Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

Ý NGHĨA NGÀY PHẬT ĐẢN

  


N ếu thực hiện đúng như lời Thọ Ký của Đức Thích Ca : “Ta là Phật đã thành. Tất cả Chúng sinh là Phật sẽ thành” , thì với bề dày gần 3.000 năm mở Đạo. Với hàng hàng lớp lớp Tu Sĩ thời nào cũng có, được bá tánh cung dưỡng từ A đến Z để chỉ chuyên tâm tu hành rồi giảng dạy lại cho mọi người, lẽ ra tới thời này thì số người Đắc Đạo, Thành Phật hẳn đếm không xuể, hay tất cả mọi Tín Đồ đều đã Thành Phật ! Vậy mà mỗi năm, tín đồ Phật Giáo trên cả thế giới đều tổ chức những buổi lễ thật tưng bừng với hoa đăng, cờ xỉ rợp trời để mừng ngày Đức Thích Ca Thành Đạo, mà không thấy có ai ăn mừng ngày Thành Đạo của bản thân ! Vậy thì nhiệm vụ của những Tu Sĩ là gì ? Tạì sao với gần cả 3.000 năm, trừ một số Tổ ít ỏi, dửng ở con số 33 Vị, không thấy xuất hiện được mấy người Chứng Đắc như Đức Thích Ca mong mỏi như lời Thọ Ký ? Giáo Pháp của Đạo Phật có bí mật, được dấu để truyền riêng ? Đã bị thất truyền ? Hay lý do nào đã làm Phật Pháp không phổ cập được, dù Chùa chiền ngày càng phát triển, Tu sĩ ngày càng đông, đủ mọi trình độ, mọi quốc tịch, Phật tử đứng thứ hạng cao so với các Tôn Giáo khác ? Thử ngược dòng lịch sử để tìm đáp án cho thắc mắc lớn lao này.

Mọi người đều biết, Đạo Phật ra đời cách đây đã gần 3.000 năm. Suốt thời gian từ đó đến nay có biết bao nhiêu thế hệ đã Xuất Gia tu hành, đã cống hiến cuộc đời cho Đạo Pháp. Đã xây biết bao nhiêu là Chùa, Tháp, kêu gọi biết bao nhiêu Phật Tử Quy Y mà theo thống kê cho biết, con số Phật Tử trên toàn thế giới là từ 1,2 tỷ đến 1,6 tỷ, chiếm 7 đến 8% dân số. Theo Bảng tổng kết, tính theo Bách Phân số lượng Phật Tử trên Tổng số dân thì :

Trung Quốc, nếu lạc quan thì con số là 80% - Bi quan thì là 50%

Nhật là 34,9%

Thái Lan là 95%

Ấn Độ là 3,2%

Tích lan là 70%

Việt Nam thì năm 2009 cả nước có gần 45 triệu người Quy Y Tam Bảo. chiếm 35% dân số. số bách phân là 7,9%, cao nhất so với các Tôn Giáo khác.

Thống kê cho biết, năm 2015, số Phật Tử chiếm 7% dân số toàn cầu . Không biết dựa vào nghiên cứu nào mà tiên đoán là số người theo Đạo Phật sẽ giảm còn 5% vào năm 2060 ? (nguồn Internet).

Điều đáng buồn nhất là ở Xứ Ấn Độ và Népal là cái nôi của Đạo Phật thì chỉ có 1% dân số Ấn Độ và 10% người Népal xác định họ là Phật Tử.

Một nhận định khá đau lòng nữa, là hầu hết những nước mà Đạo Phật là Quốc Giáo đều nghèo ! Do Đạo Phật kềm hãm, không cho làm giàu, do người dân lười biếng ? Không có trình độ ? hay vì lý do nào khác ?

Trong khi đó, Phật giáo là tôn giáo có số lượng Tín đồ đứng vào hàng thứ tư so với các tôn giáo khác trên thế giới, Tu Sĩ ngày một đông hơn. Các Nhà Truyền Giáo mọi thời khuyến khích, kêu gọi tín đồ xứ mình bỏ tiền để xây Chùa ngày càng to, Tượng ngày càng lớn, để chứng tỏ là Phật Tử nước của mình mến mộ Đạo Phật hơn, sẵn sàng đóng góp tiền của thật nhiều để cất Chùa để tôn vinh Phật. Nước nào có Đạo Phật phát triển thì nổi bật là Chùa, gom giữ nhiều vật phẩm quý giá của đời để trang hoàng cho chùa với danh nghĩa Cúng Dường Phật !. Ngày xưa thì Miến Điện với Chùa mái đúc bằng mấy tấn vàng, đến nay còn tồn tại. Thái Lan có Chùa Vàng, Chùa bạc, sau này có Chùa có hàng ngàn Tượng Phật dát vàng gọi là Chùa Vạn Phật. Campuchia có Angkowat hùng vĩ ..nổi tiếng khắp thế giới ! Việt Nam ta tuy không có điều kiện để xây Chùa bằng bằng vàng, bằng bạc, nhưng sau này cũng có những Tượng Phật to lớn, bề thế, Chùa ngày càng rộng bao la, có nhiều cái Nhất, so với Đông Nam Á, chứng tỏ không hề kém cạnh !

Thật sự ra, mục đích của Đạo Phật là gì ? Phật, hay Đạo Phật có cần Chùa to, Tượng lớn ? Có cần chỉ đào tạo riêng biệt cho Tu Sĩ Xuất Gia, hay cần phổ cập cho tất cả mọi người ? Đạo Phật có cần phô trương bề ngoài để mọi người nể phục, hay là cần mọi người hiểu rõ thế nào là việc tu sửa để tự đổi thay âm thầm, quay vào để hành trì nơi Nội tâm, vì “Phật tại Tâm”, “Tu Phật là Tu Tâm” ?

Đó là sự khác biệt giữa CHÂN ĐẠO và Đạo Phật đã bị pha trộn với nhiều tôn giáo với nhiều hình thức mà nó tiếp cận khi đến với từng dân tộc, địa phương. Do người hướng dẫn, hoặc do chưa nắm vững căn bản của Đạo Phật, hoặc nghĩ là sẽ thuyết phục được nhiều người theo nếu thêm vảo đó phong tục, tập quán của người bản địa để họ không sợ mất gốc ! Không ngờ dần dà Đạo Phật bị biến chất, trở thành Thần Quyền, Mê tín lúc nào không hay !.

Thật vậy. Không biết rằng những nhà Truyền giáo cố tình quên, hay không biết rằng Đạo Phật chân chính không cần đến những hình thức đông đảo, rầm rộ. Không cần nhiều người Phật Tử Quy Y cho đông để phô trương thanh thế, mà cần Phật Tử hiểu đúng và hành đúng những lời Phật dạy để được Giải Thoát. Không cần phải thu nạp số lượng Tu Sĩ cho thật nhiều, để hang cùng, ngỏ hẽm nào cũng có Chùa trấn ngự, mà “quý hồ tinh, bất quý hồ đa” , Xuất Gia, đi TU PHẬT LÀ PHẢI ĐẠT ĐẾN KẾT QUẢ GIẢI THOÁT HAY THÀNH PHẬT, thực hiện lời Thọ Ký “Chúng sinh là Phật sẽ thành”. Tu Sĩ là những người phải nắm vững Giáo Pháp, có kiến thức đúng đắn về Đạo Phật, có cuộc sống thật gương mẫu thì mới có thể làm tấm gương và truyền tải cho bá tánh sự hiểu biết chân chánh của Đạo Phật.

Thế nhưng, nhìn vào những gì được Chùa Chiền quảng bá, đối chiếu với Chính kinh, người có nghiên cứu Đạo Phật đều thấy Đạo Phật đã bị biến tướng, trở thành Nhị Thừa, Quyền Thừa, với hầu hết Phật Tử chỉ biết Thờ Phật, Cầu Xin, Phật, Bồ Tát để nương tựa, không còn là Đạo Giải Thoát như mục đích mà Đức Thích Ca đã đề ra buổi đầu nữa. Trong một phim ngắn tóm tắt về cuộc đời Đức Phật do Đài BBC thực hiện năm 2001, nói về cuộc tìm kiếm của các Nhà Khảo Cổ về những dấu vết thực tế nơi Đức Phật đã sinh ra, đã sống. Qua những đấu vết, dù bị thời gian vùi lấp, họ đã công nhận tất cả những gì được viết về Đức Phật đều có thật. Đồng thời, với cái nhìn khách quan của họ về Giáo Pháp của Đạo Phật, họ đưa ra kết luận : “Trớ trêu thay, sau cái chết của Đức Phật, người đã giảng về sự vô ích của những nghi lễ thờ cúng và sự sùng bái cá nhân, lại trở thành đối tượng được thờ cúng, và được sùng bái nhiều nhất trong lịch sử” !

Điều này làm cho người theo Đạo Phật không khỏi hoang mang ! Những nhà Khảo Cổ chỉ căn cứ theo thực tế, đối chiếu với Giáo Pháp mà đánh giá. Không thiên bên nào. Không chống mà cũng không thiên vị Phật hay những nhà truyền giáo, để thấy rằng rõ ràng Đạo Phật đã bị dắt đi quá xa, đã bị quay trở lại với những gì mà Đức Thích Ca bài xích, đã bỏ ra một đời nghiên cứu, cố chứng minh rằng không có Thượng Đế hay Thần Linh cằm nắm vận mạng của mỗi chúng ta, mà chỉ có Nhân Quả chí công, vô tư, tùy theo những việc tốt hay xấu mà mỗi người đã gây tạo để Trả về, gọi là NHÂN QUẢ. Ngày xưa Phật dùng thí dụ là “ngược gió tung tro”, ngày nay thì có thể ví như cái boomerang quay trở về với người ném !. Giáo Pháp của Đạo Phật, dù dùng nhiều phương tiện, do thời xưa ngôn ngữ chưa đủ phong phú để diễn tả - mục đích cũng để chỉ cho con người là : Muốn thay đổi vận mạng, muốn đổi xấu, lấy tốt, thì không cần cầu xin Thần Linh nào, vì không ai có quyền đổi xấu lấy tốt cho ai, mà mỗi người phải tự thay đổi bằng cách ngưng làm Ác, tích cực hành Thiện. Mỗi người ý thức để sống đúng với trách nhiệm của một con người đối với gia đình, xã hội, để tất cả đều được hạnh phúc, an vui trong kiếp sống. Thế thôi.

Thế nhưng, qua biết bao nhiêu thế hệ, hầu như những nhà Truyền Giáo lại không hiểu hết mục đích của Đạo Phật mà Đức Thích Ca đề ra. Họ chưa thật sự để tâm học hỏi cho đến nơi đến chốn Giáo Pháp của Phật. Chỉ dựa theo những gì được người đi trước truyền lại, hoặc chỉ đọc sơ sài vài phẩm, vài đoạn Kinh, chưa kịp Tư Duy để hiểu hết NGHĨA, cứ “NGỮ” mà giải rộng ra, để biến Phật trở thảnh Thần Linh, và hô hào bá tánh tôn thờ , cầu xin, nương tựa lúc còn sống cũng như sau khi qua đời, thay cho những vị Thần Linh khác trước đó !

Bá tánh không hiểu gì về Đạo Phật thì làm sao biết ai giảng dạy đúng Chánh Pháp hay không ? Cứ thấy Sư nào tu lâu năm, lên chức cao, cất được nhiều Chùa, có nhiều đệ tử, người Quy Y theo ngày càng đông, thì theo đó mà nghe thuyết pháp, rồi được bày gì thì cứ thế mà tin theo, hành theo. Mọi người căn cứ vào bề ngoài, thấy Chùa chiền ngày càng cất thêm nhiều, càng lúc càng to. Tượng ngày càng vĩ đại, Phật Tử ngày càng đông, thì thấy đó là Đạo Phật đang phát triển.

Tuy nhiên, căn cứ vào hình thức phát triển của Đạo Phật, thì chúng ta thấy, hình như khi Hình tướng càng phát triển thì chứng tỏ phần nội Tâm không được chú trọng. Tu sĩ thì đông, nhưng hình như không có người Chứng Đắc Phật Pháp, mà chỉ có những Tiến Sĩ Phật Học với những đề tài nói về sự hòa nhập của Đạo Phật vào thế gian. Không còn những Bài Kệ chứng Đắc như thời Chư Tổ nữa ! Thậm chí còn nhiều vụ lùm xùm về những Tu Sĩ đi thi để lấy bằng Tiến Sĩ Phật Học mà có người dùng phần mềm đạo văn Turnitin để kiểm tra thì máy cho kết quả là bài vỡ của họ giống những bài vỡ trên mạng từ 34 đến 57% ! Người thế gian mà đạo văn còn bị chê cười, đàng này Tu Sĩ lại làm điều đó. Mục đích là gì ? và hành vi đó có phải của những bậc chân tu hay không thì chắc ai cũng biết !

Phải chăng đã đến lúc Phật Tử nên tìm hiểu lý do nào đã làm Đạo Phật ngày càng xa rời nguồn cội để quay lại với nguồn gốc thật sự của Đạo Phật. Tìm xem thế nào mới là Chân Đạo để thực hành, trả về cho Đạo Phật những gì thật sự mới là Đạo Phật chân chính do Đức Thích Ca đã khai mở, loại bỏ đi những xu hướng Quyền Thừa, Nhị Thừa, làm Đạo Phật bị biến chất như những gì đã và đang diễn ra hàng mấy ngàn năm qua ?

Muốn như thế thì phải bắt đầu từ hàng ngũ những người làm công việc Truyền Đạo.

Rất nhiều người không biết là trong Đạo Phật chân chính do Đức Thích Ca mở ra, CHỈ CÓ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ THẤY TÁNH, ĐÃ CHỨNG ĐẮC MỚI ĐƯỢC QUYỀN GIẢNG PHÁP, vì đó mới là những người nắm vững đường lối Đạo, có thể dùng cách này hay cách khác để hướng dẫn người sau mà không sợ lạc mục tiêu.Cũng giống như người thông thạo khu rừng, thì dù dắt người khác đi vô bằng hướng Đông hay Tây đều không sợ lạc lối. Người còn loanh quanh ở bìa rừng làm sao hướng dẫn cho người khác khám phá khu rừng ? Ngoài ra, việc học của Đạo người tu cũng không khác như việc đi học của người đời. Đâu phải ai đi học cũng học tới nơi tới chốn ? Đâu phải học với bất cứ Thầy nào thì trình độ cũng ngang nhau ? Đâu phải ai đi tu cũng Chứng Đắc ?

Nếu có đọc Chính Kinh ta sẽ thấy : dù Kinh được giảng hay viết từ xa xưa, nhưng cũng không nói khác với người đời về việc tu học. Người trò sẽ tùy theo trình độ của người Thầy hướng dẫn mà có kết quả tương ứng. Kinh viết : “ Này Thiện Nam ! Có loại chúng sinh có thể chứng được Viên Giác. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa; còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ, thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu đạo Vô Thượng Bồ Đề thì chúng thành Phật Thừa”. (Kinh VIÊN GIÁC). Chư Tổ ngày xưa dù không có tổ chức những lớp học như thời này. Không có những khóa Phật Học Trung cấp, Cao Cấp, nhưng có một sự đánh giá, là sự Ấn Chứng của vị Thầy, là Tổ trước, Ấn Chứng cho cho người kế tục là đã Chứng Đắc, qua việc TRUYỀN Y BÁT.

Người có đọc lịch Lịch Sử Đạo Phật đều thấy : Sau khi Đắc Đạo, Đức Thích Ca đã quy tụ một số Đại Đệ Tử để giảng dạy. Sau 49 năm giảng pháp, trước khi nhập diệt, Ngài đã Truyền Y Bát, tức là trao quyền cằm nắm Tăng Chúng cũng như khai triển Đạo Phật cho Đức Ca Diếp, dặn dò điều đó nên thực hiện để Phật Pháp được trường tồn. Sau đó, Ngài Ca Diếp theo lời dặn dò của Đức Thích Ca, Truyền Y Bát lại cho Ngài A Nan. Dựa vào đó, có lẽ những ai theo Đạo Phật đều đinh ninh là Đạo Phật sẽ được những Tổ kế tục nhau để giữ gìn, phát huy để ngày một phát triển hơn.

Thế nhưng, ngờ đâu chỉ sau khi Phật nhập diệt chưa tới 100 năm thì trong hàng ngũ Đệ Tử Phật đã có một biến cố lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến Đạo Pháp. Đó là khi Tổ Thứ 3 là Đức Thương Na Hòa Tu truyền Y bát cho Ngài Ưu Ba Cúc Đa, là một thanh niên trẻ - mới có 20 tuổi, mới vào tu có 3 năm - lên làm Tổ Thứ 4, (Lịch Sử 33 Vị Tổ), thì nội bộ bắt đầu chia rẻ. Dù lịch sử không ghi rõ lý do, nhưng qua những gì diễn ra thì chúng ta có quyền suy diễn : Hẳn là các Trưởng Lão nghĩ rằng mình tu lâu năm, đã lên hàng Trưởng Lão, lẽ ra phải được Truyền Y Bát, sao Tổ lại truyền cho một thanh niên trẻ mới vào tu được có 3 năm ? Vì thế các vị bất mãn, không chấp nhận quyết định của Tổ, mà tách ra lập TRƯỞNG LÃO BỘ hay TIỂU THỪA. Số còn lại tiếp tục tuân theo quyết định của Tổ Thứ 3 để chấp nhận Tổ mới, được gọi là ĐẠI CHÚNG BỘ hay ĐẠI THỪA.

Kể từ khi tách ra thì cả Đại Thừa và Tiểu Thừa cùng song hành giảng dạy Đạo Phật. Bên ĐẠI THỪA tiếp tục Truyền Y bát đến đời Lục Tổ Huệ Năng là Tổ thứ 33, cũng là Tổ cuối cùng. Bên TIỂU THỪA - sau đổi thành PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY - thì chỉ nhìn nhận có 2 Vị Tổ đầu tiên là Tổ CA DIẾP và Tổ A Nan mà thôi. Không chấp nhận những Tổ về sau. Do không chấp nhận Chư Tổ, họ bài bác Kinh ĐẠI THỪA do các Tổ giảng hay viết, cho đó là KINH NGỤY TẠO, không phải lời của Phật thuyết. Lý do vì họ không biết việc Truyền Y bát có nghĩa là người Thầy Ấn Chứng cho người trò đã Chứng Đắc, mà trong Đạo Phật, người Chứng Đắc cũng có nghĩa là đã Thành Phật. Khi đã Thành Phật rồi, thì “Phật trước Phật sau đều bình đẳng”. Cũng giống như Bác Sĩ lớp trước hay lớp sau đều được đào tạo như nhau, nên tất cả đều có kiến thức và khả năng trị bệnh như nhau không khác.

Người được Truyền Y bát là Lục Tổ Huệ Năng, sau 16 năm lánh nạn thì bắt đầu mở ra giảng pháp. Trong thời gian Lục Tổ lánh nạn thì Sư Thần Tú - lẽ ra chưa Thấy Tánh thì không được quyền giảng Pháp - đã làm Trụ Trì và thuyết pháp ở Chùa Ngọc Tuyền, người theo nghe pháp rất đông !. Hai bên cứ thế mà truyền lần xuống cho lớp con, cháu. Phật Tử cứ thấy tu Sĩ trong lớp áo nhà Phật, hình tướng trang nghiêm thì nghe, thì tin. Làm sao biết ai mới thật sự có quyền rao giảng Đạo Phật ? Thêm vào đó, nhóm Đệ Tử nhiều đời sau của Lục Tổ Huệ Năng lập riêng Ngũ Phái Thiền, không còn theo quy củ của Phật Môn nữa, mà đổi thành Thiền Môn, chuyên lấy Công Án để Khai, không đề cập đến Giới, Luật của Phật nữa. Đó là lý do đưa đến việc Đạo Phật bị thoái hóa, lần hồi chỉ còn hình thức, Tu sĩ cũng đầu tròn, áo vuông, nhưng không còn có người Đắc Pháp. Vì thế, không có nơi nào hướng dẫn tu hành để “Kiến Tánh Thành Phật” như Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh.

Rồi đời nọ nối tiếp đời kia, nhiều người Xuất Gia, nhưng lý do là muốn hiến trọn cuộc đời để phụng sự Phật, không phải là đi tu để Thành Phật. Vào tu rồi thì giờ phải học nghi thức, học tụng Kinh, ngồi Thiền, học pháp để giảng, không có thì giờ để nghiên cứu thêm. Vì thế, khi trở thành tu sĩ chính thức, họ lại cũng giống như lớp giảng sư đi trước, nhiệt tình truyền bá những điều đã được dạy, cho rằng “Phật là Thần Linh, có quyền Cứu độ Tam Thiên Đại Thiên thế giới”, cứu khổn phò nguy, đổi xấu lấy tốt cho bá tánh”, để hướng dẫn cho bá tánh tôn thờ Phật và cầu xin phù hộ, độ trì !

Cũng do tin rằng Phật là Thần Linh, cằm nắm vận mạng của con người, nên thời nào thì các nhà truyền giáo cũng luôn chú tâm đến việc xây dựng chùa Chiền. Họ kêu gọi Phật Tử chung tay xây Chùa cho lớn để các Tu Sĩ ở đó phụng sự Phật. Chùa nào cũng thường xuyên tổ chức những lễ Vía, những buổi lễ Cầu An, Cầu Siêu, khuyến khích bá tánh Cúng dường những vật phẩm quý giá cho Chùa, với danh nghĩa là cúng dường Phật, để mong được Phật, Bồ Tát, phù hộ, che chở lúc còn sống cũng như khi qua đời ! Đến nay thì không thấy Chùa nào dạy TU PHẬT để được giải Thoát nữa !

Chúng ta không trách những nhà truyền đạo ở thời xa xưa, khi phương tiện truyền thông chưa có, Kinh sách cũng chưa được dịch ra đầy đủ do điều kiện giao thông giữa các quốc gia, con người với nhau còn hạn chế, nên việc hiểu sai về Phật là điều có thể chấp nhận được. Nhưng đến thời này, chỉ cần vô Google nêu câu hỏi : “Phật có phải là Thần Linh không” ? thì chính những trang Web chính thức của Đạo Phật cho câu trả lời là :

- “Phật không phải là Thần Linh, Thượng Đế. Điểm đặc biệt ở đây là Ngài là một con người bằng xương bằng thịt, giống như tất cả mọi người chúng ta. Ngài cũng được sinh ra tự bụng mẹ, lớn lên Ngài vẫn có vợ, có con như tất cả mọi người. Ngài là một con người đi tu và cuối cùng thành Phật để cứu độ Chúng sinh”.

- Có đoạn giải thích thêm : “Phật là danh từ chung, nói cho đủ là Phật Đà, nói gọn lại là Phật. Phật là người giác ngộ, người tỉnh thức, vì lợi ích tha nhân, vì sự sống của con người, giúp cho con người biết cách làm chủ bản thân, tin sâu Nhân Quả, tin chính mình là chủ của bao điều họa phúc”....”Chúng ta cũng là con người, nếu ai chịu tu theo lời ngài chỉ dạy thì cũng sẽ thành Phật trong tương lai”.

- Thiền Sư Nhất Hạnh thì giải thích : “Đức Phật không phải là một đấng tạo hóa hay một vị Thần Linh, mà đích thực là một con người, một người đã đắc đạo, có tuệ giác cao siêu nhờ tu tập”. Thế thôi !.

Lời giải thích về từ PHẬT cho chúng ta đến 4 đáp án :

1/- PHẬT không phải là Thần Linh.

2/- Phật cũng là một con người bình thường như tất cả chúng ta.

3/- Sự Chứng đắc hay Giác Ngộ của Phật là kết quả mà tất cả mọi người đều có thể làm được cho chính mình.

4/- Giáo Pháp của Đạo Phật chỉ giúp con người biết cách làm chủ bản thân, tin sâu Nhân Quả, tin chính mình là chủ nhân của bao điều họa phúc.

Qua những lời giải thích thì ai cũng dã rõ :

I/- Phật không phải là Thần Linh, không có quyền ban ân, giáng phúc, thì việc THỜ PHẬT để cầu xin được phù hộ, ban ân, giáng phúc là hoàn toàn sai lầm, là Nhị Thừa, Thần Quyền, không phải là theo Đạo Phật chân chính.

II/- “Mọi người đều có thể thành Phật nếu chịu tu theo lời Phật chỉ dạy”.

Vậy mà :

1/- Tại sao đến nay vẫn không thấy Chùa nào dạy cho bá tánh tu hành để thành Phật. Không hướng dẫn bá tánh quay vô TÂM mình để Xây Chùa Vô Tướng và Hành theo những Hạnh mà PHẬT đã làm - gọi là làm Công Đức - để chạm, khắc Tượng Phật VÔ TƯỚNG, xây dựng Phật Quốc nơi Tâm, đúng theo con đường mà Đức Thích Ca mong mỏi ? Ngược lại, vẫn tiếp tục hướng dẫn cho bá tánh tụng Kinh, Niệm Phật để Cầu An, Cầu Vãng Sanh, Cầu Siêu, và vận động cất Chùa cho to, dựng tượng cho lớn, làm hao tổn công sức, tiền bạc của bá tánh ?

2/- Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “ Cõi nước chỗ nào nếu có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành, hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dụng tháp cúng dường.

Vì sao ? Phải biết chỗ đó, chính là đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn”.( Phẩm Như Lai Thần Lực).

Kinh viết quá rõ : Tu hành theo Đạo Phật chân chính đâu có phân biệt trong chùa, ngoài Chùa, độc thân hay có gia đình, Nam hay nữ, già hay trẻ, giàu hay nghèo, trí thức hay ngu dốt , làm bất cứ ngành nghề gì ? Chỉ cần “Thọ trì, đọc tụng giải nói, biên chép, y pháp tu hành” thì ở đâu cũng là Đạo Tràng, “các Đức Phật ở đây mà đắc Vô Thượng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà Nhập Niết Bàn”. Vậy mà có vị chức sắc cao cấp trong Đạo Phật (Th.T.Thích Nhật Từ) lại cho rằng : “Phải độc thân, phải thanh tịnh, phải là Tu Sĩ thì mới Đắc Quả, Cư sĩ chỉ có thể thành chân nhân thôi” ? Rõ ràng Phật Thọ Ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành” , đâu có nói chỉ Tu Sĩ mới có thể đạt Quả Vị, Cư Sĩ không được ? Lời của Sư Nhật Từ hoàn toàn khác với lời Kinh. Không lẽ Sư là người có học vị rất cao, có bằng Tiến Sĩ Phật Học từ nước ngoài, chịu trách nhiệm hướng dẫn Đạo cho bá tánh cả nước lại không biết rằng : “Ly Kinh nhất tự đồng ma thuyết” ?

- Việc tu hành thì “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”. Phật cũng đâu có cần ai phải phụng sự ? Như vậy, người muốn Tu Phật có cần phải tập trung vô Chùa, bỏ hết mọi việc đời, bắt bá tánh phải cung dưỡng từ cái ăn chỗ ở, giường nằm, y phục, thuốc men, đôi dép, cho tới điện thoại, xe cộ để di chuyển....thì mới tu được ? Tích CON CHỒN HOANG của Mã Tổ Bách Trượng nói về một Trụ Trì ngày xưa, chỉ vì hạ sai một chuyển ngữ, cho rằng “ Bậc tu hành không rơi vào Nhân Quả” mà bị đọa 500 kiếp làm chồn hoang, không lẽ không làm cho những người tu giật mình ? Nếu bản thân mình chưa nắm vững Phật Pháp thì chỉ một mình mình chịu. Mang kiến thức sai lầm đi phổ biến, lôi kéo nhiều người đang tuổi thanh xuân bỏ cả gia đình, không phụng dưỡng cha mẹ, không góp sức, tài để xây dựng quê hương, đất nước, mà bỏ hết để Xuất Gia, vì cho rằng chỉ Xuất Gia thì mới tu hành được, trong khi “TU PHẬT LÀ TU TÂM”, “TỨC TÂM TỨC PHẬT” ? Như vậy phải chăng những người truyền bá Đạo Phật kiểu đó không những có lỗi với Đời, mà cũng có lỗi với ĐẠO ? và hộ trì Chánh Pháp hay Phá pháp khi giải thích sai đường lối tu hành theo Đạo Phật, cho rẵng người Cư Sĩ không thể tu hành Đắc Quả, mà chỉ được quyền Cung Dưỡng cho Tu Sĩ rảnh rang mà tu hành ?

Tu theo Đạo Phật chỉ là SỬA CÁI TÂM, thì đâu cần hình tướng, đâu cần bỏ thế gian, bỏ trách nhiệm con người đối với cuộc đời ? Đạo Phật dạy người tu phải Đền TỨ ÂN, chứng tỏ Phật đâu có dạy bỏ đời ? Lục Tổ Huệ Năng có Kệ :


        Phật Pháp tại thế gian.
         Bất ly thế gian giác.
         Ly thế mịch Bồ Đề.
         Cáp như cầm thố giác”


Có nghĩa là việc tu hành, chứng đắc phải thực hiện ở tại thế gian, vì thế gian mới có đầy đủ phiền não, nên người tu mới có cơ hội cọ xát, rèn luyện, mới thể hiện được bản lĩnh của người tu Phật : “Ở trong phiền não mà thoát phiền não”. Vô Chùa, núp sau cửa Chùa. Không tiếp xúc với người đời. Không phải vật lộn với cuộc sống để có miếng cơm, manh áo, mọi thứ có người cung phụng thì có gì Khổ mà cầu Gỉải Thoát ? Vì vậy, Lục Tổ dạy : “Rời bỏ thế gian mà đi tìm Giải Thoát cũng như đi tìm sừng thỏ”, vì Sen chỉ sống trong bùn, trong chậu nước tinh khiết thì đâu có Sen sống ở đó ?

Tóm lại : Thành Phật chỉ là “Thành tựu công việc Giải Thoát” cho bản thân người tu hết khổ, không phải là thành Thần Linh, thì làm sao có quyền cứu độ hay ban ân giáng phúc cho ai ? .

Danh xưng Phật chỉ có nghĩa là Giải Thoát. Phật Thích Ca có nghĩa là Đức Thích Ca đã thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân Ngài. Do đó, thành Phật không phải là Thần Linh. NHƯ LAI cũng có nghĩa là không khởi tâm khi đối pháp, không phải là vị Thần Linh tối cao “bất sinh bất tử, có quyền phép vô biên, có quyền ban ân, giáng phúc, cứu khổn, phò nguy cho mọi người”. Vậy thì dù chúng ta có thành khẩn ngày đêm hương khói, vái lạy để cầu xin, thì dù lòng Từ, lòng Bi của Phật bao la đến mấycác vị cũng đâu thể cho. Vì đâu có ân, phúc nào để ban cho ai ? Hoàn toàn không giống như những gì xưa nay Chùa Chiền đã giảng về Phật ! “PHẬT LÀ VÔ TƯỚNG, DO VÔ LƯỢNG CÔNG ĐỨC MÀ THÀNH”, vì đó là KẾT QUẢ GIẢI THOÁT của người tu hành. Mỗi việc làm tốt được ví là MỘT TƯỚNG. Gom lại thành Thân Phật. Phật như thế thì làm sao cứu giúp được cho ai mà van vái cầu xin cho uổng công ?

Đạo Phật chân chính dạy TỰ ĐỘ. Mỗi người phải tự Hành để cứu lấy mình. Phật của mình sẽ Độ cho chính mình. Phật của người khác đâu thể Độ cho ai mà phải cất Chùa, đúc tượng để cầu xin CỨU ĐỘ ?

Việc hiểu sai Đạo Phật và cách thức Tu hành theo Đạo Phật không chỉ đưa đến việc truyền bá sai, hại cho bao nhiêu thế hệ, mà còn làm cản trở bước tiến của xã hội. Chúng ta cứ nhìn xem, trong khi Phật dạy “Nhân thân nan đắc”, cho rằng những người được trở lại làm người, chỉ là chút đất dính trên đầu móng tay so với đất trên trái đất, so với những người phải đọa vào các đường khác, để con người ý thức mà sống cho xứng đáng. Nhưng một sự thật không thể chối bỏ, là trong khi Đạo Phật là Đạo Nhân Quả, tức là dạy cho con người biết gây Nhân Thiện để hưởng Quả lành, thì đa phần các Tu Sĩ đều ở vào độ tuổi thanh xuân. Sức khỏe dồi dào. Thể lực cường tráng. Nhiều người có bằng cấp lớn, trình độ cao, lẽ ra có thể mang sức, tài để đóng góp cho đất nước, lại bỏ hết, vô Chùa, buông trôi hết mọi việc, ngày tháng chỉ Tụng Kinh, Niệm Phật chờ về Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà hoặc Đông Phương Tịnh Quốc. Nghĩ gì ngoài Phật thì cho là Thất Niệm !

Những đất nước mà Đạo Phật là Quốc Giáo thì trì trệ, lạc hậu, bởi không chỉ những Tu Sĩ với độ tuổi đang thanh xuân, tràn trề nhựa sống, lại đứng bên lề cuộc đời, chỉ lo tụng Kinh, Niệm Phật, không tham gia việc đời, đã làm mất đi một lực lượng trí, tài, có khả năng, có thể giúp xã hội phát triển. Chưa dừng ở đó, họ lại truyền bá niềm Tin vào sự hộ trì của Phật, Bồ Tát, làm cho những người tin theo cũng mê muội, cho rằng Phật quyền phép vô biên có thể ban cho mọi thứ, từ tiêu tai, tăng ích, gia đạo bình an, cho đến việc thi cử, thăng quan tiến chức, quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... Do đó, nước nào mà số đông tin vào Thần, Phật, khi gặp việc lớn, nhỏ đều hương đăng trà quả đến Chùa để Cúng kiếng, cầu xin, được phù hộ độ trì, thì chỉ có Chùa chiền là phát triển, ngày càng quy mô, bề thế. Từ thành thị đến thôn quê, chỗ nào có Nhà to nhất, hoành tráng nhất, lộng lẫy nhất, khuôn viên rộng nhất thì đó là..Chùa ! Có bao nhiêu của quý như vàng, bạc, châu báu đều cúng cho Chùa ! Điển hình là Miến Điện với mái chùa đúc bằng mấy tấn vàng. Tượng Phật được cẩn mấy ngàn viên kim cương, hồng ngọc, trong khi đời sống người dân không phát triển. Ở vùng xa thành phổ phương tiện đi lại còn thô sơ, nhiều nhà còn lợp vách bằng phên tre, nhà trống huơ, trống hoác, không có món gì đáng giá ! Trong khi những nước Phương Tây không đặt niềm tin vào sự phù hộ của Thần, Phật thì phát triển mọi mặt. Tài chánh dồi dào, đời sống người dân sung túc. Bởi vì họ không mong chờ ai, nên tích cực học hỏi, nghiên cứu, phát triển khoa học, kỹ thuật nên đất nước họ ngày càng phát triển. Họ sản xuất cả máy bay, những máy móc, phương tiện, thuốc men, vật dụng ngày càng hiện đại để phục vụ con người ! Nhiều người đều nhìn thấy điều đó và đã đã lên tiếng, nhưng những Tu Sĩ biện minh bằng cách chỉ vào Nước Nhật, cho rằng Nước Nhật cũng theo Đạo Phật mà nước họ phát triển đâu có thua các nước Tây Âu !

Họ quên rằng nước Nhật chỉ có 34% dân số theo Đạo Phật, và từ xưa đến nay, trên thế giới chưa thấy một nghiên cứu, một phát minh, một công trình nào của Tu Sĩ đem lại lợi ích cho con người. Vì họ ngày tháng chỉ đắm mình vào cái KHÔNG. Cho rằng suy nghĩ ngoài Phật là tạp niệm, cần diệt trừ cho cái tâm được hoàn toàn thanh tịnh !

Những suy nghĩ đó là của những người chưa học hết giáo pháp của Đạo Phật, nên không biết rằng một trong BÁT CHÁNH ĐẠO là CHÁNH TƯ DUY. Có Chánh Tư Duy thì mới có CHÁNH KIẾN. Trong Bát Chánh Đạo còn có CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG tức là nuôi thân mạng bằng sự nghiệp Chân Chánh. Đạo Phật chỉ cấm SÁT, ĐẠO, DÂM, VỌNG NGỮ, TỬU. đâu có cấm nghiên cứu, sản xuất, làm ăn, cấm phục vụ cho xã hội, cho cuộc đời, mà buông trôi mọi việc ? Trái lại, Phật còn dặn phải ĐỀN TỨ ÂN. Nếu ta không phụng dưỡng cho cha mẹ. Không đóng góp để xây đựng đất nước thì ta đền Tứ Ân cách nào ? Phật đâu có phải là Thần Linh để ta cầu nguyện xin phù hộ cho họ để thay ta đáp đền ?

Thế mà, không những không tham gia giúp đời, từ khi bắt đầu vào con đường tu hành thì Tu Sĩ còn giao gánh nặng áo cơm lại cho Cư Sĩ. Bắt những người đang phải lăn lóc, vật lộn với cuộc sống để mưu sinh phải cung dưỡng để cho mình nhàn thân, tạo thành một lớp quan lại trong giới Tu hành ! Dựa vào Phật, và những gì bá tánh Cúng Dường Phật để xin được phù hộ, họ được hưởng cuộc sống an nhàn, cao sang, ăn trên, ngồi trước. Sư lớn thì Chùa sang, phòng ốc máy lạnh, đi đâu cũng dập dìu xe cộ, kẻ hầu, người hạ, kẻ đón, người đưa. Có vị còn cho xây Lăng để chôn lúc chết ! Trong khi quan chức đời mà sống kiểu đó là bị phản đối, khiển trách, cách chức ngay !

Chính vì cuộc sống an nhàn, khỏi phải vất vả kiếm sống, chỉ cần hy sinh cái đầu, khoác lên người bộ Y Cà Sa, học một số Pháp, đã tạo điều kiện cho một số thanh niên lười nhác, bất tài, vô tướng cũng chui vô Chùa để được bá tánh cung phụng, khỏi phải vất vả mưu sinh ! Ngay lần Kết Tập đầu tiên, Ấn Độ đã loại ra đến 60.000 Tu Sĩ giả hiệu, nói chi đến thời này mà báo chí đưa tin. Nước nào cũng có. Nhiều người đã lên đến chức Trụ Trì mà cuộc sống rất bê bối, núp bóng Chùa Chiền làm bao nhiêu điều tệ hại ! Riêng số Tu Sĩ chính thức ở Việt Nam đã gần 50.000 vị, trong số đó, người có khả năng giảng Pháp chắc chưa đến 30 vị. Số còn lại làm gì ?

Thời xưa, Đức Thích Ca và Chư Đại Đệ tử không hề có Chùa hay nhà cao, cửa rộng. Họ chỉ ngụ ở cội cây hay trong rừng. Mỗi người chỉ một Y, Một Bát. Đi chân không. Ăn ngày có một bữa. Được cho gì ăn nấy, không cầu kỳ, không đòi hỏi. Tu sĩ ngày nay thì khác hẳn. Tu Sĩ không còn giữ hạnh đơn sơ, thanh tịnh của người tu nữa, mà “Gần Chùa gọi Phật bằng anh”, nghiễm nhiên coi mình như đại diện cho Phật, để người nhiều tuổi đáng cha, mẹ phải gọi Thầy, xưng con ! Ở Thái Lan, bá tánh còn quỳ gối để dâng cơm cho Tu Sĩ ! Ngoài được ở Chùa sang, trần thiết lộng lẫy như đền đài, vườn cảnh bao la, toàn cây quý, đắt tiền... bằng tiền của bá tánh đóng góp. Họ còn cho phép mình dùng những phương tiện hiện đại, xe cộ đời mới, biện minh là để phục vụ cho bá tánh! Có vị còn sắm cho mình cả cái ghế như ngai vàng của bậc vua chúa để ngồi !

Tôi tin rằng đã đến lúc người Phật Tử cần sáng suốt. Chịu khó bỏ thì giờ đọc lịch sử Phật để thấy : Cha, mẹ, vợ con Phật cũng đã chết. Chính Phật cũng bệnh, cũng chết. Nếu có thể cứu độ được cho họ thì Ngài đã làm rồi. Tăng, Ni trong Chùa bệnh cũng đi Bệnh Viện, nhờ Bác Sĩ chữa, đâu có chờ Phật cứu ?

Lời giải thích về nghĩa của từ Phật, vẫn còn trên mạng : Phật cũng là người bình thường. Cũng phải tu hành như mọi người. “Đắc Đạo” chỉ là tìm được giải pháp cho điều Ngài trăn trở. Kết quả của việc Đắc Đạo chỉ là Giải Thoát khỏi phiền não, đau khổ cho bản thân người hành trì. Không có khả năng để độ cho người khác. Mọi người đều có thể đạt kết quả như Phật. Trong khi đó, Chùa chiền vẫn tiếp tục giảng về quyền năng, về sự hộ trì của Phật, hướng dẫn cho bá tánh Cầu An, Cầu Siêu...có phải là Vọng Ngữ ? Phật là Vô Tướng, lại nhập diệt gần 3.000 năm rồi, có cần chùa to để trú ngụ không ? Mọi người đều có thể tu hành, thành tựu như Phật thì việc gì Cư Sĩ phải đội gạo, gánh thức ăn, hoa quả đến dâng cho Tu Sĩ để họ tu giùm mình, trong khi “Ông tu, ông đắc, bà tu, bà đắc”, không ai tu giùm cho ai được ? Phần những vị thuyết giảng Đạo. Nếu không hiểu Đạo mà cố tình giảng sai, thì mang tội Chồng Mê cho bá tánh. Nếu hiểu mà cố tình dấu diếm để trục lợi thì tội càng nặng hơn, chỉ những người không hiểu Lý Nhân Quả mới dám coi thường !

Một phần lỗi cũng do Phật Tử. Kinh sách tràn lan. Từ nhiều năm rồi đã được dịch sang tiếng Việt rất đầy đủ. Chùa nào cũng có. Thậm chí chỉ cần lên mạng, muốn đọc Kinh nào, Phẩm nào ? Muốn nghe Sư nào giảng thì đều có, tại sao phải để cho người khác đọc rồi giảng lại cho mình, rồi cứ thế mà Tin, mà làm theo ? Cứ cầu xin Phật cứu độ mà không cần biết Phật có khả năng để cứu độ hay không ? Muốn cầu về Tây Phương Cực Lạc thì cũng cần biết cõi đó có thật hay không ? Ở đâu ? Phải đáp ứng điều kiện gì để được về đó ? Đâu phải cứ Niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” là Phật A Di Đà sẽ rước về ? Khi người thân qua đời cứ mời Thầy đến Tụng Kinh Vãng Sanh là Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ đến rước vong linh về Tây Phuơng Cực Lạc ? Sư có quyền khiển cả Phật, ra lệnh cho Phật hay sao ? Việc Ngồi Thiền cũng thế. Nên tự đặt câu hỏi, hoặc hỏi người hướng dẫn : Tại sao Đức Thích Ca chỉ ngồi có 49 ngày đêm mà Đắc Đạo ? Ngài Thấy được, Gặp được gì mà gọi là Đắc Đạo ? Tại sao người thời sau ngồi cả đời vẫn không Đắc ? Họ sai chỗ nào ? Do Ngồi chưa đúng thế ? Do không biết phải làm gì trong lúc Ngồi, rồi hôn trầm hoặc thả hồn đi các cõi, hết giờ thì xả Thiền ? Vậy thì phải Ngồi như thế nào ? Ngồi trong bao lâu ? Thấy TÁNH là thấy cái gì ? Làm gì để Thấy Tánh ?... Ngay cả “Cúng Dường Phật” cũng hiểu sai, thì làm sao có Công Đức ? Còn vô số câu hỏi mà người muốn Tu Phật cần phải khai thông cho mình. Nếu chưa biết điều gì ràng buộc, chưa hiểu cách nào để tháo gỡ thì làm sao Giải Thoát ? Còn nếu đã thấy đúng, đã kiểm chứng với Chính Kinh thấy phù hợp, gọi là Khế Kinh rồi, thì cứ theo đó mà thực hành, chắc chắn đến lúc nào đó sẽ đạt kết quả vì “lời Phật không hề hư vọng”.

Đạo Phật được mở ra là vì con người. Đức Thích Ca thấy rằng con người cũng là một sinh vật, nhưng có trí tuệ nên rất khôn ngoan, lại nham hiểm, độc ác hơn những sinh vật cấp thấp khác. Những loài thú dữ nhiều lắm là có nọc độc, hay nanh vuốt, hoặc sức mạnh để tự vệ mà sinh tồn. Con người không có những thứ đó, nhưng tri thức rất cao. Họ có thể đóng tàu, thuyền để chinh phục sông biển, vượt đại dương. Họ chế tạo cả máy bay để đưa người từ nửa vòng trái đất đến với nhau. Chế cả phi thuyền để chinh phục Mặt Trăng, sao Hỏa cách xa vô số dặm ! Nếu là người có khuynh hướng ác thi rất có thể chế tạo bom, đạn, thuốc độc để tiêu diệt hàng loạt địch thủ. Do đó, xã hội thì cần luật pháp. Đạo thì cần có Giới để chế ngự, nếu không thì cuộc đời sẽ loạn. Với một số người sẵn bản tính lương thiện không cần đối trị thì được hứa hẹn Quả Vị, Niết Bàn để cho họ tiến bộ hơn. Tuy vậy, người Tu, sau khi đi một vòng, học, hành đủ thứ, cho đến Chứng Đắc đi nữa thì đâu có thành Thánh, thánh Thần, bay lên mây mà ở, hay “kinh thiên, động địa, đất trời đổ sụp” ? mà vẫn tiếp tục cuộc sống, lại còn phải trả ân cuộc đời, trả ân cho những người đã giúp cho mình được có mặt giữa đời, góp công, sức, chén cơm, manh áo, cho mình có cuộc sống, hoàn tất được công việc tu hành bằng cách ĐỀN TỨ ÂN. Suy cho cùng, Đạo Phật chỉ là một giáo trình hoàn hảo, dùng mọi phương tiện, hứa hẹn nhiều thứ, nhưng cũng chỉ là để giúp con người “Cải Ác, hành Thiện”, hoàn thành sứ mạng làm người trong thời gian tồn tại một cách tốt đẹp nhất mà thôi.

Qua những biến cố dồn dập trên khắp thế giới diễn ra vài năm gần đây. Nào sóng thần, cháy rừng, đất sụp, lở núi, lũ quét. Năm 2015 những trận động đất kinh hoàng làm chết gần cả chục ngàn người, làm sụp đổ bao nhiêu tòa tháp cổ ngay tại Népal là quê hương của Phật. Gần đây nhất là đại dịch COVID diễn ra trên khắp thế giới, cuớp đi sinh mệnh nhiều con người đang trẻ trung, khỏe mạnh. Đáng tiếc nhất là hàng trăm, hàng ngàn Bác Sĩ trên thế giới cũng đã thiệt mạng khi điều trị cho bệnh nhân ! Họ là những người được học hành, đào tạo bài bản bao nhiêu năm trời chỉ để giúp đời ! Riêng Ấn Độ, qua hai đợt đại dịch, con số Bác Sĩ bị thiệt mạng vì Covid đã gần 1.000 vị quả là một thiệt thòi rất lớn cho đất nước ! Con người đã thành khẩn cầu xin nơi Thần Linh, nơi Phật nhưng xem ra vô hiệu ! Số người phát bệnh do Covid ở các nước vẫn chưa có dấu hiệu ngưng. Ở Ấn Độ, bệnh nhân chết nhiều đến nỗi lò thiêu không còn chỗ. Mang xác thiêu lộ thiên thì cũng không có đủ củi để thiêu. Không có chỗ để chôn, phải thả xác trôi nổi trên sông Hằng, làm một số người tin tưởng vào Thần Linh thất vọng nên đã mang nhiều tượng Thần đập bỏ quăng đầy đường ! Nếu Phật, Thần linh thiêng lẽ nào các ngài thấy cảnh đau lòng của dân mình mà không cứu ? . Không cần phải chiến tranh, bom rơi, đạn lạc, con người mới chết, mà con vi rút Covid còn kinh khủng hơn. Nó đến đâu là con người ngả rạp đến đó. Nó vô hình, vô ảnh mà giết người hàng loạt. Nó như Tử Thần, lởn vởn trong không khí, quanh xã hội, không biết nó là ai ? ở đâu ? để mà đề phòng, mà tránh né ! Nước nào có nó viếng thăm đều lao đao. Cuộc sống bế tắc. Công việc đình trệ. Bệnh viện quá tải. Chính quyền phải hạn chế sự đi lại, tiếp xúc của người dân để quản lý. Phố xá vắng tanh, nhà nhà cửa đóng, then cài...Thành phố không còn sức sống !

Chưa bao giờ thế giới lâm vào hoàn cảnh như hiện nay. Mọi người phải ngưng toàn bộ công việc tới lui, làm ăn. Trong gia đình, các thành viên phải quanh quẩn trong nhà chờ những nhà chuyên môn truy tìm dấu vết dịch để dập, trả lại sự bình ổn cho xã hội. Mọi người không còn lo toan, không còn chạy ngược xuôi để kiếm sống, cuộc sống buộc phải dừng lại, mọi người sẽ nghĩ gì ? Có lo thì cũng không được. Đành thúc thủ ! Nhưng với người có chút hướng về Đạo Phật, nếu biết tận dụng thì sẽ thấy đó cũng là dịp bắt buộc phải An Cư, sao không tận dụng để suy nghĩ về lời Phật dạy ? Thời gian qua, khi cuộc sống bình ổn, mọi người bận bịu kinh doanh, làm ăn, không có thì giờ để suy nghĩ về cuộc đời, về mọi thứ Nhưng giờ đây buộc phải ngưng nghỉ mọi việc. Không còn tham gia việc đời. Trước những biến cố làm xáo trộn cuộc sống, lại được chứng kiến tận mắt thân phận con người quá mong manh. Thấy đó rồi mất đó. Chưa bao giờ con người lại thấy rõ Vô Thường diễn ra trước mắt nhiều đến như vậy. Giả sử việc tồi tệ đến với mình thì cũng phải tính sao ? Công kỹ miệt mài làm ăn, tích góp bao lâu giờ cũng trở thành vô nghĩa nếu chẳng may chuyện rủi ro không muốn đến với chính mình ?

Ai mà chẳng phải chết ? Điều đó thì ai cũng biết. Vì vậy, nên sống như thế nào để không phí phạm kiếp người. Đó là những gì Đạo Phật muốn hướng con người tới. Không phải là Quả Vị. Không phải là Niết Bàn, Phật Quốc ở cõi nào xa vời, mà là những việc làm trong cõi sống, trong kiếp người. Đọc kỹ 32 Tướng Tốt của Phật ta thấy chỉ là những cách đối xử của con người đối với Ông bà cha mẹ, anh em trong gia đình, và với mọi người ngoài xã hội. Giữ Giới không phải để thành Thánh, thành Thần, mà là để không xâm phạm những gì thuộc về người khác. Không nói dối, nói thêm, bớt, nói những lời xúc xiểm, khinh chê, không làm những điều tổn hại người khác. Tóm lại chỉ là giữ Thân, Khẩu, Ý, không tạo Nghiệp để bản thân mình, gia đình mình được an vui, và môi trường chung quanh cũng được nhờ trong kiếp hiện tại. Nếu có tái sinh cũng không rơi vào ác đạo. Mục đích Đạo Phật chỉ có thế.

Việc Tu Phật tưởng chừng lớn lao. Phải bỏ nhà cửa, cha mẹ. Không được có gia đình. Phải Cạo tóc, đắp Y. Phải tụng Kinh, niệm Phật. Đi, Đứng, Ngồi, Nằm phải có Tứ Oai nghi ! Đó chỉ là những hình tướng mà Phật đặt ra buổi đầu, để phân biệt với những nhóm tu khác và giữ hình thức trang nghiêm để mọi người nhìn vào ngưỡng mộ mà phát tâm tu hành để Thoát Khổ. Nhưng quan trọng là hình tướng bên ngoài đó còn mang nội dung mà người tu cần thực hiện trong suốt cuộc đời :

- ĐẦU TRÒN tượng trưng một sự tròn trịa, không mưu mô, thủ đoạn, không tính toán hại người, hại vật.

- ÁO VUÔNG, tượng trưng cho một cuộc sống vuông tròn, ngay ngắn, không quanh co, xiêng xẹo.

- Y VÀNG, tượng trưng cho Thân và TÂM được trùm phủ một màu thanh tịnh, không để sắc trần làm ô nhiễm.

- NGỒI THIỀN cũng không có gì la cao siêu, huyền bí, mà chỉ là thời gian dừng cái Thân, không hoạt động để tập trung Tư duy về Các Pháp, về những lời Phật giảng dạy để thấy những điều cần hiểu, cần hành rồi đưa vào thực hành.

Ngày xưa, Đức Thích Ca do thấy cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ của con người nên phát tâm bỏ hết tất cả để đi tìm, và Ngài đã thành cop6ng, đã tìm ra thủ phạm cũng như cách thức để hóa giải nên mở ra Đạo Phật để hướng dẫn cho con người. Đến lượt chúng ta đâu còn có gì mới mẻ cần khám phá ? Chỉ cần tìm hiểu những gì Đức Thích Ca đã khám phá, đã thực hành đạt kết quả. Đó là những Quy luật, lý thuyết, những gì Phật diễn tả, phân tích, những điều Ngài khuyên nên làm, nên tránh, xem có hợp lý và có lợi ích đối với mình hay không ? Nếu thấy đúng thì bắt tay vào thực hành để có kết quả.

Việc tu hành tuy khó mà dễ. Nếu chúng ta may mắn gặp được Chân Minh Sư đã chứng đắc hướng dẫn đúng theo giáo trình của Đạo Phật để thực hành theo từng giai đoạn. Không cần thay cảnh, đổi tướng. Không cần cạo tóc, đắp Y. Vẫn giữ nếp sống thường nhật. Ai làm nghề gì thì cứ tiếp tục, chỉ cần tránh Nghiệp Sát, chỉ cần không làm thiệt hại đến xã hội, đến quyền lợi người khác. Học để hiểu cho đúng về PHẬT. Học để Biết cách để Làm Phật, rồi quay vào Tâm để chạm, khắc, đúc, tạc TƯỢNG PHẬT CỦA MÌNH, thì chắc chắn ngày nào đó, PHẬT CỦA MỖI NGƯỜI CŨNG SẼ ĐẢN SINH. Cách thức tu hành thì Kinh Viên Giác dạy :

- “Này Thiện Nam ! Nếu tất cả chúng sanh đời sau, bỏ được các Tham dục, trừ Tâm Thương, Ghét, dứt hẳn Sanh Tử Luân Hồi, nơi Tâm được thanh tịnh cầu nhập cảnh giới Viên Giác của Như Lai thì sẽ được ngộ nhập”. Và :

- “Đây là phương tiện đầu tiên tu hành của hành giả tức là Ba Pháp Quán. (CHỈ QUÁN và CHỈ QUÁN SONG TU) . Nếu các chúng sanh tinh tấn siêng tu Ba Pháp Quán nầy được hoàn toàn tức Như Lai xuất hiện ở thế gian vậy”.

Nhiều người không hiểu về danh xưng PHẬT, đã quan trọng hóa việc Tu hành. Cho rằng Thành Phật là điều gì đó lớn lao, không dám nghĩ tới vì sợ Tăng Thượng Mạn. Không ngờ đơn giản như Bài Kệ trong Kinh Viên Giác :


         - “Nếu người đoạn Thương, Ghét.
         Chùng với Tham, Sân, Si
         Chẳng cần tu gì khác.
         Cũng đều đặng Thành Phật”


Bởi vì hiểu theo đúng CHÁNH PHÁP , “Thành Phật” chỉ là “thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ”, không phải là thành đấng Thần Linh cao cả nào.

Mong rằng những hiện tượng xấu đang từng ngày diễn ra trên khắp thế giới cũng là sự nhắc nhở cho chúng ta về thân người mong manh, kiếp sống Vô Thường, thời gian sum vầy bên ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con cái không phải là vĩnh viễn. Ngày nào đó cái chết sẽ chia lìa, để biết yêu thương gia đình và mọi người chung quanh. Cùng chung tay với xã hội, đưa đất nước, dân tộc mình tiến bộ hơn, để chuỗi thời gian có mặt trên đời của chúng ta thêm ý nghĩa. Giáo Pháp của Đạo Phật không phải là mớ lý thuyết suông, mà thực tế, áp dụng vào cuộc sống để tương lai mỗi người đều có PHẬT của chính mình để vun bồi đạo đức, ngày ngày thắp Hương Giới, hương Định, hương Huệ, để Cúng Dường Phật Mình. Nếu mọi người đều hiểu rõ lợi ích của Đạo Phật để giữ Giới và sống theo Bát Chánh Đạo, luôn thực hành các Hạnh Từ, Bi, Hỉ, Xả.. thì trên, dưới, trong ngoài đều an vui. Đó chính là Niết Bàn tại thế gian mà Đạo Phật mong mỏi con người đạt tới, gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Cứ kiên trì hành dụng như người thợ chạm Tượng, kiên nhẫn đục, chạm, khắc.. từng nét, để lúc nào đó tự bản thân mỗi người, TƯỢNG PHẬT SẼ LỘ RA. PHẬT CỦA MỖI NGƯỜI SẼ ĐẢN SANH, không phải ăn mừng Phật của Đức Thích Ca Đản Sanh nữa. Đó mới Chính là mong mỏi của Đức Thích Ca và Chư Vị Giác Ngộ nhiều đời đã tiếp nối nhau, mục đích là làm cho : “Tất cả chúng sinh đều Thành Phật”. Đó chính là ngày Chánh Pháp Hiển lộ vậy.

Tháng 7/2021





VVM.18.7.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com