ĐI TÌM CUỐN SÁCH DỊCH ĐÃ MẤT
hay
THẾ SỰ THĂNG TRẦM QUÂN MẠC VẤN
X in phép được làm phiền bà con cô bác, bằng hữu thân quen bài viết mới này để chỉ nói toàn chuyện cũ, đã thế còn bị hơi dài. Của đáng tội, lúc đầu tôi định chỉ viết vài trang thôi để nói về một cuốn sách dịch. Nhưng có lẽ hồi này cái đầu đã bị lão hóa lại thêm chớm bịnh Alzheimer đâm ra suy nghĩ quanh co lẩn thẩn, ăn nói lẩm cẩm càm ràm. Đang câu chuyện này nhảy sang chuyện khác, lấy râu ông nọ cắm cầm bà kia, chẳng đầu voi đuôi chuột ra sao cả. Viết xong đọc lại thấy dài tới mấy chục trang, giật mình tự hỏi làm ăn viết lách kiểu này liệu có ma nào thèm đọc. Nhất là thời buổi truyền thông trí tuệ ảo càng lúc lên ngội khiến chữ nghĩa rẻ hơn bèo. Bộ không thấy là các tiệm sách ngày một rủ nhau uống thuốc ngủ, khiến công nhân nhà in thất nghiệp mỗi lúc thêm đông. Bởi vậy, đã là dân văn minh sành điệu phải biết sắm cho mình cái iphone, ipad loại xịn để tha hồ chí cha chí chát, tuýt toe tuýt toét tối ngày. Có mấy ai dại dột chúi mũi vào trang sách loằng ngoằng những giòng chữ cho thêm nặng cái đầu kèm nhèm đôi mắt. Biết vậy, nhưng lỡ viết rồi biết làm sao đây. Thôi đành liều cho phát tán đại trên mạng, phó mặc số phận cho con vi rút corona quyết định may rui. Ít ra trong cái rủi phải có chút xíu cái may, như trong câu chuyện ông lão mất ngựa ngày xửa ngày xưa ấy mà. Cái may của tôi, nếu có, oái oăm thay lại phần nào do con covid-19 ác ôn đem lại. Cũng như cư dân tại mấy đô thị lớn, cũng nhờ có nó giờ này mới cảm thấy phần nào dễ chịu vì được thở hít chút ít không khí trong lành, thay vì cái không khí bụi bậm ô nhiễm trước đây khi họ còn được phóng xe thả dàn. Sự đời, nhiều lúc ngẫm ra thấy cũng dzui dzui. Nếu không vì nó, con vi rút ác ôn corona ấy, mọi người nơi nơi đâu có bị treo giò cấm cửa. Chả lẽ ai nấy cũng ngồi yên khoanh tay chịu trận để gậm nhấm mối sầu nhân thế, như con cọp của Thế Lữ gầm gừ mãi trông cũi sắt hay sao? Cũng vì thế nên lúc này tôi mới thấy gặp thời cơ đem hàng ra gạ gẫm quí vị. Biết đâu trong lúc đi tìm khuây khỏa, lại chẳng có cặp mắt xanh hay đã kèm nhèm tình cờ ngó thấy. Qui vị nào có nhã ý ghé mắt coi chơi, sẽ được ưu tiên bao trọn gói và bảo đảm toàn bộ bài viết sẽ được gửi tới tận tay quí vị trong suốt thời gian có đại dịch . Xin mời và có lời cảm tạ trước.
Trân kính.
Một ngày giông bão vào dầu tháng 11 năm 2008. Nhân lúc tạt vào Siêu thị sách Minh Châu đường Tạ Quang Bửu, khu Tập thể Bách Khoa Hà Nội để trú bão, tình cờ bắt gặp tại quầy “Văn học nước ngoài” bản dịch cuốn A l’ombre des jeunes filles en fleurs của Marcel PROUST ra tiếng Việt do ông Nguyễn Trọng Định đảm nhiệm và Nhà Xuất Bản Nhã Nam ấn hành với tựa đề Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, tôi vội chụp lấy. Tôi vội chụp lấy, chẳng phải vì đây là bản dịch tập hai của bộ A la recherche du temps perdu là bộ sách của Proust vẫn được người đời ưa nhắc tới, mà vì Marcel Proust còn là tác giả tôi đã biết học làm quen để, mỗi lần trở về với các trang sách của ông, là một làn tôi lại phát hiện thêm được thích thú. Không, lý do khiến tôi không bỏ lỡ cơ hội mua bản dịch cuốn sách của Proust mang về đọc, trước nhất, là để có một ý niệm chính xác hơn về tình trạng dịch thuật ở Việt Nam; tiếp đến vì muốn biết sự ra mắt bản dịch một cuốn sach của Proust sẽ được tiếp nhận ra sao, có gây được âm vang nào trong các giới văn học Viêt Nam, trong nước cũng như ngoài nước.
Trước hết ta hãy bàn về vấn đề dịch thuật. Về mặt này, phần đông các bản dịch trong nước trước đây thường bị dư luận hải ngoại, nói chung, đánh giá là cẩu thả, yếu kém, thậm chí đôi khi còn thể hiện một tinh thần vô trách nhiệm. Điển hình là nhận xét của học giả Trần Thiện Đạo qua hai lần trả lời phỏng vấn của nhà phê bình Thụy Khuê trên đài RFI và được đăng lại trên tạp chí Hợp Lưu số 58 tháng 4&5 năm 2001 và số 82 tháng tháng 4&5 năm 2005. Trong lần trả lời phỏng vấn trên đài RFI – Paris tháng 9-2001, ô. Trần Thiện Đạo, trước tiên, có nhận định là “ Ngoại trừ vài ba nỗ lực hoàn toàn cá nhân như Đoàn Tử Huyến, như Phạm Xuân Nguyên, như Nguyên Ngọc chẳng hạn… thì (ở trong nước) cho đến nay vẫn chưa thấy ai vừa vạch ra, vừa thực thi một phương trình phiên dịch và giới thiệu văn học nước ngoài một cách có hệ thống và có kế hoạch” (HL số 58, tr. 186). Sau đó ô. Trần Thiện Đạo đã dẫn chứng hai thí dụ dịch sai trong bản dịch Chờ đợi Godot theo bản tiếng Pháp En attendant Godot của nhà văn Samuel Beckett, do nhà xuất bản Thế Giới, Hà Nội in. Thí dụ thứ nhất: Trong câu mở đàu kịch bản: Route à la campagne avec arbre , thay vì dịch là Con đường ở nông thôn với một gốc cây, tác giả lại đổi thành Con đường đẫn về nông thôn, có cây. Thí dụ thứ hai : Si on se pendait? Ce serait un moyen de bander, thay vì dịch là Hay ta tự treo cổ ? Đó cũng là một cách để được xuất tinh, người dịch lại chuyển thành Hay chúng mình tự treo cổ ? Đó cũng là một biện pháp để tự kết liễu.(HL số 58, tr. 188). Ngoài hai dẫn chứng « dịch sai », « dịch là phản » này, ông Trần Thiện Đạo còn lên tiếng than phiền về vài tệ nạn khác : Đó là dịch không dựa trên bản gốc mà lại thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác khiến văn bản không những dễ rơi vào tình trạng tam sao thất bổn mà còn khó lột được trọn vẹn tinh thần nội dung tác phẩm. Tệ nạn này đã được ô. Trần Thiện Đạo nêu lên trong bài phỏng vấn thứ hai trên đài RFI ngày 18-9-2004 và được đăng lại trên Hợp Lưu số 82 tháng 4&5 năm 2005. Trong cuộc phỏng vấn nêu trên, ông Trần Thiện Đạo bắt đầu bằng than phiền về việc Hội Nhà Văn Hà Nội vừa trao giải văn học dịch cho một bản dịch không dựa trên nguyên bản tiếng gốc, mà thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác.(HL số 82, tr. 291). Theo nhận dịnh của ông T.T Đạo đây là một việc làm tùy tiện, trái lẽ, gượng ép – hoặc là vì ban giám khảo đã cạn suy (ai đời lại trao giải dịch thuật cho một bản – dịch từ một bản dịch), hoặc là, tệ hơn nữa, nói thế nào nhỉ…, hoặc là để bốc bạn bè với nhau – điều này cũng thường xảy ra ở nhiều địa hạt khác.(Sdd, tr. 292). Đây là một hiện tượng khá phổ biến vì, cũng theo ô. TT Đạo, rất nhiều sách dịch in ra mấy năm trở lại đây đã được hay bị thực hiện không dựa trên nguyên bản tiếng gốc, mà lại thông qua một bản dịch ngoại ngữ khác. Dịch sách, ngay khi dựa trên bản gốc, nếu không cân nhắc thận trọng đối với cách sử dụng một số câu chữ của tác giả, có thể dễ bị sa vào bẫy dịch là phản. Huống hồ là dịch không dựa trên nguyên bản gốc mà lại thông qua một bản ngoại ngữ dich lại thì dịch, trong trường hợp này, không những có thể là phản, mà có khi còn là diệt nữa (chữ của ô. Đạo).
Thế nhưng sự nghiêm khắc phê phán công tác dịch thuật ở Việt Nam không phải chỉ có vậy. Mở lại trang mạng TALAWAS để lục lọi các bài đã đăng vẫn được lưu trữ trước khi diễn đàn này tự ý ngưng hoạt động, vào mục « Dịch thuật » ta có thể đọc bài viết ngày 17-10-2006 của Magaret Nguyen mang tựa đề : « Cộng đồng Pháp ngữ Việt Nam, lạc quan hay bi quan ? » . Trong bài viết này, ô. Magaret Nguyen đã trưng ra một số hạt sạn lượm lặt trong câu văn chuyển dịch của một số dịch giả. Thí dụ như câu văn của Camus trong Discours de Suède : « …De quel coeur aussi pouvait-il recevoir cet honneur à l’heure où , en Europe, d’autres écrivains, parmi les plus grands, sont réduits au silence, et dans le temps même où sa terre natale connait un malheur incessant ? » , Phạm Toàn đã dịch ra thành : « Thử hỏi anh ta có lòng nào đón nhận vinh quang ấy trong khi ở Âu châu có các nhà văn khác và là nhà văn lớn vẫn đang bị bóp miệng ngay trong lúc quê hương họ vẫn bị bóp miệng triền miên ? ». Cái sai lầm ở đây là người dịch đã đổi tính từ sở hữu số ít (adjectif possessif) sa (terrre natale) để chỉ quê hương của anh ta tức của Camus ra thành leur, tính từ sở hữu số nhiều đê chỉ quê hương của họ tức là quê hương của các nhà văn khác ở Âu châu. Một thí dụ khác là khi Từ Huy dịch câu văn của Kristeva :« Mais profondément, c’est bien une Francaise que vous accueillez en moi, que ce soit une européenne » ra thành « Nhưng sâu xa, chính là quí vị đón nhận một phụ nữ Pháp ở trong tôi, đó chính là môt phụ nữ Châu Âu đã Pháp hóa. » Sai lầm ở đây là cụm từ que ce soit phải dịch thành dù rằng đó là hoặc cho dù có là chứ không thể đó chính là theo Từ Huy được. Do đó câu dịch của Từ Huy cần được lại như sau : « Nhưng để diễn tả sâu xa, đúng là một phụ nữ Pháp quí vị đang đón nhận ở nơi tôi, cho dù có là một phụ nữ Âu châu đã được Pháp hóa. ».
Tuy nhiên mấy trích dẫn trên đây mới chỉ nêu lên những sơ suất hay lỗi lầm mà người dịch nếu không để tâm chú ý có thể mắc phải. Sơ suất là những lỗi nhỏ khi dịch sai do người dịch lơ là mẹo văn phạm, hoặc hiểu sai nghĩa của từ hoặc của một nhóm từ mà tác giả cố ý dùng để tạo dấu ấn cho văn phong hoặc kỹ thuật diễn tả của ông. Nếu là những câu văn thường, thì những sơ suất này có thể tạm bỏ qua vì chúng không ảnh hưởng tai hại tới nội dung ý nghĩa văn bản, hay đúng ra là câu truyện kể trong tác phẩm. Riêng đối với các tác phẩm có giá trị văn học nghệ thuật cao được thừa nhận là di sản văn hóa quốc tế, thì đòi hỏi về chuẩn xác trong dịch thuật phải khe khắt, triệt để hơn. Đặc biệt với một số từ chủ chốt hay một số câu văn chủ chốt (mot clef ou phrase clef), tác giả sử dụng với dụng ý. Các trường hợp này, mọi từ ngữ dịch không phản ánh được dụng ý của tác giả sẽ khiến người đọc hiểu lầm hoặc không nắm đúng được nội dung thông điệp tác giả muốn truyền đạt. Trong bài viết « Dịch là phản ? » (1), nhân bàn về bản dịch truyện « L’Hôte » trong tập « L’exil et le royaume » của A. camus, chúng tôi đã có dịp chứng minh khi một bản dịch không dựa trên nguyên tác mà trên một bản văn được dịch lại đã dẫn đến hậu quả tai hại cho người thưởng ngoạn muốn hiểu biết về nghệ thuật diễn tả cũng như về nội dung tư tưởng của Camus như thế nào. Trường hợp này, dịch nhiều khi không chỉ có là phản mà thôi ; đôi khi, dịch còn là diệt nữa (để mượn lời của ông Trần Thiện Đạo). Bởi vậy, theo tôi nghĩ dịch sách, nhất là các tác phẩm có giá trị văn học quốc tế, là một việc làm khó khăn tế nhị. Nó đòi hỏi nơi người thực hiện công tác, không chỉ sự am tường rành rọt về ngôn ngữ văn bản gốc lẫn tiếng mẹ đẻ, mà còn một trình độ văn hóa cao nữa. Có thế người dịch mới mong biến công tác dịch thuật thành một công trình văn hóa đóng góp cho việc mở rộng kiến thức và nâng cao trình độ thưởng ngoạn của người đọc.
Giờ ta hãy trở về với bản dịch mang tựa đề Dưới bóng những cô gái tuổi hoa của ông Nguyễn Trọng Đinh. Như chúng ta đều biết, Marcel Proust là nhà văn Pháp được cả thế giới ngưỡng mộ với tác phẩm lẫy lừng « A la recherche du temps perdu » của ông. Tác phẩm dài trên ba ngàn trang và được phân thành bảy tập truyện với bảy tựa sách khác nhau. Cuốn sách « Dưới bóng những tuổi hoa » là bản dịch tập hai mang tựa đề A l’ombre des jeunes filles en fleurs trong toàn bộ truyện của Proust. Cũng là trường thiên tiểu thuyết, nhưng A la recherche du temp perdu lại không thuộc loại các bộ truyện tiểu thuyết xã hội dễ dàng câu độc giả như bộ truyện La Comédie humaine của Balzac hay Les Rougon-Macquart của Emile Zola nhờ vào các tình tiết gút mắc éo le, hay các nhân vật nổi bật do đậm đặc cá tính. Tuy cũng cho ta một bức tranh toàn cảnh xã hội, nhưng bộ truyện của Proust lại không nhằm chủ đích mô tả các cảnh đời hay thuật lại câu chuyện các mảnh đời. Khác với các nhà văn thế hệ trước ông, Proust lại muốn biến khung cảnh xã hội của ông thành môi trường khảo sát và nghiên cứu để từ đó ông tìm ra ý nghĩa đích thực cho cuộc sống bản thân. Đó chính là cái đã tạo nên giá trị văn học cho tác phẩm của ông, khiến nó được liệt vào hạng di sản văn hóa của loài người. Nhưng đây không phải là đề tài để đem ra thảo luận cho bài viết này. Tôi mong sẽ có dịp đi sâu vào vấn đề hơn trong một bài viết sắp tới. Điều tôi muốn nêu ra trong bài viết dưới đây là có nên coi bản dịch của ông Nguyễn Trọng Định như là một đóng góp văn hóa đáng kể nhằm giới thiệu tác phẩm của Proust với độc giả Việt Nam. Hay, nói khác đi, bản dịch có đáng tin cậy không, nghĩa là ông Định có phạm phải những sai lầm đã nêu trên như « dịch là phản » hay « dịch là diệt » khiến, chỉ riêng về mặt hình thức, bản dịch đã làm giảm trị văn học cuốn sách của Proust.
Nhưng trước khi đi vào đánh giá bản dịch A l’ombre des jeunes filles en fleurs của ông Nguyễn Trọng Định, tôi xin phép được có vài hàng để nói sơ qua về mối tương quan gai góc giữa tác giả Marcel Proust với giới độc giả. Chỉ riêng về diện này, ta có thể nói Proust nằm trong số các nhà văn hiếm hoi chọn độc giả, chứ không thuộc loại nhà văn được độc giả ưa thích đọc. Chọn độc giả, vì Đi tìm thời gian đã mất không thuộc loại sách dành cho giới độc giả dễ dãi lấy chuyện đọc sách làm thú vui văn nghệ giải trí, hoặc do hiếu kỳ muốn biết cuốn sách có gì đặc sắc mà sao lại được ca tụng đến thế. Đối với thành phần độc giả này Proust, do văn phong của ông, cũng đủ khiến họ chỉ mới đọc qua vài trang, thậm chí vài dòng đã vội tính đường « chạy mặt ». Nhận định trên đây chỉ muốn nêu lên một thực tế, chứ không hề mang dụng ý xúc phạm hay bỉ thử nào. Những ai có làm quen với văn học Pháp chẳng lạ gì cái tên André Gide, nhà văn của thế kỷ 20 từng được trao giải thưởng văn học Nobel. Thời còn làm « lecteur » cho Nouvelle revue Française hay Gallimard ngày nay, tức phụ trách công việc tuyển lựa tác phẩm để nhà xuất bản cho ấn hành, Gide đã loại bỏ tập A l’ombre des jeunes filles en fleurs của Proust, sau khi mới đọc vài chương. Về sau, trong một lá thư gửi cho Proust và N.R.F ngày 11 Janvier 1914, A, Gide đã phải nhìn nhận lỗi lầm của mình bằng những lời lẽ như sau : « Sự từ chối cho in cuốn sách này sẽ là sai lầm nghiêm trọng nhất của N.R.F và (tôi lấy làm hổ thẹn vì có trách nhiệm lớn trong vụ này) cũng là một trong những hối tiếc, những ân hận cay đắng nhất trong đời tôi. » (« Le refus de ce livre restera la plus grave erreur de la N.R.F et ( car j’ai cette honte d’en être beaucoup responsable) l’un des regrets, des remords les plus cuisants de ma vie » Proust : A la recherche du temps perdu, tome I, collections Bouquins, Editions Robert Laffont, 1987 ; Introduction, p. XXXII).
Chỉ nội đến với Proust để đọc không thôi cũng đã trần ai như vậy, nói chi đến việc dịch toàn bộ cuốn sách. Ta có thể sánh mỗi trang sách của ông như một khu rừng già rậm rạp, mà mỗi câu văn là một gốc cây đại thụ với rễ mọc tứ phía chằng chịt xoắn xít lấy nhau. Bởi vậy độc giả nào có ý mạo hiểm vào chốn đó, chẳng mấy chốc đã muốn lùi bước vì cảm thấy sẽ bị lạc lối trước khu rừng xum xuê um tùm ấy.
Tuy nhiên, sau khi đọc bản dịch của ông Định và đối chiếu một số đoạn với nguyên tác, tôi cảm thấy an tâm phần nào. Tôi không dám quả quyết rằng bản dịch là hoàn hảo ; nếu chịu khó bỏ công tìm kiếm hoặc cố tình vạch lá tìm sâu, rất có thể ta sẽ nhặt được một vài hạt sạn. Tuy nhiên một vài hạt sạn đó, nếu có, tôi không tin là chúng có thể lật đổ nổi cỗ xe, tức là làm tổn hại tới phần đóng góp của công tác dịch thuật về mặt văn học nghệ thuật. Qua đối chiếu một số trang dịch với nguyên tác, tôi cảm thấy người dịch chứng tỏ có nội lực, rằng ông ta không chỉ am tường tiếng của văn bản gốc lẫn tiếng mẹ đẻ, mà còn nắm vững khả năng diễn đạt đặc thù của mỗi thứ tiếng đó nữa. Tôi xin minh chứng bằng ngay câu văn mở đầu cho cuốn sách của Proust như sau : (« Ma mère, quand il fut question d’avoir pour la première fois M. de Norpois à dîner, ayant exprimé le regret que le professeur Cottard fût en voyage et qu’elle-même eût entièrement cessé de fréquenter Swann, car l’un et l’autre eussent sans doute intéressé l’ancien Ambassadeur, mon père répondit qu’un convive éminent, un savant illustre, comme Cottard, ne pouvait jamais mal faire dans un dîner, mais que Swann, avec son ostentation, avec sa manière de crier sur les toits ses moindres relations, était un vulgaire esbroufeur que le marquis de Norpois eût sans doute trouvé, selon son expression, « puant. » M. Proust : A l’ombre des jeunes filles en fleurs - Livre de Poche, Gallimard 1954, p.5 ). Thú thật, giả dụ có ai đó nhờ tôi dịch câu văn này và là lần đầu tiên tôi được thấy, chắc chắn tôi phải đọc đi đọc lại nhiều lần may ra mới nắm được ý câu văn lằng nhằng giây mơ rễ má ấy. Và dù có nắm được ý của toàn câu văn, chưa chắc tôi đã kiếm được lời trình bày gãy gọn để giúp người nghe hiểu được đại khái câu văn ý muốn nói lên điều gì. Và sau đây là phần dịch ra tiếng Việt của ông Nguyễn Trọng Định : « Lần đầu tiên bố mẹ tôi bàn việc mời ông de Norpois tới ăn tối. Mẹ tôi ý tiếc giáo sư Cottard đi du lịch vắng, đối với Swann thì bà đã hoàn toàn cắt đứt quan hệ ; giá có hai vị này thì chắc hẳn ngài cựu Đại sứ thích thú lắm. Bố tôi bảo, một vị khách vĩ đại, một nhà bác học trứ danh như Cottard không bao giờ có thể thất thố trong một bữa ăn tối, còn với lối phô trương, cái cung cách hễ quen biết ai là oang oang nêu danh người ta lên, Swann chỉ là một tay khoe mã tầm thường mà ắt hẳn hàu tước de Norpois sẽ cho là « thối hoắc » theo lối nói của ông. » (Marcel Proust : « Dưới bóng những cô gái tuổi hoa » -Nguyễn Trọng Định dịch - Nhã Nam, Nhà xuất bản Văn Học, tr.9 – 2008)
Vậy là đoạn văn Việt trên đây gồm ba câu chỉ là sự chuyển dịch một câu văn độc nhất của Proust. Tuy nhiên người dịch, ông Nguyễn Trọng Định, đã không chỉ dịch máy móc theo từ ngữ (traduire littéralement) ; trái lại ông đã phân bố câu văn của Proust thành nhiều câu ngắn hơn - không phải để sửa lại văn của Proust-, mà để dịch cho được thoát ý bằng những câu văn ngắn cho sáng sủa, với những thành ngữ quen thuộc tiếng Việt để thay thế lối diễn tả của người Pháp.Td : « mal faire » (thất thố) ; « crier sur les toits ses moindres relations » (oang oang nêu danh người ta lên)… Điều này cho phép tôi tin tưởng phần nào bản dịch của ông sẽ không phương hại tới giá trị nội dung văn học tác phẩm của Proust. Chỉ riêng về mặt này thôi, cũng đủ cho thấy ông Định đã không ngại bỏ công để khuyến khích độc giả tiếp tục cuộc phiêu lưu mạo hiểm vào khu rừng già, tức bản dịch cuốn sách của Proust. Tuy nhiên , đánh giá khả năng dịch thuật của người dịch không phải là mục đích chính của tôi. Động cơ chủ yếu khiến tôi vội chộp lấy cuốn Dưới bóng những cô gái tuổi hoa, là do niềm hân hoan phấn khởi thấy một tác phẩm văn học giá trị quốc tế, từng được dịch ra hàng chục thứ tiếng trên thế giới, nay được đem ra giới thiệu với độc giả Việt Nam (2). Tôi tò mò muốn biết tác phẩm sẽ được tiếp nhận ra sao, và tin tưởng, không ít thì nhiều, nó sẽ được người đời chiếu cố. Về phản ứng trong nước, vì tôi phải trở lại Pháp ngay sau bữa đó nên tôi không có điều kiện theo dõi để được biết bản dịch của ông Nguyễn Trọng Định có được đón nhận nhiệt tình hay không. Thế còn văn học hải ngoại phản ứng ra sao ?
Tính từ ngày cuốn sách ra mắt (2008) tới nay, đã dược trên mười năm rồi. Thế nhưng, qua sự theo dõi của tôi, ít ra cũng trong giới hạn tìm kiếm của bản thân, tôi có cảm giác là, về mặt này, « mặt trận miền Tây có vẻ còn yên tịnh lắm thì phải » (3). Như đã trình bày ở trên, các nhà làm văn học hải ngoại thời gian qua, đều quan tâm, không ít thì nhiều, tới sinh hoạt văn hóa trong nước, nhất là về mặt dịch thuật. Thế mà trước một công trình dịch thuật của ông Định, nhất là để giới thiệu với độc giả Việt Nam một cuốn sách trong bộ truyện Đi tìm thời gian đã mất khiến Proust được tôn vinh là « nhà văn Pháp có tác phẩm được dịch và được biết đến nhiều nhất trên thê giới » (lời giới thiêu của nhà xuất bản trên mặt hai bia sách), dường như lại không có ai nhắc nhở tới, chứ đừng nói đến bình phẩm. Tôi cho thái độ dửng dưng này là một hiện tượng đáng buồn và đáng tiếc.
Quan tâm tới tình hình dịch thuật nhằm giới thiệu các tác phẩm văn học quốc tế có giá trị, theo tôi, là cần thiết và đáng hoan nghênh. Bởi vì chỉ những bản dịch được thực hiện với trình độ hiểu biết và ý thức trách nhiệm mới đóng góp hữu ích cho công cuộc truyền bá văn hóa nước ngoài, nghĩa là giúp cho người đọc mở rộng kiến thức hoặc nâng cao trình độ thưởng ngoạn văn chương nghệ thuật của mình. Tuy nhiên đòi hỏi một bản dịch hoàn chỉnh, chỉ mới là diều kiện ắt có hay tất yếu, chứ còn chưa được coi là đầy đủ. Điều quan trọng không phải chỉ đánh giá khả năng dịch thuật, mà còn cần nêu rõ phẩm chất văn chương, hay giá trị tư tưởng của tác phẩm được dịch ra sao. Có thế, sự quan tâm của ta về một bản dịch được thực hiện với tinh thần hiểu biết và ý thức trách nhiệm, mới thực sự đóng góp hữu ích cho công cuộc truyền bá văn hóa nước ngoài. Phản ứng của các giới văn học hải ngoại đã vậy, thế còn trong nước bản dịch của ông Nguyễn Trọng Định có nhận được hưởng ứng nào chăng ?
Tháng 10 năm 2018, tôi mới trở lại Việt Nam, mục đích chính là để thăm bà dì ruột ở Đà Lạt, nay đã ngoại cửu tuần. Tiếp đến, tôi cũng muốn nhân dịp tìm kiếm cho cho riêng mình một cái nhìn mà tôi mong là đúng đắn hơn, xác thực hơn về một Việt Nam đang đổi mới, so với những hình ảnh cực kỳ tương phản còn được chuyển tải trên các trang mạng. Sau cùng, tôi tò mò muốn biết bản dịch của ông Nguyễn Trọng Địch ra sao, liệu có được trong nước dành cho một số phận khấm khá hơn so với các giới văn học hải ngoại.
Vậy là trên mười năm đã trôi qua từ khi tôi có trong tay bản dịch mang tựa đề Dưới bóng những cô gái tuổi hoa của ông Nguyễn Trọng Định do Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn, Nhã Nam phát hành.
Mười năm nước chảy qua cầu… Mười năm để mưa rơi rơi xóa bao lối đi mòn…Mười năm mưa rơi rơi, để
ngày trở lại có được thấy những điều mình vẫn chờ trông ?
1. - Bài Dịch là phản ? Của người viết đã được đăng tải trên một sô diễn đàn mạng.
2.- Bộ A la recherche du temps perdu đã được một số quốc gia Á châu như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài loan dịch thuật không nói làm chi, tôi chỉ xin nêu trường hợp ông Jo Yoshida (1950- 2005) để thấy ngay từ thế kỷ trước người Nhật đã chú ý tới bộ truyện nổi danh của Proust như thế nào. Tốt nghiệp tiến sĩ văn chương đại học Sorbone Pháp, nhưng ngay khi còn là sinh viên, Yoshida đã say mê Proust và bỏ nhiều thời gian để sưu khảo về Proust. Và cũng do công trình sưu tầm của ông, nên Yoshida đã được nhà xuất bản Gallimard mời cộng tác với giáo sư Jean Yves Tardie cho ấn bản toàn tập A la recherche du temps perdu trong Tủ sách La Pleiade ( Bibliotheque La Pleiade) , như chúng ta đều biết, là thuộc loại Tủ sách văn học hiếm quý được thế giới biết tiếng.
Nhưng ở Nhật không chỉ có mình ông Jo Yoshida mới chú ý tới Marcel Proust. Trên trang mạng Le Monde ngày 23-3-2020 có đăng bài của Philippe Pons, mang tựa đề “ A la recherche du temps perdu” en japonais ou l’ art de traduction, để nói về Kazyoshi Yoshikawa một nhà sưu khảo Nhật khác về Proust. Yoshikawa cũng là dịch giả thứ ba bộ A la recherche du temps perdu Proust ra tiếng Nhật. Hoàn tất năm 2019, bản dịch nay đã bán được 177000 cuốn.
3.- Để mượn tựa cuốn A l Ouest rien de nouveau của văn hào Đức Eric Maria Remarque .
...CÒN TIẾP ...