Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




MIỀN NAM KHAI PHÓNG

  


I - Miền Nam

     Không phải chỉ từ khi đất nước chia đôi ở vĩ tuyến 17 sau Hội nghị Genève 1954 hoặc sau cuộc "thống nhất" năm 1976, vấn đề Nam Bắc mới được đặt ra trong các sinh hoạt chính trị, xã hội cũng như văn học nghệ thuật. Năm 1558 (1), khi Nguyễn Hoàng đem gia đình và quần thần vào trấn Thuận Hóa gây phân tranh Trịnh Nguyễn và mở đầu cuộc nội chiến dài nhất của lịch-sử đất nước, việc phân biệt Đàng Trong-Đàng Ngoài và Nam-Bắc đã bắt đầu từ đó. Rồi với thời gian, việc phân biệt đó có khi trầm trọng có khi nhẹ nhàng, nhưng đến thời hiện đại, tiếng nói của miền Nam hình như đã bị lấn áp và theo thiển ý, đây là một thiệt hại cho cả nước Việt Nam. Chúng tôi có một số quan sát, xin được đóng góp, không nhất thiết vì những tranh luận dân chủ hóa ở trong nước hiện nay, mà đã từ lâu chúng tôi vẫn có nhiều dịp thấy những bất công, ngộ nhận đó trong cuộc sống dân tộc cũng như trong những sinh hoạt văn hóa.

Dù nhìn dưới lăng kính nào đi nữa, lịch sử cũng đã ghi công các chúa và các vua nhà Nguyễn phát triển và làm lớn mạnh miền Nam từ sông Gianh (Quảng Bình) trở vào. Do đó không có gì lạ nếu dân chúng miền Nam ưu ái trung thành với vua nhà Nguyễn hơn người Đàng Ngoài và triều đình nhà Nguyễn cũng thiên vị miền Nam hơn dù người dân từng thất vọng về vua Minh Mạng và triều đình Huế không đẹp với mồ mả tổng trấn Lê Văn Duyệt. Hoàng hậu và hoàng phi triều đình Huế có nhiều người Nam và các công thần từ Bắc hà vào làm quan có người bị kỳ thị - thi hào Nguyễn Du là một trong số các nạn nhân đó. Nhưng đến đầu thế kỷ XX, hiện tượng có thời ngược hẳn với số quan lại khoa bảng Bắc hà đông đảo nhưng tính trọng Nam vừa nói vẫn đóng vai quan trọng.

Miền Nam đất mới, thiên nhiên trù phú đã khiến cho con người khai phóng, cỡi mở hơn và tương đối ít có chuyện kèn cựa nhau vì những cái không đáng. Đất Đàng Trong khởi dựng với những người bất mãn, bất phùng thời hoặc không sống được ở miền Ngoài (các chúa Nguyễn, Đào Duy Từ, ...) và cũng đã đón nhận nhiều con cháu nhà Minh đến xin di trú, hội nhập vào những miền Trấn Biên (Giản Phố, Biên Hòa), Hà Tiên, Phiên Trấn (Gia Định), Đề Ngạn (Chợ Lớn), Long Hồ (Mỹ Tho); con cháu họ đã Việt hóa và đã đóng góp vào việc khai thác những vùng còn hoang sơ đó và phát triển cả miền Nam này. Những Trịnh Hoài Đức, Mạc Cửu, ... đã là những thí dụ điển hình.

Cũng với tinh thần khai phóng đó và vì hoàn cảnh lịch sử, miền Nam đã tiếp nhận văn hóa Tây phương sớm hơn miền ngoài dù miền Ngoài đã tiếp xúc với thương thuyền Tây phương sớm hơn. Phải đối kháng với ngoại xâm và ảnh hưởng không thể tránh của một thứ văn minh khác, miền Nam đã tiếp nhận nhưng chủ động việc tổng hợp do đó mới có những bộc phát mạnh mẽ tinh thần dân tộc, những nỗ lực bảo tồn văn hóa, đạo lý dân tộc, những tôn giáo tổng hợp như Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo. Do đó không lạ gì khi thấy những phong trào, khuynh hướng đòi dân chủ phát sinh ở miền Nam sớm hơn. Từ 1906 đã có phong trào Minh Tân công nghệ và cải lương nông nghiệp do Trần Chánh Chiếu chủ bút tờ Nông Cổ Mín Đàn khởi xuớng (2). Phan Bội Châu sau khi vào Nam vận động chống Pháp, đã soạn Ai Cáo Nam Kỳ Phụ Lão (1907) để phát động phong trào Đông du là cũng nhắm đồng bào trong Nam trước.

Về văn học Hán Nôm, Đào Duy Từ bỏ đất Bắc vào Nam làm những bài thơ đầu tiên của Đàng Trong và đến thế kỷ XVIII miền đất mới đã có những đóng góp đặc sắc. Đầu thế kỷ XVIII, Nguyễn Hữu Hào viết Truyện Song Tinh, là tác phẩm văn học dài hơi đầu tiên của miền đất mới và cũng là tiểu-thuyết văn vần đầu tiên của Việt Nam - rất lâu trước Truyện Kiều, Chinh Phụ, Cung Oán Ngâm Khúc và Lục Vân Tiên. Sau đến có Nguyễn Cư Trinh với Sãi Vãi (1750).

Đến thời cận đại, chính miền Nam là đất nẩy mầm, bắt gốc của báo chí, tiểu thuyết văn xuôi và cả phong trào Thơ Mới mà các sách văn học sử xuất bản từ gần thế kỷ nay thường bỏ qua hoặc đánh giá không đúng mức. Thật vậy, những tạp chí Đông Dương, Nam Phong, những Tố Tâm, Tự Lực Văn đoàn, Tân Dân, những ngôi sao Phạm Quỳnh, Nhất Linh, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Tố, vv đã làm lu mờ những Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Nguyễn Chánh Sắt, Hồ Biểu Chánh, Lê Thọ Xuân, vv. Ở Sài Gòn và Hà Nội vào thập niên 1960 mới có những cơ quan nghiên cứu về Việt Nam học (tập san Nghiên cứu Việt Nam của nhà Trình Bày, Études vietnamiennes của Hà Nội); nhưng có biết đâu rằng năm 1883 ở Sài Gòn đã có hội Đông dương học nhưng chủ yếu là Việt Nam học. Nhiều bộ sách khảo cứu bằng tiếng Việt và Pháp văn của Trương Vĩnh Ký đã được xuất bản như Đại Nam Tam Thập Nhứt Tỉnh Thành Đô, Souvenirs historiques sur Saigon et ses environs, Dictionnaire Biographique Annamite, Produits de l'Annam, vv . Có thể nói Trương Vĩnh Ký là nhà Việt Nam học đầu tiên vậy!

Về báo chí, năm 1865, trong khi miền Ngoài còn chìm đắm trong sách vở Tống Nho, miền Nam đã có tờ Gia Định Báo được xem là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ. Số 1 ra mắt ngày 15 tháng 4 năm 1865 (3). Lúc đầu là một thứ công báo của chính quyền thực dân Pháp, nhưng từ 1869 Trương Vĩnh Ký được cử làm Chánh tổng tài và Huình Tịnh Paulus Của làm chủ bút, Tôn Thọ Tường, Trương Minh Ký, v.v., trong ban biên tập. Gia Định Báo được thêm phần truyền bá chữ quốc ngữ, khuyến khích dùng thứ chữ này để viết báo viết văn, cổ động cho lối học mới. Vô tình, Gia Định Báo đã đóng vai trò tiền phong truyền bá cái về sau gọi là văn học chữ quốc ngữ. Đến năm 1874, J. Bonet được cử làm chánh tổng tài thay Pétrus Ký, tờ Gia Định Báo trở lại với vai trò thông tin tuyên truyền cho chính quyền thuộc địa.

Năm 1888, Trương Vĩnh Ký xuất bản tạp chí Thông Loại Khóa Trình (Miscellannées ou Lectures instructives pour les élèves des écoles primaires communales et cantonales) với mục đích cổ động phong hóa cũ, phổ biến văn hóa dân tộc kể cả văn thơ chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Tri Phương, Bùi Hữu Nghĩa. Cùng năm 1888, tờ Nam-Kỳ Địa-Phận xuất bản cốt phổ biến giáo lý đạo Thiên Chúa, nhưng đồng thời đã là cơ quan văn hóa thông tin và văn học quan trọng. Mười năm sau có tờ Phan Yên Báo do Diệp Văn Cương làm chủ bút xuất hiện năm 1898, nhưng chỉ ra được bảy số thì bị toàn quyền Paul Doumer ra sắc luật 30-12-1898 cấm lưu hành, sau loạt bài chống đối sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam. Phan Yên Báo là tờ báo đầu tiên trong lịch sử báo chí Việt Nam bị nhà cầm quyền cấm vì bài viết có tính cách chính trị.

Các tờ Đông Dương Tạp Chí (1913-1917), Nam Phong Tạp Chí (1919-1934) đã đóng góp làm lớn mạnh nền báo chí và văn hóa Việt Nam. Nhưng trước đó, phải đợi đến năm 1905, ở Bắc mới thấy có Đại Việt Tân Báo là tờ báo đầu tiên bằng chữ quốc ngữ (nhưng bên cạnh bài chữ Hán). Có thể nói một cách tổng quát sinh hoạt văn hóa bằng chữ quốc ngữ ở hai miền Bắc và Trung xuất hiện 40 năm sau Nam kỳ, đất thuộc địa, và báo chí đã đóng một vai trò rất quan trọng vì các cơ quan này đã là đất nẩy mầm và phát triễn của các bộ môn văn học khác (20 năm sau miền Nam về phần báo chí tiếng Pháp và tiếng Hán). Nhưng vai trò tiền phong này của báo chí miền Nam đã bị hạ giá, bị kết án là làm tay sai cho thực dân Pháp (4).

Phong trào Thơ Mới cũng đã phát xuất từ Sài Gòn. Trên tờ Phụ Nữ Tân Văn số 122 ra ngày 10-3-1932, Phan Khôi trong bài "Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ" đã dẫn bài Tình Già như một thí dụ xem có ai thích không. Không ngờ, Phan Khôi đã đóng góp cho việc phát huy Thơ Mới và ông đã để đời với bài Tình Già đó. Sau đó, cũng trên tờ báo của Sài Gòn này, Lưu Trọng Lư, Thanh Tâm, Nguyễn Thị Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm) và Hồ văn Hảo đã công bố những bài thơ Mới đầu tay của họ và đưa ra những lý luận đả phá thơ Đường và cổ xúy làm mới thơ. Những bài thật sự mở đầu làm mới ý lẫn lời cho Thơ Mới là của Hồ Văn Hảo và đều đăng trên Phụ Nữ Tân Văn: Con nhà thất nghiệp (208, 20-7-1932), Tình thâm (210, 3-8-1933), Thi nhân với khoa học (216, 14-9-1933) sau đó đã không hề được các nhà văn học sử nhắc tới - bài Tình Già thật ra chỉ là một bài theo thể cổ phong dù cái mới nếu có chỉ ở ý diễn tả tự do. Các nhà văn học sử vẫn nhắc nhở rằng phong trào Thơ Mới sau bài Tình Già đã chuyển ra Bắc và được tờ Phong Hóa ủng hộ đắc lực hơn (5). Từ số Tết (24-1-1933), Phong Hóa đã chỉ trích, diễu cợt thơ cũ rồi đăng lại bài Lưu Trọng Lư đã gửi đăng trên Phụ Nữ Tân Văn trong Nam và bắt đầu đăng thơ gọi là "Mới" - thực ra chỉ là những thử nghiệm giao thời của Tứ Ly (tức Hoàng Đạo), Nhất Linh, Thế Lữ, Vũ Đình Liên, v.v. trước khi thực sự đăng những bài Thơ Mới đúng nghĩa. Nhưng người hăng say nhất trong việc cổ xúy Thơ Mới và đương đầu với những người chủ trương thơ cũ là bà Nguyễn thị Kiêm, bắt đầu với bài diễn văn thành công ở hội Khuyến học Sài Gòn ngày 26-7-1933 và tiếp tục với nhiều cuộc diễn thuyết khác và bài đăng trên Phụ Nữ Tân Văn.

     II - Một Nền Văn Học Tiền-Phong

1. Nếu tìm hiểu văn học Việt Nam hiện đại qua đa số các sách biên khảo trước nay, nhiều người sẽ vẫn nghĩ cuốn tiểu thuyết đầu tiên được viết bằng chữ quốc ngữ là Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách hoặc Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật. Nhưng Tố Tâm dược họ Hoàng viết vào năm 1922, dược nhà Nam Ký xuất bản năm 1925, Quả Dưa Đỏ được giải Hội Khai Trí Tiến Đức năm 1925. Nhóm Trần Văn Giáp trong Lược Truyện Các Tác Gia (6) đã khám phá ra trước Tố Tâm ngoài Bắc đã có hai cuốn tiểu thuyết Cành Hoa Điểm Tuyết (1921) và Cuộc Tang Thương (1923) của Đặng Trần Phát nhưng các ông lại không đi xa hơn trong việc truy tìm gốc gác tiểu thuyết Việt Nam. Các ông có nói đến những U Tình Lục, Chúa Tàu Kim Quy, Lỗi Bước Phong Trần, Oan Kia Theo Mãi nhưng viện cớ sách báo thất lạc không biết nội dung ra sao chứ "cái tên của nó cũng đã nói lên phần nào tính lãng mạn của truyện". Về thể truyện ngắn, các sách văn học vẫn cho hai cộng tác viên tờ Nam-Phong tạp chí Phạm Duy Tốn tác giả Sống Chết Mặc Bây (1918) và Nguyễn Bá Học tác giả Câu Chuyện Một Tối Của Người Tân Hôn (1921) là những nhà viết truyện ngắn tiền phong.

Đi ngược giòng lịch sử, cuốn tiểu-thuyết văn xuôi và bằng chữ quốc ngữ đầu tiên dược viết năm 1886 và được xuất bản vào năm 1887 là truyện THẦY LAZARÔ PHIỀN, tác giả là P.J.B. Nguyễn Trọng Quản. Dù chỉ gồm 28 trang (7), khổ 12 x 19 cm, tác phẩm đã có đủ tiêu chuẩn của một tiểu thuyết: một câu chuyện liên tục, tình tiết gây cấn, có phân tích tâm lý, đối thoại, nhân vật có cá tính. Vai chính là một người đàn ông quá ghen thành mù quáng và bất công với người yêu.

Nguyễn Trọng Quản là học trò và sau thành con rễ của Trương Vĩnh Ký, học trung học ở Lycée d'Alger (Bắc Phi) cùng lớp với Diệp Văn Cương và Trương Minh Ký, sau về nước làm hiệu trưỡng tiểu học ở Sàigòn. Ngoài truyện nói trên, ông còn viết hai cuốn Truyện Bốn Anh Chà-Và Cùng Truyện Tầm Phào Chẳng Nên Đọc và Kim Vọng Phu Truyện đã quảng cáo trong cuốn Thầy Lazarô Phiền nhưng có thể chưa bao giờ xuất bản vì không thấy dấu vết. Ông đã cộng tác viết bài cho tờ Gia Định Báo và minh họa các sách như Phan Yên Ngoại Sử Tiết Phụ Gian Truân (1910) của Trương Duy Toản.

Hãy đọc đoạn mở đầu truyện :

"Ai xuống Bà-rịa, mà có đi ngang qua đất thánh ở trong Cát tại làng Phước-lễ, thì tôi xin bước vô đất thánh ấy, kiếm cái mồ có cây thánh giá bằng ván, sơn nũa đen nữa trắng, gần một bên nhà thờ những kẻ Tử-đạo mà thăm mồ ấy kẻo tội nghiệp ! Vì đã hai năm nay không ai thăm viếng, không ai màng ngó tới.

"Mồ đó là mồ một thầy đã chịu lương tâm mình cắn rứt đã mười năm, bây giờ mới đặng nằm an nơi ấy.

"Tôi xin phép thuật lại truyện tôi đã gặp thầy ấy và làm sao thầy ấy đã tỏ chuyện mình ra cùng tôi, như sau nầy." (tr. 5)(8).

Một đoạn đối thoại :

" Tôi vô nhà thấy bạn tôi đang bắc một cái siêu trên bếp, thì tôi hỏi rằng : "Mình sắc gì đó vậy?". Bạn tôi trả lời rằng : "Ba bốn bữa rày nó bắt tôi ho dữ quá, cho nên khan tiếng ; tôi sắc thử lá nguyệt bạch với chanh uống coi có hết chăng?"

"Tôi làm thinh không nói gì, cứ cúi xuống mà ngó cái siêu luôn, tôi ngó cái siêu, thì thấy cái nắp nó nhảy lên nhảy xuống dường như muốn mời tôi bỏ nắm bông trong khăn vô đó vậy. Vừa khi ây bạn tôi lên nhà trên ăn trầu, thì tôi lại dở nắp siêu lên bỏ nắm bông ấy vô." (tr. 27).

Lazarô Phiền cưới vợ xong (Phiền gọi "mình" xưng "tôi" và khi kể gọi vợ là "bạn tôi"), thì được cử đi làm thông ngôn ở Bà Rịa, do đó phải xa nhà. Nơi đây, có một cô vợ "An Nam" của một ông quan tây bạn nhiều lần quyến rủ Phiền không được do đó viết thư rơi dựng chuyện vợ Phiền ở quê nhà ngoại tình. Phiền ghen mù quáng quyết trừng trị đôi "gian phu dâm phụ". Sau khi dàn xếp bắn lầm để giết Liễu - người ông tưởng là tình địch, Phiền tìm mua bông cỏ độc của người Mọi và bỏ vào siêu sắc thuốc để giết vợ qua đoạn văn vừa trích ở trên.

Vợ thầy Phiền không chết liền, nhưng liệt giường cả năm trời. Đây là đoạn tả trước khi chết:

"Khi các chức đến đọc kinh cùng kêu chúa đặng một hồi lâu, thì đồng hồ đánh ba giờ sáng. Khi ấy bạn tôi bắt tay tôi mà kéo tay tôi lại một bên miệng mà nói rằng: "Tôi biết vì làm sao mà tôi phải chết, song tôi cũng xin chúa thứ tha cho thầy". Nói rồi làm thinh cho đến bốn giờ thì linh hồn ra khỏi xác" (tr. 28).

Vợ chết, Lazarô xin Đức cha đi tu ở Tân-định. Sau đó Phiền nhân một buổi về thăm lại Bà Rịa thì nhận được thư thú tội của người đàn bà vợ quan tây trong đó có đoạn:

"... khi tôi thấy thầy xuống làm thông ngôn tại Bà Rịa thì tôi lại đam lòng thương thầy một cách rất lạ lùng lắm. (...) tôi mới viết hai cái thơ giả chữ thầy Liễu, mà sai người đem giấu hai cái thơ ấy nơi áo bạn thầy, rồi tôi gởi một cái thơ khác cho thầy mà cáo gian hai người nhơn đức ấy" (tr. 31-32).

Có lẽ hối hận dày vò, mấy tháng sau đó thì Lazarô Phiền chết.

Truyện Thầy Lazarô Phiền cho thấy tác giả chịu nhiều ảnh hưởng của tiểu thuyết Âu tây, kể cả cách diễn tả tiếng Việt. Nội dung phân tích tâm lý, tả đời sống nội tâm, sự hối hận - một loại tiểu thuyết tâm lý. Kết cấu và thắt mở câu chuyện bị ảnh hưởng tiểu thuyết Pháp lúc đó hãy còn xa lạ với người đọc. Các nhân vật lại chỉ là những người thường mà không phải là những anh hùng liệt nữ như chính tác giả đã giới thiệu trong bài Tựa rằng những anh hùng hào kiệt "... những đứng ấy thuộc về đời xưa chớ đời nay chẳng còn nữa. Bởi đó tôi mới giám bày đặt một truyện đời nầy là sự thường có trước mắt ta luôn, như vậy thì sẽ có nhiều người sẽ lấy lòng vui mà đọc; kẻ thì cho quen mặt chữ, người thì cho đặng giải phiền một giây ..." (tr.4). Trong tuyển tập Khảo Về Tiểu Thuyết : Những Ý Kiến, Quan Niệm Về Tiểu Thuyết Trước 1945, do Hội Nhà Văn xuất bản (1995), cũng đã liệt kê truyện Thầy Lazarô Phiền là tiểu thuyết quan trọng đầu tiên trên phương diện thể loại (9). Theo thiển ý, truyện Thầy Lazarô Phiền dù chỉ gồm 28 trang, đã chia làm 10 phần và như đã phân tích ở trên, đã là một tiểu thuyết đúng nghĩa như nhiều tiểu thuyết Âu châu thời tác giả Nguyễn Trọng Quản. Tác giả viết một câu chuyện, về một con người, một nhân vật, trong tương giao với những người khác, với cái nhìn về con người đó. Tác giả tin tưởng và đề cao một số lý tưởng văn hóa đạo đức căn bản của thời đại, tin ở một trật tự và tin ở con người. Câu chuyện thầy Lazarô Phiền nhưng tác giả cho thấy con người sống ra sao, xử sự thế nào, tình cảm biến chuyển ra sao, tin tưởng đạo đức luân lý thế nào, v.v. Một tiểu thuyết "ngắn hơi", thắt mở đầy đủ, như một truyện vừa, do đó chúng tôi thấy có sự cưỡng ép chữ dùng khi có nhà nghiên cứu như Thế Uyên và John C. Schafer, đã gọi truyện Thầy Lazarô Phiền là một truyện-ngắn (10). Tiểu thuyết là một thể loại văn chương, không cứ phải dài, và còn có thể là văn vần, như Truyện Song Tinh đầu thế kỷ XVIII, như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Truyện Hoa Tiên, Truyện Phan Trần của thế kỷ XIX hoặc U Tình Lục (1913) của Hồ Biểu Chánh! Tác giả Nguyễn Trọng Quản đã gọi tác phẩm của mình là truyện tức tiểu thuyết để phân biệt với loại truyện-chí tức truyện Tàu!

Vậy truyện đã bị quên lãng có thể vì lý do tôn giáo chăng? Từ trước nay nhiều người Việt vẫn xem người theo Thiên Chúa giáo không phải là người Việt 100% - trong khi mọi tôn giáo ở Việt Nam đều là ngoại nhập! Tên tác giả PJB Nguyễn Trọng Quản và tựa sách dễ bị lầm là "sách đạo", nhất là khi đoạn mở đầu đưa người đọc vào nghĩa trang các thánh tử đạo. Chữ dùng thời đó lại bị cho là theo lối nói trong giới Nhà Chung (như "tôi một có ý" trong Tựa). Một danh-tính tác giả, một tựa truyện như vậy dễ bị các nhà viết văn học sử không dồi dào tài liệu hoặc vì thành kiến, đã bỏ quên. Còn nếu nói rằng ngôn ngữ là của "nhà thờ" là thiếu chính xác. Phải nói rằng chữ dùng, giọng điệu đó là của tiếng Việt xưa, tiếng mọi người không phân biệt tín ngưỡng vẫn dùng vào thời tác giả Nguyễn Trọng Quản. Tiếng Việt đơn sơ của thời con người chưa ... phức tạp như thời Phạm Quỳnh hay ngày nay. Đoạn cuối bài Tựa, ông đã viết : "Vậy nếu truyện tôi in ra đây, làm cho đẹp lòng mọi người đặng, thì tôi lấy làm có phước lắm, mà ai có thấy sự gì chẳng đẹp ý ai, thì tôi xin cho tôi biết mà thú tội cùng sửa mình lại, thì tôi sẽ cám ơn vô cùng" (tr. 4). Người viết còn nhớ thời ở Sài-Gòn đã được nghe nhiều lần lời rao của mấy thầy bói dạo, giọng điệu và chữ dùng y như câu mở đầu truyện này. Về một phương diện nào đó, có thể nói truyện Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật xuất bản 38 năm sau truyện Thầy Lazarô Phiền vì cũng viết về luân lý đạo đức đã cũng không được ưa chuộng, trái hẳn với Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách lãng mạn, ướt át xuất bản cùng thời!

Truyện không được nhiều nhà văn học sử trước nay nhắc tới và sự đóng góp của tác giả Nguyễn Trọng Quản đã không được đánh giá công bằng. Mỉa mai hơn nữa, khi viết truyện này, tác giả cho biết ông đã thực hiện "mơ ước cho xứ Nam kỳ thân yêu của chúng ta một tương lai chói rạng ánh sáng, tiến bộ và văn minh (... nous allions rêvant tout haut pour notre chère Cochinchine, un avenir brillant de lumière, de progrès et de civilisation)" (Tựa tiếng Pháp, viết lời tặng bạn là quận công Diệp Văn Cương). Nói như Bằng Phong, ông là một tác giả cô đơn không có bạn đồng hành trong thể loại của mình - tức tiểu thuyết, cho đến một năm trước khi ông qua đời (1911); lúc ấy mới có Trần Nhựt Thăng tức Trần Chánh Chiếu xuất bản Hoàng Tố Anh Hàm Oan (11).

Bùi Đức Tịnh là nhà nghiên cứu đầu tiên chứng minh giá trị của tập truyện này trong Phần Đóng Góp Của Văn học Miền Nam: Những Bước Đầu Của Báo Chí, Tiểu Thuyết Và Thơ Mới, xuất bản tại Sài Gòn tháng 1-1975 nhưng có lẽ vì biến cố 30-4, sách của ông đã không được phổ biến (12). Ước mong của nhà văn Dương Nghiễm Mậu có sách vở viết về Hồ Biểu Chánh để "giúp những người sinh trưởng về sau học ông và dễ dàng tìm đến một thời đại văn chương khi chữ quốc ngữ còn ở trong thời phôi phai" (13) đã được đáp ứng: năm 1987, để kỷ niệm 100 năm ra đời của thể tiểu thuyết với truyện Thầy Lazarô Phiền, các giáo sư và sinh viên khoa Ngữ văn thuộc đại học Sư phạm thành phố HCM đã thành công phổ biến, đăng đàn thuyết trình về công trình tiên phong của Nguyễn Trọng Quản. Tuần báo Công Giáo Và Dân Tộc số 638 ra ngày 15-11-1987 đã in lại toàn bộ truyện Thầy Lazarô Phiền (Riêng tạp chí Văn của Hội nhà văn thành phố phải đến số tháng 3 và 4-1989 mới đăng lại trong mục "Dở chồng báo cũ"). Đến năm 1988, các ông Tầm Vu, Nguyễn Văn Trung và Nguyễn Văn Y qua bài "Văn học chữ quốc ngữ ở Sài Gòn-Gia Định cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20" (14) đã xác định lại sự đóng góp này của tác giả Nguyễn Trọng Quản. Giáo sư Nguyễn Văn Trung cũng đã hoàn thành nghiên cứu của ông về Lục Châu Học đã bắt đầu từ thập niên 1980 đồng thời với các ông Nguyễn Văn Y và Thế Uyên, nhưng rất tiếc vì tình hình ở Việt Nam và sinh hoạt ở ngoài nước vẫn chưa được xuất bản. Riêng tập ông giới thiệu Truyện Ngắn Đầu Tiên Viết Theo Lối Tây Phương : Truyện Thầy Lazarô Phiền Của Nguyễn Trọng Quản đã được in ronéo phổ biến như tài liệu tham khảo cho sinh viên khoa Ngữ văn đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo có Nguyễn Q. Thắng xuất bản Tiến Trình Văn Nghệ Miền Nam (1990) là một nỗ lực tiếp tay làm sáng tỏ vai trò văn học nơi vùng đất mới. Ông Bằng Phong trong cùng nhóm nghiên cứu với giáo sư Nguyễn Văn Trung đã xuất bản Văn Học Quốc Ngữ Ở Nam Kỳ (1865-1930) (15). Các ông Hoài Anh, Thành Nguyên và Hồ Sĩ Hiệp (16) cũng như Lê Trí Viễn (17), Nguyễn Huệ Chi (18) và Thế Uyên (19) cũng đã nhắc nhở hoặc xác nhận sự đóng góp của nhà tiểu thuyết tiền phong Nguyễn Trọng Quản.

Truyện Thầy Lazarô Phiền vào thời điểm ra đời đã quá mới, người đọc bấy giờ vẫn thích thưởng thức truyện viết theo thể thơ thường là lục bát như Thơ Cậu Hai Miêng, Thơ Sáu Trọng, Thơ Nam kỳ, hoặc viết văn có vần có đối như Hoàng Tố Anh Hàm Oan (1910) của Trần Thiên Trung tức Trần Chánh Chiếu. Riêng Hồ Biểu Chánh đã viết U Tình Lục (viết năm 1909 nhưng xuất bản vào 1913), một tiểu thuyết viết theo thể lục bát dài 1790 câu - phụ bốn bài thơ thất ngôn bát cú, với cùng đề tài tình ái như truyện của Nguyễn Trọng Quản nhưng người đàn ông trở về lại nhà ở đoạn kết. Truyện đã được tác giả cho xảy ra tại Sài Gòn và Mỹ Tho. Phải đợi đến những năm 1920 mới thấy có những tác phẩm tiểu thuyết bằng văn xuôi theo con đường Truyện Thầy Lazarô Phiền như Kim Thời Dị Sử (đăng báo Công luận báo từ tháng 10-1917, xuất bản 1921) của Biến Ngũ Nhy (tức Nguyễn Bính) và Oan Kia Theo Mãi (tức 32 Đêm Hồ Cảnh Tiên Tự Thuật, 1922) của Lê Hoằng Mưu (20).

Miền Nam sau đó đã tràn ngập những tiểu thuyết tâm lý xã hội, "nghĩa hiệp", "kỳ tình" của các tác giả Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu, Trương Duy Toản, vv; miền Bắc cũng xuất hiện những tiểu thuyết luân lý ái tình Cành Hoa Điểm Tuyết (1921), Cuộc Tang Thương (1923) của Đặng Trần Phát và lâm ly Tuyết Hồng Lệ Sử của Từ Trẩm Á do Mai Khê dịch; sau đó Tố Tâm mới ra mắt độc giả mà nội dung đã bị ảnh hưởng rõ rệt của Tuyết Hồng Lệ Sử.

Một điểm khác cần nhắc đến, đó là trong khi ngoài Bắc xuất hiện những truyện tiểu thuyết lâm ly bi đát của Từ Trẩm Á hoặc mô phỏng theo gây ảnh hưởng rất tai hại (bi quan yếm thế, dịch tự tử), thì cùng lúc đó một số nhà văn miền Nam đã xuất bản những tiểu thuyết lịch sử như Phan Yên Ngoại Sử Tiết Phụ Gian Truân (1910) của Trương Duy Toản, Oán Hồng Quần Phùng Kim Huê (1920) của Mộng Huê Lầu (tức Lê Hoằng Mưu), Giọt Máu Chung Tình Tòng Đình Thảm Kịch của Tân Dân Tử (21), Lê Triều Lý Thị và Tiền Lê Vận Mạt của Phạm Minh Kiên. Dĩ nhiên những truyện với đề tài lịch sử này gây tinh thần tích cực và yêu nước. Đặc biệt là truyện Giọt Máu Chung Tình xuất bản vào khoảng 1920, kể chuyện Võ Đông Sơ con Võ Tánh, sau khi cha tuẫn tiết quyết chí học võ, gác một bên tình duyên với Thu Hà để ra tận Đông Kinh (tức Hà Nội) du học. Sau Đông Sơ ra mắt "Bắc kỳ Tổng trấn Lê Quận công chánh phủ" (tức Lê văn Duyệt) được cử đi dẹp hải khấu ở ngoài khơi Hải Dương rồi lại được cử "ngự tiền hộ giá" lên Lạng Sơn đánh giặc Mãn Thanh và đã hy sinh để tạo chiến thắng cho quân nhà. Thu Hà đã đến bên linh cữu chàng và tự sát với chính thanh giươm của người yêu. Kết truyện khác hẳn những tiểu thuyết thời thượng yếm thế nói trên.

2. Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại được vững chắc như ngày nay cũng là nhờ sự "lót đường", "thử nghiệm" của các tác giả miền Nam khác như Lê Hoằng Mưu (1879-1941), tác giả bảy tiểu thuyết và truyện, Nguyễn Chánh Sắt (1869-1947), tác giả 10 tiểu thuyết lý tưởng, trinh thám, tâm lý và nghĩa hiệp, Hồ Biểu Chánh (1885-1958), thời 1912-1931 đã xuất bản 18 tác phẩm tiểu thuyết, cả sự nghiệp gồm trên 70 tập truyện ngắn và tiểu thuyết, Phú Đức (1901-1970), có tám tiểu thuyết xuất bản từ 1926-1931 mà nổi tiếng nhất là Châu Về Hiệp Phố, và Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Phạm Minh Kiên, v.v. Vào năm 1917, trong Kim Thời Dị Sử đã có những đoạn văn tả cảnh mà theo Bùi Đức Tịnh (22) rất gần gủi với Đoạn Tuyệt (1936), Nửa Chừng Xuân (1934) của các nhà văn thuộc nhóm Tự Lực Văn-đoàn. Cũng theo ông, Nghĩa Hiệp Kỳ Duyên (1919-1920) của Nguyễn Chánh Sắt tuy vẫn giữ truyền thống "ân đền oán trả" của các truyện trước đó, đã tỏ rõ là một mô hình của tiểu thuyết văn học mới: lời văn trau chuốt hơn, nội dung có tư tưởng, luân lý rõ, tình tiết câu chuyện dồi dào (23).

Chỉ có nhà văn Hồ Biểu Chánh là được một số nhà văn học sử nói đến và được xem là nhà văn tiền phong của văn học quốc ngữ, nhưng rất sơ sài, đề cập cho có. Trúc Hà trong bài "Lược khảo về sự tiến hoá của quốc văn trong lối viết tiểu thuyết" đăng trên Nam Phong tạp chí năm 1932 (số 175 & 176, 8 & 9-1932) đã không nhắc đến thời kỳ này và cũng không đề cập đến Hồ Biểu Chánh lúc bấy giờ đã xuất bản hơn 18 cuốn tiểu thuyết và là tác giả nổi tiếng. Cũng như Trúc Hà, nhà thơ Đông Hồ tuy là người miền Nam nhưng theo văn chương lãng mạn và lối viết văn trau chuốt của miền Bắc (ông là tác giả tập Linh Phượng Lệ Ký khóc vợ). Ông chê văn của Hồ Biểu Chánh quá "trơn tru thẳng tuột". Nhà biên khảo văn học Dương Quãng Hàm trong Việt Nam Văn Học Sử Yếu (1951) cũng không nhắc tới giai đoạn văn học này và chỉ nói tới nhà thơ Đông Hồ.

Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong bộ Nhà Văn Hiện Đại (1941) (24) trình bày rất sơ sài về giai đoạn văn học này và đã giới thiệu các tác giả Trương Vĩnh Ký (7 trang), Hồ Biểu Chánh (8 trang) và Đông Hồ. Ở phần "Những nhà văn hồi mới có chữ quốc ngữ" gần 3 trang, trong gần một trang ông đã tóm gọn những thông tin tổng quát về giai đoạn này, như ông nhìn nhận "người Nam kỳ là những người Việt Nam đã dùng chữ quốc ngữ trước nhất" (tr. 37). Trong phần viết về Hồ Biểu Chánh, ông cho rằng tiểu thuyết nhà văn miền Nam này chỉ được người ngoài Bắc biết đến vì đăng trong Phụ-Nữ Tân-Văn, trong khi có những cuốn tiểu thuyết mà nhà phê bình Thiếu Sơn nhắc đến trong Phê Bình Và Cảo Luận, họ Vũ không thấy bán (tr. 359-360). Để kết luận, họ Vũ cho rằng lớp sau Nguyễn Bá Học, với hai nhà văn Hồ Biểu Chánh và Hoàng Ngọc Phách, "tiểu thuyết nước ta mới bắt đầu đến bước vững vàng..." (tr. 366). Sau này họ Vũ tiết lộ trong hồi ký Những Năm Tháng Ấy rằng khi lên ở trọ học tại Hà-nội, ông đã đọc hầu hết các truyện dịch từ Nam kỳ gửi ra như Phong Thần, Chinh Đông, Chinh Tây, Thuyết Đường, Phấn Trang Lầu, v.v. (25) chứng tỏ sách xuất bản trong Nam đã phổ biến khá sâu rộng.

Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên: Văn Học Hiện Đại 1862-1943 (1963) (26) đề cập một cách sơ sài về cái mà ông gọi là "sự manh nha văn quốc ngữ ở Nam-kỳ". Theo giáo sư Phạm, hai ông Pétrus Ký và Paulus Của là những "vì sao mọc quá sớm... dóng lên những tiếng chuông có giá trị song "điệu cao họa quả", họ đã "làm tài liệu cho một nền học Việt Nam, nhưng nền học này đã không được thiết lập nên công việc ấy bị bỏ rơi". Lý do vẫn theo ông, "vì Nam-kỳ không hiến hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát triển của văn học, nhất là văn học quốc gia". Tóm lại, giai đoạn "manh nha" này đã chỉ "đề xướng lên những công việc mà rồi nhóm Nam Phong ngoài Bắc tiếp tục" nhưng đã "làm được một việc mà nhóm Nam-phong không dám làm, ấy là cuốn tự vị Việt Nam", rằng "quốc văn do đó trong nhiều năm về sau ở Nam Kỳ chỉ bày tỏ trong hình thức báo chí phổ thông, với trình độ trí thức khá ấu trĩ hoặc ở tác phẩm tiểu thuyết cho một công chúng hạ lưu dễ dãi" (tr. 84-85). Cái "manh nha" đó thật sự đã gây thành nếp, thành phong trào mà trong bài này chúng tôi cố chứng minh. Và hoàn cảnh mà giáo sư Phạm nói đó, thật ra một phần do người Pháp khi họ chuyển nền cai trị thực dân ra Hà Nội, lập phủ Toàn quyền, trường Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) và viện đại học, vì người Pháp đã hiểu người Nam-kỳ tuy học tiếng Pháp và có vẻ chịu đồng hóa nhưng trong thực tế người Nam-kỳ rất thủ cựu dân tộc chủ nghĩa và có thể hết còn những người trí thức và tai mắt dễ thao túng như những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, v.v.

Linh mục Thanh Lãng trong Bảng Lược Đồ Văn Học Việt Nam (27), quyển hạ, về "ba thế hệ của nền văn học mới, 1862 đến 1945", đã viết về sự nghiệp của Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của và Hồ Biểu Chánh cũng như bàn qua tranh luận mà ông gọi là "vụ án chữ Hán" trên tạp chí Nam Phong khởi từ "Thư ngỏ gửi cho chủ bút Nam Phong" của Nam kỳ Nguyễn Háo Vĩnh là người đã kết tội Phạm Quỳnh Hán hóa tiếng Việt. Linh mục đã xem Trương Vĩnh Ký là "ông tổ văn học mới", "bậc chỉ đạo của thời này, là linh hồn của thế hệ 1862, ông thầy khai đường mở lối cho thế hệ đến sau tức thế hệ 1913". Linh mục viết văn học sử xếp chung ba dòng văn học Hán Nôm và chữ quốc ngữ do đó ông đã gọi "thế hệ" 1862 là thế hệ đối kháng, vô tình ông đã không nhấn mạnh đủ những công trình của các nhà văn tiền phong của nền văn học chữ quốc ngữ! Sau năm 1975, ông đã có những công trình nghiên cứu bổ túc đề cao sự quan trọng của giai đoạn tiên phong này của văn học chữ quốc ngữ!

Nghiêm Toản trong Việt Nam Văn Học Sử Trích Yếu (1949) có cái nhìn phiến diện khi cho rằng buổi đầu trong Nam chỉ có truyện dịch từ truyện Tàu như Phong Thần, Tây Du, Thủy Hử. Bùi Xuân Bào trong luận án tiến sĩ văn chương Le Roman Vietnamien Contemporain (28), cũng không nhắc nhở đến thời kỳ văn học phôi thai ở trong Nam.

Nhóm Sáng Tạo qua nhà lập thuyết Trần Thanh Hiệp trong một buổi diễn thuyết về "Viễn tượng văn nghệ miền Nam" ngày 12-8-1960 đã táo bạo tuyên bố "văn nghệ miền Nam không có quá khứ", gây phong trào phản đối trên nhiều báo chí nhất là tạp chí Văn Đàn của nhóm Tinh Việt Văn-đoàn (29). Lê Văn Siêu trong Văn Học Sử Thời Kháng Pháp (1858-1945) trong Lời nói đầu chủ trương không chia văn học Nam Bắc sợ mắc mưu thực dân; nhưng suốt gần 400 trang sách, ông dành cho văn học miền Nam chừng hơn 10 trang và gần như chỉ nói đến Hồ Biểu Chánh ngoài lời phê các truyện dịch Chinh Đông Chinh Tây, Phong Thần, Thủy Hử, ... của Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Trần Phong Sắc "không có giá trị văn chương nhưng cũng đáp ứng nhu cầu giải trí" (30). Giáo sư Nguyễn Văn Trung thời trước 1975 cũng theo quan niệm chung thường thấy, đã nghiêm khắc phê phán văn học thời Pétrus Ký là "nghèo nàn", ngưng đọng, vì các Pétrus Ký, Paulus Của chỉ là những viên chức ăn lương của thực dân để thực hiện chính sách "văn hóa, báo chí, giáo dục của thực dân" (4), lợi dụng chữ quốc ngữ và văn học chữ quốc ngữ cho việc "trực trị và đồng hóa" (tr. 86). Dù vậy ông cũng đã nhìn nhận Pétrus Ký "có tư cách hơn ... vì làm chính trị thì làm một cách kín đáo, còn làm văn hóa thì chỉ làm văn hóa thuần túy trong chính sách của thực dân, không như Phạm Quỳnh hay Tôn Thọ Tường" (tr. 115). Trong khi việc người Pháp cưỡng bách dùng chữ quốc ngữ chỉ vì người Pháp muốn tiêu diệt truyền thống đạo lý, luân thường xuất phát từ sách vở Nho học, người Pháp sợ những sách này nhắc nhở ý thức về đạo lý dân tộc trong đó có lòng ái-quốc! Nếu trong Nam, người Pháp dùng báo chí chữ quốc ngữ để thông tin, cai trị, nhưng những người cộng tác có đầu óc khai-phóng, thức thời, đã lợi dụng để đặt nền móng cho văn học chữ quốc ngữ, thì ngoài Bắc, người Pháp đã dùng báo chí Đông-Dương, Nam Phong để thực thi "sứ mạng" "khai-hóa" mà toàn quyền Albert Sarraut vẫn rêu rao.

Phan Cự Đệ trong Tiểu Thuyết Việt Nam Hiện Đại cũng theo vết xe người trước khẳng định : "Từ năm 1925 bắt đầu xuất hiện những cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên : Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, Quả Dưa Đỏ của Nguyễn Trọng Thuật, Kim Anh Lệ Sử của Trọng Khiêm, Cay Đắng Mùi Đời, Tiền Bạc Bạc Tiền của Hồ Biểu Chánh, Nho Phong (1926) của Nguyễn Tường Tam, v.v." (31). Các nhà văn học sử Hà Nội mỗi khi bàn về giai đoạn văn học này thường đặt lại nhiều nghi vấn về các nhà văn nhà báo Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Hồ Biểu Chánh là "tay sai" của thực dân và báo chí thời này chỉ làm nhiệm vụ truyền công văn và là công cụ của thực dân - để từ đó thường bỏ qua, không bàn tới. Cả ba ông nói chung đã chịu nhiều oan trái. Riêng Huình Tịnh Paulus Của tuy được xem là "ông tổ" của văn học quốc ngữ nhưng gần như bị quên lãng, ngay tên ông, Huình Tịnh Paulus Của, cũng bị viết sai (32).

3. Nói chung, văn học miền Nam ở thời kỳ này đã có những tính hiện thực, tả chân, rất nhân bản và khai phóng như bản chất của đa số con người ở vùng đất này. Các tiểu thuyết gia Lê Hoằng Mưu và Hồ Biểu Chánh chẳng hạn kể chuyện giản dị như đời sống; nhưng cũng nhờ đó mà người đời sau còn tìm thấy được phong tục nếp sống của người Việt thời bấy giờ, đặc biệt đời sống dân giả, quê mùa của những người sống bên lề ảnh hưởng Tây phương ở các thị tứ. Linh mục Thanh Lãng trong bài "Hồ Biểu Chánh" trên tạp chí Văn số đặc biệt 80 (15-4-1967) cho rằng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một "bức truyền thần ghi lại bộ mặt của một thời" và đã đánh giá sự nghiệp nhà văn Hồ Biểu Chánh "to ttát quá điều chúng ta chúng ta ngờ. Điều lạ hơn nữa là tại sao cái sự nghiệp to tát ấy lại quá ư chìm lặng bên cạnh những công việc làm lẻ tẻ và kém giá trị như những truyện ngắn của Tương Phố chẳng hạn. Phải chăng vì Hồ Biểu Chánh là người Nam-kỳ với cái lối văn mộc mạc, bị tưởng lầm là quê mùa, thô tục"(33). Trên cùng số báo Văn, nhà văn Bình Nguyên Lộc thì xem Hồ Biểu Chánh như "biến cố" và là "chiếc cầu" về hình thức và hành văn giản dị, nối liền hai thế giới văn chương biền ngẫu như Chăng-Cà-Mun của Nguyễn Chánh Sắt hoặc Tuyết Hồng Lệ-sử và thế giới Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, một "biến cố" và "chiếc cầu" không có ở miền Bắc! (34).

Như vậy giai đoạn văn học này đã bị bỏ quên hoặc không được đánh giá đúng mức. Bùi Đức Tịnh đánh giá sự bỏ rơi các đứa con tinh thần thời nầy là một hoang phí (35). Để cắt nghĩa cái mà chúng tôi gọi là bất công đối với thời văn học này, chúng ta nên trở lại với lịch sử để thấy rằng có một sự bắt nạt của cái mặc cảm tự tôn vẫn có từ nhiều trăm năm nay: cái gì xuất phát từ đất văn vật vẫn là chính thống, là cao, là quan trọng, vv. Lấy lý do địa lý cách trở, sách báo trong Nam không ra được ngoài Bắc không ổn, vì những Tản Đà, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Đào Trinh Nhất, Phan Khôi, Thiếu Sơn, Vũ Bằng, ... đã từng vào Nam làm báo hoặc nhiều lần du lịch như Phạm Quỳnh. Nhà phê bình Vũ Ngọc Phan trong hồi ký Những Năm Tháng Ấy viết năm 1985 như vừa trình bày ở phần trên đã vô tình làm chứng cho cái không ổn này. Vả lại tạp chí Phụ Nữ Tân Văn (1929) vẫn được phát hành ra Bắc, góp phần, tham gia các cuộc tranh luận văn học thời đó. Chính tạp chí này đã thông tin cho cả nước biết vụ khởi nghĩa Yên Bái (số 42, 6-3-1930).

Thế Uyên trong bài viết về Lê Hoằng Mưu (36) đã cho rằng Phạm Quỳnh và Vũ Ngọc Phan đã "'không chịu nỗi' lối miêu tả lối viết vè tình yêu và tính dục của những tác giả Nam Kỳ, đặc biệt là Lê Hoằng Mưu", và theo ông, các nhà văn trong Nam tả chân, phản ảnh trung thực cuộc đời do đó "không quan tâm đến đạo lý cổ truyền của Khổng Mạnh, cũng chẳng để ý tới quan điểm thanh giáo của Công giáo về vấn đề xác thịt và tội lỗi. Những nhân vật nữ của các nhà văn miền Nam là những thân thể của đàn bà, với vú, mông và tam giác sinh dục. Họ khác xa những cô Thúy Kiều, Thúy Vân, hay Tố Tâm, chú tiểu Lan (của Khái Hưng) hay cô Loan (của Nhất Linh)...". Thế Uyên đã phân tích những màn tả chân tình ái và dâm tính của cuốn Người Bán Ngọc. Họ Lê còn là tác giả cuốn Hà Hương Phong Nguyệt (1915) tả cảnh đời ăn chơi phóng đãng, đã gây bút chiến và cuối cùng bị nhà cầm quyền tịch thu tiêu hủy. Đạo lý Khổng Mạnh mà Thế Uyên nói đến có lẽ không phải là đạo lý làm người căn bản mà con người nơi vùng đất mới đã cố công duy trì, truyền bá, từ Nguyễn Đình Chiểu đến Trương Vĩnh Ký và các tiểu thuyết gia như Hồ Biểu Chánh, Lê Hoằng Mưu,... Nhận định của Thế Uyên chỉ chứng tỏ ông bị ảnh hưởng của thanh giáo và luân lý Tống Nho dù các tác phẩm văn chương của ông vẫn chứng tỏ cởi mở về tình dục, từ Những Hạt Cát đến tập tiểu thuyết tự truyện Không Một Vòng Hoa Cho Người Chiến Bại xuất bản năm 1998.

Miền Nam đã bị thực dân Pháp xâm chiếm trước (1862) do đó bộ phận dân tộc này đã phải chịu ảnh hưởng của Pháp sớm hơn. Nhưng ảnh hưởng này phản ảnh trong các tiểu thuyết tả chân trong khi miền Bắc thì lại đi vào con đường thơ văn lãng mạn và trọng hình thức. Miền Nam đất mới, lòng người chân thật, khai phóng đã biểu hiện tính đó qua văn chương, đã khiến cho nhiều nhà phê bình coi thường hoặc cao ngạo phê phán. Đối với những nhà mô phạm Phạm Thế Ngũ, 'sáng tạo' Trần Thanh Hiệp, vv, chân thật, thoải mái, viết như nói và 'có sao nói vậy' không phải là "văn chương"! Nhận xét như vậy là hời hợt. Người Đàng Trong sau trở thành Nam kỳ đều là lưu dân, điều kiện sống khó khăn do đó phải thực tế. Dân khoa bảng không đông và vai trò không cùng quan trọng như ở Bắc hà. Văn là người vì người làm nên văn, trong hoàn cảnh đó văn học miền Nam có nhiều tính cách bình dân hơn là bác học. Lục Vân Tiên đơn sơ gần gũi người đọc hơn là truyện Kiều phức tạp, bác học. Truyện của Nguyễn Đình Chiểu được viết ra để đọc và có thể nói nặng phần trình diễn hơn là để ngâm nga, tra cứu một mình. Thật vậy văn chương miền Nam, nhất là vào cuối thế kỷ XIX đầu XX, nặng về trình diễn do đó mà viết như nói, và có tính cách 'tiểu thuyết' hơn văn học của nữa phần kia của đất nước, văn chương và nhiều khuôn thước. Cũng vì vậy, văn học miền Nam chủ yếu phục vụ đa số quần chúng thay vì chỉ phục vụ cho thiểu số. Bên Trung quốc vào đầu thế kỷ XX cũng xuất hiện một phong trào văn chương 'bạch thoại' phổ thông đến gần với đại chúng và chống lại truyền thống văn học "văn ngôn" chỉ dành cho thiểu số. Và cuộc tranh luận về văn như đời sống như nói hoặc văn là trau chuốt, gò ép vốn là một tranh luận kim cổ Đông Tây; gần đây ở Âu Mỹ văn học nói trở lại thành hiện tượng nghiên cứu, tranh luận. Chính văn nói mới giúp hiểu con người dân giả và tâm tình của họ và không thể tìm hiểu tâm tính một dân tộc qua các tác giả ở đô thị hoặc từng du học ở nước ngoài về rồi viết về văn chương truyền khẩu chẳng hạn! Bỏ qua phần văn học này, làm sao có một văn học sử đùng đắn?

Khuynh hướng giáo dục quần chúng do đó đã lộ rõ trong nhiều tác phẩm cũa thời kỳ này. Hoàng Tố Anh Hàm Oan (1910) cũa Trần Chánh Chiếu đề cao việc ở hiền gặp lành. Hồ Biểu Chánh kể trong Đời Của Tôi Về Văn Nghệ rằng ông viết tiểu thuyết với ý muốn cảm hoá quần chúng theo con đường chính trực. Giáo dục quần chúng, đề cao những giá trị truyền thống của dân tộc như lễ nghĩa, nhân đạo, thuyết nhân quả. Đối với Hồ Biểu Chánh và một số nhà văn tiền phong miền Nam, tác phẩm được viết không cốt yếu để đưa ra những lý thuyết cao siêu trừu tượng, những diễn văn đao to búa lớn rỗng nội dung, mà như chỉ để chứng minh những truyền thống, tư tưởng luân lý ngàn đời, vẽ chân dung những phong hóa đặt trong môi trường sinh động của buổi giao thời. Chính việc làm này đã đóng góp cho việc bảo tồn văn hóa dân tộc trước ảnh hưởng ngày càng lớn của văn hóa ngoại lai.

4. Văn học miền Nam vào giai đoạn khai phá này còn chứng tỏ tinh thần dân tộc cao độ. Đầu thế kỷ XX, trên báo chí đã có phong trào bình luận thời sự, chính trị và cổ động lòng yêu nước. Nhiều nhà báo và chủ báo đã bị nhà cầm quyền thuộc địa bắt bớ (như Trần Chánh Chiếu), báo chí bị đóng cửa như Phan Yên Báo, hoặc cấm lưu hành ở Trung và Bắc kỳ như tờ Phụ Nữ Tân Văn (bị cấm lưu hành từ 1931 đến 1933 vì phổ biến tin về vụ khởi nghĩa Yên Bái như đã trình bày ở trên). Tác phẩm của các nhà văn như Nguyễn Trọng Quản, Trương Duy Toản (37), Phạm Minh Kiên được viết với một tinh thần dân tộc, yêu nước lộ liễu, trong các bài Tựa chủ đích này được nêu rõ. Bài Tựa của truyện Thầy Lazarô Phiền : "... Tôi chẳng có ý làm sách này cho đặng khoe tài, khoe trí; tôi một có ý dụng lấy tiếng thường mọi người hằng nói mà làm ra một truyện hầu cho kẻ sau coi mà bày đặt cùng in ra ít nhiều truyện hay; trước là làm cho con trẻ ham vui mà tập đọc, sau là làm cho các dân các xứ biết rằng: người An nam sánh trí sánh tài thì cũng chẳng thua ai!" (tr. 4). Một tác giả khác, Trương Duy Toản, coi những truyện dã sử dịch của Tàu là mê tín dị đoan, do đó có ý "sắp bày những truyện chi mới miễn là lánh khỏi cái nào dị đoan và báo ứng phân minh là đủ rồi"(Tựa Phan Yên Ngoại Sử Tiết Phụ Gian Truân) (38). Tinh thần dân tộc này được Phạm Minh Kiên tiếp nối trong bài Tựa truyện lịch sử Lê Triều Lý Thị (1920): "Tôi thấy người mình hay đem những truyện Tàu ra mà diễn dịch, rồi hè nhau mà tặng phong cho người; cho nên tôi muốn tỉ cập coi truyện mình đem ra hát có bằng họ hay không" hoặc trong Tựa truyện Tiền Lê Vận Mạt: "Người mình nên biết sự tích nước nhà cho lắm lắm"(39). Hồ Biểu chánh soạn chung với Lê Quang Liêm vở tuồng hát Vì Nghĩa Quên Nhà (1917). Các phong trào xã hội (cổ võ Minh tân công nghệ trên Nông Cổ Mín Đàn năm 1906, tẩy chay thương gia Hoa kiều do Lục Tỉnh Tân Văn (40) xướng năm 1908 nhưng đồng thời "khuyến thương" vận động người Việt dấn thân làm việc thương mãi) cũng như chính trị (đòi dân quyền), chống thực dân (như Phong trào Đông Du) cũng được khởi xướng trong Nam Việt trước. So với miền Bắc, trong Nam có nhiều tác phẩm bị nhà cầm quyền thực dân cấm hơn. Từ 1927 đến 1931, có cả trăm cuốn bị cấm như Hai Bà Trưng của Nguyễn An Ninh, Ngồi Tù Khám Lớn của Phan Văn Hùm, Tiểu Anh Hùng Võ Kiết của Phú Đức, cũng như một số truyện và tiểu thuyết phổ biến tình tự dân tộc, v.v. Đặc biệt nhà văn cách mạng Trần Thien Trung (tức Gilbert Trần Chánh Chiếu), tác giả Hoàng Tố Oanh Hàm Oan (1910) đã cho ghi ở trang bìa "Cấm không đặng in nguyên bổn và dịch ra tiếng Langsa" !

Mặt khác, tinh thần dân tộc này còn được thể hiện qua hai thể loại truyện phỏng dịch nhưng nội dung và nhân vật Việt Nam và thể truyện lịch sử Việt Nam. Các truyện lịch sử này là một phản ứng lại khuynh hướng mê truyện lịch sử Tàu như Thủy Hử, Tam quốc, Đông Chu, vv, một thức tỉnh của tinh thần dân tộc đối kháng với ảnh hưởng Trung Hoa. Trong hồi ký Đời Của Tôi Về Văn Nghệ, Hồ Biểu Chánh kể vào khoảng năm 1907, một số nhà Nho ở Nam kỳ như Tân Dân Tử, Nguyễn Tử Thức đề xướng việc "đưa Quan Công về Tàu" và "mời Thích-ca về Ấn Độ" gây thành phong trào quốc gia phục hưng (41). Thể tiểu thuyết lịch sử - dã sử và ngoại sử, do đó cũng bắt đầu ở trong Nam trước: Phan Yên Ngoại Sử của Trương Duy Toản xuất bản 15 năm trước Quả Dưa Đỏ (1925) của Nguyễn Trọng Thuật. Tinh thần dân tộc và tiền phong cách mạng này đã bị nhiều thế hệ sử gia văn học đánh giá thấp nếu không quên sót.

5. Văn xuôi viết bằng chữ quốc ngữ và theo hình thức mới thật ra đã bắt đầu với những truyện đời xưa đăng trên Gia Định Báo rồi sau được in thành sách: Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký (xuất bản năm 1866, ấn phẩm chữ quốc ngữ đầu tiên) và Chuyện Giải Buồn của Huình Tịnh Paulus Của. Trương Vĩnh Ký kể chuyện xưa Việt Nam cả những chuyện huyền thoại, truyền thuyết, văn rời rạc, theo lối nói bình dân, không trôi chảy trong khi đó Paulus Của phỏng theo chuyện Tàu nên văn nhiều biền ngẫu. Ngoài ra thể loại ký sự thường là bước đầu dẫn tới sự thành hình của thể tiểu thuyết. Thể loại này cũng đã bắt đầu ở miền Nam. Chuyến Đi Bắc Kỳ Năm Ất Hợi (1879) của Trương Vĩnh Ký là tác phẩm đầu tiên được xuất bản năm 1881, sau đó có Như Tây Nhựt Trình (1889) của Trương Minh Ký, Tây Phù Nhật Ký của Tôn Thọ Tường (đăng Gia Định Báo (42)). 50 năm sau, ở Bắc mới xuất hiện Mười Ngày Ở Huế, Một Tháng Ở Nam Kỳ và Pháp Du Hành Trình Nhật Ký (1927) đều của Phạm Quỳnh.

6. Về dịch thuật, trước khi Phan Kế Bính dịch Tam Quốc Chí đăng báo (1907) và Nguyễn Văn Vĩnh phổ biến các tác phẩm dịch trên Đông Dương tạp chí (1913-1919) mà phần lớn là phỏng dịch, trong Nam đã có những sách dịch của Trương Vĩnh Ký, của Trương Minh Ký (Truyện Phan Sa diễn ra quốc ngữ, gồm ba tập,1884; Tê-lê-mác phiêu lưu ký), sau đó có truyện Tiền Căn Báo Hậu (dịch Le Comte de Monte-Cristo của Alexandre Dumas) đăng trên Lục Tỉnh Tân Văn, dịch giả là Trần Chánh Chiếu (ký Kỳ Lân Các). Để đáp ứng nhu cầu học hỏi tiếp xúc với Tây phương và nhu cầu phổ biến chữ quốc ngữ mà các tác phẩm dịch đã xuất hiện rất dồi dào vào giai đoạn phôi thai của nền văn học quốc ngữ ở miền Nam. Những tiểu thuyết đầu tay của Hồ Biểu Chánh cũng là truyện phỏng dịch từ văn chương Pháp như Vậy Mới Phải (1918, Le Cid), Chúa Tàu Kim Quy (1922, Comte de Monte Cristo), Cay Đắng Mùi Đời (1923, Sans Famille của H. Malot), Ngọn Cỏ Gió Đùa (Les Misérables của Victor Hugo) - chính cụ đã làm danh sách cảm tác này (43); tuy cốt truyện chính được lấy từ truyện gốc, tình tiết, khung cảnh, nhân vật và cả câu chuyện đều xảy ra ở miền Nam nước Việt. Các tác phẩm dịch thuật đã ảnh hưởng lên các tác phẩm văn học. Quả Dưa Đỏ không thể không chịu ảnh hưởng các truyện dịch của Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng Tố Tâm đã rõ là chịu ảnh hưởng của Tuyết Hồng Lệ Sử và những tiểu thuyết dịch của Trung quốc lúc bấy giờ! Xin mở dấu ngoặc ở đây về Trương Vĩnh Ký: trái với ngộ nhận của nhiều người, ông không hề dịch sách Pháp ra quốc ngữ và không hề giới thiệu văn hóa Pháp; có chăng là ông dịch Hán và Nôm ra quốc ngữ và đặc biệt giới thiệu văn hóa và đất nước Việt Nam bằng tiếng Pháp. Ông cũng là soạn giả nhiều cuốn tự điển và biên khảo với tinh thần khoa học, lý luận thay vì tình cảm và tự hào xuông một chiều. Hợp tác với chính quyền thực dân nhưng con người và tâm hồn ông vẫn gắn chặt với đất nước, tổ tiên, ông vẫn coi mình là đồng bào với người Trung Bắc. ào cuối đời, hết được người Pháp trọng dụng, ông vẫn bền chí biên soạn sách vở. Bộ báo Thông-Loại Khóa-Trình của ông là một bằng chứng hùng hồn khác cho việc ông phục vụ văn hóa dân tộc vừa phải tự túc tài chánh!

7. Về biên khảo, giai đoạn đầu của nền văn học mới quốc ngữ đã có những đóng góp giá trị cho đến cả ngày nay như các bộ Đại Nam Quấc Ăm Tự Vị (1895-96), Tục Ngữ, Cổ Ngữ Gia Ngôn (1897), Gia Lễ (1886), Sách Quan Chế (1888), Ca Trù Thể Cách (1907), ... của Huỳnh Tịnh Paulus Của, Tứ Thơ, Pháp-Việt Tự Điển (1884), Việt-Pháp Tự Điển (1887) của Trương Vĩnh Ký. Ngoài ra, nhiều công trình sưu tập, chú giải thi ca cổ cũng được xuất bản như Thi Pháp Nhập Môn (1898) của Trương Minh Ký, Quốc Âm Thi Hiệp Tuyển của Lê Quang Chiểu, Việt Âm Thi Hợp Tuyển của Lê Sum. Nhiều tác phẩm Nôm được quốc ngữ hóa: truyện Kiều, Lục Vân Tiên, truyện Hoa Tiên, Đại Nam Quốc Sử diễn ca... Việc phổ biến kho tàng văn hóa Hán Nôm là một đóng góp rất đáng kể, các nhà văn hóa thời này đã gây lòng yêu nước, khiến người Nam Việt đất thuộc địa vẫn gần với kho tàng văn hóa dân tộc, vẫn cảm thấy mình là người Việt như đồng bào Trung Bắc. Vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, các nhà văn hóa này còn giúp canh tân đất nước qua phương tiện tân thời của chữ quốc ngữ và các tác phẫm dịch làm nhịp cầu đến gần với văn hóa và tư tưởng Âu Tây.

Giai đoạn văn học phôi thai này cũng đã có những tác phẩm nghị luận thời sự hoặc lý luận: lời sắc bén mà nội dung yêu nước cũng quyến rủ không kém. Đất thuộc địa do đó được quyền ăn nói và tự do báo chí hơn nhưng rồi một phần các tác phẩm đó cũng bị cấm hoặc tịch thu ; các thư xã được thành lập ở nhiều tỉnh: Bảo tồn thư xã, Cường học thư xã, Nữ lưu thư quán, Tân dân học xã, Chiêu Anh thư quán, vv. Trần Chánh Chiếu viết Minh Tân Tiểu Thuyết (1907) và Hương Cảng Nhân Vật, Quảng Đông Tỉnh Thành Phong Cảnh cổ động Duy Tân. Trần Hữu Độ viết Hồi Trống Tự Do, Tờ Cớ Mất Quyền Tự Do, Nguyễn An Ninh viết Hai Bà Trưng, vv đều nhắm cổ động lòng yêu nước và chống thực dân.

8. Tóm lại, vào thời gọi là phôi thai, văn học chữ quốc ngữ đã đa dạng với đầy đủ mọi bộ môn, tác phẩm, từ dịch thuật, biên khảo, ký sự, chuyện xưa, bình luận, truyện ngắn, tiểu thuyết, vv. Giai đoạn văn học này do đó có những giá trị lịch sử cần được thẩm định đúng mức. Một bộ văn học sử đúng nghĩa phải bao gồm thời kỳ này và các tác giả, tác phẩm cũng phải được công bằng nghiên cứu, đào sâu hơn là những gì đã được viết. Giả sử nếu những Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Nguyễn Trọng Quản, Trương Minh Ký, Trương Duy Toản, Lê Hoàng Mưu, ... không có tinh thần dân tộc, không có tự hào của người Việt, nếu họ chỉ là tay sai cho thực dân,... chắc chắn văn học Việt Nam đã không có những tác phẩm vửa đặc biệt vừa cần thiết cho thời bấy giờ, và có thể cái giai đoạn phôi thai đó đã phải kéo dài hoặc khó khăn hơn ! Chính Phạm Thế Ngũ cũng đã nhìn nhận công lao những nhà tiền phong này "làm tài liệu cho một nền học Việt Nam" dù tiếp sau đó ông phán xét "công việc đó bị bỏ rơi". Vả lại, nếu họ là tay sai trung thành cho thực dân, làm sao họ còn có tâm huyết để hoàn thành những tác phẩm dài hơi và giá trị như Đại Việt Quấc Âm Tự Vị. Chính Huình Tịnh Paulus Của vào năm 1861, khi giữ chức giám đốc phòng phiên dịch Tư pháp của chính phủ thuộc địa, đã viết điều trần gởi vua Tự Đức đề nghị dùng chữ quốc ngữ thay chữ Hán nhưng đã không thành công. Hoặc như Trương Vĩnh Ký cả cuộc đời làm báo, soạn sách tiếng Pháp, Hán và quốc ngữ, dịch sách tân cổ ra quốc ngữ, soạn sách văn phạm, văn học, lịch sữ địa dư, để lại khoảng hơn trăm tác phẩm lớn nhỏ. Ông làm những việc đó vì chí hướng dù có một thời đã lãnh lương của Pháp, về chính trị ông đã cô đơn; nhưng ông đã làm với lòng yêu nước, muốn nước được hùng mạnh, dân tộc được trường tồn. Mặt khác, lúc bấy giờ thực dân Pháp muốn sử dụng chữ quốc ngữ như là công cụ, phương tiện đô hộ; nhưng những vị nói trên lại tận dụng kẻ hở đó để gây dựng một nền văn học mới. Nếu phê bình gay gắt họ, thì ai sẽ phê phán những cá nhân và tập thể đã nhận viện trợ hoặc chịu áp lực của Hoa Kỳ, Trung-quốc, Liên Xô để làm 'mới' văn học? Và thế nào là yêu nước? Giữa các vị Văn thân Tống Nho tổ chức chống Pháp, chống chữ quốc ngữ nhưng không lượng định đúng tình thế, cán cân lực lượng, và những người như Nguyễn Trường Tộ liên tục điều trần xin vua canh tân đất nước không được đã phải chết vì tức, ai yêu nước tích cực hơn ai? Hay như Trương Vĩnh Ký đã thành tâm muốn làm gạch nối giữa hai nền văn minh ở buổi đại nạn!

Dù nhìn với lăng kính nào đi nữa, các nhà biên khảo lịch sử và văn học sử cũng phải nhận rằng chữ quốc ngữ và văn học quốc ngữ phát triễn và phong phú được như ngày nay là nhờ những đóng góp quý báu của các tác giả và các nhà văn hóa vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nói trên. Cả một thế hệ văn học bị bỏ quên. Dù lưu thông khó khăn, dù thực dân mưu sâu, dù chiến tranh liên tục và khốc liệt, ký ức tập thể của một dân tộc không thể quên sót một phần mình.

     III - Văn-Học Kháng-Chiến 1945-1954

1. Văn học miền Nam các giai đoạn sau đó cũng cùng một hoàn cảnh bị bỏ quên nhưng vì những lý do khác. Sau 1954, hoàn cảnh phân chia đất nước làm hai miền với những đối nghịch về ý thức hệ và cuộc chiến tâm lý Quốc-Cộng thường trực đã khiến cho văn học giai đoạn kháng chiến này bị bỏ rơi trong Nam. Những thập niên 40, 50, các nhóm Chân Trời Mới của bộ ba Tam Ích, Thiên Giang và Thê Húc cũng như một số nhà văn hoá độc lập như Lê Thọ Xuân, Vương Hòng Sển, Lê Ngọc Trụ, Bùi Đức Tinh, Bằng Giang, Đào Văn Tập, ... nỗ lực đi tìm hướng đi mới từ những lý thuyết và hoàn cảnh mới. Tiếp theo là thời kháng chiến chống Pháp 1945-1950, miền Nam tràn ngập tác phẩm của các nhà văn Vũ Anh Khanh, Lý Văn Sâm, Quốc Ấn, Thẩm Thệ Hà, Dương Tử Giang, Nguyễn Bảo Hoá, Sơn Khanh... Hàng trăm tác phẩm được xuất bản, nhiều cuốn bị tịch thâu, bị cấm; phần lớn phục vụ cho công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân.

Đến sau 1954, các nhà văn nhóm Chân Trời Mới vẫn hoạt động ở miền Nam, nhưng quan điểm xã hội dù đệ Tứ đã không thể tiếp tục. Rồi một số nhà văn kháng Pháp tập kết ra Bắc, có người lại vượt tuyến vào Nam như nhà thơ Vũ Anh Khanh (nhưng bị bộ đội bắn chết ở cầu Bến Hải). Những người khác nếu vẫn còn viết văn làm báo vẫn không tiếp tục gây được bầu không khí văn nghệ trước đó. Miền Nam lại đón nhận rất nhiều nhà văn nhà báo di cư; những người mới tới hoạt động tích cực, gây những phong trào, nhóm văn nghệ mới như Sáng Tạo, Quan Điểm, Thể Kỷ 20, ... Vì những lý do đó, các nhà văn chủ lực của miền Nam đầu thập niên 50 dễ bị rơi vào quên lãng. Chỉ có một ít nhà văn như Hồ Biểu Chánh, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, tiếp tục viết. Giai đoạn văn học kháng chiến đặc sắc và giàu về phẩm lượng này trước nay vẫn không được đưa vào chương trình Trung và Đại học ngoại trừ một số bài giảng văn trích từ các tác phẩm của một số tác giả do một vài nhà biên soạn cấp tiến. Trong khi đó thì chương trình Việt văn được thống nhất nội dung cũng như tác giả do đó các thế hệ trẻ dù trong Nam bị đẩy xa dần các tác giả thời mở đầu vì văn nói và viết phải thay đổi theo thời gian và điều kiện địa lý.

Thế Phong là nhà phê bình đầu tiên đã giới thiệu giai đoạn văn học này trong Nhà Văn Kháng Chiến Miền Nam 1945-1950 - tập 3 của bộ Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam xuất bản vào năm 1963 sau khi đã đăng trên tạp chí Văn Hóa Á Châu. Nhưng Nguyễn Văn Sâm mới là nhà nghiên cứu đánh giá đúng mức tinh thần yêu nước và sự đóng góp đáng kể của các nhà văn miền Nam thời kháng chiến, với tập Văn Chương Tranh Đấu Miền Nam (1969) và tập luận án cao học về Văn Chương Nam Bộ Và Cuộc Kháng Pháp 1945-1950 (1972) (44).

Giai đoạn văn học kháng chiến này được các nhà nghiên cứu Hà Nội tô điểm như là một văn học tranh đấu chống ngoại xâm. Họ đề cao những Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Thiếu Sơn, Mai Văn Bộ, Trần Văn Giàu, Nguyễn Bảo Hóa, ... và bất công với Hồ Hữu Tường, Sơn Khanh, ... Miền Bắc trưng dụng "mảng" văn học yêu nước này cho chính trị kháng chiến chống thực dân theo khuôn Hà nội dù có người không hề phục vụ cho thứ chính trị đó như Vũ Anh Khanh, Dương Tử Giang, v.v. Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến miền Nam Cộng hoà không để ý đến và người thế hệ sau không biết nhiều về giai đoạn này cũng như đã khiến cho nhiều người nghĩ ở giai đoạn văn học tiếp theo, 1954-1975, một sinh hoạt văn học có vẻ không có gốc rễ, như "di cư" theo đồng bào từ miền Bắc vĩ tuyến 17. Nay sự thực về thời kháng chiến đã nhiều rõ rệt, thì giai đoạn văn học kháng chiến này cũng cần được viết lại. Văn chương yêu nước, chống thực dân căn bản và trước hết đã là của mọi người Việt; nền văn chương đó có thể độc lập ngoài những ý thức hệ và ý đồ.

     IV - Văn Học Miền Nam 1954-1975

Hiệp định Genève 7-1954 chia đôi nước Việt Nam, chính thức công nhận sự thành công của chủ nghĩa cộng sản quốc tế ở nửa phần đất nước, vô tình bắt buộc chính phủ và người dân miền Nam nghĩ đến chủ quyền và xây dựng một miền Nam hùng mạnh và độc lập. Củng cố cái còn lại, xác định chỗ đứng với quốc tế và dân tộc. Trong hoàn cảnh mới đó của đất nước, biên giới địa lý thay đổi, sự di cư và tập hợp của người Việt đủ nguồn gốc, Nam Trung Bắc đã mất đi nhưng không mất hẳn ý nghĩa phân rẽ của thời thực dân, văn học miền Nam cũng sẽ có những biến đổi quan trọng. Cá tính "miền Nam lục tỉnh" và "Sài Gòn" sẽ phải chịu những phân thân, hóa thân và hội nhập để dần biến dạng trong biển văn nghệ "miền Nam cộng hòa". Ngược lại, các tác giả Bắc và Trung đã nhận phần nào ảnh hưởng của tiếng nói và tâm tính người vùng đất mới qua các tác phẩm của họ.

Viết về giai đoạn văn học miền Nam 1954-1975, các nhà phê bình và biên khảo thường theo một cách nhìn theo đó nền văn học này là tiếp nối tự nhiên của văn học miền Bắc trước đó hoặc vai trò của miền Nam không được đánh giá đúng mức. Trước và sau 1975, Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tạ Tỵ, Mai Thảo, v.v. trong các bài đăng báo hoặc in trong các tuyển tập, đã nhìn giai đoạn này như có đó và như thế với từng ấy người mà không đi sâu vào những khúc mắc hình thành nền văn chương đó. Cao Huy Khanh trong loạt bài biên khảo về 20 năm tiểu thuyết miền Nam (1954-1973) đăng nhiều kỳ trên tạp chí Thời Tập trước 1975 đã phân tích nền văn học đó như sự lớn dậy của một con người từ mới sinh đến khi khôn lớn. Họ Cao là người đầu tiên viết về giai đoạn văn học 1954-1973 (ông dùng thời điểm hiệp định Paris) nhưng chỉ mới được 4,5 bài dẫn nhập đã xảy ra biến cố 30-4-75, sau đó không thấy ông xuất hiện trên báo chí! (45). Nhà văn Võ Phiến, trong Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam (1986) (46), đã có cái nhìn tổng hợp hơn và đã công bình dành cho miền Nam "lục tỉnh" một vai trò hình thành và xuất phát cho nền văn học 1954-1975. Tuy nhiên, Võ Phiến đã không đáng giá đúng mức tác phẩm của các nhà văn miền Nam thời kháng Pháp ngay trước đó là thời Sài Gòn rất sôi động về chính trị và cách mạng trong khi Hà Nội sôi nỗi về quân sự. Khuynh hướng văn nghệ đấu tranh này đã lớn mạnh và đa dạng ở Sài Gòn trong khi văn nghệ kháng chiến ở phía Bắc đã phải chịu sự chỉ đạo trực tiếp của đảng cộng sản ngay từ những ngày đầu; một khuynh hướng nẩy mầm từ những Trương Duy Toản, Lê Hoằng Mưu, Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử, ... của những thập niên 20 và 30 là thời văn học miền Bắc đang lãng mạn đến đẩm lệ và tự tử với những Cành Hoa Điểm Tuyết, Tuyết Hồng Lệ Sử, Tố Tâm, v.v. Viết về 20 năm văn học đó mà cứ nói đến các nhóm Sáng Tạo, Quan Điểm, Văn Hóa Ngày Nay, v.v. mà quên các nhóm "bản xứ" khác là một thiếu sót lớn! Văn học miền Nam đã có từ 1865, vẫn tiếp tục phát triển song hành hoặc hoà nhập nền văn học Việt Nam nói chung, hay từ năm 1954, miền Nam có văn học khác, mới? Theo thiển ý nên phân biệt ba dòng văn học tại miền Nam từ 1954 đến 1975 mà nếu công bằng ta có thể ghi nhận : một thuần Nam, từ Petrus Ký qua Hồ Biểu Chánh đến Phi Vân, Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Vương Hồng Sển, ... bình dân hoặc trưởng giả trí thức với những đòi hỏi thông thường những giá trị dân chủ của Cách mạng Pháp 1789; một dòng giữa gồm miền Nam cộng với Trung và một ít Bắc đã khởi sống chung từ trước 1954, thiên chính trị cách mạng và công bằng xã hội; và dòng cuối là dòng nước mới từ miền Bắc di cư vào từ 1954, dòng trí thức tiểu tư sản và chính trị lý thuyết. Trong hơn 20 năm, ba dòng văn học đó đã sống chung, đã nhập làm một dưới biểu tượng dân chủ và cộng hòa.

Tập biên khảo của Võ Phiến cho đến nay là công trình duy nhất về thời kỳ này và là cái nhìn đại diện của người làm văn nghệ miền Nam. Người Nam ở thời điểm này đã bao gồm người ba miền. Công trình biên khảo này được ông tiếp tục với những giới thiệu cục bộ văn-bản một số tác giả tiêu biểu theo bộ môn văn học như Thơ Miền Nam 1 (1991), 2 (1995), Truyện Miền Nam 1 (1992), 2 (1993), 3 (1995), Ký, Bút, Kịch Miền Nam 1 (1993), 2 (1995). Cuối năm 1999, nhà xuất bản Văn Nghệ đả tái bản bộ sách Văn Học Miền Nam thành 7 tập với trên 3200 trang.

Văn học thời này đa dạng và đặc sắc về nhiều phương diện. Vì hoàn cảnh chính trị, người ba miền phải sống chung một mảnh đất, một chính thể. Các sinh hoạt báo chí, văn học phát triển mạnh. Từ đó mới thấy lý luận cho rằng đất văn vật lâu đời mới sinh văn hay, đất mới khó có tác phẩm hay là đã chắc gì đúng! Có những tổng hợp làm nên những cái tốt và đẹp. Trong khi miền Nam đất mới khẩn hoang hoặc phù sa trăm hoa đua sắc thì miền Bắc bút lông biến thành mũi tên đạn chiến đấu cho 'lý tưởng' ngoại nhập và người cầm bút trở thành cán bộ tuyên truyền. Ngày nay có mấy tác phẩm thời 'huy hoàng' này hãy còn được nhắc nhở? Trong khi đó văn học của miền Nam thua cuộc cờ gian, bị gắn nhãn 'ngụy' và từng bị cấm, lại được người dân Bắc cũng như Nam tìm kiếm, khám phá với nhiều thích thú. Một văn học khai phóng hơn nhiều và cũng đa dạng không kém.

Đối với miền Bắc, nếu văn học miền Nam được đề cập hoặc đề cao thì cũng cùng mục đích với việc lập Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam. Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu được lập ra đễ hỗ trợ cho cuộc chiến xâm lược miền Nam đó. Sau khi chiếm miền Nam vĩ tuyến 17, các nhà lý-thuyết văn học Hà Nội đã xuất bản nhiều tổng kết, nhận định về nền văn học miền Nam Cộng Hòa. Trong các sách như Văn Học Giải Phóng Miền Nam (1976), Văn Hóa Văn Nghệ Miền Nam Dưới Chế Độ Mỹ Ngụy (1977), Văn Học Việt Nam Chống Mỹ Cứu Nước (1979), vv, các vị này nghiêm khắc với các nhà văn hóa "ngụy" bao nhiêu thì lại đề cao những kẻ nằm vùng hoặc đi bưng biền cùng phe dù văn của những người này thường thì giả tạo từ nội dung tới ngôn từ.

Khi có dịp, người "trung ương" vẫn tìm dịp để "dạy" người Nam viết văn. Trong cuốn Văn Học Miền Nam Trong Lòng Miền Bắc, soạn giả Hồ Ngọc khi phê bình "giá trị hiện thực" trong kịch ngắn của Nguyễn Vũ đã phán " ...Dù tác giả là người miền Nam, dù nhân vật kịch là người miền Nam, ngôn ngữ kịch vẫn phải chú ý tới tính chất phổ biến trong toàn quốc của nó. Vả chăng, vấn đề màu sắc địa phương đâu phải chỉ biểu hiện ở chỗ dùng từ địa phương!..." (47). Có lẽ vì vậy mà cái gọi là mảng văn học 'chiến tranh thần thánh chống Mỹ-Ngụy' "minh họa" nhau; mà văn học Việt Nam cũng đã không có những Bình Nguyên Lộc, Sơn Nam, Lê Xuyên, Hồ Trường An, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Tấn Hưng, vv nếu những nhà văn này phải viết trong những điều kiện đó.

Sau tháng tư 1975, nền văn học Việt-Nam Cộng-Hòa 1954-1975 bị chính thức cấm đoán, sách báo bị tịch thu, tiêu hủy. Người làm văn nghệ cũng bị cầm tù và bị treo bút. Người "chiến thắng" cố tình phá hủy văn hóa miền Nam Cộng Hòa, ghi cả trong nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ IV (1976) nhiệm vụ phải "quét sạch ảnh hưởng của tư tưởng và văn hóa thực dân mới" ở miền Nam (48).

Một nền văn nghệ mà "cả đất nước có một tâm hồn, có chung khuôn mặt" nói như Chế Lan Viên, "nền văn nghệ minh họa" đó nhập cảng từ Bắc phương không có gì đặc sắc cho đến khi có chính sách Đổi Mới (1987). Từ khi văn nghệ trong nước được cởi trói dù tương đối và sau một thời gian gạn lọc giả chân, một số nhà văn thơ có tài bắt đầu được độc giả trong cũng như ngoài nước biết đến: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Nguyễn Duy, vv. Một câu hỏi: văn học cởi trói khởi sắc đó có không nếu không có sự tiếp xúc trước đó (dù bị cấm) với văn chương "ngụy"? Gần đây ở Việt Nam có những nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu văn học miền Nam trước 1975 và hiện tượng xét lại phục hồi danh dự cho giáo sĩ Đắc Lộ và Trương Vĩnh Ký. Trong văn học cũng như chính trị, sự thật thường đi đôi với tự do và chuyện lịch sử thường cần thời gian soi sáng. Và lần hồi đã có những tìm tòi, dọ dẫm đi vào văn chương của miền Nam "cộng hòa" thời 1954-1975, như luận án phó tiến sĩ khoa học ngữ văn của bà Trần thị Mai Nhi "Chủ nghĩa hiện đại và văn học Việt Nam hiện đại" trình ở trường đại học tổng hợp Hà Nội năm 1993. Văn học "ngụy" đó đã được nhìn thấy như một nỗ lực hiện đại hóa văn chương và những điểm tích cực mà hình như miền Bắc đã không hề biết đến (47). Và nhiều bàn tròn về những nhà văn miền Nam như Hồ Biểu Chánh, nhiều tác phẩm văn học miền Nam cũng đã được tái bản, tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, Tân Dân Tử, Phú Đức, ... cũng như của nền văn học "tự do" 1954-1975. Trong hoàn cảnh đó, các tác giả miền Bắc "cộng sản" không thể không có dịp tiếp xúc với nền văn học đã bị "cấm" này, cho đến nay vẫn chưa thấy có nhìn nhận. Đó cũng là điều tâm lý dễ hiểu. Trong một bài phỏng vấn "khó khăn' của nhà báo Eads Brian đăng trên tạp chí Reader Digest ra tháng 10-1998, Dương Thu Hương đã nói bà đã "bừng tỉnh khi nhìn thấy sự giàu đẹp của xã hội miền Nam ... Điều làm bà ngạc nhiên nhất là số sách báo được lưu hành trong Nam". Phạm Xuân Nguyên, một nhà lý luận phê bình trẻ và đứng đầu một cơ quan nghiên cứu thuộc Viện Văn học Hà Nội đã nhìn nhận rằng "Ở miền Nam, từ 1954-1975, đó là nền văn học bao gồm nhiều khuynh hướng và diễn biến trong tình thế phức tạp của các ảnh hưởng chống Cộng của chế độ Mỹ-Ngụy và chủ nghĩa thực dân mới" (50). Ông liền bị các nhà phê bình "chính thức" hơn chỉ trích nghi ngờ đã dám loại bỏ hai loại "văn học giải phóng" và "văn học yêu nước" "thân thương" của cuộc chiến tranh "thần thánh" chống Mỹ!


♣ ♣ ♣

Chúng tôi viết bài này đưa ra một số sự kiện bị bỏ quên cũng như những thiếu sót, bất công trong quá khứ với hy vọng công việc viết văn học sử Việt Nam từ nay và về sau sẽ công bằng hơn, "của Cesar trả cho Cesar" và đối với công lao người đi trước, kẻ hậu sinh cần phải biết ơn, ghi nhận. Độc giả đọc bài này, xin vô tư, đừng thiên kiến, đừng kẻ thắng kẻ thua, đừng phe phái, bỏ chiếu trên chiếu dưới, hãy quên mình gốc Bắc hay Nam, sẽ không thấy chúng tôi lý luận vì mặc cảm hoặc kỳ thị địa phương. Nói chung chúng tôi cố gắng chứng minh người dân và "trí thức" miền Nam căn bản vốn có đặc tính "khai-phóng" (cởi mở, "open mind", trái với cực đoan, khép kín, một chiều), và các nhà làm văn hóa, văn học ở vùng đất mới này sáng tác với tinh thần khai-phóng đó. Từ thời tiền phong cho đến nay. Khai-phóng thuộc lãnh vực văn hóa, xã hội và tâm lý. Thứ nữa, văn học chữ quốc ngữ đã bước những bước đầu (tiên phong, pioneering) ở trong Nam. Đây là một sự thực lịch sử : họ chấp nhận dùng chữ quốc ngữ, dùng các thể loại văn chương mới như tiểu thuyết, truyện ngắn, biên khảo khoa học, tự-điển, v.v. Họ hành văn theo lối mới, xa ảnh hưởng Tàu, viết như suy nghĩ, như một người Việt. Cuối cùng, các nhà văn này lấy đề tài trong đời sống thường ngày, hôm nay, của xã hội họ sống, nghĩa là không như các truyện Nôm. Nếu viết văn học sử thời hiện đại tức sau thời lịch triều, hết còn chữ Hán, chữ Nôm, các nhà phê bình đáng ra phải đến tận nguồn và đánh giá đúng mức các tác phẩm đầu tiên viết bằng chữ quốc ngữ. Tại sao các nhà viết lịch sử văn học cố công tìm cho được tác phẩm đầu viết bằng chữ Nôm mà lại không cố gắng với các tác phẩm tiền phong của văn học chữ quốc ngữ ? Còn nếu phê bình chữ quốc ngữ và các thể loại tiểu thuyết, truyện ngắn, v.v. là của ngoại lai, thì chúng ta đang dùng chữ gì và sáng tác với những thể loại nào, sao dễ quên công người đi trước? Chúng tôi cũng không hề có mục đích chính trị cũng không có ý kết án ai cả. Quá khứ là quá khứ. Tuy nhiên nếu thấy sai lầm của quá khứ mà không sửa chửa thì cũng không được. Thế hệ hôm nay phải biết ơn tổ tiên nhưng cũng phải trả giá cho sai lầm của ông cha thì cũng phải dùng ý thức và kiến thức mới của mình để cải chính, sửa đổi những sai lầm hoặc bất công của quá khứ. Trong quá khứ - và cả hôm nay, các nhà phê bình đã không tách rời con người tác giả với tác phẩm: Pétrus Trương Vĩnh Ký, Huình Tịnh Paulus Của, Hồ Biểu Chánh làm việc cho thực dân Pháp, hai ông trước lại là tín đồ Thiên-chúa giáo, thành ra tác phẩm của họ không đáng bàn đến. Sau 1954, miền Bắc cộng sản khi viết về văn học miền Nam chỉ nói đến văn học giải phóng miền Nam và giải Nguyễn Đình Chiểu; trong khi đó miền Nam cộng hòa khi nói đến miền Bắc chỉ nhắc tên các nhà văn thuộc Trăm Hoa Đua Nở. Sau 1975 và cho đến thập niên 1980, trong nước cấm đoán tác phẩm của những Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Duyên Anh, v.v., và ngoài nước khó nói đến Sơn Nam, Vũ Hạnh, Mường Mán, Trần Vàng Sao, v.v. Đã đến lúc cần phải thay đổi lối phê bình văn học! Và cũng không thể bỏ qua phần văn học nói bình dân!

Qua lịch sử, chúng ta thấy miền Nam lúc nào cũng tích cực ra tay chèo lái con thuyền dân tộc theo vận nước trôi nổi, khi chính trị khi văn học, thời cận đại cũng như hiện đại và cả những ngày trước mắt. Nhưng công lao góp sức đó vẫn thường bị những người tới trước tới sau tiếm công, có khi vì con người miền Nam quá ngây thơ tin tưởng nhưng phần lớn vì những anh chị "Cả" đã quá quen một lối cư xử, khúc ruột đang liền thân cũng bị quên một bên. Một miền Nam khai phóng, không mặc cảm và có nhiều tài sức đó nếu được công bằng phát triễn, nếu được lịch sự đối xử, thì tương lai vận hội chung chắc chắn sẽ tốt đẹp hơn. Nếu đi ngược đường thì lịch sử những thập niên gần đây đã cho thấy ảnh hưởng tai hại như thế nào rồi!

Trong hoàn cảnh thiếu thốn tài liệu gốc ở ngoài nước, chúng tôi tài mọn cũng xin mạo muội ghi lại một số nhận xét hy vọng sẽ là những gợi ý đóng góp cho những nghiên cứu sâu xa hơn, vượt được những ràng buộc địa phương, chính trị hoặc ý thức hệ.



Chú-Thích:

(1) Đến đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (chúa Sãi, 1613-35, con chúa Nguyễn Hoàng) mới chính thức ly khai với vua Lê chúa Trịnh : năm 1614, ông đuổi quan lại vua Lê cử vào Đàng Trong làm việc (thật ra là do chúa Trịnh).
(2) Gilbert Trần Chánh Chiếu, bút hiệu Trần Thiên-Trung, Trần Nhựt Thăng, Kỳ Lân Các,..., điền chủ có quốc tịch Pháp nhưng có tinh thần yêu nước cao độ. Hoạt động cho phong trào Đông du, ông có qua Nhật gặp Kỳ ngoại hầu Cường Để. Khoảng 1907, ông xuất bản tập Minh Tân Tiểu Thuyết là một tập luận thuyết khuyên đồng bào tham gia công cuộc Minh Tân làm sáng cái đức sáng và làm mới dân. Sau những vụ nỗi dậy chống nộp thuế ở Trung kỳ và Hà thành đầu độc năm 1908, thực dân Pháp ra tay khủng bố, phong trào Duy Tân bị tan rã, Trần Chánh Chiếu bị bắt và tờ Lục Tỉnh Tân Văn bị đình bản. Nhưng để tiếp tục chống thực dân Pháp, các "hội kín" sau đó bành trướng khắp trong Nam và công khai thì có đảng Lập hiến của các ông Bùi Quang Chiêu, Nguyễn Phan Long. Sài Gòn những năm 1920 trở thành thủ đô văn hoá chính trị quan trọng trong khi Hà Nội lúc đó chỉ làm văn hoá... thuần túy với sự đóc thúc của quan thầy thực dân. Đó có thể là lý do khiến các ông Đào Trinh Nhất, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Thiếu Sơn... vào Nam làm báo.
(3) Theo Huỳnh Văn Tòng (Lịch Sử Báo Chí Việt Nam. Thành phố Hồ Chí Minh : Đại-học Mở-Bán công TP HCM, 1994 tb, tr. 26-27) và Duy Vân (Gia Định Báo. Sydney: Nguồn Việt, 1986, tr. 44-45), vì nhiều học giả trước đó vẫn ghi là 1-4-1865.
(4) Xem Nguyễn Văn Trung. Chữ, Văn Quốc Ngữ Thời Kỳ Đầu Pháp Thuộc. Sài Gòn : Nam Sơn, 1974, Xuân Thu tb 1989, tr. 44 và 112-115. Sau 1986, ông nghiên cứu về nếp sống văn hóa của người miền Nam, soạn Lục Châu Học và xuất bản Trương Vĩnh Ký Nhà Văn Hóa (1993) trong đó ông đã tỏ hối tiếc quá khắt khe với nhà văn quốc ngữ tiền bối này trước 1975.
(5) Hoài Thanh và Hoài Chân. Thi Nhân Việt Nam. Sài Gòn : Hoa Tiên tb, 1967, tr. 18-19.
(6) Quyển 2. Hà Nội, 1972.
(7) Nhà xuất bản J. Linage, đường Catinat, Sài Gòn. Thật ra gồm 32 trang nhưng 4 trang là tựa sách, giới thiệu sách cùng tác giả sẽ in, lời đề tặng bạn tác giả là Diệp Văn Cương bằng tiếng Pháp và Tựa của tác giả. Theo nguyên bản, chữ "Truyện" như để báo tựa sách, hơn nữa in rời tựa Thầy Lazarô Phiền.
(8) Trích từ bản chụp lại bản in lần đầu năm 1887. Cũng xin lưu ý là truyện được một số nhà nghiên cứu trích dẫn nhưng văn bản đã bị sửa chửa.
(9) Phụ Lục 2: Lược đồ sự phát triển của tiểu thuyết cho tới 1945, tr. 428.
(10) Có thể do số trang, Thế Uyên đã coi truyện Thầy Lazarô Phiền là "truyện ngắn" quốc ngữ đầu tiên của VN và Chơn Cáo Tự Sự (1910) của Chơn Tính là "truyện vừa"("Lê Hoằng Mưu, nhà văn bị bỏ quên". Văn Lang số 1 (1991); in lại trong Nghĩ Trong Mùa Xuân (Los Alamitos, CA: Xuân Thu, 1992, tr 233. Thế Uyên & John C. Schafer. "The Novel Emerges Cochinchina" (Journal of Asian Studies v. 52 no 4, November 1993, pp. 854-884), p. 871. Bản dịch "Tiểu thuyết xuất hiện tại Nam-kỳ" đăng trên Văn Học (CA) số 152 (12-1998), tr. 20-34.
(11) Sương Mù Trên Tác Phẩm Trương Vĩnh Ký (Thành phố HCM: Văn Học, 1993), tr 171.
(12) Năm 1992, nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh tái bản với tựa mới Những Bước Đầu Của Báo Chí Tiểu Thuyết và Thơ Mới. 286 tr.
(13) Văn 80, 15-4-1967, tr. 67.
(14) Địa Chí Văn Hóa Thành Phố Hồ Chí Minh. Tập 2 - Văn Học. Thành phố HCM: NXB Thành Phố HCM, 1988. Tr. 197-251.
(15) Thành phố HCM : NXB Trẻ, 1992. 435 tr.
(16) Văn Học Nam Bộ Từ Đầu Đến Giữa Thế Kỷ XX. Tp HCM : NXB Thành phố Hồ Chí Minh HCM, 1988, tr. 12-13.
(17) Đặc Điểm Lịch-Sử Văn-Học Việt-Nam (Hà Nội : Đại học và trung học chuyên nghiệp, 1987. 288 tr.) Trang 155 & 195.
(18 Lời giới thiệu. Tuyển Tập Hoàng Ngọc Phách (Hà Nội: Văn Học, 1989), tr. 13.
(19)"Truyện ngắn quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam: Thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản" (Văn Lang số 2, 12-1991, tr. 93-120).
(20) Theo Bùi Đức Tịnh. Sđd, tr 207.
(21) Tân Dân Tử tên thật là Nguyễn Hữu Ngỡi (BĐT. Sđd, tr. 186). Ông còn là tác giả các bộ tiểu thuyết khác xuất bản vào khoảng 1926-1930: Gia Long Tẩu Quốc, Hoàng Tử Cảnh Như Tây và Gia Long Phục Quốc.
(22) BĐT. Sđd, tr. 214.
(23) BĐT. Sđd, tr. 233.
(24) Sài Gòn : Thăng Long tb, 1960.
(25) Westminster, CA : Hồng Lĩnh, 1993. Tr. 111.
(26) Tập 3. Sài Gòn : Tác giả xuất bản, 1965. Những chữ gạch dưới là của chúng tôi.
(27) Sài Gòn : Trình Bày, 1967. Tr. 31-32.
(28) Sài Gòn : Tủ Sách Nhân văn xã hội, 1972. Nhà Đường Mới/La Vie Nouvelle ở Paris tái bản năm 1985 với tựa Naissance et évolution du roman vietnamien moderne 1925-1945.
(29) Xem tạp chí Bách Khoa số 88 (1-9-1960), tuần báo Văn-Đàn, 20, 21, 22 (từ 15 đến 29-10-1960), và Địa Chí Văn Hóa Thành Phố HCM. Sđd, tr 219.
(30) Sài Gòn: Trí Đăng, 1974, tr. 139.
(31) Hà-Nội: NXB Đại học và trung học chuyên nghiệp, 1974. Tập 1, tr. 20.
(32) Bìa bộ Đại-Nam Quấc-Âm Tự-Vị ghi tên tác giả là Huình Tịnh Paulus Của. Xem thêm Bằng Giang, Mảnh Vụn Văn Học Sử (Sài Gòn : Chân Lưu, 1974, Xuân Thu tb) tr. 147-154.
(33) Văn, số 80 đặc biệt về Hồ Biểu Chánh, 15-4-1967, tr. 8.
(34) "Biến cố và chiếc cầu Hồ Biểu Chánh". Văn, cùng số đã dẫn, tr. 37-42.
(35) Sđd. Tựa, tr 6.
(36) Bđd in Nghĩ Trong Mùa Xuân, sđd, tr 235.
(37) Lúc viết Phan Yên Ngoại Sử (1910), v.v., Trương Duy Toản đang hoạt động cho Việt Nam Quang Phục Hội; trong truyện ông nói đến Tây Sơn là có ý nói Tây. Sau đó ông theo Kỳ Ngoại Hầu Cường Để qua Đức vận động chống Pháp nhưng không thành; ông lại đưa giác thư của Cường Để qua Paris nhờ cụ Phan Chu Trinh chuyển cho chính phủ Pháp nhưng bị Pháp bắt giam cùng cụ Phan cho đến 1916 thì bị trục xuất về an trí ở Cần Thơ. Sau ông chuyển qua viết bài bản cải lương mà bộ đầu tiên Lục Vân Tiên trở thành tiền phong cho bộ môn này.
(38) Trích lại theo Khảo Về Tiểu Thuyết ... Sđd, tr. 25.
(39) Trích theo BĐT. Sđd, tr. 17-19.
(40) Số 1 ra ngày 14-11-1907, chủ bút là Trần Nhựt Thăng hiệu Đông Sơ tức Trần Chánh Chiếu. Lục Tình Tân Văn công khai cổ võ phong trào Duy Tân (Minh Tân) công kích chế độ thuộc địa, kêu gọi người Việt tự kiểm điểm bỏ hủ tục, thiên kiến và phải giành quyền lợi thương mãi từ tay Hoa và Ấn kiều ; ông cổ động lập công ty cạnh tranh với hai giới này. Nhưng mãi đến 1919 thì phong trào tẩy chay cửa hàng Hoa kiều mới trở thành quan trọng, khiến nhà cầm quyền thực dân phải ra tay, ông bị bắt ra tòa.
(41) Theo Nguyễn Khuê. Chân Dung Hồ Biểu Chánh (Sài Gòn: Lửa Thiêng, 1974), tr. 30.
(42) Thực ra ông diễn Nôm tập Như Tây Sứ Trình Nhật Ký của cụ Phạm Phú Thứ dâng vua Tự Đức năm 1863.
(43) Xem Chân Dung Hồ Biểu Chánh. Sđd, tr. 160.
(44) Sài Gòn: Lửa Thiêng, 1972. 295 tr.
(45) "Hai mươi năm tiểu thuyết miền Nam từ chia cắt đến ngưng bắn". Thời-Tập số 14-12-1973, tr. 21-34.
(46) Wesminster, CA: Văn Nghệ, 1986. 365 tr. ("Vai trò của miền Nam", tr. 128-135)
(47) Văn Học Miền Nam Trong Lòng Miền Bắc. Hà Nội: NXB Khoa học Xã hội, 1969, tr 305.
(48) Văn Hóa Văn Nghệ Miền Nam Dưới Chế Độ Mỹ Ngụy. Hà nội : Văn Hóa, 1977. Tr. 8.
(49) Hà Nội : Bộ Giáo dục và đào tạo, 1993. 173 tr. Sau xuất bản với tựa Văn Học Hiện Đại Văn Học Việt Nam Giao Lưu Gặp Gỡ. Hà Nội (NXB Văn Học, 1994. 250 tr.
(50) Người Lao Động 22-8-1994.

6-1996 & 12-1999





| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com