Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




VÕ TẮC THIÊN

NỮ HOÀNG ĐẾ TRUNG HOA

TÀN ÁC VÀ DÂM ĐÃNG





N hà Đường (618-907) là một triều đại cực thịnh ở Trung quốc. Sau hai đời vua đầu tiên là Đường Cao tổ và Đường Thái tông, đến đời thứ ba là Đường Cao tông thì bị Võ Tắc Thiên (tức Võ hậu) tiếm quyền, lập ra nhà Chu, khiến cho nhà Đường suýt nữa thì mất ngôi. Họ Võ là người như thế nào mà có hành động kinh thiên động địa như vậy ?

Vào thế kỷ thứ bảy, dưới đời nhà Đường, ở Trung Hoa xuất hiện một nữ nhân tài sắc vẹn toàn nhưng nham hiểm, độc ác và dâm đãng không ai sánh kịp, đó là Võ Mỵ Nương, sau trở thành nữ vương duy nhất của Trung Hoa : Võ Tắc Thiên hoàng đế, tức Võ hậu.

     Thuở nhỏ nàng tên là Chiếu, sinh ra và lớn lên ở Kinh châu, cha là Võ Sĩ Hoạch (theo Tùy Đường diễn nghĩa) đã nhiều năm theo vua Thái tông đi đánh giặc lập công. Nhờ dung nhan tuyệt đẹp, năm 14 tuổi (637) nàng được tiến cung hầu vua Thái tông, nhưng sau mười năm trời, nàng vẫn là tài nhân (1), không ngoi lên được.
     Năm 627, Lý Thế Dân được vua cha là Đường Cao tổ Lý Uyên (618-627) truyền ngôi, ấy là vua Đường Thái tông (627-650), niên hiệu Trinh Quán. Thái tông là nhân vật vĩ đại của lịch sử Trung quốc, có tài cai trị nên Trung quốc trở nên cường thịnh. Ông thường răn đe các con bằng một câu rất nổi tiếng và được truyền tụng mãi về sau :"Vua có thể ví với thuyền, dân có thể ví với nước ; nước có thể chở thuyền mà cũng có thể lật thuyền" (Trinh Quán chính yếu, quyển 4) (2).
     Sau 23 năm cầm quyền, vua Thái tông bị bệnh nặng, đang hấp hối tại một vùng đồi núi tịch mịch u nhàn không xa kinh đô là mấy, nơi vua thường đến nghỉ hè. Bên cạnh vua lúc bấy giờ, ngoài bọn thị vệ còn có Triệu Quốc công Trưởng tôn Vô Kỵ, nhân vật cực kỳ thân tín của nhà vua. Ông vừa là chiến lược gia và cố vấn rất trung thành, vừa là em ruột bà hoàng hậu nhân từ đã quá vãng.
     Sau khi dặn dò Vô Kỵ những điều tối hậu, nhà vua cho gọi Mỵ Nương. Nàng vội cắt một miếng hành bóp cho nước bắn vào mắt khiến mắt sưng vù và ướt đẫm rồi mới vào gặp vua. Tài đóng kịch của nàng rất khéo nhưng không qua mắt được ông vua thông minh và danh thần Vô Kỵ. Nhà vua ủy lạo nàng mấy câu rồi hỏi nguyện vọng của nàng sau khi ông mất. Nàng khóc lóc đòi được chết theo vua nhưng vua không thuận :
     - Ái khanh không được làm như vậy. Ta rất ghét cách hy sinh đó.
     Mỵ Nương sụt sùi :
     - Từ khi thiếp đem thân gửi nơi họ Lý thì thiếp đã trở thành người đàn bà của họ Lý rồi, nếu mai đây chẳng may bệ hạ qui tiên thì thiếp có thể làm gì hơn là chết theo bệ hạ.
     Nhà vua hơi bối rối đưa mắt về phía Vô Kỵ. Cuối cùng, Vô Kỵ khuyên nàng nên xuống tóc đi tu để cầu nguyện cho vong linh của nhà vua. Vua cũng khuyên nàng nên vào chùa Cảm Nghiệp cho tâm hồn được thảnh thơi, thoải mái. Biết ý vua đã quyết, không thể nào làm khác được, nàng đành phải vâng lời.

     Theo bộ "Tùy Đường diễn nghĩa" của Chử Nhân Hoạch thì lúc bấy giờ có lời sấm truyền rằng :

"Ba đời Đường trước, Đường sau,
Võ nương nữ chúa đứng đầu làm vua"


     mà Mỵ Nương họ Võ, vua Thái tông ngờ nàng sẽ cướp ngôi sau này nên buộc nàng xuống tóc đi tu tại chùa Cảm Nghiệp, chứ không nỡ giết nàng theo lời khuyên của Thái sử lệnh Lý Thuần Phong (3).
     Sau khi Mỵ Nương lui ra, vua cho gọi thái tử Lý Trị cùng vợ là Vương thị và Chử Toại Lương vào hầu. Toại Lương đang giữ chức Thượng thư Tả bộc xạ, là một người rất trung thành và cương trực. Vua ủy thác vợ chồng thái tử cho Toại Lương và Vô Kỵ rồi yên lòng nhắm mắt. Hai người quì xuống, khóc mà nhận di mệnh. Hôm ấy là ngày 26 tháng 5 năm 650.
     Ngày 1 tháng 6, thái tử Lý Trị đăng quang, tức là vua Đường Cao tông, niên hiệu Vĩnh Huy. Ngay từ khi vua Thái tông còn sống, thái tử cũng đã từng lén lút dan díu với Mỵ Nương. Chuyện đến tai vua cha, nhưng không có chứng cứ nên ông chưa hành động.
     Mấy hôm sau, Mỵ Nương cùng với hơn mười cung nữ thân tín đã từng hầu hạThái tông, được đưa đến chùa Cảm Nghiệp để xuống tóc quy y. Trong thời gian linh cữu Thái tông còn quàn ở chùa, vua Cao tông cùng Mỵ Nương thường lợi dụng cơ hội gần gũi để tỉ tê tâm sự. Là một người thủ đoạn và nhiều tham vọng, Mỵ Nương nhất định không chịu thua số phận, không chịu chết già ở ngôi chùa hẻo lánh này. Nàng bắt đầu hành động. Nàng tặng rất nhiều lụa là gấm vóc và cả nhẫn hồng ngọc cho tì nữ Lan Anh, lại tặng cho Vương hoàng hậu (vợ Cao tông) một chiếc nhẫn ngọc bích rất lớn rồi gửi gắm Lan Anh, nhờ hoàng hậu thu dụng và che chở. Thế là nàng đã cài được người của mình vào hậu cung.
     Từ đó, Lan Anh làm con thoi giữa nội cung và chùa Cảm Nghiệp. Tất cả mọi việc trong cung, Lan Anh đều báo cho Mỵ Nương biết hết. Vương hoàng hậu không có con nên đem Lý Trung, con của một cung nữ, về nuôi và được vua lập làm Thái tử. Vua Cao tông say đắm Tiêu phi bên Tây cung nên hững hờ với hoàng hậu. Thế là hai người đàn bà này trở thành kẻ thù không đội trời chung. Sau nhiều đêm trăn trở, hoàng hậu chơi một nước cờ nguy hiểm, dùng rắn độc để trị rắn độc : đem Mỵ Nương về cung để trừ Tiêu phi.
     Nghe hoàng hậu đề nghị đưa Mỵ Nương về, vua Cao tông như mở cờ trong bụng. Thế là chỉ hai hôm sau, Mỵ Nương được bí mật đưa vào cung bằng chiếc xe riêng của hoàng hậu. Từ đó, vua hay ngự bên chánh cung mà ít qua Tây cung. Tiêu phi căm hận lắm.
     Trưởng tôn Vô Kỵ mải lo việc triều chính giúp vua nên không hề hay biết. Đến khi vua báo Mỵ Nương đã có thai và ý vua muốn lập Mỵ Nương làm quí phi, ông mới ngã ngửa. Nhưng làm thế là trái với lễ nghi, triều đình phản đối (vì con lấy vợ của cha) nên Mỵ Nương chỉ được phong làm chiêu nghi, người đứng đầu trong chín cung tần.
     Trái với mong ước của mình, Mỵ Nương sinh con gái. Hơn mười ngày sau, hoàng hậu sang thăm, Mỵ Nương lánh mặt. Hoàng hậu nựng đứa bé một hồi rồi về cung. Mỵ Nương vội chạy vào bóp mũi đứa bé cho đến chết (giết đứa con thứ nhất!) rồi vu cho hoàng hậu giết con mình. Vua càng căm ghét hoàng hậu nên không lui tới. Năm sau, Mỵ Nương sinh được con trai, đặt tên là Hoằng, rồi năm sau nữa, sinh thêm một trai, đặt tên là Hiền.
     Năm 656, một vụ án quan trọng xảy ra trong cung. Người ta đào được dưới gầm giường hoàng hậu một hình nhân bằng gỗ khắc tên họ Cao tông với một cây sắt nhọn cắm vào tim. Tội trù ếm vua không phải nhỏ. Tình ngay nhưng lý gian, hoàng hậu uất nghẹn không nói nên lời. Ai là kẻ dùng kế thâm độc này để hại hoàng hậu, điều đó chẳng có gì khó hiểu, nhưng vua không cần tra xét.
     Cao tông muốn truất ngôi hoàng hậu, nhưng triều đình phản đối. Bị Mỵ Nương giật dây, Cao tông bất chấp triều đình, bãi chức Trung thư lệnh của Lưu Sử là cậu ruột Vương hậu, bãi chức Tả bộc xạ của Toại Lương (là người được vua Thái tông ủy thác phò Cao tông) và biếm ra làm thứ sử Quý Châu. Vua và Mỵ Nương tìm cách mua chuộc quốc công Lý Tích, lại được bọn Hứa Kính Tông, Lý Nghĩa Phủ xu nịnh và xúi giục nên vua xuống chỉ phế Vương hậu, phong Mỵ Nương làm chánh cung hoàng hậu. Năm ấy bà được 33 tuổi, lớn hơn vua 5 tuổi. Từ đây bà được đổi tên là Võ Tắc Thiên, tức Võ hậu (hoàng hậu họ Võ). Còn Vương hậu và Tiêu phi thì bị giam vào lãnh cung.
     Một hôm Võ hậu đi vắng, vua lén thăm hai người, bà biết được bèn ra lệnh cho thuộc hạ đánh mỗi người một trăm roi, chặt hết tay chân rồi ngâm trong hầm rượu cho đến chết. Lòng ghen của người đàn bà thật kinh khủng ! Trước khi chết, Vương hậu đã có lời nguyền "ta sẽ biến thành con mèo, khi con điếm đó ngủ sẽ xông vào cắn cổ nó cho đến chết".
     Võ hậu sinh thêm hai trai nữa là Triết và Đán. Cao tông ngày càng sợ Võ hậu , bị khủng hoảng tinh thần nên mắc bệnh thần kinh, để mặc cho Võ hậu thao túng việc triều chính. Võ hậu bắt đầu ra tay. Bà truất ngôi thái tử của Lý Trung (con nuôi của Vương hậu) để lập Lý Hoằng – con trưởng của bà – lên làm thái tử. Bà hậu đãi Hứa Kính Tông rồi xúi Tông vu cho Vô Kỵ (cậu ruột của vua) liên kết với Lý Trung âm mưu làm phản để đày Vô Kỵ ra Quý Châu. Sau đó, bà cho người đến buộc Vô Kỵ phải tự thắt cổ chết. Thế là bà đã loại được cả Vô Kỵ lẫn Toại Lương, hai trụ cột của nhà Đường.
     Hai người anh, con riêng của cha bà trước khi cưới mẹ bà, cũng không yên thân. Tại bữa tiệc gia đình ở trong cung, một người vô ý nói rằng họ làm quan là nhờ cha chứ không phải nhờ em làm hoàng hậu, tức thì bị đuổi ra miền biên tái, một người chết ở Lũng Châu, còn người kia ít lâu sau bị buộc tội phản nghịch và bị xử tử (giết hai anh cùng cha khác mẹ!).
     Vua Cao tông ngày càng chán chường cuộc sống và địa vị của mình. Quyền hành ở tay ông dần dần chuyển sang tay Võ hậu, ông biết nhưng chẳng thiết gì nữa.
     Bỗng một ngày kia có bà Hàn quốc phu nhân (Hồ Lan), chị ruột Võ hậu, đến thăm. Cùng đi với bà là cô con gái 18 tuổi rất xinh đẹp, tên là Lan (San San). Cao tông tìm thấy ở bà này vẻ duyên dáng và sức quyến rũ lạ lùng. Hai người rất tương đắc. Rồi một hôm, sau bữa cơm tối, bà Hồ Lan nằm chết co quắp trong phòng riêng (Võ hậu giết cả chị ruột!). Trong cung, chuyện ấy rất thường.
     Giết người như ngoé, nhưng Võ hậu lại rất sợ hồn ma và mèo, cho rằng mèo là do hồn ma hiện lên nên ra lệnh đuổi hết mèo ra khỏi cung. Đêm đêm, ở cung điện cũ, Võ hậu thường thấy hồn ma của Vương hậu và Tiêu phi hiện về nên bà sợ, bèn sai xây cung điện mới, cách cung điện cũ chỉ một khu vườn rộng, đặt tên là Bồng Lai điện, sau đổi là Đại Minh điện. Nhưng hồn ma lại hiện lên ở đây nên Võ hậu sai mời pháp sư tới cúng. Việc cúng kiến kéo dài nhiều đêm gây nên lắm lời đàm tiếu. Vua Cao tông rình bắt. Một đêm, vua bất thần lên bảo tháp bắt gặp Võ hậu và pháp sư vừa buông nhau ra, quần áo xốc xếch, trên bàn có hai ly rượu. Ông hầm hầm trở về, nghĩ rằng đã có bằng cớ để truất phế hoàng hậu. Nhưng ông đã lầm, Võ hậu còn cao tay hơn ông nhiều, đâu để ông dễ dàng hành động theo ý muốn.
     Hôm sau vua cho vời quan Trung thư thị lang là Thượng Quang Nghi. Hai người bí mật bàn luận rồi quan Trung thư thảo cho vua tờ chiếu phế truất hoàng hậu. Nhưng Võ hậu đã cho người theo dõi, biết hết mọi chuyện. Thượng Quang Nghi bị ghép tội đồng loã với thái tử Lý Trung âm mưu cướp ngôi và bị chém đầu. Còn Lý Trung thì được hưởng ân huệ tự treo cổ vì là hoàng tử. Các quan triều run như cầy sấy.
     Cao tông rất buồn và bất lực trong việc triều chính. Bệnh thần kinh của ông ngày càng nặng. May nhờ có San San, con gái bà Hàn quốc phu nhân, là cháu gọi Võ hậu bằng dì ruột, rất xinh đẹp ngây thơ, ngày ngày vui chơi với vua nên ông cũng khuây khỏa đôi phần và cơn bệnh cũng giảm dần. Một hôm, trong lúc dạo chơi ở vườn ngự uyển, San San thân mật choàng tay qua người ông, ông giật mình gỡ tay nàng ra và bảo nàng đừng làm như thế. Nàng hỏi tại sao thì ông buột miệng kể cho nàng nghe chuyện mẹ nàng bị Võ hậu đầu độc cũng vì quá thân mật với ông.
     Trong dịp lễ Phong sơn được triều đình tổ chức ở Sơn Đông để cảm tạ thượng đế đã ban cho Trung quốc thái bình, thịnh trị, Võ hậu gặp hai người anh họ của mình là Vị Lương và Hoài Nguyên đang làm quan ở Sơn Đông. Gặp lại hai cậu, San San mừng lắm. Trong khi trò chuyện, nàng kể cho hai cậu nghe chuyện Võ hậu hại hai người anh cùng cha khác mẹ của bà và đầu độc mẹ nàng. Chẳng ngờ có kẻ nghe lén, mách lại với Võ hậu.
     Lễ xong, Võ hậu mời hai anh họ về cung dự yến. Bà dặn hai người mang đến vài món đặc sản thật ngon của Sơn Đông để cùng ăn, rồi bà lén bỏ thuốc độc vào. San San ăn phải, chết ngay tức khắc. Vua Cao tông tới, bà buộc tội hai người âm mưu giết vua nhưng chẳng may San San ăn phải, bèn sai mang hai người ra chém. Cả ba người họ hàng này biết chuyện bí mật của bà đều bị diệt khẩu (giết cháu và hai anh họ!).
     Vua Cao tông thấy cuộc sống không còn sinh thú. Cái chết của San San như một nhát búa đập vào đầu ông. Bệnh tình của ông ngày càng nặng. Mới 45 tuổi mà trông ông hốc hác như một ông già, tóc đã bạc nhiều. Thái tử Lý Hoằng, 23 tuổi, trưởng nam của vua và Võ hậu, được trao quyền dần. Lý Hoằng là người có học, có đạo đức, tính tình rất tốt, biết thương yêu lính và dân, muốn làm nhiều việc để giúp đỡ họ, như gặp năm đói kém, chàng lấy gạo trong kho ra phát chẩn.
     Nhân dịp đến Lạc Dương, thái tử Hoằng phát hiện hai người con gái của Cao tông và Tiêu phi là Nghi Dương và Cao An (tức là chị cùng cha khác mẹ với thái tử) bị giam lỏng ở đấy, cả hai đã trên 30 tuổi mà không có cơ hội lấy chồng. Thái tử về can thiệp với mẹ, Võ hậu buộc lòng phải gả chồng cho hai nàng, nhưng lại gán cho hai tên thị vệ (gả công chúa cho thị vệ!).
     Con trai thứ ba của Võ hậu tên Triết có vợ là Đào Phi, một cô gái rất hiền thục. Mẹ nàng là công chúa Trường Lạc ra vào cung cấm và chơi rất thân với vua Cao tông. Võ hậu ghen, đổi vợ chồng công chúa đi xa và cấm về triều. Còn Đào Phi thì bị Võ hậu bắt giam và bỏ đói cho đến chết (giết con dâu!).
     Hai việc trên đây khiến thái tử Hoằng giận muốn phát điên nên dùng lời lẽ cay đắng trách mẹ. Chẳng những không nghe, bà còn nặng lời quở trách. Mười mấy hôm sau, trong một cuộc du ngoạn với cha mẹ, thái tử Hoằng chết vì ăn phải thức ăn có thuốc độc (giết đứa con thứ hai!). Một năm sau, vợ Hoằng cũng chết vì sầu muộn.
     Hoàng tử Hiền, con trai thứ hai của Võ hậu được lập làm thái tử. Năm 679, bệnh của Cao tông càng nặng, Hiền được phong làm phụ chính. Chàng để hết tâm trí vào công việc của triều đình. Khôn ngoan hơn thái tử Hoằng, Hiền luôn giữ một khoảng cách với mẹ, không ăn cơm chung với bà và cũng ít khi qua Lạc Dương thăm bà. Võ hậu biết được nên rất tức giận. Rồi có tin đồn rằng Hiền là con của bà Hàn quốc phu nhân, chị Võ hậu, hẳn là do Võ hậu tung ra để làm giảm uy tín của chàng.
     Tại Lạc Dương, Võ Hậu giao du rất thân mật với đạo sĩ Minh Tôn Yên. Để được lòng Võ hậu, gã đã không tiếc lời chê tướng mạo của Hiền. Cuối năm 679, gã bị ám sát trên đèo Đồng Quan trong khi từ Lạc Dương về Trường An. Võ hậu giận điên người, tin chắc vụ này do Hiền đạo diễn nên một mặt cho gọi Hiền về Lạc Dương, mặt khác ra lệnh khám xét tư dinh của thái tử và phát hiện ba trăm món vũ khí trong chuồng ngựa. Hiền bị ghép tội phản nghịch và bị kết án tử hình nhưng vua Cao tông đã kịp thời can thiệp. Một trò vu cáo thật lộ liễu và buồn cười. Lẽ nào một vị thái tử lại không có quyền giữ vũ khí trong dinh và phản nghịch để làm gì khi mình là vị trừ quân sắp được nối ngôi thiên tử? Mặc dù vậy, Hiền vẫn bị truất ngôi thái tử và bị đày đi Tứ Xuyên. Rồi Võ hậu sai người đến Tứ Xuyên bắt Hiền nhốt vào phòng kín và buộc chàng tự treo cổ (giết đứa con thứ ba!). Sau đó, hoàng tử Triết, con trai thứ ba của Võ hậu được lập làm thái tử.
     Ngày 27-12-683, vua Cao tông băng hà, hưởng dương 55 tuổi. Lý Triết lên nối ngôi, tức vua Đường Trung tông. Nhưng chưa đầy hai tháng, Võ hậu lại phế Trung tông xuống làm Lư Lăng vương và đày đi Phòng Châu, chỉ vì một câu nói thiếu suy nghĩ của Triết. Một lần, Trung tông muốn phong cho bố vợ mình là Vi Nguyên Trinh làm Thị trung, bị quan Trung thư họ Bạch phản đối vì cho rằng Trinh không đủ tài đức và kinh nghiệm thì Trung tông phán :
     - Trẫm là vua. Nếu muốn, trẫm có quyền đem cả giang sơn này nhường cho nhạc phụ.
     Quan Trung thư tâu lên Võ hậu, bà lập tức hành động…
     Tháng 2 năm 684, hoàng tử thứ tư và cuối cùng là Lý Đán (phụ vương của Đường Minh Hoàng sau này) được đưa lên làm vua tức Đường Duệ tông, nhưng mọi việc chính sự đều do bà quyết đoán, còn vua chỉ giữ hư vị và ngồi chơi ở hậu cung. Tất cả bốn con trai của bà (Hoằng, Hiền, Triết, Đán) đều bị loại khỏi vũ đài chính trị. Giờ đây, bà nắm trọn quyền trong tay và muốn trở thành chúa tể nước Trung Hoa. Mặc dù đã vào tuổi lục tuần, Võ hậu vẫn còn sung sức và dâm đãng lạ lùng.
     Qua sự giới thiệu của con gái bà – công chúa Thái Bình – bà biết được khả năng làm điên đảo đàn bà của nhà sư điên Hoài Nghĩa. Hắn họ Phùng, tên thật là Phong, còn có tên là Phùng Tiểu Bảo, chỉ là tên bán thuốc dạo theo lối "Sơn Đông mãi võ" ở Lạc Dương, có thân hình cao lớn, lực lưỡng. Được Võ hậu yêu quý, cưng chiều, hắn tác oai tác quái trong cung như chỗ không người. Pháp quan Vương Châu Lập dâng sớ xin hoạn Hoài Nghĩa khiến Võ hậu cười ngất. Bà sai xây điện Thiên Đường ở phía sau điện Thái Hòa, cho Hoài Nghĩa làm "sư trưởng" để hắn có cớ lưu lại trong cung.
     Võ hậu có 14 người cháu, tất cả đều được giao chức vụ quan trọng để chuẩn bị cướp ngôi nhà Đường. Bà lại sai xây tôn miếu ở Lạc Dương để thờ tổ tiên họ Võ. Các bậc trung thần của nhà Đường rất phẫn nộ, nổi lên chống lại. Người đầu tiên là Lý Kính Nghiệp (cũng gọi là Từ Kính Nghiệp), cháu nội của Quốc công Lý Tích, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, có Lạc Tân Vương phò tá, truyền hịch kể tội Võ Tắc Thiên, nhưng do thiếu kinh nghiệm về chiến lược chiến thuật nên chỉ dấy binh được hai tháng thì bị tướng của Võ hậu là Lý Thừa Nghiệp đánh tan. Kính Nghiệp bị giết, Lạc Tân Vương mất tích, nghe đâu ông cải trang làm nhà sư đến tu tại chùa Linh Ẩn ở tỉnh Giang Nam.
     Năm 688 tình hình chính trị ở Trung Hoa hoàn toàn có lợi cho Võ hậu. Bà cho thuộc hạ tung tin rằng bà là Phật tái sinh, là hậu duệ của nhà Chu vì ông vua đầu tiên của triều đại này là Võ đế, nhưng thật ra Võ đế chỉ là vương hiệu chứ không phải vua họ Võ. Bà dốt sử hay cố tình làm ra thế?
     Thấy bà sắp cướp ngôi, Lang nha vương Xung khởi binh chống lại, nhưng cuộc khởi nghĩa bị dẹp rất nhanh. Một kẻ thuộc hạ đã giết Xung để lập công với Võ hậu. Cha của Xung là Việt vương Trinh biết không khởi binh cũng chết nên làm liều. Ông bị đánh bại và phải tự vẫn. Các thân vương, tôn thất của nhà Đường bị Võ hậu bắt và giết gần hết.
     Ngày 9 tháng 9 năm 690, Võ hậu hạ chỉ phế vua Duệ tông, bỏ nhà Đường, đổi quốc hiệu là Chu, lên ngôi vua, xưng là Tắc Thiên hoàng đế, lấy niên hiệu làThiên Thụ. Lên đến tột đỉnh danh vọng, Võ Tắc Thiên sinh ra hư đốn, đắm chìm trong sắc dục. Bà giữ riệt hai anh em Trương Dịch Chi và Trương Xương Tôn trong cung để ngày đêm ân ái. Sự dâm đãng của bà đã lên đến cực điểm mặc dù tuổi đã già.
     Cũng may là nhà Đường còn sót lại một ít bậc trung thần có tài như Địch Nhân Kiệt, Ngụy Viễn Chung, Hứa Ngọc Cung…. Họ Địch là đối thủ lợi hại nhất của Võ hậu, nhưng bà không hề nghi ngờ. Địch Nhân Kiệt được phong làm Đô ngự sử, Hứa Ngọc Cung làm phó và Ngụy Viễn Chung giữ chức Thị trung. Bộ ba này đã giúp cho triều đình tốt đẹp lên, nhưng cũng là những người làm cho nhà Chu của họ Võ mất ngôi.
     Trong lúc đó, sư Hoài Nghĩa bắt đầu chán Võ hậu vì bà đã đến tuổi cổ lai hy, không còn hấp dẫn như trước nữa. Hắn nằm lì trong đền Bạch Mã ở ngoại thành để tận hưởng thú vui bên các cô gái trẻ. Võ hậu sai người đến gọi, chẳng những hắn không vào, lại còn buông một câu nguy hiểm chết người :
     - Ở đây hoa đẹp, nhị non, ta còn chẳng thèm bẻ, huống hồ cây già, cành khô. Ngươi cứ về trước, ta sẽ vào sau.
     Nghe kể lại, Võ hậu giận tái người nhưng chưa biết giải quyết cách nào thì Thái Bình công chúa – con gái bà – đề nghị một mật kế và được bà chấp thuận. Thái Bình tìm cách dụ Hoài Nghĩa vào cung rồi sai cung nữ và thị vệ phục kích, xông ra quăng dây trói gô hắn lại. Thái Bình đọc cho hắn nghe tờ mật chỉ của Võ hậu truyền cho hắn phải chịu tội "cung hình" (hoạn). Nhưng bọn thị vệ chẳng những "cung hình" hắn mà còn đập hắn cho đến chết.
     Võ hậu đã già, phải nghĩ đến người kế vị. Ban đầu bà định lập người cháu gọi bà bằng cô là Võ Thừa Tự làm thái tử nhưng tên này dốt nát và hèn hạ nên bà chán ; định lập người cháu khác là Võ Tam Tư, nhưng Địch Nhân Kiệt cực lực phản đối. Sau cùng, bà nghe lời họ Địch, gọi hoàng tử thứ ba là Lư Lăng vương Lý Triết đang bị đày ở Phòng Châu về, cho làm thái tử và giáng Lý Đán xuống tước Tương vương.
     Địch Nhân Kiệt đã già. Điều ông lo lắng hơn hết là làm sao lật đổ nhà Chu, khôi phục nhà Đường. Muốn vậy phải tập hợp chung quanh ông những người trung thành, tài đức và đảm lược. Ông lần lượt giao cho Diêu Sùng, Tống Cảnh, Trương Giản Chi….những chức vụ quan trọng trong triều. Đặc biệt, ông tiến cử Giản Chi thay mình làm đại thần.
     Năm 700, Địch Nhân Kiệt từ trần ở tuổi 71. Võ hậu lúc đó tuy đã 77 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Từ trước, bà đã có hai người tình là Trương Dịch Chi và Trương Xương Tôn, những người đã làm cho bà và công chúa Thái Bình mê mẩn. Hai người này được bà sủng ái, bà con họ hàng của chúng được hưởng ơn mưa móc của vua, sinh ra kiêu căng phách lối, làm nhiều điều quá đáng khiến tiếng xấu lan truyền trong dân chúng.
     Năm 703, Võ hậu đã 80 tuổi, sức khỏe suy giảm rõ rệt, đau ốm liên miên khiến anh em họ Trương rất lo sợ cho số phận của mình. Gặp dịp tốt, các quan trong triều tìm cách trị Xương Tôn. Tháng 7, Xương Tôn bị truy tố về tội cướp đất của dân, suýt bị mất chức và bị tù, nhưng Võ hậu đã can thiệp kịp thời. Tháng 12, Tôn lại bị truy tố về tội dám cả gan nhờ thầy bói bói xem gã có được làm vua hay không. Nhưng hai pháp quan xét xử gã là người cùng phe với Võ hậu nên gã được tha bổng.
     Trước hai việc đó, Tống Cảnh cực lực phản đối. Để gỡ thế bí, Võ hậu hai lần cử ông đi Dương Châu rồi U Châu để điều tra mấy vụ án nhưng ông từ chối, lấy cớ còn nhiều việc phải làm ở Ngự sử đài. Dưới áp lực của triều đình, Võ hậu đành phải giao Xương Tôn cho Ngự sử đài vì gã đã phạm nhiều tội nặng.. Nhưng cuộc thẩm vấn chưa kết thúc thì bà phái quan Khâm sai đến triệu Xương Tôn về có việc khẩn cấp. Luật pháp và Tống Cảnh lại thua bà một keo nữa.
     Đầu năm 705, Võ hậu 82 tuổi, bệnh tình ngày càng nặng, phải nằm liệt giường. Giản Chi thấy thời cơ đã đến, quyết không bỏ lỡ cơ hội. Ông âm thầm hoạt động, đưa Dương Viễn Yến lên làm tướng quân, chỉ huy đội cấm vệ trong cung. Ông lại lôi kéo Ôn Kỳ Tâm,Tổng chỉ huy quân thị vệ, đứng về phía mình rồi đưa ba người bạn tin cậy lên nắm binh quyền. Diêu Sùng cũng được triệu hồi về kinh để cùng hợp sức lật đổ nhà Chu.
     Sáng sớm ngày 22 tháng giêng năm 705, quân cấm vệ được lệnh tập trung tại cửa bắc Hoàng cung, Trương Giản Chi cùng các võ quan thân tín đều có mặt. Ôn Kỳ Tâm và một người con rể của thái tử Triết vào cung tìm ông. Nghe chuyện, Triết rất lo sợ, run lẩy bẩy, không dám quyết. Kỳ Tâm và người con rể thúc giục mãi, ông đành phải nghe theo, để họ đỡ lên ngựa như một cái xác không hồn. Các toán quân từ nhiều ngã rầm rập kéo vào hoàng cung. Kỳ Tâm đem đội cận vệ tiến vào cung của Võ hậu. Trương Dịch Chi và Trương Xương Tôn nghe động chạy ra, chưa kịp phản ứng đã bị lính cận vệ chém bay đầu.
     Giản Chi, Quang Ngạn Phạm và thái tử Triết bước vào. Giản Chi báo cho Võ hậu biết hai anh em họ Trương đã bị giết, còn Quang Ngạn Phạm thì khẩn thiết yêu cầu bà hãy trả ngôi cho thái tử. Cuộc đảo chính diễn ra chớp nhoáng và kết thúc nhanh chóng. Thủ cấp của hai tên họ Trương bị bêu lên, bà con họ hàng của chúng bị lôi ra pháp trường xử trảm.
     Ngày 23 tháng giêng năm 705, thái tử Triết nhiếp chính. Ngày 24, Võ hậu thoái vị. Ngày 26, bà được đưa đi an trí ở phía Tây kinh đô, có Lý Cẩn canh giữ cẩn mật. Hoàng tử Đán (em Triết) được phong làm Quốc công, con cháu nhà Đường được ân xá và phục chức. Những người bị lưu đày được phép trở về nhà. Công chúa Thái Bình ngã theo phe Triết.
     Ngày 1 tháng 2 năm 705, nhà Đường được khôi phục. Thái tử Triết lên ngôi, tức là vua Đường Trung tông, niên hiệu Thần Long. Tháng 11 năm 705, Võ hậu trút hơi thở cuối cùng, kéo theo sự sụp đổ của nhà Chu (690-705) kết thúc cuộc đời của một người đàn bà nổi tiếng là tàn nhẫn, độc ác, dâm đãng và có quá nhiều tham vọng.

(1) Tài nhân : một bậc của cung phi, có nhiệm vụ hầu vua khi tắm rửa và thay quần áo.
(2) Nguyên văn : "Quân giả chu dã, thứ nhân giả thủy dã ; thủy tắc tái chu, thủy tắc phúc chu" (Tuân tử).
(3) Lý Thuần Phong là người có tài bấm độn, tiên tri.






| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com