Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




NHÀ VƯỜN Ở HUẾ

  


T ôi sinh ra và lớn lên tại Huế. Dù tha phương cầu thực, những con dân Huế như tôi, mỗi năm, khi hoa đào nở, dù sao chăng nữa, vẫn cố trở lại Huế, tìm cảnh sống êm đềm. Du khách từ một nơi xa lạc đến Huế, bỗng cảm thấy tốc độ sinh hoạt nơi đây dường như chậm lại, cuộc sống thường nhật đã trở nên êm đềm, thanh thản, như sống nước con sông Hương đang lờ lửng trôi theo dòng. Từ đó, tâm hồn du khách cũng lắng xuống dần để hoà mình với cảnh vật, với sự thong dong, trầm mặc. Một màu xanh mượt mà, đầm thắm phủ lên cảnh trí của thành quách, lăng tẩm, điện đài nhà cửa. Có một thuật ngữ được đặt ra để chỉ mối quan hệ hữu cơ giữa kiến trúc và vưòn xứ Huế: "Nhà vườn". Mọi kiến trúc ở đây, từ nhà cửa dân gian, đến đình chùa, miếu vũ trong kiến trúc tôn giáo, đến ung điện, lăng tẩm trong kiến trúc cung đình đều gắn liền với yếu tố vườn.

Vườn cây tại Huế là mảng màu xanh để xoá dịu bớt cái rực rỡ của kiến trúc, là nét bút của tạo hoá có tác dụng uốn mền những mảng kiến trúc gai góc, sắc cạnh vạch ra giữa bầu trời. Những vườn cây Huế có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của con người Huế từ trước đến nay. Phần lớn các gia đình, dù ở nội thành hay ngoại thành cũng đều cố gắng tạo nên một mảnh vườn, dù lớn hay nhỏ. Lớn thì trồng những cây lưu niên, cây ăn trái, nhỏ thì trồng hoa, trồng rau cải; không có đất thì tạo nên một "vườn treo" với những chậu cảnh, những giò lan, những Bonsai như một vũ trụ thu nhỏ của riêng mình. Vườn Huế là một khoảng không gian biệt lập để cho con người tìm đến trạng thái thư dãn tinh thần sau một ngày làm việc vất vả hay sau một chặng đời vật lộn với cuộc sống, toan tính những danh lợi, thiệt hơn.

Vườn cây xứ Huế được biết đến không phải vì những loại hoa muôn màu, muôn vẻ, như những làng Hoa Nghi Tàm, Ngọc Hà, Yên Phụ ở ngoại thành Hà Nội. Vườn Huế rất giản dị. Đó là chỗ dừng chân giữa mưa và nắng, là toà lâu đài của những loài chim, là bóng mát của khách vãn lai, là tứ thơ của giai nhân mặc khác. Đây cũng là nơi trú ngụ của những mảnh tâm hồn thanh cao, thuần khiết, nơi di dưỡng của những quan lại Huế khi về già. Những người dân Huế tạo nên một mảnh vườn không phải mong thu lợi lộc khiêm tốn của mình, mà trước tiên, để được đắm mình trong cái màu xanh thanh thản của lá, của hoa, cuả trái cây ngon ngọt, mà trước tiên là của thiên nhiên siêu thoát dành cho họ.

Vườn Huế có mặt khắp nơi và vô cùng phong phú, đa dạng. Vườn hoa, vườn trái, vườn cỏ, vườn trên mặt đất, vườn trong không gian và trong đáy sâu của lòng người. Vườn Huế mở ra trong tâm hồn của con người một khoảng không bình yên. Đến đây, con người trở nên thư thái, khoáng đảng, để quên những khắc nghiệt của thế gian. Đây là bản giao hưởng của âm thanh, màu sắc, tâm tình. Kiến trúc ở cố đô Huế được xem như là mẫu mực của lối kiến trúc được "cảnh vật hoá". Những nghệ nhân xưa và nay ở đây đã coi vườn cây như yếu tố hoà hợp giữa âm và dương, giữa chuyển động và bất biến, giữa đất và trời, giữa vũ trụ và con người. Và du khách có cơ hội nào đến thăm một ngôi vườn nào đó vào một buổi chiều hè hay một đêm trăng sáng, thì mới tận hưởng được cái ý vị sâu sắc,trầm lặng của con dân vùng núi Ngự sông Hương.

Sông Hương đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc vườn tại đây. Sau bao dặm trường luồn lách giữa những cánh rừng già, trăn trở chuyển mình qua bao thác ghềnh của hai ngườn Tả, Hữu Trạch Nguyên ở ngã ba Bằng Lăng (Bảng Lảng) đã tạo thành con sông Hương thơ mộng, êm đềm chảy vào giữa lòng thành phố. Dòng nước cuốn theo bao nhiêu phù sa, tạo cho Huế hai thềm đất trù phú, tốt tươi, chạy dài đến Ngã Ba Sình, rồi oà vỡ ra đầm phá vùng duyên hải. Những vườn cây xứ Huế được nuôi dưỡng từ những lớp phù sa đó. Dọc hai bên bờ sông Hương, biết bao thôn làng với những mảnh vườn nặng trĩu trái ngọt cây lành. Đó là những khu vườn đầy mít, chè, thơm, ổi của làng Tuần, những thềm đất trắng muốt của hoa huệ, rợp đỏ hoa dâm bụt, lấy lánh ánh vàng tươi của hoa đồng tiền ở Nguyệt Biều, Lương Quán. Nói đến Huế là nói đến nhà vườn, vốn là hai bộ phận hữu cơ gắn liền nhau. Thành phố Huế là cả một thành phố vườn rộng lớn. Tài hoa nghệ thuật sống của con người xứ Huế là sự kết hợp hài hoà trong nhà ngoài vườn, một cảnh vườn vừa thơ mộng, vừa thực tế. Mỗi ngôi nhà đâu đâu cũng ẩn hiện màu xanh. Toàn thành phố phủ màu xanh mướt. Vẻ đẹp của con sông Hương một phần là nhờ những ngôi nhà vườn nối tiếp nhau hai bên bờ.

Nhà vườn là một thuật ngữ để chỉ một điểm cư trú được tổ chức thành vưòn và nhà, mà chủ nhân đã đặt hết tâm sức vào đó. Kinh thành Huế là sự tổng hợp của những khu vườn đẹp và những nhà rường đẹp. Sự gắn bó mật thiết với thiên nhiên, dựa vào thiên nhiên mà sống đã khiến cho con người nơi đây nhanh chóng thích nghi với môi trường mới. Nhà và vườn gắn bó nhau dù trong một không gian hẹp. Họ đã mở ra chiều rộng và cả chiều sâu của không gian đó. Sắp xếp sao cho ngôi vườn có hoa, có cây, có rau quả, có giàn thiên lý, có gốc hồng, gốc mai. Tuy ít, nhưng tâm thức thì gửi gắm rất nhiều.

Theo thuật phong thủy, những lối đi vào nhà không bao giờ trổ thẳng vào gian giữa của ngôi nhà chính, vì đây là gian nhà thiêng liêng để thờ phượng tổ tiên. Lối đi ấy phải được chận lại bằng bình phong cao quá đầu người, và phải rẻ qua hướng khác để vào nhà. Từ đó, mới chuyển hướng ra vườn. Thấp thoáng trong tán là và trong hoa trái là mái nhà rường cổ kính "trơ gan cùng tuế nguyệt". Cây cỏ nơi đây đã làm tăng thêm những nét dịu dàng, quyến rũ, lôi cuốn của Huế; cây cỏ giúp cho con người Huế hoà nhập với thiên nhiên. Cây cỏ cũng đã chuyên chở tư tưởng, phong cách riêng biệt của con người Huế, gợi mở cho du khách những hứng khởi ban đầu khi đặt chân đến Huế. Đi xuôi về miệt Vỹ Dạ, Nam Phổ, Phú Khê, những mảnh vườn nơi đây như được phát sinh theo một chiều hướng khác hẳn đi. Vẫn có những dãy hoa thược dược đủ màu, vẫn có những hàng cúc vàng rực lên khi chiều buông xuống, vẫn có những vườn mít, cau, đào, dừa, nhưng trong chất liệu và qua cảnh trí, vẫn còn hiện lên những nét thơ. Cau thôn Vỹ đã đi vào thi ca, vào huyền thoại và vào cuộc sống, mở đầu cho hạnh phúc lứa đôi, của "đầu câu chuyện". Đó là nét trữ tình của bức tranh quê. Hoa cau rơi trên vạt áo của cô gái thanh xuân Nam Phổ. Hàn thi sĩ một thời về chơi thôn Vỹ đã chợt thấy hoa lá xứ Huế và cô gái Huế ẩn hiện bên nhau một cách tình tứ "Vườn ai mướt qua xanh như ngọc; Lá trúc che ngang mặt chữ điền".

Tinh thần và đạo lý đã ẩn trong kiến trúc vườn. Có nhiều vườn lại có ngôi mộ tổ tiên. Ngôi mộ trong vườn tạo ra cảm giác gần gủi, thân thương của người sống và người chết. Đây là cách thể hiện tình cảm gắn bó và sự biết ơn của những người trong gia đình đối với tiền nhân, sớm khua hương khói. Người xưa coi chuyện sinh tử là bình thường. Có được nhân sinh quan như thế, họ thấy cuộc sống của con người càng được ung dung, thư thới hơn, kể cả chuyện sinh ly, tử biệt. Đế Huế, viếng thăm những thành quách, điện đài vẫn chưa đủ, nếu chưa đến thăm những ngôi nhà vườn ở vùng Kim Long, Dã Viên, An Cựu, Chợ Cống, Đông Ba, Hương Cần, Liễu Hạ. Vườn chùa Huyền Không bên bò sông Bạch Yến, vườn An Hiên của bà Lan Hữu ở Kim Long, khu vườn "trên không" của anh Nguyễn Đắc An cuối đường Phan Đăng Lưu, ngõ vào cửa Đông Ba, vườn nhà cụ Thân Thần Tôn Thất Hân ở xã Phú Thượng, vườn đá của nghệ nhân Bửu Nghiêu ở Chợ Cống, vườn cụ Nghè Đường ở Phường Đúc, vườn ông Trợ Xuyến ở phường Phú Lộc... đều là những tác phẩm hoàn mỹ, thể hiện tính nhân văn của cố đô Huế.

Vườn Huế là một tổng hợp cây cảnh, mai, lan, cúc, trúc, một vài khóm tùng, một vài gốc hồng gốc bưởi... từ đó loan dần ra, để gợi nếp sống phong lưu, nhàn dật của chủ nhân. Phần lớn vườn Huế trồng hoa màu, cây lưu niên, cây ăn quả; muơi gốc mít, trứng gà,chuối, đào, ổi, cam, khế, chanh, thanh trà, nhãn, vải, măng cụt,chè, dâu, me, trầu. Với nghệ thuật làm vườn, trồng cây khéo léo của họ, người dân Huế đã cống hiến cho quê hương những đặc sản ngon lành: quýt Hương cần, bưởi Liễu hạ, dâu Truồi, thanh tràNguyệt Biều, Lương Quán, nhã lồng Kim Long, An Hoà, vải trạng Phụng Tiên, đào tiên Thế Miếu, hột sen Tịnh Tâm, chè Tuần, chuối Mỹ Lợi, dừa Mỹ Á, măng cụt Xuân Hoà, cau Nam Phổ, trầu Chợ Dinh... đều là những cây đặc sản xứ Huế từ lâu đời. Nét đặc sản của thổ nghi Huế là các vườn chung quanh những ngôi nhà đều có thể trồng được các thứ cây của hai miền Nam bắc. Cây măng cụt, quả chôm chôm, cây sầu riêng, quả xoài từ phương Nam; cây hồng, cây táo, qiả nhãn, quả vải từ phương Bắc đều được trồng và trở nên tươi tốt tại đây. Một số thực vật phương Nam hay phương Bắc đến đây thì dừng lại. Trồng măng cụt xa hơn phía Bắc thì không có quả; trồng hồng Lạng Sơn, hồng Nghệ An xa hơn phía Nam sẽ chết dần mòn.

Với những tính chất đó, vườn Huế vói ngôi nhà rường bên cạnh, quả là một tiểu vũ trụ hài hoà với thiên nhiên; vườn nhà đã tô điểm thêm cho vẻ đẹp xanh tươi của kinh thành Huế, cũng đã góp phần làm cho tâm hồn người thêm thâm trầm, tao nhã, dáng dấp vốn có của Huế. Nó thể hiện toàn vẹn nếp sống phong lưu, dân dã hàng ngày của người dân Huế bình thường, với đức tính cần cù, nhẫn nại, với tình thương bao la, con người thêm nhạy cảm với hương sắc, cỏ hoa. Ngày trước, mỗi khi trong nhà có người lâm chung, nhất là những người từng bỏ công sức ra để xây dựng vưòn nhà, thì gia đình thắt những vòng vải trắng trên những cây trong vườn để tang cho kẻ quá cố. Cây cũng như ngưoi "có phúc cùng hưởng, có hoạ cùng mang". Xây dựng lên một khu vườn như một thú chơi, đúng hơn là một thứ tín ngưỡng. Cây thấy trong, cây cao ngoài, có lớp lang của không gian cao tầng trông thật ngoạn mục. Họ bố cục theo khiếu thẩm mỹ cao độ. Hai bên và đằng sau nhà thì lại khác. Cây lưu niên, cây ăn trái, cây lấy gỗ làm thành hàng để nối với dãy rừng làng liên tiếp. Để có được những cảnh vườn đến như thế, chủ nhân phải đổ bao nhiêu trí tuệ và mồ hôi, với đam mê kỳ thú.

Non bộ gần bể cạn cũng là một cảnh trí khác. Non bộ hay núi giả là một phần đặc sắc trong nghệ thụât phong cảnh ngôi nhà vưòn Huế. Dây là một cảnh thu nhỏ bằng đá, đất và cây trồng. Phong cảnh non bộ là cả một vùng nước non, hồ suối, hang động, cầu nhà,chuà tháp, với những tượng người, tuợng thú bằng sành nhỏ. Nghệ nhân có thể diễn tả lại một khung cảnh nào đó trong thiên nhiên hay trong lịch sử: cảnh đào viên kết nghĩa, cảnh Lưu Nguyễn nhập Đào nguyên, Bồng lai tiên cảnh. Trên non bộ có những cây cảnh như cây si, cây sung, tùng bách, bồ đề, dương liễu, hồng tỉ muội. Những cây nầy thường được thu nhỏ chừng vài mưoi phân , sao cho cân xứng với toàn cảnh. Những cây nầy được uốn theo những "thế" độc đáo: thế trực, thế hoành, thế rồng bay phượng múa, thế phụ tử, thế phu thê, thế Thanh long, Bạch hổ. Bên cạnh những hòn non bộ còn điểm xuyết những chậu cây cảnh được uốn theo các thế, rất công phu, đẻ hoà chung nhịp điệu.

Tạo được một khu vườn nhà Huế là một công phu, với đức tính nhẫn nại khi chăm bón. Nhà văn Nguyễn Tuân đã đưa ra một nhận xét: "Có một vườn hoa là chuyện dễ dàng, nhưng đủ thì giờ mà chăm sóc đến hoamới là việc khó. Người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành, chí tình ra mà đối đãi với cả giống hoa không bao giờ biết lên tiếng kia. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người quân tử. Chứ còn cứ gây được một khoảnh vườn, khuân hoa cỏ ở các nơi về mà trồng, phó mặc chúng cho trời, đầy chúng ta ngoài mưa nắng với thờ ơ, chúng trổ bông không biết đến, chúng tàn là cũng không hay, thì chơi hoa làm gì thêm tội với chúa xuân..." (Vang bóng một thời).

Kinh thành Huế là một nhà vườn vĩ đại; cả thành phố là một công viên lớn; ở đâu cũng thấy toàn là màu xanh mát dịu của sông hồ, cỏ cây, đồi núi, vườn tược. cái tài hoa trong nghệ thuật sống của người Huế là sự kết hợp cái vườn lý tưởng và cái vườn thực tiễn ấy làm một. Nhà vườn Huế là một mô thức kiến trúc dân dụng độc đáo; kiến trúc về phong cảnh, kiến trúc vườn hoa, kiến trúc vườn cây nhỏ nhỏ. Bao bọc chung quanh nhà, phía trước và hai bên là những dãy hàng chè tàu, hàng rào dâm bụt hay bờ dậu ô rô, bờ dậu xương rồng; phía sau là hàng rào tre trúc. Tre trúc thì mọc xanh tốt dày đặc, còn hàng rào chè tàu hay bờ dậu ô rô thì cắt xén công phu, tỉ mỉ hàng ngày. Cửa ngõ trước nhà thường kết cấu đơn giản hay xây bằng gạch có mái ngói để trốn mưa nắng. Cuối lối vào thường có một bình phong nhỏ xây bằng gạch hay trồng cây ô rô. Phiá sau bình phong là sân nhà, trước sân có bể cạn, hồ sen, hồ trồng hoa súng.

Nếu khu vườn của kinh thành Huế có sông Hương trước mặt, thì trong vườn nhà ở đây lại có ao trồng sen, trồng súng, thả cá; bên cạnh có ghế đá, ghế gỗ, đặt dưới gốc dừa, gốc mít. Mặt ao là tấm gương trong suốt phản chiếu hình ảnh các công trình kiến trúc và cảnh vật trong vườn. cách điểm xuyết nầy đã tạo những nét sinh động lạ thường. Mô thức nầy rất thông dụng và cũng tùy theo khảnăng sáng tạo, mỗi vườn nhà lại có những điểm nổi bật. Người Huế thường dùng nhiều trí tuệ đẻ xây dựng nhà vườn, với niềm thích thú, đầy tự hào, suốt cả cuộc đời mình. Nhà vườn hay thành phố vườn đều là cảnh quan tuyệt mỹ. Khi xây dựng kinh thành Huế vào đầu thế kỷ XIX, các nhà kiến trúc đã dùng núi Ngự Bình ở phía nam làm tấm bình phong che chắn những gì trở ngại tổn thương cho Hoàng thành. Gần đó hơn, sông Hương trở thành một mặt hồ phẳng lặng, lửng lờ, để soi bóng các công trình kiến trúc nghệ thuật hai bên bờ. Thuật phong thủy gọi đó là minh đường, một bộ phận cần thiết ở mặt trước mọi kiến trúc. Trên sông lại nổi lên hai gò nhỏ: Cồn Hến và cồn Dã Viên, dùng cho thế Thanh Long và Bạch Hổ chầu hai bên để bảo vệ lấy. Khu vườn có độ rộng ấy đã được quy hoạch và xây dựng với những đường nét đối xứng rõ rệt. Nhìn kỹ hơn, có những phần thưa thoáng của không gian kiến trúc, để tạo sự nhẹ nhàng, thơ thới. Từ trong kiến trúc lớn nầy, người Huế đã học theo để thu gọn trong không gian kiến trúc của nhà mình. Nhà và vườn Huế gắn bó khăng khít với nhau trong tâm thức của ngưòi dân từ thời khai sinh, rồi trở thành hoàn thiện trong sự trưởng thành của họ. Sự sắp xếp nhà và vườn có quy cách như thế đã tạo ra một thế giới riêng, mà chủ nhân đem hết trí sáng tạo để thiết trí theo nhân sinh và nhận thức của mình. Đó cũng là triết lý sống của họ.

Đáng nhắc nhở đầu tiên là vườn của Huyền Không, phía bắc kinh thành Huế. Khách đi thuyền ngược dòng sông Hương, lên quá chùa Thiên Mụ, rồi rẻ vào con sông Bạch Yến ở vị trí cầu Xước Dũ, rồi theo dòng nước quanh co uốn lượn quanh những bãi phù sa sẽ gặp bến Huyền Không. Lên bến, du khách sẽ tần ngần, ngạc nhiên trước một không gian kỳ lạ, huyền hoặc, trăm sắc, trăm vẻ của vườn chùa Huyền Không. Đến Huyền Không, tức là đi vào thế giới của hoa, của quả và thiền. Xứ Huế có hàng trăm ngôi chùa, chùa nào cũng có hoa, có thảm cỏ với đường nét kiến trúc cổ kính, tuy nhiên, vườn chùa Huyền Không mới có được một dáng riêng tuyệt mỹ. Vào đêm, ngôi vườn trở thành một hoạt cảnh sinh động của âm thanh, ánh sáng, huyền thoại như ở cung trời Đâu Suất. Ngôi chùa nầy nguyên là từ đường của tôn tộc Nguyễn Đăng dâng cúng cùng khu vườn rộng chừng một mẫu. So với những khu vườn khác ở Huế, một mẫu đất để lập chùa quả là điều khiêm tốn. Những vị thiền sư ở đây đã biết cách thiết trí tài ba, chia từng khoảnh, khoanh từng vùng, để đem lại sự hoà hợp giữa thiên nhiên và nghệ thuật. Chùa trở thành một tổng thể kiến trúc phong cảnh, với 5 khu vực: vườn cây ăn trái, vườn hồng, vườn cỏ Phương Thảo Địa, vườn Hứa Nhất Thiên và vườn Phương Thảo Địa. Đây là thành công của những thiền sư chùa Huyền Không. Trong vườn hồng có đến 100 giống hồng ghép với đủ thứ tên: hồng bạch, hồng nhung, hồng vàng, hồng ngọc, hồng đào... Hoa hồng vốn được coi là biểu tượng của vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời của nữ giới. Tại đây có đến trên 200 loại lan quý. Các thiền sư ở đây thường xuyên tổ chức những chuyến điền dã, trèo đèo lặn suối vào Trường Sơn để săn tìm những chồi lan quý hiếm.

Hoa lan ở đây nở khắp bốn mùa, mùa nào hoa ấy. Du khách đến đây sẽ đứng trước một rừng toàn hoa lan rồi sẽ phải ngẩn ngơ, thán phục công trình sưu tầm và chăm bón công phu đến như vậy. Đó là những loại Mặc Lan, Đại Kiều, Tứ Thời, Nhất Điểm Hồng, Bạch Ngọc, Đông Lan, Hội Điểm... vào những ngày vào đông, những chồi Địa Lan nhú mình khỏi lòng mẹ, mập mạp, đen nháy; vào xuân nhũng chậu Đông Lan, Xuân Lan khoe màu hoa sẫm, nhụy vàng, đốm trắng, nâu hồng, phấn hương thoang thoảng. Khi hè đến, những cụm Mặc Lan cũng bắt đầu trích mầm, tù đó cho ra đời những chồi non bụ bẫm, tràn trề sức sống. Chơi lan không chỉ thưởng thức về hoa, mà còn ởlá lan nữa. Nếu hoa là dung nhan của lan, thì lá lan chính là cốt cách. Mỗi tẻ lan có vẻ đẹp riêng tuyệt vời của nó. Lá của lan Tứ Thời thì nhỏ mặt, cong dài vút thẳng lên cao rồi đầu nhọn khẽ nhún mình xuống. Lá của Đông Lan thì trồng đầy đặn nhưng lại có vẻ mềm mại, thân lá dễ uốn cong theo chiều gió; lá của Bạch Ngọc Lan thì ngắn và nhỏ, dịu dàng, nhưng lại không èo uột, ẻo lả; là của lan Tiểu Kiều và Hội Điểm mang dáng khoẻ mạnh của lan Tứ Thời, lại thêm vẻ duyên dáng của lan Bạch Ngọc... Giữa rừng lan nầy các thiền sư cho dựng lên một Thi Hiên để đề thơ, vịnh cảnh. Tiếp theo vườn hồng là vườn cỏ Thanh Tâm Viên, trông như một bức tranh thủy mạc được vẽ lên bằng phóng bút tài tình.

Khác với vườn chùa Huyền Không, vườn An Hiên có sắc thái khác.Vườn nầy dựng trên một lô đất có diện tích khoảng 4,600 mét vuông; mặt vườn hướng về nam, trước là sông Hương. Vườn bao gồm nhiều công trình kiến trúc lớn nhỏ, chính phụ, trong một tổng thể hài hoà. Nhà vườn bao vây bốn mặt và xen lẻ là những công trình là sân trước và vườn nhà. Đây là khu vực quan trọng, chiếm diện tích lớn của An Hiên. Từ cổng vào, đi qua một con đường nhỏ; đến bình phong, con đường rẻ ra hai lối: một lối đi vào nhà thờ chính; lối kia dẫn ra vườn. Ở hướng tây, đường cũng phân hai lối như thế. Nằm dọc song song hai bên là hai bồn hoa viền lề đá, trồng Thổ Lan. Nằm gần cổng ở bồn hoa bên trái là cây ngô đồng; đối diện bồn hoa bên kia là cây cẩn đỏ; tiếp hai bên là hai cây trắc và hai cây anh đào. Từ đó trở vào là hai hàng mai trắng nằm xen kẻ với bông trang vàng, trắng, đỏ. Đứng đối trước bình phong là hai cây hải đường hoa đỏ rực rỡ; tát cả phần nầy hiện ra như một bức tranh nhiều màu sắc tuơi vui. Bồn hoa mổi bên còn có các trụ đèn hình tứ giác mái uốn công nằm trên trụ tròn nhỏ tạo ánh sáng lung linh huyènảo khi về đêm. Phân cách bồn hoa với vườn nhà là hai hàng chètàu, được cắt xén cẩn thận, tươm tất, tỉ mỉ, tuy cao nhưng không quá rậm làm che mắt du khách khi muốn nhìn cảnh quan chung quanh khi ra vườn. Sau bình phong là hồ nước nhỏ nuôi trồng bông súng, nằm trước sân nhà thờ chính. Lá và hoa súng nở vào ban mai, biến mặt hồ thành một màu xanh dịu dàng. Trong hồ có những loại cá mại, cá cấn, cá bống mú. Nằm bên cạnh hồ nước là chiếc ghế đá xinh xắn, phẳng lì để ngồi thưởng ngoạn sân vườn trong những đêm trăng sáng. Đặc biệt ở đây có những cây mai vàng trên 50 tuổi, những cây lê khoảng 20 tuổi, cây hồng Tiên Điền già tuổi nhất trong vườn do cụ Nghè Mai, chắt nội của nhà thơ lớn Nguyễn Du tặng cho ông Nguyễn Đình Chi. Đây là giống hồng hiếm, hàng năm ra quả vào khoảng tháng bảy, tháng tám, trái không hột, mùi thơm ngon. Ngoài ra còn có các giống sầu riêng, măng cụt, đặc sản miền Đông Nam Phần.

Nhà cụ Nghè Đường được tạo dựng vào đầu triều vua Tự Đức, ở số 164 đường Huyền Trân Công Chúa, vốn là ngôi nhà có tuổi thọ tương đối cao, hiện nay vẫn còn được bảo lưu nguyên vẹn. Từ đường HuyềnTrân Công Chúa vào nhà, qua một cổng xây với hau cánh cửa gỗthượng song, hạ bản, mở một lối đi rộng, có hai bờ chè tàu đượccắt xén phẳng phiu. Ở đó, điều đập vào mắt chúng ta trước tiên là bức bình phong xây theo kiểu cuốn thư, đứng trước một bể cạn hình chữ nhật và giới hạn giữa sân và vườn trước. Vườn ở đây là một tổ hợp cây cảnh, mai, lan, cúc, trúc, một vài khóm tùng xinh xắn; vài gốc hồng, góc bưởi; cứ thế loang dần ra mãi, gợi cho chúng ta thấy được vẻ phong lưu, thanh thản của chủ nhân. Nhìn chung, không thấy có một khoảng đất nào bỏ trống; đây là một thứ đồng bằng thu nhỏ lại, trong khuôn viên nầy trồng đủ các giống đậu, trông giống như những khu vườn ở ngoại vi Hà Nội.

Trong cấu trúc cảnh quan vườn, chủ nhân thường đặt cả tâm trí của mình vào. Như nhà cụ Đô chẳng hạn. Trên hòn non bộ, có hình ảnh của ba miền đất nước: chùa Một Cột ở miền Bắc, chùa Thiên Mụ ở miền Trung, Đồng Tháp Mười ở miền Nam. Nối kết ba cảnh trên là dãy Trường Sơn. Đây là hình ảnh của Tổ quốc được thu nhỏ lại một cách gọn gàng, xinh xắn. Hằng ngày, chủ nhân có dịp ngắm nghía và suy tư. Trong khung cảnh nầy cho thấy dường như người Huế đã cố tìm cách để chinh phục thiên nhiên.

Có nhiều ngôi nhà nếu không đủ điều kiện để lập một ngôi vườn như ý muốn, nhưng vì quá đam mê hoa lá, thì vẫn nao nức trong lòng. Họ lập cảnh vườn "trên không gian". Đó là trường hợp cách dựng vườn trên lầu hai và lầu ba của anh Nguyễn Đắc An đường Phan Đăng Lưu. Nguyên là một Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Gia Thiện Huế, anh An say mê cây cảnh từ tuổi trung niên. Bây giờ ở tuổi "cổ lai hi", nhưng anh vẫn nuôi dưỡng sự đam mê say đắm đó. Đây là khoảng không gian khiêm tốn, lơ lửng trên không, nhưng với óc sáng tạo của chủ nhân, đã biến thành một thứ tiểu vũ trụ được thu mình gọn gàng trong những chầu hoa, những hòn Bonsai với nhiều kiểu dáng công phu trong nghệ thuật chơi hoa của con người Huế. Đó là những gốc tùng, gốc mai; có khi chỉ là những loại cây hoang dã, tầm thường như cây sanh, cây bồ đề, cây sim, tràm, nhưng lại được săn sóc,xén tiả công phu quá mức, đã trở thành những tuyệt tác nghệ thuật. Chủ nhân đã tạo ra những "thế" cho những Bonsai, rồi dựa vào đó lại được lồng vào những sự tích làm bối cảnh. Nhiều nhất là "thế trực" và "thế hoành". Thế trực thì gồm những loại cây mọc thẳng, vươn lên rất cao. Thế "trực" gồm có thế Phụ Tử, thế Phu Thê, thế Tam Đa, thế Ngũ Phúc. Còn "thế hoành" thì lại phát triển theo chiều ngang. Thế "hoành" ở đây thì có: Long Giáng, Long Thăng, Phụng Vũ, Lưỡng Long Triều Nguyệt. Cách tạo dáng thì dựa theo các tán lá, để có thể uốn thành những con vật: nai ngơ ngác, chim cất cánh, thỏ ngập ngừng, voi nặng nề, hổ nhớ rừng... Tuy nhiên trong những thể dáng nầy, dù mang nhiều thể tài khác nhau,nhưng vẫn xây dựng cảnh trí hết sức hài hoa, đầy đủ. Chủ nhân bảo: Những thể loại nầy, dù uốn nắn đến mức độ nào thì cũng giữ vẻ tự nhiên; sao cho người ngắm xem không thấy được bàn tay của con người tham dự vào là được!

Bên cạnh những khu vườn như thế, nhà rường Huế cũng là điều đáng nói. Bên cạnh một khuôn viên được quy hoạch, ngôi nhà rường Huế ba gian hai chái hay năm gian hai chái, bằng gỗ mít, gỗ kiền kiền vàng óng, chạm trỗ vô cùng tinh tế lại càng thể hiện sự khoáng đạt của tâm hồn Huế. Huế không chỉ có thành quách, lăng tẩm, chùa chiền, mà còn có những nhà rường truyền thống. Khi làm ăn khá giả, ai cũng thích xây nhà rường. Vua chuá, quan lại đều thích nhà rường. Khi rồi hoạn lộ, quan trường, ước mơ duy nhất là trở về sống ngôi nhà rường. Ông bà, tổ tiên đều thích nhà rường. Con cháu thích trở về lại ngôi nhà rường muôn thuở. Người sống thích nhà rường đã đành, ma quỷ cũng thích nhà rường. Biến chuyển của ngôi nhà rường Huế cũng có nhiều thay đổi. Từ ngôi nhà hai cột chính đến ngôi nhà có bốn cột chính để nới rộng thêm hai chiều không gian, đã là một bước tiến về kỹ thuật liên kết các bộ phận của ngôi nhà tre trước đó. Loại nhà như thế ngoài các nút bược, người ta phải dùng một số con sẻ ở những vị trí quan trọng. Từ nhà tre tiến lên nhà gỗ, nhà rọi biến thành nhà rường, là những bước đi của kiểu thức nhà Huế. Ngày nay, dù vật liệu kiến túc thay đổi, nhưng thế dựng nhà rường vẫn còn gây hứng khởi cho người trong sáu huyện tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ai là người tạo mực thước nhà rường? Khó biết được. Chỉ hiểu rằng: đây là những nét tài hoa của những người thợ mộc gốc Bắc, di dân vào Huế, cộng thêm tâm hồn dân bản địa. Họ đã thổi vào những khúc cây, những mảnh gỗ vô tri thành nhà rường có ý nghĩa lớn. Nhà rường đi đôi với nếp sống nhàn dật, thảnh thơi của người Huế. Ở đây, có những vật dụng, những con người trong lối tiêu khiển, tiêu biểu cho niềm hoài cổ, mang tính phong kiến. Ngoài trừ ngói ở mái, gạch ở nền, tất cả cấu trúc khác đều bằng gỗ:cột, kèo, xuyên, trến, đòn tay, rui mè. Cửa bàn khoa, cửa hông, vách ngăn, liên ba, thành vọng, rầm thượng, rầm hạ cũng toàn là gỗ.

Một ngôi nhà rường hoàn chỉnh phải có đủ: cổng trong, cổng ngoài, bình phong, nhà chính, tả vu, hữu vu, nhà phụ, nhà bếp. Một ngôi nhà rường đủ tiêu chuẩn phải đầy đủ "thượng chua, hạ mít"; sang trọng thì dùng "thượng kiền kiền, hạ gỗ trắc". Mít dùng để dựng nhà rường phải là loại mít cao tuổi, trồng ở những làng ven Trường Sơn thì mới đúng nghĩa. Gõ thì mang từ Quảng Bình Quảng Trị vào hay từ thượng nguồn Ô Lâu. Đánh giá đúng nghĩa nhà rường dựa vào đó. Kiền kiền thì lấy từ Nam Đông, Bà Nà. Gỗ làm nhà rường lấy từ những cây có tên, có tuổi. Phải lấy đúng thời vụ, mới tránh sâu mọt. Ai cũng hãnh diện được ở nhà rường đúng nghĩa. Tùy theo khả năng của chủ nhân, xây nhà rường có nhiều loại: loại một căn hai chái, loại ba căn hai chái, loại năm căn hai chái. Phổ biến nhất là ba căn hai chái. Dựng nhà rường nầy, phải có mặt bằng khoảng 7,5m X 11,5m là thích hợp. Dựng lên có 8 cột cái (cột hàng nhất), 16 cột lỡ (cột hàng nhì), 24 cột con (cột hàng ba), 8 cột hiên (nhà vỏ cua) tổng cộng một ngôi nhà rường trung bình phải có 56 cột. Nhà ba căn hai chái thường có rầm thượng vàrầm hạ để chứa đồ đạc. Bốn cặp cột hàng nhất (cột cái) vữa đỡ lấy kèo thượng, vừa đỗ đuôi kèo trung được liên kết nhau bởi một đoạn để đỡ rầm thượng. Ngăn giữa ba gian với hai chái là bức vách làm bằng ván có các dải ô hộc, chạm trỗ chữ "thọ", "bát bửu", "hoa lá". Hai cửa vòm cuốn đứng giữa cột hàng nhất và cột hàng hai là hai lối vào các chái. Hai cửa hình chữ nhật đứng giữa cột hàng hai và cột hàng ba luôn luôn mở rộng, để gây ấn tượng hành lang suốt cả căn nhà. Mặt trước hai gian chái được xây gạch có trỗ hai chữ "thọ" nằm trong vòng tròn. Ba gian giữa có 18 lá cửa gõ, thượng song, hạ bản, nằm trên một gờ ngạch cao. Bên ngoài hệ thống cửa của ba gian giữa, nền nhà được hạ thấp làm thành cấphiên, với mái đưa được đỡ bởi bốn cột xây thon nhỏ. Nhờ thế, dù tầm cao nhà không cân đối, nhưng hiên hạ thấp, cột hiên thanh tú, khiến cho nhà như được nâng cao lên hẳn. Nét đặc sắc của ngôi nhà rường Huế đọng lại trong ngôi nhà nầy, ngoài phong cách "kèo chống" truyền thống ở Huế, mỗi đầu kèo là một đầu cù chạm trỗ tinh vi, vừa có những đường vẽ kỷ hà, vừa có những nét mềm mại hình mây bay vờn. Nhất là kèo hàng ba, tuy ngắn nhưng lại có nhiều đồ án trang trí đẹp mắt. Riêng hai dải liên ba giữa hai hàng cột nhất chạy suốt ba gian là những ô hộc được trang trí kỹ càng. Những tác phẩm chạm khắc ấy tương phản với bộ mái, mà những đường rui thẳng đều đỡ những viên ngói liệt được nhúng vào nước vôi trước khi lợp; như thế vừa sáng sủa, vừa tạo nên không khí trang nghiêm.

Tất cả những chi tiết gỗ trong ngôi nhà rường đều được kết nối với nhau bằng các ngàm, các miệng, các nêm, các chốt. Ở nhà rường tuyệt đối không dùng đinh ốc, dùng vít, dây néo hay bất cứ một chi tiết kim loại nào. Cũng không có sự nối kết kiên cố giữa phần gỗ và phần gạch đá. Cột nhà đặt trên các chân cột bằng đá đẻo thành hình khối vuông hay hình trái bí để chống ẩm. Mái nhà rường thường lợp bằng ngói liệt; vùng nông thôn thì lợp bằng tranh. Móng nhà rường thì xây bằng đá hộc, đá chè. Nền thường bằng đất nện, trán xi măng hay lát gạch đỏ. Dù kiến trúc kiểu nào đi nữa, thì các chi tiết cũng dùng đến nghệ thuật tạo hình bằng chạm, khắc, khảm trên các đầu kèo, đầu xuyên trến, các dãy liên ba, thành vọng. Phải chăng chỉ có lối kiến trúc nhà rường cổ kính với những bộ vì kèo chạm trỗ công phu, những bờ nóc, bờ quyết chắp những đồ án rồng bay, phượng múa là mô hình thích hợp nhất. Bên trong nhà rường, những đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, tràng kỷ, tủ thờ, khám thờ, những khung tranh thờ, hoành phi, câu đối... thiết trí trong nội thất mà tự thân của mỗi yếu tố đều được bộ sung, hài hoà với nhau. Đây là sản phẩm của trí tuệ, là những tác phẩm mỹ thuật về kiến trúc độc đáo của miền Trung, được những thế hệ trước giữ gìn lại. Trong các điêu khắc, các hình tượng long, lân, quy, phụng, tứ thời, bát tiết, thất thập nhị hiền, các loại hoa văn được chạm khắc trên nhiều vật thể, nhiều đồ dùng trong ngôi nhà rường là những khái niệm bao quát tư tưởng, triết lý, đạo đức, tôn giáo, nghệ thuật chi phối mọi hoạt động, mọi tư duy, cũng như khát vọng của mọi thành viên trong ngôi nhà nầy. Người Huế thường xây nhà rường ở cái tuổi "tri thiên mệnh". Họ ít xây nhà rường vào tuổi trung niên. Có lẽ người cao niên thích những việc xây tổ ấm theo tư duy của mình hơn. Nhưng hiện nay, với thời gian, với những vật liệu kiến trúc mới, thì nhà rường đã biến chất hay không còn giữ lại nữa. Nhà rường có nguy cơ suy thoái nhiều hay mất hẳn, nhường chỗ cho loại nhà bê tông, cốt sắt.

Những người chủ đích thực của ngôi nhà rường hầu hết đều về chầu tổ tiên. Ở khu vực thừa tự, ông ta không còn là nhân vật số 1 như khi còn tại thế. Những người con kế nghiệp đã không thể giữ nổi ngôi nhà rường đã hư hỏng. Hầu hết nhà rường Huế đã cũ kỹ, mục nát, xiêu vẹo. Tràng kỷ, sập gụ, tủ chè, ngựa gỗ, những đồ cổ lưu truyền từ đời nọ sang đời kia đã bị tẩu tán gần hết. Vườn tược thì tiêu điều, nhà cửa cất bừa bải, giành dân chiếm đất ngỗn ngang, con cái tứ tán khắp nơi, tha phương cầu thực. Nhà rường trở nên hoang phế, thê lương. Tất cả chỉ còn là hoài niệm. Như thành quách Huế.





VVM.30.6.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com