SỐ PHẬN LONG ĐONG CỦA
BÀI THƠ “ĐÊM SAO SÁNG”
T rước năm 1975, đất nước còn chia đôi, sách báo miền Bắc đưa vào miền Nam rất khó khăn, đúng hơn là không thể được. Trái lại, sách báo ở Mỹ và Pháp thì gửi sang Sài Gòn rất dễ, người Sài Gòn có thể đọc nhật báo Mỹ, Pháp hằng ngày. Ai có thân nhân ở Pháp thì có thể nhờ họ viết thư về Hà Nội cho bà con bảo gửi sách qua Pháp rồi từ đó chuyển về Sài Gòn, thật là nhiêu khê, vất vả. Như thế cũng chưa yên đâu, vì nhiều khi sách đến Sài Gòn còn bị Sở kiểm duyệt tịch thu.
Bấy giờ một số nhà thơ ở Sài Gòn nghe đồn thi sĩ Nguyễn Bính có nhiều bài thơ hay, trong đó bài “Đêm sao sáng” khá nổi tiếng nhưng không tìm được ở Sài Gòn nên rất háo hức muốn biết. Một nhà thơ quen thân bác sĩ Nguyễn Trần Huân, một nhà nghiên cứu khoa học đang sống tại Pháp, nhờ ông mua hộ một số sách viết về văn học Việt Nam bằng tiếng Pháp. Những sách này thường không bị kiểm duyệt làm khó dễ nhưng thơ Việt dịch sang tiếng Pháp thì không thể nào tránh được sự sai biệt về ý, về lời, nhưng đành vậy chứ biết sao.
Một lần nhận được sách, mở ra thấy bản dịch bài thơ “Đêm sao sáng”, nhà thơ mừng húm. Bài thơ được dịch với cái nhan đề “Nuit étoilée” in trong cuốn Anthologie de la Poésie Vietnamienne (*) do nhà xuất bản W.E.F.R tại Paris ấn hành năm 1969. Bản dịch tiếng Pháp như sau
NUIT ÉTOILÉE
Les étoiles, dans leur progressive montée,
Donnent plus de profondeur au firmament.
Le Fleuve d’Argent dévoile ses rives froides,
Où se trouve le Pont bâti par les corbeaux?
Cherchant en vain le chapeau du Génie des Moissons,
Je vois un canard nageant dans l’espace,
L’Étoile du Soir me rappelle tes doux yeux
Au moment de départ, tout humectés de larmes.
La Constellation Polaire, de son plus vif éclat,
Brille magnifiquement dans un coin du ciel.>
Toi, au Sud du dix-septième parallèle,
Combien d’années tu passais à la contempler!
Les étoiles innombrables et scintillantes
Éclairent notre patrie sans la diviser.
Le ciel oublie parfois de se parer d’étoiles,
Il n’y a pas de nuit où je ne pense à toi.
Traduit par P.V.
Có
được bài thơ rồi, họ nhờ nhà thơ Lê Vĩnh Thọ dịch
lại sang tiếng Việt để xem
có thể lột tả được mấy chục phần trăm thơ Nguyễn
Bính. Bản dịch của Lê Vĩnh Thọ như
sau:
ĐÊM SAO SÁNG
Những vì sao càng tiến lên cao
Bầu trời càng rõ vẻ thâm sâu.
Ngân Hà để lộ đôi bờ lạnh,
Ô Thước còn kia một nhịp cầu.
Mũ Thần Nông tìm hoài không thấy,
Anh nhìn con vịt lội sông Ngân.
Sao Hôm như mắt em hiền dịu
Đẫm lệ hôm nao lúc biệt hành.
Long lanh rực rỡ một phương trời,
Bắc Đẩu, chòm sao sáng tuyệt vời
Bao năm em ngắm. Em bên đó,
Phương Nam, bờ vĩ tuyến ngăn đôi.
Vô số vì sao đang lấp lánh
Soi chung quê mẹ cả hai miền.
Trời còn có đêm không sao sáng,
Anh chẳng đêm nào không nhớ em.
Bản
dịch tuy không xuất sắc lắm nhưng rất sát bản chữ
Pháp nên các nhà thơ ở Sài Gòn bấy giờ tạm hài lòng
vậy.
Mãi
đến sau năm 1975, đất nước thống nhất, sách báo từ
miền Bắc, nhất là Hà Nội, tràn vào Sài Gòn nên tìm
bản gốc bài thơ “Đêm sao sáng” của Nguyễn
Bính không còn khó như trước nữa. Dưới đây là bài
thơ ấy in trong cuốn “Tuyển tập Nguyễn Bính”
(NXB Văn Học Hà Nội 1986):
ĐÊM SAO SÁNG
Đêm hiện dần lên những chấm sao,
Lòng trời đương thấp bỗng nhiên cao.
Sông Ngân đã tỏ đôi bờ lạnh,
Ai biết cầu Ô ở chỗ nào?
Tìm mũ Thần Nông chẳng thấy đâu,
Thấy con vịt lội giữa dòng sâu.
Sao Hôm như mắt em ngày ấy
Rớm lệ nhìn tôi bước xuống tàu (**).
Chòm sao Bắc Đẩu sáng tinh khôi
Lộng lẫy uy nghi một góc trời.
Em ở bên kia bờ vĩ tuyến
Nhìn sao thao thức mấy năm rồi…
Sao đặc trời cao sáng suốt đêm,
Sao đêm chung sáng chẳng chia miền.
Trời còn có bữa sao quên mọc,
Tôi chẳng đêm nào chẳng nhớ em.
2-1957
Thật là trớ trêu! Một bài thơ Việt Nam, do người Việt sáng tác mà người Việt không có bản gốc, phải dịch từ bản tiếng Pháp, như thế tránh sao được những chỗ sai hay khác biệt về lời, về ý. Đó cũng là một nét đặc thù trong thời chiến.
(Tư liệu của Phan Thứ Lang)
(*) Anthologie de la Poésie Vietnamienne: hợp tuyển thơ Việt Nam.
(**) Bước xuống tàu để tập kết ra Bắc./.