Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







ĐI TÌM CUỐN SÁCH DỊCH ĐÃ MẤT

hay

THẾ SỰ THĂNG TRẦM QUÂN MẠC VẤN




KỲ III



V ề thời điểm, ta có thể nói là đó khoảng thòi gian những năm đầu của thập niên 80 thế kỷ trước, khi nhà nước Việt Nam bắt đầu cho thi hành chính sách mở cửa đón nhận người nước ngoài vào thăm bất kỳ từ đâu tới, không kể quốc tịch nào. Về phần cộng đồng người Việt hải ngoại, lúc đầu phần nào còn dặt dè, e ngại. Chỉ riêng một số ông già bà cả, phần không thích nghi được với nếp sống văn minh máy móc nơi xứ người, phần lâu ngày sống xa quê hương nhớ con nhớ cháu, bà con lối xóm cùng với tập tục lề xưa thói cũ, nên mong muốn trở về, ít ra cũng là để thăm quê hương đất nước. Về phần con cháu, thông cảm tình cảnh các cụ tối ngày tha thẩn trong căn phòng vắng vẻ, nên bỏ tiền mua vé máy bay để làm vui lòng các cụ. Một số còn có ý mượn dịp để nhờ các cụ thăm dò tình hình đường đi nước bước ra sao. Thế là các cụ hân hoan xen lẫn hồi hộp trở về. Các cụ trở về đúng lúc người dân trong nước vùa được ra khỏi chế độ bế quan tỏa cảng với những điều kiện sống khắc khổ do chính sách thắt lưng buộc bụng của nhà nước. Bởi vậy các cụ đều được người thân ruột thịt, bà con họ hàng hân hoan niềm nở tiếp đón. Như kẻ đang phải sống bít bùng nay được ra ngoài nhìn trời xanh chan hòa ánh sáng, cái gì được nghe kể lại với họ đều là hay là đẹp, là mới lạ. Và một vài món quà người thân đem vê, dù chỉ là những món hàng tầm thường nơi xứ người, với họ đều được coi là những món quà ngon lành đắt giá. Bởi vậy họ đã đón nhận mấy món quà từ tay người thân trao lại bằng bộc lộ một niềm hân hoan nồng nhiệt, chẳng khác chi cái vui mừng hớn hở của mấy đúa bé quê nghèo khi xưa được mẹ đi chợ xa về giúi vào tay miếng bánh đa hay đấm mõm cho viên kẹo bột. Viết ra những hàng chữ trên đây, tôi không hề có ý súc phạm hay coi thường người dân trong nước lúc bấy giờ. Những ai đã từng phải trải qua một thời gian sống trong các trại giam cải tạo (5) may ra mới biết cảm thông với thái độ tiếp đón nồng hậu trang trọng ấy, Riêng về phần tôi, làm sao quên được cái bữa đó… Cái bữa mùa thăm nuôi được mở màn…

Sau một ngày lao động cực nhọc, vừa buông tay cuốc đã thấy thằng bạn khác đội được thăm nuôi trước, mặt tươi rói tới ghé tai nói nhỏ : « Bữa nay tụi tao mở «  bum » (boum) nhớ qua chơi nghe mầy.” Thế là bao nhiêu cực nhọc hầu như tan biến. Tối về sau khi tắm rửa sạch sẽ, tôi mới thắng bộ đồ vía nghĩa là chỉ có vài ba miếng vá chưa đến nỗi tả tơi như mấy bộ để đi lao động, hồ hởi tiến về phía lán thằng bạn. Mới tới gần cửa lán, chỉ nội được “ nghe” cái mùi cà phê thứ thiệt tỏa thơm phưng phức cũng đủ làm tôi đê mê ngây ngất, chẳng khác chi lúc kẻ phàm tục được hít hà mùi thơm trinh nữ toát ra từ tấm thân ngà ngọc của một tiên nữ giáng trần. Thể rồi khi được tợp ngụm cà phê đầu tiên… Mẹ kiếp! Không biết mấy thằng cha tân đại gia thừa tiền dư của huênh hoang đã nếm đủ mọi thứ sơn hào hải vị, có được những bữa ăn ngon miệng ra sao; chứ tôi í à, chỉ những dip hiếm hoi trong đời được tợp ngụm cà phê như thế, tôi mới biết thế nào là cái được người đời ca tụng như một trong bốn thứ cực lạc trần gian do khoái khẩu đem lại. Cực lạc không chỉ nhờ cái hương vị cà phê thứ thiệt (chứ không phải thứ cà phê bằng hạt bắp rang cháy tụi tôi tự biên chế để đánh lừa khẩu vị), mà còn thêm cái chất đậm đà của tình bằng hữu, tình huynh đệ chi binh “ miếng khi đói, gói khi no” cùng nhau chia xẻ ngọt bùi những lúc đói khổ, trong những cơn gian nan hoạn nạn. Vâng, chỉ những ai đã từng trải qua cảnh sống như tôi, mới hiểu được thái độ tiếp đón nồng hậu người dân trong nước ở thời điểm đó, dành cho thân nhân từ nước ngoài trở về. Cũng như thái độ hân hoan trang trọng biểu lộ khi họ đón nhận một vài món quà từ tay bà con họ hàng. Hân hoan trang trọng, không chỉ vì món quà với họ là đắt giá, mà còn là biểu tượng cho tình cảm gia đình thắm thiết vì nghĩ rằng người thân được sống sung sướng đầy đủ nơi xứ người vẫn không quên họ.

Cảm kích trước sự tiếp đón nồng hậu của bà con trong nước, mấy ông già bà cả trở về, mới kể lại cho con cháu nghe. An tâm và biết sẽ không bị làm khó dễ, thế là người Việt ỏ hải ngoại mới lục tục rủ nhau về. Trước còn lẻ tẻ, sau càng nhiều, Mỗi lúc thêm đông. Trước còn thưa thớt, sau lũ lượt hết đợt này đến đợt khác. Mỗi lượt đi về, người đi trước lại kể cho người đi sau những thành tích thâu hoạch của mình. Mà thường là với một vài chi tiết thêm mắm thêm muối, vẽ rắn thêm chân. Bởi vi ai chẳng muốn câu chuyện mình kể phải đặc biệt, phải ly kỳ hấp dẫn hơn mới gây ấn tượng được cho người nghe. Quí vị nào không tin tôi, cứ chịu khó sưu tầm con số Fakenews đang được phát tán vô tội vạ trên mạng, kể cả tại các nước tự do dân chủ nhất thì biết. Thôi thì đủ loại… Tin phóng đại, tin bóp méo, tin xuyên tạc làm như thật nhờ vào kỹ thuật photoshop ghép hình, ghép ảnh khiến người ta ngày càng bị lôi kéo vào một thế giới hư hư ảo ảo như trong những chuyện kể phong thần ấy. Ai đâu dám cấm cản, mình tự do dân chủ mà! Hậu quả của hành động xử dụng quyền tự do dân chủ vô ý thức, vô trách nhiệm ấy đã khiến cái mối liên hệ tình cảm thấm đậm tình người, tình ruột thịt, tình yêu quê hương bị mất dàn cái phẩm chất tốt đẹp của cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Để rồi các món quà đem về dần dà trở thành món hàng mua bán đổi trác như một thứ trái sầu rụng rơi, thậm chí có khi còn là loại trái cây ung thối độc hại. Có thật đúng là vậy chăng? Chẳng lẽ cái luồng gió mới thồi vào Việt Nam thời kỳ mở cửa ấy, đến từ một quốc gia cường thịnh hàng đầu thế giới là nước Mỹ lại có thể gây độc hại được sao? Câu hỏi này xét ra cũng chẳng lấy gì làm cắc cớ, nếu ta chịu khó bỏ công tìm hiểu làn gió được từ Mỹ thổi vào thuộc loại gió nào và do ai đem tới.

Về câu hỏi đầu, ta có thể nói ngay rằng luồng gió mới từ Mỹ thổi vào thực ra có thể là một luồng sinh khí tạo cơ hội cho Việt Nam đựơc học hỏi để tiến bộ và phát triển, nếu đó vẫn là luồng gió nguyên thủy mang dấu ấn tinh thần mạo hiểm và khai hóa của đám di dân sáng lập ra nước Mỹ. Đó là những đám người, sau khi Christophe Colomb khám phá ra Mỹ châu khoảng cuối thế kỷ 15 hay đầu thê kỷ 16, đã hàng loạt từ nhiều nước Âu châu tìm đến Mỹ châu để làm lại cuộc đời. Nhữg đám di dân này thuộc đủ thành phần quốc tịch, hoặc bị quyến rũ bởi những câu chuyện huyền hoặc về một tân thế giới, hoặc là nạn nhân của kỳ thị tôn giáo sau các cuộc xung đột tín ngưỡng giữa Tin Lành và Công giáo. Nhưng dù động cơ là gì, đám di dân này đều có chung một mẫu số, đó là óc phiêu lưu mạo hiểm với tinh thần chinh phục của nhà tiên phong khai phá (esprit de conquête et aventurier du pionnier). Họ không ngại đương đầu với mọi gian nan thử thách để xây dựng cho mình một sự nghiệp mới. Vượt qua cả một trùng dương sóng gió mới chỉ là bước đầu. Đặt được chân trên lục địa Mỹ hầu như với bàn tay trắng, họ còn phải phấn đấu vượt qua không biết bao trở lực hiểm nghèo khác. Nào là sự chống đối quyét liệt của các sắc dân thổ địa, nào là địa thế núi non hiểm trở, điều kiện khí hậu khắc nghiệt của những vùng núi tuyết giá băng hay sa mạc cháy bỏng.` Đó là không kể còn những băng đảng gian ác tấn công tìm cách chiếm đoạt cơ ngơi họ xây dựng được. Tất cả những giá trị tinh thần của nhà chinh phục tiên phong ấy, chính là nền tảng cho công trình xây dựng dất nước Hoa Kỳ.

Tiếp đến, với Bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời ngày 4-7-1776, các nhóm di dân tới lập nghiệp tại Mỹ châu cùng nhau hợp lại thành một quốc gia độc lập thống nhất lăy tên Hợp Chủng Quốc (Les Etats-Unis) với George Washington làm vị tổng thống đầu tiên. Là một quốc gia thuộc loại non trẻ nhất trong lịch sử loài người, nước Mỹ hay Hiệp Chủng Quốc lại sớm trở thành quốc gia hùng mạnh hàng đầu thế giới. Ây là nhờ các thế hệ kế thừa sự nghiệp đã không chỉ tiếp tục và phát huy các giá trị tinh thần của thế hệ tiên phong để lại, mà còn biến óc phiêu lưu mạo hiểm khai hóa thành tinh thần tìm tòi khai sáng, nghĩa là dùng ánh sáng của trí tuệ để biến Hiệp Chủng Quốc hay nước Mỹ từ một đất nước chuyên về chăn nuôi và trồng trọt trở thành một quốc gia công nghiệp tiên tiến hàng đầu thê giới. Tóm lại, óc phiêu lưu mạo hiểm của nhà tiên phong khai phá (l’esprit aventurier et de conquête du pionnier) cùng với tinh thần phấn đấu tự lực cánh sinh để xây dựng sự nghiệp (l’esprit de lutte du self-made man) chính là những giá tri tinh thần làm nền móng cho sự hình thành và phát triển của nước Mỹ. Ngoài ra, cũng phải kể thêm tinh thần nghĩa hiệp của các tay súng oai hùng trừ gian diệt bạo, bênh vực kẻ cô thế trong các phim cowboy-western mà hồi nhỏ tôi rất khoái đi coi, những lần chó ngáp phải ruồi làm bài được điểm cao hí hửng vác về khoe để nhà thưởng cho cái vé xi nê hạng bét. Có thể nói đó là những đặc tính chung về mặt giá trị tinh thần và đạo đức của xã hội Mỹ, và cũng là động lực chủ yếu đã khiến Mỹ từ một quốc gia non trẻ, chỉ trong một thời gian ngắn sớm trở thành một quốc giàu có, hùng mạnh hàng đầu thế giới. Và với sức mạnh hùng cường ấy, Mỹ không chỉ giữ riêng cho mình, mà còn tích cực đóng góp vào công cuộc tái lập hòa bình và giữ gìn an ninh trật tự trên toàn thê giới. Bằng chứng là vai trò của Mỹ trong hai cuộc thế chiến vừa qua và vị thế đàn anh trong hai thập niên tiếp sau đó.

Nhưng trên cõi trần ai tục lụy đủ bốn mùi ca ngâm hỉ, nộ, ái, ố, đủ bộ tứ khoái ăn, ngủ, ỉa, đ… này, có cái gì là tồn tại vĩnh viễn đâu. Thịnh rồi phải tới lúc suy, cũng như hoa nở để mà tàn, trăng tròn để mà khuyết…, đó là qui luật vận hành thế gian do ông Tạo trong lúc ngồi buồn đặt ra để trêu ngươi ấy mà. Dù là Mỹ hay Hiệp Chủng quốc cũng vậy thôi. Với thời gian và di sản của các thế hệ tiên phong nhọc công gây dựng để lại, các lớp người đến sau nay chỉ lo tính toán thụ hưởng thôi. Do đó, cái tinh thần phiêu lưu mạo hiểm cũng như cái óc tìm tòi khai phá nhăm phục vụ cho lợi ích chung, tức là cái sinh khí nguyên thủy ngày một thêm tàn lụi, để cuối cùng trở thành một thứ chủ nghĩa thực dụng, thực lợi lấy việc gây dựng một sự nghiệp cho bản thân làm cứu cánh, nhưng lại ngụy trang bằng danh hiệu mỹ miều Chủ nghĩa Thực Tiễn (le Pragmatisme). Ta có thể tóm tắt chủ trương của những người chạy theo Chủ nghĩa Thực Tiễn đó như sau “ Kẻ nào thành công, kẻ đó có lý và càng có được sự nghiệp thành công chừng nào càng chứng tỏ được biểu hiện thành nhân chừng đó”. Bởi vậy người ta mới đua nhau tìm kiếm cho mình một sự nghiệp lớn bằng bất cứ phương tiện nào, không cần biết có hợp với đạo lý và nhàm mục đích phục vụ cho quyền lợi chung hay không, miễn sao thành công là được. Nói khác đi, đó là một biểu hiện khác của của nghĩa “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Cũng chính vi vậy mà thay vì là một George Washington, một Abraham Lincoln, một Thomas Jefferson, một Franklin Roosevelt…, ta lại thấy ngày thêm xuất hiện các chính khách theo chủ nghĩa dân túy nhiều hơn. Mục tiêu hành động của đám người sau này không phải nhằm phục vụ cho lợi ích chung, mà là thành tích sự nghiệp riêng. Chính khách dân túy, bởi vì sở trường của họ là nói một đằng làm một nẻo, tiền hậu bất nhất, nhưng họ đâu cần biết. Điều quan trọng, với họ, là biết tung ra những khâu hiệu tranh cử ngắn gọn, càng ngắn càng tốt. Chỉ cần một vài hàng tweed là đủ, miễn sao đánh trúng tim đen của thành phần cử tri họ muốn tranh thủ, đáp ứng được những đòi hỏi trước mắt, nhất thời, hoặc giúp cho thành phần cử tri này được giải tỏa những mộng mơ hay mặc cảm thầm kín. Miễn sao đắc cử, thế là họ tự cho có quyền tha hồ khuỳnh tay ưỡn ngực, vênh vênh cái mặt ra điều “đã biết tay ta chưa” (m`as – tu vu)? (6)

Nhưng bằng mánh lới, giành được thắng lợi trong một cuộc tranh cử có thể dễ. Tới khi phải đảm nhiệm vai trò một nguyên thủ quốc gia, ta mới đánh giá được khả năng lãnh đạo của nhân vật đó ra sao. Để đối phó với các vấn đề quốc gia gai góc, hoặc đương đầu với các vấn nạn quốc tế, không thể hành sử như một thuyền trưởng non tay lái được. Nghĩa là chỉ mải lo luồn lách tránh những ghềnh đá trước mắt, mà không nhìn ra những báo hiệu cơn bão tố sắp nổi lên ở chân trời. Thí dụ như lãnh tụ một quốc gia nghe đâu cũng thuộc loại tiên tiến hàng đầu thế giới. Khi mới xảy ra nạn dịch virút Corona, ông vội lên tiêng trấn an “Đừng có lo, no star where (không sao đâu), nước ta có nền y tế tiến bộ nhất thế giới.” Có điều ông quên rằng nền y tế ấy quả có nhất thế giới thật, nhưng chỉ dành riêng cho các tỉ phú hoặc thành phần dư tiền dư của. Còn đám dân nghèo hoặc lao động ba cọc ba đồng không dám hoặc không dủ tiền mua bảo hiểm y tế đâu có được sơ múi chấm mút gì. Tới khi cơn dịch ào tới, đám người này lãnh nguyên cán búa nằm chết như rạ. Thế là ông vội trịnh trọng tuyên bố nếu nhân dân chỉ chết từ hai trăm tới bốn trăm ngàn người thôi cũng là may mắn rồi, để chứng tỏ ra đều ta đây biết trông xa nhìn rộng. Ấy vậy mà không thiếu gì kẻ thích được nghe những lời đường mật, đã vội chạy đên công kênh lên đầu lên cổ tôn vinh làm bậc minh chúa. Họ làm tôi nhớ câu chuyện trong Kinh Thánh, một đám con chiên đã bỏ rơi ông Moise để tới quì phục tế sống con Bò vàng. Ai có mắng mỏ tôi là ăn nói tào lao, tôi sãn sàng khoanh tay cúi đầu nhận lỗi. Nhưng tôi chỉ muốn nói lên một vài cảm nghĩ riêng, sau khi được nghe người dân khu Bolsa cãi nhau ỏm tỏi về câu chuyện ông hoàng dòng dõi họ Kiều nào đó đang được một dám người bu quanh để tìm cách nâng bi.

Ừa, nếu như có những chính khách nói trước quên sau, hành động tiền hậu bất nhất, xét cho cùng cũng dễ hiẻu thôi. Nghề của chàng mà. Nhưng chủ nghĩa Thực Tiễn nói trên còn lây lan sang ngành truyền thông báo chí nũa, thế có bỏ mẹ con nhà người ta không chứ! Tuy được xếp vào hàng quyền lực thú tư, chỉ trên danh nghĩa vì không được ghi trong Hiến Pháp, nhưng ngành truyền thông báo chí không phải là một thứ quyền lực hữu danh vô thực. Trái lại là đằng khác. Vai trò của nó rất quan trọng, nhất là tại các nước theo chế độ tự do dân chủ. Có khi còn quan trọng hơn cả ba loại quyền hành hợp hiến, nếu nó ý thức được vai trò độc lập của nó và đảm nhiệm đúng hai chức năng thông tin (information)truyền thông (communication) nó được giao phó. Thông tin là công tác loan báo, phổ biến các sự kiện, các diễn biến hữu ích liên quan đến cuộc sống hàng ngày; còn truyền thông là phân tích, nhận định, thậm chí nói lên quan điểm riêng liên quan đến một biến cố, một diễn biến thời sự nào đó. Một người làm công tác truyền thông báo chí có lương tâm chức nghiệp bao giờ cũng bỏ công sưu tầm, kiểm chứng tính xác thực các nguồn tin trước đã, sau đó mới cho loan. Về phần truyền thông cũng vậy. Ở một nước tự do dân chủ, ai cũng có quyền trình bày quan điểm riêng của mình; nhưng điều cốt yếu là phải biết tôn trọng quyền tự do tìm hiểu của người khác. Không nên vì phương châm hành nghề “nhà báo nói láo ăn tiền” mà tìm cách cưỡng chế tư tưởng đại chúng bằng những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật, thậm chí có khi còn dựng đứng là đằng khác. Ấy vậy mà vẫn có những kẻ láy làm tự hào với những thành tích thuộc loại đó, vênh vênh cái mặt ra đều chỉ có tại các nước tự do dân chủ, ta đây mới có quyền ăn nói thả dàn. Tự do cái củ xê gi, thứ tự do tha hóa, vô ý thức, vô trách nhiệm ấy.

Thôi thì các giới chính khứa hay truyền thông báo chí đã đành. Cái Chủ nghĩa Thực tiễn kể trên cũng lại chẳng chịu từ một ai. Nó còn lây lan sang cả ngành y dược nữa, cái ngành được coi không phải là con đường kinh doanh để gây lợi nhuận, mà với thiên chức cao cả là chăm lo sức khỏe cho mọi người. Thế mới chết cha thiên hạ làm sao ! Ta có thể lấy trường hợp Viện bào chế Johnson&Johnson làm thí dụ điển hình. Trước khi tung ra thị trường một loại thuốc opiacee làm giảm đau nhức nhưng dễ sinh ghiền, viện đã cử hàng ngàn trình dược viên đên các phòng mạch để khuyến dụ bác sĩ kê toa cho bịnh nhân. Hậu quả là bịnh nhân sử dụng ngày càng lệ thuộc vào thuốc và tăng thêm liều lượng khiến dẫn đến tử vong. Theo tin trên Đài truyền hình Pháp Fr 24, tòa án Bang Oklahoma ngày 27-8-2019 đã phạt viện bào chế Johnson&Johnson vì tội quảng cáo bậy gây tử vong cho gần 400000 ngàn người trong khoảng thời gian từ 1999 đến 2017. Cũng vậy, hãng Perdue Pharma liền sau đó cũng đã phải tuyên bố phá sản để khỏi phải đương đầu với gần 2000 đơn kiện liên quan đến dược phẩm của hãng cũng thuộc loại này. Thế nhưng không chỉ có vậy. Chủ nghĩa Thực Tiễn còn lây lan tới nhiều nợi khác trên thế giới. không thua gì dịch vi rút Corona cả. Tại Pháp đang diễn ra vụ án thuốc Mediator của hãng bào chê Servier đã mập mờ quảng cáo thuốc Mediator vốn là thuốc ngừa bịnh tiểu đường ra là thuốc (diabete) như là thuốc chống bịnh béo phì (obèse). Hậu quả là do tác hại phụ tới tim mạch, đã có hơn bốn ngàn người bị tử vong.

Một vài thí dụ nêu trên đủ cho thấy là luồng gió mới từ Mỹ thổi vào Việt Nam không còn là luồng gió nguyên thủy mang dấu ấn tinh thần mạo hiểm và khai phá của thời kỳ lập quốc nữa. Nay chỉ còn là ngọn gió cuối mùa mà biểu tượng ánh đuốc trên tay Nữ Thần Tự Do đang tàn lụi dần để được thay thế bằng bức tường đang xây giở dọc theo biên giới Mỹ và Mễ Tây Cơ. Đã vậy làn gió cuối mùa này còn bị một số người từ Mỹ đem vào làm thêm ô nhiễm, để từ nguồn sinh khí trở thành luồng chướng khí. Vậy số người ấy là ai? Thành phần ra sao?

Nhưng trước hết, tôi xin được xác định rõ là tôi chỉ nói đến một số người nào đó thôi đấy nhá. Kẻo người mình có thói quen suy diễn phản xạ theo kiểu sấm bên Đông, động bên Tây khiến tôi e khó tránh khỏi bị khép cho cái tội giứt dây gây động cả rừng, nghĩa là ăn nói theo kiểu vơ đũa cả nắm. Tôi không dám vơ đũa cả nắm vi tôi biết rằng cộng đồng người Việt không chỉ có tập trung khu quận Cam, và rằng bên cạnh đám tập thể ổn ào ấy, còn có một thiểu số ưu tú thầm lặng. Thiểu số này cũng phải đi chui như phần đông người Việt di tản. Rồi khi được đăt chân lên nước Mỹ, họ thầm cho có may mắn là nhờ ánh đuốc soi đường chi lối của Nữ Thần Tự Do, nên mới xin nhận nơi này làm quê hương thứ hai. Và khi hiểu được ý nghĩa và giá trị của ánh sáng bó đuốc trên tay Nữ Thần Tự Do, họ mới cố găng trau giồi kiến thức để đóng góp hữu ích cho xứ sở mới đã mở rộng vòng tay đón nhận họ. Nhờ vậy mà nhiều người đã thành công trên đường công danh sự nghiệp, được nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong đủ mọi lãnh vực từ hành chánh, quân sự, văn chương, giáo dục, khoa học v.v… Nhưng thành công, với họ, không chỉ cốt để làm con đường tiến thân. Thành công, còn là cách để đền đáp đất nước đã cưu mang họ; đồng thời cũng để vinh danh giòng giống cũng như xứ sở họ đã sinh ra và lớn lên. Bởi vì nay họ đã hiểu thêm rằng Mỹ chỉ là cái tên quen gọi khi họ còn ở Việt Nam; còn United-States tức Hiệp Chủng Quốc hay Cộng Hòa Liên Bang Mỹ mới là danh xưng chính thức của quốc gia mà nay họ được mang quốc tịch. Đây không phải là một trò chơi chữ nghĩa. Bởi vì cái tên chính thức United-States cho hiểu quốc gia mới mẻ này chính là sự tập hợp của nhiều lãnh thổ tự trị hay bang cùng với nhiểu chủng tộc khác nhau thành một quốc gia duy nhất trong tinh thần “ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Chinh với danh xưng này và trong tinh thần hòa đồng chủng tộc này nước Mỹ mới sớm trở thành cường quốc số môt thế giới. Học hỏi thành công để đền đáp đất nước đã cưu mang họ, nhưng không hề mưu cầu thành danh. Bởi vậy, họ thường ít được quần chúng biết đến, nếu như đôi khi không nhờ có một vài người nhắc đến tên họ. Nếu tôi không dám vơ đũa cả nắm cũng chỉ vì cái nhóm thiểu số ưu tú thầm lặng hay cù lần (?) này, chứ tôi đâu có phải dân thỏ đế. Mà dù có là dân thỏ đế, khi cần tôi cũng dám chơi bạo như ai, nghĩa là thò tay “giứt dây gây động rừng”, để mượn cách nói văn vẽ hình tượng của các bậc tao nhân mặc khách. Chứ còn trong giới lính tráng đơ dèm củ bắp với nhau thì chúng tôi gọi là dám “mó dái ngựa” đấy bà con cô bác ạ.

Vậy chứ đám người đem làn gió cuối mùa từ Mỹ vào Việt Nam thành phần gồm những ai? Ố là là… Hầm bà làng đủ thứ, chẳng khác chi bảy món ăn chơi bày ra cho một bữa lẩu thập cẩm cả . Nào là thành phần đi chui đã từng nhiều lúc nghêu ngao dăm ba câu Người di tản buồn để nói lên tâm sự mất nước nên mới phải bỏ nhà bỏ của ra đi. Nào là một số hăng say tích cực chống cộng; nhưng chỉ huyênh hoang chống cộng bằng mồm thôi. Bởi thế trong khi chờ đợi ngày về giải phóng quê hương, thỉnh thoảng họ lại thậm thụt đi về để kiếm mối trả thù dân tộc . Ngoài ra cũng cần kể thêm một vài ca sĩ, văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ… thuộc dạng lá úa chiều thu hay lá rụng về cội, ai muốn hiểu ra sao thì hiểu, nhân tâm tùy mạng mỡ. Tuy khác nhau về danh nghĩa, nhưng họ lại giống nhau ở một điểm: đó là họ thuộc thành phần thích nổ, nổ như bắp rang, nổ như pháo tết, nổ như tiêng khui nút một chai sâm banh, càng nổ lớn chừng nào, họ càng khoái chừng đó. Cũng bởi mắc chứng ưa nổ này, nên từ ngày được đặt chân qua bển, chảng biết học hành có thành đạt gì không, hay phải làm đủ mọi thứ giốp (job), nhưng họ lại thuộc bộ phận thích đi đi về về tích cực nhất. Có thể, họ mới có cơ hội trổ tài nổ, nhất là trong khoảng chục năm kế tiếp sau khi chính sách mở cửa được ban hành. Nổ như kẻ vinh quang bái tổ, nổ như kẻ sênh sang áo gấm về làng. Ban đầu chỉ để hù hè bà con lối xóm. Riết rồi trở thành thói quen, họ đã truyền cái bịnh nổ sống theo kiểu Mỹ, làm ăn bốc giàu theo kiểu Mỹ, ở sang như Mỹ, ăn chơi như Mỹ, huênh hoang hợm hĩnh khoe tiền khoe của như Mỹ, theo kiểu mấy tay đại tư bản hay diễn viên siêu sao Mỹ... Đó chính là một vài biểu hiện Mỹ hóa tại Việt Nam tôi cảm nhận được trong chuyến về thăm Việt Nam vừa qua. Cũng may, các biểu hiện Mỹ hóa đua đòi sống theo kiểu Mỹ này chi mới lây lan sang một thành phần xã hội mà thôi : đó là thành phần dư tiền dư tiền dư của do làm ăn bất chính, hay giới chức có thê lực dễ mua chuộc. Còn đại bộ phận dân chúng làm ăn chân chỉnh lương thiện, có lẽ do ít được họ ngó tới nên vẫn giữ cho nền móng căn nhà Việt Nam được vững chắc. Nói khác đi, theo cảm nhận của riêng tôi, các biểu hiện Mỹ hó a này mới chỉ là những hiện tượng và chưa trở thành hiện thực, vì còn chưa xâm nhập được vào sinh hoạt của các tầng lớp đại chúng.

_________________________________

(6) – Xin mời coi bài “Dấn bước thăng trầm” của người viết đã được phổ biến trên một số diễn đàn mạng, đặc biệt là các trang mạng Chim Việt Cành Nam, Thư Viện Sáng Tạo, Khoa Học Đời Sống…
(7) - Ngày 14-4-2020, TT Trump chính thức loan báo sẽ cúp 400 triệu mỹ kim phần đóng góp hàng năm của Mỹ cho tổ chức Y Tế Quốc Tế (WHO) với lý do ông Tổng thư ký của Tổ chức này đã thiên về phia Trung quốc trong vụ điều tra về nguồn gốc nạn dịch vi rút Corona. Vốn không ưa gì dân Tàu khựa tôi vẫn coi là kẻ thù truyền kiếp của nhân dân nước Việt, nên mới nghe tôi rất lấy làm thích thú. Nhưng sau khi nghĩ lại, tôi cho rằng quyết định này ông Trump đưa ra hơi trễ, chảng giải quyết được gì cho vấn nạn ví rút corona, mà còn bất lợi vì hai lý do như sau:
- 1) Giữa lúc dịch nạn Covid-19 bắt đầu lan tràn tới các khu vực đông dân nghèo đói trên thế giới như Ấn Độ, Phi châu…, quyết định của ông Trump chi tác hại tới các khu vực này mà thôi, và biết đâu lại chăng làm phương hại tới hình ảnh một nước Mỹ hào hiệp trước mắt người dân tại các khu vực kể trên.
- 2) Phải chi, thay vì lạc quan trấn an khi dịch nạn còn đang hoành hành tại Trung quốc, ông Trump lên tiếng cảnh báo ngay lúc đó và chuẩn bị đối phó thì đỡ biết mấy. Thay vì tiết kiệm được có 400 triệu đô la, ông đỡ phải bỏ ra hàng ngàn tỷ đô la để cứu trợ dân nghèo và thất nghiệp Mỹ phải kéo nhau lái xe tới chờ hàng cây số để đuọc lãnh trợ cấp. Ấy là không kể còn tạo cơ hội giúp tàu khựa được trúng affaire, cúng cấp hảng tỷ khẩu trang cho các nước Âu châu ( nghe đâu hình như có cả Mỹ thì phải).
Trên đây là một vài cảm nghĩ của riêng tôi, một phó thường dân hạng hai thế giới. Nếu có điều gì sai trái, xin các bậc cao minh hiền triết không nỡ tiếc lời trường dương đại hải để giúp tôi được phần nào giải ảo.

... còn tiếp


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Pháp .