Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Huế: lễ tế Xã Tắc








ĐÀN XÃ TẮC THỜ AI ?





N ói về Đàn Xã tắc, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia ghi: “Là một trong các loại đàn tế cổ, đàn Xã Tắc là nơi được lập để tế Xã thần (Thần Đất, 社) và Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - hai vị thần của nền văn minh lúa nước. Theo tác giả Đào Duy Anh trong quyển Từ Điển Hán Việt, “Xã tắc” có nghĩa là “Thuở xưa dựng nước (....). Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông. Mất nước thì mất xã tắc, nên xã tắc cũng có nghĩa là quốc gia”. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết "Từ xa xưa, không chỉ đối với người dân, mà ngay cả các vương triều, kinh đô VN và Trung Hoa, đàn Xã Tắc có vị trí vô cùng thiêng liêng. Giữ gìn, bảo tồn đàn Xã Tắc cũng chính là giữ gìn Sơn hà Xã Tắc".

Đàn Xã Tắc nhà Đinh tại Hoa Lư: Sách Đại Việt sử lược chép về việc Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi và định đô như sau:

"Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế".

Tuy nhiên đến thời điểm này thì phần lớn các di tích cung điện thế kỷ X tại Hoa Lư vẫn chưa được phát hiện.

Đàn Xã Tắc nhà Lý tại Hà Nội: Tại Hà Nội, theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đàn Xã Tắc được coi là một trong những di tích quan trọng vào bậc nhất của Thăng Long xưa, được lập từ thời vua Lý Thái Tông (năm Mậu Tý 1048) tại tại ngõ Xã Đàn 1 (phường Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội), đến sau thời Vua Lê Chiêu Thống (1788) thì mất dấu. Sau hơn hai trăm năm mất dấu, tình cờ được tìm thấy lại vào tháng 11 năm 2006, khi thi công đường vành đai 1 thuộc dự án cải tạo đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa.

Đàn Xã Tắc nhà Nguyễn tại Huế: Vào năm Gia Long thứ 5 (tức năm 1806) đàn Xã tắc đã được dựng lên bên trong Kinh thành Huế (trước đây thuộc xã Hữu Niên, sau là phường Ngưng Tích), thuộc địa phận phường Thuận Hòa (thành phố Huế ngày nay) để tiến hành các nghi lễ cầu thần đất và lúa giúp mùa màng tốt tươi, quốc thái dân an. Trải qua thời gian và những biến động của lịch sử và không được quan tâm bảo quản đúng mức, đàn tế Xã Tắc ngày nay hầu như đã bị hủy hoại hoàn toàn.

Hiện nay tại Trung Quốc có 3 nơi còn đàn Xã Tắcở Nam Kinh, Trung Đô và Bắc Kinh.

Hàng năm tại Thừa Thiên-Huế, lễ tế Xã Tắc được cử hành rất long trọng.

Như vậy, tế Đàn Xã Tắc là đại lễ cổ truyền, có từ thời Đinh, truyền qua Lê, Lý tới nhà Nguyễn và ngày nay, sau nhiều năm gián đoạn, Nhà nước Việt Nam khôi phục lễ tế lớn này. Dựa theo những nghi lễ trang trọng trong lễ tế được tường thuật trên báo chí, chúng ta thấy vai trò quan trọng và ý nghĩa thiêng liêng của lễ tế Xã Tắc trong tâm linh và văn hóa của người Việt.

Chính điều này giục chúng tôi đi sâu tìm hiểu ý nghĩa đích thực của lễ tế Xã Tắc.

Trước hết, cần xét xem, thực chất Đàn Xã Tắc thờ ai?

Trong nguyên văn chữ Hán, xã tắc gồm 2 từ ghép lại: Xã (社) và Tắc (稷).

Xã là thần Đất, còn Tắc là tên một loại kê. Theo Giáo sư Ho Ping-Ti trong cuốn Nguồn gốc phương Đông ( The Cradle of the East, 1977) , ở Trung Quốc có 2 giống kê khác nhau là Setaria Panicum . Giống Setaria có một loài S. italica , gọi theo tiếng Hoa là su (粟- túc). Giống Panicum có loài P. miliaceum , với hai loài phụ mà tiếng Hoa gọi là shu (黍- thử) và ji (稷- tắc). 稷 cũng chính là chữ được dùng trong đàn Xã Tắc (社 稷). Xã có nghĩa là đền thờ thổ thần. Thử tra xem “tắc” có nghĩa gì?

Từ điển Thiều Cửu giảng:

“lúa tắc, thứ lúa cao, cây dài đến hơn một trượng, là một giống lúa chín sớm nhất, ngày xưa cho là thứ lúa quý nhất trong trăm giống lúa, cho nên chức quan coi về việc làm ruộng gọi là tắc”

Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giảng: “Tắc [ji] 1. hạt kê. 2. Xã tắc: Sơn hà xã tắc; 3 (văn) Chức quan coi việc làm ruộng; 4 (văn) nhanh mau; 5 (văn) Xế, xế bóng.

Chúng tôi thấy cách giải của Thiều Chửu thiếu thuyết phục. Trong danh mục các giống lúa Việt Nam, ta chưa bao giờ nghe tới lúa “tắc”. Một “thứ lúa quý nhất trong trăm giống lúa”, quý đến mức được thờ thì không dễ gì “mất giống”! Hoặc giả nếu có vì tai họa nào mà mất đi trên đồng ruộng thì cũng sẽ để lại trong tiếng nói dân gian. Không có trên đồng ruộng, cũng không tồn tại trong ngôn ngữ khiến ta nghi ngờ là có giống lúa như vậy! Về mặt thực vật học, cách giảng này là sai lầm: lúa là cây ngắn ngày, chỉ trong khoảng “ba giăng” đã từ hạt lúa sinh ra hạt lúa nên cây cần rút ngắn thời gian sinh trưởng. Vậy “cây dài đến hơn một trượng,” (từ 1,7 m đến 4 m), tức phải dành thời gian nhiều hơn để tạo thân, lá thì không thể chín sớm, mà lại chín sớm nhất được! Từ đó có thể khẳng định là không hề có giống lúa tắc. Đó chỉ là sự suy đoán áp đặt của nhiều lớp học giả sau khi không lý giải được vì sao cổ nhân lại thờ “tắc thần”!

Cách giải của Trần Văn Chánh là chính xác: Tắc là hạt kê, cũng là chức quan coi việc làm ruộng.

Cách giảng của học giả Đào Duy Anh: “Dân cần có đất ở nên lập nền xã để tế thần hậu thổ, dân cần có lúa ăn, nên lập nền tắc để tế thần nông” cũng chưa thuyết phục. Nếu chỉ với mục đích vụ lợi như vậy thì giải thích vì sao người ta thờ hòn đá hay cây đa cổ thụ? Rõ ràng là, ngoài cầu mong lợi ích, việc thờ thần Xã Tắc còn mang yếu tố tâm linh. Đây chính là vết tích của tín ngưỡng bái vật phổ biến trong cộng đồng dân cư cổ.

Cách giải của Wikipedia “Tắc thần (tức Thần Nông, 稷) - vị thần của nền văn minh lúa nước” có thể đúng với quan niệm truyền thống của người Việt, nhưng lại không khoa học vì không dựa trên cơ sở văn tự cũng như thực tế lịch sử. Chữ “tắc” nguyên nghĩa Hán tự là cây kê. Kê là cây trồng khô nên theo logic hình thức, không thể là sản phẩm của văn minh lúa nước!

Như vậy là, từ xa xưa, tổ tiên ta thờ “Tắc thần”, theo chính danh, đó là thần cây kê nhưng lại cho rằng mình đang thờ vị thần lúa nước! Phải chăng là một nghịch lý cười ra nước mắt: mồ cha không khóc lại khóc đống mối?!

Giải thích điều này như thế nào?

Theo quan niệm cổ điển:

Các sách cổ nhất của Trung Hoa như Thượng Thư, kinh Thi, Sử ký cho rằng, vào thời Nghiêu, Thuấn, Vũ, ông Quỳ học được cách trồng kê và dạy cho người Trung Quốc, được phong là người đứng đầu ngành nông nghiệp, được Đế Thuấn gọi là Hậu Tắc với nghĩa là ông vua trồng kê, ông vua của nghề nông. Đến khi giành được nước, nhà Chu lập đàn tế tổ cùng với Xã thần, gọi là Đàn Xã Tắc. Ở các triều đại về sau, “Tắc” với nghĩa vị tổ nhà Chu phai nhạt, chỉ còn lại nghĩa vị thần nông nghiệp. Khổng Tử điển chế lễ tế quan trọng này trong kinh Lễ và truyền cho hậu thế. Thời Bắc thuộc, các thái thú, tiết độ sứ sang Giao Chỉ cai trị, cử hành lế tế Xã Tắc theo quy định của triều đình trung ương. Lúc này, ý nghĩa tế tổ nhà Chu đã mất, chỉ còn lại ý nghĩa thờ cúng vị thần của nghể nông. Trong dân gian Việt Nam từ xa xưa có tục thờ thần Lúa, thần Kê… Nên khi thấy quan cai trị thờ các vị thần của mình một cách trân trọng, quy củ thì học theo, gọi nôm na là tế Thần Nông. Đến khi nắm quyền tự chủ, các vị vua người Việt tiếp tục tín ngưỡng này.

Theo quan niệm hiện đại:

Ngày nay, nhờ sự phát triển của khoa học, ta có cách giải nghĩa phù hợp hơn với sự thật lịch sử. Khoảng 20.000 năm trước, đang trong thời Băng hà, băng giá bao phủ phần lớn Trái đất. Khí hậu Đông Nam Á tương đối ấm nhưng khô. Người Hòa Bình Việt Nam bắt đầu biết thuần hóa cây kê thành cây lương thực. Hàng nghìn năm, kê nuôi sống người Đông Nam Á. Sau đó, người Việt cổ thuần hóa được những giống lúa trồng khô, gọi là lúa nương hay lúa lốc. Khoảng 15000 năm trước, băng tan, nước biển dâng, mưa nhiều hơn, Đông Nam Á có khí hậu nóng và ẩm. Một số giống lúa lốc phát triển tốt trong môi trường ẩm nên được đưa xuống ruộng nước. Một phát minh kỳ diệu: lúa nước ra đời! Cả kê, lúa nương và lúa nước được người Việt cổ đưa lên phương Bắc. Tại vùng hoàng thổ nam Hoàng Hà, do quá khô hạn, lúa nước không sống được nên kê làm chủ soái. Người Việt cổ đã sáng tạo tại đây văn minh trồng kê Ngưỡng Thiều. Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ từ phía Tây Bắc vuợt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt. Tại vùng hoàng thổ, dân cư các bộ lạc của Hoàng Đế từ bỏ lối sống du mục, học cách trồng kê của người Việt. Học cách trồng, họ cũng học tên gọi loài cây có hạt được trồng phổ biến nhất là “kê” - “ji”, theo biến âm k à j. Khi chuyển ký tự tượng hình của người Việt thành chữ vuông, ji được viết là 稷.

Khi các thái thú sang cai trị, phát âm 社 稷 là “shè ji” rất gần với “xã kê”. Người Việt, vốn là cụ tổ của nghể trồng kê, từ xa xưa có tín ngưỡng thờ thần Kê và thần Lúa, gọi là Thần Nông. Thấy vị thần mà các quan cai trị thờ cúng trang trọng cũng là vị thần của mình thì ưng cái bụng.

Như vậy, người Việt vốn là chủ nhân đầu tiên của nghề trồng kê. Cây kê được đưa lên bên sông Hoàng Hà. Tổ nhà Chu học nghề trồng kê của người Việt, được tôn xưng là Hậu Tắc và lập đàn tế với 2 tư cách: vừa là tổ nhà Chu, vừa là vị thần mở mang việc trồng kê. Khi tín ngưỡng Xã Tắc được đưa xuống Việt Nam vào thời Bắc thuộc, người Việt nhận ra “shè ji” là hai vị thần cổ của mình nên đã thờ cúng theo điển chế của kinh Lễ. Sau này do vai trò cây kê bị lu mờ, nên 稷 được coi là Thần Nông và lễ tế Xã Tắc được hiểu là lễ tế Thần Đất và Thần Nông .



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .