Đ ề tài trên do từ lời trước đây của Học giả Phạm Quỳnh, nguyên văn đầy đủ như sau : ‘’Truyện Kiều còn, tiếng ta còn ; tiếng ta còn, nước ta còn’’ . Câu văn gồm hai vế, mỗi vế 6 từ. Lẽ ra nên gọi đúng theo nhan đề Nguyễn Du đã đặt cho tác phẫm phóng tác của mình là ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ vì chủ ý của Nguyễn Du muốn mượn qua câu truyện thương tâm để nói về mặt tư tưởng. Nơi đây, xin theo lối gọi thông thường ‘Truyện Kiều’ nên chỉ bàn về vế thứ nhất nói lên mối quan hệ giữa Truyện Kiều với ngôn ngữ dân tộc Việt Nam ta. Cả vế nầy muốn nhấn mạnh rằng : ‘’Truyên Kiều còn được nhân dân ta trân trọng giữ gìn, yêu quí, tôn trọng, học hỏi, gắn bó thì tiếng nói của dân tộc ta còn nghĩa là trường tồn miên viễn ; ngược lại, phũ nhận Truyện Kiều, không còn tha thiết với truyện Kiều là ta tự đánh mất tiếng nói Việt Nam nơi ta và đánh mất luôn tiếng nói của dân tộc’’. Lời khẳng định nầy đưa dẫn đến khẳng định thứ hai nơi vế sau : ‘’sự tồn vong của tiếng nói (ngôn ngữ) quan hệ mật thiết đến sự tồn vong của dân tộc’.
‘Truyện Kiều’ là một kiệt tác, một ‘siêu tác phẫm’ của nền Văn học Việt Nam trước nay vì vượt trên các tác phẫm khác về nhiều phương diện. Truyện được dịch sang nhiều thứ tiếng trên thế giới và Nguyễn Du được UNESCO công nhận là ‘một trong số các thi sĩ lớn nhất của nhân loại’. Giới trí thức, học giả VN đã viết khá nhiều về tác phẫm nầy từ ngày tác phẫm ra đời nhưng chưa một ai khẳng định như Phạm Quỳnh. Theo Phạm Quỳnh, ‘Truyện Kiều là tiêu biểu cho tiếng nói của dân tộc, mang chở tiếng nói của dân tộc hay chính là Tiếng Nói của Dân Tộc, đến nỗi Truyện Kiều không còn thì dân tộc ta cũng mất luôn tiếng nói’. Qua tác phẫm của Nguyễn Du, ta hãy chứng minh ý kiến của học giả.
1.- Trước tiên, Truyện Kiều được viết bằng văn Nôm : Từ xa xưa, từ thời vua Hùng dựng nước, dù chưa có chữ viết, dân tộc ta đã có một Tiếng Nói riêng của mình, đấy là Tiếng Nôm không giống với tiếng nói dân tộc nào khác. Người VN từ ngày đó đã nói, đã truyền đạt cho nhau mọi điều qua ‘giọng nôm’ của mình, cho mãi đến nay và mãi mãi về sau. Dù trên ngàn năm bị người Tàu đô hộ, muốn đồng hóa dân ta theo chúng, bắt dân ta phải học, phải nói theo tiếng Tàu thì giọng người Việt vẫn là giọng nôm, bằng cớ là tiếng Hán được Việt hóa thành tiếng Hán Việt và đọc theo giọng Việt. Dù giới sĩ phu, quan lại có phải học, phải dùng tiếng Hán thì tuyệt đại đa số nhân dân vẫn nói tiếng Việt theo giọng Việt của mình. Nguyễn Du là nhà nho học, tuy có làm thơ chữ Hán nhưng đã viết Truyện Kiều bằng văn Nôm. Không như bao sĩ phu khác dùng tiếng Hán, Nguyễn Du trung thành với tiếng Nôm, giọng Nôm của dân tộc, không mắc phải cái bệnh của bao sĩ phu từng cho tiếng Nôm là ‘nôm na mách qué’, thứ tiếng tầm thường, thô tục, không xứng với ngôn ngữ lịch sự, văn vẻ, không thích ứng với lối nói văn chương. Trong suốt tác phẫm, Nguyễn Du đã đưa Tiếng Nôm lên hàng Văn chương trong sáng, giản dị nhưng phong phú, giàu đẹp chẳng thua gì tiếng Hán. Tuy đôi lúc có bắt buộc phải dùng đôi tiếng Hán nhưng đấy cũng là những tiếng Hán đã được Việt hóa thông dụng và phổ biến nơi dân gian. Qua một số ấn bản về sau, một số từ Nôm có bị thay đổi không còn đúng theo từ nôm tác giả đã dùng trong nguyên bản lúc đầu nhưng nhìn chung vẫn là từ nôm thông dụng (Nhiều học giả đã hiệu đính một số từ Nôm trong các ấn bản sau cho đúng theo nguyên tác của Nguyễn Du như Lê Hữu Mục chẳng hạn nhưng điều nầy không nằm trong chủ đề bài viết nầy). Ngay trong câu đầu và câu cuối của truyện, Nguyễn Du đã dùng tiếng Nôm một cách tài tình. Còn biết bao nhiêu câu, bao nhiêu từ đều thuần túy tiếng Việt (tiếng Nôm) rất bình dị, thông thường nhưng vô cùng súc tích, thơ mộng, bóng bẩy, đẹp lung linh, óng ả, mĩ miều, diễn tả bao ý tình, tư tưởng sâu xa, kín đáo. Xin dẫn chứng đôi câu, đôi từ tiêu biểu :
-Dùng dằng nửa ở nửa về
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần
-Lỡ từ lạc bước bước ra
Tấm thân liệu những từ nhà liệu đi
-Vầng trăng ai xẻ làm đôi
Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường
-Đánh tranh giụm nóc thảo đường
Một gian nước biếc mây vàng chia đôi….
-Thà rằng liều một thân con
Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây…
Nguyễn Du là một sĩ phu, dòng dõi quan quyền suốt bao đời nhưng nơi ông, tính nghệ sĩ và tính dân giả theo nhau trong cuộc sống, trong cảm xúc, trong suy tư. Nguyễn Du viết Truyện Kiều không riêng với vốn liếng uyên bác của mình mà với tất cả tâm trạng của ‘con người quần chúng’ giản dị, đơn sơ, mộc mạc, hiền hòa, chất phác, lương hảo trước bao bất trắc của cuộc sống, trước bao biến đổi thương đau của cuộc đời. Nguyễn Du, qua cuộc sống lao đao của mình, qua bản chất nghệ sĩ nhân bản nơi mình, đã tiếp xúc với mọi tầng lớp dân chúng, sống với họ, thân thiết với họ nên tâm trạng của ông cũng là tâm trạng quần chúng trong giai đoạn lịch sử dẫy đầy bất trắc của đất nước. Là con người hào hoa, ông lui tới với mọi sinh hoạt của quần chúng nhân dân, những cô ả đào, những lớp người nghèo khổ, những hội hè đình đám,…thuộc lòng những câu hát, câu hò, những lời dân ca, ca dao, những lối nói mộc mạc, hồn nhiên, tình tứ, những lời than, tiếng khổ của nhân dân. Ngôn ngữ Truyện Kiều chính là Tiếng Nói của đại chúng bình dân trong xã hội VN thời đó cũng như thời nay và mãi mãi sau nầy. Vì thế ‘Truyện Kiều còn, Tiếng ta còn’ vì qua Truyện Kiều, ta sống với dân ta, ta nói tiếng nói của dân ta.
2.- Truyện Kiều được viết theo thể thơ Lục Bát : Người Việt chúng ta có hai thể thơ ‘Lục Bát’ và ‘Song Thất Lục Bát’ hầu như không một dân tộc nào có (không rõ những dân tộc lân cận với ta như Ai Lao, Cam-Bốt, Miến Điện, Thái Lan, Nam Dương, có hai thể loại thơ nầy không, người viết không rõ). Người Trung Hoa không có hai thể thơ nầy (điều lạ là người VN có thể làm thơ theo các thể thơ Trung Hoa trong lúc người Trung Hoa không thể ‘bắt chước’ hai thể thơ nầy của VN). Truyện Kiều là một trường thiên tiểu thuyết viết bằng thể thơ Lục Bát riêng biệt của dân tộc.
*Lục Bát là thể thơ dân gian : Lục Bát là thể thơ từng cặp hai câu, một câu sáu tiếng, tiếp theo câu tám tiếng. Bài thơ có thể chỉ hai câu cũng đầy đủ ý nghĩa (như trong một số câu tục ngữ hay ca dao : ‘Bầu ơi ! thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn’ ,…) nhưng cũng có thể kéo dài đến bao nhiêu cũng được tùy theo nội dung được diễn đạt và tùy theo tác giả. Lục Bát là thể thơ rất uyển chuyển và rất phổ biến không chỉ riêng nơi giới trí thức và nghệ sĩ mà ngay nơi giới bình dân dù thuộc nghành nghề nào. Hầu như người VN nào từ xa xưa đến nay cũng có thể làm hay ứng khẩu một đôi câu Lục Bát khá hay và khá sâu sắc (những câu ca dao là chứng minh). Khởi đi từ những lối ‘nói lối, nói vè’, dân tộc ta dần dần thiết lập lối Lục Bát, hình thành qua ca dao, dân ca, để trở thành thể thơ hoàn chỉnh, tiết tấu nhịp nhàng, âm vận uyển chuyển phù hợp với cuộc sống thiên về cảm tính của người VN, diễn tả đủ mọi sắc thái của tâm hồn con người VN bất kỳ trong tình huống nào, tâm trạng nào, đối diện với người, với sự, với cảnh, với việc. Nguyễn Du đã sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ dân tộc nầy trong miêu tả, trong thuật sự, cả trong diễn giải, lập luận, minh họa sinh động mọi đặc điểm, mọi nét vẻ, mọi thái độ, mọi cảm xúc, mọi ý tình, trạng huống của của người, của cảnh, của việc. Không cần trích dẫn nhiều, chỉ đôi câu miêu tả ngoại diện Tú Bà, chủ động mãi dâm và đôi câu nói về tính nết Hoạn Thư, đủ cho thấy cái ‘tinh tế’ của Tiếng Nói VN qua lối Lục Bát nầy : gọn nhẹ, cô đọng, súc tích, đầy đủ :
Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao !
-Ở ăn thì nết cũng hay
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Do viết bằng thơ Lục Bát, thể thơ đặc thù của dân tộc nên ‘Truyện Kiều còn thì Tiếng ta còn’.
* Về mặt ngữ học, thể thơ Lục Bát nói lên được tính cách phong phú của ngôn ngữ Việt Nam. Theo các nhà Ngữ học, ngôn ngữ VN là ngôn ngữ độc âm. Mỗi tiếng, mỗi từ là một ‘âm tiết’ tức một đơn vị ngữ âm (đơn vị lời nói được phát ra) đồng thời là một đơn vị ngữ pháp trong cấu trúc của lời (parole), của câu (phrase). Mỗi âm tiết (mỗi tiếng), mỗi từ VN gồm hai bộ phận : bộ phần ‘phụ âm đầu’ đứng trước mỗi từ và bộ phận ‘vần’ đứng sau các phụ âm đầu (ngoại trừ những từ không có bộ phận ‘phụ âm đầu’ như : ăn, ở, ích, ơi,…) . Sự hoán chuyển hai bộ phận nầy cũng như hoán chuyển dấu thanh giữa hai tiếng đưa đến ý nghĩa khác nhau như : ‘có không’, hoán chuyển cả phụ âm đầu và dấu thanh sẽ là ‘công khó’. Ngôn ngữ VN giàu đẹp một phần do sự hoán chuyển nầy (do hoán chuyển nầy, ta thường có cách ‘nói lái’ như : Chính phủ=chú phỉnh, chiến khu= chú khiên, kháng chiến= khiến chán,…). Ngoài ra, các từ ‘lấp láy’ như ‘lanh chanh, khúc khuỷu, lướt thướt, luộm thuộm, ngã ngớn, la cà, cỏn con, cuống cuồng, lửng thửng,…’ vừa diễn tả sinh động tính cách của sự vật, sự việc và sắc thái tình tự cùng dễ ăn vần với nhau giữa các câu thơ. Ta gặp trong Truyện Kiều vô số từ lấp láy : la đà, nao nao, nho nhỏ, khúc khuỷu, gập ghềnh, sè sè, dàu dàu,…, điều nầy không riêng của Nguyễn Du mà do tính chất ‘bản nhiên’ của Tiếng Nói VN. Do điều nầy nên ‘Truyện Kiều còn, Tiếng ta còn’ vì Truyện Kiều gìn giữ được tất cả sắc thái của ngôn ngữ VN.
*Về mặt Thi luật, thể Lục Bát cũng tiêu biểu sắc thái riêng biệt của ngôn ngữ VN. Thơ Lục Bát gồm cả ‘cước vận’ và ‘yêu vận’. ‘Cước vận’ là vần ăn nhau ở cuối câu, không chỉ riêng nơi thơ Lục Bát của ta mà thơ Hán và thơ Tây phương đều có. Riêng ‘yêu vận’ hay ‘vần lưng’ tức vần ăn nhau ở giữa câu thì chỉ riêng trong thơ Lục Bát của ta mới có. Giáo sư học giả Lê Hữu Mục đã nói : ‘’Từ ‘yêu vận’ tuy là chữ Hán nhưng người Trung Hoa không hiểu nghĩa là gì, vì khái niệm về ‘yêu vận’ là một sáng kiến hoàn toàn VN, do người VN chủ động và là những người chủ động duy nhất trên thế giới về phương diện thi ca’’ . Do những đặc điểm trên, thơ Lục Bát là thể thơ thể hiện rõ nét đặc điểm của ngôn ngữ cùng sắc thái tâm lý người VN qua thi ca. Truyện Kiều được viết bằng thơ Lục Bát nên đã lưu giữ mọi đặc tính của ngôn ngữ và tính tình VN, do đó ‘Truyện Kiều còn thì Tiếng ta còn’.
3.-Ngôn ngữ Truyện Kiều vừa bác học vừa dân gian nên phản ảnh đầy đủ mọi đặc điểm của ngôn ngữ và đặc tính của dân tộc VN :
* Ngôn ngữ Truyện Kiều có tính cách bác học : Tính cách bác học trong văn chương thời Nguyễn Du và trước đó thường là sự viết và nói bằng tiếng Hán, bằng chữ Nho.Nguyễn Du là một nhà nho học, đã từng làm nhiều thơ tiếng Hán. Trong Truyện Kiều viết bằng văn Nôm, tính cách bác học cũng thể hiện qua một số từ Hán nhưng đã được Việt hóa nghĩa là đã được quần chúng quen thuộc trong lối nói hàng ngày và đọc theo giọng Việt như : ‘gương nga, anh hùng, tài danh, phúc lộc, danh gia, văn nhân, cõi phúc, tài mệnh, gia tư, tương tri, cốt cách, tinh thần,…’. Một điều nữa là bao điển tích Trung Hoa trong lịch sử, trong văn chương đều đươc Nguyễn Du ‘Việt hóa’ nên mỗi người VN nghĩ đấy là của tiếng Việt chứ không xuất xứ từ điển tích Hán văn. Chẳng hạn như : ‘Ngày xuân con én đưa thoi’ ai cũng hiểu là thời gian qua nhanh, không cần liên hệ đến câu tiếng Hán ‘Tuế nguyệt như thoa’ ; hình ảnh ‘trâm gảy bình rơi’ rất VN, ai cũng hiểu, không cần thiết phải biết đến câu thơ Hán ‘Bình trầm hoa chiết dĩ đa thì’ (bình chìm hoa gảy đã từ lâu). Còn nhiều nữa. Xem thế, hoặc Nguyễn Du đã sử dụng lối nói dân gian VN hoặc đã chuyển ý thơ chữ Hán ra thơ tiếng Việt với lối nói thuần nhiên VN.
Một điển đặc biệt khác, Nguyễn Du đã chuyển dịch ý trong nhiều đoạn thơ tiếng Hán ra thơ tiếng Việt thật nhuần nhuyễn như không còn dính dáng gì đến điển tích hay âm hưởng thơ Hán. Chẳng hạn ‘Một hai nghiêng nước nghiêng thành’, ta tức khắc hiểu không cần biết đến câu tiếng Hán ‘Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc’ ; bài thơ Tứ tuyệt của Thôi Hộ đời Đường đã được Nguyễn Du tóm lại chỉ còn hai câu Lục Bát VN rất nôm na ‘Trước sau nào thấy bóng người, Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’, ai cũng hiểu, xem như là sáng tác của Nguyễn Du, không còn liên hệ gì đến lời thơ Thôi Hộ.
*Ngôn ngữ Truyện Kiều có tính cách dân gian, thấm đượm tinh thần dân tộc, nói lên được mọi đặc điểm của Tiếng Nói VN : Nơi đây, xin phân tích một cách tổng quát chứ không theo phương pháp ‘ngữ học’ (người viết không biết gì về môn học nầy).
+ Đặc tính đầu tiên của ngôn ngữ VN là tính cách giàu có, phong phú. Nó có đủ từ cần thiết để định danh, định tính, định hình tất cả mọi sự vật, sự kiện, sự tình dù hiện thực hay siêu hình, dù thanh tao hay thô tục. Tính cách phong phú nầy dễ tìm thấy nơi số tiếng, số từ nói về sự vật cùng tính chất sự vật và số từ nói về mặt tình cảm, về mặt tương giao xã hội [riêng số từ về mặt triết lý, khoa học, thường mượn từ Hán đọc theo giọng Việt : hiện sinh, hiện hữu, bản thể, uyên nguyên, hữu thể tính, siêu việt tính,…vi tử, vi tính, điện toán, vĩ mô, từ trường, siêu dẫn, …].Tính cách phong phú còn được thể hiện nơi cách dùng nhiều từ khác nhau cùng chỉ một sự vật : đen, mun, ô, mực,…hoặc chỉ tính cách khác biệt của cùng một sự vật : nắng nhẹ, nắng hiền, nắng tươi, nắng gắt, nắng chói chang,…,mưa bay, mưa bụi, mưa ngâu, mưa hồng,…Nó còn phong phú do ghép một từ thuần Việt với một từ Hán : nhà giáo, nhà sư, học trò, ông ngoại, ông nội, văn vẻ, sinh sống,…. Tính cách phong phú còn do nơi lặp lại cùng một tiếng : ai ai, nhà nhà, người người, chiều chiều,…và hoán chuyển vị trí trước ra sau, sau ra trước trong một từ ghép : nước non=non nước, xa gần=gần xa, sông núi=nui sông, nhớ nhung=nhung nhớ, hoàng hôn=hôn hoàng, mộng mơ=mơ mộng, pha phôi=phôi pha, thướt tha=tha thướt,,…. Hoặc do ghép nhiều tiếng (từ ghép) : mưa nắng, ngày tháng, giận lẫy, tủi hờn,…hay ghép một tiếng vô nghĩa hay nhiều tiếng vô nghĩa với nhau để cả tập họp chuyển sang một nghĩa khác : khoác lấy một ý vị khác : miệt mài, lúp xúp, bẽn lẽn, lanh chanh, ngỗ ngáo,…Dần dần trong dân gian lại ‘sáng tạo’ thêm nhiều tiếng, nhiều từ, nhiều thuật ngữ thuần Việt trong bông đùa, trong đối đãi, chuyện trò qua lại, trong tương giao tình cảm để chê bai, chỉ trích, cười đùa, chọc ghẹo, một số trở thành ‘tiếng lóng’ ở từng địa phương : cà chớn, tầm phào, lai rai, cù lần, điên cái đầu, điếc con ráy, quê một cục, là cái cẳng, nói chuyện với đầu gối, kiện củ khoai…
Trong Truyện Kiều, ta gặp rất nhiều từ ghép, từ lấp láy, nhiều cách nói do lối ghép từ để nói cùng một sự vật, sự việc cũng như cùng một từ mà ý nghĩa được dùng trong từng hoàn cảnh, từng trạng thái khác nhau như nói về ‘Trăng’,lúc thì ‘gương nga’, ‘khuôn trăng’ , lúc thì ‘tấm trăng, mảnh trăng, vừng trăng’ rồi ‘trăng xa, trăng gần, trăng bạc, trăng thanh, trăng khuyết, trăng trong,..’(dựa theo Lê Hữu Mục, sđd, trang 111, 112). Cùng một từ ‘thân’mà ý nghĩa nơi từng câu khác nhau, lúc là ‘tấm thân thể xác’ (thân còn chẳng tiếc, tiếc gì đến duyên, câu 618), lúc là ‘tấm thân tinh thần’ hay ‘nỗi lòng, tâm trạng, cuộc sống’ (nỗi nhà báo đáp, nỗi thân lạc loài-câu 1082), ‘Cửa người đày đọa chút thân, câu 1783), lúc là ‘thân phận con người’ (thân lươn bao quản lấm đầu, câu 1145 – lấy thân mà trả nợ đời cho xong, câu 1190),… « Trong Truyện Kiều, Thúy Kiều luôn nhìn trăng, thầm thì, to nhỏ, chuyện trò, hỏi đáp với trăng về phận mình, về cuộc sống chìm nổi của mình. Trăng diễm tình, trăng gợi ý, trăng khiến sầu, trăng gieo ấn tượng, trăng tương tư, trăng hoài niệm, trăng tủi hận, bao nhiêu trăng trong số phận đời Kiều. Trăng với nỗi lòng Kiều là một. Trăng là một biểu tượng siêu hình trong tri giác thường trực của Kiều » (Giáo sư Vũ Ký, trong ‘Về Nguồn’, trang 322, Trung Tâm Văn hóa Xã Hội Phật Giáo VN tại Cộng Hoà Liên Bang Đức xuất bản năm 2002).
+Đặc điểm thứ hai của ngôn ngữ VN là mềm dẽo, uyển chuyển do từ cách phát âm, do tính cách giàu nhạc điệu của tiếng nói VN. Hình ảnh, văn ảnh cũng do tính chất nầy trở nên lung linh, sống động. Thể thơ Lục Bát vốn giàu nhạc điệu do cách ngắt nhịp lúc 2/2/2 (Trăm năm/trong cõi/người ta/ ; Kể từ/lạc bước/bước ra) ; lúc 4/4 (tấm thân liệu những/từ nhà liệu đi/ ; ), lúc 2/2/4 (Trong mình/nghĩ đã//có ngườoi thác oan/) , lúc 4/2 hay 2/4 (Hạ công/chén đã quá say/ ; Thôi thì/một thác cho rồi/ ; Hỏi rằng/ Này khúc ở đâu ?/) ; đôi khi 3/3 (Người nách thước/kẻ tay đao/). Có thể nói, trong thơ Lục Bát, cách ngắt nhịp tùy người đọc chứ không nhất thiết phải theo một ‘qui luật’ nhất định, từ đó, lời thơ, nhạc điệu của thơ dễ đi vào lòng người và dễ gây xúc cảm. Giáo sư Hà Như Chi đã bảo : ‘’Cu ̣ Nguyễn Du dùng Lục Bát viết cả một cuốn truyện mà không làm cho ta nhàm chán. Sở dĩ được như vậy là vì cụ Nguyễn Du biết biến điệu, đổi chỗ, đâu câu, làm cho câu thơ ngắt thành từng đoạn dài ngắn không chừng, do đó mới gây được những cái bất ngờ thần tình về phương diện âm điệu’’(trích dẫn bỡi Lê Hữu Mục, sđd, trang 115)
+Đặc điển thứ ba của ngôn ngữ VN là giản dị, bình dân, đại chúng. Tính cách nầy không làm giảm sút tính cách phong phú, giàu có mà còn giúp ngôn ngữ trở nên phổ thông và thống nhất khắp mọi miền đất nước cho tất cả mọi tầng lớp dân chúng. Người bình dân ta xưa cũng như bây giờ diễn đạt rất dễ dàng, dung dị mọi cảm nghĩ, mọi ý tình. Bao giờ cũng mượn sự vật thiên nhiên, những sự việc thông thường, những hiện tượng mà ngũ quan cảm giác được để diễn đạt ý nghĩ, tình cảm, không đi vào bản chất sự kiện hay hiện tượng nhưng lại phơi bày những gì ẩn mật, cất giấu nơi chúng. Truyện Kiều, với lối văn bình dân, cống hiến cho người đọc biết bao cách nhìn qua sự vật, sự việ̣c, thấy được bên trong của sự việc, của tâm tình. Kiều đã khuyên cha đừng hủy mình bằng một lý lẽ rất đơn sơ, dễ thấy qua một hình ảnh hiện thực thường ngày vừa vẽ ra cảnh tình éo le cùng tâm trạng đau thương của mình, của nhà : ‘’Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây’’.Những đoạn tả cảnh trong truyện quá giản dị nhưng mang mang âm hưởng những gì đằng sa u, khuất vắng, ru vào những mông lung, xa xôi, bàng bạc, lúc rộn ràng, vần vũ, lúc lành lạnh gây tê, lúc mang chở ít nhiều âm vang siêu hình lẩn khuất :
–Nao nao dòng nước uốn quanh,…
-Hoa trôi man mác biết là về đâu…
-Đùng đùng gió giục mây vần
Một xe trong coĩ hồng trần như bay…
Ngôn ngữ VN, từ bản chất không có tính trừu tượng nhưng lại có khả năng đề cập đến những gì xa xôi, khuất lấp, siêu hình do từ lối nói đại chúng, giản dị nầy. Đặt cơ sở từ hiện tượng, từ sự vật hiện thực nhưng ngôn ngữ VN nâng các hiện tượng, các sự vật hiện thực đó vươn đến những nhận thức mơ màng, lung linh, gợi lên tưởng tượng nơi người đọc, người nghe. Chỉ riêng câu đầu tiên ‘Trăm năm trong cõi người ta’, toàn từ thuần Việt, cho ta thấy những sự việc gì sẽ xảy ra. ‘Trăm năm’ là thời gian cuộc sống con người, một thời gian hữu hạn được ‘ném’ vào một không gian rộng lớn, một không gian vô hạn đối với con người. ‘Cõi người ta’ là môi trường sinh hoạt của con người, ở đây không là môi trường thiên nhiên mà là ‘môi trường đồng loại, môi trường xã hội, môi trường mà ta luôn tiếp xúc, tương giao, môi trường gần gũi, quen thuộc, gắn bó với ta. Ấy thế mà, giữa ta và nó hầu như lúc nào cũng ‘ghét’ nhau ! Câu thơ gợi cho ta trầm tư, suynghĩ, tư lự, băn khoăn : những gì sẽ xảy ra cho cuộc sống ngắn ngủi của con người trong cái thế giới gần gũi, thân thương thường nhật giữa mọi người với nhau. Nguyễn Du không dùng ‘cõi thế, cõi hiện hữu, cõi nhân gian, cõi tục đế, cõi hồng trần’ mà gọi là ‘cõi người ta’ tức cõi sống trong đó có mình. Mình vừa là ‘chủ thể’ vừa là ‘khách thể’ của mình (xin xem thêm phía dưới). Càng phân tích Truyện Kiều, ta càng gặp nhiều trường hợp đua dẫn ta vào những băn khoăn có tính cách siêu hình mà lời thơ rất dễ hiểu khởi đi từ những sự việc , từ lối nói, từ những từ ngữ dung dị, thông thường.
+Đặc điển thứ tư của ngôn ngữ VN là giàu hình ảnh : Do tính cách bình dân, đại chúng, dùng sự vật, sự việc diễn tả tâm tình, trạng thái, dù từ ngữ rất thông thường, dễ hiểu, ngôn ngữ VN mặc nhiên mang lấy sắc thái siêu thực, tượng trưng, không đòi hỏi những tưởng tượng xa xôi, kỳ bí, không cần thiết tạo từ, tạo lời mới lạ, cầu kỳ.Những gì tiềm tàng nơi vô thức, những gì lung linh, ẩn hiện trong tưởng tượng đã đến một cách tự nhiên . Do đó, sự việc, sự vật được nâng lên thành hình tượng (như từ Trăng được giáo sư Vũ Ký nói trên) , thành văn ảnh không phải khổ công tìm ý, chọn lời. Mọi lối mỹ tư ̀pháp ‘ẩn dụ, đảo ngữ, điệp ngữ, nhân hóa, hoán dụ, thậm xưng, tỷ giảo, ngoa ngôn,…’ hầu như rất thông dụng mỗi khi nói và viết. Truyện Kiều vô cùng súc tích và giàu nhạc điệu qua các biện pháp trên. Có thể trích đôi câu tiêu biểu :
–Vì ai rụng cải rơi kim
Để con bèo nổi mây chìm vì ai ?! (câu 769, 770)
–Còn vừng trăng bạc, còn lời nguyền xưa
-Long lanh đáy nước in trời
Thành xây khói biếc, non phơi ánh vàng
-Lỡ làng nước đục bụi trong
Trăm năm để một tấm lòng từ nay
Dĩ nhiên, còn nhiều đặc điểm khác (như tính cách ‘thân tình hóa’qua các từ : mình, nhà, quê, em, chàng, nàng, ai,.. ; tính cách lươn lẹo, tròng tréo, thanh tục lẫn lột qua lối nói lái, lối đố,.., xin không kể ra đây). Với tất cả các tính cách trên, Truyện Kiều trở thành áng văn chương xuất sắc, trước tiên về mặt nghệ thuật, để tiêu biểu cho tiếng nói VN từ xưa đến nay và mãi về sau. Do đó, ‘Truyện Kiều còn thì Tiếng ta còn’ vì khó́ có một tác phẫm nào mang chở đủ sắc thái và tâm tình VN.
4.- Truyện Kiều thể hiện « cách nói của nhà thi sĩ », « cách nói của nhà tư tưởng », từ đó nói lên Tư Tưởng VN, tư tưởng của nhân loại :
Ngôn ngữ trong Truyện Kiều không chỉ thuần là Tiếng và Lời, Từ và Câu, Vần và Điệu mà là Cách Nói (le Dire) . Cách nói của thi sĩ (le dire du poète) thể hiện Cách Nói của Tư Tưởng (le dire de la pensée) nghĩa là cách thể hiện của Tư Tưởng vào hoạt sinh, vào cõi thế. Nói thế có nghĩa là nhà thi sĩ, qua nghệ thuật thi ca, đã mượn lối nói thông thường để biểu hiện tư tưởng. Xin chứng minh :
*Trước tiên, Nguyễn Du đặt tên cho tác phẫm của mình là ‘Đoạn Trường Tân Thanh’ (sau nầy thường gọi là ‘Truyện Kiều)’, có nghĩa ‘Tiếng Kêu Mới về Đau Khổ’. ‘Tân Thanh’, Tiếng kêu mới, có nghĩa là ‘cái nhìn mới, cách hiểu mới, ý nghĩa mới’ về đau khổ, khác với ‘cựu thanh’ tức ‘cái nhìn cũ’, cách hiểu cũ xưa nay về đoạn trường. Chính do cái nhìn mới nầy về đau khổ mà ta hiểu ra lời Phật : ‘Phiền não là Bồ đề, Đau khổ là Giải thoát’, có nghĩa do phiền não mà ta tìm được Bồ Đề, do Đau khổ mà ta tìm được Giải thoát hay ‘phiền não dẫn về Bồ đề, Đau khổ dẫn về Giải thoát’. Xin không dông dài thêm.
*Ngay hai câu thơ đầu, nhiều người trước nay cho rằng Nguyễn Du chịu ảnh hưởng của thuyết ‘Tài mệnh tương đố’ của nhà Nho. Chữ ‘Mệnh’ được hiểu là ‘định mệnh’ tức một sắp đặt tiền định, không thể thoát ra được ; từ đó, ‘Mệnh’ biến thành ‘định mệnh’ khe khắt (fatalisme) , phũ nhận ý chí tự do của con người. Hiểu như thề, theo người viết, là không đúng theo ý Nguyễn Du. Chữ ‘Tài’ chỉ cái khả năng, cái năng lực, cái ý muốn từng người tạo nên cái Nghiệp riêng của từng người (biệt nghiệp). Chữ ‘Mệnh’ nơi đây không là ‘định mệnh’ mà là cuộc đời tức môi trường xã hội, môi trường đồng loại, cái ‘cộng nghiệp’ của chủng loại người.. Hiểu như thế phù hợp với ‘cõi người ta’ nơi câu thơ đầu. Cá nhân và xã hội hầu như luôn luôn ‘đối kháng’ nhau. Xã hội đòi hỏi mỗi người phải phục vụ nó trong lúc cá nhân đòi hỏi xã hội phải tôn trọng, phải tạo điều kiện cho cá nhân được phát triển tự do. ‘Mệnh’ nơi đây chỉ ‘cuộc sống chung giữa người và người’ do cái ‘Biết sống’ (le Savoir être) thể hiện nơi cái ‘Biết sống chung cho nhau’ (le Savoir vivre ensemble) trong lúc ‘Tài’ chỉ cái sống của từng cá thể (vie individuelle) qua cái ‘Biết làm’ (le Savoir faire) phát xuất từ trí thông minh, do khả năng riêng để lo cho cuộc sống riêng của mình. Hai cái Sống đó thường không thuận hảo, đồng hành. Cuộc sống, cuộc đời, cái ‘Biết làm’ và cái ‘Biết sống’ hầu như luôn gây trở ngại cho nhau. Cái ‘Biết Làm’ tạo nên Văn minh, cái ‘Biết Sống’ tạo nên Văn hóa. Cả hai tác động qua lại, cần thiết nhau nhưng thường thì lại như cản trở nhau. Ta chú ý hai chữ ‘khéo là’ nơi câu thơ Nguyễn Du. Từ ‘khéo là’ nơi đây có thể hiểu theo hai cách : hoặc là ‘lạ thay, trớ trêu thay, nghịch lý thay’ hoặc là ‘hầu như, dường như, xem ra’. Người viết hiểu theo cách thứ hai vì tự bản chất, tài và mệnh không chống đối, ghét ghen nhau nhưng về mặt hiện tượng thì lại như chống đối nhau do cạnh tranh xã hội, do cuộc tranh đấu mưu sinh của mỗi người.. Hiểu ‘mệnh’ là cuộc đời (cuộc sống chung) mới phù hợp với cái ‘cõi người ta’ nơi câu thơ đầu và mới đúng với ý Nguyễn Du nơi câu thơ 3246 : ‘Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai’. Nếu hiểu ‘mênh’ là định mệnh thì làm sao cả hai (tài và mệnh) cùng dồi dào cả hai được. Vậy thì, cái xem như ‘ghét nhau’ giữa tài và mệnh, cuối cùng dẫn về cả hai cùng được dồi dào cả, nghĩa là ‘cuộc sống’ và ‘cuộc đời’ hoà hợp nhau để tạo nên cảnh sống ‘Một nhà phúc lộc gồm hai, Nghìn năm dằng dặc quan giai lần lần’ , đúng theo lời Đạm Tiên bảo với Kiều lúc được vớt lên từ sông Tiền Đường : ‘Đoạn trường sổ rút tên ra,…Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’. Hai từ ‘tài’ và ‘mệnh’ nơi đây nên hiểu trong phạm trù ‘cá nhân – tập thể’ hay ‘cá thể – chủng loại’, cái ‘riêng’ và cái ‘chung’ trong cõi hiện tượng nầy.
*Chỉ riêng câu ‘’Lấy thân mà trả nợ đời cho xong’’ đủ gây cho ta trầm tư. ‘Thân’ là tấm thân xác, cái sở hữu đầu tiên của con người từ lúc sinh ra mà thiếu nó thì không sống. ‘Thân’, cái của cải quí giá nhất, cái sinh mạng, thế mà phải đem ra ‘trả nợi đời’ thì còn gì để phải luyến tiếc ? Và ‘nợ đời’ là cái gì ? Mượn lời Kiều trong cảnh khốn đốn bị chà đạp, bị trầm luân bỡi cuộc đời, Nguyễn Du đã nói lên ‘thân phận con người’ trong cái nọa lực của cái ‘cõi người ta’ hầu như luôn luôn là hiểm họa cho cuộc sống cá nhân của con người. Cuộc đời, đấy là cái ‘mệnh’, cái buộc ràng của xã hội ngăn chặn khả năng, ý muốn của con người.
* Mượn lời Tú Bà dạy Kiều nghiệp nghề gái đĩ, Nguyễn Du đã nói lên bốn ‘chân lý’ thường hằng của cuộc sống thế gian trong cái ‘cõi người ta’ mà không một ai thoát khỏi . Bốn chân lý đó là :
–Làm người dễ có mấy thân
Người còn thì của mới còn
Nghề chơi cũng lắm công phu
Người ta ai mất tiền hoài đến đây
Không chỉ thế, mượn lời Tú Bà, Nguyễn Du nói đến hai kinh nghiệm quí báu khác, cần thiết cho việc làm ăn, sinh sống, cho giao du, tiếp xúc hằng ngày trong ‘cõi người ta’. Hai kinh nghiệm đó là : ‘’Vành ngoài bảy chữ vành trong tám nghề’’ và ‘’Nôi đêm khép mở, nỗi ngày riêng chung’’. Xin không diễn giảng dài dòng. Qua bốn ‘chân lý’ cùng hai kinh nghiệm đó, không một ai trong chúng ta không trải qua, không từng gặp, không từng sống, không từng chịu đựng và không từng ứng dụng vào cuộc sống cá nhân và xã hội. Lịch sử nhân loại trải qua bao hình thái xã hội cho đến nay gọi là văn minh, tiến bộ với khoa học kỹ thuật tối tân, với nền kinh tế phát triển đến đỉnh cao, với bao lý thuyết hay ho về mọi lãnh vực, với bao kỹ thuật tân kỳ về mọi chế tác dụng cụ đến trau giồi khả năng từ ăn uống, trang phục, làm tình, thể thao, du hí đến tiếp tân, quảng cáo, tổ chức xí nghiệp, đoàn thể,…nhìn chung, cũng lẩn quẩn trong bốn chân lý và hai kinh nghiệm thường hằng đó nơi lời Tú Bà dạy Kiều làm đĩ. Nhưng bốn chân lý và hai kinh nghiệm đó dẫn về đâu ? Cái ‘cõi người ta’ sẽ đưa đến kết cục nào ? Nguyễn Du đã nói : ‘’ Đoạn trường sổ rút tên ra’’ để được ‘’Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’’. Đấy là kết cục của ‘cõi người ta’, của xã hội nhân loại, để cuộc sống và cuộc đời mãi là ‘’Chữ Tài chữ Mệnh dồi dào cả hai’’. Cách nói của Nguyễn Du là mượn lời của nhân vật, mượn lời của tại thế để nói đến cái lẽ ‘diễn biến sinh hóa’ của nhân sinh theo cái nhìn ‘Tân Thanh’ tức cái Ý nghĩa mới về Đau khổ.
Tư Tưởng VN vốn ‘phiêu bồng’ (pensée errante), vốn ‘vô sở trụ’, không kết thành ý thức hệ, không đóng khung vào một nếp nào cố định, vốn ‘bất trụ vô vi, bất tận hữu vi’ (lời Phật trong Kinh Duy Ma) ; ngôn ngữ VN là thứ ngôn ngữ của hiện tượng, của đại chúng nhưng mang chở tính trừu tượng, bóng bẩy nghĩa là nói những điều cao xa, hoằng viễn, thâm sâu mà lời nhẹ nhàng, đơn giản. Vốn là kẻ ‘thiên tuế trường ưu vị tử tiền’ (trước khi chết còn luôn lo nghĩ chuyện nghìn sau – câu thơ chữ Hán của ND) và vốn là ‘nòi tình’ đồng điệu với mọi cảnh đời nhân thế, Nguyễn Du đã sử dụng ‘lối nói’ bình dân, đại chúng, đã đi từ hiện thực cuộc sống thế gian để nói lên diễn biến của nhân sinh, cái ý nghĩa và cứu cánh của , cái lẽ diễn biến của ‘cõi người ta’. Vì thế, Truyện Kiều mang chở tư tưởng của ND, tư tưởng của Việt Nam, cái tinh thần ‘phiêu hốt’, luôn luôn bị dìm mình vào ‘cõi người ta’ dẫy đầy bất trắc mà lại luôn luôn ‘xuất võng ngoại tồn’ (thuật ngữ của Bùi Giáng) hướng về cảnh sống, cuộc đời không còn phân biệt, thị phi như lời ca dao : ‘Bây giờ đến cảnh đào nguyên, bao nhiêu là một con thuyền tiễn đưa’.Vì mang chở cái Tư Tưởng của dân tộc nên, qua ‘cách nói’ của nhà thơ, ‘Truyện Kiêu còn thi Tiếng Ta còn’, tinh thần VN ta còn, tư tưởng VN ta còn’̀ (tư tưởng VN nơi đây, qua Truyện Kiều cũng là tư tưởng chung của nhân loại – Có thể Phạm Quỳnh chưa để ý đến điều nầy, nhưng qua khẳng định của ông, ta có thể nhận định sâu xa về nội dung Truyện Kiều khi tìm hiểu được nỗi lòng Nguyễn Du qua cuộc sống và văn thơ của ND).
5.- Truyện Kiều đã đi vào lòng dân tộc, trường tồn với dân tộc :
Do lời thơ vừa bác học vừa dân gian, do nghệ thuật miêu tả, tự sự, thuật sự sinh động, do sử dụng vô cùng linh hoạt, tinh tế ngôn ngữ dân tộc, do súc tích của tâm hồn tác giả, do cái nhìn sâu sắc về cuộc sống, cuộc đời về xã hội trong ‘cõi người ta’, do cốt truyện và lời thơ diễn đạt được hết mọi cảnh đời nhân thế nên bất kỳ ai, trong cảnh ngộ nào -vui buồn, sướng khổ, giận dữ, hờn ghen, xót thương, ai oán, hùng tráng, sầu bi, thành công, thất bại,…- cũng có thể viện dẫn đôi lời, đôi đoạn để diễn đạt tâm tư, tình ý, cảnh ngộ trong từng thời điểm của cuộc sống riêng mình. Mỗi nhân vật trong tác phẫm , qua ngòi bút Nguyễn Du, đã trở thành điển hình cho từng hạng người trong xã hội xưa hay nay. Không người VN nào không thuộc một số câu, số đoạn trong Truyện Kiều, nhiều khi đọc đấy, thuộc đấy mà không ngờ đấy là trong Truyện Kiều. Nhiều người còn dùng Truyện Kiều để nói về người nầy người nọ, phẫm bình, đánh giá tư cách, lối sống của từng người.
Không riêng giới trí thức tán dương, ca tụng về nghệ thuật, về tư tưởng trong tác phẫm, giới bình dân , dù không biết Nguyễn Du là ai, dù không hiểu gì sâu sắc nội dung quyển Truyện, cũng thích thú ngâm nga, xem như đấy là nguồn an ủi, cảm thông, khích lệ trong những lúc sầu buồn, tê tái, thất vọng, bi quan, trắc trở hay tươi vui, phấn khởi. Từ đó sinh ra ‘nhại Kiều, bói Kiều, tập Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, tuồng Kiều, kịch Kiều, nhạc hóa Kiều’. Cô Kiều, nhân vật trong Truyện không còn là cô gái đĩ bị khinh khi, bị xem thường, bị chà đạp mà trở thành một cảnh đời chung của con người trong cảnh thế đề ‘khóc Kiều là khóc ta, thương Kiều là thương ta,…’.
Truyện Kiều đã đi vào tâm hồn người Việt dù trí thức hay bình dân. Càng gặp lận đận, long đong, càng thấy Truyện Kiều gần gũi với mình, cảm thông với mình. ‘’Người ta có cảm giác ở đất nước nầy, ai không thuộc dăm bảy chục câu Kiều, người ấy chưa phải là người Việt Nam. Nhà trí thức nào nói chuyện không điểm xuyết dăm ba câu Kiều thì người ấy chưa phải là trí thức dân tộc và nhà phê bình, nhà nghiên cứu nào chưa thử ngòi bút của mình trên Truyện Kiều thì dường như bản lĩnh của họ chưa được khẳng định…’’(Nguyễn Lộc : ‘Nguyễn Du’, nxb Đà Nẵng, 1996, trang 237). Chưa một tác phẫm VN nào được phổ biến rộng rãi và được đón nhận thân mật, nồng nhiệt như Truyện Kiều ; chưa một tác giả nào được biết đến, được yêu mến như Nguyễn Du (có thể nói đến tác phẫm ‘Lục Vân Tiên’ của Cụ Nguyễn Đình Chiểu nhưng tác phẫm nầy được phổ biến và quen thuộc, thân tình nhiều nhất ở Miền Nam hơn là ở Miền Bắc, Miền Trung ; hơn nữa ‘Lục Vân Tiên’ không mang chở nhiều tính cách đa diện về tư tưởng cũng như về mặt nghệ thuật).
Tại vì tác giả Nguyễn Du và tác phẫm truyện Kiều đã phản ảnh sinh động, thiết tha, trung thực tiếng nói, tâm hồn và tư tưởng dân tộc nên ‘Truyện Kiều còn, Tiếng ta còn, nước ta còn’.
Lời khẳng định của Phạm Quỳnh không sai, không quá đáng. Càng đi sâu vào Truyện Kiều, ta càng khám phá thêm nhiều giá trị sâu sắc không riêng về mặt ngôn ngữ, nghệ thuật mà còn về mặt tư tưởng để có thể bảo ‘Truyện Kiều là một tác phẫm bất hủ không riêng của dân tộc ta mà còn là của chung nhân loại’.
6.- Hai điều đáng buồn :
1) Truyện Kiều dưới chế độ Cộng sản : Một kiệt tác của dân tộc, của thế giới, thế mà bọn người Cộng sản từ Nguyễn Bách Khoa đến Đặng Thái Mai, Đặng Thanh Lê, Lê Đình Ky, Trương Chính ̣ và nhiều nữa, số học giả ăn phải nọc độc của ‘Duy Vật biện chứng, Duy Vật sử quan’ của chủ nghĩa Mác-xít, Lê-nin-nít đã đánh giá tuyệt phẫm nầy lệch lạc, sai lầm, chê khen không căn cứ, suy diễn hoàn toàn trên mặt chính trị thế nào cho phù hợp với ‘đường lối, chính sách’ bá đạo của Đảng cà Nhà nước Cộng sản.. Cả những Hoàng Ngọc Hiến, Cao Huy Đỉnh cũng hiểu lệch lạc, chẳng nhìn ra cái ‘nhất thống’ của tư tưởng Nguyễn Du. (xin không trích dẫn vì quá dài dòng. Có thể xem :’Tuyê ̉n tập phê bình ‘’ Đoạn Trường Tân Thanh’, tập II, Dòng Việt số 16, mùa Hạ năm 2004 do Liên Chi và Lê Văn chủ trương biên tập). Rồi trong chương trình, trong sách giáo khoa cũng rập theo ý đồ ma giáo của chúng ; các Thầy Cô giáo giảng giải Truyện Kiều không thể ra ngoài khuôn khổ, bắt buộc nhấ́t loạt phải ‘đi theo ‘lề bên phải’ đã ấn định để rồi một học sinh lớp 9 một trường Trung Học đã viết trong bài luận văn như sau : ‘’Kiêu là 1 người con gái tài sắc vẹn toàn đã bị chế độ phong kiến vùi vào đống bùn nhơ. Đến nổi chịu không nổi, nàng đã nhảy xuống sông Tiền Giang tự vẫn. May thay, lúc đó có 1 bà đảng viên đi công tác về, bà liền nhảy xuống sông cứu nàng. Sau đó, Kiều giác ngộ và đi theo con đường Cách Mạng’’ (bài rút ra trên Internet). Truyện Kiều, dưới chế độ Cộng sản vẫn còn nhưng xem như đã mất, đã chết để Tiếng dân ta’ bày ra bao thứ dị hợm, dị hình. Bọn người Cộng sản cùng cái Nhà nước Cộng sản, sẵn sàng khom lưng quỳ gối làm ‘tôi mọi’ cho ngoại bang, luôn ‘xem dân cỏ rác, xem người ngựa trâu’ thì ngôn ngữ của họ cũng chỉ là lật lường, tráo trở, man trá, điêu ngoa, đểu cáng, đến cả ‘quan to mặt lớn, hở miệng ra cũng đéo cũng đù,…’. Và ở hải ngoại, đôi nhà trí thức Tây học mang bệnh ‘dở hơi’ như Nguyễn Gia Kiểng cũng đánh giá Truyện Kiều một cách ấu trĩ, lệch lạc (Xem ‘Tổ Quốc ăn năn’ của NGK).
2) Hiện nay, nơi hải ngoại, lớp tuổi trẻ sinh nơi xứ người, không biết đến Truyện Kiều, không biết nói, đọc, viết tiếng Việt trôi chảy, quả đáng buồn ! Tuy nhiên, tinh thần VN không ‘chết’ nơi lớp trẻ nầy vì truyền thống Văn hóa VN hầu như có một sức mạnh tiềm tàng, một ‘linh lực’ âm ỉ nơi lòng người để lớp người nầy, sau thời gian tận dụng ngôn ngữ nước ngoài cần thiết cho việc học hỏi và mưu sinh, sẽ lại quay về với truyền thống dân tộc, nhất là càng ngày càng phải đối diện với nền văn minh kỹ thuật quá chú trọng mặt thực dụng, mặt̀ lợi tức và thời trang đang đòi hỏi nơi tự thân những nước giàu mạnh, tiên tiến một ‘trở về’ với những giá trị nhân bản vĩnh cửu đang trên đường ‘toàn cầu hóa’ cùng lúc với mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, truyền thông, học thuật. Lớp trẻ VN nơi hải ngoại hiện nay, chỉ cần các bậc phụ huynh , các lớp người lớn tuổi tập cho chúng nói được ít nhiều tiếng Việt thông dụng, tập cho chúng thuộc lòng một số câu trong Truyện Kiều, một số ca dao, dân ca, (không cần thiết chúng hiểu ý nghĩa thấu đáo), cũng đủ là điều kiện giúp chúng không phải hoàn toàn mất gốc. Vì Truyện Kiều cũng như ca dao, dân ca VN uyển chuyển, dịu dàng, dễ thuộc, dễ nhớ, dễ thấm nhập vào lòng, có sức tác động nhiệm mật, nuôi dưỡng nơi con người những tinh túy, những giá trị muôn đời của con người nói chung như cô Kiều đã tự bảo : ‘’Lỡ làng nước đục bụi trong, Trăm năm để một tấm lòng từ đây’’. ‘Tấm lòng’ , đấy là điều nhân loại đang cần, đang tìm về, hướng đến để hồi phục ngay giữa lòng cao trào tiến bộ văn minh đang trong cơn ‘khủng hoảng thần trí’(crise d’esprit, mượn lời nhà thơ Paul Valéry) suốt mặt hiện nay. Truyện Kiều , qua ngôn ngữ Nguyễn Du thể hiện tấm lòng đó. Vì thế ‘Truyện Kiều còn, Tiếng ta còn, tấm lòng Việt Nam ta còn’.