Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







ĐI TÌM CUỐN SÁCH DỊCH ĐÃ MẤT

hay

THẾ SỰ THĂNG TRẦM QUÂN MẠC VẤN




KỲ II



X in phép được làm phiền bà con cô bác, bằng hữu thân quen bài viết mới này để chỉ nói toàn chuyện cũ, đã thế còn bị hơi dài. Của đáng tội, lúc đầu tôi định chỉ viết vài trang thôi để nói về một cuốn sách dịch. Nhưng có lẽ hồi này cái đầu đã bị lão hóa lại thêm chớm bịnh Alzheimer đâm ra suy nghĩ quanh co lẩn thẩn, ăn nói lẩm cẩm càm ràm. Đang câu chuyện này nhảy sang chuyện khác, lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia, chẳng đầu voi đuôi chuột ra sao cả. Viết xong đọc lại thấy dài tới mấy chục trang, giật mình tự hỏi làm ăn viết lách kiểu này liệu có ma nào thèm đọc. Nhất là thời buổi truyền thông trí tuệ ảo càng lúc lên ngội khiến chữ nghĩa rẻ hơn bèo. Bộ không thấy là các tiệm sách ngày một rủ nhau uống thuốc ngủ, khiến công nhân nhà in thất nghiệp mỗi lúc thêm đông. Bởi vậy, đã là dân văn minh sành điệu phải biết sắm cho mình cái iphone, ipad loại xịn để tha hồ chí cha chí chát, tuýt toe tuýt toét tối ngày. Có mấy ai dại dột chúi mũi vào trang sách loằng ngoằng những giòng chữ cho thêm nặng cái đầu kèm nhèm đôi mắt. Biết vậy, nhưng lỡ viết rồi biết làm sao đây. Thôi đành liều cho phát tán đại trên mạng, phó mặc số phận cho con vi rút corona quyết định may rui. Ít ra trong cái rủi phải có chút xíu cái may, như trong câu chuyện ông lão mất ngựa ngày xửa ngày xưa ấy mà. Cái may của tôi, nếu có, oái oăm thay lại phần nào do con covid-19 ác ôn đem lại. Cũng như cư dân tại mấy đô thị lớn, cũng nhờ có nó giờ này mới cảm thấy phần nào dễ chịu vì được thở hít chút ít không khí trong lành, thay vì cái không khí bụi bậm ô nhiễm trước đây khi họ còn được phóng xe thả dàn. Sự đời, nhiều lúc ngẫm ra thấy cũng dzui dzui. Nếu không vì nó, con vi rút ác ôn corona ấy, mọi người nơi nơi đâu có bị treo giò cấm cửa. Chả lẽ ai nấy cũng ngồi yên khoanh tay chịu trận để gậm nhấm mối sầu nhân thế, như con cọp của Thế Lữ gầm gừ mãi trông cũi sắt hay sao? Cũng vì thế nên lúc này tôi mới thấy gặp thời cơ đem hàng ra gạ gẫm quí vị. Biết đâu trong lúc đi tìm khuây khỏa, lại chẳng có cặp mắt xanh hay đã kèm nhèm tình cờ ngó thấy. Qui vị nào có nhã ý ghé mắt coi chơi, sẽ được ưu tiên bao trọn gói và bảo đảm toàn bộ bài viết sẽ được gửi tới tận tay quí vị trong suốt thời gian có đại dịch . Xin mời và có lời cảm tạ trước.


Trân kính.


Máy bay còn đang lượn vòng chờ đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, từ ghế ngồi dòm xuống tôi đã bị choáng ngợp trước bộ mặt thay đổi của thành phố Sài Gòn với những tòa cao tầng mọc lên như nấm cùng với một vài cây cầu kiến trúc hiện đại dẫn vào thành phố. Rồi tới khi ngồi trên chiếc tắc xi « uber » đưa tôi về khách sạn , quang cảnh phố phường cùng với nhịp độ sinh hoạt ở đây càng khiến tôi thêm bị  ấn tượng  (4). Nhiều tòa nhà lầu hoành tráng, kiến trúc hiện đại lần lượt thay thế ngạo nghễ bên cạnh những căn nhà cũ chật hẹp tường vàng ố trước đây, khiến nhiều con phố vốn rất quen thuộc với tôi, nhiều lúc nay không còn nhận ra. Đường phố cũng nhộn nhịp tấp nập hơn với đủ loại xe lưu thông nhiều khi vô kỷ luật, vô trật tự khiến tình trạng bị tắt nghẹn hầu như cơm bữa. Không chỉ có xe cộ, khách bộ hành cũng vậy. Trên những con đường nườm nượp đủ loại xe qua lại, tôi được chứng kiến cảnh một vài khách bộ hành thoải mái băng qua đường rất là vô tư, bất chấp những tiếng còi bóp inh ỏi, làm như họ đã thuộc nằm lòng cái luật giao thông ở đây : « Xe có bổn phận tránh người, chứ người không việc gì phải tìm cách né xe ». Cảnh tượng hi hữu hầu như độc nhất vô nhị ấy đã khiến một vài du khách vội lôi smartphone ra thu hình, chắc là để lưu niệm.

Tuy nhiên bên cạnh cảnh tượng thân thương mang dấu ấn cây nhà lá vườn ấy, không thể phủ nhận là Việt Nam nay đã có khuôn mặt của một đất nước trên đà phát triển và hiện đại hóa. Đường phố khá sạch sẽ, không đến nỗi bụi bậm và ô nhiễm như tôi tưởng. Nơi tôi tạm nghỉ là một khách sạn ngay bên hông chợ Bến Thành. Nơi đây nay đã trở thành khu « Tây ba lô » mới nên tôi thường gặp đủ loại du khách nước ngoài. Còn khu Bùi Viện hay « Tây ba lô » cũ giờ hầu như đã trở thành một thứ chợ « Sex », nhát là về đêm, dành cho khách lạ bốn phương muốn biết mùi vị hương xa của lạ Việt Nam, tương tự xóm Pigalle của Paris trước đây. Còn lại, những nơi khác trong thành phố tôi đặt chân tới, đều là những cửa hàng trưng bày khá mỹ thuật, bằng không hầu hết đều là nhà hàng, quán nhậu, quán cà phê, hay quán nhạc karaoké. Về phần khu « Tây ba lô » mới nơi tôi tạm trú, khách sạn và chi cuộc du lịch mọc lên nhan nhản. Một vài nơi tôi ghé lại tham khảo đều được nhân viên tiếp đón nhã nhặn, hướng dẫn tận tình. Vào thăm Chợ Bến Thành, tôi nhận thấy các quày hàng bày biện tươm tất ; đặc biệt là khu dành cho trái cây, ở bên trong cũng như bên ngoài chợ, các loại trái cây được sắp xếp ngay hàng thẳng lối, thứ nào ra thứ nấy nom rất mỹ thuật bắt mắt. Giá cả tương đối ổn định, không quá nói thách bắt khách mua hàng phải mất công trả giá như trước đây. Cũng tại những nơi này tôi ít gặp hành khất và cũng chưa là nạn nhân của một vụ trộm cắp hay cướp giật như lần đầu về, khi Việt Nam mới bước sang giai đoạn mở cửa. Điều này không có nghĩa là các tệ nạn này không có ở Việt Nam. Nạn móc túi hay cướp giật ở đâu mà chẳng có. Ngay tại Paris, kinh đô của ánh sáng, cũng xảy ra vô số những vụ cướp giật, móc túi, đặc biệt là các hầm métro, các nơi tập trung du khách như Tháp Eiffel, đại lộ Champs Elysée khiến giới hữu trách phải có lời cảnh báo du khách nên thận trọng mỗi khi lai vãng các khu vực này. Tuy nhiên, tôi có cảm giác là tệ nạn xã hội kể trên, ít ra theo cảm nhận của riêng tôi, tại Việt Nam có phần đã giảm đi nhiều. Tôi cho rằng tình trạng cải thiện này là do người dân đã ý thức được rằng mọi phong cách sử xự lịch thiệp, đúng đắn với du khách là để phục vụ cho quyền lợi của chính họ. Càng giở trò chặt chém, lường gạt bao nhiêu, họ càng làm cạn đi nguồn tài nguyên ngoại nhập bấy nhiêu. Tóm lại, về mặt phát triển và hiện đại hóa, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Mức sống người dân trong nước, nói chung, cho thấy có dấu hiệu được nâng cao và cải thiện. Tuy nhiên, niềm lạc quan phấn khởi của tôi trước một hình ảnh tốt đẹp ấy về Việt Nam đã giảm dần để trở thành phần nào quan ngại khi đi sâu vào tìm hiểu về đời sống tinh thần và tâm linh của xã hội Việt.

Cũng như bao người Việt khác sống xa quê hương, và dù nay được mang nhãn hiệu Việt Kiều, tôi không vì thế mà để mất căn cước tính Việt Nam (identité vietnamienne) của mình. Trái lại là đằng khác. Càng sống xa quê hương bao nhiêu, tôi càng luyến nhớ những hình ảnh thân quen của thời thơ ấu cũ : lũy tre xanh đùm bọc thôn xã, cây đa với mái chùa cổ đầu làng, con trâu hiền lành nhai cỏ bên bác nông phu mơ màng say khói thuốc, quán tranh nghèo với cô hàng môi đỏ màu trầu đon đả mời chào khách qua sông… Đó là những hình ảnh tiêu biểu cho một nếp sống bình dị mộc mạc của một đất nước còn chưa phát triển, nhưng không hề lạc hậu vì vẫn duy trì được một truyền thống văn hóa cao đẹp. Tiếc thay những hình ảnh đẹp đẽ đó, cũng như truyền thống văn hóa cao đẹp đó đang ngày thêm xóa mờ. Nay ai có trở về thăm Việt Nam, chắc khó tìm ra được một lũy tre xanh tại những vùng quanh các đô thị lớn. Ngay cả ngôi chùa cổ với vị sư già hiền từ trong tấm áo nâu sòng bạc màu cũng khó lòng tìm lại. Thay vào đó là những đền đài sơn son thiếp vàng với những bậc « cẳng tu » (xin được dùng chữ nôm thay hai chữ « chân tu » lai Hán), ăn mặc lòe loẹt như diễn viên phường chèo, mỗi tuần chay lại tổ chúc đại nhạc hội « karaoké » lên bục cầm micro hát « Ai cho tôi tình yêu » gọi là để làm công tác xã hội gây chùa. Không chỉ có vậy, các bậc « cẳng tu » ấy còn dụng ý biến các ngôi chùa hoành tráng mới dựng lên thành một môi trường kinh doanh. Lợi dụng lòng tín ngưỡng của khách thập phương, họ đã làm sống lại những hủ tục dị đoan đã một thòi bị xóa bỏ như tục đốt vàng mã, lễ cầu siêu, lễ cầu an, lễ giải hạn v.v…(Coi bài của Trần Văn trên Đài VOA ngày 13-2-2019). Lẽ dĩ nhiên những buổi lễ cúng kiến linh đình ấy chỉ dành cho những thành phần có máu mặt, nhiều tiền của. Càng bỏ tiền cúng dường để phô trương sự giàu sang, quyền thế của mình bao nhiêu, họ càng được trọng đãi bấy nhiêu. Còn đám dân nghèo làm ăn chân chỉnh, đến chùa vào những dịp lễ hay ngày rằm, để mong được sống với niềm tin tôn giáo, khó mà mon men tới được các chốn ấy, nếu không muốn nói là bị gạt ra bên lề. Về mặt tâm linh tín ngưỡng còn bị sa đọa như vậy, thế còn đời sống tinh thần đặc biệt về  mặt sinh hoạt văn học, nghệ thuật thì sao ? Càng đi sâu vào tìm hiểu, tôi càng có cảm giác trong nỗ lực đổi mới để phát triển và tiến bộ, Việt Nam hay đúng ra là một giai tầng xã hội, đang đua đòi chạy theo nếp sống xa hoa của xã hội tiêu thụ để bị đồng hóa, thậm chí đôi khi còn là tha hóa hơn là hội nhập một thế giới thực sự văn minh tiến bộ.

Hội nhập là khi ta biết thủ đắc cái hay cái đẹp, cái tinh hoa nơi người, biết cách tiêu hóa những thứ đó làm cho cái tinh hoa nơi ta được phát huy, ngày một thêm phong phú, nhưng không vì thế mà làm mất đi cái bản ngã của ta. Trong truyền thống sinh hoạt văn hóa, nhân dân ta đã hai lần chứng tỏ có một khả năng hội nhập cao. Thời kỳ đầu là « một ngàn năm đô hộ giặc Tàu », tức là thời kỳ chịu nhiều ảnh hưởng Hán học. Thời kỳ này, chữ Nho được trọng dụng, nhưng không vì thế tiếng Việt bị lơ là để ngày thêm mai một. Trái lại là đằng khác. Dù chịu ảnh hưởng nhiều của Hán học, nhân dân ta đã khôn ngoan mượn một số từ ngữ Hán kết hợp với một số từ thuần Việt để làm giàu ngôn ngữ, giúp ta tăng cường khả năng chuyển đạt, diễn ý. Để chứng minh, tưởng chỉ cần nhắc đến Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du là đủ. Tuy phỏng theo một truyện cổ Trung Hoa và dựa trên nhiều điển tích Trung Hoa, nhưng tác phẩm lại được diễn tả với tâm hồn Việt Nam dựa trên thể lục bát dân gian cùng với hình ảnh và âm thanh luyến láy gợi cảm. Phải chăng vì vậy mà bất cứ bà mẹ quê nào cũng biết à ới ngân nga dăm ba câu thơ Kiều trong lúc đong đưa chiếc võng ru con ngủ. Và phải chăng cũng vì bản chất tâm hồn Việt Nam ấy nên Truyện Kiều mới được xếp vào hàng di sản văn hóa quốc gia.

Nhưng để trình bày cho cụ thể, đề nghi chúng ta hãy khảo sát bốn câu thơ dưới đây mở đầu cho bài « Chiều hôm nhớ nhà » của Bà Huyện Thanh Quan nói lên nỗi nhớ nhà của một khách tha hương  :

Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn
Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn
Gác mái ngư ông về viễn phố
Gõ sừng mục tử lại cô thôn…

Ngay câu mở đầu, chữ chiều đặt trước chữ trời, tôi cho là có dụng ý hẳn hoi. Ở vị thế đảo ngữ này, chữ chiều hẳn muốn nhắc nhỏ ta rằng chính khoảnh khắc thòi gian (vào lúc chiều tàn) mới là tác nhân làm sống dậy nỗi buồn nhớ nhà nơi tác giả; chứ không phải khung cảnh trời đất của buổi chiều. Tiếp đến, hai chữ bảng lảng gợi cho ta một khung cảnh ánh sáng chập chờn huyền ảo khiến buổi chiều hôm càng khơi dậy nỗi buồn nhung nhớ. Vậy mà về sau, mỗi lần nhắc tới bài thơ, tôi đã vô tình đổi câu thơ thành : Trời chiều thoi thóp ánh hoàng hôn, và rồi quen thói, đinh ninh đó chính là câu thơ của tác giả. Sở dĩ tôi không hề mảy may thắc mắc vì thoi thóp ánh nghe mới hợp tai, hợp nhãn, hợp khẩu vị. Hợp khẩu vị, vì thoi thóp ánh là một hình tượng so sánh đẹp, rất đẹp nên được các tao nhân mặc khách thích vay mượn (cũng như một sô bình luân gia chính trị thích quanh quẩn với một số từ ngữ luận điệu cố hữu). Riết trở thành thói quen, khiến hình tượng mỗi lúc một trở thành sáo mòn ước lệ, để cuối cùng chỉ đem đến cho ta một thứ cảm xạ công thức. Bị sửa đổi như vậy, câu thơ của Bà Huyên Thanh Quan sẽ bị tước đoạt thi tính rất nhiều. Hình tượng thoi thóp ánh đẹp thì có đẹp, đậm nét có đậm nét, nhưng là kết quả của một hoạt động tư duy để mô tả bằng so sánh. Trái lại chỉ có bảng lảng bóng mới nói lên sự tiếp nhận trực tiếp của thị giác, mới gợi cho ta cái ấn tượng ánh sánh chập chờn lẩn khuất vào lúc hoàng hôn chạng vạng. Chính cái cảm giác hãy còn nhập nhòa thiên về gợi cảm hơn là mô tả, cái ấn tượng hãy còn lung linh mờ ảo mà ở đó « cái Mơ hồ được hòa nhập với cái Chính xác » (Où l’Indécis au Précis se joint) mới truyền đạt cho ta chất thơ, theo L’Art poétique của Verlaine. Nhưng cảnh chiều hôm không chỉ được họa bằng ánh sánh và màu sắc. Bức tranh toàn cảnh huyền ảo đó còn được bổ túc bằng thanh âm trong câu hai : Tiếng ốc xa đưa, vẳng trống đồn. Bình thường tiếng ốc (tù và), tiếng trống đều là những âm thanh chát chúa mỗi lần nổi lên. Nhưng nhờ vào các động từ xa đưa, vẳng chúng chỉ còn là những vang vọng xa xôi khiến ta liên tưởng tới một không gian mênh mông trống trải như muốn làm tăng thêm cảm giác cô đơn nơi lữ khách.

Từ toàn cảnh thời gian, không gian trải rộng, ống kính sáp lại gần hơn trong câu ba và bốn để đưa ta trở về với cái không khí an lạc hài hòa của đời sống thôn dã. Gác mái (c.3), gõ sừng (c.4) là những nhóm từ chỉ động tác ; nhưng phần năm chữ còn lại của mỗi câu thơ lại gợi cho ta dáng đi thư thái an nhàn của ông lão đánh cá, cũng như hành động hồn nhiên của đứa bé chăn trâu. Thêm vào đó, cách phân bố cân xứng hài hòa từ lời, từ âm tới mạch điệu (2/5) cũng như hình ảnh, đã tạo cho bức tranh vẻ đẹp của của một cuộc sống an lạc hài hòa thôn dã khiến ta nao nao muốn được, như Proust, làm cuộc hành trình« đi tìm thời gian đã mất » (A la recherche du temps perdu).

Bốn câu thơ trên đây, như chúng ta đều biết, là khổ đầu của bài thơ tuyệt tác theo thể thất ngôn bát cú Đường Thi. Đây là một thể thơ Trung Hoa kinh điển với niêm luật khắt khe, chỉ những bậc thi nhân tài hoa mới làm ra những bài thơ để đời. Sự thành công của bài Chiều hôm nhớ nhà cũng không thoát khỏi qui luật này. Xin được dẫn chứng bằng hai câu thơ dưới đây :

(3) Gác mái,/ ngư ông về viễn phố
(4) Gõ sừng,/ mục tử lại cô thôn)

Có thể nói đây là hai câu thơ thuộc loại tuyệt tác nhất của Bà Huyện Thanh Quan. Tuyệt tác, trước hết bởi vì nó đáp ứng được các đòi hỏi khắt khe của niêm luật cổ thi về mặt đối xứng : nhịp đối nhịp (2/5) ; động tác đối động tác (Gác mái / gõ sừng), từ ngữ đối từ ngữ (ngư ông/ mục tử), hình tượng đối hình tượng (về viễn phố/lại cô thôn)… Tiếp đến là thành tựu của bài thơ về mặt niêm luật cổ thi như vậy không chỉ dành cho các cụ đồ sinh nho vừa ngâm nga vừa nhấp ngụm trà thưởng thức. Nó còn được lưu truyền và phổ biến rộng rãi trong dân gian do bài thơ là bức họa một khung cảnh thôn dã đậm đà bản sắc dân tộc với dáng đi thư thái an nhàn của ông lão đánh cá cũng như động tác hồn nhiên vô tư của đứa bé chăn trâu. Hình ảnh gợi lên quá bình dân gần gũi dến độ các từ ngữ Hán ngày một trở nên quen thuộc để cuối cùng được sử dụng như một thành phần ngôn ngữ Việt (viễn du, viễn khách, viễn xứ, viễn chinh…). Ta có thể nói bài thơ trên đây là thành tựu của sự hội nhập một nền văn hóa cao, nhưng không để bị đồng hóa. Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu đã vậy. Thế còn một trăm năm nô lệ giặc Tây thì sao ?

Dù người Pháp đặt chân tới Việt Nam là nhằm mục đích xâm lược, nhưng nhân dân ta đã không bỏ lỡ cơ hội được tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương để gia tăng nhận thức và mở rộng cảm quan thưởng ngoạn của mình. Khỏi cần nhắc tới Tự Lực Văn Đoàn, hẳn ai cũng biết cả rồi. Tôi chỉ xin trích dẫn vài câu thơ dưới đây trong bài Hổ nhớ rừng của Thế Lữ để có cơ sở kiểm chứng :

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi uống ánh trăng tan ?...
…………………………………………
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?

Cũng là bài thơ nói lên nỗi niềm tiếc nhớ, nhưng bài thơ của Bà Huyện Thanh Quan gợi lên cho ta một bức tranh êm đẹp hài hòa bao nhiêu, thi mấy câu thơ của Thế Lữ lại bày ra trước mắt ta một cảnh tượng man rợ, hung bạo bấy nhiêu. Không chỉ bằng từ ngữ (lênh láng máu sau rừng), mà còn bằng âm sắc và mạch điệu nữa. Thí dụ như câu: Ta đợi chết / mảnh mặt tròi gay gắt. Câu thơ tám chữ, thì năm chữ lại thuộc âm trắc (đợi, chết, mảnh, mặt, gắt); hơn thế hai chữ chết gắt lại được đặt ở vị trí nghỉ hay ngắt nhịp. Cách bố trí mạch điệu này càng làm dấy nơi ta cái cảm giác hung bạo mang bản chất dã thú man rợ.

Hai bài thơ trên đây được sáng tác vào hai thời kỳ khác nhau với hai kỹ thuật diễn tả khác nhau cho thấy chịu ảnh hưởng hai nền văn hóa khác nhau. Nhưng cả hai đều là những bài thơ tuyệt tác. Điều này chứng tỏ nhân dân ta là một dân tộc có nội lực và khả năng hội nhập cao. Nhưng không chỉ riêng có lãnh vực văn chương chữ nghĩa; mà còn cả một số lãnh vực văn hóa, nghệ thuật khác. Xin được bước qua lãnh vực âm nhạc để dẫn chứng. Do sự có mặt của người Pháp, cũng như văn thơ, âm nhạc Việt Nam như được thổi một luồng gió mới đem lại một sinh khí mới với các bản nhạc như Thuyền mơ, Áng mây chiều của Dương Thiệu Tước, hoặc Con thuyền không bến, Đêm thu của Đặng Thế Phong… Toàn là những tiết tấu giai điệu mới mang âm hưởng nhạc thính phòng Tây phương. Bất kỳ ai, khi nghe vọng lên các giai điệu ấy không thể không cảm thây tâm hồn rung động cho được. Đặc biệt là bản Đêm thu của Đặng Thế Phong. Mở đầu là nhịp Slow rồi đến nhịp Valse, toàn là những giai điệu hoàn toàn tây phương. Nhưng với kỹ thuật điêu luyện tiếp thu và bằng rung cảm tâm hồn dận tộc, bản nhạc đã có sức mạnh truyền cảm và gợi cảm không thua gì bản Sonate au clair de lune của Beethoven. Chỉ cần nghe những nốt nhạc vọng lên cũng đủ khiến tôi hình dung ra cảnh tượng một đêm thu, mặt trăng êm ả từ chân trời hiện lên soi sáng cả khu vườn. Tiếp đến là điệu valse nhịp nhàng rộn rã làm tôi liên tưởng cảnh trăng lên tới đỉnh cao ánh sáng rực rỡ, cùng lúc gió bắt đầu trổi lên khiến hoa, lá lao xao lay động như muốn nhảy múa chào mừng ánh trăng. Nhưng có lẽ cũng nên kể thêm một bản nhạc khác hầu như nay đã chìm trong quên lãng, mang tựa đề Ngày xưa của Nguyễn Văn Quý hay Nguyễn Văn Quỳ tôi không nhớ lắm, nhưng vẫn còn nhớ lời mây câu mở đầu như sau : “ Giòng sông Hát ánh trăng mờ chiếu. êm đềm trôi về đến nơi nao. Sóng đưa lăn tăn con thuyền xa bến….”. Cũng với một giai điệu khiêu vũ tây phương, nhưng bằbg một âm điệu nhịp nhàng êm dịu, tác giả đã diễn tả nỗi buồn sâu lắng của mình bên giòng sông Hát khi tưởng nhớ tới hai chị em Bà Trưng đã anh dũng đứng dậy chống quân Bắc xâm lược để trả thù nhà, rồi chọn cái chết để đền nợ nước và bảo vệ thanh danh, tiết hạnh.

Một vài dẫn chứng trên tưởng cũng đủ cho thấy nhân dân ta là một dân tộc bản lãnh và dồi dào khả năng hội nhập. Bản lãnh ở chỗ nhân dân ta, dù phải sống dưới nhiều ách thống trị của ngoại nhân vẫn không quản ngại khó khăn đương đầu đê giành lại chủ quyền cho đất nước. Dồi dào khả năng hội nhập là vì nhân dân ta không bỏ lợi cơ hội được tiếp xúc với các nền văn minh mới, văn hóa mới đã chịu khó học hỏi trau giồi kiến thức, để nâng cao khiếu thẩm mỹ (sens esthétique) và mở rộng cảm quan thưởng ngoạn (jouissance esthétique) ; nhưng không vì thế mà để cho bị đồng hóa. Thế còn Việt Nam ngày nay, với nhiều điều kiện giao tiếp thuận lợi hơn với thế giới bên ngoài, có thực hiện thêm được tiến bộ hội nhập đáng kể nào chăng, hay là chỉ biết chạy theo đua đòi để trở thành bị đồng hóa?

Bị đồng hóa là khi thấy bất kỳ cái gì mới lạ ta đều cho là hay, là đẹp và, do mặc cảm thua kém, ta nhắm mắt đua đòi chạy theo mà không tự vấn những cái mà ta cho là hay là đẹp đó có có cần chế biến cho phù hợp với lục phủ ngũ tạng truyền thống văn hóa của ta hay không. Hay là sự đua đòi bắt chước máy móc mù quáng ấy chỉ đem lại hậu quả là để cho những cái mới lạ đó lần lần lấn át, làm biến đổi cái phẩm chất, cái tinh hoa nơi ta. Đó là hiện tượng đã xảy ra, ngày một thêm phổ biến tại Việt Nam. Trớ trêu thay, hiện tượng này được nhận thấy không phải nơi thành phần đại chúng, mà là thuộc giới trưởng giả, thượng lưu, tựu trung là những thành phần thuộc về thương tầng kiến trúc, theo nghĩa kinh điển của học thuyết mác xít.

Thoạt nghe, nhận định trên có vẻ là một nghịch lý. Bởi vì, ngay dưới hai thời kỳ bị chiếm đóng lâu dài, nhân dân ta đã chẳng chứng tỏ được khả năng hội nhập cao đó sao? Vậy mà ngày nay đất nước chẳng những đã thống nhất, giành được chủ quyền rồi, lại thêm kỹ thuật truyền thông tiên tiến hiện đại, nhân dân ta được tiếp xúc dễ dàng với đủ nền văn minh, văn hóa trên thế giới. Với những điều kiện học hỏi thuận lợi như vậy, nhân dân ta phải càng có thêm cơ hội để hội nhập thế giới văn minh tiến bộ chứ. Tại sao lại nói là có hiện tượng văn hóa suy thoái để trở thành nguy cơ bị đồng hóa?

Muốn có câu trả lời thỏa đáng, có lẽ ta cần trở về với nền tảng giá trị tinh thần và cơ cấu xây dựng tòa nhà Việt Nam. Dân tộc ta có truyền thống tôn trọng phẩm cách con người và lấy phần đóng góp cho lợi ích chung làm tiêu chuẩn đánh giá, nên đã phân định xã hội ra làm bốn thành phần : sĩ, nông, công, thương theo thứ tự từ cao xuống thấp như sau: nhất sĩ, nhì nông, tam công, tứ phú.

- Nhất sĩ: sĩ đây là sĩ phu, sĩ tử, là những người có trình độ học vấn cao, hiểu biết nhiều, dù đỗ đạt được bổ nhiệm làm quan, hay chỉ là ông đồ nho sống ẩn dật lấy văn thơ cùng việc dạy dỗ con trẻ làm niềm vui thú. Nhưng cả hai giới này đều có chung một điểm là lấy hai chữ liêm khiết, chính trực làm phương châm sử thế, nên hết lòng đem vốn kiến thức của mình để khai hóa đất nước, nâng cao trình độ nhận thức cho toàn dân. Bởi vậy họ mới đươc tôn lên hàng thượng lưu xã hội,

- Nhì nông: nhà nông, dưới con mắt người đời, thường bị coi là quê mùa cục mịch, không biết dùng lời hoa mỹ nên bị liệt vào hạng cùng đinh xã hội. Không lấy làm buồn, người nông dân vẫn chăm lo công việc đồng áng, và dành những lúc được nghỉ ngơi để tâm tình bàu bạn với con trâu bằng những lời lẽ chân quê mộc mạc, vậy mà nay đọc lại, tôi thấy sao đậm đà chất thơ:

Trâu ơi, ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ lúa chín đầy đồng
Ta ra ngoài ruộng lấy rạ trâu ăn.

(Theo Quốc văn giáo khoa thư)

Mải chăm lo công việc đồng áng và chỉ biết tâm tình thủ thỉ với con trâu, bác nông phu đâu có ngờ rằng xã hội truyền thống của ta lại xếp bác vào bậc hai, chỉ sau giới thượng lưu trí thức. Lý do cũng dễ hiểu thôi, nước ta vốn là một nước nông nghiệp, mà bác nông dân lại là thành phàn có công đóng góp lớn nhất vào việc cung cấp lương thực cho cả nước. Sự quí trọng vai trò xã hội của người nông dân còn được biểu lộ qua câu hát vần vè trong dân gian như sau

Nhất sĩ nhì nông,
Hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ.

- Tam công: công đây là thợ thủ công nghệ, những người làm việc bằng tay chân, nhưng không thuộc thành phần nông dân, như thợ mộc, thợ nề, thợ chăn tầm dệt vải, thợ vẽ, thợ điêu khắc v.v… Thành phần này được xếp vào hạng ba trong bậc thang xã hội bởi vì việc làm của họ không chỉ hữu ích cho xã hội, mà còn đóng góp phần nào cho bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc qua các công trình xây cất đền đài, những bản điêu khắc chạm trổ, những tấm tơ lụa, những bức tranh Đông Hồ…

- Tứ phú: phú đây là phú thương, phú hộ, tức là thành phần xã hội làm giàu chỉ nhờ vào buôn bán, hoặc là những tay điền chủ, đại điền chủ sống nhàn hạ trên lưng các nông dân nghèo khó phải làm thuê cấy mướn cho họ. Tuy là thành phần có tiền có của được ăn trên ngồi trốc thiên hạ, những họ bị liệt xuống hạng cùng bậc thang xã hội, bởi vì sự giàu sang của họ không giúp ích được gì cho xã hội, nếu không muốn nói tiền của đó đôi khi chỉ là thành quả của mánh lới làm ăn lươn lẹo hay bóc lột sức lao động người khác.

Sự đánh giá và phân định các thành phần xã hội theo bậc thang thứ tự trên cho thấy trong những giai đoạn lịch sử trước đây, xã hội ta là một xã hội nhân bản, chú trọng tới phẩm cách con người. Nhân dân ta không coi trọng quyền lực, danh vọng hay của cải, mà chỉ coi trọng những bậc sĩ phu quân tử, bất kỳ thuộc giai tầng xã hội nào, biết lấy câu “trọng nghĩa khinh tài” và câu “tiên học lễ, hậu học văn” làm đạo đức sống, đồng thời làm tiêu chuẩn đánh giá con người. Phải chăng đặc tính nhân bản này đã giúp nhân dân ta có một sức đề kháng (anti corps) cao, giúp đất nước ta chống trả lại được mọi mưu toan xâm lược, thống trị bất kỳ dưới hình thức nào, dù bằng vũ lực hay văn hóa. Và phải chăng đó cũng là lý do khiến nhân dân ta đă có khả năng hội nhập cao, bởi vì thành phần được coi thuộc về thượng lưu xã hội luôn luôn tìm cách học hỏi để mở rộng kiến, nâng cao trình độ văn hóa của mình để đóng góp hữu ích cho xã hội. Trường hợp mấy câu thơ trong bài “Chiều hôm nhớ nhà” của Bà Huyện Thanh Quan, hoặc trong bài “Hổ nhớ rừng” của Thế Lữ qua hai giai đoạn lịch sử nêu trên, cho thấy sức mạnh đề kháng của nhân dân ta như thế nào, trong khi vẫn nỗ lực bắt kịp trào lưu tiến hóa về mặt đời sống văn hóa và tinh thần. Trong những hoàn cảnh đất nước gặp khó khăn như vậy, nhân dân ta không chỉ biết bảo tồn mà còn phát huy được bản sắc dân tộc để vươn lên theo kịp đà tiến hóa nhân loại. Vậy mà với những điều kiện thuận lợi hiện nay, sao lại nói nhân dân ta có nguy cơ bị đồng hóa? Câu hỏi trên thực ra không có gì là nghịch lý cả, nếu ta chịu bỏ công tìm hiểu về các điều kiện hoàn cảnh và thời điểm luồng gió mới được thổi vào, thực chất nó ra sao và do ai đem tới?

- (4) Từ ấn tượng ở đây không theo nghĩa được dùng phổ biến hiện nay ở Việt Nam, Trái lại, xin hiểu theo nghĩa từ impression lần đâu tiên nhà phê bình Leroy dùng để nói lên cảm nhận của ông trước bức họa “Soleil levant” của danh họa Claude Monet, một trong những nhà khai sáng ra trường phái hội họa ấn tượng (L`Impressionimsme) . Leroy dùng từ này để nói lên cái cảm giác bị choáng ngợp trước cảnh tượng bình minh hào quang rực rỡ. Đây chỉ là cảm nhận trong khoảnh khắc, tức thời theo thị giác; chứ không phải là hình ảnh của hiện thực theo nhận định của trí tuệ. Bởi vậy từ ấn tượng không phải lúc nào cũng là một lời ca tụng, khen ngợi; trái lại đôi khi còn là một ngụ ý châm biếm, riễu cợt. Thí dụ như trong câu nói sau “Trên sân khấu, nữ diễn viên danh tiếng một thời ấy, vẫn làm khán giả phải choáng ngợp trước vẻ đẹp ấn tượng của cô ta; nhưng nếu tình cờ được thấy cổ khi vừa thức giấc, chắc ta không khỏi giật mình”. Xin mời đọc thêm bài “ Trường phái ấn tượng hay là ngôn ngữ hội họa sáng tạo” của người viết đã được phổ biến trên một số diễn đàn mạng.

...CÒN TIẾP ...


. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Pháp .