Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

THÁNG TƯ, THƯƠNG TIẾC VONG LINH NGƯỜI VỊ QUỐC





N gười Việt Nam có thể nói là ưa thích viết văn tế. Kiểm điểm lại trong văn học, phần chữ Nôm văn tế nổi tiếng hơi nhiều. Vang danh có: Văn tế Cô hồn Thập loại chúng sinh, Văn tế Võ Tánh và Ngô Tùng Châu, Văn tế Tướng sĩ trận vong, Văn tế vua Quang Trung, Văn tế Bá Đa Lộc, Văn tế vợ của Bùi Hữu Nghĩa… Trong dân gian biết bao nhiêu là bài văn tế ứng với mọi trường hợp: chồng tế vợ, vợ tế chồng, cha tế con, chàng rể tế cha vợ, bổn xứ tế cụ già Đoàn Văn…

Biến thể của văn tế là văn khóc: Cha khóc con văn, Mẹ khóc con văn, Chị khóc em văn, Chúng tử khấp mẫu văn, Quả mẫu khấp tử văn …

Đó là nói tên vài bài văn tế xưa và viết bằng chữ Nôm. Nếu nói những bài xuất hiện ở thế kỷ 20 và viết bằng quốc ngữ, dùng một lần rồi bỏ, không bao nhiêu tính chất văn chương, chỉ đóng vai trò hình thức cho buổi lễ thì nhiều như lá trên rừng...

Chúng tôi thấy trong tác phẩm văn chương viết bằng chữ Nôm, chưa được phổ biến nhiều, có hai bài văn tế liên quan đến tướng sĩ chết trận đáng chú ý là:

1.Tào Tháo tế các cựu thần tướng sĩ và Điển Vi ở sông Tế thủy, bài nầy nằm trong tuồng Tam Quốc, hồi thứ 18 ở các trang 9 và10. (Chúng tôi chỉ có bản copy nên số trang được đánh theo số thứ tự, không có chỉ số a, b.)

2.Đổng Vân tế các chiến sĩ tử trận trước khi mình xuất binh, bài nầy nằm trong truyện Nôm Tỉnh Mê Một Cõi (Hứa Sử Truyện, NVS phiên âm, Viện Việt Học xuất bản, 2012) ở các trang 69b-70a.

A. Bài văn tế của Tào Tháo.

Tào Tháo sau khi thoát khỏi sự truy đuổi của địch, quân sĩ chết cũng khá nhiều, còn lại lơ thơ một nhóm, dẫn chạy đến sông Tế Thủy, phần tủi cho thân mình phần thương tiếc các tướng vì mình mà bỏ mạng, bỗng nhớ tới tùy tướng tâm phúc Điển Vi chết ở đây năm nào bèn khiến quân lập đàn tế để mình tế Điển Vi. Xin trích một đoạn ngắn ở hồi thứ 18 tuồng hát bộ Tam Quốc, một tác phẩm quan trọng giữa thế kỷ 19:

Tào Tháo:

Nay cũng đà khỏi chốn gian nguy,
Tướng sĩ khá từ từ tiến bộ
.


Lại nói:
Luống những mảng lần lần dặm thỏ,
Ðã tới sông Tế thủy năm xưa.
Giọt lệ bỗng tuôn sa,
Tấm lòng càng bộn nhộn.
……Tới đây sa lệ ngọc,
Là nhớ kẻ cựu thần.
Vả Ðiển Vi đại tướng vong thân,
Vốn bị trận chốn này năm trước….

Sau đó Tào Tháo đọc bài văn tế mà tương truyền làm mủi lòng tướng tá tùy tùng:

Văn tế rằng:

Ðấng anh hùng vì nước,
Trung thành ghi lòng nọ như son.
Cơ thành bại bởi trời,
Hoạn nạn ví thân kia tợ lá.

Nhớ tướng quân xưa:

Ba lược làu thông,
Sáu thao nhuần nhã.
Nếu thuở nương theo trướng hổ,
Vốn từng xem dường vuốt dường nanh.
Nhẫn khi trao nấy binh tì,
Cũng đã cậy làm lòng làm dạ.
Ðâu đó mắng[1] danh dõng tướng,
Khua kim qua là muôn kẻ cũng lui.
Tình cờ bị kế giặc đồ,
Mất thiết kích nên nửa giờ phút đọa.
Tiếc là tiếc thủy chung một tiết,
Nếu nhớ thôi lòng lại bâng khuâng.
Thương là thương sự nghiệp nửa chừng,
Nếu tưởng tới lệ càng chan chứa.
Trước những thuở tót thành hãm nhuệ,
Có tướng quân đà cậy sức xông pha.
Sau dầu khi vào hiểm ra nghèo, (TQC 18 trang 10)
Vắng tướng quân càng chạnh lòng thương nhớ.
Hội phong vân chửa trọn,
Tưởng công xưa sao khéo thiệt thòi.
Ðường Tế thủy trải qua,
Nhớ sự cũ xiết chi than thở.
Trung hồn dầu đó còn thiêng,
Bạc lễ hưởng qua ngõ thỏa.


Nay văn.


(Phần đầu bài văn tế, tư liệu của NVS)


B. Bài văn tế của Đổng Vân.

Bài văn tế của đại tướng Đổng Vân cũng nói cảm khái của mình đối với người chết nhưng rộng hơn bài của Tào Tháo do nhắc tới những binh sĩ chết trận chớ không chỉ với một người tướng mà thôi. Lời văn bài nầy thắm thiết hơn, gợi cho người nghe lòng thương cảm và chua xót khi những chi tiết về tình trạng bị bỏ rơi của các chiến sĩ sau khi chết. Nguyên là nhà sư nên tướng Đổng Vân đọc văn tế mà luôn tiện cầu siêu cho người nằm xuống được vãng sinh lại nơi tĩnh thổ.

Hỡi ôi!
Người sống tạm nương, xao xác dường nửa ngày sự nghiệp,
Việc đời luống đổi[2], mơ màng dường một giấc công danh.

Nhớ các linh xưa:
Vút nanh xã tắc,
Vây cánh trào đình.
Trác trác giữ lòng trung nghĩa,
Hăm hăm đua sức hùng anh.
Nhiều thuở gan vàng chống lũy,
Ghe phen gân sắt đỡ thành.
Ải lang tắt khói,
Bầy cáo bặt tanh.
Mừng đặng quốc gia đà yên tĩnh,
Hay đâu biên cảnh dậy phong tranh.
Tiết địch khái[3] ra công đấu chiến,
Vác cần vương[4] nung sức giao chinh.
Chẳng ngại xông tên đột pháo,
Chi từ đạp sỏi giày sành[5].
Những tưởng trăm năm cao công nghiệp,
Nào hay một trận thất cơ binh.
Thương bấy thây phơi nội lục,
Thảm thay máu dợn rêu xanh[6].
Xao xác lại qua, thấy muông chim cỏ sầu khắp nội,
Lăng xăng thăm viếng, những ruồi lằn hoa thảm đòi cành.
Ôi! Đã lìa con vợ, lại bỏ cha anh.
Mồ mả đều không, nhìn thôi rất thảm,
Quải đơm chẳng có, thấy vậy bao đành.
Chay lạt tạm bày, khuyên ba tuần bão mãn[7],
Chốn Ta Bà mau từ tạ, cõi tịnh thổ kíp vãng sanh.

Thượng hưởng[8].

Kết luận:

Trong cuộc chiến đau lòng 54-75 vừa qua biết bao nhiêu binh sĩ hai bên tử trận, sau cuộc chiến phía bên thua cuộc chịu đựng muôn vàn cảnh bi thương của tử tiết, của xử tử, của tù đày, của chìm biển, của đập đầu… tiếc rằng chúng ta chưa có được những bài văn tế đáng nên có. Nên có, để lưu lại cho hậu thế biết cái nhìn của người thời nay trước bi kịch nhức nhối thời đại của đất nước. Nhìn chung, sự thiếu vắng nầy do người cựu học có thể chấp bút lưu loát thể văn tế không còn bao nhiêu và đa phần người ta viết rồi để đó, không phổ biến vì những lý do thầm kín trong đó có sự an toàn bản thân.

Tôi ước ao được đọc những bài văn tế cho các vị tướng Việt Nam đã tuẫn tiết sau đại nạn 75, cho tất cả những người nằm xuống vì chiến tranh, không cần viết theo kiểu xưa vì đã quá cổ điển ít người thấu hiểu, chấp bút viết theo kiểu hành (như Hành Phương Nam, như Bình Lang Hành) là điều tốt nhứt.

Mong thay!

Hình như năm nào vào Tháng Tư tôi đều mong được đọc những bài hành, bài văn tế như vậy! Năm nầy sang năm khác! Cả bốn chục năm rồi!
Victorville, CA, April, 2016
Ghi chú

[1] Mắng danh: Từ xưa có nghĩa là nghe danh. Mắng: Nghe. Tượng mắng: Bởi vì nghe…
[2] Việc đời luống đổi 役代?￰ᅠᄇン: Đời là một trường biến hóa đổi thay liên tục. Nhóm từ nầy đối với bốn chữ ‘đời sống tạm nương’ ở trên.
[3] Tiết địch khái 節敵愾: Lòng căm ghét quân địch.
[4] Vác cần vương 博勤王: Giữ vai trò giúp vua giữ nước. Vác 博: Binh khí hình giống như cây giáo.
[5] Chi từ đạp sỏi giày sành 之辝蹅[足皆]?: Chẳng nệ gian khổ. Sỏi sành là chông gai, những thứ nhọn làm đau chân người.
[6] Máu dợn rêu xanh 泖湎?₩メム: Máu đóng từ lớp từ lớp như sóng dợn trên mặt rêu. Cảnh chết chóc của chiến địa.
[7] Bốn câu: Các ngươi chết không ai cúng tế nên ta tế, khuyên các ngươi nhận ăn ba bữa cơm cho no đủ (bão mãn 飽滿).
[8] Bản Nôm bài văn tế nầy xin xem: Tỉnh Mê Một Cõi, Nguyễn Văn Sâm phiên âm, Viện Việt Học xuất bản 2013.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com