứt khoát :

Tiệc này đêm cuối, mai chia ly,
Anh cố lưu tôi có ích gì.
Đời người say tỉnh được bao dịp?
Xin cạn chén rượu để tôi đi.
(Lưu biệt)

Trong thơ Thâm Tâm, khung cảnh chia tay, lên đường như thế có thể thấy ở nhiều bài thơ :

Sáng mai qua bến Ninh Cơ lạnh,
Sẽ thấy se lòng trận gió tê.
Giọng đàn lưu luyến làm chi nữa,
Tôi quyết đi rồi, tôi phải đi.
(Lưu biệt)

Khi nghe cơn gió lên là lại muốn ra đi, không hẹn ngày về :

Hay đâu kẻ vũ đất Lương Yên
Một sớm nghe bùng cơn gió lên
Xách gói sang Nam không hẹn lại,
Chỉ hiềm chẳng đụng đến cung tên !
(Can trường hành)

Nhưng trong các văn thi phẩm của Thâm Tâm, chỉ có bài thơ “Tống biệt hành” là có thể đứng mãi được với đời. Bài thơ hay và lạ này “đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại” (Hoài Thanh). Đã có rất nhiều bài viết về Tống biệt hành (nên ở đây chúng tôi không đi sâu vào chi tiết), hầu hết đều khen nhưng vẫn có chỗ bất đồng ở ba câu cuối. Có người đã viết :“Nếu kể tên mười nhà thơ Việt Nam lớn nhất, không chắc có Thâm Tâm, nhưng chọn mười bài thơ mới hay nhất khó có thể bỏ qua Tống biệt hành”. Điều ấy đúng. Bài thơ mở đầu bằng bốn câu rất lạ :

Đưa người ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Lạ là ở chỗ ý tương phản : không đưa qua sông sao lại có tiếng sóng? Bóng chiều không thắm cũng không vàng vọt sao trong mắt lại có bóng hoàng hôn? Lạ và hay cũng là ở đó.

Những câu tiếp theo nói về chí khí của người ra đi : nếu không thành công thì sẽ không có ngày “qui cố hương” :

Chí lớn chưa về bàn tay không
Thì không bao giờ nói trở lại,
Ba năm mẹ già cũng đừng mong.

Tuy vậy, người ra đi làm sao tránh khỏi nỗi buồn vì còn mẹ già, hai chị và em thơ, những người chân yếu tay mềm rất cần một đấng nam nhi để làm nơi nương tựa :

Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước,
…. Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay.

Và đoạn kết, lời lẽ cứng rắn, cương quyết, ly khách quyết lòng dứt áo ra đi :

Người đi ! Ừ nhỉ, người đi thực !
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say !

Có hai ý kiến trái ngược nhau về khổ thơ này. Ý kiến thứ nhất cho rằng người ra đi coi mẹ như chiếc lá bay, coi chị như hạt bụi và coi em như hơi rượu say. Như thế có vẻ dửng dưng, tàn nhẫn quá.

Ý kiến thứ hai cho rằng : thà mẹ coi con (ly khách) như lá bay, chị coi em như hạt bụi và em gái coi anh như hơi rượu say. Ý là người ly khách muốn mẹ, chị và em coi mình như vậy để đỡ nhớ nhung, thương tiếc, bận lòng. Ý này dành cho người ra đi một sự thiệt thòi nhưng có thể chấp nhận được nên phần đông ngả về ý kiến này.

“Ta hãy chú ý cách ví von :“chiếc lá bay, hạt bụi, hơi rượu say”đều là những hình ảnh động (vì hạt bụi cũng bay, càng bay mạnh, còn rượu thì tất nhiên bốc hơi và biến đi đâu mất) như vậy sẽ không ứng với những người ở lại nhà, tiếp tục sống một cuộc đời tĩnh tại, tù túng. Nếu các hình ảnh ấy vận vào người ra đi, người sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu vô định, dễ thường hợp hơn chăng?” (Đỗ Lai Thúy). Ý kiến này nghe ra rất có lý.

Vậy còn người ly khách trong bài là ai? Có hai nhân vật được nêu lên.

Theo ông Ngọc Giao, một nhà văn viết cho Tiểu Thuyết Thứ Bảy cùng với Thâm Tâm thì bài thơ “Tống biệt hành” bất tử của Thâm Tâm chính là tác giả gửi tâm sự vào đó trong bữa rượu tại nhà Lê Văn Trương chia tay một người bạn tên là Viễn sắp đi xa… Thâm Tâm ứng khẩu đọc bài thơ ấy trên chum rượu bên hồ. Cũng theo ông Ngọc Giao thì “anh chàng Viễn - một tay đồ tể khét tiếng ở lò sát sinh Lò Đúc – làm nghề chọc tiết lợn nhưng Viễn rất yêu mến, hiểu biết về văn học, hào hiệp như một hảo hán thời Đông Chu liệt quốc” (Hoài Việt) (1) .

“Nhưng theo ông Phạm Quang Hòa, nguyên Giám đốc sở Thông Tin Liên khu X (Việt Bắc) thì Thâm Tâm viết bài thơ này là để tặng ông ngày ông tìm lên chiến khu. Trước lúc ra đi, ông có mời ba người bạn thân là Trần Huyền Trân, Nguyễn Bính và Thâm Tâm đến uống rượu tiễn. Mỗi người làm một bài thơ tặng ông. Thâm Tâm làm bài thơ Tống biệt hành, Nguyễn Bính có bài Chia tay, còn bài thơ của Trần Huyền Trân thì ông không nhớ.

Trong bài Tống biệt hành có một số người phụ nữ được nhắc đến, đó là hai người chị của ông (một chị dâu, một người bạn gái của chị dâu) và cô em gái chính là người yêu của ông lúc đó mới 16 tuổi” (Hoài Việt).

Ba người này khiến cho ta thấy có chỗ không ổn. Từ trước tới nay, đọc Tống biệt hành, ai cũng hiểu là hai chị và em gái nói trong bài đều là chị em ruột của người ly khách. Trường hợp của ông Phạm Quang Hòa thì một là chị dâu, một là bạn của chị dâu (xa lắc), một là người yêu (chưa cưới) thì đâu phải là người trong gia đình (trừ chị dâu), đâu phải là ruột thịt để mà có một mối tình thâm sâu như thế? Điều này rất đáng ngờ và ly khách vẫn mãi mãi là ẩn số như T.T.Kh. vậy. Nếu ta biết rõ một T.T.Kh. bằng xương bằng thịt có lẽ ta sẽ thất vọng biết bao !

Theo nhà thơ Vũ Cao thì Thâm Tâm có nước da đen sạm, người gầy gò, nét mặt lạnh lùng đến khắc khổ. Trong sinh hoạt thường ngày, ông là người kín đáo, ít nói. Chỉ đôi khi có món “cải thiện”, anh em tổ chức bữa ăn tươi, kiếm thêm chút rượu uống và chuyện trò vui vẻ thì ông mới góp đôi ba câu chuyện, nhưng cũng không dài. Thường những khi đó, ông hay lấy giấy bút ra ngồi im lặng ký họa khuôn mặt các cô gái, cô nào cũng béo và đề thơ kèm bên cạnh. Anh em đùa rằng : Anh gầy thế mà sao cô nào cũng béo? Thâm Tâm chỉ cười không nói (Từ Bích Hoàng).

Vậy con người lạnh lùng khắc khổ ấy có biết yêu không? Có đấy. Bài thơ đầu tiên của Thâm Tâm là một bài thơ tình nhan đề “Đây cảnh cũ, đâu người xưa?” (1941) do bà Oanh, chị của Thâm Tâm đọc lại. Bài thơ này ông ký bút hiệu Trăm Năm. Theo đó thì Thâm Tâm gửi gắm mối tình đầu cho một thiếu nữ tên Trinh :

Gặp Trinh trong bóng xuân đào,
Đang khi quãng gió dạt dào chim ca.
Má hồng, hồng đượm hương hoa,
Rung rinh đọng giọt phấn nhòa sương rơi….(2)

Bài thơ cứ thế kéo dài đến 22 câu lục bát. Chắc chắn mối tình này không thành nhưng cũng không ai biết cô Trinh nói trong bài là ai. Năm 1939, Tiểu Thuyết Thứ Bảy đăng ba bài thơ Hai sắc hoa ti-gôn, Bài thơ thứ nhất và Bài thơ cuối cùng ký bút hiệu T.T.Kh. khiến dư luận xôn xao trong làng văn. Mọi người đồn đãi rằng T.T.Kh. là người yêu của Thâm Tâm. Nhưng bà Kim Chi, một người bạn cố tri của Thâm Tâm cho hay thơ T.T.Kh. là do Thâm Tâm làm. Rồi một người khác, trên đường hành quân cùng Thâm Tâm đã hỏi ông và người này cũng khẳng định mấy bài thơ ký T.T.Kh. là một cái tên không có thật. Nhà nghiên cứu văn học Hoài Anh, trong một bài báo, cũng cho là những bài thơ ký T.T.Kh. là thơ của Thâm Tâm (Hoài Việt). Như thế là đã rõ.

Thơ Thâm Tâm buổi đầu chịu ảnh hưởng của xu hướng lãng mạn trong phong trào thơ mới nên có tư tưởng thoát ly như Thế Lữ với Giây phút chạnh lòng hay Nguyễn Bính với Hành phương Nam. Thơ ông lại có vẻ bi tráng, mang hơi hướng cổ phong và hào hùng như các tráng sĩ thời xưa. Sau Cách mạng, thơ ông có chuyển hướng, sát thời cuộc hơn như bài “Chiều mưa đường số 5” được nhiều người khen ngợi.


***

Theo nhà báo lão thành Trúc Kỳ, người đồng đội của Thâm Tâm, cùng làm báo Vệ quốc quân ngày đó, thì năm 1950, khi ở Trung Quốc về, ông nhận được điện phải đến gấp cơ quan ở một bản nhỏ dưới chân đèo Mã Phục, gần thị trấn An Lại, cách thị xã Cao Bằng khoảng 18 cây số về phía Bắc. Ông được lệnh về thay Thâm Tâm đang bị ốm nặng.

Sáng hôm sau, ông lên đường đến chỗ Thâm Tâm, cách đó hơn 30 cây số nữa. Chiến dịch Cao Lạng đang được chuẩn bị rất khẩn trương. Thâm Tâm nằm giữa một cái lán, bốn bề trống huếch trống hoác, lộng gió như ở ngoài đồng. Thâm Tâm hoàn toàn khác hẳn. Ông sốt rất cao, đôi má lõm sâu, da mặt vàng khè, mắt càng vàng hơn dưới đôi quầng thâm xịt. Trúc Kỳ ôm choàng lấy Thâm Tâm mà khóc.

Thấy không thể để Thâm Tâm như vậy được, Trúc Kỳ liên hệ với địa phương xin hai dân quân tới cáng Thâm Tâm về An Lại để có phương tiện chữa chạy hơn. Đoàn rời bản Piềng lúc hơn 5 giờ chiều. Họ đi suốt đêm, gần sáng thì đến An Lại. Bỗng một người dân quân hốt hoảng gọi to :

- Mân thai gia lố ! (Nó đã chết rồi !).

Trúc Kỳ rụng rời tay chân. Biết làm thế nào bây giờ? Đồng bào thiểu số có tục không cho mang người chết vào nhà. Biết người bí thư chi bộ là người tiến bộ, ông Võ Bá Tải phụ trách Hành chánh Quản trị đến thăm dò ý kiến rồi tươi tỉnh chạy về nói :“Đồng chí bí thư đúng là người rất hiếm thấy. Đồng chí bảo cứ đưa anh Thâm Tâm vào nhà, đặt nằm trên sàn và buông màn xuống coi như đang ngủ, đến sáng rõ mới loan tin chết”.

Lát sau, người chủ nhà lặng lẽ hạ tất cả bộ cửa gỗ xuống rồi một mình hì hục đục đục cưa cưa : anh đóng cỗ áo quan cho Thâm Tâm !

Trúc Kỳ và các bạn mặc quần áo cho Thâm Tâm, nhìn mặt ông lần cuối, bó chặt ông bằng tấm chăn mới, khênh ông đặt vào quan tài rồi đậy nắp ván lên. Thân nhân không có ở đây, chỉ có đồng chí, bạn bè tiễn đưa ông đến nơi an nghỉ cuối cùng ở chân đèo Mã Phục (3).

Ngày 17-8-2000, gia đình anh Nguyễn Tuấn Khoa – con trai của nhà thơ Thâm Tâm – cùng với đoàn làm phim đài Truyền hình VN về thăm Cao Bằng, nơi đã an táng Thâm Tâm gần 50 năm về trước. Nhưng mộ của Thâm Tâm đã được UBND huyện Quảng Hòa qui tập về nghĩa trang liệt sĩ của huyện từ những năm sáu mươi. Nghĩa trang đã thay đổi địa điểm đến bốn lần. Ông chủ tịch huyện Quảng Hòa Nông Vĩnh Trung cho biết : lúc qui tập phần mộ các liệt sĩ về nghĩa trang thì cũng chỉ đánh số và vẽ lại sơ đồ. Nào ngờ tháng 2-1979, kho tài liệu lưu trữ của huyện đặt tại một hang đá đã bị đốt phá sạch, trong đó có sơ đồ mộ liệt sĩ. Bây giờ ở nghĩa trang, riêng khu mộ liệt sĩ chống Pháp gồm 151 ngôi, chỉ một ngôi duy nhất có tên, còn lại đồng loạt là ghi dòng chữ : Liệt sĩ chống Pháp. Phần mộ Thâm Tâm cũng “vô danh” trong số 150 ngôi còn lại.

Đoàn tìm đến nhà người bí thư năm xưa đã giấu vợ con cho phép đưa thi hài Thâm Tâm vào nhà và tháo cửa gỗ để đóng quan tài cho Thâm Tâm. Ông đã mất từ lâu, chỉ còn người cháu nội giúp phát hiện ra vùng đất trũng vốn là ngôi mộ của nhà thơ Thâm Tâm, nay cỏ mọc xanh um vẫn được bà con hương khói giữ gìn chu đáo.

Sau khi đặt mâm lễ hoa quả thắp hương xong, vợ chồng anh Nguyễn Tuấn Khoa xin phép bà con dân bản lấy một nắm đất gói vào vuông vải điều để mang về thờ. Bầu không khí lặng lẽ, trang nghiêm và cảm động (4).

(1) Trích trong “Hồi ức về Thâm Tâm”, tạp chí Văn học số 3-1991.
(2) Tư liệu của Phương Thảo.
(3) Tóm tắt bài “Những phút cuối cùng của Thâm Tâm” của Trúc Kỳ.
(4) Văn Giá – Về Việt Bắc tảo mộ nhà thơ Thâm Tâm.





VVM.15.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com