Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

VỀ CHÚ ĐẠI BI

  


Đ ẠO là CON ĐƯỜNG. PHẬT là GIẢI THOÁT. ĐẠO PHẬT LÀ CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT. Đức Phật Thích Ca đã hoàn tất được công việc Giải Thoát cho bản thân, nên Ngài được gọi là Phật Thích Ca. Tất cả mọi người đều có thể đạt đến kết quả như Ngài, nên Ngài đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”. Trước khi nhập diệt, Đức Thích Ca giao sứ mạng nối truyền Chánh Pháp của Ngài cho các Đệ Tử. Hy vọng họ sẽ “Mồi ngọn Vô tận Đăng”, để tất cả chúng sinh đều được Giải Thoát, có được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống. Đó chính là mục đích của Đạo Phật.

Muốn được Giải Thoát thì mỗi người phải theo con đường Phật đã mở ra và Chư Vị Giác Ngộ nối tiếp nhau ngày càng làm sáng tỏ thêm qua những Bộ Chính Kinh, rồi tự mình hành trì gọi là TỰ TU, để TỰ ĐỘ. Con đường đó có một trình tự nhất định, không thể làm khác. Đó phải Giữ Giới, Thiền Định, Quán Sát,Tư Duy, đi trong Bát Chánh Đạo, hành Lục Độ, Vạn Hạnh, Tứ Nhiếp, Từ, Bi, Hỉ, Xả. Mỗi giai đoạn cần đối chiếu với Chính Kinh để xem có Khế Hợp hay không, để tránh di lạc hướng, vì trong Chính Kinh, Chư vị Giác Ngộ đã để sẵn những cái Mốc, để người sau nương đó mà hiểu, mà hành mới không bị lạc đường. Do vậy, người đọc Kinh được dặn dò : “Không được rời Kinh dù một chữ”, vì rời Kinh một chữ thôi, là đồng với thuyết của ma. (Ly Kinh nhất tự đồng ma thuyết).

Sở dĩ Đức Thích Ca mở ra Con đường tu hành Giải Thoát là vì thấy cuộc sống ngắn ngủi mà con người phải khổ sở, phiền não. Nhưng con người quá mê đắm vào trần cảnh, khó thể dứt ra. Vì thế, để giúp cho người tu hành thời sau. Chư Vị Giác Ngộ phải vận dụng nhiều phương tiện. Hoặc hứa những Quả Vị. Hoặc mô tả cảnh giới của các Vị Phật ở Tây Phương, Đông Phương để những người ham thích đến những nơi đó thì sẽ Hành theo những hướng dẫn kèm theo để đạt được kết quả.

Khi Quán sát cách thức để tháo gỡ những dính mắc, Đức Thích Ca thấy rằng, dù con người phạm rất nhiều điều sai lầm trong kiếp sống, gọi là gây Nghiệp. Nhưng không phải do cái Thân đơn phương hành động, vì nó chỉ là đống hỗn hợp do TỨ ĐẠI ( Đất, Nước, Gió, Lửa) kết tụ mà hình thành. Không có chủ thể. Thủ phạm đã điều động cho cái Thân là một thứ Vô Hình, Vô Tướng, ẩn trong cái Thân, Ngài gọi đó là Cái Tâm. Do đó, muốn thay đổi, muốn ngưng không tạo Ác Nghiệp nữa, thì không phải hành hạ hay vùi dập, ngăn cấm Cái Thân, mà phải nhắm vào chủ nhân của nó, là CÁI TÂM mà sửa đổi, vì đó mới là nhân vật chính. Vì thế, Tu Phật được gọi là TU TÂM.

Nhưng thời Phật lập Đạo cách đây đã gần 3.000 năm. Lúc đó trình độ con người có giới hạn. Ngôn ngữ lại chưa đủ để diễn tả, mà Cái TÂM lại là phần không có TƯỚNG, khó thể nói cho Đệ tử hiểu. Vì thế, Đức Thích Ca đã phải dùng nhiều phương tiện. Hoặc tả cảnh Nước Phật ở trên Cung Đao Lợi, hay Phật Quốc ở Tây Phương, Đông Phương. Nói rằng đó là nơi hoàn toàn thanh tịnh, tốt đẹp, trang hoàng, trần thiết bằng những món quý giá mà người đời ham thích như vàng, bạc, ngọc, ngà, pha lê, kim cương v.v.. Do đó, nếu người thuyết giảng chưa hiểu rõ phương tiện của Phật, cứ “Y Kinh mà giải nghĩa thì làm oan cho Ba Đời Phật”. (Y Kinh giải nghĩa Tam Thế Phật Oan).

Phật Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ đi trước cũng chỉ là những con người bình thường như tất cả chúng ta. Việc tu hành của mỗi người chỉ để làm cho bản thân người tu hết Khổ, được Giải Thoát, không phải để trở thành Thần Linh. Vì thế Phật cũng không có phép mầu hay thần thông có thể cứu giúp cho người khác, chỉ có thể “Độ” cho người sau bằng Giáo Pháp, bằng cách hướng dẫn, phân tích, giải thích những gì cần hiểu, cần hành, cần tránh mà thôi. Do ngôn ngữ xưa chưa thể tả cho người thời đó hiểu được là trong mỗi người chúng ta có những tư tưởng xấu, nhưng cũng có những ý tưởng tốt, và mục đích việc tu hành là để chỉnh sửa, loại bỏ những tư tưởng xấu, để chỉ còn thuần thiện. Vì thế, Phật phải diễn tả là có cảnh mà người ở trong đó được hưởng sự vui thích, an lạc, gọi Niết Bàn. Có cảnh người trong đó bị đọa đày như là Địa Ngục. Phía Niết Bàn thì có Chư Thiên, Chư Bồ Tát. Phía Địa Ngục là nơi bị đọa dày, đau khổ thì có những Chúng Sinh. Những Chúng Sinh này cần được cứu độ.

Tất cả những cảnh giới, Chư Phật, Bồ Tát hay Chúng Sinh đều ở trong Nội Tâm. Không phải là ở bên ngoài. Vì thế, khi đọc Kinh, chúng ta được Chư vị Giác Ngộ dặc dò là phải TỨ Y. Đó là : “Y Nghĩ bất Y Ngữ. Y Pháp bất Y Nhân. Y Trí bất Y Thức. Y Kinh Liễu nghĩa bất Y Kinh vị liễu nghĩa”. Người tu cần Y theo những lời dặn dò này để làm căn bản khi mang lời Kinh ra để áp dụng.. Hơn nữa, muốn thành công cho bản thân thì phải sáng suốt, tức là phải có TRÍ HUỆ. Phải biết cách áp dụng cho đúng lời Phật dạy. Đó là phần của cá nhân người tu. Người có trách nhiệm hướng dẫn cho người khác mà Phật gọi là “Mồi ngọc Vô tận Đăng” thì càng phải sáng suốt hơn. Mình có đuốc, tức là Trí Huệ, thì mới soi cho chính mình và soi cho người khác được. Bản thân mình còn chưa nắm vững dường lối tu hành thì làm sao “Tự Độ đồng Độ tha”?

Thế nhưng, những Đệ Tử của Phật không phải ai cũng tu hành nghiêm chỉnh, cũng tuân theo lời Phật dạy, học cho hết Giáo Pháp để trước là tự hành trì để có kết quả rồi lấy kinh nghiệm đó mà hướng dẫn cho bá tánh. Một số người lười nhác, bất tài, vô tướng, vì thấy cuộc sống của Tu Sĩ nhàn hạ, được ăn trên, ngồi trước, làm Thầy mọi người, nên cũng Xuất Gia, nên dù cũng mang hình tướng tu hành, nhưng Đạo chẳng học, Đức chẳng tu. Những người này không những không làm lợi ích gì cho Phật pháp mà trái lại, còn hiểu sai rồi truyền bá cái sai đó cho bá tánh, làm hại nhiều đời Phật Tử tin theo họ.

Chúng ta vô cùng biết ơn những Bậc Chân Tu, đã Xuất Gia, tu hành nghiêm chỉnh, đã “xả thân cầu Đạo”, như trường hợp của Đường Tam Tạng bên Trung Quốc, bỏ ra 17 năm đi sang Ấn Độ để thỉnh Kinh. Sau khi về nước, lại bỏ ra bao nhiêu năm dài để dịch số Kinh đó ra tiếng Trung Quốc. Nhờ đó người Trung Quốc mới có Chính Kinh để học.

Việt Nam mình thì có nhiều Cao Tăng đã học tiếng Phạn, Tiếng Hán để dịch những Bộ Chính Kinh ra tiếng Việt. Điển hình là Hòa Thượng Thích Trí Tịnh đã dịch rất nhiều bộ Kinh Đại Thừa như DIỆU PHÁP LIÊN HOA, HOA NGHIÊM, ĐẠI BÁT NIẾT BÀN, KIM CANG, BÁT NHÃ BA LA MẬT, ĐẠI BẢO TÍCH, KINH PHỔ HIỀN HẠNH NGUYỆN, ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT BỔN NGUYỆN, KINH TAM BẢO... Những kinh này là cầu nối giữa lời Phật, Tổ và người muốn tham khảo . Nhờ đó, biết bao nhiêu lớp Tu Sĩ hay Cư Sĩ người Việt mình muốn học, muốn nghiên cứu đều có thể nương vào đó mà kiểm chứng, mà hiểu thêm những lời Phật dạy để đưa vào thực hành.

Tôi đã bỏ ra khá nhiều năm để đọc hầu hết những Bộ Chính Kinh đã được dịch ra. Ngoài những Bộ do Hòa Thượng Thích Trí Tịnh dịch, còn đọc của những Vị khác dịch, mục đích ngoài xem sự hiểu biết của mình có khế hợp với Chính Kinh, còn là để kiểm tra chéo, xem những gì Chư Tổ giảng có có mâu thuẫn với nhau hay không ? thì thấy trong Kinh nào Chư Vị Giác Ngộ cũng dùng cách này, cách khác nói về những việc cần Hiểu, cần Hành cho người tu Phật thời sau. Trong Kinh cho Vị Bồ Tát nào đó nêu một số thắc mắc, để Phật giải thích, cũng như chỉ rõ cách thức hành trì thế nào để đạt được kết quả. Từ cách thức Phát Tâm đúng. Phân tích về Cái Tâm, cũng như những điều sai lầm người tu có thể gặp phải như trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm. Hay giải thích con đường Đốn Ngộ rõ ràng như Kinh VIÊN GIÁC, SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, PHÁP BẢO ĐÀN KINH. ĐẠI BÁT NIẾT BÀN. Hoặc nói về Con Đường Độ Sinh để Thành Phật như Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA. Kinh nào cũng khẳng định : “Đây là kinh cao nhất, mở môn phương tiện, bày tướng chân thật. Người chưa đọc Kinh này là chưa thể thành tựu Đạo Bồ Đề”.

ĐẠO PHẬT chân chính là CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN GIẢI THOÁT. Những gì được ghi lại trong Kinh là những lời Phật hay Chư Tổ giải thích về những điều cần hiểu, cần hành, những cách thức để thực hành, những ma chướng có thể gặp trên con đường tu hành. Do đó, những người không đọc kỹ ít ra là một Bộ Kinh mà chỉ mang ra Tụng, lấy đó làm công phu, thì khó thể có sự hiểu biết đúng đắn để thực hành.

Thời xưa, giao thông chưa thuận lợi, các dịch giả dù cố gắng hết sức cũng không có điều kiện để tiếp cận với các Kinh điển Nhà Phật, vì thế có một số Kinh chưa được dịch. Lẽ ra các Tu Sĩ thời sau sẽ tiếp tục công việc đó để đưa tất cả những Bộ Kinh còn nguyên bản bằng Tiếng Phạn hay tiếng Hán chuyển ra tiếng Việt để mọi người đều có thể đọc mà được lợi ích. Nhưng các Tu Sĩ thời sau này ít thấy các vị chịu bỏ thì giờ để tìm hiểu mà phiên dịch thêm, chỉ truyền nhau những Bộ Kinh đã được dịch sẵn. Một số Kinh chưa dịch ra, thì gọi đó là CHÚ, dùng để Tụng, xem như là phương pháp “Mật” để tu hành !

Một trong những Chú được Tụng nhiều nhất là CHÚ ĐẠI BI. Bài Chú này từ lâu được các Chùa phổ biến, là Kinh Nhật Tụng của các Tu Sĩ. Phật tử cũng được khuyến khích để trì tụng hàng đêm, vì cho là : “chỉ cần thành kính tụng Chú này thì được sự hộ trì của Chư Bồ Tát. Cầu gì được nấy. Trước khi tụng thì phải chuẩn bị mọi thứ sạch sẽ, trang nghiêm. Lúc đọc cũng phải rõ ràng, giọng phải trầm hùng thì mới có hiệu quả” !

Gần đây, tình cờ tôi đọc được một bài viết, công bố Bản Dịch CHÚ ĐẠI BI do dịch giả tên Huỳnh Bá Hinh. Ông này đã tự học tiếng Phạn để dịch ra. Vì thế, nhiều Phật Tử khi đọc được bản dịch không khỏi ngạc nhiên. Họ hoang mang hỏi nhau và đề nghị hỏi các bậc Thầy xem như thế nào ?

Để giải thích lý do dịch bài CHÚ ĐẠI BI. Xin tóm tắt lời Ông Huỳnh Bá Hinh. Ông kể :

“Lúc nhỏ nhà ông ở trên mặt đường ngay đầu một con hẻm nhỏ dẫn từ đường Cô Bắc sang tới cuối đường Đề Thám cận với đường lớn Trần Hưng Đạo. Hẻm có độ 100 ngôi nhà, nhưng mỗi lần có quan hôn tang tế thì cả xóm đều mượn chỗ trống ngay trước nhà của ông, vì đó là chỗ trống, rộng rãi duy nhất để mọi người tụ họp. Vì thế, ông thường xuyên nghe các Thầy tụng bằng những ngôn ngữ lạ hoắc, không hiểu được. Có lần ông đã tò mò hỏi Sư thầy, cũng như nhiều lần khác hỏi nhiều vị Thầy khác, nhưng câu trả lời gần như nhau là : “Đó là Chú của nhà Phật, bất khả tư nghì, không thể nghĩ bàn, nói ra thì mất đi sự linh ứng”. Sau này, ông tự nghiên cứu, học tiếng Phạn vả dịch bài Chú Đại Bi sang tiếng Việt.

Xin được mạn phép dịch giả Huỳnh Bá Hinh để phổ biến Bài Chú ĐẠI BI mà dịch giả đã bỏ công dịch ra tiếng Việt. Hy vọng , qua đó ngưởi đọc được sẽ thấy là không có gì Mật trong bài Chú. Không thể dùng đó Tụng để được Chư Phật, Bồ Tát hộ trì, mà trong đó chỉ là NHỮNG VIỆC MÀ NGƯỜI TU CẦN LÀM ĐỂ TRỞ THÀNH PHẬT. Điều này thì từ xưa đến nay chưa hề được Chùa Chiền phổ biến.

Tiếp theo đây là bắt đầu phần Kinh được dịch Giả Huỳnh Bá Hinh dịch ra :

“Tìm hiểu từng phần đoạn Kinh Nam mô Hắc ra Đát Na Da Na Dạ Đa.

Nam Mô A Rị Đa. Bà Lô Yết Đế Thước Bát Ra Da được hiểu như sau :

Namo : Có nghĩa là thành kính hướng về

Ratna : Là châu báu quý giá hay còn được gọi là Bảo theo Hán Việt.

Trayaya : Có nghĩa là thể trạng 3 (Trois, hay Three) không tách rời nhau.

Ariya : Là đấng thanh khiết, đấng huệ trí

Valokite còn đọc là Avalokite : Có nghĩa là Sự tự tại.

S’varaya hay còn đọc là s’varay : Có nghĩa là âm thanh chứ không có nghĩa là một lời chào mừng như nhiều người lầm tưởng.

Vậy nguyên văn của Namo ratna-trayaya Namo ariya valokite s’varaya có nghĩa hết sức rõ ràng là : Thành kính đảnh lễ ngôi Tam Bảo, thành kính hướng tâm đảnh lễ Đấng Tự Tại và Âm Thanh.

Dưới đây là 36 câu của CHÚ ĐẠI BI với âm Hán Việt và lời chú giải :

Câu 1 :

Namo ratna-trayâya Namo ãriyã-valokite-s’varãya

Namo Hăc Ra Đát Na Đa Ra Dạ Da : Thành kính đảnh lễ Ngôi Tam Bảo

Namo A Rị Da Bà Lô Yết Đế Thước Bát Ra Da : Thành kính đảnh lễ Đức Quán Tự Tại - Đức Quán Thế Âm.

Câu 2 :

Bodhi-sattvãya Maha-sattvãya Mahã-Kãrunikãya

Bồ Đề tát đỏa bà da ma ha tát đỏa bà da ma ha ca lo ni ca da : Bậc Bồ Tát giác ngộ hữu tình - Bậc đại sĩ - Bậc Đại Bi tâm

Câu 3 :

Om sarva rabhaye sudhanadasya

Án Tát bàn ra phạt duệ số đát na đát tả : Tán thán việc quy y nhất thiết Thánh Chúng và Chánh Pháp tùy thuộc.

Câu 4 :

Namo skritva imam ãryã-valokite-s’vara ram dhava Namo narakindi hrih

Nam mô tất kiệt lật đỏa y mông a rị da bà tô kiết đế thật Phật ra lăng đà bà Nam mô na ra cẩn trì hê rị :

Sau khi hoàn tất việc đảnh lễ đấng Quán Tự Tại Quán Âm Đại Từ Tâm Địa, tiếp đến thành kính đảnh lễ bậc Đại chí Thánh, bậc Hiền Thiện Tôn giả.

Câu 5 :

Mahã-vadha-svã-me

ma ha bàn đa sa mẽ

Phóng ra ánh sáng Đại quang minh

Câu 6 :

Sarva- arthato-s’ubham ajeyam Sarva-sata

Tát bà tát bà a tha đậu du bằng a thệ dựng Tát bà tất đa na ma bà tất đa :

Khiến cho hết thảy chúng sanh nhất thiết được Vô Úy Vô Ưu Vô tỷ bỉ vô Tham và trong sạch diệu tịnh.

Câu 7 :

Namo-vasat Namo-vãka mavitãto

na ma bà tát đa Na ma bà dà Ma phạt đạt đậu :

Từ đó hướng tâm đảnh lễ quy y bậc thiện hữu tình, quy y bậc đồng tử mà trời và người đều mong thân cận.

Câu 8:

Tadyatha: Om avaloki-lokate-

đát diệt tha Án. A bà lô hê Lo ca đế

Thần chú tuyên ra: Hợp nhất thể đại đồng với Quán Tự Tại

Câu 9 & 10 :

karate-e-hrih Mahã-bodhisattva Sarva sarva Mala mala

Cara đế Di hê rị Ma ha bồ đề tát đỏa Tát bà tát bà Ma ra ma ra :

Từ người phát Đại Bi Tâm đến Nhất thiết các Đại Giác hữu tình như hoa thanh tịnh vô nhiễm lan ra khắp nơi chốn.

Câu 11 & 12 :

Mahi Mahi ridayam Kuru kuru karmam.

Ma hê ma hê rị đà dựng :

Phát Đại Tự Tại Tâm hăng hái thường tạo nên các thiện nghiệp

Câu 13 & 14

Dhuru dhuru vijayate Mahã-vijayati Dhara dhara dhrinis’varãya

Cu lô cu lô yết mông Độ lô đồ lô phạt xà da đế Ma ha phạt xà da đế Đà la đà ra Địa rị ni Thất Phật ra da.

Mới có năng lực độ thoát khỏi các triền phược và vượt thẳng lên được. Phải ráng sức duy trì cho có được tâm kiên cố dũng mãnh tự tại.

Câu 15 :

Cala cala mama vimala muktele

Giá ra giá ra Mạ mạ phạt ma ra Mục đế lệ :

Lâu dần khiến cho biến hóa dẫn đến sự giải thoát vô nhiễm

Câu 16 & 17

Ehi ehi s’ina s’ina ãrsam prasari vis’va vis’vam prasaya.

Y hê di hê Thất na thất na Ra Sâm Phật ra xá lợi Phạt sa phạt sâm Phật ra xá da :

Nương theo đó mà thực hiện hoằng pháp hỡi vị Pháp Vương Tử ,chủ của hoà bình.

Câu 18 & 19:

Hulo hulu mara Hulu hulu hrih

Hô lô hô lô ma ra Ho lô hô lô hê lỵ :

Tiếp tục tu hành, tiếp tục làm sạch Thân và làm sạch Tâm - thanh tẩy Thân Tâm.

Câu 20 & 21 :

Sara sara Siri siri suru Bodhiya Bodhiya Bodhahiya BodhayaBodhaya

Ta ra ta ra Tất rị tất rị Tô rô tô rô Bồ Đề dạ Bồ đề Đề dạ Bồ đà dạ Bồ đà dạ :

Kiên cố lên, dũng mãnh lên, rực rỡ lên thông thôi không gián đoạn. Giác ngộ, giác ngộ mau hỡi người có căn cơ chứng giác.

Câu 22 & 23 & 24

Maitreya narakindi dhrish-nina bhayamana svãha Siddhãya svãhã

Di đế lỵ Na ra cẩn trì Địa rị sắc ni na Bà dạ ma na Ta bà ha Tất đà dạ Ta bà ha :

Với tâm Đại Từ Đại Bi khi người đã thành tựu, có được danh tiếng cũng do Tâm Từ Bi đó.

Câu 23 & 26 & 27

Maha siddhãya svãhã Siddha-yoge-s’varaya svãhã Narakindi svãhã

Ma ha tất đà dạ Ta bà ha Tất đà dũ nghệ Thất bàn ra dạ Ta bà ha Na ra cẩn trì Ta bà ha

Thành tựu do Tâm Đại Từ Bi phát ra, thành tựu trong việc giải thoát tương ứng với vạn pháp, thành tựu trong đức hạnh.

Câu 28 & 29 & 30 :

Mãranara svãhã S’ira simha-mukhãya svãhã Sarva mahã-adiddhaya svãhã

Ma ra na ra Ta bà Tất ra tăng a mục khê da Ta bà ha Ta bà ma ha a tất dạ Ta bà ha :

Thành tựu trong diệu nghĩa vô cấu, thành tựu không ai có thể sánh khi nói ra có sức thuyết phục, thành tựu không ai có thể sánh trong tất cả các ý nghĩa sâu sắc.

Câu 31 & 32 :

Cakra-asiddhãya svãhã Padma-kastãya svãhã

Giả kiết ra a tất đà dạ Ta bà ha Ba đà ma kiết tất đà dạ Ta bà ha

Thành tựu không ai sánh trong Chuyển Pháp Luân, thành tựu không ai sánh trong đóa Sen Đỏ tượng trưng cho diệu tịnh nghiệp

Câu 33 & 34

Narakindi-vagalãya svaha Mavari-s’ankharãya svãhã

Na ra cẩn trì bàn đà ra dạ Ta bà ha Ma bà rị thắng yết ra dạ Ta bà ha

Thành tựu trong việc trở thành Đức Thế Tôn, thành tựu trong việc đem uy đức của mình tạo ra tín nhiệm cho mọi người.

Câu 35 :

Namo ratna-trãyãya Namo ãryã-valokite-s’varaya svãhã

Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da Nam mô a rị da Bà lô kiết đế Thước bàn ra dạ Ta bà ha

Thành kinh đảnh lễ ngôi Tam Bảo, thành kính đảnh lễ đức Quán Tự Tại - Đức Quán Thế Âm.

Câu 36 :

Om Sidhyantu mantra padâya svãhã

Án. Tất điện đô Mạn đà ra Bạt đà gia Ta bà ha

Tuyên chú : Hiệp nhất các thành tựu trên viên mãn, đạt được sự viên mãn, thành tựu đó qua trì tụng lời chân ngôn này.

Nguyên văn Bài CHÚ ĐẠI BI được dịch ra tiếng Việt :

“Thành kính đảnh lễ Ngôi Tam Bảo.

Thành kính đảnh lễ Đức Quán Tự Tại, Đức Quán Thế Âm, bậc Bồ Tát giác ngộ hữu tình - bậc Đại Sĩ - Bậc Đại Bi Tâm. Tán thán việc Quy Y nhất thiết Thánh Chúng và Chánh Pháp tùy thuộc.

Sau khi hoàn tất việc đảnh lễ Đức Quán Tự Tại Quán Âm Đại Từ Tâm Địa, Tiếp đến thành kính đảnh lễ bậc Đại Chí Thánh, bậc Hiền Thiện tôn giả. Phóng ra ánh sáng đại quang minh khiến cho hết thảy chúng sanh nhất thiết được Vô Ưu vô Tỷ Bỉ Vô Tham và trong sạch diệu tịnh. Từ đó hướng tâm đảnh lễ Quy Y bậc Thiện hữu tình, Quy y bậc Đồng Tử mà Trời và người đều hằng mong thân cận.

Thần chú tuyên ra :

Hợp nhất thể đại đồng với Quán Tự Tại. Từ người phát Đại Bi Tâm đến nhất thiết các Đại Giác hữu tình như hoa thanh tịnh vô nhiễm lan ra khắp nơi chốn.

Phát Đại Từ Đại Tự Tại Tâm, hăng hái thường tạo nên các thiện nghiệp mới có năng lực độ thoát khỏi các triền phược và vượt thắng lên được.

Phải ráng sức duy trì cho có được tâm kiên cố dũng mãnh tự tại. Lâu dần khiến cho biến hóa dẫn đến sự Giải Thoát vô nhiễm, nương theo đó mà thực hiện hoằng pháp hỡi vị Pháp Vương Tử, chủ của Hòa bình.

Tiếp tục tu hành, tiếp tục làm sạch Thân và làm sạch Tâm - thanh tẩy Thân Tâm.

Kiên cố lên, dũng mãnh lên, rực rỡ lên, không thôi, không gián đoạn.

Giác ngộ, Giác ngộ mau hỡi người có căn cơ Chứng Giác.

Với Tâm Đại Từ Đại Bi khi người đã thành tựu, có được danh tiếng cũng do Tâm Đại Từ Đại Bi đó.

Thành tựu do Tâm Đại Từ Bi phát ra.

Thành tựu trong việc Giải Thoát tương ứng với vạn pháp.

Thành tựu trong đức hạnh.

Thành tựu trong diệu nghĩa vô cấu.

Thành tựu không ai có thể sánh, khi nói ra có sức thuyết phục.

Thành tựu không ai có thể sánh trong tất cả các ý nghĩa sâu sắc.

Thành tựu không ai sánh trong Chuyển Pháp Luân.

Thành tựu không ai sánh trong Đóa Sen Đỏ tượng trưng cho diệu tịnh nghiệp.

Thành tựu trong việc trở thành Đức Thế Tôn.

Thành tựu trong việc đem uy đức của mình tạo ra tín nhiệm cho mọi người.

Thành kính đảnh lễ Ngôi Tam Bảo. Thành Kính đảnh lễ Đức Quán Tự Tại - Đức Quán Thế Âm.

Tuyên chú :

Hiệp nhất các thành tựu trên viên mãn, đạt được sự viên mãn thành tựu đó qua trì tụng lời chân ngôn này”

Từ câu đầu cho đến câu cuối của Bài Chú Đại Bi, chúng ta không hề thấy có một lời kêu gọi phải trì Chú hay hứa hẹn phù hộ độ trì nào của Chư Phật. Ngược lại, hoàn toàn khế hợp với lời Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành. Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” , vì nêu rõ những việc mà người Tu cần làm để TRỞ THÀNH ĐỨC THẾ TÔN :

1/- Đảnh lễ Đức Quán tự Tại, Đức Quán Thế Âm, Bậc Bồ Tát giác ngộ hữu tình, tán thán việc Quy Y nhất thiết Thánh chúng và Chánh Pháp.

2/- Đảnh lễ bậc Chí Thánh, bậc Hiền Thiện tôn giả. Phóng ra ánh sáng đại quang minh cho chúng sanh được Vô Ưu, vô Tham, hướng tâm đánh lễ quy y bậc Thiện hữu tình, bậc Đồng tử mà trời người đều mong thân cận.

3/- Hợp nhất thể đại đồng với Quán Tự Tại, với người phát Đại Bi Tâm và các Đại Giác hữu tình như hoa thanh tịnh vô nhiễm lan ra khắp chốn.

Người tu muốn độ thoát khỏi các triền phược và vượt thẳng lên thì phải :

a) Phát Đại Từ Đại Tự Tại Tâm, hăng hái thường tạo nên các Thiện Nghiệp.

b) Ráng sức duy trì cho có được Tâm kiên cố dũng mãnh tự tại. Lâu dần mới khiến cho biến hóa dẫn đến Giải Thoát vô nhiễm.

c) Tiếp tục tu hành, tiếp tục làm sạch Thân và Tâm - thanh tẩy Thân, Tâm.

d) Người có căn cơ Chứng Giác hãy Giác Ngộ mau. Kiên cố lên, dõng mãnh lên, rực rở lên, không thôi, không gián đoạn.

Với cái Tâm Đại Từ Đại Bi, người tu sẽ thành tựu trong việc Giải Thoát các pháp. Thành tựu trong đức hạnh, trong nghĩa vô cấu, khi nói ra có sức thuyết phục. Thành tựu trong Chuyển Pháp Luân, trong Đóa Sen Đỏ tượng trưng cho Diệu Tịnh Nghiệp, trở thành ĐỨC THẾ TÔN.

Như vậy đây chỉ là bài Kinh Nhật Tụng, người có căn cơ Giác Ngộ phải tự nhắc nhở, thúc đẩy bản thân, hàng ngày lập đi lập lại để nhắc mình “hãy Giác ngộ mau lên. Hợp nhất thể với Đức Quán Tự Tại, với người Phát Đại Bi Tâm và các Đại Giác hữu tình, như hoa thanh tịnh, vô nhiễm, lan ra khắp chốn. Phải PHÁT ĐẠI TỪ ĐẠI TỰ TẠI TÂM, hăng hái thường tạo Thiện Nghiệp. Phải giữ cái Tâm kiên cố, dũng mãnh, tự tại lâu dần mới dẫn đến Giải Thoát vô nhiễm. Phải làm sạch Thân và Tâm. Cứ kiên cố, dũng mãnh không thôi, không gián đoạn thì sẽ thành tựu trong việc Chuyển Pháp Luân để Hoa Sen Đỏ tượng trưng cho Diệu tịnh Nghiệp được nở, trở thành Đức Thế Tôn”.

Rõ ràng là CHÚ ĐẠI BI chỉ cách tu hành theo CHÁNH PHÁP : Tự Độ, tự Phát Đại Từ, Đại Bi, Đại Tự Tại Tâm, và hành trì một cách dũng mãnh, kiên cố, không thôi, không gián đoạn. Chuyển Pháp Luân (Cũng có nghĩa là Độ Sinh) để Hoa Sen Đỏ được nở. Mà Hoa Sen Đỏ không phải là điều kỳ diệu, huyền bí nào trong Đạo Phật, mà là Diệu Tịnh Nghiệp, tức là ngưng không tạo Ác Nghiệp, mà hằng hái thường tạo Thiện Nghiệp, tẩy sạch Thân và Tâm.

Như vậy, nếu Tu Sĩ không chịu dịch ra để thấy những gì hướng dẫn trong đó, mà cứ “xưa bày, nay làm”, theo sự hướng dẫn sai lầm của người đi trước, mang Chú này ra Tụng ĐỂ CẦU XIN ĐƯỢC PHÙ HỘ, ĐỘ TRÌ, thì dù tụng ngày, tụng đêm, tụng suốt đời này sang kiếp khác cũng được ích gì ?

Người có nghiên cứu Giáo Pháp của Đạo Phật đều biết : “PHẬT LÀ VÔ TƯỚNG, DO VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC MÀ THÀNH”. Thực hành tốt đẹp được Một Pháp thì được gọi là Thành Tựu Một TƯỚNG của Phật. Gom lại đầy đủ 32 Tướng Tốt thì thành ra Thân Phật. Phật như thế đâu phải là một vị Thần Linh ? Vì thế “Đảnh Lễ Phật” hay “Quy Y Phật” chỉ để nói về sự tôn kính, sự hướng về Con Đường Giải Thoát mà thôi. Quan trọng là những việc làm, quỳ lạy trong hư không thì cũng không nói lên được điều gì.

Vì vậy, dịch giả nhận định :

“Người xưa có nói, làm thầy thuốc phạm sai lầm thì giết một mạng nguời, làm chính trị sai lầm giết một dân tộc, nhưng làm văn hóa sai lầm thì giết cả nhiều thế hệ”.

“Trong những bài Kinh Phạn được phiên âm sang tiếng Việt tối nghĩa trên đây, không những là giết chết một thế hệ, mà trên ngàn năm qua đã giết cả một nền đạo học tâm linh của biết bao thế hệ người Việt ! Tệ hại nhất là hàng Tăng Chúng, với kỹ thuật hiện đại ngày nay lại không tìm hiểu, nghiên cứu để phục hồi lại ý tưởng thâm diệu ban đầu của Kinh Tạng. Chẳng những vậy, y cứ trên hàng cư sĩ không hiểu rõ Đạo, các Thầy tùy hứng, tùy tâm tri sở kiến của các Thầy đến với người nghe, rõ ràng là đem hạ kinh điển Phật xuống ngang hàng với kiến thức không thể nghĩ bàn của bản thân mình.

Phật Pháp thậm thâm vi diệu cứ như thế được một số Tăng Chúng Vô Minh lợi dụng”.( Huỳnh Bá Hinh).

Nhiệm vụ của Chư Tăng là rao giảng Đạo Phật, mang Đạo Phật đến với mọi người, mọi thời. Chính vì Kính Phật mà bá tánh trọng Tăng, cung dưỡng mọi thứ từ A đến Z cho Chư Tăng không cần lo nghĩ gì về chỗ ở, về cái ăn, cái mặc, chỉ để chuyên tâm tu hành, phục vụ Đạo Pháp. Học Phật Pháp rồi giảng dạy, khai mở cho mình. Tiếc thay, nhiều người Tu hành mà không ý thức trách nhiệm của mình, thay vì tìm hiểu cho kỹ những lời Phật dạy để biết rõ mục đích của Đạo Phật là đưa người tu đến Giải Thoát, tức là Thành Phật, mà lại vẫn tin tưởng Phật là Thần Linh, có quyền “Cứu độ cho Tam Thiên Đại Thiên thế giới”, - như kiến thức của những nhà truyền giáo đã hiểu sai về Phật từ hàng ngàn năm trước - Vì thế, thời buổi này rồi mà Chùa Chiền vẫn mê muội, cứ rầm rì đọc, tụng mỗi ngày những lời mà mình không hiểu nói về điều gì, lại tưởng rằng sẽ được lợi ích, được Chư Phật hộ trì, cầu gì được nấy, và còn mang truyền cho bá tánh ! Việc làm đó chứng tỏ các vị không chịu bỏ thì giờ để học hỏi để biết rằng : “Phật không phải là Thần Linh, mà cũng chỉ là những con người bình thường như tất cả mọi người. Chỉ nhờ vào tu hành mà được Giải Thoát, hết Khổ mà thôi”. Tất cả kinh Đại Thừa đều giải thích như thế, ngay cả trên Google, Phatgiao.org.vn cũng giải thích không khác.

Qua việc làm của Dịch Giả Huỳnh Bá Hinh, một người không phải là Tu Sĩ, đã chứng minh cho chúng ta thấy : Không cứ đợi khoác lên mình bộ áo Ca Sa mới làm được Phật Sự ! Mà tất cả những ai, nếu hiểu đúng, hành đúng đều có thể làm được những việc lợi ích cho mình, cho người, như lời Phật dạy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa. Tôi tin rằng đây cũng là lời nhắc nhở, không chỉ cho những người từ xưa đến nay vẫn một mực tin vào sự khai mở của người khác, không cần biết họ sẽ dắt mình đi tới đâu ? mà còn cho cả những Tu Sĩ đang khoác lên mình nhiệm vụ Hoằng Dương Chánh Pháp. Đạo Phật đòi hỏi người tu phải “Tự mình thắp đuốc lên mà đi” . “Đuốc” đây chính là Trí Huệ. Bát Nhã Tâm Kinh khẳng định : “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa cố, đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”. Có nghĩa là Ba Đời Chư Phật đều nhờ Trí Huệ qua bờ bên kia mà đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.

Tại sao gọi là Trí Huệ qua “ Bờ bên kia” ? Bởi vì Trí Huệ là Trí Hiểu biết. Nhưng những hiểu biết của “Bờ bên này”, là thuần túy thuộc về trần gian với phiền não, đau khổ, Sinh Tử. Trí Huệ qua “Bờ Bên Kia” là sự hiểu biết đưa đến kết quả Giải Thoát khỏi những khổ đau phiền não. “Trí Huệ Qua bờ bên kia” sẽ có được khi tự hành giả nêu những thắc mắc, tự đặt ra những “Nghi tình” mà nhà Thiền đặt cho một cái tên lớn lao là CÔNG ÁN, rồi bằng Thiền Quán (Vipassana) hay cách nào đó để Khai, tức là làm cho rõ nghĩa, để có sự hiểu biết của chính bản thân mình, đối chiếu với Chính kinh để kiểm tra, nếu thấy khế hợp thì thực hành theo đó. Người không có thắc mắc, không khởi nghi tình thì không thể đạt ngộ được. Có Vị Tổ đã nói : “Nghi lớn, ngộ lớn. Không nghi, không ngộ”.

Nhiều người tu cứ than rằng : “Thời nay cách Phật, Tổ rất xa, nên không thể được nghe lời giáo hóa của các ngài”, mà quên rằng dù thân phàm của các vị Giác Ngộ, kể cả Phật, cũng phải theo quy luật mà trả về cho Tứ Đại. Nhưng lời của các vị vẫn được gìn giữ, lưu truyền trong những Bộ Kinh thì coi như các vị vẫn tiếp tục hiện diện. Cũng như Chánh Pháp, nếu mọi người vẫn gìn giữ, thực hành thì sẽ không bao giờ dứt diệt.

Tất nhiên chúng ta không cần đề cập đến những Tu Sĩ “mượn Đạo, tạo đời”. xem Bộ Y, xem Chùa Chiền là nơi núp bóng Phật, dựa vào Phật để hưởng lộc của bá tánh và được nhàn thân, mà mong rằng các vị đã vì ngưỡng mộ Đạo Phật, đã cương quyết bỏ đời, hy sinh cuộc đời để phụng sự Đạo Phật, lãnh trách nhiệm Hoằng Pháp thì cũng nên tự vấn xem mình đã Hoằng Pháp như thế nào ? đã học, đã hiểu đúng Chánh Pháp để truyền dạy cho bá tánh những việc cần Hiểu, cần Hành, đúng như lời của Phật dạy chưa ? Bản thân mình đã tu hành đạt kết quả Giải Thoát để có kinh nghiệm truyền lại cho bá tánh hay không ? Hay chỉ lập lại lời Phật, lời Tổ ? Nếu mình vẫn còn đang loay hoay chưa đi đến đâu mà lại đi hướng dẫn cho người khác thì khác nào đang “Chồng Mê” cho họ. Hiện tượng Cầu An, Cầu Siêu, Cúng Sao, Giải Hạn, bán Ấn, Sớ.. chúng ta thấy đã và đang diễn ra nơi một số Chùa cho thấy Đạo Phật đã bị nhiều người lợi dụng đưa vào Mê Tín, không còn phải là Đạo Phật theo đúng Chánh Pháp nữa.

Nếu chúng ta tự lừa dối bản thân và lừa dối mọi người thì ích lợi gì trong khi ai cũng biết Đạo Phật dạy Vô Thường, nói rằng cuộc sống qua mau, Nhân Thân nan đắc, mà những biến cố trong thập niên gần đây, nhất là dịch bệnh Covid đã và đang giết người hàng loạt trên khắp thế giới, khoa học chưa khống chế được, để cho mọi người thấy rõ thêm lời Phật không hư vọng ! Chúng ta nên nhớ, kiếp này may mắn có được thân người hoàn chỉnh để tu hành, nhưng liệu kiếp sau có còn được đủ duyên làm người và được sinh ra nơi có Phật Pháp lưu hành hay không ? Chúng ta đã may mắn hội đủ 5 điều mà Phật cho là KHÓ ĐƯỢC thì mong rằng, qua bài học CHÚ ĐẠI BI, dù không hoàn chỉnh, đi vào chi tiết như những Bộ Kinh lớn, nhưng cũng đủ nêu ra những việc cần làm của một người muốn tu hành thành tựu. Qua đó, chúng ta nên nhìn lại những gì mình đã Hiểu, đã Hành từ trước đến giờ để nếu thấy đúng, thì tiếp tục tinh tấn. Nếu chưa, thì điều chỉnh lại để không uổng phí kiếp sống và phụ lòng Chư Phật và các Vị Giác Ngộ đã để lại Kinh điển, và nhiều đời đã giữ gìn để nhắc nhở cho chúng ta, mong tất cả mọi người đều Giác Ngộ, Thành Phật vậy.

Tháng 7/2021





VVM.08.8.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com