Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








TRIỀU SƠN, NHÀ LUẬN LÝ

VĂN HỌC HƯỚNG VỀ QUẦN CHÚNG





N ói đến nhà văn phê bình thời nầy, những năm 1945-1950 ta thấy một chút buồn lòng vì họ ít oi quá, và thật tình không chuyên nghiệp. Ta gặp Nguyễn Bảo Hóa cây bút viết chuyện lịch sử, biên khảo lại đi phê bình Tàn Binh (tác phẩm của Sơn Khanh Nguyễn văn Lộc), Chiến Sĩ Hành (thi phẩm trường thiên của Vũ Anh Khanh) một Bách Việt cây viết chánh trị, kinh tế lại chạy sang nhận định về “Tân Văn Hóa”, về thơ tượng trưng, một Dương Tử Giang, nhà văn lý thuyết có khuynh hướng xã hội quá khích phê bình cấu tạo nhân vật trong tác phẩm của Thẩm Thệ Hà, Sơn Khanh…Nói như trên không phải tôi có ý đả phá sự song hành của một nhà văn giữa sáng tác và nhận định những sáng tác, bởi vì sự song hành ấy tự nó đã bao hàm ý nghĩa vươn lên, tìm một giá trị và kiểm soát để giúp kinh nghiệm cho mình, cho những nhà văn đồng thời, tôi ghi nhận lại sự kiện trên vì muốn ghi lại tính chất nghèo nàn về nhà văn phê bình, lý thuyết lập luận văn học chuyên nghiệp ở giai đoạn nầy. Đấy là trường hợp nhà lý luận văn học Triều Sơn và nhà văn Ninh Huy.

Ta thử tìm hiểu ông qua quyển “Con đường văn nghệ mới” (Paris 1951, nhà xuất bản Minh Tân) quyển sách mà ta có thể nói là tượng trưng chính xác nhất tư tưởng của Triều Sơn và đại diện cho nhiều nhà văn lý thuyết sáng tác văn nghệ ở giai đoạn nóng bỏng của lịch sử Việt Nam (45-50) 1

Nhìn chung Triều Sơn đã có cái nhìn đi sâu vào vấn đề, phân tách ý thức sáng tạo và đặc tính của văn nghệ mới một cách rõ ràng, minh bạch. Tác giả có một sở học căn bản và biết tận dụng cũng như tiêu hóa sở tri của mình. Nhưng cũng như hầu hết nhà Văn lập luận ở giai đoạn nầy, Triều Sơn vướng mắc lý luận duy vật phôi thai. Những chữ “đấu tranh”, “quần chúng”, “xã hội” là chữ thời trang bây giờ, ta thấy ông thường dùng đến với sự nhiệt thành của một người bước vào con đường mới mà mình cho là dẫn đến chân lý. Ở Triều Sơn ta gặp một vài tư tưởng của Nguyễn đức Quỳnh, một góc cạnh Trương Tửu, một vài lập luận của Trần đức Thảo, một ý kiến của nhóm “chân trời mới” (gồm Tam Ích – Thiên Giang – Thê Húc – Bách Việt – thỉnh thoảng có Thiếu Sơn). Sự tương đồng nầy vì họ cùng theo một phương pháp suy luận nhìn vấn đề bằng con mắt riêng của một nhóm người.

Ta phải công nhận rằng Triều Sơn có cái nhìn đi trước người đồng thời, ở năm 1949 ông đề ra Tân văn Hóa cho VN, phân tích lợi hại, phê bình văn nghệ cũ để mở ra chân trời văn nghệ mới một cách đứng đắn, dù ai khó tính cũng phải công nhận ông sáng suốt và có tài. Ta biết, trước đó Thẩm thệ Hà viết quyển “Việt Nam trên đường cách mạng Tân văn Hóa” (nhà xuất bản Tân Việt Nam 1949) để lại không biêt bao nhiêu sai lầm, và không nói được điều gì đứng đắn, đáng tin tưởng, không đưa ra được điều gì mới lạ, một Trúc Chi với “Sứ mạng lịch sử văn chương Việt Nam” cũng chỉ là những chữ sáo rổng, ghép cạnh nhau, một Hồ hữu Tường viết “Tương lai văn hóa Việt Nam” với cái tài hoa của Nguyễn Tuân cái tha thiết của một người con mong mỏi gia đình mình khá hơn, cái mơ hồ của một người có “thị kiến” cái ẩn dụ của một nhà tiên tri (theo Vương Kim, Tận thế và hội Long Hoa…) không đưa đến đâu, khiến nhà văn Tam Ích cho là bàn chuyện “dĩa bay”, tôi muốn nói nhìn chung Triều Sơn đúng nghĩa là người lập luận - ở giai đoạn của ông – và nếu bỏ đi những thành kiến những khác biệt về hệ thống suy luận, đứng ở địa vị người tìm hiểu, học hỏi ta có thể nhờ nhiều vào tập sách của Triều Sơn.

Đấy là cái nhìn tổng quát, nếu khó tánh hơn ta có thể trách cứ Triều Sơn ở chỗ quyển sách không quân bình, có sự rời rạc của các vấn đề được bàn đến. Nhưng ta cũng nên châm chước vì đây là một thu thập lại những bài báo của tác giả viết lúc trước, bồi bổ sửa chữa và xếp lại cho có vẻ hợp luận lý mà thôi.

Giờ ta thử đi vào chi tiết tác phẩm của ông.

Mở đầu tác giả nói lý do khai sinh quyển sách vì theo ông dân chúng cần hiểu sâu xa về những sách sáng tác gần đây, giúp đở cho các văn nghệ sĩ tìm tòi một lối đi chính đáng mỗi khi băn khoăn về nguyên tắc sáng tác, đó là hai nhiệm vụ chánh của nhà lập luận Triều Sơn.

Kế đó ông bàn về thơ và hội họa, theo ông các thi sĩ nên có cái nhìn ra ngoài tâm hồn mình, để lòng thông cảm với tâm sự người dân, đi sâu vào những tình cảm rạo rực của dân chúng để tìm thi tứ. Thi sĩ cố chết trong tháp ngà bản ngã của mình sẽ bị trào lưu đào thải vì không đủ sức rung động quần chúng. Bởi vì hiện thời (1945-1950) nhân dân đang sống trong một cuộc đời mãnh liệt, đang đổi thay, chớ không phải kéo lê thê những thời gian nhàn nhả, buông rơi lòng mình theo tư tưởng an nhàn cũ nữa. Về hình thức, để có đủ nhạc điệu, đủ khả năng diễn tả những phức tạp, những gì dồi dào sống động của cuộc đời mới kia – nghĩa là hợp với thi tứ phát sinh từ cuộc sống dân chúng, thi sĩ nên áp dụng thể thơ tự do! Dùng thể thơ nầy, thi sĩ sẽ có đủ khả năng diễn tả hơn vì thơ ở đây có nhịp phóng túng và nhịp điệu lại không có cái khuôn sẵn mà là sinh ra do tác giả.

Về hội họa cũng không khác. Họa sĩ Âu Châu, đi từ lập thể, sang siêu thực, vô hình dung bởi họ muốn sản xuất theo nhu cầu của giới tư bản là đánh mạnh vào thần kinh hệ, vào cảm quan của giới tiêu thụ tranh nầy. Họ đòi hỏi cho được những cảm giác mới lạ ở các tác phẩm vì họ ngột ngạt trong cuộc sống, họ muốn nhờ những hình ảnh kỳ hoặc của nghệ phẩm để thoát ra cõi đời kìm hãm, khủng hoảng. Ở Á Châu, nói hẹp ở ta và Tàu – thì trái lại, với nét vẽ đơn sơ, giản dị hóa thực tại để đánh nhẹ vào mỹ cảm người xem, thỏa mãn triết lý hiếu nhàn của người thưởng thức.

Nhưng cả hai đều xa thực tại. Không phù hợp cảm quan của quần chúng; bởi vì ở đâu dân chúng cũng đau khổ, đấu tranh để sống họ không thể nào thưởng thức những họa phẩm bộc lộ ý thức hệ của tư bản đến thời kỳ khủng hoảng cũng như bộc lộ triết lý hiếu tỉnh được. Dân chúng cần có những bức tranh hiện thực, tiến bộ để người thưởng thức thấy ở đó con đường giải thoát cho mình.

Tiếp theo đó tác giả nói về lịch trình tiến triển của sân khấu Bắc Việt và bàn về âm nhạc xưa và nay. Phần nầy có tính cách khảo cứu lịch sử, không phù hợp với đề mục quyển sách. Tác giả để vào phần nhì làm cho quyển sách thiếu nhất quán, lỏng chỏng, không nói lên được ý tác giả là lý luận về văn nghệ để tìm một hướng đi cho văn nghệ mới mà theo tác giả là đúng là làm tròn nhiệm vụ tối cao của văn nghệ. Tôi nghĩ nếu tiếc không bỏ được phần nầy tại sao tác giả không viết thêm về lịch sử thơ, họa ở Việt Nam để đưa vào phần mở đầu…

Ở phần ba ông bàn về nguyên lý sáng tác. Sống trong cuộc đời, trước thực tại, người nghệ sĩ để tâm hồn mình đón nhận những nghệ cảm, đó là những giác cảm vang dậy trong tâm hồn. Từ những nghệ sĩ biến hóa để có những nghệ phẩm. Do đó dù thế nào đi nữa nghệ phẩm cũng mang dấu vết cuộc đời nhưng cũng mang cái bản ngã của nghệ sĩ vì nghệ cảm được đào luyện trong tâm hồn nghệ sĩ. Bởi vậy khi ra đời nghệ phẩm thỏa mãn cho nhu cầu của xã hội cũng như thỏa mãn nhu cầu nghệ cảm của tác giả. Nếu nghệ sĩ có tài, nghệ phẩm của mình thỏa mãn nghệ cảm của một phần lớn xã hội thì được chấp nhận là một sản phẩm nghệ thuật tiến bộ và có khi còn gây được cả một phong trào nghệ thuật. Nhưng nghệ cảm của xã hội còn tùy thuộc những yếu tố chánh trị kinh tế nên một ngày kia một nghệ phẩm khác ra đời phù hợp với nghệ cảm mới của xã hội để mở đầu một kỷ nguyên cũng đồng thời khép lại một kỷ nguyên. Nghệ thuật cũ chỉ để lại những tác phẩm trội nhất mà thôi, bởi vì đó là những cái đẹp trường cửu và tổng quát. Những tác phẩm nầy đúng ra lại chỉ đẹp về một phương diện nào đó thôi và làm đà tiến cho những nghệ phẩm đi sau…

Tiếp theo đó ông đưa ra tiền đề là văn nghệ hiện tại khủng hoảng bởi vì ảnh hưởng của tình trạng mâu thuẩn của xã hội hiện tại. Mặt khác xã hội tiến triển mạnh, nghệ cảm quan của dân chúng tăng, và nghệ cảm của nghệ sĩ không theo kịp, do đó nghệ thuật đến chỗ bế tắc. Muốn cứu vãn tình thế phải nhập vào đời sống dân chúng để hiểu hầu tạo ra cái bản ngã mình trong cái xã hội động của thế kỷ nầy. Như vậy nhóm quần chúng hiện đang đạp đổ trở lực để xây dựng chế độ sẽ dễ dàng thông cảm hơn.

Văn nghệ lấy đề tài dân chúng sẽ vừa có tính chất tả thực vừa là siêu thực vì dù sao người nghệ sĩ cũng không chép đúng thực tại mà chỉ là đóng vai người thợ tỉa lá để cây của mình được thẩm mỹ quan đồng thời bộc lộ bản ngã của mình mà thôi.

Đi vào đời sống mãnh liệt của dân chúng thời đại để sáng tác không có nghĩa là mất tự do vì ở đời làm gì có tự do tuyệt đối khi ta sáng tác cho riêng nhóm người nầy hay nhóm người, hay khi viết ta đã theo một quy luật về hình thức và nội dung. Đằng nào cũng không có sự tuyệt đối của tự do, vậy nghệ sĩ phải biết lựa chọn để đi theo những quy tắc nào có thể giúp mình diễn tả hoàn toàn những cảm hứng và đưa nghệ phẩm của mình đến địa vị cao. Tóm lại : Các xu hướng nghệ thuật tùy theo điều kiện xã hội mà phát triển ở Việt Nam hiện nay đó là tinh thần đại chúng ở tư tưởng và có tính chất Tây phương ở hình thức. Ở phần thứ tư ông nói về con đường mới của văn nghệ Việt Nam, nghĩa là vào đề sau khi loanh quanh để giúp ta hiểu rõ vấn đề hơn. Trước hết ông nói uyên nguyên của văn nghệ mới: văn nghệ đại chúng, đấu tranh. Theo ông các xu hướng văn nghệ cũ như lãng mạn, siêu thực, hình thức… xụp đổ bởi vì nó sống nhờ bọn trí thức tư sản, mà khi chiến tranh bùng lên bọn họ mất cả ưu thế và tài sản… Văn nghệ sĩ miền quê tiếp xúc với dân chúng do đó văn nghệ đại chúng có cơ hội phát sanh. Đó là một nền văn nghệ hiện thực mới. Ở đây văn nghệ sĩ cũng là một chiến sĩ. Bởi vì ở địa vị nầy gần dân chúng nhất, do đó thực tại họ nêu lên là thực tại linh hoạt, trung thực đang thành hình. Về hình thức, văn nghệ nầy phải chọn sự giản dị để có sự tương thông giữa dân chúng và nghệ sĩ. Văn nghệ đại chúng hóa giử được bản sắc của dân tộc vì dân chúng giữ được bản sắc của dân tộc.

Tóm lại, Triều Sơn qua nhiều lập luận, biện minh đề ra một nền văn nghệ bắt nguồn ở đại chúng nhưng với ý hướng dẫn dắt đại chúng đi đến sự đấu tranh để cải tạo xã hội. Muốn làm tròn nhiệm vụ người làm văn nghệ phải hòa mình vào đại chúng, cảm thông với đại chúng và để sáng tác giản dị vừa trình độ và hợp với tâm hồn bình dị của đại chúng.

Sở dĩ tôi tóm lược ý kiến của Triều Sơn là để chúng ta dễ dàng hiểu tác giả hơn và cũng là để thấy rõ những đoạn ông viết với một định kiến sẳn, những biện minh duy vật…v.v…

Theo tôi ông đã đề cao quần chúng quá mức. Có thể hiểu đây là ý kiến tư tưởng giai đoạn, nhưng dù sao tác giả cũng phải chịu trách nhiệm khi phô bày tư tưởng đó lên sách. Bởi vậy tôi coi những gì tác giả nói là của tác giả và những sai lầm – nếu có - ở trên sách là những sai lầm ở chính ngay tư tưởng tác giả mặc dầu tác giả vay mượn cũng vậy.

Trước hết ông quá đề cao quần chúng 2. Quần chúng là một khối người ít học, ít suy nghĩ để chạy theo tư trào cũng như dễ bỏ tư trào khi cái bồng bột nhất thời đã mất. Nói như vậy không có nghĩa là đưa ra tính chất đặc biệt mà thôi, vì tôi thấy quần chúng rất dễ bị lôi kéo và cái suy nghĩ sâu xa không có, nhất là suy nghĩ về văn nghệ. Họ thường chấp nhận thứ văn nghệ nào thỏa mãn đời sống mà họ mơ ước thôi (lãng mạn, đạo lý, hạnh phúc…). Bởi vậy nếu ta đi theo quần chúng thì khó mà hướng dẫn họ tiến lên hay nói cách khác khó có được một nền văn nghệ tiến bộ. Tôi nghĩ nếu cần cũng đi theo quần chúng mà cũng cần tiến trước quần chúng một tý để dẫn dắt họ, dùng lý trí của mình, sự phân tích của mình làm lợi khí cho quần chúng thì văn nghệ mới có thể vừa phục vụ đại chúng vừa có cơ hội tiến lên.

Nhưng đề cao quần chúng quá cũng có hại, bởi vì đã là một nhóm người thì có sức mạnh vô song, đề cao họ quá nếu họ mù quáng thì sẽ có cái hại lớn là có sự quần chúng độc tài. Độc tài của một người đã là nguy hiểm, độc tài của một khối người thì không sức mạnh nào cản nỗi…

Đàng khác văn nghệ đi theo đại chúng khó lòng sâu sắc và có đề mục mới lạ. Hãy nhìn kinh thi của Tàu và ca dao Việt Nam, những đề mục ở đây không ra ngoài ái tình, tình gia tộc, tổ quốc, nghề nghiệp. Văn nghệ phải không nhằm phục vụ một nhóm nhất định nào. Nếu tự cho là phục vụ nhóm nhất định thì đề tài sẽ đóng khung trong nhất định. Tôi nghĩ nếu muốn văn nghệ phong phú thì phải có nhiều đề tài, tức là sản xuât cho tất cả mọi nhóm người.. Văn chương Âu Mỹ phong phú là vậy, bên cạnh chuyện tình cho mướn bình dân ta thấy tiểu thuyết phiêu lưu, dự tưởng cho người muốn có cuộc sống ngoại và tự hỏi tương lai, truyện theo đề tài hiện sinh, bi đát cho ai muốn nghĩ đến thân phận con người.

Văn nghệ Việt Nam hiện tại chứng minh điều đó, ở miền Nam tự do nầy ta thấy đủ khuynh hướng văn nghệ chớ không phải chỉ thuần văn nghệ đại chúng, đàng khác, có thể nói văn nghệ hiện đại là của nhóm trí thức phần nhiều nhóm nầy sản xuất và tiêu thụ tác phẩm văn nghệ.

Tác giả cho cảm quan của nghệ sĩ không theo kịp quần chúng nên xa quần chúng và đi đến chỗ bế tắc. Tôi nghĩ không phải như vậy mà ngược lại đúng hơn, quần chúng không theo kịp nghệ sĩ, không hiểu nghệ sĩ rồi lãnh đạm với công trình của họ. Như ta đã biết khó lòng tìm được một số quần chúng đông đảo hiểu rõ văn nghệ có tính chất siêu thực hay tượng trưng bởi vì sự cách biệt nầy sinh ra từ sự chênh lệnh trí thức và óc suy nghĩ, bởi vậy nếu cho là quần chúng dẫn dắt văn nghệ thì quá đề cao quần chúng nếu không bảo là có tư tưởng xã hôi quá khích cho rằng nền kinh tế quyết định tất cả và mọi sự của nhóm người đông đảo lớp dưới cũng đều hay tất cả. Nền văn chương tranh đấu của ta ở giai đoạn nầy không phải sinh ra vì quần chúng mà vì ý thức nghệ sĩ muốn hướng sáng tác mình đi về phía ấy để làm tròn sứ mạng người dân đối với tổ quốc. Không phải là vấn đề một tác phẩm viết về tranh đấu được hoan nghinh rồi các tác giả đua nhau đi về hướng ấy. Chấp nhận theo tác giả là đề cao quần chúng mà vô tình bôi nhọ ý hướng trong sáng cao cả của người văn nghệ sĩ. Ta phải công bình chớ không được vì tư tưởng chính trị mà cướp công của một nhóm người để trao cho một nhóm người …

Bởi vậy tôi nghĩ không có vấn đề quần chúng hướng dẩn văn nghệ mà chỉ có quần chúng theo đuổi một văn nghệ hợp với họ3 Các văn nghệ sĩ khác nhận thấy người được hoan nghênh kia theo rồi gây ra phong trào, thế thôi. Nếu họ thấy kẻ kia nối đuôi quần chúng mù quang để viết nhảm nhí thì họ tẩy chay và người kia sẽ chẳng để lại được tiếng vang nào (Một vài tác giả phụ nữ “bình dân” hiện đại).

Tóm lại văn nghệ sĩ hướng dẫn quần chúng và văn nghệ thuộc loại ấn tượng siêu thực là tiến bộ chớ không phải một thụt lùi. Ngoài ra tôi nhận thấy khi viết Triều Sơn đã chấp nhận trước một tiền đề là “Xã hội trước đây khủng hoảng lệch lạc” nên từ đó ông suy ra một nền văn chương lệch lạc, mâu thuẩn rồi ông đi tìm ra cách chửa. Tôi nghĩ, ông lập luận như vậy mới xem có vẻ đúng nhưng nhìn kỷ ta thấy có thể sai do hai điều :

Tiền đề sai

Hậu quả sai

Xã hội khủng hoảng chưa hẳn đã sinh ra nền văn chương lệch lạc. Trước nhất nên biết khi viết Triều Sơn có ý tham là bàn về văn nghệ cả thế giới, trong đó bao hàm Việt Nam, chớ không phải chỉ riêng về Việt Nam. Giờ đây để giản dị ta hãy nói riêng về Việt Nam. Ta nhận thấy từ khi nền văn chương Việt Nam tiếp tục với Tây phương, văn chương của ta đi từ khuynh hướng đạo lý, sang lãng mạn cá nhân, chối bỏ gia đình, đề cao tình cảm đến khuynh hướng tả thực, thi ca thì đi từ sự tiết chế tình cảm đến sự phóng ngoại tình cảm, qua tượng trưng đến siêu thực…Như vậy làm sao ta chỉ lấy cái mâu thuẩn xã hội mà giải nghĩa cái tính chất đa hướng lần lượt của văn nghệ - đặc biệt tượng trưng bằng văn chương được.

Vả lại lệch lạc gì ? Đa hướng hay mâu thuẩn phải chăng là cái xấu xa đáng chối bỏ.

Điều thứ hai ta thấy rõ tác giả chấp nhận một cách tiên thiên rằng xã hội mâu thuẩn thì sinh ra nền văn nghệ lệch lạc. Ta không hiểu tại sao như vậy. Ông giải quyết vấn đề bằng lý thuyết kinh tề duy vật của mình ông cho rằng khi mua tranh cũng như xem văn người ta chỉ cốt thỏa mản những cảm giác của mình, muốn kích động thần kinh căng thẳng vì sống trong xã hội gò bó, khủng hoảng. Nói như vậy tức là bảo mọi việc đều do tầm thường, người ta tìm xem văn nghệ để thỏa mản lòng mình… cũng như ăn uống để ngon miệng !

Chấp nhận như vậy là chối bỏ nghệ thuật là giết chết văn nghệ, bởi vì ai cũng biết có nhiều người xem, để xem, để tìm một sự hiểu biết, để nuôi dưởng tình cảm, chớ không phải mong thoát ra khỏi cuộc đời hay muốn thấy qua đó con đường giải thoát cho mình gì cả.

Chấp nhận như Triều Sơn thì không thể nào giải nghĩa được sự tồn tại đồng thời với văn nghệ siêu thực một thứ văn nghệ ở mực thấp hơn dể hiểu với người bình dân và có tính cách nghệ thuật rỏ ràng hơn (thi ca lãng mạn, than hận mất nước ở Chế Lan Viên đồng thời với văn có ý hướng tranh đấu mờ mờ của nhóm Tự Lực, tranh thực hiện của Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Gia Trí).

Tóm lại luận cứ duy vật bắt buộc tác giả phải nhìn sự việc một cách máy móc và thường tìm ra cớ kinh tế, thỏa mản vật dục, ý muốn…v.v… ngay cả khi thưởng thức tác phẩm văn nghệ làm cho tác phẩm văn nghệ làm cho tác giả cũng đưa ra nhiều nhận xét ép uổng…

Những biện luận của Triều Sơn khiến ta đứng trên bình diện luân lý duy lý không chịu được, bởi vậy Triều Sơn không thành công lắm ở chỗ dẫn dắt sáng tác văn nghệ cho các văn nghệ sĩ lúc bấy giờ. Nhưng dầu sao sự có mặt của cuốn sách ông tự nó có một giá trị, ngoài giá trị hiện hữu còn có giá trị ghi lại một định luật văn nghệ có giá trị bất cứ thời đại nào là muốn viết cho người dân cảm thông, hòa điệu với lòng ước mơ, sự hoài vọng của dân và viết với thể văn dễ hiểu , gợi cảm hợp với trình độ của họ. Riêng bao nhiêu đó thôi cũng đủ ta nhắc đến tên Triều Sơn khi nói đến những người góp công vào văn nghệ Việt Nam giai đoạn 1945-1950. Bởi vì ngoài định luật trên ra ta không còn lý do nào vững hơn để giải thích sự phong phú bộc phát của văn nghệ miền Nam trong giai đoạn nầy.

Tóm lại giá trị của Triều Sơn qua quyển “Con đường văn nghệ mới” ở chỗ vạch ra cho văn nghệ sĩ con đường sáng tác khéo léo để đi đến thành công, ở chỗ cho ta thấy nguyên tắc sáng tác của thời ấy và nguyên tắc nầy ít nhất cũng giúp ích phần nào trong công cuộc động viên giải phóng nước nhà./.

1 Những năm 1945-1950, một vài phần của quyển Nuôi Sẹo, mà Nguyệt San “Tình Thương” mới đây cho đăng, đã ra mắt độc giả trong các trang tạp chí văn nghệ thời ấy rồi.
2 Chuyện nầy không lạ, từ năm 1895, môt tác giả đã có tư tưởng tương tợ Triều Sơn năm 1950. “Thời đại chúng ta đang bước vào hẳn sẽ là KỸ NGUYÊN CỦA QUẦN CHÚNG”, Gustave Le Bon (Psychologie des Foules – 1895).
3 Tôi đồng ý với Nguyễn Khoa Huân định rằng : Trong trường hợp văn nhân hạ xuống trình độ của đại chúng để thích ứng với nhu cầu của họ, văn nhân đồng hóa với đại chúng tất sẽ thành dụng cụ, phương tiện, lợi khí của quần chúng sai khiến. Họ chỉ làm thỏa mãn thị hiếu đại chúng hóa không có tự do để diển đạt tư tưởng mình. Như vậy sẽ bị phong trào dìm xuống. Giá trị tiến hóa không còn nữa. Văn nhân chỉ là đơn vị của đại chúng nằm trong lòng dân trí chậm lại. (Thử tìm giải pháp bổ cứu cho hiện tình văn học Việt Nam) Nguyễn Khoa Huân tạp chí Gió lên, Huế 1952

♣♣♣