Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







“NỬA NĂM TIÊN CẢNH,

MỘT BƯỚC TRẦN AI…”




K ho truyện truyền kì Trung Hoa xưa cũng như của ta không hiếm truyện thần tiên, trong đó có những truyện kể người may mắn lạc vào cõi tiên, lấy vợ tiên; riêng nước ta có mấy truyện thuộc đề tài này như “Bích câu kì ngộ, Từ Thức…”

Truyện Từ Thức lấy vợ tiên vốn là truyện dân gian, được Nguyễn Dư (1) chép lại trong Truyền kì mạn lục. Truyện viết bằng chữ Hán (Từ Thức tiên hôn lục), vừa kể sự tích vừa thi vị hóa các tình tiết bằng cách đan xen vào nhiều bài thơ. Có thể lược dịch truyện như sau:

Từ Thức làm Tri huyện Tiên Du (Bắc Ninh) đời Trần Thuận Tông. Cạnh huyện có ngôi chùa trồng một cây mẫu đơn hoa nở tuyệt đẹp. Tháng 2 năm Bính tý (2) người đến xem hoa đông như hội. Có cô gái, nhan sắc xinh đẹp đến xem hoa, vin cành làm hoa gãy, bị người coi hoa bắt giữ. Trời đã tối vẫn không ai đến nhận. Từ Thức gán tấm áo cừu đang mặc cứu người con gái ấy. Cô gái từ tạ cảm ơn nghĩa mà về.

Từ tính hào sảng, thích đàn, ham thơ, bê trễ việc công, thường bị quan trên quở trách bèn trả ấn từ quan. Vì yêu cảnh thiên nhiên ở Tống Sơn nên làm nhà ở tại đấy lại thường đem một tiểu đồng mang theo bầu rượu, túi thơ ngao du sơn thủy. Một hôm dậy sớm trông ra bể Thần Phù bỗng thấy ở phía xa có đám mây ngũ sắc đùn lên kết lại như một đóa hoa sen mọc lên giữa biển, vội chèo thuyền ra thì thấy một trái núi rất đẹp. Từ kinh ngạc bảo lái thuyền rằng:

- Ta đã từng lênh đênh giang hồ, thắng cảnh miền đông nam mà nay không biết trái núi này từ đâu lại mọc ra trước mắt, có phải là non tiên rụng xuống, vết thần hiện ra ở đây chăng? Sao trước không mà nay lại có?

Bèn buộc thuyền lên bờ thì thấy những vách đá cao vút nghìn trượng, sừng sững đứng thẳng, nếu không có cánh thì chưa chắc đã lên được. Từ đến vách núi đề thơ rồi trông ngắm ngẩn ngơ. Chợt thấy vách đá nứt toác ra một lối đi. Vén áo đi vào, vừa được mấy bước thì cửa hang đã đóng sập lại tối tăm mù mịt. Bụng nghĩ không còn thể nào sống được nữa, lấy tay sờ soạng lối rêu, thấy có đường hẹp uốn quanh bèn đi mò độ hơn một dặm thì thấy có đường đi lên. Bám víu trèo lên cao; dường mỗi lúc một rộng thêm và thấy cả khoảng trời xanh, lại thấy cả một vùng toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, kì hoa dị thảo nở đầy trước cửa. Bỗng có hai người con gái áo xanh trông thấy Từ bảo nhau rằng:

- Lang quân nhà ta đã đến!  Đoạn vội vã chạy vào báo tin; một lúc đi ra nói:

- Phu nhân chúng tôi sai mời chàng vào chơi.

Sinh đi theo họ vào, vòng quanh bức tường gấm đến cửa son, thấy những tòa cung điện bằng bạc sừng sững, có tấm biển đề: " Quỳnh Hư điện", " Dao Quang các". Từ lên điện thấy có bà tiên áo trắng, ngồi trên giường thất bảo bên cạnh có chiếc giường nhỏ bằng gỗ đàn hương, mời Sinh lên ngồi và bảo rằng:

- Tính hiếu kỳ của chàng đã thành. Chuyến đi chơi này khiến chàng thỏa nguyện bình sinh. Nhưng mối duyên gặp gỡ cũ chàng còn nhớ gì không?

Từ thưa rằng:

- Tôi là một kẻ dật sĩ ở Tống Sơn. Một cánh buồm gió, một lá thuyền nan, phóng lãng giang hồ thích đâu đến đấy. Nào có biết chốn này lại có Tử Phủ Thanh Đô! Lần lên được tới đây, chẳng khác đã mọc cánh mà bay lên đến cõi tiên vậy; song lòng trần mờ tối, chưa biết tiền đồ ra làm sao. Dám xin chỉ bảo cho được biết.

Bà tiên cười bảo:

Chàng biết sao được. Đây là núi Phù Lai, động tiên thứ 6 trong 36 động, bồng bềnh trên biển, như hai núi La Phù tan hợp theo sóng rợn; mà ta là Ngụy phu nhân, địa tiên ở Nam nhạc, thấy chàng là người cao nghĩa sẵn lòng cứu giúp sự nguy khốn cho người, nên mới làm phiền mà mời chàng đến đây.

Bà đưa mắt bảo con hầu gọi ra một tiên nữ. Từ lén nhìn thì ra đây chính là người làm gãy cành hoa ngày trước.

Bà tiên trỏ và bảo rằng:

- Đứa con tôi đây tên là Giáng Hương, ngày trước gặp nạn khi đi xem hoa, nhờ chàng cứu giúp, ơn ấy khôn quên, nay muốn cho nó kết duyên để báo đền ơn trước.

Ngay đêm ấy cho đốt đèn mỡ phượng, rải đệm rồng vàng, để hai người làm lễ giao bái. Hôm sau quần tiên đến mừng, có người mặc áo gấm cưỡi con ly từ đàng bắc xuống, có người bận xiêm lụa cưỡi rồng từ phía nam lên, có người đi kiệu ngọc, có người cưỡi xe gió, đồng thời đến họp. Tiệc yến đặt ở từng thượng trên gác Dao Quang, buông rèm câu ngọc, rủ trướng móc vàng, phía trước đặt một cái ghế bành bằng ngọc lưu ly mà để không. Quần tiên vái chào nhau rồi cùng ngồi ở những ghế bên tả; Từ Thức thì ngồi ở giường bên hữu. Ngồi xong, có tiếng truyền hô là Kim Tiên đã đến, mọi người đều bước xuống đón cúi lạy chào. Đoạn lên gác tấu nhạc. Tiệc bày mâm bằng mã não, đĩa bằng ngọc thạch, các món ăn đều rất kỳ lạ, lại có những thứ rượu kim tương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được như vậy…Rồi có những người trẻ nhỏ, chia ra từng lớp mà múa điệu Lăng Ba…

Phu nhân mời tiệc. Giáng Hương rót rượu… Mọi người cùng nhập tiệc rất vui vẻ.

Rồi mặt trời gác núi, khách khứa đều giải tán cả. Từ đùa bảo Giáng Hương rằng:

- Thì ra tất cả các cõi trời đều có chuyện phối ngẫu cả. Cho nên ả Chức Nữ lấy chàng Ngưu Lang, nàng Thượng Nguyên tìm chàng Phong Trắc, Tăng Nhụ có bài ký Chu Tần, Quần Ngọc có bài thơ Hoàng Lăng, cảnh khác nhưng tình cũng giống nhau, nghìn xưa vẫn thế. Nay quần tiên ai về chỗ nấy, sống trong cảnh quạnh quẽ cô liêu, đó là vì lòng vật dục không nẩy sinh, hay là cũng có nhưng phải gượng đè nén?

Nàng đổi sắc mặt nói:

Mấy người ấy là khí huyền nguyên, là tính chân nhất, thân hầu cửa tía, tên ghi đền vàng, ở thì ở phủ thanh hư, chơi thì chơi miền sung mạc, không cần gạn mà lòng tự trong, không cần lấp mà đục vẫn lặng. Không như thiếp bảy tình chưa sạch, trăm cảm dễ sinh, mình ở phủ tía nhưng lụy vướng duyên trần, thân ở đền quỳnh mà lòng theo cõi dục; chàng đừng nên nhân một mình thiếp mà cho tất cả quần tiên đều thế.

Từ nói:

Nếu thế thì em còn thua các tiên kia xa lắm.

Vợ chồng cùng vỗ tay cả cười...

Thấm thoát đà một năm trôi qua. Những sáng sương sa, những đêm trăng sáng, tiếng thủy triều nghe vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng khiến Từ không sao ngủ được. Một hôm trông ra bể, thấy một chiếc thuyền buồm đi về phương Nam. Từ trỏ bảo Giáng Hương rằng:

Nhà tôi đi về phía kia kìa, song biển cả trời xa, chẳng biết là ở tận đâu. 

Rồi nhân lúc rỗi, chàng nói với nàng rằng:

- Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về một chuyến, chẳng hay ý nàng nghĩ thế nào?

- Giáng Hương bùi ngùi không nỡ dứt. Từ lang nói:

Tôi xin hẹn trong một thời kỳ bao nhiêu lâu, để về cho bạn bè gặp mặt và thu xếp việc nhà cho yên, sẽ lại đến đây để với nàng cùng già ở chốn làng mây bến nước.

Giáng Hương khóc mà nói:

- Thiếp chẳng dám vì tình phu phụ mà ngăn cản tình quê hương của chàng. Song cõi trần nhỏ hẹp, kiếp trần ngắn ngủi, dù nay chàng về nhưng chỉ e liễu sân hoa vườn, không còn đâu cảnh tượng như ngày trước nữa.

Nàng bèn thưa với phu nhân, phu nhân nói:

- Không ngờ chàng lại nặng lòng trần như vậy. 

Nhân cho một cỗ xe cẩm vân để chàng cưỡi về. Nàng cũng đưa cho chàng một bức thư viết vào lụa mà nói:

- Ngày khác trông thấy vật này, xin đừng quên mối tình ngày cũ.

Rồi tràn nước mắt mà chia biệt.

Chàng đi chỉ thoắt chốc đã về đến nhà, thì thấy vật đổi sao dời, thành quách nhân gian, hết thảy đều không như trước nữa, duy có những cảnh núi khe là vẫn không thay đổi sắc biếc mầu xanh thủa nọ. Bèn đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói:

Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm, nay đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh (3) là đời ông vua thứ ba của triều Lê rồi.

Chàng bấy giờ mới hậm hực bùi ngùi; muốn lại lên xe mây để đi, nhưng xe đã hóa làm một con chim loan mà bay mất. Mở thư ra đọc, thấy có câu: "Kết lứa phượng ở trong mây, duyên xưa đã hết, tìm non tiên ở trên bể dịp khác còn đâu!" mới biết là Giáng Hương đã nói trước với mình những lời ly biệt. Chàng bèn mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá ngắn, vào núi Hoành Sơn, rồi sau không biết đi đâu mất. 

Chuyện Từ Thức vừa là truyền thuyết lại vừa là cổ tích (4) bởi dấu vết xưa còn lại đến nay là động Từ Thức ở huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Động có 2 phần, phần ngoài giống như một chiếc bát úp khổng lồ trên nền đá phẳng. Nơi đây còn dấu tích đền thờ Từ Thức, phần sau gồm nhiều hang động khác được mệnh danh là các kho: kho tiền có những lớp thạch nhũ xanh hình tròn từng lớp chồng lên nhau, kho vàng là những thỏi đá óng ánh mầu vàng, kho muối là một quần thể thạch nhũ bé, trắng toát, kho gạo có những hòn đá mịn màu nâu bạc kết lại với nhau. Vào trong, một cổ tam sinh có đủ trâu, dê, lợn, một mâm cỗ giống như mâm ngũ quả bằng đá. Càng vào sâu, lòng động rộng thêm; nơi đây tương truyền còn dấu tích buồng tắm của Giáng Hương và thư phòng của Từ Thức bằng đá với những khối thạch nhũ chảy xuống tạo nên những bông hoa, những quả đào tiên, vầng trăng và có cả những đôi chim, những thanh đá gõ vào phát ra âm thanh như chuông… Sâu hơn nữa có 2 dấu chân người in vào đá từ bao giờ, tương truyền là dấu chân Từ Thức. Một vài nụ đá xinh xắn và một vài đường nét trên một mặt đá phẳng tạo thành bàn cờ tiên. Cuộc tình huyền thoại Từ Thức-Giáng Hương được tưởng tượng bằng ''đôi gò bồng đảo'' bên một vũng nước trong suốt có thể nhìn thấy những hòn đá dưới đáy được cho là giếng tiên; ngày xưa Giáng Hương từng tắm nơi đây. Một dải đá màu lục lốm đốm và một dải đá có những hình thù như ếch nhái được cho là ao bèo trong sự tưởng nhớ quê hương của Từ Thức. Cuối những hang động này có một ngã rẽ, tương truyền là đường lên tiên của Từ Thức. Tại đây có quán nghỉ chân bằng đá với những mắc treo áo, mũ bằng đá. Bên cạnh ''đường lên tiên'' lại có một ngã rẽ sâu xuống theo đường xoáy ốc hun hút gọi là đường xuống Địa ngục. Sau lưng động là núi Thần Phù, hang Dơi... 

Văn hóa nước ta và Trung Quốc rất gần nhau nên truyện Từ Thức lấy vợ tiên có nhiều nét giống với truyện Lưu - Nguyễn nhập Thiên Thai:

Đời Hán Minh Đế, niên hiệu Vĩnh Bình (năm 62), Lưu Thần và Nguyễn Triệu là nông dân ở huyện Diệm vào núi Thiên Thai (5) hái thuốc bị lạc không tìm được đường về, suốt mười ba ngày phải ăn những quả đào hái được trên núi để cầm hơi. Bỗng nhiên hai chàng chợt nhìn thấy giữa khe núi trôi một bát cơm vừng. Hết sức mừng rỡ vì chắc chắn có thôn xóm ở gần đây, hai chàng cùng men theo dòng suối đi lên vài dặm thốt nhiên thấy bên bờ suối có hai cô gái nhan sắc tuyệt trần cùng bước ra nghênh tiếp. Hai cô cùng cười và đồng thanh gọi:

- Lưu, Nguyễn hai vị lang quân, xin hãy mang trả chén cho chúng thiếp.

Trong nỗi vui mừng, hai nàng lại có vẻ như hờn giận:

- Cớ sao hai chàng lại đến muộn thế?

Hai nàng mời Lưu Nguyễn cùng về. Nhà lợp ngói trúc, che trướng lụa hồng, trang trí cực kì hoa mỹ, bên trong đặt hai giường lớn, lại có đến mười thị nữ đứng hầu.

Hai nàng cho người làm cơm; chớp mắt đã thấy cơm vừng, nem dê núi, thịt trâu non dọn lên cùng với bao nhiêu là mỹ tửu… Chợt một đoàn thiếu nữ bưng đào tiên đến đồng thanh chúc mừng hai vị tân lang. Nhã nhạc tấu lên cùng rượu mừng. Lưu Nguyễn vừa mừng vừa sợ.

Tiếp đến là những ngày hoan lạc. Lời dịu dàng, êm ái của các nàng tiên khiến hai chàng quên hết chuyện trở về.

Mười ngày trôi qua, hai chàng lại ngỏ ý muốn về quê. Các tiên nữ cùng kể cho hai chàng về mối phúc duyên nhờ khéo tu ngày trước mà nay lên được cõi tiên; xin chớ nên mê muội mà vội quay về.

Thấm thoắt đông qua, xuân lại, trăm chim đua hót khiến hai chàng càng thêm nỗi sầu nhớ cố hương. Sau mấy lần khẩn cầu, các tiên nữ biết không thể giữ hai chàng được nữa, đành phải tấu nhạc vũ, thiết yến tiễn hai chàng xuống núi, chỉ đường về.

Lưu, Nguyễn về đến làng thôn thì thấy cảnh vật đã thay đổi hết; đem tên họ mình hỏi đến những trai trẻ, thảy đều không biết; may thay có được một người nghe ra và nhận mình là cháu bảy đời rồi kể rằng ngày trước có nghe cha ông kể về cụ viễn tổ lên núi hái thuốc không thấy trở về…(6)

Hai truyện trên của ta và Trung Hoa có nhiều điểm giống nhưng cũng có nhiều khác biệt. Truyện Từ Thức tuy xuất xứ là truyền thuyết dân gian song đã qua quá trình trước tác của nhà văn, việc tạo nên ngôn ngữ tính cách nhân vật, cách bố trí tình tiết… được cách điệu nhiều, trở nên hoa mĩ hơn so với truyện Lưu Nguyễn. Xuất thân nhân vật trong hai truyện cũng khác : Từ Thức là nho sinh trong khi Lưu Nguyễn chỉ là hai nông dân. Tuy vậy nếu xét số lượng thì truyện truyền kì Bồng Lai tiên cảnh Trung Hoa có nhiều hơn ta. Ngoài truyện Lưu Nguyễn, họ còn vô số những chuyện kể về thần tiên giao tiếp với người. Nguồn gốc truyện bắt nguồn từ thượng cổ:

Sơn Hải Kinh (7), cuốn sách địa lý thần thoại thời cổ đại của Trung Quốc đã nói đến những vùng đất xa xôi có tiên ở.


Sách Liệt Tử -Xung Hư Chân Kinh cũng đã mô tả Bồng Lai như sau: “Phía đông của Bột Hải, không biết là xa bao nhiêu dặm, có một vùng nước lớn. Đó là một vùng trũng không đáy. Bởi không có đáy nên nó được gọi là Quy Khư. Nước từ tám phương trời và chín vùng đất cùng nước sông Ngân Hà đều đổ vào nơi này, thế mà nước ở đấy chẳng tăng chẳng giảm. Ở nơi này có 5 ngọn núi. Ngọn thứ nhất tên là Đại Dư, ngọn thứ hai là Viên Kiều, ngọn thứ ba là Phương Hồ, ngọn thứ tư là Doanh Châu, và ngọn thứ năm là Bồng Lai. Các núi này cao 30.000 dặm, và chu vi 30.000 dặm. Đỉnh núi là vùng bằng phẳng, có đường kính 9.000 dặm. Các núi cách nhau 70.000 dặm, là nơi dân cư ở. Những đền đài và đạo quán trên đỉnh núi thì bằng vàng và ngọc. Cầm thú ở đó có màu trắng tinh khiết. Cây cối bằng ngọc trai và san hô. Hoa trái có vị thơm ngon dễ chịu. Ai mà ăn được hoa quả ấy sẽ không già và không chết…

Khoảng thế kỉ thứ 6 TCN, tư tưởng Đạo gia của Lão Tử (8) muốn loài người quay về cuộc sống tự nhiên. Đạo đức kinh của Lão Tử đã mô tả một cõi tiên ở trần thế với cuộc sống của một “tiểu quốc quả dân”, một xứ sở lý tưởng, an bình, no ấm, không có áp bức, không giành giật, cạnh tranh, ở đó mọi người có thể “ăn món ngon của mình, mặc đẹp y phục của mình, vui với phong tục mình, yên vui nơi mình ở. Lân bang có thể trông thấy nhau…” (9)Tin vào các thư tịch cổ đầy huyền thoại ấy, nhiều vua Trung Hoa đã dày công tìm kiếm cõi tiên.

Kể từ các đời vua Uy Vương, Tuyên Vương, Chiêu Vương của nước Yên (311-279 TCN), nhiều chuyến hải hành đã được tổ chức để tìm đảo Bồng Lai (10), Đời Tần (221-206 TCN), Tần Thủy Hoàng là bạo chúa nhưng cũng mơ tưởng chân nhân của tiên giới. Sử Ký Tư Mã Thiên-Tần Thủy Hoàng bản kỷ có chép việc Lư Sinh được Thủy Hoàng giao bao nhiêu là vàng bạc, đóng tàu ra biển tìm đảo Bồng Lai, mong gặp chân nhân để được thuốc trường sinh. Thủy Hoàng nói với Lư Sinh: - Ta rất thích bậc "chân nhân"; và từ đó tự coi là "chân nhân" chứ không gọi là "trẫm"...

Đến đời Đông Tấn, Đào Tiềm viết Đào hoa nguyên ký (11) kể chuyện người đánh cá Vũ Lăng tình cờ đến được Đào nguyên. Ở đây cách biệt hẳn với ngoài, cây cỏ tốt tươi, đời sống an bình, trẻ già đều hớn hở vui vẻ. Người đánh cá ở lại vài hôm rồi theo đường cũ trở về. Thời gian sau trở lại, tìm những chỗ trước đã đánh dấu, nhưng mơ hồ, không còn thấy đâu nữa.

Sự thực thì Đào hoa nguyên kíĐào hoa nguyên thi của Đào Tiềm là tác phẩm giàu chất văn chương, mô phỏng, thi vị hóa truyền thuyết dân gian về cõi tiên đã có từ xa xưa để nói lên ước nguyện muốn thoát khỏi cảnh đời chật hẹp.

Ở nước ta, Lê Thánh Tông, vị vua giỏi thơ nôm cũng đã viết đến 10 bài thơ về Lưu Nguyễn gặp tiên; riêng với tựa đề “Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn”, vua đã làm đến 4 bài thơ nôm khác nhau. Sang thế kỉ XX, có “Hai tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn” của Bích Khê, ”Đào nguyên lạc lối” của Vũ Hoàng Chương và đặc biệt nhất là “Thiên Thai” của Văn Cao: bài hát đã biến hóa truyện Lưu Nguyễn xưa thành khúc nhạc tuyệt vời cùng lời ca đầy trăng đầy hoa và đầy mộng.

Đọc Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai, Từ Thức tiên hôn lục, nghe bài hát Thiên Thai của Văn Caota cũng không thể không nhớ đến Tống biệt của Tản Đà. Không ai tả cảnh tiên, tả cảnh chia tay bịn rịn, tả nỗi ngẩn ngơ của Lưu, Nguyễn, của Từ Thức… khi trở lại trần gian hay như Tản Đà:

Lá đào rơi rắc lối Thiên thai,
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi.
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai.
Ước cũ, duyên thừa có thế thôị
Đá mòn, rêu nhạt,
Nước chảy, huê trôi,
Caí hạc bay lên vút tận trời!
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động,
Đầu non,
Đường lối cũ,
Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

Đọc truyện truyền kì Bồng Lai tiên cảnh, nghe khúc nhạc Thiên Thai, ngâm bài thơ Tống biệt mấy ai không bâng khuâng vơ vẩn. Phải chăng truyện, thơ, ca… đã đưa con người về nơi huyền ảo, làm dịu đi bao nỗi nhọc nhằn trần thế ? Một lối thoát cho tâm lí loài người ? Giữa chốn trần ai luôn đau đớn khổ ải, luôn đấu tranh giành giật… tự nghìn xưa, con người vẫn thường mơ về chốn thần tiên - ở đó cuộc sống bình an không còn nhọc nhằn, phiền não, không có tuổi già, bệnh tật, ốm đau, chết chóc…

---------------------------------

CHÚ THÍCH:

(1) Dương Quảng Hàm trong Việt Nam thi văn hợp tuyển ghi tên tác giả Truyền kì mạn lục là 阮 璵; chữ này đọc là Nguyễn Dư ( : 以 諸

; 魚 韻 : Dĩ chư thiết, ngư vận - Từ nguyên tự điển ) chứ không đọc là Nguyễn Dữ như nhiều sách, kể cả sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành. Chữ Dư vốn có nghĩa rất đẹp: tên một loại ngọc quí.

* Theo TS. Nguyễn Đăng Na và một số học giả thì tác giả Truyền kì mạn lục là 阮 嶼 (Nguyễn Tự) .

(2) năm 1396.

(3) năm 1458.

Truyện có nêu chi tiết khi Từ Thức về làng cũ “đem tên họ mình hỏi thăm những người già cả thì thấy có người nói: Thuở bé tôi nghe nói ông cụ tam đại nhà tôi cũng cùng tên họ như ông, đi vào núi mất đến nay đã hơn 80 năm”. Điều này không khớp với 2 thời điểm được Nguyễn Dữ ghi cụ thể trước đó: Từ Thức gặp Giáng Hương năm Bính tý, đời Trần Thuận Tông (1396) sau đó lên tiên rồi trở lại trần thế vào năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh triều Lê (1458) như vậy tính được chỉ có 62 năm. Vậy có lẽ Nguyễn Dư đã nhầm về các khoảng thời gian giữa các triều đại.

(4) Tích : dấu vết. Cổ tích 古 跡 : dấu vết xưa.

(5) Thiên Thai vốn là tên một ngọn núi ở huyện Thiên thai, Triết Giang, Trung Quốc.

(6) Dịch từ “Dân gian truyền thuyết - Lưu Thần, Nguyễn Triệu ngộ tiên kí - Đào nguyên xuân hiểu” - Biên tập: Tuyết Đạt Vân” (民间传说;刘晨阮肇遇仙记 - 桃源春晓 - 编辑 :雪达云; http://www.tt1890.com ).

(7) Sơn Hải Kinh được mệnh danh là là “Bách khoa toàn thư thời cổ ” của Trung Quốc: vừa kể chuyện thần thoại với hàng loạt quái thú kỳ dị vừa bàn về địa lý, động thực vật, khoáng vật, vu thuật, tôn giáo, cổ sử, y dược, tập tục, dân tộc thời kỳ cổ đại. Sơn Hải Kinh nguyên bản có hình vẽ mô tả, gọi là “Sơn Hải Đồ Kinh”; bản này đến đời Ngụy Tấn thì thất truyền. Về tác giả và thời gian hoàn thành Sơn Hải Kinh: nay chưa xác định được; trước thì cho rằng do Bá Ích và Đại Vũ làm, nhưng hiện giờ các học giả Trung Quốc cho rằng sách này được được viết vào khoảng từ thời Chiến Quốc cho đến đầu thời Hán bởi nhiều tác giả khác nhau.

(8) Đạo gia là trường phái tư tưởng của Lão tử và Trang tử, hai triết gia lớn trong bách gia chư tử đời Tiên Tần, sau trở thành một tôn giáo trong tam giáo (Nho, Phật, Đạo) của Á đông. Đạo gia có hình thành một chi nhánh do các đạo sĩ chuyên luyện đan và tu để thành tiên.

(9) Lão Tử - Đạo đức kinh; chương 80.

(10) Theo Sơn Hải kinh, núi Bồng Lai (蓬萊) nằm trên một hòn đảo ở rìa phía đông của Bột Hải, cùng với 4 đảo khác trên đó có tiên ở gọi là Phưong Trượng , Doanh Châu, Đại DưViên Kiều .

Hiện nay thành phố Bồng Lai thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, nơi này vẫn tự hào về truyền thuyết xưa và tuyên bố rằng đây là điểm đến của Bát Tiên. Một số người lại cho rằng núi Bồng Lai nổi tiếng vì từ trên núi có thể nhìn thấy được các ảo ảnh thường xuyên xảy ra trên biển. Một thuyết khác do Nghĩa Sở thời Hậu Chu cho là hòn đảo truyền thuyết này chính là Nhật Bản, trong đó núi Bồng Lai chính là núi Phú Sĩ.

(11) “Đào hoa nguyên kí” là bài tựa ở đầu tập thơ “Đào hoa nguyên thi” của Đào Tiềm.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .