C hùa ở Châu Đốc thì nức tiếng từ lâu, nhưng chưa bao giờ tôi có dịp đi tham quan. Đầu năm vừa rồi, dọn dẹp nhà kho bỗng thấy hơi bị nhói phía sườn trái, không biết có phải là bệnh thiếu máu cơ tim tái phát hay không, nhưng tôi lập tức khăn gói đi Tân Châu, vì nếu là bệnh Tim thì không nên chần chừ. Xuống tới nơi buổi chiều thì sáng hôm sau tôi liền đi siêu âm và đo điện tim. May quá, tim vẫn bình thường, nhưng sẵn một dịp đi, thế là ở lại để “nạp năng lượng” luôn.
Nhân cơ hội đầu năm đi Tân Châu, tôi nghĩ sao mình không thử di tham quan vài ngôi Chùa ở Châu Đốc cho biết. Miền Trung và Bắc thì cách đây hơn 30 năm, tôi có làm một chuyến đi trong một tháng, tham quan 60 kiểng Chùa, nên một số Chùa danh tiếng Ở Huế, như Chùa Từ Đàm, ở Hà Nội Chùa Quán Sứ, Chùa Trấn Quốc, Chùa Kim Liên, Chùa Một Cột, và một số Chùa nổi tiếng ở nhiều Tỉnh khác như Chùa Dâu, Chùa Đậu, nơi có Cốt của hai nhà Sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường, Chùa Hương, Chùa Yên Tử, Chùa Tây Phương, Chùa Vọng Cung, Chùa Dư Hàng, Chùa Quỳnh Lâm, Chùa Bút Tháp, Chùa Phổ Minh, Chùa Cổ Lễ, Chùa Láng, Chùa Mía, Chùa Thầy, Chùa Trăm Gian, Chùa Quỳnh Lưu, Chùa Côn Sơn.. thì tôi đã từng tham quan. Giờ thì khám phá vài ngôi Chùa Miền Nam ở Châu Đốc xem có gì khác biệt.
Chúng tôi bao một xe du lịch 7 chỗ, Bs Thiên Hoa đóng cửa Phòng khám buổi chiều để hai nhân viên cùng đi.
Xuất phát từ Tân Châu lúc 10 giờ sáng, đi khoảng 17km thì đến Phà Châu Giang. Bên kia Phà là Châu Đốc. Xe chạy cũng mất khá lâu qua những đường làng thì bắt đầu rẽ vào con đường dẫn tới các Chùa. Nhìn xa xa phía tay phải là Núi Sam.
Nơi đầu tiên chúng tôi tham quan là Miễu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp. Sở dĩ có tên này theo kể lại là do thời Đức Thầy Tây An dẫn dân đi khai hoang lập ấp vào giữa thế kỷ thứ 19 thì nơi đây có một cái Bàu lúc nào cũng đầy nước, không bao giờ cạn. Trên mặt là những dây Mướp rừng chằng chịt. Đầu tiên, họ dựng tạm một cái Miếu đơn sơ bằng cây lá. Đến năm 2011, qua nhiều lần sửa chữa thì Miếu ngày càng to, trong khuôn viên rộng đến 1,7 ha. Cảnh trí rất đẹp. Ngay cỗng là một hồ to, trồng sen, vào bên trong đường đi thoải mái, có một núi non bộ to, kế bên là cầu thang để lên bên trên là tượng Đức Di Lặc. Từ trên đó có thể nhìn báo quát những cánh đồng lúa bên dưới. Miếu có tạo những cảnh đẹp khách tham quan có thể chụp ảnh để kỷ niệm.
Trước khi ra về, chúng tôi ghé vào nơi Chùa chiêu đãi cơm chay để ăn cho biết. Có rất nhiều bàn ăn được bày sẵn. Không phân biệt khách giàu hay nghèo, cứ ngồi vô bàn là có người mang chén, đũa ra. Sau đó là cơm nóng hỗi, canh Chua, đồ xào và Mắm kho cũng lập tức được mang ra phục vụ. Mọi người cứ ăn thoải mái, nếu hết thức ăn hay cơm có quyền kêu thêm. Bên trong có để một thùng phước sương để ai muốn bỏ vô cúng lại bao nhiêu tùy tâm. Bs Thiên Hoa gặp một bệnh nhân đang làm phục vụ cơm từ thiện của Chùa ở đây. Cô cũng có gia đình, nhưng về sau vô Chùa ở để phục vụ Cơm Chay cho khách thập phương luôn.
Rời Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp, chúng tôi đi tham quan Chùa Kim Tiên. Chùa này mới cất ở Xã An Phú, gần Thị Trấn Nhà Bàng, được nhiều người đánh giá là Chùa tráng lệ bậc nhất trong vùng Bảy Núi. Bước vô cỗng, phía tay trái thì có một quày có người ngồi tiếp khách thập phương. Trước mặt là một cái bàn trên có để một chồng váy dài màu vàng nghệ. Khách tham quan Nam cũng như Nữ, nếu mặc đầm hay quần sọt hở chân từ gối xuống thì được mời lấy một chiếc váy dài đến gót mặc choàng bên ngoài che chân lại để không làm mất vẻ tôn nghiêm của ngôi Chùa. Mọi người chụp hình với những bậc thang cao để bước lên Niệm Phật Đường có sức chứa hàng ngàn người. Bên trên nóc nổi bật là Tượng Phật Di Đà cao 24m. Chúng tôi chụp hình quanh đó rồi ghé vô ăn thử thức ăn mà nhà Chùa chiêu đãi.
Nơi khách ngồi ăn là một sân khá rộng, để khoảng 30 bàn tròn có thể tiếp cùng lúc mấy trăm khách. Ai muốn uống cà phê thì có một quầy để sẵn ly nhựa. có người rót cà phê vô cho, xong bước qua chỗ để lấy nước đá đập sẵn, tự xúc lấy ít hay nhiều tùy thích. Muốn ăn thì bước qua kế bên là quầy bún bò chay. Bún đã lấy sẵn để trong từng tô. Khách chỉ việc bưng tô tới là có người chế nước dùng nóng hổi vô cho rồi tự bưng đến bàn ngồi ăn. Bún bò khá ngon. Ăn xong, mọi người tự dọn chén đũa dơ tới một bàn để chén đũa đã dùng, có người sẽ rửa. Mọi thứ rất trật tự, trang nghiêm.
Rời Chùa Kim Tiên, chúng tôi tới Chùa Đông Lai cũng có tên gọi là Chùa Bánh Xèo, vì Chùa này chuyên chiêu đãi khách tham quan Bánh Xèo. Phòng để chiêu đãi rộng rãi với hàng mấy chục bàn, ghế để sẵn. Khách bước vô ngồi bàn là có Bánh xèo dọn lên, mỗi dĩa là 1 cái bánh. Muốn lấy mấy dĩa cũng được. Rau tươi đầy đủ. Tôi ăn thử thì thấyBánh Xèo đổ bằng giá và đậu xanh, khá ngon, nêm nếm rất vừa ăn. Tôi xin phép bước vô trong xem quầy đổ Bánh Xèo thì thấy có hai quầy, mỗi quầy là 10 chảo, đặt vòng quanh hình vòng cung. Bánh Xèo được đổ bằng lò chụm củi nên kế bên lò có những cây củi xếp thành đống ngay ngắn. Ngồi đổ bánh Xèo là hai thanh niên còn trẻ chắc trên dưới 25 tuổi, mỗi người phụ trách 10 chảo. Mỗi cái sắp ra 1 dĩa, có người dọn ra bàn cho khách dùng. Không chỉ ăn tại chỗ, khách muốn mang về nhà Chùa sẵn sàng cho hộp xốp để đựng bánh xèo, đựng rau, còn cho thêm nước tương về để chấm. Phía trên tường có gắn 1 thùng, trên thùng có ghi xin ủng hộ tiền để sửa sang Chùa.
Rời Chùa Bánh Xèo, chúng tôi đi thêm khoảng 2 km là đến Chùa Phước Lâm Tự hay còn gọi là Chùa Lầu, ở xóm Xuân Phú, Thị Trấn Tịnh Biên. Chùa này có tuổi đời hơn 130 năm, được xây mới lại năm 2009, rất đặc biệt với kiến trúc giống ở xứ Phù Tang. Sở dĩ có tên Chùa Lầu vì Chùa xây nhiều tầng xếp chồng lên nhau với màu đỏ chủ đạo. Trong khuôn viên Chùa trồng đủ loại hoa Giấy nhiều màu. Độc đáo nhất phải nói là chiếc cầu treo lơ lửng trên cao, đứng trên đó có thể thấy bao quát cảnh vật, ruộng đồng chung quanh. Giới trẻ rất thích chụp ảnh trên cầu này vì lạ.
Rời Chùa Lầu, chúng tôi tham quan thêm một Chùa ở trên núi có tên là Chùa Linh Sơn, xe chạy vòng vèo khá lâu mới tới nơi. Cảnh Chùa khá đẹp với những bàn, ghế đá cho khách ngồi ngắm cảnh. Tôi mỏi chân quá nên không leo lên Chánh Điện được, chỉ loanh quanh phía dưới rồi đề nghị về trong khi mọi người còn tính đi tham quan ngồi Chùa nổi tiếng nào đó, nhưng chân tôi đã ê ẩm nên hẹn lần khác...
Đi cả mấy Chùa nhưng nơi nào khách tham quan cũng không đông mấy, có lẽ vì tình hình Covid chưa hết nên mọi người cũng ngại đi du lịch. Chùa nào thì cũng tạo nhiều cảnh đẹp, trồng nhiều cây kiểng màu mè, cắt tỉa công phu để khách tha hồ chụp hình lưu niệm. Có lẽ nhờ Phật Tử khá giả, ăn nên, làm ra, đóng góp tài chánh dồi dào, khách tới ăn cũng gởi lại ít tiền vào thùng phước sương nên Chùa nào cũng đãi ăn thoải mái.
Không biết hiện giờ ở Miền Bắc có Chùa nào đãi khách thập phương ăn như những Chùa ở Châu Đốc hay không ? nhưng năm tôi đi tham quan là 1990 thì không có. Vài Chùa chỉ chiêu đãi đoàn của chúng tôi, vì tôi đi theo Đoàn của Đệ Tử Hòa Thượng Thích Thanh Từ tổ chức, trong đó có một số Sư của Chùa trong này tham gia trong chuyến đi, trước khi đến Chùa nào có gọi điện thoại báo trước, nên có một số Chùa chiêu đãi cả đoàn. Có nơi có nhà khách rộng rãi còn cho nghỉ lại trong Chùa. Nhưng phần nhiều là thuê phòng ở những Nhà Nghỉ Công Đoàn hay Khách Sạn bình dân. Một tháng trời như thế. Cứ 5 giờ sáng là chuẩn bị ra xe và 5 giờ chiều thì về cơm nước, nghĩ ngơi. Hôm sau lại đi tới Chùa ở Tỉnh khác, không quay lại chỗ cũ. Cuối cùng là Cửa Ông ở Quảng Ninh. Trước khi quay về thì Đoàn ghé Đà Lạt, tham quan những ngôi Chùa ở đó và nghỉ ngơi trong 3 ngày mới về lại Thành Phố.
Thời nào thì Chùa vẫn là quần thể với kiến trúc đặc biệt, to nhất, đẹp nhất, chiếm nhiều đất nhất ở các địa phương. Lúc tôi đi tham quan thì Miền Bắc chưa có Chùa mới hoành tráng chiếm cả mấy chục mẫu đất và trang hoàng bằng những pho tượng đắt tiền như những Chùa do đại gia mới cất về sau này. Cũng không thấy những cảnh chen chúc đội sớ hay xin ấn mang màu sắc mê tín như thời này. Lễ Hội ở Đền Hùng hay Chùa Thầy cũng thấy người đông đen, phần lớn vẫn là giới trẻ, và họ đi Chùa chủ yếu là vảng cảnh, không phải là vì thành tâm mà đi lễ Phật !
Lúc đó chưa có cáp treo nên đi Chùa Hương thì sau khi đi đò qua Bến Đục, mỗi người mua một chiếc gậy tre để chống đi mấy cây số đường làm bằng những bậc thang bằng đá. Người đi vô, gặp người đi ra thì đều chào nhau A Di Đà Phật ! Bọn trẻ thì giễu cợt : A Di Đà Lạt rồi xúm nhau cười ! Đường thì xa xôi, qua đò, đi leo dốc hàng mấy cây số như vậy, nhưng tới Chùa chính thì thấy chỉ là một cái Động không to lắm, ai cũng cố thắp vài nén hương cắm vô lư hương nên khói nghi ngút, cay mắt, không thể đứng trong đó lâu vì ngột ngạt.
Đi Chùa Yên Tử thì xe đậu bên ngoài, phải đi bộ qua chín con suối, rồi leo dốc đường Tùng hàng mấy cây số mới đến Chùa Hoa Yên. Lúc đó tôi cũng chỉ đủ sức lên đến chùa Hoa Yên rồi trở ra, không dám leo lên đỉnh, may mà hành lý đã thuê người dân địa phương gánh cho. Họ là những phụ nữ tầm trên dưới 30 tuổi, rất khỏe, gánh thuê hành lý cho ba, bốn người bằng đòn gánh, họ xốc mỗi đầu 3, 4 gói hành lý cho cân rồi gánh trên vai mà leo dốc thoăng thoắt, trong khi tôi đi tay không mà mệt đứ đừ vì phải lên dốc, lại phải bước qua những rễ cây Tùng lâu năm bò ngang lối đi. Còn nhớ lúc đó có một vị Sư, sau khi leo tới tận Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử xuống thì tuyên bố “tưởng có gì để học hỏi, không ngờ chỉ thấy có một cái chuông nhỏ xíu và vài tảng đá” ! Truyền thuyết về cái chuông trên đỉnh Yên Tử thì có người trong đoàn nghe đồn rằng không ai được đánh cái chuông đó. Trời đang tạnh ráo mà nếu có người lỡ tò mò đánh chuông thì ngay lập tức mây sẽ kéo đến và sẽ làm mưa, làm cho đường đi xuống rất khó, nên ai cũng sợ, không dám động đến. Năm 2013 trên Chùa Yên Tử đã có một tượng đồng đúc hình Vua Trần Nhân Tông cao 12,6m được đúc từ 138 tấn đồng được đặt trên đỉnh Chùa Đồng ở độ cao 912m so với mặt nước biển.
Hiện nay Chùa Hương, Yên Tử đều có cáp treo, khách tham quan chỉ cần bỏ ra một số tiền là được đưa tới nơi, không còn phải cực khổ lội bộ hàng bao nhiêu cây số đường dốc nữa. Thời tôi đi tham quan thì chỉ mới có 2 Chùa bán vé tham quan. Đó là Chùa Tây Phương và Chùa Hương. Sau này nghe nói nhiều Chùa mới, rộng bao la, tạo cảnh quan đẹp. Có đại gia bỏ tiền ra mua viên Thiên Thạch mấy trăm ngàn đô ở nước ngoài về chưng bày để thu hút khách tham quan, vì họ đánh hơi nguồn thu phí mang lại lợi nhuận khổng lồ lại không phải thuế, nên bỏ tiền đầu tư cất Chùa để làm điểm du lịch Tâm Linh !
So với Miền Bắc thì những Chùa ở Châu Đốc tôi vừa tham quan do cất về sau này nên là kiến trúc mới, không cổ kính như Chùa ở Miền Bắc, bù lại, không những không thu phí mà mỗi Chùa còn có món đặc sản riêng để chiêu đãi khách tham quan.
Nhiều Chùa Miền Bắc có những phù điêu, nhưng cây cột, kèo chạm trổ tinh xảo và những pho tượng sơn son, thếp vàng xếp đầy trên bệ thờ. Điều tôi ngạc nhiên là từ lúc Chính Quyền về tay Cộng Sản - được xem là vô thần - mà những Chùa nổi tiếng như Chùa Tây Phương hay Chùa Trăm Gian, Chùa Keo...đã cất từ xưa đều vẫn tồn tại. Khuôn viên quanh chùa rộng rãi với tre trúc hay cây cổ thụ, không bị chiếm dụng. Mọi thứ đều còn nguyên vẻ cổ kính. Nhiều Chùa vẫn còn lưu giữ những kỷ vật có từ thời xa xưa, không bị tịch thu, cấm trưng bày hay cấm người dân tới tui cúng kiếng. Có điều nghe nói Sư trụ trì không thường xuyên có mặt ở Chùa, chỉ có mặt vào những ngày lễ để mở cửa cho các Phật tử lễ Phật thôi.
Lý do mọi người cất Chùa là vì ngưỡng mộ Phật qua lời của các nhà truyền Đạo. Các Giảng Sư theo những gì Kinh viết về Phật mà giảng rộng ra. Nào là Phật có thể “Cứu độ tam thiên đại thiên thế giới”. Phật thì “Từ Bi Hỉ Xả”, Ai niệm danh hiệu Phật thì “độc không hại được, lửa không cháy được” . Phật A Di Đà lại còn có Tây Phương Cực Lạc đầy dẫy bảy món châu báu mà người đời ham thích. Nếu ai có người thân sắp qua đời thì chỉ cần rước Thầy tới để tụng Kinh Vãng sanh thì “Phật A Di Đà và Thánh chúng sẽ đến để rước về Tây Phương Cực Lạc”. Mọi người không biết rằng dù những câu đó được trích từ Kinh, nhưng Đạo Phật dặn có Bốn điều cần phải Y theo. Một trong 4 điều đó là Y NGHĨA BẤT Y NGỮ. Vì “Y Kinh giải nghĩa tam thế Phật oan” (Cứ y theo lời Kinh mà giải nghĩa ra sẽ làm oan cho ba đời Phật!).
Tại sao Y Kinh giải nghĩa mà làm oan cho Ba Đời Phật?
Tại vì thời Phật tại thế ngôn ngữ chưa phong phú. Sự hiểu biết của con người cũng có giới hạn. Mọi người chỉ thấy những gì trước mắt, còn phần không có Tướng, mắt không nhìn thấy thì làm sao tả cho họ hiểu được, trong khi tu Phật là phải thấy CÁI TÂM để sửa chữa ở đó, nhưng Cái Tâm thì Vô Tướng làm sao tả được ?. Chính vì vậy mà Đức Phật phài dựng cảnh ra. Phải tả y như thấy trước mắt. Tả Cái Tâm như một Quốc độ, trong đó có Vua cha, có nhiều Thái Tử. Hoặc là tả một Nước Phật, trong đó có những Chúng Sinh còn nghĩ ác, hành ác. Có Bồ tát là những vị quan sát, nghe tiếng kêu của Chúng Sinh để giải cứu, đưa về Phật Quốc. Có Phật là những Chúng Sinh đã được Giải Thoát. Vì khó hiểu như vậy nên thời Đức Phật giảng Pháp đến mấy mươi năm mà chỉ có Ngài Ca Diếp Chứng Đắc được Phật Truyền Y bát để nắm giữ, phát huy Đạo Pháp và thống lãnh Tăng chúng khi Ngải nhập diệt.
Qua bao nhiêu đời Tổ tiếp tục khai sáng. Ngôn ngữ cũng phong phú hơn, con người cũng tiến bộ hơn nên những gì được viết trong Kinh, người xưa không hiểu nên cho là “xa kín nhiệm sâu” cũng được giải thích rõ ràng hơn, vì Đạo Phật ngày xưa vận dụng nhiều phương tiện nên có vẻ huyền bí, khó hiểu. Đến thời này, thì chúng ta biết rằng, theo Đức Thích Ca, cuộc sống con người là hữu hạn, lẽ ra mọi người phải được sống trong an vui, hạnh phúc, nhưng lại phải khổ sở vì Chấp Lầm, rồi đưa ra hành động gọi là Gây Nhân, để rồi không chỉ kiếp sống hiện tại, mà vô lượng kiếp về sau lại tiếp tục Khổ do cái Nhân đã thành Quả, phải nhận lấy. Cái Chấp Lầm đó là : Cái Thân Giả mà cho là Thật. Không phải Mình mà cho là Mình. Vì vậy mà phải đau khổ, phiền não. Tất cả những cái Chấp Lầm đó xuất phát từ Cái Tâm đã bị ô nhiễm, còn gọi là Vọng Tâm. Tu hành theo Đạo Phật, muốn đạt kết quả thì chỉ cẩn TIM TÂM - THẤY TÂM - TU TÂM là xong. Hoặc chỉ cần phân biệt đâu là Vọng Tâm, đâu là Chân Tâm, rồi “phản Vọng, quy Chân” là chấm dứt cái Khổ, hoàn thành công việc tu hành. Đó là những gì cần Hiểu, cần Hành khi vào Tu Phật, không cần phải cạo tóc, đắp y, hình tướng trang nghiêm.
Có lẽ mọi người cũng đồng ý là không phải ai đi học cũng tốt nghiệp. Không phải ai đi tu cũng chứng đắc, cũng thông hiểu và áp dụng đúng lời Phật dạy. Chính vì vậy mà Đức Thích Ca biết trước sẽ có ngày Giáo Pháp của Ngài sẽ bị “Những con trùng trong thân sư tử, ăn thịt sư tử”, tức là chính những Đệ tử của Ngài sẽ phá hoại Giáo pháp của Ngài. Vì thế, Ngài đã đề phòng bằng việc Truyền Y bát cho Đức Ca Diếp. Việc Truyền Y bát có nghĩa là chỉ những người đã Chứng Đắc, Thấy Tánh, nắm vững Đạo Phật và cách thức hành trì để đạt kết quả mới được quyền giảng Pháp. Nhưng chỉ sau khi Phật nhập diệt chừng 100 năm, thì Tăng Đoàn đã chia ra làm hai phái : Đại Thừa, và Tiểu Thừa. Đại Thừa vẫn tiếp tục việc Truyền Y Bát, cho đến đời Tổ thứ 33 là Lục Tổ Huệ Năng thì chấm dứt.
Từ khi Y Bát mất dấu thì mạnh ai nấy giảng. Tu Sĩ cứ vào tu một thời gian, được người thầy đi trước truyền cho mớ kiến thức. Hiểu nhiều, hiểu ít, học được một số nghi thức là mở ra giảng Pháp. Người đời làm sao phân biệt được ? vì thế, có bao nhiêu Phật, Bồ Tát được đề cập đến trong Kinh thì cứ mang hết ra, theo mô tả trong đó để tạc thành Tượng rồi kêu bá tánh hương khói để cầu xin phù hộ ! Rồi cứ thế truyền nhau, đời nọ nối tiếp đời kia....Hậu quả là cho đến nay, hầu hết Phật Tử đều tin rằng Phật là Thần linh, có quyền “cứu khổ cứu nạn”. Như Lai Phật Tổ thần thông quảng đại, quyền lực bao trùm khắp vũ trụ, cầm nắm vận mạng của tất cả. Chư Bồ Tát là những sử giả của Phật luôn theo dõi chúng sinh để cứu độ !.
Theo tham khảo trên google thì Việt Nam ta có khoảng hơn 14.000 ngôi Chùa chính thức. Lực lượng Tăng Ni là hơn 50.000 vị. Chưa kể những Tịnh Xá của những người tự tu nằm ngoài hệ thống Chùa !
Trong khi Giáo Pháp của Đại Thừa và Tiểu Thừa đều ghi rõ : “Phật không phải là Thần Linh, là một người bình thường như tất cả chúng ta, chỉ nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được giải thoát”, thì hầu hết Chùa đều truyền bá niềm tin : “PHẬT, Bồ Tát là những vị Thần Linh, có toàn quyền ban ân, giáng phúc, cứu độ chúng sinh”. Chùa nào cũng dạy cho bá tánh trông cậy vào Phật. Với người sống thì Cầu An, người chết thì Cầu Siêu. Người sắp qua đời thì ruớc Thầy đến để tụng Kinh Vãng Sanh để “Phật và Thánh Chúng đến rước về Tây Phương Cực Lạc” ! Chúng ta nghĩ sao ? Chẳng lẽ có người cả đời làm ác, mà khi gần chết chỉ cần rước Thầy tụng Kinh vài thời Kinh là Phật sẽ đến rước về Tây Phương Cực Lạc ? Như vậy chẳng phải là phủ nhận Luật Nhân Quả hay sao ?
Ngoài truyền bá cái hiểu sai về Đạo Phật, những nhà truyền giáo đã tách Tín Đồ Phật Giáo ra làm hai giới riêng biệt: Giới Tu Sĩ và Giới Cư sĩ. Tu Sĩ thì nhiều người tìm lên non cao, động vắng xa lánh thế nhân. Hoặc bỏ gia đình, bỏ hết việc đời, vô Chùa, núp sau cửa chùa tôn nghiêm, cách ly với xã hội, để tu hành và hướng dẫn cho bá tánh cũng như đại diện để chuyển lời cầu xin của mọi người đến Phật. Cư Sĩ có nhiệm vụ cung dưỡng mọi thứ cho Tu Sĩ an tâm mà tu tập.
Ở những nước mà Đạo Phật phát triển, Tu Sĩ được kính trọng một cách đặc biệt, cúng dường hậu hĩ, nên sinh ra một số tu sĩ trở thành những quan lại trong giới tu hành. Trụ trì Chùa Vạn Phật Thái Lan, ngoài cất Chùa cả tỷ đô la, làm cả ngàn tượng Phật thếp vàng, còn lợi dụng cửa Phật để kinh doanh, rửa tiền, nên đã bị Cảnh sát truy nã về nhiều tội danh, tới nay hình như vẫn chưa bắt được. Thái Lan cũng có Sư toàn xài hàng hiệu, có cả mấy chục xe Mercedes, có nhà ở Mỹ, đã bị dẫn độ về Thái Lan và bị kết án tù. Ở Đài Loan thì Chùa của Sư Thích Vĩnh Tính còn hơn khách sạn 5 sao. Bồ đoàn làm bằng gấm đắt tiền, có phòng tắm Sauna cho các sư thư giãn. Sư đi khất thực bằng xe Mercedes ! Sư bên ta thì Chùa giàu các Sư ở phòng có gắn máy lạnh, dùng điện thoại đời mới, di chuyển bằng xe đắt tiền, ra đường là tiền hô, hậu ủng...Trong 50.000 Tu Sĩ chính thức. Số Sư có thể giảng pháp đếm trên đầu ngón tay. Số còn lại làm gì ?
Thời xưa thì chưa có đầy đủ sách vở, tài liệu để tham khảo, Phật Tử chỉ cần nghe giảng dạy rồi tin. Nhưng thời này rồi, tài liệu, sách Kinh không thiếu, lẽ ra Phật Tử không nên khoán trắng việc tu hành hay tìm hiểu Đạo Phật cho Tu Sĩ học rồi giảng lại cho nghe, mà nên tự tìm để có cái hiểu cho riêng mình. Chịu khó tham khảo Kinh sách để tìm hiểu về Đạo Phật chúng ta sẽ thấy :
- Đạo Phật không phải là Tôn Giáo dạy Thờ Phật, mà là một giáo trình để đào tạo con người, giúp cho con người Cải Ác, Hành Thiện để hiện kiếp và những kiếp về sau không bị rơi vào Ác Đạo.
- “Thành Phật” chỉ là “thành tựu con đường Giải khổ” cho bản thân người hành trì. Có đến Tam Thế Phật, tức là thời xưa đã có người tu hành, thành tựu. Hiện đời và tương lai cũng có người tu hành thành tựu. Không phải chỉ mình Đức Thích Ca Thành Phật, mà tất cả mọi người đều có thể Thành Phật như Ngài.
- Mỗi người phải tự hành trì để Tự Độ. Phật không thể Độ giùm cho người khác, dù đó là cha mẹ, anh, chị em ruột. Em Phật là A Nan, và con ruột Ngài là La Hầu La cũng phải tự tu để tự độ. Bản thân Phật cũng chết, cũng trà tỳ. Cha mẹ Ngài, vợ con và tất cả dòng họ của Phật cũng chết thì làm sao cứu cho chúng ta khỏi bệnh, khỏi chết mà cầu xin Phật cứu cho ta ? Nếu Phật cứu được thì Đạo Phật trở thành Đạo “Độ tha”, đâu còn gọi là ‘Tự độ” nữa !
- Đạo Phật không dạy người tu bỏ đời, vô Chùa tu hành để chờ về Tây Phương Cực Lạc. Trái lại, vì con người quá cố chấp nên Phật phải vận dụng mọi phương tiện để giáo hóa. Hoặc đe dọa Ba Đường dưới, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, hoặc hứa hẹn cảnh giới tốt đẹp để giúp họ hoặc sợ, hoặc ham thích mà ngưng tạo Ác Nghiệp, trái lại tạo nghiệp thiện và gúp đỡ nhau, để tất cả mọi người đều được an vui, hạnh phúc trong kiếp sống. Đạo Phật còn rất thực tế khi dặn dò người tu khi hoàn thành xong cho mình thì phải đền TỨ ÂN, tức phải trả Hiếu cho ông bà, Cha, mẹ. Trả Ân cho đất nước đã cưu mang. Ân của Thầy, của Phật đã giáo hóa. Ân của tất cả mọi người trong xã hội đã tạo ra hột lúa, ngọn rau và những thứ mà chúng ta dùng hàng ngày. Đọc 32 Tướng Tốt của Phật ta sẽ thấy đó không phải là những Tướng để Phật Tử tạc thành tượng mà Thờ, mà nói rằng mỗi Tướng là kết quả cư xử với Ông, bà, cha, mẹ, thầy, bạn và mọi người chung quanh. Giữ Giới và làm những việc Thiện. Người tu hành thành công là người vẫn ở giữa đời thường mà không bị phiền não nhiễu hại. Đó là lý do mà Đạo Phật dùng hình ảnh Hoa Sen làm biểu tượng, vì Hoa Sen : “Sống giữa bùn mà vẫn thanh khiết, không bị nhiễm mùi bùn”. Cũng giống như người tu Phật “Sống giữa thế gian mà không bị thế gian làm cho phiền não”. Như vậy, nếu chúng ta bỏ đời, vô Chùa, không làm gì hết - kể cả việc nuôi sống bản thân cũng giao cho người khác - thì đền Tứ Ân cách nào ? Phật đâu có phải là thần Linh để chúng ta cầu xin ban phúc cho thí chủ để đền đáp ?
- Tổ Đạt Ma dạy “Phật tại Tâm”, “Tức Tâm tức Phật” , “Muốn tìm Phật thà tìm Tâm”, nhưng đa phần chùa chiền hiện nay không hướng dẫn cho bá tánh quay vào Tâm để tìm Phật, mà cứ quay ra, lo cất Chùa to, dựng tượng Phật cho lớn để cạnh tranh với các nước trong khu vực !
- Phật dạy : “Tất cả Chúng Sinh là Phật sẽ thành” , thì chỉ lo tôn vinh, phụng sự cho Phật quá khứ mà không giúp những vị “Phật sẽ thành” bằng cách tập trung sức người, sức của để xây dựng phát triển đất nước. Giúp cho những hoàn cảnh khó khăn để họ có điều kiện vươn lên, bớt khổ ? Giúp cho những học trò nghèo có điều kiện để học hành, tương lai có thể tự lo cho bản thân và giúp ích cho xã hội. Xây cất Bệnh Viện. Làm những con đường để người dân tiện lưu thông, làm ăn kiếm sống. Đào tạo nhân tài để góp phần phát triển đất nước ? Đó là gây tạo Nhân Quả một cách thiết thực mà người Phương Tây nhờ không mê tín nên đi đúng quỹ đạo. Họ bỏ công sức, đầu tư tiền bạc, thời gian để nghiên cứu, phát triển khoa học kỹ thuật để phục vụ xã hội, phục vụ con người, nên đất nước họ phồn thịnh. Dân trí cao. Kinh tế phát triển. Đời sống người dân ở mức cao. Trong khi đó, những nước mà Đạo Phật phát triển thì Phật Tử chỉ biết Thờ Phật và cầu xin ! Họ được khuyến khích dồn tiền bạc, tài lực để xây Chùa, đúc tượng ! Kết quả là chỉ có Chùa Chiền là phát triển mạnh, ngày càng cất thêm, bề thế, trang hoàng bằng những vật dụng quý nhất, đắt tiền nhất ! Trong khi đó, đời sống dân chúng trì trệ, nghèo nàn, lạc hậu ! Nhiều người đã thấy và đã đặt câu hỏi, thì được trả lời là “nước Nhật cũng theo Đạo Phật mà khoa học, văn minh tiến bộ vượt bậc” ! Họ quên là trong số những người làm vực dậy nền kinh tế, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để làm cho đời sống con người tốt đẹp hơn trên khắp thế giới không hề có bóng dáng của Sư, Tăng hay những người tu hành. Bởi họ đã bỏ đời, cả kiếp sống chỉ dành để tụng Kinh, Niệm Phật, chỉ nghĩ đến Phật. Nghĩ gì ngoài Phật thì cho là Thất Niệm ! Do đó, chỉ những người sống giữa cuộc đời, yêu người, yêu đời, thiết tha với cuộc sống, mới tìm cách để giúp cải thiện cho con người, cho cuộc đời mà thôi. Những người đó dù chưa một ngày đọc kinh, nhưng lại là những Chân Bồ Tát cứu độ chúng sinh thực tế và hữu hiệu nhất, đúng theo tinh thần của Đạo Phật chân chính.
Bản chất con người vốn tham lam, ích kỷ. Sở dĩ họ sẵn sàng không tiếc tiền của, công sức để cất những ngôi Chùa hoành tráng, vì tin rằng Phật là Thần Linh, sẽ xét công sức, tiền bạc mà mình đã đóng góp để hộ trì cho mình. Nếu họ biết sự thật là Phật không phải là Thần Linh, không có quyền năng để cứu khổ, ban vui, đổi xấu, lấy tốt cho ai, thì chắc chắn rằng không đời nào họ chịu bỏ tiền ra, huống chi là còn dát vàng, dát bạc, đúc những pho tượng ngày càng to để tôn vinh Phật và còn phải cung dưỡng cho Sư Tăng đời nọ sang đời kia ! Chúng ta nghĩ sao khi Phật thật sự không có quyền phép để cứu độ cho ai mà gần 3.000 năm qua, những Phật Tử trên khắp thế giới đã bỏ ra biết bao nhiêu tiền của để xây những ngôi Chùa, tạc những Tượng Phật càng lúc càng to ? Rồi bao nhiêu thế hệ qua, có biết bao nhiêu thanh niên, tuổi còn trẻ, lẽ ra có thể đóng góp tài, sức cho quê hương, cho đất nước thì vô Chùa, giam mình sau cánh cửa Chùa đến hết một đời vì nghĩ là hy sinh cuộc đời để phụng sự cho Phật ? Ai chịu trách nhiệm cho sự thiệt thòi về người, về công sức, tiền bạc của bá tánh ?
Một phần cũng phải trách Phật Tử, vì Đạo Phật dạy VĂN-TƯ-TU. Khi nghe điều gì thì nên tư duy cho rõ ý nghĩa thật sự rồi mới thực hành. Nhưng hầu hết Phật Tử chỉ nghe và tin những gì được giảng dạy ! Trách sao lực lượng tu sĩ ngày càng đông mà đa phần chỉ quảng bá quyền năng, sự linh thiêng của Phật rồi kêu gọi xây thêm Chùa, đúc thêm tượng, tổ chức những lễ hội linh đình, thả cá, thả hoa đăng..tốn kém tiền bạc của bá tánh mà thôi. Cũng không thấy trường Phật Học nào đào tạo bậc Giác Ngộ, chỉ thấy đào tạo Giảng Sư ! Tổ Đạt Ma dạy trong Sáu Cửa Vào Động Thiểu Thất : “Nếu không Thấy Tánh thì dầu nói giỏi Mười hai Bộ Kinh vẫn là ma nói. Đó là hàng bà con của ma, chẳng phải học trò của Nhà Phật” !
Phật là sự Giải Thoát ở trong Tâm của mỗi người, nên gọi là Phật Tại Tâm. Phật không có ở trong Chùa. Tượng, không phải là Phật. Như Lai có nghĩa là miễn nhiễm với các pháp. “Các Pháp đến, đi đều không động”, hay còn gọi là “Các Pháp đều Như” đối với hành giả. Đó là kết quả của người tu hành, nhờ công năng tu tập mà không còn bị các pháp Khổ, Vui, vùi dập, gọi là “thoát pháp”. Đó là sự thực chứng trong nội tâm của người đạt được, không thể “thấy” bằng mắt, vì không phải là tượng Phật Tổ Như Lai được đúc bằng đồng hay chất liệu khác. Do đó, người dùng con mắt để Thấy, dùng âm thanh đọc tụng Kinh để cầu xin Như Lai phù hộ thì đó là người hành tà đạo, không phải là Phật Tử chân chính.
Con người đã tạo ra Tượng, muốn bê đi đâu, muốn đặt ở đâu cũng được. Muốn tạc bằng chất liệu gì ? lớn hay nhỏ tùy ý, thì có phép gì để phù hộ cho ai mà thắp hương van vái, cầu xin ? Người không hiểu mới bái lạy những sản phẩm vô tri do con người chạm, khắc, đẽo, gọt, đúc, tạc.. ra ! Ngay cả Phật còn không phù hộ được cho ai thì Tượng làm sao có quyền năng đó ?
Chúng ta đành phải chấp nhận sự tồn tại của những Chùa đã cất từ xưa. Nhưng chỉ nên để một số vị đã có tuổi ở để giữ gìn, xem như những di tích. Vì con số hơn 14.000 Chùa chính thức không phải là ít, mà Chánh Pháp vẫn không được phổ biến, trái lại càng phí phạm nguồn nhân lực để đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Tu chỉ có nghĩa là Sửa, là “Cải Ác, hành Thiện” để bản thân người tu được nhờ, không phải đi tu là để phụng sự cho Phật hay để học Đạo rồi giảng cho bá tánh như quan niệm sai lầm từ xưa. Phật không phải là Thần Linh, không phù hộ được cho bá tánh thì việc Cất Chùa để Thờ Phật, và nhang khói Cầu An, Cầu Siêu chỉ là sản phẩm của những Tu Sĩ thiếu hiểu biết hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của Phật Tử mà thôi.
Phật nhập diệt đã gần 3.000 năm, không cần ai phải phụng sự. Xin đừng lợi dụng danh nghĩa Phật, lập khu du lịch Tâm Linh rồi phá rừng, bạt núi làm cho người dân quanh vùng phải khốn đốn vì mùa mưa đến không còn rừng để giữ nước gây lũ lụt tràn lan. Người chết, vật chết, tài sản gây dựng, tích góp một đời bị cuốn trôi theo cơn lũ ! Chắc chắn Phật không thể vui khi thấy chúng ta lợi dụng Ngài để được lợi cho bản thân mà làm tổn hại bao nhiêu người khác ! Nhiều lớp thanh niên trẻ, đang sức khỏe, có tài, trí, có thể đóng góp cho đất nước, lại bỏ hết mọi việc vô Chùa để tu, bỏ cuộc đời mặc cho người khác xây dựng hay phá hoại ! Núp sau cửa chùa để tìm an ổn, lại cho là mình đã “Thoát tục” ! Cái nghịch lý là các vị chê thế gian là “uế trược”, Chê người đời là “còn ở trong vòng tục lụy”, nhưng hàng ngày vẫn dùng mọi sản phẩm do những người tục lụy cung cấp ! Xem tranh Chăn Trâu ta sẽ thấy, việc tu hành là “điều phục con Trâu”, để sau đó chủ trâu thỏng tay vào chợ, vì trâu không còn phá phách nữa. Không phải né chợ, cột trâu lại, hoặc dắt trâu lên núi tránh xa người đời ! Chưa hiểu hết ý nghĩa của việc tu hành thì dù tu ở đâu ? Giữ Giới kiên cố bao nhiêu ? Hành trì bao nhiêu năm cũng không thể thành công được.
Khi người Phật Tử sáng suốt, không còn mê tín, không còn tin vào những điều mơ hồ, không cầu xin vu vơ, không cầu xin người không thể cho...thì cũng là lúc Chánh Pháp hiển lộ để Đạo Phật chân chính không còn bị mang tiếng oan. Chúng ta nghĩ sao khi xưng mình là Phật Tử ? Phật Tử tức Con của Phật. Con Phật thì phải nối nghiệp cha, tức là Làm Phật, sao lại thích làm những “Gã cùng tử” suốt ngày lễ bái, cầu xin, để bị tà sư lợi dụng làm hao tốn của cải, tiền bạc ? Đã mất tiền mua vé vô tham quan còn phải lạy tượng vợ của đại gia được đúc to để trong Chùa, đặt ngang hàng với tượng Phật !
Đạo Phật là Đạo Nhân Quả, mà Nhân Quả thì không có người cầm nắm. Do đó, không Thần Linh, Trời, Phật nào có thể can thiệp để làm giảm nhẹ hay thay đổi cái Nghiệp mà mỗi người đã tạo ra. Luật Nhân Quả đã đưa con người vượt qua khỏi sự khống chế của Thần Linh, Thượng Đế, của những thế lực vô hình do con người thời ánh sáng khoa học chưa soi rọi tới đã tưởng tượng ra. Vậy mà có một số người, trong màu áo đệ tử Phật mà thiếu hiểu biết đã lái con người trở về với Thần Quyền, mê tín ! Thay những vị Thần Linh bằng Phật, rồi thuyết giảng để mọi người tin tưởng, tôn thờ, cúng kiến cầu xin ! Thay vì bất cứ ai, bất cứ hoàn cảnh nào đều cũng có thể tu hành Giải Thoát được thì buộc người muốn tu phải rời bỏ cha mẹ, không được có gia đình, phải sống đời độc thân, cho là như thế mới thanh tịnh, mới chứng đắc được ! Và rồi bao nhiêu thế hệ qua, Chùa đã đào tạo được bao nhiêu vị Chứng Đắc sao không hề nghe nói đến ? Trái lại, do cuộc sống tu hành quá nhàn hạ, mọi thứ đã có bá tánh lo, nên những kẻ lười biếng cũng “Xuất Gia đầu Phật” ! Hậu quả là một số có cuộc sống bê bối, nước ngoài, nước ta cũng có, thỉnh thoảng báo chí đưa tin, làm ô danh tu sĩ nhà Phật !
- Đức Thích Ca không hề dành độc quyền Thành Phật, chính Ngài đã Thọ Ký : “Ta là Phật đã thành, tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, thì nhiều người đã biến Ngài thành ngôi vị độc tôn, biến Đạo Phật từ Con Đường Giải Thoát thành một Tôn Giáo Thần Quyền, thờ Đức Thích Ca là Giáo Chủ như những tôn giáo Thần Quyền khác.
- Đạo Phật dạy mọi người nương Giáo Pháp mà Phật đã hướng dẫn rồi hành trì để Tự Độ,thì Phật Tử lại được dạy cầu xin Phật để “được Độ” !
So với Con Đường Giải Thoát mà Đức Thích Ca giảng dạy được Chư Vị Giác Ngộ ghi lại trong Chính Kinh, và những gì Phật Tử hiểu, hành như hiện nay,
thì Đạo Phật đã bị hiểu sai quá nhiều nếu không muốn nói là hoàn toàn ngược lại. Qua đó, chúng ta không khỏi hoang mang :
Liệu những người tự cho mình có trách nhiệm truyền Đạo có phải là Chân Đệ Tử của Phật, đang “hoằng dương Chánh Pháp”
của Phật, hay là “những con trùng trong thân Sư Tử, ăn thịt Sư Tử” qua sắc áo Đệ tử nhà Phật ?
Tháng 4/2021