N hóm Chân Trời Mới là một tập hợp những ngòi bút trí thức và có một lập trường rõ rệt nhất. Họ gồm có những người chủ lực: Tam Ích – Thiên Giang – Thê Húc và những người phụ lực thiện cảm như Thiếu Sơn, Bách Việt, Hợp Phố.
Tác phẩm của nhóm rất phong phú, có thể kể:
- Giữa Hai Cuộc Cách Mạng (Thiếu Sơn – 1947)
- Cuộc Cách Mạng Việt Nam Đi Về Đâu? (Thiên Giang – 1947).
- Cuộc Cách Mạng Việt Nam Thành Công Chăng, Và thành công cách nào? (Tam Ích -1947).
- Vấn Đề Nông Dân Việt Nam (Thiên Giang – 1947)
- Văn Chương Và Xã Hội (Tam Ích – Thiên Giang – Thê Húc – 1948).
- Dân Chủ Và Dân Chủ (ba tác giả trên thêm Thiếu Sơn – 1948).
- Nghệ Thuật Và Nhân Sinh (Tam Ích- Thiên Giang- Thê Húc 1949).
- Văn Nghệ Và Phê Bình (Tam Ích 1950).
- Tìm Hiểu Biện Chứng Pháp (Thê Húc – Thiên Giang - dịch Poltzer – 1949).
- Yếu Luận Kinh Tế Học (Bách Việt 1949).
- Lao Tù (hồi ký Thiên Giang 1949).
- Tia Nắng (tuyển tập truyện ngắn thế giới – Thê Húc dịch và bình – 1949).
Các quyển trên đều của nhà xuất bản Nam Việt trừ quyển đầu do tác giả xuất bản, Mạch Sống phát hành.
Những vấn đề do Chân Trời Mới đặt ra rất nhiều và còn kéo dài về sau nữa, nhưng vì chúng tôi chỉ có mục đích tìm hiểu tư tưởng chánh và bản sắc của những tác giả nên xin lược bớt, chỉ đề cập đến vài điểm quan trọng mà thôi.
TAM ÍCH VÀ NHÓM CHÂN TRỜI MỚI.
Mục đích của nhóm là kiểm điểm lại những giá trị cũ để vạch một đường hướng dẫn về tương lai (trích chủ trương của nhóm). Vậy họ viết, với mục đích phê phán những vấn đề đặt ra trong quá khứ để tìm những ích lợi cho ngày sau.
Dĩ nhiên trong sự kiểm điểm nầy, họ có phương pháp của họ. Phương pháp ấy ích lợi cho mục đích của họ. Mục đích có vẻ tốt lành, đẹp đẽ, hấp dẫn. Nhưng đó là chuyện khác, ta sẽ bàn sau. Phương pháp của họ dĩ nhiên phải chủ quan, hợp với mục đích đó. Phương pháp đó là duy vật sử quan (Người ta dùng duy vật sử quan để giải thích quá trình tiến hoá xã hội Việt Nam (Văn Nghệ Và Phê Bình, trang 154). Nhóm Chân Trời Mới nhìn mọi công trình văn nghệ cũ như là những công trình phản động, chỉ có ích lợi cho cá nhân hay một nhóm tư sản mà thôi. Những công trình của Khái Hưng, Nhất Linh, hay những tác phẩm lãng mạn trước đây nếu có ích lợi chăng, dưới mắt nhóm nầy chỉ là ru ngủ quần chúng làm cho họ quên thực tại, chỉ chú ý đến cái tôi cá nhân hay đem mình để vào cảnh chùa, cảnh Phật, còn ngoài ra quần chúng lao động, hạng người đầu tắt mặt tối không có ích lợi gì hết. Họ không thỏa mãn vì chẳng được để ý đến đời sống của họ cũng như tâm hồn họ. Những tác phẩm của Lan Khai, Trần Tiêu, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, có để ý đến nỗi khổ của quần chúng phần nào nhưng cũng bị Nhóm nầy phủ nhận công trình luôn vì cho rằng chưa lột xác, vẫn còn là nối tiếp truyền thống lãng mạn, viết để thoả mãn sự ẩn ức cá nhân nhưng chưa có lập trường, mục tiêu rõ rệt, chỉ đề cập vấn đề mà không nói cách giải quyết hay gây ý thức cho nhân vật. Những người nầy có thấy vấn đề nhưng vẫn còn xa lìa quần chúng, hai đàng, nghệ sĩ và quần chúng còn cách biệt, chưa hiểu nhau.
Theo các ông, nhà văn phải ý thức sứ mạng của mình, phải đi với quần chúng. Các ông ca tụng giá trị trường cửu của nhiều tác phẩm tả chân xã hội của Âu Mỹ như Le Talon de Fer (Gót Sắt) của Jack London, Les Raisins de la Colère (Chùm Nho Phẩn Nộ) của John Steinbeck, La Mère (Người Mẹ) của Maxime Gorki, Tom Paine của Howard Fast vì rằng những tác phẩm nầy sinh ra bởi quần chúng, vì quần chúng và cho quần chúng, nghĩa là thỏa mãn một số đông, chớ không phải chỉ có mình nghệ sĩ và những người trốn vào bản ngã cá nhân như Malraux, Sartre, Arthur Koestler…những người nầy, quần chúng đối với họ chỉ là một thứ xa lạ (Nghệ Thuật Và Nhân Sinh, trang 31). Tam Ích còn đi xa hơn:
Nghệ sĩ không phải là người lạc ra ngoài xã hội: nghệ sĩ là một cá nhân xã hội có tương quan với đời sống, có nhiệm vụ lịch sử, nghĩa là vừa nghệ sĩ vừa là chiến sĩ. (Văn Chương Và Xã Hội, trang 121). Chúng tôi thấy nhóm Chân Trời Mới đã đặt ra một cái khuôn mẫu, ai giống khuôn mẫu đó thì được khen, ai khác thì bị chê là phù phiếm xa hoa, trên trời…Đối với các ông nầy không có vấn đề phong phú của văn chương, tư tưởng, tâm hồn, chỉ có một thứ: quần chúng.
Không biết các ông muốn nói quần chúng là hạng người nào?
Không có thống kê nào cho biết độc giả của Maxime Gorki, của Jack London khác với độc giả của Malraux, của Sartre…
Về văn hóa, mấy ông cũng không tin tưởng gì hết, khi Hồ Hữu Tường sắp qua Pháp mong đem nền văn hoá của Việt Nam trình bày với cơ quan văn hoá Liên Hiệp Quốc thì bị nhóm nầy hoài nghi cho rằng nền văn hóa trước đây của Việt Nam không ích lợi gì hết và văn hóa của Liên Hiệp Quốc chỉ là tư tưởng của bọn trí thức, phú hào, nghĩa là tư tưởng của bọn xa lìa quần chúng, ru ngủ quần chúng và làm tay sai cho bọn thống trị, phú hào. Tư tưởng còn quá khích hơn Hồ Hữu Tường cho rằng mình bỏ Marx, thì mấy ông lý luận, biện minh rằng không thể bỏ Marx được vì lý thuyết của ông tiềm tàng, phong phú ta không thể nào bỏ hẳn mà sáng tác ra, phong phú hóa dựa trên những căn bản của Marx. Tam Ích nói một cách quả quyết: Sở dĩ chúng tôi bênh vực nó (học thuyết “mạc xít”) vì nó vẫn còn là một học thuyết để giải những vấn đề xã hội hiện thời (Dân Chủ Và Dân Chủ, trang 8). Cũng trong lập trường của ông, Tam Ích cho rằng Thơ có phần làm cảm người đọc, đó là thỏa mãn tình cảm con người, và có phần thỏa mãn lý trí, đó là phần lý, phần ý thức hệ trong thơ. Thiếu phần cảm thì thơ là lý luận, là tuyên truyền, thiếu phần ý thức hệ, thơ chỉ thỏa mãn những lớp người cũ, lãng mạn, xa vời, say sưa. Lý luận của ông Tam Ích có vẻ vững nhưng chúng tôi nghĩ phần lý, nói không cùng, ai cũng có phần lý , ý thức hệ của mình. Hơn nữa ý thức hệ không phải biến đổi theo xã hội, theo thời thế mà còn theo mỗi người.
Sự phân tích của ông Tam Ích đúng, nhưng gò bó trong việc tìm ý tưởng cho việc phụng sự quần chúng, xã hội, ý thức hệ của ông nên lập luận trở thành chủ quan, máy móc dễ đi đến chỗ giả ngụy 56.
Quyển Văn Nghệ Và Phê Bình của ông chỉ vững khi nền tảng ý thức hệ của ông vững, phá bỏ đi (vì khác lập trường) thì ta không còn gì để nói. Phần phê bình những nhà văn cũ do đó quá chủ quan, phần thơ cũng vậy, ông chỉ có công là giới thiệu được bài thơ rất khá của Hoàng Tuấn. Bài nhận định về quyển Tương Lai Văn Hoá Việt Nam của Hồ Hữu Tường lý luận sắc và đặt vấn đề rất vững, khiến quyển nầy chỉ còn giá trị một bài phóng bút hơn là một quyển sách đứng đắn…
Chúng tôi xin giới thiệu quyển sách ít người biết của Tam Ích “Cuộc cách mạng Việt Nam thành công chăng và thành công cách nào?”
Cuộc cách mạng Việt Nam thành công…?
Trước hết ông trình bày cho thấy nước Pháp lúc đó đang lâm vào tình trạng khủng hoảng nội bộ khó giải quyết với sự xung đột ngấm ngầm giữa giai cấp thống trị và giai cấp thợ thuyền rồi những sự khó khăn ít nhiều của đảng Cộng sản Pháp, đảng Xã Hội, đảng Cộng Hoà Bình Dân; và chánh phủ đương nhiệm.
Kết quả là nước Pháp cuối cùng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng của Mỹ vì nước Pháp sẽ không thể có được một cuộc cách mạng để giải quyết vấn đề.
Sau đo, ông trình bày về Việt Nam. Cuộc cách mạng tháng Tám thắng lợi ngay giữa tình thế nghịch thường (trang 27). Tuy nhiên tình hình thế giới và tình trạng nội bộ không thể kéo đến một cuộc cách mạng xã hội mà là một cuộc CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC VÀ TƯ SẢN DÂN QUYỀN (trang 27) và tác giả biện luận rằng cuộc cách mạng nầy sẽ không dẫn đến một chế độ ĐỎ vì rất nhiều lý do, (dự đoán của Tam Ích 47 và thực tế 54 cho ta thấy gì?) và ông kêu gọi trí thức, phú hào ý thức quyền lợi mình để làm nhiệm vụ.
Cuối cùng ông tiên đoán sẽ có chiến tranh thế giới thứ ba vì Liên Hiệp Quốc không đủ điều kiện binh lực để làm vai trò của mình.
Chiến tranh đó là do sự mâu thuẫn sâu xa giữa hai giai cấp tư bổn và vô sản quốc tế (trang 39).
Nói về một vài ý tưởng xa xưa, cũ kỹ, chúng tôi không có ý định bàn cãi về những việc đã qua, chính trị rộng lớn nhưng chỉ là giai đoạn, hết thời của nó những ý nghĩ chính trị nên cho vào dĩ vãng, văn chương chữ nghĩa nhỏ hẹp hơn nhưng trường cửu, hết giai đoạn vẫn còn đáng được bàn đến. Chúng tôi nhắc lại tư tưởng chánh trị của Tam Ích là muốn nói đến “con người” của ông giai đoạn trước. Lúc ấy ông hiện ra với hai mặt bổ xung cho nhau:
Về chánh trị, ông nghĩ rằng bàn cờ Việt Nam ở trong bàn cờ quốc tế, và do đó khó lòng con người có quyền thế chánh trị lúc đó hướng dẫn được Việt Nam vào chế độ Đỏ (chữ của Tam Ích). Nhưng thực tế cho ta thấy gì? Tình hình luôn luôn động. Một vấn đề tùy thuộc một vấn đề khác thì không thể rút ra kết luận được, vì có kết luận rồi ta sẽ làm cho vấn đề trở thành tĩnh.
Cũng vậy kết luận của Tam Ích đã sai 7 năm sau.
Đó la bình diện quốc gia, theo tư tưởng của Tam Ích, ông còn tư tưởng khác, đáng khen hơn ở đây là báo động rằng nước Việt Nam sẽ là một “Etat libre” nhưng ông không chịu cảnh Etat libre như ở Ái nhĩ Lan, không chịu có một Toàn Quyền, quyết định lại những quyết định của cơ quan tối thượng của Quốc gia (Thỏa hiệp án Việt Pháp – 1947).
Ý kiến đó là ý kiến của một người yêu nước biết nhìn xa và được đưa ra đúng lúc.
Về bình diện quốc tế, ông luôn luôn đề cao vai trò của quần chúng và kêu gào quần chúng ý thức quyền lợi và nhiệm vụ của mình, đừng để giới tư sản, tư bổn bắt chẹt mãi.
Đây là một ý niệm xã hội quá khích, chịu ảnh hưởng của những người chủ trương giai cấp đấu tranh.
Ngày nay 1969, ông đã chối bỏ tư tưởng hai mươi năm trước của mình, chúng tôi thấy cũng không cần bàn cãi một chuyện cũ, một chuyện mà người chủ trương đã không muốn nhìn…, nên chỉ ghi lại mà không thảo luận.
THÊ HÚC
Khi phê bình chung nhóm, hay nhìn Tam Ích ta đã làm công việc kiểm điểm tư tưởng của Thê Húc và Thiên Giang, bởi vì những lý luận, quan điểm của hai ông nầy không đi ra ngoài những gì đã nói ở trên. Những phần đặc biệt, chỉ là công trình, chớ không là tư tưởng.
Công trình đặc biệt của Thê Húc là dịch và giới thiệu quyển Tia Nắng, làm công việc nầy ông có ý hướng rõ rệt: làm bền vững lập luận của mình bằng cách trưng ra những mẫu chuyện liên quan đến đau khổ, áp bức, tâm lý của người giàu, người nghèo, chứng tỏ rằng văn nhân trong thế giới đã có khuynh hướng tả chân xã hội rồi, người ta cũng đã biết để ý đến quần chúng, áp bức…
Bỏ qua vấn đề tư tưởng ta thấy sự lựa chọn của Thê Húc cẩn thận, phong phú, giới thiệu cho đọc giả nhiều tác phẩm đối với người Việt Nam là những thứ gì xa lạ.
Văn dịch của ông gọn ghẽ, lột được ý. Lời bình ở trong hệ thống tư tưởng của ông nên không có gì lạ, ngoài những ý chúng tôi đã trình bày trong phần nói chung về nhóm Chân Trời Mới hay nói riêng về Tam Ích. Thật vậy, mọi công trình của nhóm đều qui về hướng đó.
Chúng tôi lập lại, khi viết cũng như khi dịch Thê Húc đều có mục đích bổ túc ý kiến mình, cho nên việc, dịch quyển Tìm Hiểu Biện Chứng Pháp Thê Húc cũng không đi ra ngoài mục đích đó, ông muốn cung hiến cho đọc giả một dịp đối chiếu với thực tế để kiểm điểm lại những quan niệm truyền thống về vũ trụ với nhân sinh, và soi sáng cho hành động của mình (tựa trang 8). Ông không muốn tạo cho họ một trí thức để tri thức, ông muốn họ dùng trong thực tế. Với ông cái biết chỉ để biết là chuyện phù phiếm vô ích, chỉ dành cho bọn phú hào, bọn sống lơ lửng trên không đụng trời, dưới không đụng đất, chớ không phải là người sống trong xã hội với những va chạm tàn nhẫn, khốc liệt của nó.
Việc nầy càng rõ ràng hơn khi ông chỉ dịch một phần trong bốn phần tác phẩm của Politzer, phần theo ông quan trọng trong việc suy tư của quần chúng trong giai đoạn nầy (45-50), những phần còn lại, có lẽ đối với Thê Húc chưa cần thiết.
Về văn nghệ, ông chủ trương khuynh hướng nghệ thuật mới (tả chân xã hội) có ích lợi trong công cuộc chung giải thoát cho loài người (tựa Nghệ Thuật Và Nhân Sinh, trang 8). Vậy khuynh hướng nghệ thuật mới theo ông như thế nào? Ta hãy nghe Thê Húc giải bày:
Nghệ thuật ngày nay đã đi xa cái tự do chân chính của nghệ thuật chân chính, là diễn tả một cách đầy đủ màu sắc cái thế giới chân thật của nhân loại (Nghệ Thuật Và Nhân Sinh, trang 19).
Diễn tả đầy đủ màu sắc cái thế giới chân thật của xã hội, theo Thê Húc là diễn tả sự đau khổ của người nghèo, người bị áp bức, diễn tả những người từ bỏ sự chủ quan, vỏ ốc của mình để lăn mình vào xã hội đích thực. Do đó ông chê những tác phẩm lãng mạn trước đây, chê nhóm Tự Lực văn đoàn là phù phiếm, là làm hại lòng người, chê những tác phẩm đi vào sự suy tư rằng nó chỉ phục vụ giai cấp phú hào, chỉ cho một số rất ít người có thể thưởng được, còn số đông quần chúng chỉ nhìn như chú cuội, và cũng từ đây ông khen Jack London (Letalon de fer) John Steinbeck (Les raisins de la colère) Maxime Gorki (La mère) như Tam Ích đã từng nói nhiều lần.
Ông cho rằng họ viết những vấn đề liên hệ đến quần chúng, và cho một số đông thưởng thức. Theo ông, nghệ thuật phải cải thiện cuộc đời (Nghệ Thuật Và Nhân Sinh, trang 22). Và người nghệ sĩ phải hiểu nghệ thuật chỉ là một quan niệm tương đối,…giá trị của nó được ấn định trong một phạm vi thời gian và không gian nào, theo vị trí của nó trên bước đường tiến hoá (Nghệ Thuật Và Nhân Sinh, trang 70). Do đó nghệ sĩ chân chính theo Thê Húc là phải ý thức đường lối nghệ thuật của mình để ảnh hưởng trở lại xã hội (trang 71).
Trong ý kiến căn bản đó ông bảo rằng mọi bộ môn văn nghệ phải thay đổi trong tứ.
Ví dụ hát bội phải thay đổi đề tài, những đề tài xưa cũ chỉ cho giới vua quan thưởng thức mà thôi, không để ý gì quần chúng hết.
Không cần lý luận chỉ đem dẫn chứng sự thật ta thấy ngay 20 năm sau lời nói của Thê Húc hát bội chết ở ngoài đời, chỉ còn sống trong trường Quốc Gia Âm Nhạc mà thôi, lý do không phải vì đề tài, vì tứ, vì ý thức hệ mà vì cảm quan của quần chúng thay đổi.
Ngày nay người ta không còn có thì giờ để nhìn những cử chỉ, cách diễn xuất, dàn cảnh ước lệ nữa, dầu có thay đổi khuôn khổ ước lệ đến bao nhiêu đi nữa. (Mà thay đổi khuôn khổ nầy thì hát bội phải đổi tên khác chớ không thể gọi được bằng hát bội).
Nhiều khi chúng tôi dùng chữ quá khích khuôn mẫu, giả ngụy gán cho nhóm Chân Trời Mới, những chữ nầy có vẻ hơi nặng, nhưng chúng tôi không thấy chữ nào khác hơn bởi vì để bảo vệ tư tưởng mình Nhóm Chân Trời Mới không nề hà gì mà không lý luận giả ngụy.
Hãy xem Thê Húc lý luận về tự do sáng tác trong nghệ thuật.
Ông viết: “Hégel đã định nghĩa “Tự do chỉ là nhận biết sự cần thiết để quyết định”.
Về mặt nghệ thuật, tự do sáng tác cũng phải nhắm vào chỗ lợi dụng sự “cần thiết” của xã hội để ảnh hưởng trở lại xã hội vậy (trang 22).
Sở dĩ, tôi cho rằng lập luận của ông một chiều, có tính chất giả ngụy vì nếu công nhận lời Hégel đúng không có nghĩa là ông có quyền thêm chữ xã hội ngoài sau sự cần thiết để giải thích theo ý mình. Người nghệ sĩ theo khuynh hướng khác có thể thay chữ xã hội của ông bằng chữ bản ngã, nghệ thuật, tiền tài…vv, thì tư tưởng sẽ trái hẳn…
Đàng khác chưa chắc hẳn câu trên của Hégel là đúng.
Tóm lại, giá trị của Thê Húc giai đoạn lột xác (45-50) là đã từ bỏ vỏ ốc bản ngã, mơ hồ, của mình trước đây khi ông theo nhóm Xuân Thu Nhã Tập để trở về với quần chúng. Nhưng vì ông quyết bảo vệ lập trường mình đến nỗi quá khích nên tài năng không được sử dụng đúng chỗ. Ngày nay công trình của ông còn lại ở quyển Tia Nắng và vài ý kiến cải cách chữ Việt của ông mà thôi 57 .
THIÊN GIANG.
Về lập trường văn nghệ, chính trị, lập luận Thiên Giang cũng như Tam Ích và Thê Húc, ông ca tụng văn chương tả chân xã hội, và luôn luôn dựa trên giai cấp để giải thích mọi vấn đề. Trong quyển Văn Chương Và Xã Hội ông quả quyết: “Là sản phẩm của Xã hội, Văn Chương và nghệ thuật không thể rời sự sinh hoạt Xã hội. Rời Xã hội nghệ thuật phải hao mòn, phải chết (trang 33-34).
Ông còn xác định rõ ràng hơn quan điểm của mình: Muốn định giá một học thuyết hay một tư tưởng, ta phải nhìn vào thực trạng của xã hội (trang 8). Cũng trong tư tưởng dẫn đạo của ông, ông cho rằng các chế độ chánh trị, vấn đề chánh không phải là nhãn hiệu mà là tương quan giai cấp và dân chủ chân chính là Dân Chủ Xã Hội (Dân Chủ Và Dân Chủ, trang 21).
Ông quá khích để phủ nhận ngay lúc phong trào văn chương tranh đấu đang lên rằng đó chỉ là những mảnh vụn của lầu đài lãng mạn tan vỡ còn rơi lại (Nghệ Thuật Và Nhân Sinh, trang 104) bởi vì người văn nghệ lúc đó đã không có một đời sống cạnh quần chúng họ chỉ tưởng tượng và giật mình thấy người ta nói tranh đấu nên cho vào đó một vài hình ảnh bom đạn. Theo ông muốn đúng nghĩa một nghệ sĩ tả chân xã hội phải tự mình tham gia vào cuộc tranh đấu, phải sống cái đời sống vật chất và lý tưởng của giai cấp đương lên (trangIII).
Sở dĩ chúng tôi dám bảo Thiên Giang quá khích vì ông đòi hỏi nhiều quá nơi người văn nghệ, mỗi người có một vai trò, xã hội, có sự phân công thì không thể bắt mọi người làm nhiều vai trò, bảo người nầy làm việc của người kia. Hơn nữa, ông đã quá tin tưởng ở công dụng của văn chương mà đòi hỏi hơi nhiều. Tác dụng của văn nghệ lúc nầy không tranh đấu được cho lý tưởng của giai cấp đương lên thì người viết không mong gì hơn là trình bày sự thật thực tế, thúc bách người thờ ơ ra đi để giải quyết sự thật đó, còn giải quyết theo một lý tưởng nào khoảng 49-50 nói đến e rằng quá sớm.
Vấn đề là người văn nghệ có quay lưng lại hay trốn tránh trong bản ngã của mình để mặc cho quần chúng sống ra sao thì ra, làm gì thì làm hay không?
Đòi hỏi quá sức, vượt giai đoạn, tôi cho rằng không đặt trúng vấn đề.
Vấn Đề Nông Dân Việt Nam. Như trường hợp Tam Ích, tôi xin giới thiệu quyển sách có tư tưởng chánh trị căn bản của Thiên Giang: “Vấn Đề Nông Dân Việt Nam” , bởi vì nhóm Chân Trời Mới, tư tưởng chánh trị nổi bật chớ không là tư tưởng văn nghệ.
Theo Thiên Giang, độ 90% dân số Việt Nam, là nông dân, mà hiện giờ họ đang khổ sở, vậy phải giải quyết số phận họ. Lịch sử đã chứng minh rằng trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiều lần nông dân đã nỗi dậy làm cách mạng. Nhưng ở nhiều nơi họ bị lợi dụng vì không có sự hợp tác chặt chẽ của giai cấp lãnh đạo – theo tác giả là giai cấp thợ thuyền. Tác giả chứng minh rằng nông dân chỉ tin tưởng ở giai cấp nầy, chớ không phải giai cấp tư sản 58 .
Trở lại Việt Nam, ông cho rằng nhờ thời cuộc đặc biệt của năm 1945, nông dân đã đứng dậy, và tranh đấu quyết liệt với địa chủ, nhưng khi phong trào kháng chiến rút lui về thôn quê thì vấn đề nông dân lại ăn liền với vấn đề giải phóng dân tộc. Vậy vấn đề nông dân là quan trọng, phải cải tạo đời sống họ. Nhưng bằng cách nào, ông cho rằng không có cách nào khác hơn là biến cải cái chế độ xã hội hiện thời.
Biến cải theo đường lối nào ta chưa thấy ông Thiên Giang trả lời. Qua toàn thể quyển sách của ông, ta thấy ông đặt vấn đề đúng cách khi định sự quan trọng của vấn đề nông dân. Những giải quyết của ông chỉ là cái giải quyết chỉ lối; lối ấy đi dễ dàng không, cuối lối có gì đẹp đẽ, hứa hẹn không, ta không thấy ông Thiên Giang nói đến!
Thêm vào đó lý luận của ông dựa trên giai cấp đấu tranh để cho rằng cuộc đấu tranh của dân tộc Việt Nam năm 45-46 có âm ỉ ngòi lửa giai cấp chống đối. Tại sao không giải thích vấn đề khác hơn: một vài bàn tay phù thủy nhúng vào để kéo lệch công cuộc cách mạng đi, thiệt hại do chiến tranh gây ra không thể trách được vì đó là chiến thuật nhiều hơn là thù hằn, trả đũa.
Quyển sách chỉ ích lợi độc nhất là cho thấy sự quan trọng của vấn đề nông dân mà thôi.
Lao Tù.
Tập truyện ngắn hồi ký, bối cảnh là nhà lao, trại giam, nhân vật là những người tù, những người cai tù và những người liên hệ xa gần với người tù. Truyện cho thấy sự dũng mãnh, bất khuất của người tù, nhất là người tù cách mạng, đánh đập không làm nao lòng họ, nhốt hầm không làm họ e ngại, cái chết họ không sờn lòng, nếu cần tranh đấu là họ tranh đấu ngay, họ đủ mọi hạng người, trẻ 16 tuổi có, thanh niên có, già lão có, đàn bà cũng có. Ta thấy ngay giống nòi bất khuất của Việt Nam, không biết sợ chết sợ bạo lực… nhưng đó là vấn đề không quan trọng lắm, người khác đã nói rồi, nói hay hơn, Thiên Giang dài dòng và thiếu gợi cảm, có lẽ ông là người lý luận, kể tội hơn là nhà văn. Một vài truyện được như Mẹ Con (cho thấy tình mẹ con bao la, sâu đậm và tinh thần người chiến sĩ, không muốn gặp phải trường hợp khó nghĩ: tình mẫu tử, và hùng khí đấu tranh). Nguyện vọng cuối cùng (ước vọng trong lúc sắp tàn hơi của người tù, nhưng không thoả mãn, Trong chỗ quạnh hiu (nỗi khổ của một người đàn bà quạnh hiu cô quạnh trong ngục tù, nhưng lòng không nao núng 59. Chúng tôi xin khắt khe khi nhìn quyển Lao Tù, với tác giả khác, quyển nầy là được rồi, như với Thiên Giang vấn đề phức tạp hơn, ông chủ trương văn chương tả chân xã hội, chủ trương nghệ sĩ phải đi sát với quần chúng nhưng ông vẫn không làm tròn.
1) Ông không vạch ra được nguyên nhân người ta bị tù và làm thế nào cho hết cảnh tù đày dã man như vậy, độc giả bình dân chỉ thấy tù khổ mà họ không biết tại sao và làm sao cho hết, ông chỉ diễn tả sự kiện chớ không hướng dẫn được quần chúng tiêu diệt sự kiện, vì theo ông, lý luận, gây ý thức quần chúng để tiêu diệt nguyên nhân tạo nên sự kiện mới là quan trọng, mô tả chỉ là thoả mãn cá nhân, chưa xa lìa được “cái nhau” lãng mạn.
2) Ông nhiều khi tạo những sự việc rất có hại cho bước đường tranh đấu: ông tây coi trại tù tốt đẹp, hiền lành, sở dĩ ông ta ác độc vì nhiệm vụ ông ta mà thôi. Điều nầy nói theo Thiên Giang là để ngòi bút lôi kéo mình bằng những tình cảm vô ích.
3) Truyện “Người Và Chuột” có nhiều đoạn lãng mạn của bọn trí thức tư sản chưa thoát khỏi sự kềm kẹp của bản ngã mình. Người ta lại cho tôi hay cái hạn ở hang của tôi đã mãn và tôi được về ở chung một chỗ với loài người. Thật là một tin sét đánh (trang 46). Ông muốn ở chung với chuột mãi, bỏ loài người, bỏ lý tưởng để vỗ về tình cảm yếu đuối với mấy con chuột?
Người tù trong “Người và chuột” phải lo lót cho chuột, chừa cơm, chừa mắm cho chuột chỉ vì muốn bạn (chuột) no lòng để khỏi ăn thịt và máu của tôi (Người Tù, trang 40).
Thật là nhu nhược đớn hèn vì không biết phấn đấu, với hai con chuột mà phải lo lót, không dám đánh, với một đàn chuột thì sao?
Truyện nầy không phải là truyện tượng trưng. Thiên Giang thiên về văn chương tả chân xã hội, ông không viết truyện tượng trưng cho nên chúng tôi phải đứng trên quan điểm nầy để nhìn tác phẩm ông…
4) Vô tình ông chấp nhận,cho là đúng, thuyết định mệnh trong truyện “Người bạn đường của tôi”.
Nói dễ, làm khó, chê người nhưng vấp phải đó là trường hợp Thiên Giang, ông chưa thoát được truyền thống những nhà văn Lan Khai, Nguyên Hồng mà đòi theo Jack London, John Steinbeck nên thất bại. Chúng tôi lập lại, thất bại chỉ đứng trên quan điểm của Nhóm Chân Trời Mới, theo quan điểm khác Lao Tù vẫn có giá trị về thuật sự, tả tình…
Nhóm Chân Trời Mới có công gây dựng sự sôi nổi trên văn đoàn Nam Bộ khoảng
1949-1950), sự nhất trí của họ lúc ấy đã có tiếng vang đáng kể, nhưng chỉ đến cuối năm
50 thì hết. Khi tình hình chánh trị đổi thay, lập trường ai nấy biểu lộ ra rõ ràng. Những
tác phẩm của họ xây dựng trên cơ sở lỏng lẻo, ngày nay chỉ là một dĩ vãng đáng quên,
nếu phải nhắc đến thì chỉ đáng nói phớt qua thôi.
GHI CHÚ :
56 Nhiều khi để lập luận của mình vững hơn, ông không nề hà gì mà không gán tác phẩm nầy cho tác
giả kia, (ông cho “Đoạn Tuyệt” và “Lạnh Lùng” là của Khái Hưng (?) (Văn Nghệ Và Phê Bình, trang
41) và đồng ý với một nhà văn Tây Phương lập luận sai cho rằng bất cứ thay đổi căn bản nào của Toán
học, định lý Pythagore vẫn đúng (!).
57 Vai tuồng của Hán tự và ngoại ngữ trong việc điển chế ngôn ngữ Việt Nam (Tuần báo Thế Giới –
1949)
58 Lý luận của Thiên Giang là lý luận theo kiểu Lénine, bây giờ vấn đề đã bị vượt qua, chúng tôi thấy
không cần tốn công bàn cãi nhiều, chỉ cần trình bày tư tưởng của ông là đủ
59 Đáng buồn là truyện nầy gây từ cảm hứng giống với truyện “Thà Chết Thì Thôi” của Hợp Phố, với
rất nhiều đoạn giống nhau. Truyện “Nguyện Vọng Cuối Cùng” bị kiểm duyệt mất một đoạn, nên đọc
phải đoán thật kỹ mới được.