Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Hans C. Andersen (1805-1875)









TRUYỆN VỀ

HANS CHRISTIAN ANDERSEN





H ans Christian Andersen là một trong những tác giả viết truyện thiếu nhi nổi tiếng nhất trên thế giới. Những truyện của ông đã được chuyển dịch ra hơn 80 thừ tiếng khác nhau trên thế giới . Nhưng điều mà ít ai biết là ở ngoài đời, ông lại sống một cách kỳ cục, phi lý về mọi mặt, từ vẻ ngoài tới ngay cả những thói quen thường nhật của ông. Trong thực tế, khi còn sinh tiền Andersen không tự xem mình là một nhà văn thiếu nhi, đó là lý do tại sao ông lại khước từ một tượng đài biểu tượng cho sự bất tử trong môi trường trẻ em mà người ta đã khởi sự thiết kế khi ông còn sống . Tuy nhiên không bao lâu trước khi qua đời, ông đã yêu cầu một nhà soạn nhạc chuẩn bị một bài hành khúc phù hợp với nhịp điệu của đám trẻ con cho đám tang của chính ông bởi lẽ ông tin tưởng chắc chắn rằng những người hâm mộ nhỏ bé của ông cũng sẽ đông đảo đến tham dự để từ biệt ông khi ông vĩnh viễn ra đi.

Những Năm Đầu Đời

"Năm 1805, tại Odense, trong một căn phòng khiêm tốn, có một đôi vợ chồng mới cưới dịu dàng yêu thương nhau. Người chồng trẻ là một thợ đóng giày có tài năng tuyệt vời chỉ mới hai mươi hai, với tâm hồn của một nhà thơ; cô vợ trẻ, một phụ nữ có tâm hồn giản dị và tấm lòng bao dung lớn hơn người chồng một vài tuổi . Người đàn ông trẻ vừa thành danh là một thợ đóng giày rất giỏi, và anh ta đã tự tay làm một chiếc giường đôi sử dụng ván gỗ quan tài đặt hài cốt của Bá tước Trampe khi vị này qua đời không bao lâu trước đó còn dấu vết trang trí tô điểm màu đen trên cái bệ đặt quan tài .

Chính trên chiếc giường này, vào ngày 2 tháng 4 năm 1805, một đứa bé sơ sinh đầy sức sống đã chào đời: Chính tôi, Hans Christian Andersen, đã thay thế hài cốt của bá tước. Đây là câu mà ông đã tự mô tả sự ra đời của ông trong cuốn sách tự truyện“Le Conte de ma vie”-“Chuyện về cuộc đời tôi".

Ngôi nhà nơi nhà văn chào đời và trải qua thời thơ ấu

Mặc dù gia đình nghèo khó và thường xuyên phải trải qua những giai đoạn vô cùng khó khăn nhưng những năm tháng đầu đời của Hans Christian lại vô cùng hạnh phúc. Cha ông, Hans Andersen, rất yêu quý cậu con trai và ông đã dành rất nhiều thời gian để chăm sóc con. Cha của nhà văn tương lai cũng lại là một người yêu sách hơn tất cả mọi thứ khác, đã đọc cho con trai mình nghe những câu chuyện cổ tích hay làm đồ chơi hoặc vẽ tranh cho con. Nhà văn đã thừa hưởng tình yêu nghề thủ công của cha mình nên chính sau này Hans C. Andresen cũng là một chuyên gia trong việc may và cắt các hình động vật và những cảnh trí tuyệt vời trên giấy.

Khi đi học ở trường Hans Christian tuy là một học trò có năng lực nhưng gặp nhiều khó khăn , việc viết lách thật vất vả đối với cậu học trò nên ngay cả tới cuối đời ông cũng vẫn vướng vào nhiều sai lầm. Ngày nay, ngươì ta gọi đó là căn bệnh của một đứa trẻ mắc chứng khó đọc. Hans C. Andresen sai phạm lạ lùng tới độ các nhà xuất bản thường không thể đọc đến cuối trang đầu tiên của tập bản thảo , vì vậy Andersen đã phải thuê những người phụ nữ viết lại tác phẩm của mình trước khi được trình bày với nhà xuất bản.

Cậ bé Hans C. Andresen cũng không có được một người bạn nào. Những đứa trẻ khác không muốn chơi với cậu bé kỳ cục, tư lự với tính khí thất thường này. Người bạn duy nhất của cậu, theo lời của chính Hans Christian, là Vua tương lai của nước Đan Mạch, Frederick VII, người mà nhà văn đã duy trì mối quan hệ đến cuối cuộc đời ông.

Năm 1812, cha của Andersen gia nhập đoàn quân của Napoléon tham gia chiến tranh, rồi 2 năm sau trở về hoàn toàn bị huỷ hoại tinh thần và bệnh tật vài năm sau người cha qua đời bỏ lại một gia đình trong cảnh túng quẫn. Hans Christian phải nghỉ học và đi làm người học việc đóng giày, nhưng công việc này không cò gì hấp dẫn được cậu bé yêu thích sân khấu và sách hơn bất cứ mọi thứ gì khác trên đời. Khi được 14 tuổi, Hans Christian hành trang khăn gói đi lập nghiệp tại thủ đô Copenhagen trong túi chỉ với 13 rixdalers (đơn vị tiền tệ cũ ở Hà Lan và sau đó ở phần lớn tại vùng Bắc Âu) .

Cuốn sách đầu tiên được xuất bản bởi H. C. Andersen

Những năm đầu sống ở thủ đô cực kỳ khó khăn đối với nhà văn tương lai. Cậu thiếu niên 14 tuổi không sống, mà nói cho đúng ra thì cậu cố tìm mọi cách để được sống sót.

Tuy nhiên cậu cũng may mắn gặp những người có hảo tâm như nam ca sĩ giọng nam cao người Ý Giuseppe Siboni, người đẵ chỉ dạy cậu học hát miễn phí hay nhạc sĩ Christoph Weyse, giáo sư Frederik Høegh Guldberg, giọng nam cao Siboni hoặc J.M.Thiele (nhạc cổ truyển) giúp đỡ . Hans Christian thường đến nhà họ để cảm ơn từng người . Mỗi khi đến, cậu thiếu niên thường hay đọc lại một trong những bài văn mà cậu viêt cho những đứa trẻ con trong nhà những vị này nghe.

Hans Christian có một giọng nữ cao tuyệt đẹp, cuối cùng thì cũng nhờ vào đó mà anh được tham gia vào dàn hợp xướng của Nhà hát Hoàng gia và sống bằng một đồng lương vô cùng khiêm tốn. Tuy nhiên, giọng hát của anh nhanh chóng cũng phản bội anh làm anh phải rời khỏi dàn hợp xướng.

Lúc này thì cậu thiếu niên đổi nghề để trở thành một vũ công ba lê, nên từ năm 1820 đến năm 1821 học ở trường múa và diễn viên Ferdinand Lindgreen cũng chấp thuận cho cậu theo học nghệ thuật kịch . Nhưng thể chất bẩm sinh không cho phép cậu theo đuổi sự nghiệp khiêu vũ vì Hans Christian Andersen cao, tay chân dài, lòng bàn tay to và bàn chân lại to, rất khó coi.

Vào tháng 5 năm 1821, đến lượt vị thầy hát của Nhà hát Hoàng gia nhận ông làm học trò nhờ đó Andersen tạm sống bằng tiền trợ cấp. Cậu bắt đầu viết vở kịch đầu tiên của mình: "La Chapelle dans la forêt" vào năm 1822 cũng là năm mà lần đầu tiên cậu được trình diễn với tư cách là một diễn viên của nhà hát .

Một ngày nọ, Andersen giới thiệu với vị giám đốc Nhà hát Hoàng gia, Jonas Collin, một vở kịch mà ông đã viết. Sau khi đọc vị Giám đốc Nhà hát đã nghĩ rằng cậu bé này có tài năng nên chính thức yêu cầu vua Đan Mạch, Frederick VI, phân bổ một số tiền để đào tạo cho Hans. Nhà vua đã đồng ý, nhờ vậy, Hans Christian đã đến trường để hoàn tất việc học của mình nhưng Hans cũng lại không thể theo đuổi được lâu vì sự bắt nạt của đám học trò cùng lớp và hiệu trưởng trường. Jonas Collin lại phải sắp xếp để Andersen được chuyển đến học với một vị giáo sư tư nhân. Sau cùng thì Andersen cũng lấy được bằng tú tài vào năm 1829.

Cũng năm 1829, cuốn sách đầu tiên của Hans Christian Andersen được xuất bản. Cuốn sách này không phải là một cuốn truyện, mà là một chuyện thuật lại tuyệt vời với tựa đề là “Promenade du canal de Holmen à la pointe orientale d’Amagre.” "Cuộc đi bộ trên kênh từ Holmen đến điểm phía Đông của Amagre.". Cuốn sách này đã làm anh trở thành nổi tiếng ở Đan Mạch quê hương anh, vào lúc được 24 tuổi.

Năm 1830, Andersen xuất bản một tập thơ khác với tựa đề Digte và đồng thời viết cuốn tiểu thuyết lịch sử Le Nain de Christian II.

"Du Lịch Là Sống"

Một năm sau khi xuất bản cuốn sách nổi tiếng đầu tiên lúc này được 25 tuổi, Hans Christian khởi sự cuộc hành trình đầu tiên của mình. Anh đã dành 3 ngày với người bạn học cũ Christian Voigt tại một thị trấn của Đan Mạch, Faaborg cùng lúc đó ngay lập tức yêu Riborg , em gái của người bạn học cũ này . Đây là mối tình đầu của Han Christian, nhưng Riborg đã đính hôn và Hans Christian buộc phải rời đi. Tuy nhiên, người viết chưa bao giờ quên Riborg: sau khi nhà văn qua đời, họ tìm thấy trong túi áo khoác của ông bức thư duy nhất của người con gái mà Andersen đã giữ suốt 45 năm. Jonas Collin đã đốt tin nhắn mà không đọc nó.

Andersen đã cất giữ bức thư của Riborg Voigt suốt 45 năm

Năm 1831, nhà văn thực hiện chuyến đi ra nước ngoài đầu tiên tại Đức. Rồi vài năm sau, Hans Christian rời Đan Mạch đến châu Âu suốt 16 tháng. Những chuyến đi trở thành niềm niềm đam mê của Hans Christian tổng cộng 15 năm trong cuộc đời nhà văn tại các quốc gia khác.

Một việc vô cùng lạ lùng mà người ta được biết tới : Dù ở bất cứ nơi nào, ông cũng vẫn luôn đem theo một sợi dây bên mình vì theo ông thì vì ông rất sợ hỏa hoạn có thể xảy ra và hy vọng rằng trong trường hợp đó thì ông có thể thoát mình ra qua cửa sổ bằng chiếc dây thừng.

Năm 1835, với ở tuổi 30 Hans Christian Andersen cũng toại nguyện vì đã đạt được ước mơ. Hans Christian Andersen lại đạt được sự thành công lớn tại quê hương ông qua tiểu thuyết L’Improvisateur, thuật lại chuyển đi của ông tới nước Ý. Cũng cùng năm đó ông cho xuất bản một tập truyện ngằn đầu tiên của ông trong đó có La Princesse sur un pois. Và chỉ một năm sau nhờ vào những sách đã xuất bản Hans Chrsitian trở thành một người giầu gần như triệu phú cho tới cuối đời ông.

Năm 1840, mối tình thứ hai của Andersen: nữ ca sĩ hát opéra người Thụy Điển Jenny Lind, kém ông 15 tuổi tuy nhiên chỉ sau khi Jenny rời Đan Mạch, nhà văn mới thổ lộ tình cảm của ông qua một bức thư. Một năm sau, khi hai người gặp nhau, cô gái trẻ không hề có dấu hiệu nào cho thấy cô đã đọc tin nhắn tình cảm bộc lộ qua lá thư của ông. Trong một trong những trang nhật ký của Andersen năm 1843, cụm từ "Tôi yêu cô ấy" xuất hiện, ám chỉ Lind. Trên thực tế, Andersen đã giữ kín nhật ký . Tổng kết khoảng 12 tập nhật ký được xuất hiện sau khi Andersen đã qua đời .

Nữ ca sĩ hát opéra người Thụy Điển Jenny Lind

Sau này, Andersen và Lind cũng chỉ được gặp nhau một lần, tuy nhiên duy trì quan hệ thư từ hầu như cho đến cuối đời của nhà văn. Trong các lá thư, cô Lind gọi nhà văn là “anh trai” và “đứa trẻ”, bất chấp sự khác biệt về tuổi tác. Chuyện  La Reine des Neiges et Le Rossignol et l’Empereur de Chine là chuyện Andersen viết đặc biệt để tặng cho Jenny Lind.

Một điều thú vị khác là Andersen chưa từng bao giờ kết hôn và chưa có con riêng. Trong suốt phần đời còn lại ông sợ trẻ con : điều này hình như ông bị ám ảnh bởi chính tuổi thơ của ông và những hình ảnh về bạn bè cùng lớp chê cười nhạo báng.

"Chuyện đời tôi"

Năm 1847, tập sách tự truyện đầu tiên của Andersen, Le Conte de Ma Vie "Chuyện đời tôi", được xuất bản khởi đầu bằng những chữ : "Cuộc đời tôi là một chuyện cổ tích đẹp, phong phú và sung sướng". Tuy nhiên một số người đánh giá rằng tập truyện này không thú vị như những câu chuyện khác của ông, bởi lẽ trong sách, ông phàn nàn rất nhiều về những lời chỉ trích (những chỉ trích tiêu cực luôn tạo ảnh hưởng rất nhiều cho Hans Christian) và ông mô tả chi tiết các cuộc gặp gỡ với những người nổi tiếng vào thời kỳ đó cũng như ông thích kết bạn như thế nào với những người trong xã hội thượng lưu. Trong số những câu chuyện của ông có một số chuyện đề cập tới sự chiến thắng của cái Thiện trước cái Ác. Người viết luôn diễn tả nó theo lối : "Cái Thiện luôn Thắng trong vĩnh cửu" , nói chung thì Hans Christian là một người rất sùng đạo.

Hans Christian Andersen và Charles Dickens

Một trong những người bạn nổi tiếng nhất của Andersen là Charles Dickens, người mà ông gặp năm 1847. Họ quen nhau trong một bữa tiệc và trao đổi với nhau những lời khen ngợi về tài năng của họ và cả hai như tìm được một "ngôn ngữ " chung cho họ. Trong suốt 10 năm, Andersen đã tới tấp viết gởi cho Dickens ngập tràn thư mặc dù hiếm khi nhận được thư trả lời của Dickens. Nhưng vào năm 1857, Dickens đã mời người đồng nghiệp Đan Mạch của mình đến chơi tại một ngôi nhà nghỉ ở nông thôn của mình, và lời mời ngay lập tức được Andersen chấp nhận.

Andersen đã dành năm tuần ở với Dickens thay vì hai tuần như đã dự định.

Charles Dickens

Năm tuần lễ mà cả gia đình Dickens đã tưởng như một thế kỷ vì lẽ chỉ ngay khi bước qua ngưỡng cửa nhà Dickens Andersen tuyên bố với chủ nhân và những người trong gia đình rằng tục lệ ở Đan Mạch là người con trai lớn trong nhà phải cạo râu mỗi buổi sáng cho vị khách mời. Sau khi chứa chấp Andersen một tuần ở trong nhà, không tài nào chịu nổi nữa nên Dickens phải bỏ trốn về London, để ông bạn nhà văn lập dị Đan Mạch này lại người vợ thất vọng và mấy đứa con.

Đã thế, trong thời gian làm khách ở nhà Dickens, Andersen đã nảy lòng yêu thương bà vợ của Dickens, say xỉn và lên cơn bệnh suy nhược thần kinh chỉ vì đọc được những lời bình luận tiêu cực về những tác phẩm của ông trên một tờ báo. Một ngày nọ vào lúc bình minh, Dickens quay trở về nhà, chính tay Dickens thu dọn đồ đạc của Hans Christian rồi bắt buộc người bạn Đan Mạch phải lên xe rồi đưa Hans Christian đến London trên chiếc xe do chính Dickens lái sau đó chỉ dẫn các chi tiết để Andersen có thể trở về Copenhagen.

Andersen coi việc làm này của Dickens là bộc lộ một sự hiếu khách và luôn nói một cách rất trìu mến về Dickens và thời gian ở tại nhà ông bạn người Anh này. Về phần Dickens khi tạm biệt vị khách "qúy" đã ghi chú lại rõ rệt trên tấm gương : "Andersen đã ngủ trong căn phòng này 5 tuần lễ mà đối với gia đình thì dường như dài như một "Thế Kỷ".

Sự Lập Dị của Hans Christian Andersen

Chuyện cuộc đời của Hans Christian Andersen, trong số những chuyện khác, là chuyện về những nỗi ám ảnh và những hãi sợ khác nhau.

Nhà văn bị đau răng trong suốt nhiều năm và với việc mất đi từng chiếc răng, Hans Christian Andersen cảm thấy vô cùng lo lắng mỗi khi răng bị rụng vì ông tin rằng khả năng sáng tác của ông hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng răng mà ông có. Vào năm 1868 trước khi qua đời, Hans Christian Andersen đã bị rụng mất chiếc răng cuối cùng của mình, ngay sau đó chính ông đã tuyên bố rằng từ nay trở về sau ông không còn có thể viết được thêm một chuyện nào nữa.

Andersen sợ nhiều thứ khác nữa : sợ chó, sợ mất thẻ căn cước, sợ bị trộm cắp... Chính nhà văn Dickens đã thuật lại rằng trước khi đưa Andersen lên xe, ông đã nhét giấu nhiều món lỉnh kỉnh của Andersen vào giày của ông ta kể cả một cuốn sổ tay với kết quả Andersen cứ thế sỏ giầy mà đi đi tới độ chân bị phồng rộp và làm cho ông phải chịu đựng rất nhiều đau đớn về sau này.

Andersen cũng sợ bị người ta đầu độc mình. Một lần, những đứa trẻ con đưa tặng ông một hộp chocolat, và nhà văn nghi ngờ trong chocolat có chứa đầy chất độc nên đã đưa hộp chocolat cho mấy đứa cháu gái ông. Nhưng sau khi biết chắc chắn rằng những viên kẹo trong hộp vô hại, ông đã đòi lại hộp chocolat.

Như đã đề cập trước đây, Andersen chưa từng có vợ con. Cả đời ông cũng không biết gì đến tình yêu thể xác . Khi tới Paris vào những năm 1860, ông nhà văn ta đến nhà chứa gái điếm, nhưng không phải để quan hệ tình dục: Andersen thích nói chuyện với phụ nữ, nhưng khi Alexandre Dumas ám chỉ đến mục đích thực sự của các cuộc thăm viếng này thì Andersen cực kỳ phẫn nộ.

Mặc dù giầu có nhưng Andersen lại là một người đàn ông keo kiệt (rõ ràng là do hậu quả của tuổi thơ khốn khó của ông) và luôn thường nhận lời người ta mời đi ăn. Andersen cũng thiết lập một danh sách của những người mà ông sẽ đi ăn trưa hoặc sẽ đi ăn tối để ông có thể thay phiên đến với họ. Tuy nhiên, Andersen lại không tham lam. Ông cũng thường xuyên nhận được những lá thư khẩn cầu sự cứu trợ của những người nghèo khó và ông cũng đã tiếp giúp tất cả những người này.

Một trong những nỗi ám ảnh khác của Hans Christian là chiếc giường ngủ, vì ông tự cảm thấy như thể một ngày nào đó ông sẽ ngủ quên và không còn bao giờ thức dậy nữa. Điều này như một điềm báo, trong thực tế, đây là những gì đã xảy ra với ông: Năm 1872, ông ngã ra khỏi giường và không bao giờ còn hồi phục sau chấn thương này.

Những Năm Cuối Cùng

Kể từ những năm 1840, Andersen không những chỉ nởi tiếng ở Đan Mạch, quê hương của ông mà còn ở rất nhiều quốc gia khác . Trong tất cả các chuyến đi mà ông thực hiện, ông đã gặp những người ngưỡng mộ ông, trong số đó có những người nổi tiếng. Nhất là , vào cuối đời, Andersen đã nổi tiếng đến mức ông được công nhận là nhà văn sống xuất sắc nhất ở Anh. Cần lưu ý rằng tại nước Anh vào thời Victoria, những câu chuyện của ông đã được xuất bản có chỉnh sửa, vì quá đen tối và tàn nhẫn dưới mắt kiểm duyệt của Anh.

Năm 1867, nhà văn trở lại Odense, nơi ông chào đời , để nhận danh hiệu công dân danh dự của thành phố, rồi ngay sau đó, bằng sắc lệnh cá nhân vua nước Đan Mạch đã phong ông làm ủy viên hội đồng nhà nước.

Đài tưởng niệm nhà văn ở Odense, quê hương ông

Trong những năm cuối đời, nhà văn đã dành nhiều thời gian sống tại “Rolighed” (Sự yên tĩnh) trang trại của gia đình Melchior , nơi đây ông có một phòng ngủ riêng biệt. Melchior là một người rất hâm mộ các tác phẩm của Andersen và thường thích tiếp đãi các vị khách quýcủa nhà văn nhất là vào thời điểm đó Hans Christian có lẽ là công dân nổi tiếng nhất của Đan Mạch. Các thành viên trong gia đình Melchior đã luân phiên chăm sóc Andersen vì sau khi bị ngã xuống giường, Andersen bị ốm rất nặng. Khi không thể giữ nổi được nhật ký của mình nữa, anh ta đã đọc để nó mấy người con của Melchior ghi chép lại.

Ngày 12 tháng 7 năm 1875, Hans Christian Andersen tới trang trại Rolighed lần cuối và không bao giờ đi nữa.

Vào lúc 11 giờ sáng ngày 4 tháng 8, Hans Christian Andersen qua đời một cách rất thanh thản trên giường của ông trong căn phòng nhìn ra eo biển Øresund.

Tang lễ của Hans Christian Andersen được tổ chức vào ngày 18 tháng 8 năm 1875 tại Nhà thờ Đức Bà ở Copenhagen với sự hiện diện của Vua Đan Mạch Christian IX , hầu hết tất cả người dân Copenhagen đều đến dự lễ tang của ông.

Ông đã viết hơn 150 truyện thiếu nhi, thơ, tiểu thuyết, kịch và một số bài về du lịch. Trong số những người bạn về văn chương của ông có Dickens, Balzac và Lamartine và về âm nhạc như nhà soạn nhạc và nghệ sĩ vĩ cầm người Na Uy Ole Bull, nhà soạn nhạc nổi tiếng người Đức Felix Mendelssohn-Bartholdy, nghệ sĩ vĩ cầm và nhà soạn nhạc người Ý Nicolo Paganini, nhà soan nhạc người Đức Robert Schumann, vợ ông là nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng Clara Schumann, nghệ sĩ piano và nhà soạn nhạc điêu luyện Franz Liszt , hoặc nhạc sĩ Richard Wagner người Đức ... chưa kể hầu hết các nhà soạn nhạc Đan Mạch như CEF Weyse, Peter Heise, Niels Gade, JPE Hartmann….

Các tác phẩm chính của ông được rất nhiều người biết đến là : Le Briquet, Chiếc Bật lửa, năm 1835 - Les Fleurs de la petite Ida , Những bông hoa Ida nhỏ, năm 1835 - La Princesse au petit pois,  Công chúa với hạt đậu, năm 1835 - La Petite Sirène, Nàng tiên cá, năm 1835 - La Petite Poucette, năm 1836 – Les Habits neufs de l'empereur, Những bộ Quần áo mới của Hoàng đế, năm 1837 - Le Stoïque Soldat de plomb, Người lính chì khắc kỷ, 1838 – La Malle volante,  Chiếc hòm bay, 1839 - Le Vilain Petit Canard, Vịt con xấu xí, 1842 - Le Rossignol et l'Empereur de Chine, Chim sơn ca và Hoàng đế Trung Hoa, năm 1843 – La Reine des neiges, Nữ hoàng Tuyết, năm 1844 - La Bergère et le Ramoneur, năm  1845 Cô chăn cừu và Người thợ thông ống khói, năm 1845 - La Petite Fille aux allumettes, Cô bé bán diêm, năm 1845 ...

"Không có nhà văn Đan Mạch nào nổi tiếng để có thể so sánh được với ông (Hans Christian Andersen) và dường như không có nhà văn nào cho đến thời điểm này thể hiện được những nét đặc trưng khác nhau của người Đan Mạch ", Carl Gustaf Bjurström đã khẳng định trong một chương dành cho văn học Đan Mạch về Lịch sử của văn học (La Pléiade).

Troyes - 22h05, 22.12.2020

Theo các tài liệu của Thora Hallager, Public Domain ...