Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM



KỲ THỨ V.


THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..

Việt Văn Mới xin đăng tải lại một vài nhận định báo chí, văn giới về Lược Sử Văn Nghệ khi xuất bản lần đầu vào 1959 :

a) Tạp chí Bách Khoa:" ..Ông TPhong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian khá lâu chưa ai tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà mười mấy năm trời' đúng một thời gian luân lạc cuả cô Kiều...."( số 56, năm 1959, TRIỀU ĐẨU)

b) Ông TP một văn nghệ sĩ thủ đô vừa viết xong và cho phát hành cuốn" Lược sử Văn Nghệ VN", trong đó tác giả phân tích các tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời từ 1930 đến 1945. Cuốn này được quay ronéo có bầy bán tại các hiệu sách. Sách này tác giả đã tốn nhiều công phu và sưu tầm khá nhiều tài liệu để biên soạn (nhật báo Ngôn Luận ngày 8/9/1959- Saigon).

c) ..." Điều thứ ba, sự phán đoán của anh hợp với ý tôi, phần nhiều các tác phẩm anh khen, thì tôi cũng nhận là có giá trị; những tác phẩm anh chê, thì tôi cũng không thích. các nhận xét cuả anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông đều đúng cả. Đó là nhận xét của tôi; tôi phải phục sức đọc, sức viết, sức nhớ cuả anh. Cảm ơn anh một lần nữa.." (Nguyễn Hiến Lê, 12/3c Kỳ Đồng, Saigon 3- ngày 17/4/1959)

d) Nguyệt san Sinh Lực (1959, Chủ nhiệm: Võ văn Trưng- Saigon) :"...Hôm nay Thế Phong còn có thể ít nhiều nhầm lẫn-nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn nhiều bước đi ngạc nhiên trên lãnh vực nà để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận bị bỏ quên trong nhiều năm. Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, cuả một người văn nghệ biết mỉm cười trong sự nghèo túng bản thân mình để hiến chiều dài cho văn học sử. Cũng có đôi khi ta thấy Thê Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng: đó là sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại; hoặc dao to búa lớn; (trái lại) nhiều tinh thần thẩm mỹ, dĩ nhiên là có chủ quan. Ta quí sự nhận thức ấy- vì anh dám nói- cũng như người khác có dám cãi lại hay không là quyền của họ.." (Lê Công Tâm - Thanh Hữu, nhà văn).

e) Le Journal d'Extrême Orient (Saigon, 3 Décembre 1959)" Lược sử văn nghệ Việt nam-Hisotire de la littérature vietnamienne". Histoire sommaire de la littérature vietnamienne, òu l'auteur passe en revue les écrivains d'avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre est tirée sur ronéo avec une tirage limitée. Fruit de minuitieuses recherches et d'une riche documentation donnée une vue d'ensemble des diverses époques et tendances des écrivains, des poètes du Vietnam, de leurs oeuvres, d'une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l'Histoire. C'est une synthèse remarquablement coordonné annotée parle critique éminent qu'est ThếPhong qui l'achevée dans les derniers jours de Juin 1956

(đã in ở cuối sách "LSVNVN-Nhà văn tiền chiến 1930-1945 của ThếPhong, NXB Vàng Son Saigon 1974)...

Từ Vũ và Việt Văn Mới chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã ưu ái cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ,một bộ tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

Từ Vũ

VvietartNewvietart 2004-2018
ViệtVănMới 25.6.2020 Troyes-France.



VÀI DÒNG TÂM SỰ NGƯỜI VIẾT SÁCH

T rước hết cảm ơn bậc đàn anh bước trước: Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – Hoài Chân ... (chẳng là gần với tài liệu văn học tham khảo, cũng như so sánh).

Viết sách biên khảo hay phê bình, giá trị nhiều hay kém có thể nằm trong vài ý kiến dưới đây: Lập trường người viết phải có trước khi tìm kiếm tài liệu. Ấy là đã phải kể tới kiến thức, học và đọc; khả năng và tâm hồn văn nghệ nhạy cảm của người viết phê bình.

Lại cần kinh nghiệm, nhỡn quan nhìn, phải được chế biến theo lập luận người viết càng nhuyễn, sách càng phong phú. Không thể coi sách tương tự như cours nhà trường, làm thành gọi là biên khảo, phê bình văn học. Cũng như étude, non-fiction, fascicule, étude critique sur critique phân minh rõ ràng.

Tài liệu dồi dào, nhưng tài liệu nào chưa đọc, không nên bao biện. Người viết không định ý, lập luận; hẳn tài liệu phong phú dồi dào đi nữa; cuối cùng người viết chết theo với tài liệu sưu khảo được. Nhớ tới Nguyễn Hiến Lê trong một sách biên khảo bàn về tài liệu, nhất là tìm tài liệu văn học, sử học Việt Nam khó gấp bội phần khi sưu tập tài liệu tương tự ở nước ngoài. Ý kiến thật xác đáng. Nước ta triền miên khói lửa, và tầm mức thẩm định giá trị tài liệu văn học chưa được sử dụng đúng mức, công bằng.

Cộng đời sống thấp kém, ít thời giờ đọc sách, mua sách, bảo tồn sách, nên tủ sách văn học Việt Nam cần cho người viết sử dụng còn ở tình trạng rất thiếu thốn.

Khi viết bộ sách này, khích lệ tôi nhiều nhất phải kể tới một người: đó là anh Nguyễn Đức Quỳnh. Ông nhắn nhủ tôi rằng: “tài liệu nhiều chưa chắc đã là một yếu tố thành công, còn phải dám làm, dám nhận trách nhiệm”.

Đôi khi, chính kẻ dám làm lại liều lĩnh và dám biết mình ngu. Như vậy, chắc chắn tôi biết trách nhiệm khi viết sách. Cảm ơn một lần nữa nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh, ông bạn văn tiền chiến vong niên. Nữa, cho tôi xin cảm ơn thêm vài tấm áo vải lao động: như anh chị Hai Nụ ở Xóm Chùa (Tân Định) làm nghề thợ thêu. Anh chị nuôi sống tôi hai năm trời: cơm và nhà ở. Nhà thuê vào năm viết bộ sách là một trăm năm mươi đồng. Tiền cơm bốn trăm đồng. Chưa hết, ông già Lịch bán thuốc lá, cũng ở đây; cho tôi chịu khoảng hai ngàn đồng tiền thuốc lá. Thuốc lá Ruby khoảng sáu đồng một bao. Sáu tháng liền, tôi chỉ đi ra tới ngõ; xa hơn là 147B Trần Quang Khải (Sàigòn 1) tới tiệm cho thuê sách Đức Hưng. Nơi này đủ gần hết tác phẩm tiền chiến, giấy dó Hàn Thuyên, mướn đem về đọc để làm tài liệu viết. Một người bạn nữa anh Lung cũng ở Xóm Chùa ngập nước, có một tủ sách khá lớn. Anh cho mượn và tôi sử dụng một cách sở hữu chủ. Anh từ miền Bắc vào Nam lâu, có viết báo tài tử, một người thật chân tình. Phải chăng chân tình này làm tôi cảm động, khi nghe kể đoạn đời anh tham gia kháng chiến ở Nam Bộ bị Pháp cầm tù. Đời tù đầy thêm kinh nghiệm sống, đời quất ngọn roi phũ phàng bao nhiêu, nạn nhân chịu nổi hờn đau sẽ sống lâu hơn; sau thì người ấy sẽ được liệt vào bậc tốt nhất xã hội trên mọi phương diện.Và một bạn học cũ Hà Nội : Tạ Văn Tài đạp xe đạp thăm tôi để khích lệ - trước khi anh đậu hai thủ khoa Văn chương và Luật khoa Sài Gòn rồi sang Mỹ du học.

THẾ PHONG







BỘ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900-1956

gồm 4 tập:

1). NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930 -1945

2). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN 1945 -1950 gồm hai phần:

a). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN CHỦ LỰC 1945-1950 viết theo lối tuyển tập thơ văn kháng chiến, viết về: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Hữu Thung, Hoàng Lộc, Yên Thao, Nguyễn Đình Thi vv... Các chiến sĩ văn nghệ như: Vô Danh, Hà Minh Tuân, Lê Minh, Vũ Linh, Nguyễn Trinh Cơ, Đình Quang, An Bá Đảm, Quốc Chính, Nguyễn Xuân Hòe, An, Lưu Hương, Chính Hữu, Minh Tiệp, Phùng, Hà Khang, Kim Lân, Siêu Hải, Nguyễn Công Mỹ vv... b). Nhà văn miền Nam 1945 –1950: Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Hoàng Tấn, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Tố Nguyên, Quốc Ấn, Sơn Khanh, Vũ Xuân Tự, Hợp Phố (nữ), Phi Vân, Nguyễn Bảo Hóa(78) v.v...

3). NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950 - 1956.

Bùi Xuân Uyên, Tạ Tỵ, Xuân Nhã (nữ), Hoàng Chu Ngạc, Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Phan Phong Linh, Bạch Diện, Mai-Lâm-Nguyễn-Đắc-Lộc, Nguyễn Tố, Văn Thuật, Mặc Thu, Nguyễn Ái Lữ, Kỳ Văn Nguyên, Nhị Lang, Thanh Nam, Huy Quang, Nguyễn Thiệu Giang, Thi Thi Tống Ngọc, Nguyễn Hoàng Quân, Hiệp Nhân, Thùy Linh, Thanh Bình, Vĩnh Lộc, Nguyễn Thạch Kiên, Hà Bỉnh Trung, Hoàng-Lan, Quốc Ân, Hoài Linh, (1 và 2) Kim Dung, Hiền Nhân, Đoàn Thu, Hoàng Công Khanh, Sao Mai, Nguyễn Minh Lang, Văn An, Thanh Hữu, Huy Sơn, Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Hoàng Phụng Tỵ, Hoàng Song Liêm, Hoài Việt, Trần Nhân Cư, Huyền Giang, Băng Sơn, Vân Long, Song Hồ, Lê Đình Chân, Mặc Đỗ, Phạm Việt Tuyền (Thanh Tuyền), Lê Văn Hòe, Phạm Văn Sơn, Hoàng Như Mai, Huyền Chi, Hoài Minh, Thanh Thuyền, Hồ Đình Phương, Tạ Ký, Xuân Huyền, Thanh Thanh, Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu Mai - Vũ Bá Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân, Nguyễn Hoài Văn, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Nguyên Sa, Mai Thảo, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo,(nữ) Triều Lương Chế, Phạm-Thái –Nguyễn-Ngọc-Tân, Vũ Khắc Khoan, Chấn Phong, Hư Chu, Hồ Hán Sơn, Phan Lạc Tuyên, Đỗ Tấn, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Văn Cổn, Hoàng-Nguyên-Bùi-Khải-Nguyên, Cung Trầm Tưởng, Hà Liên Tử, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Chế Vũ, Thế Viên, Diên Nghị, Huyền Viêm, Phan Minh Hồng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Năng An, Hoàng - Thu - Đông (Hoàng Trọng Miên), Diên Hương, Thanh Nghị, Kiêm Đạt, Hồ Nam– Vương-Tân, Nghiêm Xuân Hồng.

4) TỔNG LUẬN 60 NĂM VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900 -1956 (NAM VIỆT NAM)

Tổng luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1960. Người viết bộ sách cô đọng tóm tắt bốn tập dẫn giải ở trên. Người đọc không có thời giờ hoặc cần có quan niệm tổng thể chỉ cần đọc tập này thôi. Bản Anh ngữ của Đàm Xuân Cận: A brief glimpse at the Vietnamese literary scene 1990 - 1956 (Đại Nam Van Hien Books) Phụ lục bộ sách in thêm một cuốn nữa .Hiện tình văn nghệ Nam Việt Nam 1957 -1961(79) , để độc giả theo dõi được tổng quát bình diện văn nghệ Nam Việt Nam, diễn biến qua nét chính yếu sinh hoạt văn nghệ qua các nhóm: Đại Học và Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Nam Châu, Lê Tuyên, Lê Thanh Châu, nhóm Văn Hóa Á Châu, Chủ tịch giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Lê Xuân Khoa,v.v…. Văn Hóa Vụ (Cơ quan văn nghệ chính phủ Ngô Đình Diệm với Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Trọng Miên, Phan Du,v.v… Nhóm Sáng Tạo, Trung tâm văn bút Việt Nam V.N. (PEN) với Nguyễn Thị Vinh, Thanh Lãng, Tường Hùng, Duy Lam, Nguyễn Hoạt; nhóm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương với Nhật Tiến, Duy Lam, Thu Vân,v.v… và cuối cùng Khép với bức thư người viết trình bày lý do viết bộ sách. Khi viết tôi mới 24 tuổi. Tự nhận rằng nhầm lẫn sơ sót không thể không có. Chủ quan có, nhưng nhớ rằng chủ quan nào mà anh diễn dịch trong tác phẩm? Chủ quan viễn kiến hoặc chủ quan hẹp hòi, ao tù, bè nhóm? Khi sách xuất đầu lộ diện, tôi không muốn nhìn thấy cảnh này, như Vũ Ngọc Phan ra mắt Nhà văn hiện đại; thì một L.H.V. viết bài phê bình trên báo Thanh Nghị rất hay, xác đáng lại không dám ký tên thật. Nhưng điều đau đớn, sau hai chục năm, tôi đây đến sau vẫn biết rằng, người viết ký tên tắt kia chính là Lê Huy Vân. (Bạn học cùng lớp với Nguyễn Hiến Lê). Tôi cho đó đê hèn đáng yêu nhưng không nên có. Một lối phê bình câm nín yên lặng nữa, đểu cáng đáng yêu hơn: mưu mô im lìm – Pháp gọi là: le critique très impitoyable c’est taire. Như vậy không được, một tác phẩm phê bình văn học ra mắt; hay thì khen hay; dở phải chê dở! Sự khen và chê ấy quan thiết ở chỗ đúng cảm quan người viết ở mức độ đúng nhất, không ngụy trang, mưu mô. Tôi cúi đầu trước cử chỉ đó và trong đời chỉ đón nhận thái độ đó. Khi tôi dự định làm văn sĩ, tôi cần đọc nhiều tác phẩm đàn anh, bạn văn trong nước, cả đến quốc tế. Để làm gì? Xin thưa, để xem tác phẩm nào hay hoặc dở, những gì người ta đã và chưa nói tới. Học hỏi và quyền chê khen theo quan niệm đúng nhất của tôi lúc đó. Hoặc như V.Biélinsky(80) , tác giả phê bình văn triết luận nổi tiếng số một của Nga đã chẳng nói: “...Làm sao nghi ngờ hả? Các anh quay lưng không thèm nhìn hả, lại bịt tai không thèm nghe sao? Kệ xác các anh! Không quan tâm tới. Các anh đọc hay không, với tôi không cần thiết. Tại sao à, cuối cùng ai cũng có tự do. Ngoài ra, làm sao tôi phải mặc cả với anh kia chứ? Vậy thì anh bạn ơi, đừng giận nhé! Bằng lòng hay không bằng lòng, các anh vẫn phải đọc. Không đọc, vậy thì anh đọc cái gì mới được chứ? Anh bạn ơi, nếu cho phép tôi, thì tôi bắt đầu nói đây này"…. Sự thật! Sự Thật! Chẳng có gì hơn là sự thật”
Nói theo đàn anh V.Biélinsky, thì xin thưa với các Ngài, sự thật tôi nghĩ, tôi trình bày như thế đó.

Sài gòn, 20 tháng 6 năm 1956.

THẾ PHONG

♣♣♣

TIẾT 1

KHÁI QUÁT VỀ ĐƯỜNG LỐI CỦA NHÓM XUÂN THU NHÃ TẬP

Xuân Thu Nhã Tập theo điển tích Hán học có nghĩa là: "Cỏ hoa nở dưới mặt trời, bông lúa chín vàng. Sắc đẹp mùa xuân hai mùa hoa nở quả nở trong tinh không cao nhẹ, nghĩa là hai mùa xuân ấy thực hiện được thơ cao đẹp, thanh”.

Xuân Thu Nhã Tập là nhóm văn nghệ gồm các kịch sĩ: Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Xuân Sanh và Phạm Văn Hạnh (nòng cốt). Và nhà văn thơ cộng tác, hưởng ứng như: Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Trinh, Diệu Anh vv…

Nhóm ấy đưa ra hai phần thảo luận: cơ sở lý luận văn nghệ và sáng tác. Đặt cơ sở lý luận rồi sáng tác. Phần lý luận, nhà văn nghệ nhóm muốn phát huy đặc tính dân tộc nói riêng, Đông Phương, nói chung. Vấn đề tổng hợp hồn tính một dân tộc phải xúc tích, tĩnh mạc và diễn đạt theo phương pháp nhận định Tây Phương. Nhóm ấy không gây được một ảnh hưởng lớn như Tự Lực văn đoàn, Hàn Thuyên; nhưng khám phá được con đường mới, bồi bổ cho nền văn chương dân tộc. Tuy nhiên chưa đạt được mấy thành quả. Tìm hiểu đường lối nhóm ấy, chúng tôi cho trích đoạn văn của Diệu Anh nhận định về Xuân Thu Nhã Tập: (23)

“…Bài tiểu luận Thơ ký tên Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sách là một trong những bài giá trị trong Xuân Thu Nhã Tập, có thể nói là một công trình tư tưởng có ý vị bậc nhất trong thời đại. Bài tiểu luận thơ phát biểu những quan niệm để thực hành cái phần tiểu thừa trong chương trình của nhóm thanh niên nghệ sĩ tác giả Xuân Thu Nhã Tập gây một nghệ thuật thơ cho Việt Nam, tìm con đường thực nói liền nguồn gốc xưa với ước vọng nay. Gọi về những cái giòng sống thực của ta…” (Quan niệm, trang 12). Thơ là cái gì siêu thoát, ra ngoài ước lệ; theo ở trên thì: nó rung động ta theo nhịp điệu vũ trụ, hồn nhiên, nó hòa hợp ta trong cái đẹp và ấp ủ ta nằm trong sự thật.

Kết luận, Diệu Anh viết:

“…Xuân Thu Nhã Tập, viết với rất nhiều tâm tình và nhiều nghệ thuật, là một quyển sách khiến kẻ đọc suy nghĩ nhiều. Nay giở mấy trang, mai giở mấy trang, đọc đi đọc lại mỗi bài hai ba lượt, mỗi lượt đọc lại thêm ý vị của một vài tư tưởng, gấp mấy quyển sách lại ta thấy trong nó tự nhiên, ta để nó vào một chỗ danh dự trong tủ sách…” (trang 28, Quan niệm).

Diệu Anh đề cao, phê bình quảng cáo không ít cho Xuân Thu Nhã Tập. Nhóm này cũng bắt chước lối Dadaðsme của Pháp; muốn đưa ra con đường mới; nhưng chưa được thực hiện được nhiều – song cũng gọi là nhà văn thơ, trí thức luôn muốn tiến bộ. Biết bao nhiêu khuynh hướng: Lettrisme, Existentialisme, Surréalisme, Dadaðsme, Lettrisme...nhưng có gây nổi phong trào gì đâu? Thơ, đặc tính của thơ, phải cảm rồi mới hiểu, nói như một văn hào Trung Hoa nào đó (Lỗ Tấn), không hẳn là thiếu lý do; nếu thơ mà duy lý (rationalisme) thì không còn là thơ, mà như vậy thà viết lý luận cho xong. Thiết tưởng ý nghĩ này không xác thực, nếu không vậy, quả là những bài tiểu luận triết học tôn giáo, chính trị, bí hiểm quá thì quả thật chất thơ có diễn tả bay bướm bằng nhạc điệu đến chừng nào chăng nữa; cũng chẳng làm ai cảm động lâu được bao giờ!

Sự cố gắng khám phá con đường mới là nhã ý của nhóm ấy, ở đây chỉ nhận chân công lao nhỏ ấy mà thôi.

TIẾT 2

ĐOÀN PHÚ TỨ (1910 -1989)

NGUYỄN XUÂN SANH (1920 - )

PHẠM VĂN HẠNH (19?? - )

1. Đoàn Phú Tứ

Sinh ngày 10-9-1910 ở Hà Nội. Viết văn khi còn học lớp nhất, từ 1925- 1937 chủ trương báo Tinh Hoa. Là kịch sĩ lịch lãm và tác phẩm đã xuất bản: Những bức thư tình (1937), Ngã ba (Thời Đại), Ghen… đều là những vở kịch dài và ngắn. Năm 1942, ông cho xuất bản cuốn Xuân Thu Nhã Tập do ông và Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh chủ trương. Nhóm này còn thêm họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung và nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát cộng tác. Những thi bản của ông đẹp, bao hàm thi tứ, nở hương thơm, như Màu thời gian, hoặc kịch phẩm giá trị như Ghen, Ngã Ba, có nhiều kịch tính; nội dung tiến bộ về mặt xây dựng nhân vật, bối cảnh như kỹ thuật. Tác phẩm của ông bao hàm một triết lý nhân sinh Á Đông, như chúng tôi vừa nhận định về nội dung Xuân Thu Nhã Tập. Phê bình Đoàn Phú Tứ, Vũ Ngọc Phan dành cho ông một trang danh dự trong Nhà văn hiện đại. Chúng tôi nhận thấy rằng ông Vũ Ngọc Phan làm tròn được giá trị xét về Đoàn Phú Tứ, bao gọn trong đoạn văn này:

“…Người ta có thể gọi Đoàn Phú Tứ là nhà soạn kịch thanh niên. Hầu hết các vở kịch của ông đều đượm sự nồng nàn của tuổi trẻ, cái tuổi mới bước chân vào đời mà phải nếm ít nhiều cay đắng biết suy nghĩ về cuộc sống yên lặng, ồn ào và phức tạp.

Cái đặc sắc trong các vở kịch của Đoàn Phú Tứ ở sự nhẹ nhàng bay bướm. Đọc ông, ai cũng phải nhận rằng ngòi bút ông thật tài hoa. Những việc cỏn con ở đời, những việc không mấy người để ý đến, ông nhận xét rất tinh tế và diễn tả thật tài tình. Ông có một tâm hồn thi sĩ, nên người ta thấy ông sở trường về cả thơ nữa. Thơ ông không nhiều, nhưng bài nào cũng kín đáo gọt rũa, kỹ càng, có khi kỹ càng quá, hóa ra mất cả vẻ tự nhiên, kém phần thành thật. Bài thơ trong kịch Hận Ly tao của ông cũng cùng một giọng như bài Mầu thời gian của ông mà ông Hoài Thanh đăng trong Thi Nhân Việt Nam. Bài Hận Ly tao người ta còn có thể hiểu được không đến nỗi uẩn khúc như trong bài Mầu thời gian…”

Đoàn Phú Tứ dưới nét nhìn Vũ Ngọc Phan nhận định, có thể nói là thật xác đáng. Trong văn chương Việt Nam, một Mầu thời gian có kỹ thuật kiêu sa, tuy nhiên hơi bí hiểm, và nhiều vở kịch tài hoa của kịch-thi-sĩ Đoàn Phú Tứ, cũng đủ cho chúng ta cảm ơn nhiều. Dưới đây trích Mầu thời gian của Đoàn Phú Tứ với lời chú và bình rất đặc biệt của Hoài Thanh:

MẦU THỜI GIAN (24)

Sớm nay tiếng chim thanh

Trong gió xanh

Dịu vương hương(25) ấm thoảng xuân tình

Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (26)

Ta lặng dâng nàng

Trời mây phảng phất nhuốm thời gian (27)

Mầu thời gian không xanh

Mầu thời gian tím ngắt(28)

Hương thời gian không nồng

Hương thời gian thanh thanh(29)

Tóc mây một chiếc dao vàng(30)

Nghìn trùng e lệ phụng quân vương(31)

Trăm năm tình cũ lìa không hận

Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng(32)

Duyên trăm năm đứt đoạn

Tình một thuở còn hương

Hương thời gian thanh thanh

Màu thời gian tím ngắt(33)

(Trích Ngày Nay)

BÌNH

Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngụ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà các thi nhân gần đây cũng thường dùng, ông chuyển sang thất ngôn: điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa với những chữ phụng quân vương và những chữ lấy lại ở câu Kiều: Tóc mây một món dao vàng chia hai. Nhưng với hai câu thất ngôn dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ thiếp phụ chàng đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ trở lại ngụ ngôn với hương mầu trên kia.

Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi lại dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ (34) .

Trong thơ ta có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.

(Hoài Thanh – Hoài Chân

Trích Thi Nhân Việt Nam, trang 112-3-4 ấn bản Nguyễn Đức Phiên 1942)

2. Nguyễn Xuân Sanh. – Tác giả Nhật ký 1940 – 1941 (văn) và nhiều thi bản, tiểu luận đăng trong Xuân Thu Nhã Tập. Là thi sĩ theo phái bí hiểm như Dadaðsme (Đa đa), đôi chút pha Surréalisme (siêu thực), nên thơ chau chuốt kỹ thuật, giầu nhạc điệu mà hồn thơ nội dung lại rỗng tuếch, bí hiểm. Thơ Nguyễn Xuân Sanh phải có Đinh Gia Trinh đi bên giải thích cái hay cái đẹp, mà nghệ thuật lại phải giải thích cái hay, cái đẹp biết bao nhiêu lần, mà người đọc vẫn chưa thông cảm nổi, tôi không muốn nói rằng đó chưa đạt tới nghệ thuật được! Thơ Nguyễn Xuân Sanh không phải chất thơ lịch lãm như Đoàn Phú Tứ, đúng hơn gần ý và tứ của thơ Nguyễn Vỹ. Trong kháng chiến Nguyễn Xuân Sanh không còn làm lối thơ ấy nữa, ông quay sang lục bát rung cảm nhịp điệu hòa hợp với ý nghĩa nội dung, thì chứng tỏ ông có chất thơ để làm thi sĩ. (Làng nghẹt trong rừng đêm). Sau Đinh Gia Trinh giải thích bao hàm cái hay của Xuân Thu Nhã Tập, đến lượt Diệu Anh tiếp tục điều cảm thơ Xuân Thu Nhã Tập (Báo Thanh Nghị: Đọc Xuân Thu Nhã Tập). Chúng tôi trích đoạn văn dưới đây để thêm tài liệu, nhận rõ nội dung nhóm ấy. Không thêm ý kiến nào mà chỉ muốn mở rộng vấn đề cho những ai muốn tìm hiểu đến ngọn ngành mà thôi.

THƠ CỦA HAI ÔNG NGUYỄN XUÂN SANH VÀ ÔNG PHẠM VĂN HẠNH

“Khi tôi nói đến thơ của ông Nguyễn Xuân Sanh với người quen biết, vừa nói dứt tên tác giả, tôi bị vội vã ngắt “Thơ ấy chịu sao được”. Người ta kêu ông Xuân Sanh lập dị và người ta công kích không nghi ngại gì cái lối thơ tối tăm, bí hiểm của ông. Thực ra thì trong những kết án nghệ thuật của ông Xuân Sanh có nhiều công kích vội vàng. Chỉ vì lẽ lý trí không trông rõ ngay tức khắc mối giường của tư tưởng trong thơ mà vội chê thơ ấy là không có giá trị thì kể cũng quá sơ sài. Tất cả cái lý thuyết trong bài luận về thơ “Thơ” là để bênh vực cái lý tồn tại của một nghệ thuật thơ không vụ sự sáng sủa, không cần làm hại cái luân lý của lý trí (logique intellectuelle) nếu ta không cho cái lý thuyết ấy là dở thì thơ của ông Xuân Sanh áp dụng cái lý thuyết ấy, vị tất đã là dở. Nếu chúng ta xét thơ ông Xuân Sanh theo cái quan niệm thơ văn được lưu hành thì là thất sách. Phải xét thơ ấy dựa theo quan niệm đặc biệt trong bài “Tiểu luận Thơ" hoặc nếu ta muốn chê trách cái tối tăm của thơ ấy ta phải thẩm xét lại cái lý thuyết nguyên do và thực hành lý thuyết ấy bởi các tác giả…

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

(Buồn Xưa)

NGUYỄN XUÂN SANH

Hoa quỳnh (hình ảnh), chiều (gây cảm giác) chiều ưa dĩ vãng và buồn, nhạc trầm mi (tiếng nhạc, hương trầm mi mắt giai nhân). Câu thơ làm rung cảm các giác quan ta, làm rung cảm cả tâm hồn. HOA QUỲNH, buổi chiều, nhạc êm, hương ngát, mi say đắm. Sau khi bị những chữ, những âm thanh chiếm đoạt và làm ta rung động, ta có thể tìm hiểu câu thơ “Nhạc, trầm, mi, như đọng trên hoa quỳnh buổi chiều…”

Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi

Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y

Buổi chiều trong hoa quỳnh, vẳng nghe nhạc, ngửi thấy hương trầm, trông thấy mi kỹ nữ, của cả một đời xưa. Hồn ta say sưa vì đẹp dĩ vãng. “Hồn màu xanh tươi, ngát hương/ Chở mang dấu xiêm y của các mỹ nhân thời xưa múa khúc nghê thường”.

Nếu hai câu thơ ấy, ta dùng để định giá trị nghệ thuật của ông Nguyễn Xuân Sanh thì chỉ có lợi cho thi sĩ. Hai câu thơ ấy có nhạc điệu và có thực giá trị. Lợi khi là âm thanh, hình sắc. Ta có thể tìm hiểu nghĩa của thơ, nhưng không cần ngay lúc đầu. Có thể nói rằng nghĩa xuôi của câu thơ có khi giảm cái độ giầu mạnh của cảm xúc đầu tiên. “Trước khi hiểu nghĩa xuôi bao nhiêu cảm giác xây nền trên hình ảnh “Hoa Quỳnh”, bao nhiêu xúc động rộng rãi bám vào hình “Chiều xôn xao vì nhạc trầm mi” khi hiểu nghĩa xuôi, tâm hồn ta chú ý vào nghĩa ấy, cẩm xúc ấy có lẽ thu hẹp lại (Buổi chiều chỉ là buổi chiều trong hoa quỳnh).

Nhưng xét kỹ ra thì thuyết thơ ấy không phải hoàn toàn là vững chắc. Đứng độc lập, những tiếng nhạc trầm mi gây nên cảm giàu mạnh tùy theo người. Nhưng cảm giác ấy thực hời hợt và bơ vơ. Như không tìm được bấu víu. Vì tâm lý học đã cho ta biết đời cảm xúc có liên lạc mật thiết với đời lý trí, một cảm xúc mạnh và sâu vì có những tưởng tượng (représentation). Những liên tưởng (associations idées d’images) nghĩa là vì có hoạt động của lý trí. Không thể tách đời tình cảm ra một bên, chỉ nói chuyện thẳng với giây cảm xúc “Nhạc, nhạc xưa, nhạc Nghê Thường, nhạc ở đáy Thiên cổ, nhạc những giờ ca vui này đã tắt.” Cảm xúc hòa nên dồi dào bao nhiêu. “Tóc mây” nó là tóc mây của người giai nhân yêu, hai cảm xúc mạnh khác nhau. Vì vậy một câu thơ văn vần phải có nghĩa. Tác giả có thể trả lời “Độc giả đọc tiếng nhạc sẽ nghĩ đến nhạc xưa” thì dù nhạc Nghê Thường hay một thứ nhạc khác cũng được. Nhưng chỉ của độc giả không được hướng dẫn, ngơ ngác vì sự hội ngộ lạ lùng của tiếng, của chữ, thường chẳng nghĩ đến vì hơn là “Tiếng đàn” những giây cảm xúc không được rung động, đời tình cảm làm việc nghèo nàn bởi chúng không có bấu víu vào đời lý trí”.

3. Phạm Văn Hạnh. – Tác giả Giọt sương hoa (Xuân Lượm lúa vàng, 1942). Thơ của Phạm Văn Hạnh cảm được độc giả hơn chất thơ của thi sĩ Đoàn Phú Tứ. Và thơ Phạm Văn Hạnh có rung cảm mạnh, không phải ghép chữ có nhạc điệu như thơ Xuân Sanh. Bài Người có nghe không có gì mới mẻ lắm, ý tưởng, rung cảm, nhạc điệu, nói theo Diệu Anh, đem lý thuyết vào thơ Xuân Thu Nhã Tập chưa thấm nhuần. Còn bài Thơ Thơ ông viết theo một nhạc điệu đặc biệt, rung cảm mới lạ, truyền cảm, coi như là một bài thơ thành công của riêng ông, và xa hơn chung cho Xuân Thu Nhã Tập. Thơ Phạm Văn Hạnh gần với đời sống tình cảm của con người, với triết lý sống cao cả thanh tao Đông Phương. Sau 1945, ông vào Sàigòn cộng tác với nhóm Chân trời mới Tam Ích, Thiên Giang, ông chuyển dịch tác phẩm quốc tế. Và không thấy ông làm thơ đăng báo hay xuất bản nữa(36) .

Chúng tôi trích đăng một bài thơ điển hình Xuân Thu Nhã Tập, lấy thơ của Nguyễn Xuân Sanh là bài Người Xuân. Giá trị thì đã bàn ở trên khi nói về tác giả; còn bài thơ dưới đây coi như tài liệu tham khảo của văn thơ tiền chiến mà thôi.

Trích thơ:

NGƯỜI XUÂN

Hãy vớt mai trầm vàng nắng gió

Đường xuân rồi khép với chiều tơ

(Đường Xuân)

Lên mùa xe khách vút xe hương

Vai nghiêng suối trái lạnh hồn đường

Gieo trắng dặm thơm đời ngát nẻo

Bó mùa chân ướt ngấn hoa sương

Ngập ngừng hương ấm bình thanh xuân

Tay thơm dâng sóng đậm chiều gần

Hồn gặp men chiều siêu mái đượm

Sương người tươi trái duyên riêng thân

Thế kỷ về xuân hương nước ơi!

Người xuân liễu thắm nhạc hồn đời

Say cuộc nẻo hương hoa thấm bước

Hát trầm nhựa chuyển nhánh vươn hơi

Quay nhịp chiều tươi hương vút cao

Tay xuân suối rượu thuở xa nào

Phơi phới ngày vàng giang mái tóc

Mi ướt rừng mùa sương buổi nao

Xe lá xuân hồn hoa ngón tay

Mắt nghiêng cánh hạt mộng bờ ngày

Hương lộn mi trầm mây biếc biếc

Ôi người mùa duyên men bốc say

Chén đàn xuôi trái ướt giăng không?

Môi ngát người xưa nhịp thắm hồng

Vườn lượn tay nghiêng xây trái rủ

Bờ xuân men nhạc múa tơ bông

Bâng khuâng vai ướt lệ sương người

Vòng xuân hoa mướt lộng nơi nơi

Nghe mạch hương, mùa khua trái giữ

Tay nao sương đất hạt lầu đời

Hồn lạnh thời gian đâu buổi xưa

Tay ơi bóng ấm đậm buồn dừa

Giăng bồng đỏ chín rơi vang bước

Hạnh phúc duyên dường nghiêng nhánh xưa

Lên xuân trái nhạc ngủ chiều hương

Rừng dựng mầu cành xanh bốn phương

Nắng gội hồn ngày say góc mái

Người hương trái chín nhạc lên đường

Người xuân ngực nở nhịp tuần hoàn

Thuyền đào lên sóng nhạc thời gian

Mái tóc ngưng hương mùa nước đậm

Mi xanh hồn trĩu nhạc thơm ngàn

Mai sưa cây ngát thấm hồn rừng

Hương tưới lư trầm bốc mượt lưng

Lưu thủy ngọn đồi tuôn nhánh gió

Tròn xuân đất rậm hái tưng bừng

Nội tươi gió trái bước rừng mai

Người sương bát ngát gọi đường nhài

Đi nhạc ngàn xuân lên bước mới

Bình giời treo ngọc nét tuôn vai

Mi lồng thánh thót thở hồn son

Vai máu lầu sương nhạc đổ tròn

Trái chĩu nhịp hoa tay chới với

Bước hương gieo nhẹ máu rừng non

Lầu người gió vớt nhạc rừng xây

Đất thôn lối biếc ngực dâng đầy

Xuân đẫy vòng thơm buông trái ngọc

Thiên hương lúa mượt tóc rừng mây

Nẻo trắng ru hồn mái tóc sương

Người hương trái chín nhạc lên đường

Dào dạt ray mây đời ủ ngất

Lên mùa xuân khách vút xe hương.

NGUYỄN XUÂN SANH

(1939–1940)

(Trích báo Thanh Nghị số trong năm 1943)


PHẦN THỨ TƯ
CÁC NHÀ THƠ ĐIỂN HÌNH TIỀN CHIẾN

Tiết 1. – Từ Phan Khôi văn xuôi có vần đến thơ mệnh danh Thơ Mới.

Tiết 2. – VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Tiết 3. – HUY CẬN

Tiết 4. – LƯU TRỌNG LƯ

Tiết 5. – HÀN MẶC TỬ

Tiết 6. – NGUYỄN BÍNH

Tiết 7. – THÂM TÂM VÀ T.T.KH.

Tiết 8. – TRẦN TRUNG PHƯƠNG

Tiết 9. – TRẦN HUYỀN TRÂN

Tiết 10. – Sơ lược về các nhà thơ khác:

CHẾ LAN VIÊN - NGUYỄN NHƯỢC PHÁP - VŨ ĐÌNH LIÊN - TẾ HANH - ĐOÀN VĂN CỪ - HUYỀN KIÊU -LAN SƠN - HUY THÔNG - HỒ DZẾNH - NGÂN GIANG.

Tiết 11. – Kết luận về Thơ Mới.


________________________________________________


Tiết 1

TỪ PHAN KHÔI THƠ XUÔI CÓ VẦN ĐẾN THƠ MỆNH DANH LÀ THƠ MỚI.

Ngày 10 tháng 3 năm 1932, trên báo Phụ Nữ Tân Văn (số 122), ông Phan Khôi đề xướng thơ mới bằng cách cho đăng bài thơ xuôi có vần Tình Già, khiến tác giả Giấc Mộng Con Tản-Đà-Nguyễn-Khắc-Hiếu phản kháng dữ dội. Tản Đà cho rằng thơ Phan Khôi không có gì là mới cả.

Sau đó, Thế Lữ, Nguyễn Xuân Huy, Vũ Đình Liên, Nguyễn Vỹ, Lan Sơn, Xuân Diệu, Huy Cận, Đỗ Huy Nhiệm, Lưu Trọng Lư, Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Chế Lan Viên, Phạm Huy Thông vv… đã làm cho độc giả chúng ta say sưa, rung cảm với những vần thơ mệnh danh là Thơ mới. Và thịnh hành từ giai đoạn đó. Thơ Đường luật gò bó, trúc trắc, thơ thất ngôn ép vận, thơ lục bát bình dân quá (quan niệm của người viết thơ mới hồi ấy). Không thể diễn tả nổi tâm hồn thi nhân rung cảm, xúc động, không nói hết được cảm hứng rạt rào, điệu nhạc dập dìu. Thêm vào đấy học giả lão thành Phan Khôi đứng đầu đề xướng Thơ Mới, Phan Khôi rất ghét Khúc tiêu sầu của Lãng Nhân (Phùng Tất Đắc); mặc dầu độc giả hồi đó cực kỳ hoan nghênh, mà Phan Khôi lại cho rỗng tuếch. Phan Khôi, bắt chước lối Thơ Mới Hồ Thích đề xướng ở Trung Hoa, khi phong trào Tân văn hóa hoạt động, thơ mới Hồ Thích như Trường thi thư (36) thì Phan Khôi làm bài Tình Già. Tiếp theo, Lưu Trọng Lư viết bài trên báo Phong hóa, tất nhiên có Thế Lữ ám trợ. Bài đăng vào mùa xuân 1933, bênh vực Thơ Mới: "Cái lối thơ mới của chúng ta là đúng vào thời kỳ phôi phai, thời kỳ tập luyện và nghiên cứu. Không biết rồi đây, nó có đi đến chỗ thành công hay là nửa đường bị đánh đổ. Đó là lịch sử bí mật của lịch sử mai sau. Dù thế nào nó cũng có cái giá trị là giúp cho sự tự do phát triển của thi ca…” Thái độ thi sĩ hơi rụt rè, làm nhưng chưa có chủ đích rõ ràng, tuy nhiên thi sĩ vẫn phải theo lao, để cầm bằng sẽ được thắng lợi. Trước, thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết bài trên Phụ Nữ Tân Văn ( tất nhiên Phan Khôi ám trợ đăng) (số 241, tháng 10 năm 1929). Nhân bàn về thơ với nữ giới, ông Trịnh Đình Rư cũng cổ động cho Thơ Mới. Và ông xác định sự hết quyền lực thơ Đường. Còn Thế Lữ im lặng sáng tác, trả lời Tản Đà và nhà thơ cũ bằng nhiều bài thơ mới hay, tứ thơ dồi dào, mạch thơ có nguồn, lời trong sáng, âm thanh êm tai thính giác. Chẳng bao lâu, Phan Văn Dật với Bâng Khuâng, lại tiếp ứng theo, sau này các nhà thơ Vũ Hoàng Chương lại tiếp ứng nữa. Sau Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử cũng đành bỏ thơ Đường theo Thơ Mới. Tiếp đến là Xuân Diệu, Huy Cận làm mưa gió một thời oanh liệt trên thi đàn, và thanh niên nam nữ hồi ấy hưởng ứng. Trước khi phân tích chi tiết thi sĩ điển hình, sơ lược, và trích vài nhận xét tổng quát về các nhà thơ nổi tiếng tiền chiến. Bài viết của Hoàng Huy Giang(37) với ý kiến xác đáng, thâu tóm tổng quát về sự kiện diễn thơ mới tiền chiến:

“...Tuy nhiên, dù các trào lưu văn chương Tây Phương có xâm nhập Việt Nam, nhưng thực ra, xét các thi phẩm hồi gần đây, ta thấy chủ trương của các thi nhân bộc lộ rất lờ mờ khiến người thiếu óc thống quan khó có thể phân biệt và nhận định được chính xác. Thực vậy, chính những người khởi xướng cũng chưa có đủ ý thức rõ rệt về chủ trương của mình, cho nên căn cứ vào những quan niệm sai lầm và thiếu sót của từng thi phái, căn cứ vào kỹ thuật sáng tác thiếu lý thuyết vững vàng của họ, thấy chưa có một thi phái nào có thể có triển vọng cho một tương lai thi nghệ Việt Nam.

Dù sao khách quan mà xét quá trình phát triển của nền thơ mới, chúng ta cũng phải thành thật nhận rằng các thi gia hiện đại đã ghi lại được ít nhiều đáng kể, đánh dấu một bước tiến trong nghệ thuật thi ca Việt Nam, nhất là về phần hình thức. Nên thơ mới có từ bài “Tình xưa” (Tình Già?) của Phan Khôi làm theo thể tự do, không bó buộc bởi niêm luật cũ, đã phát triển mạnh trong một thời gian rất ngắn. Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử… đã diễn tả những tứ thơ thật sâu sắc, thiết tha trong hình thức thơ mới rộng rãi. Ngoài những thi sĩ thuộc phái "ý mới, lời mới" này còn có nhiều thi sĩ khác mượn hình thức thơ mới để diễn đạt ý mới như Nguyễn Giang, Quách Tấn hoặc nhiều thi sĩ sáng tác thơ, ý và lời nửa mới nửa cũ như Vũ Hoàng Chương, Lưu Trọng Lư. Ngoài ra còn có một số thi sĩ sáng tác theo đường lối riêng như Nguyễn Bính diễn tả những tình cảm chất phác hiền hòa dưới thể lục bát bình dân. Huy Thông bộc lộ tình cảm hùng mạnh của thanh niên trong những lời thơ đanh thép, Đoàn Văn Cừ, Nam Trân, Anh Thơ, biểu hiện tình cảm êm đẹp trong những bài thơ tả cảnh mộc mạc.

Đọc những áng thơ của những thi sĩ hiện đại, nghệ cảm của mỗi người tùy theo biểu hiện trong thi phẩm đều mang một sắc thái riêng biệt. Lưu Trọng Lư say sưa với cái đẹp lý tưởng của người và của tạo vật tấm lòng lúc nào cũng mơ mộng và thực của Lưu Trọng Lư khiến người đọc cảm thấy lòng buồn buồn như tiếng của mùa thu...." Tiếng Thu, âm thanh dìu dặt của mùa thu đìu hiu lặng lẽ ngân dài muôn thuở, có ai còn nghe và cảm thấy? Tiếng Thu ấy làm bâng khuâng bạn đọc với vần thơ nhẹ nhàng:

“...Em không nghe mùa thu

Dưới trăng mờ thổn thức

Em không nghe rạo rực

Hình ảnh kẻ chinh phu

Trong lòng kẻ cô phụ

Em không nghe rừng thu

Lá thu kêu sào sạc

Con nai vàng ngơ ngác

Đạp lên lá vàng khô?"

Ở nhà thơ giàu nghệ cảm này, còn nhiều vần lục bát tuyệt bút. Hãy nghe Lưu Trọng Lư mượn trăng lên tả buổi ái ân đầu tiên của đôi trai gái:

“...Vừng trăng lên mái tóc mây

Một hồn thu lạnh mơ say hương nồng

Mắt em là một giòng sông

Thuyền ta bơi lặn trong giòng mắt em...”

Hoặc mượn một ngày nắng mới, ngày vui tất cả mọi người, khi buồn kể lại quá vãng ngậm ngùi:

“...Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Sao xác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không

Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới gieo ngoài nội

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi...”(38)

Tuy nhiên Lưu Trọng Lư quá chú trọng về nhạc điệu, nên dù thơ có âm thanh dìu dặt vẫn thiếu tính cách hàm súc. Cùng phái “ý và lời nửa mới nửa cũ” như Lưu Trọng Lư, Vũ Hoàng Chương cũng tỏ nỗi buồn man vọng về quá khứ. Nếu thơ Lưu Trọng Lư có những câu:

“...Ai bảo em là giai nhân

Cho đời anh đau khổ

Ai bảo em ngồi bên cửa sổ

Cho vướng víu nợ thi nhân”

Thì ở Vũ Hoàng Chương, đau khổ luôn luôn biểu hiện trong lời thơ:

“Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp

Tình mười năm còn lại chút này thôi

Lá thư xưa mầu mực úa phai rồi

Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó...”

Thơ Vũ Hoàng Chương đều tỏ lộ tâm trạng thất vọng, bất đắc chí:

“Em ơi lửa tắt bình khô rượu

Đời vắng em rồi say với ai?”

Buồn sự nghiệp không thành, Vũ Hoàng Chương cũng có:

“Ngoài ba mươi tuổi duyên còn hết

Một ván cờ khuya ngả bóng chiều

Ai khóc đời ai trên bấc lụi

Đây mùa thu tới lửa dần thiêu”

Quan niệm nhân sinh trong thơ Vũ Hoàng Chương là quan niệm tiêu cực, yếm thế:

“Đã lâu trăng cứ tuần trăng sáng

Hoa cứ mùa hoa dậy sắc hương

Phai thắm đầy vơi hờ hững nhịp

Lụi dần cho tới lớp tang thương”

Thế Lữ, nhà thơ công đầu trong việc xây dựng thi ca mới biểu hiện lời thơ rung cảm hòa điệu lòng mình với cái đẹp thiên nhiên. Một vẻ đẹp hùng tráng biểu hiện ở ngay một mãnh thú bị giam cầm được Thế Lữ nói lên trong lời thơ tuyệt đẹp qua bài Nhớ Rừng. Thế Lữ là thi sĩ có tài, giầu tưởng tượng, bài thơ Tiếng Sao Thiên Thai thật thần tiên, phong phú nghệ cảm. Ngoài ra Thế Lữ còn là một nhà thơ ca tụng tình yêu nồng nàn:

“Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ngàn năm chưa dễ mấy ai quên?”

Trong nền thi ca mới, Xuân Diệu là nhà thơ mang lại nhiều tứ thơ mới nói lên lời tha thiết làm người đọc ngây ngất. Ta hãy nghe Xuân Diệu gợi một kỷ niệm cũ trong chiều lạnh nhớ người yêu:

“Không gì buồn bằng những buổi chiều êm

Mà ánh sáng mờ dần cùng bóng tối

Gió lướt thướt kéo mình qua cỏ rối

Đêm bâng khuâng đôi miếng lẩn trong cành

Mây theo chim về dẫy núi xa xanh

Từng đoàn lớp nhẹ nhàng và lặng lẽ

Không gian xẫm tưởng sắp tan thành lệ

Thôi hết rồi! Còn đâu nữa chi em?”

Ở Xuân Diệu, hồn thơ bát ngát, mơ màng, lời thơ biểu hiện tiếng nói tha thiết của nhà thơ giầu tình cảm. Tuy nhiên, quá chú trọng đến tứ thơ, Xuân Diệu lãng bỏ quên sự lựa lọc, do đó có thi bản thiếu tinh túy Việt ngữ, nhiều câu ngô nghê:

“Lẫn với đời quay tôi cứ đi

Người ngoài không thấu giữa lòng si

Cũng như xa quá nên ta chỉ

Thấy núi yên như một miếng bìa”

Đặc điểm thiếu tinh túy Việt ngữ, chúng ta còn thấy ở Huy Cận. Thực vậy, nhiều bài thơ hai thi sĩ này đượm mầu dịch lại thơ Pháp. Như khi đọc hai câu thơ dịch của Huy Cận mà không nói ra là toát dịch thơ Tây:

“Thâu trong cái ngáp dài vô hạn

Hình ảnh lung lay vũ trụ tàn”

Ta thấy hình bóng sâu đậm của Charles Baudelaire trong Les Fleurs du mal (Ác Hoa):

Et dans un baillement avalerait le monde chả là "Thâu trong cái ngáp dài vô hạn sao?"

Huy Cận khác Xuân Diệu than thân ít, góp tiếng khóc đời nhiều. Người ta thấy ở Huy Cận cái buồn vơ vẩn của nghệ sĩ hơn là sầu thấm thía thi nhân. Ta hãy nghe Huy Cận tả cảnh thu miền rừng giữa một chiều nắng tắt lưng đồi:

“Sầu thu lên vút song song

Với cây hiu quạnh với lòng quạnh hiu

Non sông ngây cả buổi chiều

Nhân gian e cũng tiêu điều dưới kia”

Lời thơ Huy Cận hay và đẹp, ít không gợi cảm vì thiếu đặc sắc. Huy Cận ít đem tâm hồn riêng hòa đồng vũ trụ. Khác với những thi sĩ trên, Hàn Mặc Tử là nhà thơ có rất nhiều tứ lạ trong các thi bản. Chứng bệnh kỳ dị và cuộc đời đau thương Hàn Mặc Tử được diễn tả trong lời thơ thành thực:

“Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút

Mỗi lời thơ đều dính não cân ta

Bao nét chữ quay cuồng như máu vọt

Cho mê man chết điếng cả làn da.”

Lòng tín ngưỡng Thiên chúa giáo tôn nghiêm thiêng liêng giúp Hàn Mặc Tử thêm nhiều nghệ cảm mới mẻ đặc biệt. Hàn Mặc Tử lần đầu tiên ca ngơi Thiên chúa giáo bằng lời thơ thật chân thành:

“Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh

Run run như thần tử thấy long nhan

Run như run hơi thở chạm tơ vàng

Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến”

Ngoài ra phần lớn thi nhân đều tỏ lộ tâm trang đau buồn trong tác phẩm thi ca; Chế Lan Viên nhớ tiếc quá khứ đẹp qua vần thơ bi thiết:

“Chao ơi! Mong nhớ… ôi mong nhớ!

Một cánh chim thu lạc cuối ngàn…”

Bây giờ đi vào phần chi tiết, phần hồn thi sĩ điển hình và sơ lược. Một số nhà thơ như: Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nam Trân, Đỗ Huy Nhiệm… và nhiều nhà thơ khác nữa chưa có cơ hội nói đến, không phải quên. Và vẫn dụng khi viết chỉ chú ý bộ môn văn. Về thơ, chỉ nói đến những nhà thơ điển hình. Còn số nhà thơ khác mong được hiểu vậy mà sẽ châm chước cho.

Tiết 2

VŨ HOÀNG CHƯƠNG (1915 – 1976)

Tiểu sử.

Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng 5 năm 1915 (nhưng khai sinh đề 1916) ở Phù Ửng, Hải Dương, trong gia đình nho giáo. Cựu học sinh Albert Sarraut, đậu Tú tài khóa 1937-38. Vũ Hoàng Chương cùng thơi Lưu Trọng Lư, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, Xuân Diệu… ông là nhà thơ của bình cũ rượu mới. Có nhiều tứ thơ điển cố, kỹ thuật rất điêu luyện; ngay cả khi làm thơ mới. Với tình yêu, Vũ Hoàng Chương nói nhiều hơn qua thơ rất chân thành; nhưng giọng thì lại khinh bạc kiêu sa và rất chán chường.

Tác phẩm.

Tập Thơ Say xuất bản vào năm 1940, Mây 1943, Vân Muội 1944 Trương Chi, Hồng Điệp (Kịch Thơ 1944), Rừng Phong, (Phạm Văn Tươi, Sài gòn 1954)vv... Từ tập Thơ say đến tập cuối cùng, thơ ông không khác nhau mấy chút. Hoài niệm hình ảnh quá vãng, cái tôi chán chường yếm thế, ẩn dật, và đôi khi chúng ta thấy trong thơ ông lời thơ sáo, ý thơ cổ. Lẽ tất nhiên, thơ Vũ Hoàng Chương có kỹ thuật rất vàng son, điêu luyện cao độ.

Nói tóm lại, kỹ thuật thơ của ông từ năm 1954 về trước ít ai bì kịp. Cho đến năm 1945, cách mệnh kháng chiến bùng nổ, Vũ Hoàng Chương bị thức tỉnh sau cơn u mê đằng đẵng bao năm trường chỉ chán khóc gió than mây, quên lãng cái Tôi, cái Khanh, Nàng Tiên nâu để bắt đầu tạo cho mình sinh khí mới đi theo luồng gió cách mệnh thổi. Ông sáng tác bài Nhớ về Hà Nội vàng son, mặc dầu thực tâm cũng chưa muốn hòa đồng xã hội mới; chưa dám bỏ hẳn lối sống của mình; nhưng tự nghĩ rằng; nếu không theo đà tiến hóa, sẽ bị nghiền nát; nên sáng tác bài thơ trên đóng góp vào lối tự đổi mới mình. Nội dung chưa thành thật lắm, nhưng còn khá hơn bài Giờ đã điểm (Xuân Quốc Gia, 1955) ông đánh dĩ cuộc đời thơ bằng lối thơ công thức, rỗng tuếch; cốt làm sao cho đúng lập trường là được. Ấy là mong cuộc đời đổi hướng vật chất mà đời sống tinh thần mang trong mình từ khi lọt lòng âu dễ thay đâu? Tôi vẫn nhận chân giá trị thơ Vũ Hoàng Chương, đó là thơ bản thân, dù chẳng thích ứng hoàn cảnh đời sống, dù chẳng nói lên được nỗi khốn khổ đồng chủng; nhưng ít ra thơ còn nói được cái tôi chân thành, dầu cái tôi hủ hóa đi nữa! Như vậy, tôi vẫn thú hơn là đọc thơ không rung cảm nổi, như loại thơ chính trị Nhớ Về Hà Nội Vàng Son (còn khá, chấp thuận được) – chứ đến Giờ đã điểm, thì phải đào huyệt chôn tăm tiếng Vũ Hoàng Chương. Một Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, may ra còn có thể đối chọi lại với nhà thơ bình thường của chủ nghĩa lãng mạn, tôn giáo của nước ngoài. Làm sao dám so sánh với nhà thơ triết học đại tài ngoại quốc! Miễn cho tôi kể tên nhiều, như: Alexandre Blok, Maðakowsky, Essénine, Simonov, hay lãng mạn cổ điển Lermontov, Nietzsche hay Aragon, Paul Éluard, J.Prévert, T.S. Éliot, F.G. Lorca, Bernard Dort, B.Brecht vv...

Vũ Hoàng Chương trong Thơ Say và Mây làm rung động người đọc, còn nói lên rung cảm chân thành của con tim biết yêu, biết biểu hiện:

“Em ơi lửa tắt tình khô rượu!

Đời vắng em rồi say với ai”

hay

“Tóc xõa tơ vàng nệm gối nhung

Đây chiều hương ngát lá hoa dung

Sóng đôi hề ngọn đèn hư ảo

Mơ kiếp nào xưa đã vợ chồng”

hoặc là

“Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

(...................................................)

Bể vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió hãy lênh đênh”

Buồn kiếp nghệ sĩ khổ nhục của một thời thống trị đã qua đi, khi mà văn chương chưa nuôi sống con người, văn chương chữ nghĩa bạc như chì, đời làm nghệ thuật chưa đủ bảo đảm; làm sao nuôi vợ con? Để như có một thầy; một cô, một chó cái, dăm chồng sách nát có ra gì!

(Cao Bá Quát)

Về sau trong tập thơ Rừng Phong, bài Nguyện Cầu than kiếp bến bờ mê, tằm kéo tơ trong một nước chưa có gì biểu hiện bao dung trí thức làm nghệ thuật. Một bài thơ nhìn lên đủ cho người đời nhìn thấy nền văn hiến của thời đại quay cuồng ra sao rồi? Một câu thơ hay làm biến động được; thì đó là giá trị quá khứ của Vũ Hoàng Chương từ 1954 về trước:

“Ta còn để lại gì không?

Kìa non đá lở, này sông cát bồi

Lang thang từ độ luân hồi

U minh nẻo trước xa xôi dặm về

Trông ra bến Hoặc bờ Mê

Ngàn thu nửa chớp bốn bề một phương

Ta van cát bụi trên đường

Dù dơ dù sạch đừng vương gót này

Để ta tròn một kiếp say

Cao xanh liều một cánh tay níu trời

Thơ ta chẳng viết cho đời

Không vang nhịp khóc giây cười nào đâu?

Trầm hương đốt nén linh sầu

Nhớ quê dằng dặc ta cầu đó thôi

Đêm nào ta trở về Ngôi

Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian

Một phần đã nín cung đàn

Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm”

Một bạn trẻ tự nhận, độc giả yêu thơ ở Huế, ký Dạ Thảo chưa hiểu được nỗi u sầu của ông; hay nói khác đi, chưa linh cảm được, rồi ra thi nghiệp họ Vũ sẽ lâm chung chăng, sẽ làm thơ phản lại bản thân như Giờ Đã Điểm (theo lập trường phê bình văn nghệ, nếu lập trường chính trị thì Vũ là một anh thợ công thức rất nên khuyến khích và đáng khen). Ông ta cho rằng Vũ bị đào thải, phải bị đào thải, vì phản bội lịch sử diễn biến, phản cách mệnh, chỉ say, còn phản tiến hóa con người. Nhưng ông bạn chưa tìm hiểu uyên nguyên chính, cứu cánh sống của Vũ từ xưa đến nay, khép tội quá nặng nề, đối tượng so sánh đà tiến hóa của người hôm nay. Cũng chưa tai hại bằng chính Vũ phản lại Vũ, phản lại thi nghiệp bản thân. Than ôi! đó mới là điều đáng nói, vì tự nó đã đào thải rồi, cần chi đến ai khác:

"...Rừng Phong ra đời còn gì hơn bằng máu và say, thật là thi nhân phản tiến hóa. Mà lúc tranh tối tranh sáng này làm con người tiến bộ(?) để rồi xô đẩy một lớp người vào cái hố ngày mai không bờ bến thì hơn gì kẻ đứng một chỗ. Vũ Hoàng Chương chỉ là một đại biểu cho phái nghệ sĩ lừng chừng mà một số nghệ sĩ cũng đủ đại biểu cho tinh thần một số lớn. Con số đó cũng thật là đáng kể…”(trích tạp chí Đời Mới)

Không cần kết luận, chắc người yêu thơ Vũ cũng nhận chân được chân đứng thi sĩ. Nếu tự phản bội chính bản thân thì làm sao mà còn phải kết luận! (38)

Trích thơ:

1. – PHƯƠNG XA

Nhổ neo rồi, thuyền ơi! Xin mặc sóng

Xô về đỏng hay dạt tới phương đoài

Xa mặt đất, giữa vô cùng cao rộng

Lòng cô đơn, cay đắng họa dần vơi

Lũ chúng ta, lạc loài, dăm bảy đứa

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh

Bể vô tận sá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy lênh đênh

Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ

Một đời người u uất nỗi chơ vơ

Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị

Thuyền ơi thuyền! Xin ghé bến hoang sơ

Men đã ngấm, bọn ta chờ nắng tắt

Treo buồm cao cùng cất tiếng hò khoan

Gió đã nổi, nhịp giăng chiều hiu hắt

Thuyền ơi thuyền! Theo gió hãy cho ngoan

(Trích Thơ Say)

2. – SAY ĐI EM

Khúc nhạc hồng êm ái

Điệu kèn biếc quay cuồng

Một trời phấn hương

Đôi người gió sương.

Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương.

Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo!

Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo,

Lòng trót nghiêng mà chân bước du dương.

Lòng nghiêng tràn hết yêu đương

Bước chân còn nhịp nghê thường lẳng lơ,

Ánh đèn tha thướt

Lưng mềm não nuột dáng tơ

Hàng chân lả lướt

Đê mê, hồn gửi cánh tay hờ.

Âm ba gờn gợn nhỏ,

Ánh sáng phai phai dần...

Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân

Lui đôi vai, tiến đôi chân

Riết đôi vai, ngả đôi thân!

Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió

Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,

Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!

Cỏ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa,

Tay mềm mại, bước còn chưa chếnh choáng,

Chưa cuối xứ Mê ly chưa cùng trời phóng đãng,

Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.

Say đi em! Say đi em!

Say cho lơi lả ánh đèn,

Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt,

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

Ta quá say rồi!

Sắc ngả màn trôi…

Gian phòng không đứng vững,

Có ai ghì hư ảnh sát kề môi?

Chân rã rời

Quay cuồng chi được nữa,

Gối mỏi gần rơi!

Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa,

Say không còn biết chi đời…

Nhưng em ơi,

Đất trời nghiêng ngửa.

Mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ,

Đất trời nghiêng ngửa,

Thành sầu không sụp đổ em ơi!

(Trích Thơ Say)

3.– NHỚ VỀ HÀ NỘI VÀNG SON(39)

Đoạn chấm trong bài, người viết cuốn sách này xin phép tác giả tạm bỏ.

Ôi ngày mười chín ngày oanh liệt

Sóng đổ hoa vàng khắp bốn phương

Hà Nội tiếng reo hò bất tuyệt

Vang vang bờ nọ Thái Bình Dương

Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy

Là những dòng sông đỏ sóng cờ

Nền thắm nhụy vàng hoa vĩ đại

Năm cánh xòe trên năm cửa ô!

Xôn xao hành khúc xây đời mới

Trang khúc du dương Ngọn Quốc Kỳ

Tóc bạc má hồng của vận hội

Cùng trai nước Việt hát ra đi.

Chen tiếng hoan hô này khẩu hiệu

(….....................................................)

Muôn năm người lính già tiêu biểu

Vì giang sơn quyết bỏ gia đình

Ôi ngày mười chín ngày oanh liệt

Vạn ước mong dồn một ước mong

Ôi mùa thu ấy, mùa tin tưởng

Một tấm lòng mang vạn…tấm lòng

Lưng chừng thế kỷ thứ hai mươi

Khoảng giữa mùa thu đẹp tuyệt vời

Như thoảng mê giang tràn sóng thẳm

Hoành Sơn tân lĩnh kết hoa tươi

Ba kỳ hỡi hỡi người dân Việt

Máu võ trang cùng tiến bước lên

Cùng tiến bước mau. Thề một chết

Đồi hoa Hà Nội, sóng Long Biên

Cho hoa kia nở vàng như cũ

Cho sóng này dâng đỏ gấp xưa

(................................................)

Giữa lòng dân tộc giữa kinh kỳ

Kinh đô ngàn thu đổi cho được

Và quét hôi tanh sạch đất này

Trả hôm mười chín mùa thu trước

Về cho mười chín thu mai đây

(1947)

VŨ HOÀNG CHƯƠNG

Tiết 3

HUY CẬN (1919 - 2005)

Tiểu sử.

Cù Huy Cận tên thật Huy Cận. Đậu kỹ sư Canh nông, ban đầu làm thơ nhờ sự khuyến khích của Xuân Diệu. Rồi cả hai trở thành bạn thân. Sau Xuân Diệu đề tựa thơ cho bạn, xuất bản tập Lửa Thiêng (1940). Sinh ngày 31 -5- 1919 ở Hà Tĩnh, cùng quê Xuân Diệu. Thơ thường rải rắc đăng báo trên báo Sông Thương, Ngày Nay...

Tác phẩm và khuynh hướng.

Tập thơ đầu tay của ông là cuốn Lửa Thiêng, Xuân Diệu vào tựa, với những dòng giới thiệu rất thơ, duyên dáng, xúc tích; mà chúng tôi cho rằng chưa ai viết được thế, so với thi sĩ tiền chiến viết tựa cho nhau. Tâm tư nhà thơ yêu bản thân ít, yêu thiên nhiên nhiều, chan hòa tiếng khóc đời, được Xuân Diệu nhắc cho người đọc đó là chân giá trị có từ khi Huy Cận chào đời. 1940, Vũ Hoàng Chương xuất bản tập Thơ Say, Huy Cận mới xuất bản tập thơ đầu tay. Thơ ông khác thơ Xuân Diệu, lời thơ thanh xuân đẹp, bay bướm, không chán và chạy trốn trong tình yêu như Vũ Hoàng Chương, hoặc buồn man mác như Lưu Trọng Lư. Năm xuất bản tập thơ đầu tay mới là chàng thi sĩ đôi mươi. Rồi cho xuất bản sách khảo luận giáo dục Kinh cầu tự, thì tầm thường, giả tạo, vu vơ không tạo được ảnh hưởng. Nói về ông, chỉ có thơ. Thơ nhẹ nhàng, nhưng sầu chan chứa như Điệu buồn. Ngày kháng chiến, Huy Cận chuyển mình theo đà tiến hóa xã hội. Thơ mang nhiều hình ảnh sống vào thơ linh hoạt. Tinh thần đấu tranh biểu hiện rõ rệt, không vì thế mà mất thực thể giá trị nghệ thuật. Kỹ thuật thơ Huy Cận vững vàng, thơ còn thêm một đặc tính nữa là đưa bản thân hòa vào cõi siêu hình. Tự hỏi cái chết, tự hỏi cuộc đời trôi dạt bến nào? Tính chất siêu hình trong thơ Huy Cận nhuốm mầu triết lý nhân sinh nhiều hơn là thơ siêu hình Hàn Măïc Tử khảo nghiệm hồn sống ra sao, vì chứng bệnh hủi của Hàn tạo thành.

Phê bình.

Huy Cận là nhà thơ có nhiều khám phá mới trong tứ thơ. Ông tránh được tình cảm tầm thường, đứng trên mức độ đó để nhìn biến chuyển xã hội quay cuồng. Đem hình ảnh thiên nhiên vào thơ, lời rất đẹp, cũng như khám phá đời sống nội tâm dòng đời thật xúc tích. Huy Cận có địa vị chắc chắc trong nền thi nghệ Việt Nam tiền chiến. Nhận định về giá trị ông, nhà phê bình văn học đồng thới với ông, Vũ Ngọc Phan dành một trang lịch lãm:

“...Đọc quyển Kinh cầu tự, người ta nhận thấy rằng làm được thơ chưa phải là đã biết viết văn và nhất là đã biết suy xét. Thơ ở ngoài các phương pháp hành văn và ở ngoài luân lý, còn muốn viết được văn, kẻ làm thơ còn phải có học thức, hơn nữa phải còn dày công nghiền ngẫm và dày công tập luyện mới được. Huy Cận đã quên điều quan hệ ấy và ông không nhớ rằng hầu hết các văn sĩ có danh trong thế giới đều làm thơ cả. Sở dĩ về sau họ bỏ thơ là vì về thơ phải cần có khiếu…”

Huy Cận và Xuân Diệu cùng nổi tiếng về thơ và cũng viết văn. Xuân Diệu viết Phấn thông vàng; còn Huy Cận viết biên khảo Kinh cầu tự. Nói đến Huy Cận hay Xuân Diệu; chẳng mấy ai biết họ viết văn mà chỉ nhớ họ là nhà thơ nổi tiếng mà thôi. Riêng Huy Cận, ông là bậc thầy lối thơ lục bát, gieo vận sáu tám tuyệt vời.

Trích thơ:

1. NHẠC SẦU

Ai chết đó? Nhạc sầu chi lắm thế!

Chiều mồ côi, đời rét mướt ngoài đường;

Phố đìu hiu màu đá cũ lên sương

Sương hay chính bụi phai tàn lả tả?

Từng tiếng lệ ấy mộng sầu úa lá.

Chim vui đâu? Cây đã gẫy vài cành.

Ôi chiều buồn! Sao nắng quá mỏng manh!

Môi tái nhạt! Ai cười mà héo vậy!

Ai chết đó? Trục xoay và bánh đẩy

Xe tang đi về tận thế giới nào?

Chiều đông tàn lạnh xuống tự trời cao,

Không lửa ấm, chắc hồn buồn lắm đó

Thê lương vậy mà ai đành lìa bỏ

Trần gian sao? Đây thành phố đang quen

Nhưng chốc rồi nẻo vắng đã xa miền

Đường sá lạ thôi lạnh lùng biết mấy!

Và ngựa ơi, đi nhịp đầm, chớ nhẩy

Kẻo thân đau, chưa quên nệm giường đời

Ai đi đưa xin đưa đến tận nơi

Chớ quay lại nửa đường mà làm tủi

Người đã chết – Một vài ba đầu cúi

Dăm bẩy lòng thương xót đến bên mồ

Để cho hồn khi sắp xuống hư vô

Còn được thấy trên mặt người ấm áp

Hình dáng cuộc đời từ đây xa tắp

Xe đang đi xin đường chớ gập ghềnh!

Không gian ôi xin hẹp bớt mênh mông

Ảo não quá, trời buồn chiều vĩnh biệt!

Và người nữa, tiếng gió buồn thê thiết

Xin lặng dùm cho nhẹ bớt cô đơn

Hàng cờ đen là bóng quạ chập chờn

Báo tin xấu, dẫn hồn người đã xế…

Ai chết đó? Nhạc buồn chi lắm thế!

Kèn đám ma hay tiếng khóc đau thương

Của cuộc đời? Ai rút tự trong xương

Tiếng nức nở gởi gió đường quạnh quẽ

Sầu chi lắm trời ơi! Chiều tận thế!

(Trích Lửa Thiêng)

2. TÌNH TỰ

Sáng hôm nay hồn em như tủ áo,

Ý trong veo là lượt xếp từng đôi.

Áo đẹp chưa anh? Hoa thắm thêm đời.

Áo mơ ước anh bận dùm chiếc nhé.

Vàng vàng cùng xanh, hồng cười với tiá.

Xin mời anh chọn hình sắc yêu đương.

Hồn em đây đủ muôn ánh nghê thường.

Anh hãy bận hồn em màu sáng chói.

Anh có biết hôm nay là ngày hội,

Của lòng ta. Em trần thiết, trang hoàng.

Anh đã về; em nghe dưới chân vang

Hoa lá nở với chuông rền giọng thắm

Thuở chờ đợi, ôi thời gian rét lắm,

Đời tàn rơi cùng sao rụng canh thâu;

Và trăng lu xế nửa mái tình sầu,

Gió than thở biết mấy lời van vỉ?

Lòng em nhớ lòng anh từ vạn kỷ,

Gặp hôm nay nhưng đã hẹn ngàn xưa.

Yêu giữa đời mà hồn ở trong mơ,

Tình rộng quá, tình không biên giới nữa

Đây cửa mộng lòng em, anh hãy mở.

Màu thanh thiên rời rợi gió long lanh:

Hồn nhớ thương em dệt áo dâng anh.

(Trích Lửa Thiêng)

3. VẠN LÝ TÌNH

Người ở phương trời, ta ở đây,

Chờ mong phương nọ, ngóng phương nầy.

Tương tư đôi chốn, tình ngàn dặm,

Vạn lý sầu lên núi tiếp mây,

Nắng đã xế về bên xứ bạn;

Chiều mưa trên bãi, nước sông đầy.

Trông vời bốn phía không người nhớ.

Dơi động hoàng hôn thấp bóng bay!

Cơn gió hiu hiu buồn tiễn biệt,

Xa nhau chỉ biết nhớ vơi ngày.

Chiếu chăn không ấm người nằm một

Thương bạn chiều hôm, sầu gối tay.

(Trích Lửa Thiêng)

HUY CẬN

Tiết 4

LƯU TRỌNG LƯ (1912 – 1991)

Tiểu sử.

Lưu Trọng Lư sinh năm 1912 tại làng Cao lao hạ, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình (Trung Phần). Con thứ hai trong gia đình ông Lư Trọng Kiên, tri phủ tỉnh đường. Sống ở Hà Nội và gầy sự nghiệp cũng ở chốn đế đô Ngàn năm văn vật. Cộng tác với nhiều tờ báo như Phụ Nữ Tân Văn, Tao Đàn…

Tác phẩm và khuynh hướng.

Tác giả tập Tiếng thu (1939), Huế 1933, Huyền không động (Nam định 1935), Chạy loạn (Hà nội 1939), Một tháng với ma Hà Nội (1940), Chiếc cáng xanh (Hà nội 1941), Từ thiên đường đến địa ngục (Phổ thông bán nguyệt san), Cô Nguyệt, Một người đàn bà đau khổ, Cô gái tân thời, Con đười ươi (tiểu thuyết)... Cũng như Huy Cận, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư còn viết nhiều tiểu thuyết và hơn nữa, viết văn rồi mới làm thơ in sau. Nhưng Lưu Trọng Lư, dưới mắt người đời, cũng như nhà phê bình Hoài Thanh Vũ Ngọc Phan thì ông chỉ là thi sĩ. Lưu Trọng Lư không có khiếu về văn, truyện viết tầm thường. Vũ Ngọc Phan thâu tóm văn nghiệp ông qua vài dòng đủ nhận rõ giá trị văn Lưu Trọng Lư:

“...Từ truyện ngắn Huyền không động cho đến cuốn tiểu thuyết gần đây nhất là quyển Chiếc cáng xanh Lưu Trọng Lư không thay đổi mấy tí. Với cái giọng buồn tẻ, vẫn cái lối kể chuyện tâm tình một cách lôi thôi và phẳng lặng làm cho câu chuyện không có gì thú vị. Chiếc càng xanh tuy gọi là một tập truyện ngắn nhưng thật ra là một thiên ký ức của một thanh niên nhớ tiếc một thời đã qua và có tấm lòng rất thành kính đối với bà mẹ. Đọc cuốn tiểu thuyết này người ta có cảm tưởng tác giả nhớ đâu viết đó chứ không nghĩ gì đến đâu đuôi câu chuyện và cần phải kết cấu ra sao?...”

Lưu Trọng Lư vẫn là một thi sĩ có tâm hồn và địa vị; nhắc đến ông, người ta tôn sùng là thi nhân tác giả vần thơ sầu nhè nhẹ, đôi khi da diết nhớ thương ngày đã qua; hình ảnh con nai vàng ngơ ngác đẹp vô cùng của thiên nhiên vạn vật; hoặc mỗi lần nắng hắt bên sông, làm cho ta nhớ tiếc người mẹ buổi sinh thời, hình bóng còn phảng phất mỗi lần có nắng non trưa, tiếng gà xao sác cục tác cho chúng ta nhớ hình ảnh tuyệt vời của thú yên tịnh quê hương(40) . Còn bao nhiêu hình ảnh mưa buồn, còn bao nhiêu nỗi đáng nhớ, đáng tiếc, Lưu Trọng Lư đã làm cho con người biết sống đẹp hơn, biết rung cảm mãnh liệt hơn lên. Thơ ông rất giầu tình cảm, tưởng tượng dồi dào, âm tứ đặc biệt. Thơ có bản sắc, hay đôi khi hình ảnh yêu đương được tả lại thành vần thơ tuyệt vời, như một người thiếu nữ đến tuổi mơ mộng, tựa song cửa vu vơ nhìn vào tương lai đầy ngơ ngác, sầu muộn.

Giai đoạn chuyển biến 1945, Lưu Trọng Lư cũng chuyển mình như đa số nhà thơ tiền chiến bừng tỉnh, bước vào đường mới. Bài O Tiếp tế mang lại hơi thơ mới lạ, hình tượng sống chan chứa thương yêu chồng con, và quê hương lâm nguy, đặt bổn phận suy tư giữa tình yêu cá nhân và tổ quốc. Vũ Ngọc Phan cho rằng địa vị của ông là: "...một thi sĩ đa tình và mơ mộng, ông say sưa với tất cả của người và tạo vật; tấm lòng lúc nào cũng mơ mộng, mộng với thực thổ lộ nên những lời thơ huyền ảo vô cùng..."

Trích thơ:

1. NẮNG MỚI

Mỗi lần nắng mới bắt bên song

Xao sác gà trưa gáy não nùng

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng

Chập chờn sống lại những ngày không

Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời

Lúc người còn sống tôi lên mười

Mỗi lần nắng mới qua ngoài giậu

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi

Hình dáng mẹ tôi chửa xóa mờ

Hãy còn mường tượng lúc vào ra

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trông ánh trưa hè trước dậu thủa (41)

2. TIẾP TẾ(42)

Vừa học i tờ

O đi tiếp tế

Hai mươi xuân trẻ

Chẳng học chi sầu

Nhìn trước nhìn sau

O qua đồn địch

O đi một mạch

Hỏi chị hỏi em

Tầm bước êm êm

Chui qua đường trống

Lách sang bên đông

O hát o ca

Đồn địch đã xa

O cười o nói

Đường qua mấy dội

O sẽ nghỉ chân

Chẳng quản xa gần

O đi đi nữa

Bóng chiều vừa ngả

O lội sang khe

Quần ướt dầm dề

Bỗng o dừng bước

Mặt soi xuống nước

Cúc áo vội cài

Nhém lại tóc mai

Rồi o chợt thấy

Xuân gầy, ba bẩy

Da tuyết vàng khè

O sợ chồng chê

Nhưng o vẫn bước

Mình lo việc nước

Chồng chê “mược” chồng.

(1945)

LƯU TRỌNG LƯ

Tiết 5

HÀN MẶC TỬ

Tiểu sử.

Tên thật Nguyễn Trọng Trí. Sinh ngày 22-09-1912 ở Đồng Hới. Thuở nhỏ học trường Quảng Ngãi, đã thích văn thơ, bắt đầu là thơ Đường luật. Năm 18 tuổi, ký bút hiệu Phong Trần. Những bài thơ đầu tiên đăng trên báo Phụ Nữ Tân Văn (Sàigòn). Năm 1934, 1935 đổi bút hiệu Lê Thanh vào làm báo ở Sàigòn. Rồi chủ trương tờ Công Luận văn chương và viết cho các báo Trong Khuê Phòng và Tân Thời. Chính thời gian này, ông ký bút hiệu Hàn Mặc Tử. Cuộc sống trải qua nhiều nghề: thư ký nhà buôn, làm báo, và cuộc sống thì nghèo nàn như đa số thiên tài có danh trên thế giới đều khổ như con vật lúc sinh thời. Có những Tết, không có tiền trả tiền nhà, trả nợ vặt, trả thợ giặt giũ quần áo và, nhà chủ đuổi nhà. Đêm ba mươi Tết, về nhà gõ cửa với hai bàn tay trắng, đầu không mũ, mẹ là bà Nguyễn Thị Duy hỏi con, hành lý để đâu? Ông trả lời: “Gửi ở Sàigòn vì chỉ ăn Tết ở nhà mấy hôm thôi”. Qua Tết, ông vẫn ở nhà trọn năm và chẳng bao giờ thấy hành lý gửi về. Năm 1936, sau khi đi du lịch Huế, Nha Trang, ông mắc bệnh hủi. Bệnh tật sau này ảnh hưởng tới văn chương rất xúc động, bi thiết, thành khẩn, ông sáng tác Đau Thương.

Tác phẩm và khuynh hướng.

Thơ Hàn Mặc Tử trước khi mắc bệnh hủi, không mấy đặc sắc. Tác phẩm đã xuất bản Gái Quê (1936), chứng tỏ điều vừa nói ở trên. Sau mắc bệnh hủi, thất tình (với Mộng Cầm), thơ Hàn Mặc Tử não nuột, đau khổ phản ánh trong văn chương cao độ. Hơi thơ mạnh, bạo, có đà đi lên, bản sắc độc đáo. Lời thơ chau chuốt, chọn lọc từng âm tứ, từ ngữ; đôi khi châm biếm, ngạo nghễ. Tiếng thơ của đời tác giả biểu hiện thành khẩn, không dấu diếm, phủ nhận luân lý xã hội. Thi sĩ Hàn Mặc Tử mất ở Qui Hòa (Qui Nhơn) cuối năm 1940. Trước khi chết viết một bài thơ xuôi bằng tiếng Pháp: La Pureté de l’âme. Sau hai năm, Quách Tấn in tập thơ Hàn Mặc Tử (Đông Phương Sàigòn 1942) gồm những bài thơ chọn lọc của Hàn, qua các giai đoạn bệnh tật và thất tình.

Phê bình.

Phê bình Hàn Mặc Tử, Vũ Ngọc Phan cho rằng: “Hàn Mặc Tử có những thi hứng rất dồi dào, nhưng thơ ông phần nhiều khúc mắc, nhạc điệu trong thơ ông hình như không phải là phần quan hệ, lời thơ ông nhiều khi rất thơ, bệnh ông làm cho ý tưởng khác thường”. Ý kiến Vũ Ngọc Phan e không mấy xác đáng, vì trong tiết phê bình Trần Thanh Mại (Nhà văn hiện đại), Vũ Ngọc Phan thừa nhận giá trị thơ Hàn chau chuốt, xúc tích như Gái Quê; thì Vũ Ngọc Phan lại viện ý khác cho thơ Hàn thô kệch. Sự kiện đãi lọc phê phán tổng quát ở hôm nay, thì thơ Hàn vô cùng tha thiết với bản thân, với đời, với đạo, phân tích giảng giải ý nghĩa nhân sinh bằng lời thơ rất thơ. Thơ ông là hình tượng vắt bằng hình nhục, tim, máu, bệnh; cả nỗi chết nhọc nhằn. Ông là thi hào của thơ triết học – lối thơ triết học này như một Paul Claudel Pháp.

Sau Vũ Ngọc Phan thừa nhận thơ Hàn hay thật sau ngày ông qua đời. Nói như Nguyễn Đình Thi trong một tiểu luận (Thơ triết học) gồm hai phần: phần hồn và kỹ thuật diễn đạt đến độ cao mới thành công, với quan niệm ấy, thì thơ Hàn Mặc Tử đạt được đúng nghĩa. Hàn Mặc Tử đã tạo cho thi nghiệp trang văn chương bất tử, quý báu, là nhà thơ đem triết học vào thơ, đem triết lý nhân sinh vào thơ rất thơ. Truy niệm Hàn Mặc Tử, Hoàng Thu Đông(46) có nhiều ý kiến xác đáng về giá trị thi hào đã qua đời:

“...Hoàn cảnh đặc biệt đời sống Hàn Mặc Tử đem lại cho thi sĩ một thi nghiệp khác thường và dành riêng trang trọng thi văn Việt Nam. Giá trị thơ Hàn Mặc Tử cũng như giá trị đạo giáo, gần gũi mà xa xôi với cuộc sống. Song sức truyền cảm mãnh liệt của thi sĩ rung động người đọc sâu xa, vì Hàn Mặc Tử đã yêu thương đau khổ với tất cả những thiết tha thành thực của con người. Tiếng nói của Hàn Mặc Tử không phải là tiếng nói của một văn nghệ sĩ của thời đại, nhưng bình diện con người, Hàn Mặc Tử là một thi sĩ mà các thế hệ sau cũng như hiện thời không quên được. Vì Hàn Mặc Tử theo đúng nghĩa chân thành của nó…”

(Cải Tạo loại mới, số 326 – 1955, Sàigòn)

Trích thơ:

1. HÃY NHẬP HỒN EM

Đừng nhắc nhở tên anh ngoài lỗ miệng

Vì gió hương nghe được rỉ thầm hoa

Lỡ mất rồi tâm sự của đôi ta

Chưa hề nói cho một ai nghe biết

Chưa hề dặn ngày mai rồi tiễn biệt

Chưa khi nào đọc đến chữ chia ly

Bỗng đêm nay, trước bóng trăng quỳ

Sấp mặt xuống cúi mình theo dáng liễu

Lời nguyện gẫm xanh như mầu huyền diệu

Não nề lòng viễn khách giữa lúc mơ

Trời từ bi cảm ứa sương mờ

Sai gió lại lay hồn trong kẽ lá

Trăng choáng váng với hoa tàn cùng ngã

Anh đoán chừng cơn ấy em ngất đi

Khổ lòng chưa em hỡi mộng tình si

Cuồng dại quá, khiến nước mây sường sượng

Nhưng qua rồi những phút giây tơ tưởng

Anh nhìn trăng bẽn lẽn đậu ngành cao

Phải giờ này đang lúc em chiêm bao

Vì chính giờ này anh đang yêu thiệt

Em hãy nhập hồn em trong bóng nguyệt.

2. ĐÔI TA

Mà anh hay em trong tim đều rạn

Đều chôn sâu một hình ảnh người mơ

Bây giờ đây, quấn quít hiện bây giờ

Chỉ biết có đôi ta là đáng sống

Dành cho nhau ngọt ngào và đáng mộng

Cố làm lơ không biết đến thời gian

Đến bông hoa tàn tạ với trăng ngàn

Đến những tình duyên chung quanh thất vọng

Nhiều hành tinh tan đi vì lỏng

Ôi muôn năm giấc mộng đã rời chưa?

Lúc ấy, sóng triều rền rĩ chưa bưa

Cứ nhắm mắt yêu nhau như chết

Cứ sảng sốt tê mê và rũ liệt

Đừng nghe chi âm hưởng địa cầu đang

Vỡ toang ra từng mảnh cả không gian

Cả thời gian từ tạo thiên lập địa

Dẫu trộn trạo điều hòa và xí xóa

Thành hư không như tình ái giữa đôi ta.

HÀN MẶC TỬ

Tiết 6

NGUYỄN BÍNH (1919 – 1966)

Tiểu sử.

Sinh năm 1919 ở Nam Định. Tên thật Nguyễn Bình Thuyết. Nguyễn Bính sẵn thiên bẩm làm thơ từ nhỏ. Sống ở miền quê, nhà nghèo, ít học, và làm thơ lục bát rất hay, truyền cảm mãnh liệt phổ biến sâu rộng nhất trong dân thị thành, cả nông thôn. Có thể nói sau Nguyễn Du, Nguyễn Bính là nhà thơ được nhiều người học thuộc thơ nhiều nhất. Ông được giải thơ khuyến khích của Tự Lực Văn Đoàn năm 1937.

Tác phẩm và khuynh hướng.

Thi phẩm đã xuất bản như: Lỡ bước sang ngang (1940), Mây Tần, Mười hai bến nước, Tâm hồn tôi (1940), Hương cố nhân (1941) vv... sau này Nhà xuất bản Hương Sơn tái bản một hai thi phẩm chính nhiều lần. Thơ Nguyễn Bính có bản sắc sắc độc đáo, một địa vị không nhà thơ nào có được, với lối diễn đạt bình cũ rượu mới, thể thơ rất phổ biến là thơ lục bát rất Việt Nam. Từ một ảnh hình vô cùng lãng mạn, người chị dặn em ở lại nhà, trước khi đi lấy chồng (Lỡ bước sang ngang) khiến người đọc rung cảm chân thành, ứa lệ và Nguyễn Bính có giọng thơ làm người đọc thật cảm động. Từ một kỹ thuật cao, đến cách dùng từ ngữ, âm tứ, nghĩa là tạo thành bài thơ, Nguyễn Bính có kỹ thuật riêng biệt để bài thơ cảm mãnh liệt. Thơ Nguyễn Bính còn mang cá tính châm biếm cay chua cảnh nghèo kiếp tơ tằm:

“Hôm qua còn sót hai đồng bạc

Hai đứa bàn nhau uống rượu say”

hoặc mai mỉa cô gái vội quên tình nghĩa, tham tiền, quên lãng tình nhân. Như:

“Một trăm con gái đời nay ấy

Đừng nói ân tình với thủy chung!”

và đôi khi hoài cảm dĩ vãng nên thơ:

“Hai đứa ôm nhau đánh giấc dài

Vô tình ngủ đến sáng ngày mai

Chị Nhi cứ chế làm sao ấy

Hai đứa nhìn nhau ngớ ngẩn cười.”

Tình hai kẻ lúc chưa biết gì là đời, Nguyễn Bính diễn tả Mười hai bến nước đa số bài bản nói đến phận làm con gái, với vần thơ cảm động như tuyệt bút.

Phê bình.

Thơ Nguyễn Bính không giống thơ một ai, chính thi nghiệp của ông độc đáo như đời thơ Hàn Mặc Tử, rút cuộc sống thành khẩn bản thân, diễn tả thành thơ với nghệ thuật cao và thành công rực rỡ. Không cầu kỳ kiểu Vũ Hoàng Chương, không thuần túy lãng mạn lứa đôi thanh xuân đô hôi Xuân Diệu, không khóc đời suy tư kiểu Huy Cận, không hình ảnh thiên nhiên tạo vật buồn nhẹ Lưu Trọng Lư; mà đi vào một khía cạnh tâm hồn mọi người; khi thi sĩ hòa đồng rung cảm. Nhận định giá trị thơ Nguyễn Bính có hợp thời không, một bạn yêu văn nghệ, Trọng Thư viết trong báo đặc san Hương Cúc Mới (Sông Văn, Đà Lạt, 1952) như sau:

“… Thơ Nguyễn Bính ngày nay không hợp thời nữa. Giữa lúc Tổ Quốc đang cần đến nghị lực thanh niên, còn gì tức cười cho bằng một chàng trai trẻ như măng non đầy nhựa sống, than rằng tình mình đã khép lại vì một người con gái, giữa lúc xuân sang, đem bao hy vọng lại cho tuổi hoa niên. Không, tình chúng ta phải luôn luôn mở, không phải vì một cá nhân mà là vì muôn người chung quanh ta. Song không phải thế mà chúng ta phủ nhận thơ Nguyễn Bính với những bài tình tứ nhẹ nhàng, man mác như hương trầm thong thả bay trên bàn thờ, tỏa lên cao rồi lại cuốn theo chiều gió mang cả hồn chúng ta về phía xa xôi, chốn quê hương thân mến..."

Nói thế, ông bạn nào đó tự nhận chân giá trị một bài thơ tình Nguyễn Bính tiền chiến, dầu mang trường hợp Nguyễn Bính ra phân tích, nào là giữa lúc tổ quốc lâm nguy, phải có thái độ nào với thơ Nguyễn Bính? Giá trị một tác phẩm văn chương, dù là bất tử đi nữa, cũng chưa có thể áp dụng cho một thời gian không biên giới được(43) .

Trích thơ:

MỘT CON SÔNG LẠNH

Chén sầu nghiêng giữa trường giang

Canh gà bên nớ giàng sang bên này

Khoan đàn em hãy gắng say

Một đêm, chỉ có đêm nay thôi mà

Chúng ta người bến sông xa

Giang hồ một chuyến về qua xứ này

Phiền em dăm bảy đường tay

Một con sông lạnh, vài giây tơ tằm

Rưng rưng ánh nến hoen vàng

Hơi men lắng xuống, tiếng đàn cao lên

Ô nàng chẳng phải là em

Tôi nghe vó ngựa hòa Phiên, rõ ràng

Đừng quên-quên đấy-thôi nàng

Đất Hồ xa quá nàng sang sao đành

Trời ơi Hán đế vô tình

Tôi xin đốt cả kinh thành ấy đi

Chưa say, em đã say gì?

Chúng tôi còn uống còn nghe em đàn

Rưng rưng ánh nến hoen vàng

Đôi giây nức nở muôn ngàn nhớ thương

Đôi giây như thể đôi đường

Em ơi! Hà Nội là phương hướng nào?

Đêm tàn chẳng có chiêm bao

Đêm tàn có mấy chòm sao cũng tàn

Chén sầu đổ ướt trường giang

Canh gà bên nớ giàng sang bên này

Lạy trời đừng sáng đêm nay

Đò quên cặp bến tôi say suốt đời

Chiêu Quân lên ngựa mất rồi…

(Thơ Huế)

NGUYỄN BÍNH

Tiết 7 và 8

THÂM TÂM VÀ T.T.KH.

Từ ngày báo Loa đăng bài thơ Bài thơ thứ nhất, dưới ký tên T.T.Kh; thì dư luận xôn xao về chuyện tình yêu của Thâm Tâm với T.T.KH. Rồi Hai hoa sắc ty gôn, tiếp theo sau Bài thơ cuối cùng, thì sau đó Nguyễn Bính làm Giòng dư lệ mượn trong ý vào đề bằng thơ của T.T.KH:

“Cho tôi ép nốt giòng dư lệ

Nhỏ xuống thành thơ khóc chút duyên"

Kể lại một chuyện tình của chàng thi nhân và nàng là tác giả bài thơ kia, than khóc cuộc đời giang hồ của chàng không bến đậu. Ít năm sau nàng đi lấy chồng, nhà thơ Nguyễn Bính than khóc rằng:

"Truyện xưa hồ lãng quên rồi

Bỗng đâu xem được thơ người vườn Thanh

Bao nhiêu oan khổ vì tình

Cớ sao giống hệt chuyện mình gặp xưa

Phải chăng, mình có nên ngờ?

Rằng người năm ngoái bây giờ là đây…”

của Nguyễn Bính thì là giọng thơ mơ hồ, hoài nghi, bán tin bán nghi. Vì mối tình ấy, nếu giống hệt, thì Nguyễn Bính với nàng vườn Thanh nào đó, chưa chắc đã là T.T.KH? Như vậy có lẽ của Nguyễn Tuấn Trình (bây giờ đã chết) với bút hiệu Thâm Tâm. Qua giọng thơ chàng thi nhân sau này, chúng tôi thấy giọng bi thiết hơn.

THÂM TÂM (1917 – 1950)

Tên thật Nguyễn Tuấn Trình. Sinh năm 1917 mất năm 1948. Nhà thơ đồng thời với Nguyễn Bính, Huyền Kiêu, Đinh Hùng, Hằng Phương… có giọng thơ chán chường, bi thiết nói về tình yêu. Khi vài bài thơ T.T.KH. đăng trên báo Loa, thì Thâm Tâm làm bài Các anh hãy uống thật say đáp lại trước Nguyễn Bính. Bài thơ ấy cũng như thơ T.T.KH. ăn khớp với nhau hơn và T.T.KH. nhắc đến người chồng đang chung sống tên NGHIÊM.

Bài thơ Thâm Tâm truyền cảm thành khẩn, lời thơ, giọng thơ bi ai thống khổ, chứng tỏ tâm hồn đau khổ thực với hồn thơ, có hình tượng đau thương bằng máu, căm hờn, giận oán, chứ không lãng mạn vu vơ như bài thơ Nguyễn Bính, mặc dầu bài thơ Nguyễn Bính cũng hay.

T.T.KH (48)

Một T.T.KH của Nguyễn Bính hay Thâm Tâm, là nàng thơ như George Sand của Chopin và Musset hay đúng hơn so với thí dụ giữa nàng Nodier của Arvers (Pháp) đầu thế kỷ 19, mà chúng tôi có thể cho rằng đó là bài thơ tình hay bậc nhất thế kỷ của những nhà thơ ngẫu nhiên. Nói như tiếng Pháp, écrivain occasionnel. Có nhiều giả thuyết nghi vấn bàn về văn chương T.T.KH, nhưng thiết tưởng rằng cũng không cần biết chi tiết là ai? Mà chỉ ít bài thơ ấy của T.T.KH, là bài thơ bất hủ, lãng mạn đau thương (romantisme tourmenté) thành khẩn làm nhiều người rung cảm theo. Còn là điển hình tư tưởng lớp thanh xuân hồi ấy ưa chuộng, bởi vì lý tưởng chung khi ấy chỉ biết đau khổ trong yêu đương làm lý do chính để sống. Hồi ấy, có thể gọi thời hòa bình, thực dân Pháp thống trị, thanh niên thiếu nữ; nếu người không làm cách mệnh, chính trị; thì chỉ còn biết thỏa mãn cuộc đời bằng vần thơ yêu đương rào rạt mà thôi.

Hoài Thanh có nhắc đến T.T.KH. trong Thi Nhân Việt Nam, chúng tôi nhấn mạnh thêm T.T.KH là thi sĩ có tài ngang ngửa Xuân Diệu thời ấy. Lối thơ lãng mạn đau thương lại thống thiết hơn. Trích hai bài thơ T.T.KH. và một bài Thâm Tâm để có tài liệu về chuyện tình và thơ tình hay tiền chiến.

Trích thơ:

1. HAI SẮC HOA TY GÔN

Mỗi mùa thu trước mỗi hoàng hôn

Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn

Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc

Tôi chờ người đến với yêu đương

Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng

Giải đường xa vút những chiều phong

Và phương trời thẳm mờ sương cát

Tay vít giây hoa trắng cạnh lòng

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi

Thở dài trong lúc thấy tôi vui

Bảo rằng hoa ráng như tim vỡ

Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi

Thuở ấy nào tôi đã hiểu gì?

Cánh hoa tan tác của sinh ly

Cho nên cười với mầu trong trắng

Là chút lòng trong chẳng biến suy

Đâu biết một lần đi lỡ làng

Dưới trời đau khổ chết yêu đương

Người xa xăm quá! Tôi buồn lắm

Trong một ngày vui pháo nhuộm đường

Tôi nhớ lời người đã bảo tôi

Một mùa thu trước rất xa xôi

Đến nay tôi hiểu thì tôi đã

Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời

Ái ân lạt lẽo của chồng tôi

Mà từng thu chết từng thu chết

Vẫn giấu trong tim một bóng người

Từ đấy thu rồi thu lại thu

Lòng tôi giá lạnh đến bao giờ?

Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ

Người ấy cho nên vẫn hững hờ

Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ

Chiều thu hoa rụng lại chiều thu

Gió về lạnh lẽo cùng mây trắng

Người ấy bên sông đứng ngắm đò

Nếu biết rằng tôi đã có chồng

Trời ơi, người ấy có buồn không?

Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ

Tựa trái tim phai, tựa má hồng.

2. BÀI THƠ CUỐI CÙNG

Anh ạ, tháng ngày xa quá nhỉ

Một mùa thu cũ một lần đau

Ba năm ví biết anh còn nhớ

Em đã câm lời có nói đâu?

Đã lỡ thôi rồi chuyện biệt ly

Càng khơi càng thấy lụy từng khi

Trách ai mang cánh ty gôn ấy

Mà viết tình em được ích gì?

Chỉ có ba người được đọc riêng

Bài thơ đan áo của chồng em

Bài thơ đan áo nay rao bán

Cho khắp người đời thóc mách xem

Là giết lời nhau đấy biết không?

Dưới giàn hoa máu tiếng mưa rưng

Giận anh tôi chép giòng dư lệ

Là chút dư hương điệu cuối cùng

Từ nay anh hãy bán thơ anh

Là để yên tôi lấy một mình

Những cánh hoa lòng hừ đã ghét

Thì mang mà đổi lấy hư vinh

Ngang trái đời hoa đã úa rồi

Từng mùa gió lạnh sắc hương rơi

Buồng NGHIÊM thờ thẫn buồng eo hẹp

Để nhớ người không muốn nhớ lời

Tôi oán hờn anh mỗi phút giây

Tôi run sợ viết bởi rồi đây

Nếu không im được, thời tôi chết

Đêm hỡi làm sao tối thế này?

Năm lại qua năm cứ muốn yên

Mà phương trời gió chẳng làm quên

Mà người vỡ lở duyên thầm kín

Lại chính là anh, anh của em

Tôi biết làm sao được hở trời?

Giận anh không nỡ, nhớ không thôi

Mưa buồn mưa hắt trong lòng ướt

Sợ quá đi anh có một người .

T.T.KH

Đây bài thơ Các anh hãy uống thật say Thâm Tâm nói rõ lòng và chính bài thơ ấy cho biết KH là Khánh. Vậy tạm tin giả thuyết này, còn mấy bài thơ của Khánh đăng báo chỉ ký là T.T. KH mà Thâm Tâm cho là Thâm-Tâm-Khánh.

CÁC ANH HÃY UỐNG THẬT SAY

Các anh hãy uống thật say

Cho tôi những cốc rượu đầy rồi im

Giờ hình như quá nửa đêm

Lòng đau đem lại cái tin cuối mùa

Hơi đàn buồn như trời mưa

Các anh tắt nốt âm thừa đi thôi

Giờ hình như ở ngoài trời

Tiếng xe đã nghiến, đã rời rã đi.

Hồn tôi lờ mờ sương khuya

Bởi chưng tôi viết bài thơ trả lời

Vâng tôi biết có một người

Một đêm cố tưởng rằng tôi là chồng

Để hôm sau khóc trong lòng

Vâng, tôi vẫn biết cánh đồng thời gian

Hôm nay rụng hết lá vàng

Và tôi lỡ chuyến chiều tàn về không

Tiếng xe trong vết bụi hồng

Nàng đi thuở ấy nhưng trong khói mờ

Tiếng xe trong xác pháo xưa

Nàng đi có mấy bài thơ trở về?

Tiếng xe mở lối vu quy

Hay là tiếng khóc nàng chia cuộc đời

Miệng chồng Khánh gắn trên môi

Hình anh mắt Khánh sáng ngời còn mơ

Từ ngày đàn chia đường tơ

Sao tôi không biết hững hờ nàng đan

Kéo dài một chiếc áo len

Tơ càng đứt mối nàng càng nối dây

Nàng còn gỡ mãi trên tay

Thì tơ duyên mới đã thay hẳn màu

Góp hai thứ tóc trên đầu

Sao còn chắp nối những câu tâm tình

Từng năm, từng đứa con non

Mỉm cười vá kín vết thương lại lành

Khánh đi còn hỏi gì anh?

Ái tình dù vỡ ái tình lại nguyên

Em về đan mối tơ duyên

Vào tà áo mới đừng tìm duyên xưa

Bao nhiêu hy vọng còn thừa

Hãy đành mà khóc những giờ vị vong

Bao nhiêu hương cánh trong lòng

Hãy dâng cho trọn nghĩa chồng, hồn cha

Nhắc làm chi chuyện đôi ta

Bản năng anh đã phong ba dập vùi

Hãy vui lên các anh ơi!

Nàng đi tôi gọi hồn tôi trở về

Tâm hồn lạnh nhạt đêm nghe

Tiếng mưa lá chết đã xê dịch nhiều

Giờ hình như gió thổi đều

Những loài hoa máu đã gieo nốt đời

Tâm hồn nghệ sĩ nổi trôi

Xá chi cái đẹp dưới trời mỏng manh

Xá chi những chuyện tâm tình

Lòng đau đem chứa trong bình rượu cay

THÂM TÂM.

Tiết 9

TRẦN TRUNG PHƯƠNG (1913 - 1943)

Tiểu sử.

Trần Trung Phương sinh năm 1913, qua đời 1943. Ông chuyên viết thơ dành cho trẻ em có tính cách nói lên nếp sống ngây thơ đời con trẻ với mục phiêu giáo huấn. Cả đời văn nghệ, Trần Trung Phương chỉ tận tụy vào nghiên cứu giáo dục trẻ em bằng lối thơ rất thích hợp với tuổi thơ còn đi học, của tuổi thơ ấu thời.

Tác phẩm và khuynh hướng.

Tác phẩm xuất bản: Mấy vần tươi sáng (Bình Minh, Hà Nội tái bản năm 1952). Là nhà thơ của thế giới trẻ con, vì ông luôn luôn nghĩ đến thế hệ sau. Khác Nguyễn Đức Quỳnh huấn luyện mẫu người mai hậu; trái lại ông hòa đồng vào thế giới nhi đồng, để nói lên tính ngây thơ trong sạch. Nét tươi sáng chưa biết thế nào là vị danh vị lợi, vị tình. Thiêng liêng và trong sạch là những con người ấy! Bài tựa của Tam Lang thì không có gì đáng nhắc lại, duy chỉ bài tựa Khái Hưng có đoạn văn giới thiệu rất hợp thời, hợp cảnh, hợp tình; nói lên thầm ý một đời tác giả: làm thơ là nguồn sống tinh thần chính yếu phục vụ thiếu nhi.

Thơ Trần Trung Phương với bài thơ bé nhỏ của hình tượng rất dễ tìm thấy, nếu ngoảnh lại hàng chục năm về trước, từ bài thơ chép của nhau, đến đi học chậm, tranh giành, rồi phải quỳ, giận nhau vô lối, thù ghét kia tan đi, dành cho nhau tình bạn da diết thương yêu. Trần Trung Phương ghi lại bằng vần thơ rất linh động và cho chúng ta hưởng lại đôi phút tươi trẻ, nhớ lại bản thân của giòng thời gian xa xôi lắm…

Phê bình.

Mấy vần tươi sáng bình dị, hợp với tâm hồn em học sinh bé nhỏ. Từ âm tứ, từ ngữ trẻ em, ông khai triển sâu rộng đọc lên thấy được gần gũi thời thơ ấu. Đọc thơ tưởng rằng tác giả là người thu nhỏ mình lại đang dung dăng dung dẻ với các em, rồi phá lên cười ròn tan. Tiếng cười tan đi, sau phổ thành tiếng thơ ngọt ngào, trong suốt. Giá trị thơ Trần Trung Phương là như thế!

Trích thơ:

PHẢI QUỲ

Đêm qua thức mãi làm thơ

Sáng nay đi học trễ giờ khổ không?

Thành ra bài học thuộc lòng

Em vừa nhẩm được vài dòng đã thôi

Đi đường bút của em rơi

Đến giờ ám tả (45) û đành ngồi bó tay

Con Liên nó vội tâu ngay

Có người không viết- Thưa thầy- chị Chi

Trông em chẳng viết chữ gì

Béo tai, thầy giáo bắt quỳ ngoài hiên

Được rồi tao biết con Liên

Từ rày đừng có vay tiền của tao

Hôm xưa mình có một hào

Con ranh nịnh hót rằng tao yêu mày

Bây giờ tao phải quỳ đây

Liên ơi! đã mát ruột mày hay chưa?

TRẦN TRUNG PHƯƠNG

Tiết 10

TRẦN HUYỀN TRÂN (1913 -1989)

Tiểu sử.

Tên thật Trần Kim. Sinh năm 13 -9 -1913 ở Hà Nội. Trần Huyền Trân là nhà văn có tài, tác giả truyện ngắn tâm tình rất hay. Về thơ, Trần Huyền Trân có địa vị chắc chắn hơn văn, mặc dầu văn không kém thơ. Tóm lại về văn thơ, Trần Huyền Trân đều sở trường. Viết cho các báo Tiểu thuyết thứ bảy, Truyền bá, Phổ Thông bán nguyệt san…

Tác phẩm và khuynh hướng.

Tác phẩm xuất bản: Lẽ sống (Truyện ngắn, Phổ thông bán nguyệt san, 1942) và nhiều thi bản đặc sắc đăng báo Tiểu thuyết thứ bảy, và Phổ thông bán nguyệt san. Thơ Trần Huyền Trân nói lên tình cảm chân thành thế hệ ông sống, giọng thơ nhiều khi rất khinh bạc, kiêu sa như văn Nguyễn Tuân. Bài Mười năm, cũng như hầu hết các thi bản khác chỉ ca tụng tình yêu. Độc hành ca của Huyền Trân là bài thơ hay. Văn thơ lãng mạn của ông chẳng kém Xuân Diệu, và thể thơ lục bác chẳng kém Nguyễn Bính:

“Tương phùng ta để biệt ly

Biệt ly là một lòng đi qua lòng

Giờ thuyền em đã theo sông

Anh nhìn khói sóng ngỡ trông mây đèo…”

Thời kháng chiến, Huyền Trân bị chuyển dịch theo bánh xe cách mệnh, ca tụng sức vươn lên giống nòi vùng dậy tranh đấu độc lập. Bài thơ Hải Phòng 19-11-1946 là bài truyền hịch, giọng thơ căm hờn hướng dẫn tất cả giai cấp hãy đứng lên chống Pháp toan xâm lăng lần hai đất nước. Thơ khẩu khí hùng hồn, hào khí, phản ánh mảnh tình đồng hợp người dân bị thống trị. Truyện ngắn Trần Huyền Trân, như tập Lẽ sống rất linh động. Ông là nhà văn có tài. Gồm truyện Lẽ sống, Bộ áo rét nhà thơ, Tâm lý cá, Những chiều thu vắng, Lá rụng, Khoa Bát Cử, Một con cốc chết, Yêu... chứng nhận tài năng của Trần Huyền Trân, không những nhà thơ có tài; còn là nhà văn có địa vị. Khác Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư ở điều này, thơ văn của ông đều thành công. Truyện ngắn bao hàm triết lý nhân sinh, đem cuộc đời vào truyện, suy ngẫm mong cuộc đời tươi đẹp hơn lên. Dầu chỉ là thói sống rất tầm thường người đời, dưới con mắt tác giả lại là hình tượng đáng chú ý, và đôi khi tác giả đem đời sống bản thân làm nhân vật chính trong văn chương. Như Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyên Hồng, Mạnh Phú Tư, Thiết Can, Thạch Lam…, hầu hết truyện ngắn trong Lẽ sống là tâm tư tác giả ghi lại biến chuyển va chạm, với giọng văn căm hờn, trầm lặng; nhưng ít vui trong đời sống. Lẽ rằng cuộc đời tơ tằm có mấy khi viết lên trang văn chương sung sướng đâu?

Trần Huyền Trân là nhà thơ lớp Huyền Kiêu, Tế Hanh, Đinh Hùng, Hằng Phương; sau Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, Huy Cận… song là nhà văn thơ tài năng có tâm hồn sáng tạo phong phú. Văn ông có chiều sâu, tư tưởng thâm thúy.

Nhớ thi tài Trần Huyền Trân khiến chúng tôi nhớ đến Hoài Thanh, Hoài Chân khi viết Thi Nhân Việt Nam vào năm 1940. Hoài Thanh viết đến trang chót sách phê bình thi ca trên, ông định khép cửa lại, nghĩa là dầu có là thiên tài thi ca, ông cũng không mở cửa viết tiếp. Song lại có một chữ nhưng… đó là trường hợp Trần Huyền Trân thì Hoài Thanh lại phải mở cửa viết phê bình tiếp thêm một thi nhân tài năng là Trần Huyền Trân. Chúng tôi cho trích đầy đủ nhận xét giá trị thi ca Trần Huyền Trân, qua sự phê phán của Hoài Thanh:

“…Viết đến đây tôi đã định khép cửa lại, dầu có thiên tài đến gõ cũng không mở. Thế mà lại phải mở cửa để đón một nhà thơ nữa: Trần Huyền Trân. Trần Huyền-Trân, con người có tên lạ ấy, không phải là một thiên tài. Nhưng tôi tra những văn thơ hiền lành và ít nói yêu đương.

Cũng có lần thi nhân tả tình tương tư:

"Xa nhau gió ít lạnh nhiều,

Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh"

Nhưng thường thì Huyền-Trân tìm thi hứng, hoặc trong những cảnh đời buồn bã như cảnh đời cùng của thi sĩ Tản Đà:

“Có đàn con trẻ nheo nheo,

Có dăm món nợ eo sèo bên tai.

Chừng lâu rượu chẳng về chai,

Nhện dăng giá bút một vài đường tơ.

Nghiên son lớp lớp bụi mờ,

Mọt ôn tờ lại từng tờ cổ thi.”

Hoặc trong cảnh đồng quê:

“Mặt trời say rượu tắm ven sông

Nước thẹn bâng khuâng ửng má hồng

Bầy sẻ đâu về cười khúc khích

Rủ nhau lúa chín trộm vài bông.”

Đồng quê của Huyền Trân đã mất hết vẻ quê mùa. Nó làm duyên làm dáng như một cô gái thành thị.

Huyền Trân ưa nói nhất là tình mẹ con.

Người gợi cái hình ảnh Phạm Ngũ Lão sau khi dẹp giặc Nguyên. Đêm ấy tiệc khao quân vừa tan. Ai đấy đều yên ngủ. Cho đến chiến mã cũng:

“Đuôi mừng phủi sạch bụi binh đao.”

Giữa lúc ấy Phạm Ngũ Lão một mình ngồi trong trướng, lòng băng khoăng nhớ mẹ:

“Binh thư ngừng giở, bào quên cởi

Đèn nhớ mong ai bấc lụi dần.”

Thế rồi tướng quân quất ngựa tìm về chốn:

“Nằm ăn gốc gạo lều dăm mái

Cánh liếp che sương hé đợi chờ”

Than ôi! Tướng quân về tới nơi thì mẹ già không còn nữa.

Thơ Huyền Trân không xuất sắc lắm. Nhưng sau khi đọc hoài những câu rặt anh anh em em tôi đã tìm thấy ở đây cái thú của người đi đổi gió” (45)

Dưới đây chúng tôi xin trích dẫn bài thơ của thi sĩ: Mười Năm và Hải Phòng:

Trích thơ:

1. MƯỜI NĂM

Biết nhau từ thuở dại khờ

Giờ đây bụi cát đã mờ mắt trong

Nhánh hồng em chiết bên song

Đã mười xuân rụng mười bông hoa cười

Con chim bạc má già rồi

Mỏ vàng đã nhặt hết lời thơ xanh

Còn gì nữa ở lầu gianh

Ở lòng em, ở lòng anh còn gì?

Tương phùng là để biệt ly

Biệt ly là một lòng đi qua lòng

Giờ thuyền em đã theo sông

Anh nhìn khói sóng ngỡ trông mây đèo

Mười năm mới hiểu tình yêu

Một nguồn hương nhẹ mấy chiều gió đưa?

(Trích Phổ Thông Bán Nguyệt San)

1942

2. HẢI PHÒNG

Nổ súng rồi!

Nổ súng rồi

Hải Phòng ọc máu phun ra bể

Nước mặn đồng chua thêm máu người

Còi ga rên rỉ

Xe Liên kiểm hết hơi

Miệng La-my ngọt bên tiếng súng

Bao nhiêu bơ sữa reo cười

Gió thu lồng lộng

ngó hút mù khơi

Ngoài kia

Dòng Thái bình ngoi tim bể rộng

Dòng Thái bình vọt sóng

Đang tung lưới nhà Chài

Đang vác bàn tay lưu động

Vét phù sa cầy luống ngô khoai

Dòng Thái bình gieo lên sức sống

Tiếng ngàn xưa phi ngựa thúc voi

Dòng Thái bình đánh nhau với ngư

Này đây máu vữa, thịt vôi

Sáu Kho lên xương cốt

Đóng Kè xây đập

Chật vật ngày đêm một giống nòi

Này đây xóm Lạc Viên lầm lội

Ngủ với chuột, ăn với ruồi

Cha gục xuống rồi, con bước nối

Áo hở da cơm tưới mồ hôi

Cánh tay lao động rên đêm tối

(…..............................................)(46)

TRẦN HUYỀN TRÂN

Tiết 11

1. CHẾ LAN VIÊN (1920 – 1986)

Tên thật Nguyễn Ngọc Hoan. Sinh năm 1920 ở Bình Định. Thuở nhỏ học ở Trung học Quy Nhơn.

Tác phẩm xuất bản: Điêu Tàn, 1937, Vàng sao (văn). Viết cho các báo Tin văn, Tiểu thuyết thứ bẩy, Phụ nữ, Trong Khuê phòng, Người mới... Thơ ông hoài vong quốc, mượn hồn Chiêm Thành nói lên tâm trạng khắc khoải dân Việt bị Pháp đô hộ. Hơn nữa, ông sinh trưởng ở Bình Định, nơi ngày xưa dân tộc Chiêm, nên chịu ảnh hưởng nội tâm nhà thơ mang vờ họ Chế. Những thi bản Trên đường về, Điêu tàn, mang nhiều hình ảnh bi thương ấy! Thơ ông với nội dung và hướng đi rõ nét, kỹ thuật vững vàng.

Trích thơ:

TRÊN ĐƯỜNG VỀ

Một ngày biếc thị thành ta rời bỏ

Quay về xem non nước giống dân Hời

( (46) )

Đây những Tháp gầy mòn vì mong đợi

Những đền xưa đổ nát dưới Thời gian

Nhưng sông vắng lê mình trong bóng tối

Những tượng Chàm le lói rỉ rên than

Đây, những cảnh ngàn sâu, cây lả ngọn

Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi;

Những rừng thẳm bóng chiều lan hỗn độn

Lừng hương đưa, rộn rã tiếng từ qui!

Đây, chiến địa nơi đôi bên giao trận

Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang

Máu Chàm(47) cuộn tháng ngày niềm oán hận

Xương Chàm luôn rào rạt nỗi căm hờn

Đây, những cảnh Thái bình trong Chiêm quốc

Những cô thôn vàng nhuộm nắng chiều tươi;

Những Chiêm nữ nhẹ nhàng quay lại ấp,

Áo hồng nâu phủ phất xõa lời vui,

Đây, điện các huy hoàng trong ánh nắng

Những đền đài tuyệt mỹ dưới trời xanh

Đây; chiến thuyền nằm mơ trên sông lặng;

Bầy voi thiêng trầm mặc dạo bên thành

Đây, trong ánh ngọc lưu ly mờ ảo

Vua quan Chiêm say đắm thịt da ngà,

Những Chiêm nữ, mơ màng trong tiếng sáo

Cùng nhịp nhàng uyển chuyển uốn mình hoa.

­­Những cảnh ấy trên đường về ta đã gặp

Tháng ngày qua ám ảnh mãi không thôi

Và từ đấy lòng ta buồn tràn ngập

Nỗi buồn thương nhớ tiếc giống dân Hời

(Trích Điêu Tàn)

CHẾ LAN VIÊN

2. NGUYỄN NHƯỢC PHÁP (1914- 1938)

Nguyễn Nhược Pháp là thứ nam nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ngày 12-12-1914 ở Hà Nội, mất 19-12-1938.

Tác phẩm xuất bản: Ngày xưa (1935). Viết cho các báo L'Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh Hoa vv... Phảng phất dĩ vãng, ảnh hình không còn tồn tại ở hôm nay. Trong thơ ông. Nguyễn Nhược Pháp chú trọng về thơ tả cảnh thiên nhiên, chùa đền, bộc lộ tình cảm; hình ảnh phong độ một thời xưa. Thành công trong lối thơ này, Đi chơi Chùa Hương là một trong bài thơ hay của Nguyễn Nhược Pháp. Trước khi chết, ông sáng tác vở kịch nhan đề Người học vẽ.

Trích thơ:

ĐI CHÙA HƯƠNG

Hôm nay đi chùa Hương

Hoa cỏ mờ hơ sương

Cùng thầy me em dậy

Em vấn đầu soi gương.

Khăn nhỏ đuôi gà cao

Em đeo dải yếm đào;

Quần lĩnh áo the mới

Tay cầm nón quai thao.

Mẹ cười: “Thầy nó trông!

Chân đi đôi dép cong

Con tôi xinh xinh quá

Bao giờ cô lấy chồng?

Em tuy mới mười lăm

Mà đã lắm người thăm

Nhờ mối mai đưa tiếng

Khen tươi như trăng rằm.

Nhưng em chưa lấy ai

Vì thầy bảo người mai

Rằng: Em còn bé lắm

Ý đợi người tài trai.

Em cùng đi với mẹ

Mẹ em ngồi cáng tre

Thầy theo sau cưỡi ngựa

Thắt lưng dài đỏ hoe.

Thầy me em đi đò

Thuyền mấp mênh bên bờ

Em nhìn sông nước chảy

Đưa cánh buồm lô nhô.

Mơ xa lại nghĩ gần

Đời mấy kẻ tri âm?

Thuyền nan vừa lẹ bước

Em thấy một văn nhân.

Người đâu thanh lạ thường!

Tướng mạo trông phi thường

Lưng cao dài, trán rộng

Hỏi ai nhìn không thương?

Chàng ngồi bên me em

Me hỏi chuyện làm quen

“Thưa thầy đi chùa ạ

Thuyền đông giời ôi chen!”

Chàng thưa vâng thuyền đông

Rồi ngắm giời mênh mông

Xa xa mờ núi biếc,

Phơn phớt áng mây hồng.

Dòng sông nước đục lờ

Ngâm nga chàng đọc thơ!

Thầy khen hay hay quá!

Em nghe rồi ngẩn ngơ

Thuyền đi, bến Đục quá

Mỗi lúc gặp người ta

Thẹn thùng em không nói

“Nam mô A di đà!”

Réo rắt suối đưa quanh

Ven bờ ngọn núi xanh

Dịp cầu xa nho nhỏ

Cảnh đẹp gần như tranh

Sau núi Oản, Gà, Xôi

Bao nhiêu là khỉ ngồi

Tới núi con voi phục

Có đủ cả đầu đuôi.

Chùa lấp sau chùm cây

(Thuyền ta đi một ngày)

Lên cửa chùa em thấy

Hơn một trăm ăn mày.

Em đi, chàng theo sau

Em không dám đi mau

Ngại chàng chê hấp tấp

Số gian nan không giàu

Thầy me đến điện thờ

Trầm hương khói tỏa mờ

Hương như là sao lạc

Lớp sóng người lô nhô.

Chen vào thật lắm công

Thầy me em lễ xong

Quay về nhà ngang bảo

“Mai mới vào chùa trong”.

Chàng hai má đỏ hồng

Kêu với thằng tiểu đồng

Mang túi thơ bầu rượu

“Mai ta vào chùa trong”.

Đêm hôm ấy em mừng!

Mùi trầm hương bay lừng

Em nằm nghe tiếng mõ

Rồi chim kêu trong rừng.

Em mơ em yêu đời

Mơ nhiều… Viết thế thôi

Kẻo mà ai xem thấy

Nhìn em đến nực cười.

Em chưa tỉnh giấc nồng

Mây núi đã pha hồng

Thầy me em sắm sửa

Vàng hương vào chùa trong.

Đường mây đá cheo leo

Hoa đỏ tím vàng leo

Vì thương me quá mệt

Săn sóc, chàng đi theo

Me bảo: “Đường còn lâu

Cứ vừa đi ta cầu

Quan Thế Âm bồ tát

Là tha hồ đi mau”

Đường vẫn thấy đi mau

Em ư? em không cần

Chàng cũng cho như thế

(Ra ta hợp tâm đầu)

Khi qua chùa Giải Oan

Trông thấy bức tường ngang

Chàng đưa tay, lẹ bút

Thảo bài thơ liên hoàn.

Tấm tắc thầy khen hay

Chữ đẹp như rồng bay

(Bài thơ này em nhớ)

Nên chả chép vào đây

Ô! Chùa trong đây rồi

Động thẳm bóng xanh ngời

Gấm thêu, trần thạch nhũ

Ngọc nhuốm hương trầm rơi

Me vui mừng hả hê

“Tặc! Con đường mà ghê!

Thầy kêu: mau lên nhé,

Chiều hôm nay ta về”

Em nghe bỗng rụng rời!

Nhìn ai luống nghẹn nhời!

Giờ vui đời có vậy

Thoảng ngày vui qua rồi!

Làn gió thổi hây hây

Em nghe tà áo bay

Em tìm hơi chàng thở

Chàng ơi, chàng có hay?

Đường dây kia lên trời

Ta bước tựa vai cười,

Yêu nhau, yêu nhau mãi

Đi, ta đi, chàng ôi!

Ngun ngút khói hương vàng

Say trong giấc mơ vàng

Em cầu xin Giời, Phật

Sao cho em lấy chàng

(Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau, vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện).

(Trích Ngày Xưa)

NGUYỄN NHƯỢC PHÁP

3. VŨ ĐÌNH LIÊN (1913- 1996)

Là bạn học Vũ Trọng Phụng ở trường Tiểu học Hàng Vôi. Sau làm công chức cao cấp. Sinh năm 1913 ở Hà Nội. Vào Trường Luật, được bổ Tham tá thương chính như Xuân Diệu. Chủ trương Revue Pédagogique, quản lý báo Tinh Hoa, đăng thơ trên các báo Loa, Phong hóa, Phụ nữ Thời đàm... Vũ đình Liên là nhà thơ sống trong giai đoạn thơ mới, nhưng là di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn (Vũ đình Liên tự cáo trạng). Hoài vọng dĩ vãng của thế hệ đã mất, Vũ Đình Liên, Nguyễn Nhược Pháp, mỗi người một đường ghi bóng cũ khác nhau; song cả hai đều nổi tiếng qua nhiều bài thơ “tiếc một thời vang bóng”.

Trích thơ:

ÔNG ĐỒ

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

(Trích Tinh Hoa)

VŨ ĐÌNH LIÊN

4. TẾ HANH (1921-2009)

Tên thật Trần Tế Hanh. Sinh ngày 15-5-1921 ở Quảng Ngãi. Được giải thưởng thơ khuyến khích Tự Lực văn đoàn năm 1939, qua tập Nghẹn Ngào. Thơ Tế Hanh gần gũi với cuộc sống dân quê hương. Tác giả Làng chài lưới nói lên tâm trạng khắc khoải, đơn côi bản thân. Hoặc các bài thơ khác như Vu vơ, Ao ước…

Trích thơ:

VU VƠ

Những ngày nghỉ học tôi hay tới

Đón chuyến tàu đi, đến những ga

Tôi đứng bơ vơ xem tiễn biệt

Lòng buồn đau xót nỗi chia xa.

Tôi thấy tôi thương những chiếc tàu

Ngàn đời không đủ sức đi mau:

Có chi vướng víu trong hơi máy,

Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau.

Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề;

Khói phì như nghẹn nỗi đau tê,

Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ:

Lòng của người đi réo kẻ về.

Kẻ về không nói bước vương vương…

Thương nhớ lan xa mấy dặm trường

Lẽo đẽo tôi về theo bước họ

Tâm hồn ngớ ngẩn nhớ muôn phương.

(Trích Nghẹn Ngào)

TRẦN TẾ HANH

5. ĐOÀN VĂN CỪ (1913 - 2004)

Đoàn Văn Cừ là nhà thơ tìm kiếm của Hoài Thanh. Phê bình gia Hoài Thanh nhiều lần tìm kiếm, song không biết tiểu sử nhà thơ ấy. Thơ ông đăng rải rác trên các báo Ngày Nay như Đám hội, Đám cưới Mùa xuân, Trăng hè, Đi chợ Tết... Đi Chợ Tết là bài thơ điển hình trong thơ hay của thi sĩ, cùng đứng trong tâm trạng lớp người nhớ tiếc dĩ vãng của thế hệ đã mất. (Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ). Hai nhà thơ trên đã thành công với Đi Chùa Hương, Ông Đồ; thì Chợ Tết trong ý nghĩa này với Đoàn Văn Cừ.

Trích thơ:

CHỢ TẾT

Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi

Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà gianh

Trên con đường viền trắng mép đồi xanh

Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.

Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ,

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau.

Sương trắng rỏ đầu cành như giọt sữa

Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa

Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh

Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ

Để lắng nghe người khách nói bô bô

Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán

Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoay viết thơ xuân

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm

Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau

Chú Hoa man đầu chít chiếc khăn nâu

Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu

Áo cụ lý bị người chen lấn kéo

Khăn trên đầu đương chít cũng tung ra

Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà

Quên cả chị bên đường đang đứng gọi

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa

Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha

Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết

Con gà sống mầu thâm như cục tiết

Một người mua cầm cẳng dốc lên xem.

Chợ tưng bừng như thế đến gần đêm

Khi chuông tối bên chùa văng vẳng đánh

Trên con đường đi các đường hẻo lánh

Những người quê lũ lượt trở ra về

Ánh dương vàng trên cỏ kéo lê thê

Lá đa rụng tơi bời quanh quán chợ.

(Trích Ngày Nay)

ĐOÀN VĂN CỪ

6. HUYỀN KIỀU (1913-1995)

Tên thật Bùi Lão Kiều. Lớp thi sĩ đi sau Huy Cận, Xuân Diệu, cùng đợt Đinh Hùng, Hằng Phương (vợ Vũ Ngọc Phan), Phan Khắc Khoan… Thơ Huyền Kiêu u uẩn, chán nản, bi quan. Những bài thơ đã đăng báo mang tâm trạng khắc khoải, u sầu. Song ông là nhà thơ có tâm hồn nghệ thuật cao.

Trích thơ:

TÌNH SẦU

Xuân hồng, có chàng tới hỏi

Em thơ chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa trắng cài đầu

Đi ngắt hoa tươi ngoài nội

Hè đỏ vẫn chàng tới hỏi

Em thơ chị đẹp em đâu?

Chị tôi khăn thắm quàng đầu

Đi rũ tơ vàng bên suối

Thu biếc cũng chàng tới hỏi

Em thơ chị đẹp em đâu?

Chị tôi tóc xõa ngang đầu

Đi hát tình sầu trong núi

Đông xám lại chàng tới hỏi

Em thơ chị đẹp em đâu?

Chị tôi hoa phủ đầy đầu

Đã ngủ trong lòng mộ tối

(1943)

HUYỀN KIỀU

7. LAN SƠN (1912-1974)

Tên thật Nguyễn Đức Phòng. Sinh ngày 11-4-1912 ở Hải Phòng, chính quán Nghệ An. Tác phẩm xuất bản: Anh với Em, (thơ, 1934)...Viết giúp các báo Hải Phòng tuần báo, Phong Hóa, Ngày Nay, Tinh Hoa... Thơ Lan Sơn cùng phong độ thơ sầu Huyền Kiêu, song kĩ thuật, tâm hồn rung cảm chưa mấy chín chắn, chuyên biệt như Huyền Kiêu. Đám ma đi là bài thơ chính tác giả ưa thích, yêu cầu Hoài Thanh trích trong Thi Nhân V.N.

Trích thơ:

ĐÁM MA ĐI

Có những buổi mưa phùn thê thảm quá

Cảnh vật trùm trong tấm vải chôn người

Mảnh gỗ chèn thay kính cửa vỡ rồi

Không chắn nổi gió ngoài hơi lạnh giá

Có những buổi mưa phùn thê thảm quá!

Gội lên trên gỗ ván mỏng chôn người

Đám ma đi trong hơi sương lạnh giá

Đi trên đường và đạp xéo lòng tôi

Đám ma kéo lê thê, trong lòng tôi lạnh giá

Đem chôn đi những kỷ niệm lâu rồi

Đám ma đi trong mưa phùn thê thảm quá!

Đi hàng ngày chưa tới huyệt lòng tôi

(Trích Thơ của một đời)

LAN SƠN

8. HUY THÔNG (1916 – 1988)

Tên thật Phạm Huy Thông. Sinh năm 1918 ở Hà Nội, du học bên Pháp, đậu tiến sĩ và Cao đẳng văn chương. Tác phẩm đã xuất bản: Yêu đương (1933), Anh Nga (1934), Tiếng địch sông Ô (1935), Tần Ngọc (1937)…. Là nhà thơ cùng thời Nguyễn Nhược Pháp, theo Hoài Thanh là: "một người có những ham muốn dị thường như thế ắt phải ưa sống cái đời những vị anh hùng thời trước, hồi thế giới còn hoang vu, hồi một người trượng phu còn có thể tin mỗi hành vi của mình đều làm xao động trời đất" (trang 92, Thi Nhân Việt Nam). Ý kiến nhận đình này phản ánh đúng tâm trạng lối thơ anh hùng ca Phạm Huy Thông, con người của mégalomanie (poème épopée anh hùng ca).

Trích thơ:

GIẤC MỘNG LÊ ĐẠI HÀNH

Ta sẽ đưa binh Nam đi vùng vẫy

Khắp bốn phương, trời đất mịt mùng tăm

Bầu mênh mông chuyển động tiếng loa gầm

Tiếng gươm ca, tiếng trống hồi ngựa hí.

Binh Nam Quốc như hải triều kiêu hãnh

Sẽ cuốn theo cùng cát phủ, cùng mây nhanh,

cùng gió mạnh

Đổng man di rải rắc núi non Hời

Rồi bóng khiên rợp mát bốn phương trời

Như thác nước cao văng thân vĩ đại

Quân xông xáo tới bên bờ thiên Trúc Hải

Và co cương trên mảnh đất cuối cùng

Đắm say nhìn biển vỗ tới hư không

Trong thế giới vô biên khi cúi đầu khép nép

Binh sĩ ta sẽ cho là đất hẹp

Ngọn trường thương không đủ chỗ tung hoành

Vì muốn đủ tầm xa vút cánh băng nhanh

Muốn sức kình được tự do ngang dọc

Biển bao la với từng trời không góc

Cần mênh mông, cần bát ngát, cần xa xôi

Nhưng không gian chỉ cảm thấy mơ thôi.

HUY THÔNG

9. HỒ DZẾNH (1916 – 1991)

Tên thật Hà Triệu Anh, người Minh hương, tác giả những cuốn tiểu thuyết Chân trời cũ và Một chuyện tình mười lăm năm về trước, dưới bút hiệu Lưu Thị Hạnh. Hồ Dzếnh là thi sĩ hơn văn sĩ, lẽ thơ ông giàu nghệ cảm, nổi trội hơn văn. Thơ Hồ Dzếnh có khuynh hướng hoài vọng quốc.

Trích thơ:

TRANG SÁCH XƯA

Giở lần trang sách xưa

Nhớ thời áp bức

Giang sơn ơi! lòng người nguội đau chưa?

Mong đợi người đã thức

Cõi trần ai đêm nay ta bơ vơ

Giật mình cảm xúc

Hận muốn toát ra thơ

Tình tan vào uất ức

Hồn đau run mờ tưởng bóng cờ

Ghi dấu những ngày quốc nhục

Bừng sáng mau lên xuân

Cho vinh quang quét sạch hết phong trần

Cho non nước, sáng tươi ngày trẻ mãi

Và giang sơn, giang sơn, thiên vạn đại

Trước khi tàn ta muốn thấy ngươi vui

Hỡi vô cùng yêu dấu nước ta ơi!

Máu chảy, xuân thơm, mắt lệ người

Vú mẹ đã khô nguồn sữa cũ

Tình con còn lại bấy nhiêu thôi

Hoa xuân đất Việt nghìn thu nở

Gương cũ muôn đời rạng rỡ soi

Ước nhỏ như xưa mà nũng nịu

“Coong là coong mẹ mẹ coong ơi!”

(Trích Hoa xuân đất Việt)

HỒ DZẾNH

10. NGÂN GIANG (1916 - )

Tên thật Đỗ Thị Quế. Viết cho các báo Tri Tân, trước tiền chiến, thời hậu chiến viết cho Tia Sáng đặc san ở Hà Nội trước 1954. Tác phẩm xuất bản: Tiếng vọng sông Ngân. Là nữ thi sĩ tiền chiến nổi tiếng, với tâm hồn thi sĩ rạt rào, thi bản Xuân Chiến Địa, bài thơ sáng tác trong cao trào cách mạng, lời thơ vô cùng rung cảm, đề cao lòng yêu nước đấu tranh.

Trích thơ:

XUÂN CHIẾN ĐỊA

Gió dịu mơ hiền ánh nắng tươi

Núi sông bừng nở vạn hoa cười

Bãi sa trường ngát men tranh đấu

Có kẻ say nhìn chốn viễn khơi

Người đẹp phương trời xiết đợi mong

Một chiều nhạc ngựa rộn ven sông

Chàng đi lo trả thù dân tộc

Đã trở về cùng những chiến công

Lời thư và áo giai nhân ấy

Giữ độ thu sang lá chớm vàng

Đây cả tấm lòng dâng chiến sĩ

Quên tình riêng nhé nhớ giang sơn

Công chúa Ngọc Hân mơ Nguyễn Huệ

Bởi say sự nghiệp khách anh hùng

Em cũng mơ người trai nước Việt

Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung.

Đẹp gì chăn gối trong khi cả

Dân tộc sôi lên chí quật cường

Hãy gác tình riêng mưu nghiệp lớn

Để đong máu giặc dội biên cương

Ngày mai trọn phận người dân nước

Vó ngựa xin dừng trước mái tranh

Để ngắm ai xưa ngồi dệt lụa

Má đào còn thắm tóc đương xanh

Nếu sớm hy sinh nơi chiến địa

Chữ vàng chói lọi ánh vinh quang

Em kiêu hãnh như chồng em đã

Sống với thời gian vượt thế gian

Đêm nay vườn trước bao nhiêu lá

Đã rụng theo nhiều với gió may

Em vội vàng đan xong chiếc áo

Gửi người muôn dặm chắc vừa tay

Hẳn đã nêu cao gương chiến sĩ

Nên hoa hồng nở báo vinh quang

Lòng đầy nguyện ước đầy tin tưởng

Chép vội lời thơ gửi đến chàng

Trăng trong một mảnh soi đôi ngả

In chếch tường hoa chiếc bóng chờ

Nguyện sẽ ấm lòng khi nhạc ngựa

Rung đều dưới dáng liễu lơ thơ

Lời ai xúc động lòng anh dũng

Chiến sĩ cao nhìn thẳng núi sông

Ta quyết hứa người trai đất Việt

Sẽ là những bậc Nguyễn Quang Trung

Phấp phới cờ đào bay gió cuốn

Mây vàng, kiếm sáng lóa hào quang

Các anh, một mối thù dân tộc

Cả một mùa xuân giữa chiến trường.

(1950)

NGÂN GIANG.

Tiết 12

KẾT LUẬN VỀ THƠ MỚI

Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn, mỗi thế kỷ, hoặc có thể nửa thế kỷ thời gian không nhất định bao nhiêu lâu; người lại bắt đầu thay đổi lối ghi lại thực tại cuộc đời, rung cảm lề lối sống. Sự biến dịch ấy, mới có những thi phái này, văn phái kia, chủ nghĩa này, triết thuyết nọ. Ở Nga, thế kỷ 18 biết có bao nhiêu thi phái, nào là poésie classique et poésie de cours (thơ cổ điển và trường phái nhà trường) với: Lomonov, Soumarokov, Dimitriev, Krylov thế kỷ 19, poésie populaire (thơ dân gian) như: Nekrassov, Koltsov, Essénine... poésie pré-romantique (tiền lãng mạn) như: Delwig, Joukowsky, Pouckhine..., poésie romantique (thơ lãng mạn) như: Delvij, Lermontov... poésie pré-symboliste (thơ tiền thân phái tượng trưng) như: Tioutchev, Fet..., pré-parnassienne...(thơ tiền thân nhóm Parnasse hiện đại của S.Prudhomme, Coppée...) poésie décadente (nhóm thơ tiền thân phái tượng trưng sau này). Nhóm thơ của Goumilev, Gorodetzki, nhóm còn Futuriste (tương lai) của Maðakovski, Khlebnikov, Pasternak, Asséiev, Kirsanov..., rồi sau cách mạng Nga 1917, gọi là sau ngày Cách Mạng Tháng Mười) những nhóm nhà thơ Vô sản: Kirillov, Bezymenski, Outkine, nhóm Người Thép (Hommes d'acier) với Jarov, Lebedev... Ở Pháp chia ra theo nhiều thi phái, qua thơ lãng mạn, diễn đạt lối bẩy, tám chữ với những: Baudelaire, Hugo, Lamartine, Théophile Gauthier…. Rồi từ đầu thế kỷ hai mươi, với Paul Éluard, Louis Aragon, Jacques Prévert, ở Tây Ban Nha là F. G. Lorca ở Đức B. Brecht… Nhà thơ ở thế kỷ trước, thời lãng mạn cực thịnh như Lermonotov, Pouckhine… diễn tả lối thơ tám chữ, thơ anh hùng ca, hoặc tình yêu thuần triết, nào có khác gì ở Pháp Lamartine, Hugo…. Sau thời kỳ chuyển mình sang lề lối sống khác lại có Soupault, Picabia, Aragon, Breton… diễn tả theo lối tự do. Ở Việt Nam, từ khi Tây học xâm nhập; là lúc cáo chung hệ thống chịu ảnh hưởng văn học Tàu, người cuối cùng gần nhất còn lóe sáng như Tú Xương, rồi Tản Đà… Từ đó chuyển sang chịu ảnh hưởng Tây học mạnh mẽ với Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Phan Khôi, Đỗ Huy Nhiệm, Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Nhược Pháp, Vũ Đình Liên, Đoàn Văn Cừ, Ngân Giang, Huy Thông, Chế Lan Viên, J.Leiba, Nguyễn Đình Thư, Anh Thơ, Vân Đài, Hằng Phương, Bàng Bá Lân… đã góp nhiều công gây dựng Thơ mới. Quả thực muốn so sánh với thế giới, thì chúng ta vẫn đi sau ít nhất hằng thế kỷ. Thơ Huy Thông với loại thơ ca tụng loại người mégalomanie (anh hùng ca) và không sâu sắc bằng Lermontov. Còn Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Thâm Tâm, T. T. T. KH, Huy Cận, Huyền Kiêu, Trần Huyền Trân… của ta đâu đã địch nổi với một Pouckhine lãng mạn của giòng thơ mới của Nga đâu? Bởi lẽ, chúng ta sinh trưởng trong nước chịu ảnh hưởng Trung Hoa; lấy mốc ấy tiến theo; sau vua Tự Đức bế quan tỏa cảng, bởi lẽ cũng chỉ muốn nhìn lên và so sánh với Trung Hoa mà thôi. Thơ mới ở Việt Nam là một sự kiện văn học sử. Nó mốc cho sự giải thoát được tâm hồn con người u uẩn, bằng cách nói lên rung cảm tự do, mà thơ Đường không thể nào thỏa mãn chúng ta nữa. Dù muốn hay không, thơ Tự do về sau này, từ ngày có Nguyễn Đình Thi, Hữu Loan, Hoàng Cầm, Tất Vinh, Hồng Nguyên vv... và nhà thơ không chuyên nghiệp là chiến sĩ, cán bộ cũng diễn tả tâm trạng qua Thơ tự do. Lối thơ này chịu îh hưởng nền văn học Nga, như Simonov, như Mạakowsky, hay chịu ảnh hưởng Pháp: Soupault, Breton, Aragon, Éluard hoặc nữa, chịu ảnh hưởng Tây Ban Nha F. G. Lorca… cho đến thời hậu chiến thơ tự do vẫn tiếp tục lớn mạnh. Thơ mới đã qua rồi, một hình bóng rất đẹp tưởng niệm. Cũng như các thi sĩ thế kỷ 19 ở ngoại quốc, nhà thơ lớp sau nhìn vào họ như một thế hệ vàng son đã qua đi. Mỗi đợt sóng mới, lại một lần văn học chuyển mình theo đà diễn đạt. Và trong bất cứ đợt mới chuyển dịch nào, hình thức thơ, nói riêng xê dịch tạo thành những ngôi sao sáng. Những ngôi sao sáng trong Thơ mới Việt Nam là ai, các bạn đánh giá được ai giá trị …


CÒN TIẾP ...