Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






CÓ NÊN ĐẶT VẤN ĐỀ VỀ

KHẢ NĂNG DIỄN ĐẠT CỦA TIẾNG VIỆT ?






T iếng Việt thường được coi là ngôn ngữ thiên về biểu cảm hơn là diễn ý. Sự đanh giá này có lẽ do đặc tính của tiếng Việt là cụ thể, đầy đủ âm sắc rất thuận lợi trong việc sử dụng hình tượng, âm thanh đê diễn tả cảm tình, cảm nghĩ với âm hưởng, sắc thái đặc biệt. Nếu đặc điểm này đóng góp đáng kể cho nghệ thuật thi ca, trái lại, trong trao đổi hàng ngày nó thường được sử dụng dưới hình thức ám chỉ, ví von để gợi ý, tỏ tình, khen tặng một cách tế nhị kín đáo, hoặc để nói bóng gió, nói xỏ xiên với ngụ ý chê bai nhưng không gây mất lòng. Đặc điểm này có thể có thể được coi là sở trường riêng của tiếng và làm nên điều mà ta có thể coi thuộc về thiên tài ngôn ngữ (le génie de la langue) của tiếng Việt. Nhưng tiếc thay cái thiên tài ngôn ngữ ấy, thay vì nên khai thác làm sở trường, người ta lại biến nó thành sở đoản, chỉ đem ra vận dụng trong các trong các giao tiếp hàng ngày, đặc biệt trong cách nói trào lộng hài hước nhằm chê bai nhạo báng, hoặc nói bóng nói gió, nói xỏ nói xiên để khích bác châm chọc. Hậu quả là tiếng Việt bị đánh giá thấp, cho là thiếu khả năng trình bày mạch lạc hay diễn tả thâm trầm sâu sắc. Trong nước, thành kiến này được thể hiện qua thói quen sử dụng chữ nghĩa cẩu thả tùy tiện mà ta có thể phát hiện dễ dàng trên các trang mạng hay trang báo hàng ngày. Trong khi đó, ở hải ngoại, sở đoản này của tiếng Việt lại dược khai thác trong sinh hoạt văn nghệ như là thứ ngôn ngữ châm biếm để chọc cười thiên hạ (Thí dụ như cặp bài trùng MC Nguyễn Ngọc Ngạn – Cao Kỳ Duyên Mai với những mẩu chuyện đàn bà ghen tuông trong các băng video Thúy Nga, hay cặp Hoài Linh – Van Sơn nhái giọng Quảng, giọng Bắc trong các cuộng băng Asia … để, mỗi làn, lại đánh thức nơi khán giả toái dự cuộc thâu băng những tràng cười phản xạ ngây ngô). Thành kiến này, chẳng những bị phản bác, lại còn được một vài học giả uyên bác tán đồng.

Trong một bài mang tựa đề “Văn học trong một nước mù chữ” đăng trên tạp chí Hợp Lưu số 38 tháng 12-97 & 1-98, nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc có nhận định về tình trạng nhếch nhác, kém phát triển của văn học Việt Nam. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu là do văn học Việt Nam mang đặc tính truyền khẩu nhiều hơn là thành văn. “Khuynh hướng truyền khẩu này, (néu) một mặt hát triển tính chất cụ tượng trong tiếng Việt,(thì) mặt khác,lại làm giảm bớt tính chất duy lý trừu tượng của nó... Điều này khiến chúng ta không những không có một nền triết học hoàn chỉnh mà cũng không có, hoặc có rất ít, những thể loại văn học thiên về tư duy trừu tượng như văn, biên khảo, lý luận và phê bình văn học.” (Bdd, HL số 38, tr.74). Tiếp theo đó, ông Nguyễn Hưng Quốc còn tìm cách giải thích nguyên nhân tình trạng kém cỏi này trong một bài viết chung với ông Hoàng Ngọc Tuấn mang tựa đê “ Viết, giữa truyền thống và nhu cầu sáng tạo” đăng trên tạp chí VĂN số 37&38, tháng Giêng&Hai -2000 (tr.13-30). Theo nhận định của hai học giả trên, văn học nước ta sở dĩ trì trệ, không phát triển dược, trước hết do tiếng Việt là thứ ngôn ngữ thực dụng chỉ thích hợp cho thói quen “ nói bóng gió, nói cạnh nói khóe; ngay cả khi chửi nhau cũng thích xỏ xiên hơn là đốp vào mặt.” (Bdd, Văn số 37&38, tr.14). Tệ hại hởn nữa, hai ông Quốc và Tuấn còn cho rằng “tiếng Việt đã được gìn giứ và phát triển và phát triển với tư cách là ngôn ngữ của một dân tộc nô lệ” (Bdd, tr.17). Và, với một ngôn ngữ nô lệ như thế, ta khó mà xây dựng được một nền văn học có tầm vóc quốc tế; bởi vì, theo hai ông: “ ...ở một phương diện nào dó, trước khi viết ra một bài thơ hay bài văn, chúng ta đã bị viết bởi chính cái ngôn ngữ mà chúng ta đang sử dụng. Chúng ta là tác phẩm của ngôn ngữ trước khi và trong khi là tác giả. Điều này giải thích tại sao phong cách của một người viết khác nhau khi họ sử dụng hai ngôn ngữ khác nhau: sự khác nhau ở đây không xuất phát từ cá tính hay trình độ của người viết mà củ yếu xuất phát từ ngôn ngữ.”(Bdd, tr.26).

Theo tôi đây là một nhận định chủ quan có phần nào vội vã. Rất có thể hai ông Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn đã ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lời phát biểu của một sinh viên mà hai ông đã trích dẫn trong phần mở đàu cho bài viết: “Viết văn bằng tiếng Việt mà viết rõ ràng như tiếng Anh... thì dở lắm thầy ơi.”(Bdd, tr. 14). Tôi cho rằng đây là một ngộ nhận đáng tiếc dễ đến sự rẻ rúng tiếng Việt, coi nó không phải là thứ ngôn ngữ có khả năng đáp ứng cho nhu cầu sáng tạo. Có thể nhận định này của hai ông Quốc và Tuấn xuất phát phần nào do hiện tượng tiếng Việt đang bị một số người trong nước, đặc biệt là giới truyền thông hay viên chức cửa quyền, sử dụng cẩu thả, vô ý thức nhằm khoe khoang chữ nghĩa hợm hĩnh mà thôi. Trong khi đó, các thế hệ con cháu người Việt ở hải ngoại ngày càng lơ là bỏ rơi tiếng mẹ đẻ. Riêng với các em muốn theo đuổi sự nghiệp văn chương, dường như đang có phong trào khuyến khích các em nên viết thẳng bằng thứ tiếng quốc gia nơi các em trưởng thành, làm như chỉ sáng tác bằng tiếng nước người, các em mới phát triển được tài năng của mình.

Ngôn ngữ là công cụ của nhà văn, cũng như cây cọ, màu sắc với họa sĩ hay búa, đục với nhà điêu khắc. Nhà họa sĩ, nhà điêu khắc dẫu thiên tài, nếu thiếu dụng cụ tinh vi, cũng không thể hiện được hết tài năng sáng tạo của mình. Ngược lại, một nghệ sĩ nghiệp dư bất tài, cho dù có sắm được bộ đồ nghề tinh xảo nhất, cũng chỉ làm ra những tác phẩm tầm tầm mà thôi. Ngày nay tiếng Pháp được coi là ngôn ngữ của một nền văn hóa cao. Nhưng trong suốt thời kỳ Trung cổ (Moyen Âge) tiếng Pháp bị hàng giáo phẩm và giới viện sĩ rẻ rúng, coi là ngôn ngữ tầm thường, dung tục chỉ dành cho giới bình dân thất học mà thôi. Khi cần soạn bài giảng hay viết sách, các giới này đèu thảo bằng tiếng la tinh. Phải chờ tới thời Phục Hưng (La Renaissance) khi Du Bellay, đại diện cho thi đoàn La Pleiade soạn ra bản tuyên ngôn “Défense et Illustration de la langue francaise” , tiếng Pháp mới được đưa vào trước tác, và từ đó công hiến cho kho tàng văn học thê giới không ít tác phm có giá trị. Qua gương nhóm La Pleiade, chúng ta có thể nêu câu hỏi: Tiếng Việt liệu có là công cụ hữu hiệu cho phép nhà văn, nhà thơ phát huy được tài năng sáng tạo của mình hay không? Hay, để làm nên những tãc phẩm có tầm vóc quốc tế, chúng ta phải kêu gọi tới sự chi viện của các lý thuyết văn học ngoại lai, hoặc cầu viện tới một thứ tiếng nước ngoài? Theo đánh giá của tôi, tiếng Việt không chỉ giỏi về khoa ăn nói ngụ ý, hàm súc hay chua ngoa móc méo đâu. Trái lại, nếu ta chịu khó suy nghĩ đắn đo, cân nhắc thận trọng trong cách chọn lọc sử dụng từ, ta sẽ thấy tiếng Việt thừa khả năng đáp ứng yêu cầu phân tích chính xác hay diễn đạt tư duy trừu tượng chắc gì các ngôn ngữ được coi thuộc loại trí tuệ nhất đã qua mặt nổi.

Cách đây khá lâu tôi có người quen đi Việt Nam về mua tặng cuốn “Nguyễn Bính, thơ và đời” của nhà Xuất bản Văn Học Hà Nội – 1998. Tôi hoan hỉ đón nhận, xong lại xếp ngay vào tủ sách ở một vị trí khá ưu đãi. Đinh bụng khi nào rảnh rỗi sẽ đem ra đọc. Nhưng rồi mải bận bịu hết chuyện này đến chuyện khác, quên khuấy đi mất. Mãi thời gian gần đây do con vi rút ác ôn Covid-19 bỗng dưng ra tay tác quái, bắt tôi phải nằm nhà. Trong lúc buồn tình, tôi mới nghĩ kiếm một cuốn sách đọc chơi để giải sầu. Vừa mở tủ sách, không hiểu sao như có ai hướng dẫn bàn tay tới hàng kệ có xếp cuốn sách về Nguyễn Bính, và tôi cũng ngoan ngoãn cầm lấy. Tôi cho rằng đây là một phản xạ thuộc về chức năng nhằm đáp ứng một nhu cầu ngấm ngầm của cơ thể. Có lẽ mấy ngày qua tôi đã quá oải với cái không khí ô nhiễm trên mạng do các cuộc đấu đá vận động tranh cử phe phái đang diễn ra bên Mỹ. Ở đó, trong cùng một cộng đồng di dân với nhau, bên nào cũng chọn lời đẹp đẽ mặn nồng nhất để âu yém tỏ tình với nhau, làm đầu óc tôi đâm mệt phờ. Có lẽ vì thế tôi đâm hoài niệm đôi ba vần thơ trong sáng bình dị để tâm thần phần nào được thư giãn (cũng như cái bao tử của ta, có lúc anh ách do thừa mứa các món chiên sào béo bổ, bỗng dưng đâm thèm một bữa rau muống luộc chấm tương bần, lại có thêm bát nước rau vắt chanh tươi để khi được húp vào, khiếp, mới thấy nó mát cái ruột làm sao!). Tình cờ mở sách rơi đúng trang 34-35, gặp bài thơ mang tựa đề “Chân quê”, thấy gần gũi thân quen nên quyết định đọc chơi. Vì chỉ có ý đọc chơi nên tôi sẽ không đọc với cặp mắt hau háu của nhà phê bình để phân tích, phảm bình giá trị thi tính của bài thơ. Trái lại, tôi sẽ đọc rát buông thả, để mặc cho trí tưởng tượng nương theo câu chữ, vần điệu à ới mà tự do bay bổng, như hồi còn là thằng cu tí mặc quần thủng đít tóc để chỏm trái đào, những lúc nằm rúc nách mẹ tôi, một tay ngón cái đút miệng, tay kia rờ tí mẹ, cặp mắt liu riu theo tiếng võng đong đưa kẽo kẹt và, tùy theo lời ru của mẹ : khi thì “cái ngủ mày ngủ cho ngoan”, khi thì “em ơi! Em ở lại nhà…” lang bang nhớ tới các mẩu chuyện, lúc thì Thạch Sanh, lúc thì “Cô gái quàng khăn đỏ”, lúc thì “Công chúa ngủ trong rừng”… để rồi ngủ quên lúc nào không hay. Vật là tôi đã chọn đọc Chân quê không phải như là một bài thơ, mà như là nghe kể một câu chuyện bằng văn vần theo truyền thống một dân tộc, mà thực chất, theo nhận định của ông Nguyễn Ngọc Tuấn, không phải là một dân tộc thi sĩ, mà chỉ được tiếng huyền thoại vê một nước thơ (Nguyễn Ngọc Tuấn : Huyền thoại về một nước thơ – Hợp Lưu số 18 tháng 8&9 năm 1994, tr. 64-75) :

Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng.

À, ra đây là lời tâm tình kể lể của một anh chàng nông dân ra đón người yêu đi thăm tinh về. Anh hồi hộp mong ngóng lắm, phần nhớ nàng, phần thấp thỏm về chuyến đi của nàng. Ngày nay, người ta từ Mỹ, từ Pháp về thăm Việt Nam cứ xoành xoạch như đi chợ ấy; nhưng ở thời Nguyễn Bính chỉ đầu thôn với cuối thôn cũng cho là xa rồi. Vậy mà nàng lại ra tận tỉnh cơ, là nơi anh nghe có nhiều cám dỗ lắm, làm sao anh không thấp thỏm bồn chồn cho được. Rồi khi thấy bóng ai thấp thoáng trên đê, nhìn vào dáng đi, đúng là nàng. Nhưng bóng người càng đến gần, anh lại đâm ngờ ngợ. Qua dáng đi thì đúng là nàng, nhưng cách ăn vận lại không phải là nàng. Rồi khi nhận ra đúng là nàng, anh bật miệng than:

Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Quan sát nàng từ đầu tới chân, anh tự hỏi:

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Trời đất ơi, thế này có khổ thân tôi không chứ! Em mởi ra tỉnh có một ngày mà đã đua đòi cách ăn vận của dân thành thi. Em mà đi về thêm vài lượt nữa, tranh sao khỏi bị mấy thằng bẻm mép láu tôm láu cá trổ tài tán tỉnh dụ khị em, tìm cách cuỗm em đi để hại đời em. Khi đó anh chỉ có nước ngước mắt lên trời mà than : “Mất em rồi, xa em rồi! Chiều hôm nay trên đê vắng, anh đi về chỉ có anh!”. Và, cho dù một buổi chiều cuối đông mưa dầm gió bấc, nàng có khăn gói quả mướp quay về, thì người đẹp mà anh vẫn trăm nhớ ngàn thương, khi ấy, chắc cũng như bông hoa đã tàn ngụy đã phai mà thôi. Ý tưởng này làm anh quíu quá, nên anh vội lên tiếng nài nỉ bằng lời lẽ bộc trực của một tâm hồn cục mịch:

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

Và để tranh thủ được nàng hơn nữa, anh không ngần ngại cầu viện tới bố mẹ, rồi còn dùng lối nói vần vè dân gian tính mượn sức mạnh quần chúng để gây áp lực :

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê.

Nhưng vừa đọc tới hai chữ “chân quê”, tôi giật mình đánh thót một cái:Thôi hỏng rồi! Cái kịch bản tôi đang tưởng tượng theo trí tưởng tượng, thế là không đứng vững! Phải chi Nguyễn Bính viết câu thơ đó như sau: “Thày u mình với chúng mình nhà quê” thì câu chuyện được xuôi buồm thuận gió biết mấy. Đằng này ông lai chơi khăm, ông định xỏ tôi, ông đi dùng hai chữ “chân quê” nên mới đâm ra rắc rối cái sự đời. Đành rằnh nhà quê hay chân quê đều nói lên bản sắc đồng quê, nhưng chúng lại không đồng nghĩa, vì hai từ ghép này bộc lộ hai tâm trạng biểu lộ hai trình độ nhận thức khác nhau. Nhà quê có thể coi như đồng nghĩa với quê mùa: chúng cùng mang âm hưởng của một sự đánh giá thấp, mọt ngụ ý chê bai dè biểu; đồng thời còn biểu lộ một thái độ an phận, thủ phần. Chân quê, trái lại, là sự kết hợp của chữ “chân” gốc hán với chữ “quê” gốc việt. Mà chữ “chân” khi ghép với một chữ nào đó thành từ, thường đem lại cho chữ được ghép chung một phẩm tính, một giá trị làm cho chữ đó trở nên sáng giá, thí dụ như chân lý, chân chính, chân phương, chân thực, chân chất, chân thiện mỹ... Bởi vậy tôi không tin là từ chân quê có thể được thốt ra từ một nông dân cục mịch như trong kịch bản tôi đang dàn dựng. Thê là mặc dù đa định bụng nghỉ chơi với tri tuệ một bữa, nhận thức này buộc tôi phải đọc lại chăm chú hơn để tìm hiểu ý nghĩa bài thơ cho đúng với quan niệm sáng tạo của Nguyễn Bính.

Nhờ sẵn chủ ý đọc lại với tinh thần cảnh giác, nên vưa gặp chữ “mãi” trong câu : “Đợi em ở mẫi con đê đầu làng”, tôi hửi ngay ra có cái mùi khang khác. Bình thường ta hay dùng chữ mãi làm trạng từ thói gian và chữ tận làm trạng từ nơi chốn, như lời thỏ thẻ sau đây của cô gái với người tình (nghe đâu là một việt kiều cao cờ cũng yêu nước lăm thì phải) :“ Anh hứa đi, anh hứa yêu em mãi mãi đi (và mua tặng em chiếc nhẫn hột xoàn mười li đi), rồi em nguyện sẽ theo anh tới tận góc bể chân trời”. Vậy mà trong câu thơ Nguyễn Bính lại viết: Đợi em ở mãi con đê đầu làng. Vậy là nhân vật hay tác giả câu nói này đã chọn chữ mãi với dụng ý hẳn hoi, nhằm nhấn mạnh tới yếu tố thời gian. Không phải thời gian vật lý mà thời gian tâm lý: chữ mãi gợi cho ta về một sự chờ đợi lâu dài, lâu thiệt là lâu. Nhưng thế nào gọi là lâu? Một giờ hay nửa ngày? Điều này không quan trọng. Khi người ta nôn nóng trông đợi một điều gì thì chỉ cần khoảnh khắc cũng đã thấy lâu rồi. Bằng chữ mãi để chỉ sư sốt sắng nhiệt tình của mình, đồng thời cũng là hình thức kể công, tác giả câu nói nếu không là con cháu ông đồ, chắc phải có ít nhiều lui tới sân Trình cửa Khổng nên mới võ vẽ ăn mày được dăm ba chữ nghĩa thánh hiền. Sự kiện này có thể kiêm chứng dễ dàng nếu ta để ý tới hai chữ rộng ràng ở câu thơ kế tiếp : Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng. Trước hết là cách dùng chữ táo bạo có thê coi như phá thể cách tân của nó: Thông thường ta dùng hai chữ rộn ràng như tính từ bổ nghĩa cho một danh từ chỉ hành động (bước chân rộn ràng) hay với một danh từ để nói lên một tâm trạng (lời ca rộn ràng). Vậy mà trong câu thơ Nguyễn Bính lại viết quần lĩnh rộn ràng. Hai chữ rộn ràng ở đây, ngụ ý nói lên những bước chân rộn ràng bên trong cái quần lĩnh. Cách sử dụng làm thay đổi bản chất và chức năng của loại từ ( từ tính từ sang động từ) có hai tác dụng : một là, khiến cho câu chuyện đang ở trạng thái tĩnh chuyển sang trạng thái động, đang ở thể kể chuyện và mô tả biến sang hoạt cảnh. Hai là,bộc lộ được tâm trạng của cô gái khiến ta nắm bắt được hai phản ứng tâm lý khác nhau giữa nhân vật nông dân cục mịch trong kịch bản một và nhà nho nông dân trong kịch bản hai.

Trong câu thơ khăn nhung quần lĩnh rộn ràng, bốn chữ khăn nhung quần lĩnh được nêu lên đầu tiên biểu hiện cho cái gì đập ngay vào mắt người đứng đợi. Bởi vậy anh nông dân chát phát mới tá hỏa tam tinh khi thấy người yêu thay đổi hẳn cách trang phục và, sẵn mang mặc cảm thua kém, anh vội van xin nàng hãy giữ nguyên quê mùa để chấp nhận chung sống với anh. Nhà nho nông dân trái lại, nhờ có kiến thức hơn, nên sáng suốt hơn, rành tâm lý hơn, bình tĩnh hơn. Anh không chỉ dò xét người yêu qua cách ăn vận, mà còn qua dáng đi, bộ tịch của nàng. Giả dụ cô gái đã ăn phải bả xa hoa thành phố rồi, khi nhìn thấy bộ mặt đưa đám của anh nông dân, thế nào cô cũng nguýt xéo ra điều mắng vốn: Nỡm chưa! Đây có bảo đấy đi đón đây đâu, mà đấy đên đứng đây làm gi? Trường hợp cô nàng dại dột chẳng may đã lỡ bị với ai mất rồi, thì khi giáp mặt người tình chắc cô sẽ không tránh khỏi lú túng trong một vài cử chỉ che giấu ngượng ngùng. Đằng này hai chữ rộn ràng cho thấy cô gái không chỉ chân bước le te, mà hai má còn ửng hồng khuôn mặt tươi rói. Nàng như vừa muốn làm cho chàng trai phải lé mắt với bộ trang phục tỉnh thành, vừa muốn nói rằng: Ngó em đi nè. Em ăn bận đẹp dzầy là dzì anh đó, là muốn được anh thương em nhiều hơn, anh có biết hông? Vậy là những bước chân rộn ràng của cô gái đủ trấn an chàng trai nông thôn về mối tình chung thủy của nàng rồi. Ấy thế mà anh nông nho vẫn than : Em làm khổ tôi! Tại sao vậy? Tuy cùng một câu than, nhưng lời than của anh nông dân và anh nông nho lại mang hai nội dung ý nghĩa khác nhau, nói lên hai tâm trạng khác nhau.

Anh nông dân thường sẵn có mặc cảm quê mùa, nên khi thấy người yêu súng sính trong bộ quần áo tỉnh thành, anh ta chỉ lo mất nàng. Lời than của anh nông nho trái lại, biểu lộ một tâm trạng vừa giận vừa thương: Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của người yêu, anh hiểu rằng nàng học cách ăn diện tỉnh thành chỉ vì muốn làm đẹp để được anh yêu nhiều hơn. Bởi vậy anh mới thương nàng, và vì thương nàng anh đâm ra giận nàng, hay đúng ra buồn phiền vì nàng : Em yêu! Anh biết rằng con tim em không hề lổi nhịp với anh, nhưng nó lại trật nhịp với tim anh mất rồi. Khổ quá! Hai đứa mình đã bao lần hẹn hò tâm tình với nhau bên giếng cuối thôn hay bụi tre đầu làng mà em vẫn chưa hiểu được lòng anh. Anh thương em là thương ở cái nết hay làm, chứ đâu có phải chỉ vì nhan sắc của em. Ai đẹp bằng em anh đã hết biết rồi, em còn bày đặt đua đòi bắt chước các cô tỉnh thành làm chi! Vả lại mấy cổ có gì hơn em đâu mà em phải bắt chước. Xí! Đòi thuở nhà ai con gái con đứa gi mà lười như hủi ấy. Thêu thùa bếp núc chẳng chịu học, chỉ thĩch ăn cơm tháng thôi. Bao nhiêu thì giờ đều dảnh cho việc, hết vẽ môi vẽ mắt lại đi shopping. Ai mà dám rước của nợ ấy về, rồi sẽ có ngày phải đem thóc giống ra ăn cho mà coi. Bởi vậy tuy cũng là một lời kêu gọi:

Nói ra sợ mất lòng em
Van em em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh.

nhưng với anh nông nho, hai chữ quê mùa lại mang một ý nghĩa khác. Chúng cần dược hiểu như một kêu gọi thách đố, một biểu hiện của tự tin, tự hào về phẩm chất của mình : Không việc gì em phải mang mặc cảm quê mùa với mấy cô gái thành thi ấy. Mấy cổ lên mặt chê bai, chứ sức mấy bằng em được. Em phải biết: cái ngày Hội Đầu Xuân em đi lễ chùa ấy mà, em còn nhớ không? Lần đầu gặp em trong bộ áo tứ thân với cái khăn mỏ quạ và tấm yếm sồi là anh đã phải lòng em ngay rồi đó! Và rồi, cũng với ngần ấy lời nhắn nhủ, như anh nông dân:

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thầy u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng giơ nội bay đi ít nhiều.

nhưng với anh nông nho, hai chữ chân quê đã khiên câu hoa chanh nở giữa vườn chanh, không còn là một câu ví von thường tình nữa. Nó biến bốn câu thơ kết này thành một lời nhăn nhủ đậm đà thi tính, giàu màu sắc, ánh sáng và hương vị như muốn nhắc nhở cô gái quê rằng chỉ có trong bộ y phục nông thôn mọc mạc, nàng mới bộc lộ trọn vẹn cái đẹp tự nhiên thôn dã. Chính vì vậy mà hai câu kết :

Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều.

một lần nữa cho phép ta tin tưởng rằng tác giả câu chuyện bàng văn vần này đúng là một anh đồ nông dân bắc bộ phủ.

Sau khi tâm sự và nhắn nhủ người yêu rồi, anh còn học đòi Cao Bá Quát trầm ngâm triết lý ba xu theo kiểu “thế sự thăng trầm quân mạc vấn”: Nếu người yêu của anh có đua đòi lối ăn mặc thành thị, xét cho cùng chẳng có gì đáng trách cả. Nàng cũng chỉ ứng xử theo phương châm sống thói đời “người sao ta vậy” mà thôi. Nhưng cũng vì thế anh mới ngậm ngùi luyến tiếc cho nàng đã thiếu tự tin, không biết tự hào với vẻ đẹp thuần khiết đồng nội của mình, làm hư hao phần nào hình ảnh người yêu lý tưởng trong trái tim anh. Kết quả là hai câu thơ kết lục bát không chỉ có lập lại truyền thống vần vè à ới để ru con: tứ thơ của nó còn được bộc lộ qua trạng từ ít nhiều để tạo ra cảm xúc buồn nuối tiếc khơi dậy nơi người đọc một cảm xúc mênh mang diệu vợi. Và cũng bởi có một cảm xúc buồn diệu vợi đọng lại nơi tôi, nên càng đọc lại bài thơ Chân Quê, và suy ngẫm về cái từ “ chân” được chọn cho tựa đề, tôi càng thấy Nguyễn Bính quả là một nhà thơ uyên bác sáng tạo. Với một thể thơ lục bát dân gian, và những lời lẽ bình dân mộc mạc nhất, chỉ với hai chữ “Chân quê” thôi, Nguyễn Bính đã thay đổi hẳn diện mạo bản văn: Thay vì chỉ là một câu chuyện kể bằng vần điệu lục bát dân gian để các bà mẹ à ới ru con, tôi lại tìm thấy ở “Chân quê” một bài thơ đúng với nghĩa “ thơ trong nhiều ngôn ngữ Tây phương (poetry, poésie, poesia…) hàm ý hành động sáng tạo găn liền với tri thức và kỹ thuật tinh luyện chuyên biệt trong phạm vi ngôn từ” theo quan điểm của hai ông Nguyễn Hưng Quốc và Hoàng Ngọc Tuấn đã dẫn ( Viết, giữa truyền thống và nhu cầu sáng tạo – Văn số 37-38, tr. 23).. Tôi sẽ không đề cập tới vần điệu hay nhạc điệu là những yếu tố có sẵn trong thể loại lục bát, mà chi xin bàn thêm về tính cách tân sáng tạo trong kỹ thuật vận dụng ngôn ngữ của tác giả để làm mới ngôn ngữ. Trên đây, tôi đã có dịp phân tích ý nghĩa đặc biệt của các từ mãi, rộn ràng, quê mùa để minh chứng kỹ thuật vận dụng ngôn ngữ của Nguyễn Bính rồi. Nay tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm về tính sáng tạo của hai chữ “chân quê” khiến tôi phải đọc lại bài thơ từ đầu, và nhờ đó phát hiện cách sử dụng đạc biệt hai chữ trên giúp tôi diễn dịch bài thơ theo một hướng mới làm thay đổi hẳn nội dung, ý nghĩa, giá trị bản văn.

Trước hết, ta không thể phủ nhận việc đem kết hợp hai chữ “chân” và “quê” làm tựa cho bài thơ là một tìm tòi sáng tạo của Nguyễn Bính. Bởi lẽ nó không chỉ mới lạ ở thời Nguyễn Bính, mà ngay cả bây giờ cũng ít thấy trường hợp sử dụng nó trong một bài thơ hay truyện viết về đồng quê. Tuy chỉ cần thay thế chữ “nhà” quê bằng chữ “chân” quê là ý nghĩa và giá trị bài thơ thay đổi hẳn, nhưng việc làm không dễ dàng như ta tưởng. Trái lại, nó đòi hỏi người thực hiện công việc đó phải có, vừa một kiến thức tầm vóc vừa một kỹ thuật tinh luyện trong phạm vi ngôn từ, mới biết kết hợp chữ “chân” với chữ “quê” thành tựa “Chân quê” khiến bài thơ bỗng trở nên sáng giá. Bởi vậy ta có thể nói cái tựa “Chân quê” của Nguyễn Bính phải là thành quả của một quá trình phân tích và tổng hợp nên mới đạt được mức trừu tượng hóa cao đến thê. Tôi không rành tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nga, tiếng Nhật hay một ngoại ngữ nào khác, nên không biết các ngôn ngữ này có một hay hai từ nào tương xứng để dịch trọn tứ thơ của câu thơ “ Thày u mình với chúng mình chân quê” hay không. Riêng về phần tôi, chắc sẽ vô cùng lúng túng nếu có ai nhờ tôi dịch câu thơ này ra tiếng Pháp. Phải chi Nguyễn Bính dùng hai chữ nhà quê như mọi người, tôi sẽ dễ dàng dịch câu thơ đó như sau:” Nos parents et nous deux, nous sommes tous des campagnards”. Nhưng khi đọc lại cái tựa, tôi nghĩ phải sửa câu dịch thành “ Nos parents et nous deux, on est paysans de souche” vì nghĩ rằng cụm từ paysans de souche mới nói lên được cái ý nguồn gốc trong nghĩa hán của từ “chân”, đồng thời từ paysans nói lên được sự khác biệt với từ “campagnards” thường được dùng với ngụ ý dè biu (sens pejoratif). Nhưng khi đọc lại câu vừa sửa, tôi thấy cần thêm một vài chữ nữa đê bổ nghĩa như sau: “ Nos parents et nous deux, on est paysans de souche et on en est fiers”, có thế một người Pháp chính gốc mới nhìn ra được cái ý của niềm tự hào về nguồn gốc nông dân tiềm ẩn trong chữ chân. Nhưng tự hào về cái gì cơ chứ ? Thế là tôi lại thấy có thêm váo mấy chữ “… et on est fiers” vẫn chưa đủ, vì trong từ chân còn có ý nói lên cái đẹp, cái khía cạnh tích cực, ở đây là phẩm chất con người và đời sống thuần thôn dã: siêng năng, bình dị, lương thiện, sống hòa hợp với thiên nhiên… Mà muốn dịch để diễn tả trọn vẹn ý nghĩa cái hay, cái đẹp trong câu thơ của Nguyễn Bính, chắc là tôi còn phải thêm dài lời để giải thích. Nhưng dịch câu thơ có tám chữ mà phải dùng chữ nghĩa lắm lời như thế thì biến nó thành thẩn mất rồi, đâu còn là thơ được nữa. Bởi vậy tôi rất mong có những vị thuộc thành phần học thức uyên bác lại rành ngoại ngữ, bất cứ ngoại ngữ nào, dù là tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ý..., hay tiếng của một xứ mọi đen như tiếng Congo cũng được. Xin quí vị hãy làm ơn làm phúc cũng như làm giàu (đẻ con không sợ trọc đầu), dịch giùm tôi câu thơ trên ra một thứ tiếng nước ngoài. Nhưng phải dịch ra thành thơ mới được cơ; còn dịch để bién nó thành thẩn là tôi hổng có chịu đâu. Ứ ự ... Nếu chỉ với đôi ba từ quí vị nào dịch lột được ý hai chữ chân quê của Nguyễn Bính, tôi sẵn sàng mua cặp gà mái dầu (gà lành thứ thiệt nuôi chạy bộ tại vườn nhà, chứ không phải thứ gà mắc dịch cúm gia cầm đâu nhá) để xin tôn vinh làm sư phụ.

Bài Chân quê của Nguyẽn Bính được sáng tác vào năm 1936, nghĩa là vào thời điểm nhân dân ta vừa thoát khỏi một ngàn năm nô lệ giặc Tầu, lại rơi ngay vào vòng kiêm tỏa của một trăm năm đo hộ giặc Tây; nhưng may quá còn chưa lâm vào cảnh ba mươi năm nội chiến từng ngày. Dưới ánh sáng của các lý thuyết cách tân văn học hiện đại, “Chân quê” chỉ đáng coi thuộc loại văn học truyền khẩu trong một nước mù chữ mà trình độ dân trí, ở thời điểm này, đa số chỉ tới mức bình dân học vụ là cùng. Có lẽ vì vậy ông đã chọn hầu như toàn những lời trong sáng bình dị nhất để bài thơ có thể phổ biến rộng rãi trong dân gian. Lời lẽ giản dị trong sáng đến độ Hoàng Tấn có lần trước mặt Nguyễn Bính đã phải thốt lên : “ Bài thơ trần trụi tới mức như con nhộng, ai mà chẳng hiểu” (Nguyễn Bính, một vì sao – Trích hồi ký Hoàng Tấn, trong cuốn Nguyễn Bính- Thơ và Đời, tr. 152 – Nhà Xuất Bản Văn Học Hà Nội 1998). Đáp lại, Nguyễn Bính đã nhân dịp bày tỏ quan niệm sáng tác thơ của mình : “Tôi chủ trương thơ Việt viết cho người Việt, trước hết phải mang sắc thái và phong cách Việt, do đó giản dị là điều cốt lõi. Giản dị đây không đồng nghĩa vơi dễ dãi tầm thường” – Bdd. tr. 153) .

Phát biểu trên đây của Nguyễn Bính về tiếng Việt và quan niệm sáng tác thơ, văn của ông làm tôi tin tưởng là những cảm nhận lần hai, sau khi đọc lại bài thơ Chân quê của ông là đúng. Từ đó tôi rút ra được hai hệ luận như sau. Thứ nhất, bản thân tiếng Việt là một ngôn ngữ bình dân trong sáng, nhưng lại có khả năng diễn đạt cao. Ấy là nhờ trong quá trình dựng nước và giữ nước, nhân dân ta, ngay cả khi phải đương đầu với nạn ngoại xâm, vẫn không bỏ lỡ cơ hội học hỏi cầu tiến để tăng cường khả năng diễn đạt của tiếng Việt giúp cho nhân dân ta có thể tự hào là đất nước của bốn ngàn năm văn hiến. Tiếc thay, các phẩm tính trong sáng, bình dân mộc mạc nhưng lại có khả năng diễn đạt cao ấy của tiếng Việt dang có nguy cơ bị biến chất và ngày càng trở nên suy thoái, cả ở hải ngoại lẫn trong nước. Suy thoái ở hải ngoại, là do các con em thuộc thế hệ thứ hai, thứ ba trong cộng đồng người Việt nay sống ở nước ngoài có khuynh hướng ngày càng ít quan tâm tới việc sử dụng tiếng Việt hơn là tiếng đất nước nơi họ đã lớn lên hay sinh ra. Điều này có thể hiểu được phần nào do đòi hỏi thích nghi với nhịp sông máy móc hối hả của một xã hội tiêu thụ tiên tiến đầy đủ tiện nghi kỹ thuật máy móc. Tuy nhiên sự kiện này không đáng ngại bằng tình trạng tiếng Việt, không chỉ suy thoái, mà còn xuống cấp đang diễn ra ỏ ngay trong nước, đặc biệt là nơi một vài giới truyền thông hay viên chức cửa quyền. Suy thoái và biến chất, qua hiện tượng đua nhau sử dụng một số từ ngữ Hán-Việt một cách cẩu thả, vụng về cốt để khoe khoang mà không hiểu răng cách thức sử dụng chữ nghĩa như vậy chỉ nói lên trình độ kém hiểu biết của mình. Thí dụ như từ “chất lượng” dùng để chỉ cả khối lượng (quantité) của một chất liệu (matière) lẫn phẩm tính (qualité) của chất liệu đó. Hoặc từ “ triều cường” để chỉ những con nước lớn do mưa lũ làm ngập đường phố, thay vì từ này chỉ nên dùng để nói về những đợt sống thần đột xuất tràn ngập cả một vài thành thị ven biển, như những trận tsumani mới đây tại Nhật hay Indonesia. Không chỉ có thế. Lại còn thói quen viết lách lung tung, với lối hành văn tối nghĩa, câu bất thành cú bắt người đọc đôi khi phải suy nghĩ đoán mò. Thí dụ như cái tựa hiểm hóc sau đây trên tờ Thanh Niên số 291 ngày 28 tháng 10-2018, trang 6 : “ Lùi tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước TPHCM” . Xin bạn đọc xa gần cố vấn giùm tôi nên tiến hay lùi trong dự án cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước này của TPHCM. Bởi vậy nếu tôi có cho rằng đang có tình trạng suy thoái và xuống cấp của tiếng Việt ngày nay, là vì những lẽ đó. (1)

Sau cùng, để kết thúc, tôi xin quí vị nào có nhã ý đọc bài viết của tôi tới đây, hãy rộng lượng thông cảm cho tôi được có đôi lời cảm tạ con vi rút ác ôn côn đồ covid-19. Dẫu sao, nếu không có nó hoành hành tác yêu tác quái, tôi đâu có ở trong hoàn cảnh phải rờ đến tập thơ của Nguyễn Bính. Nhờ vậy, tôi mới có cơ hội đọc lại bài thơ “Chân quê” của ông để phát hiện ra tính thiên tài của ngôn ngữ Việt (le génie de la langue vietnamienne). Tính thiên tài ấy, theo tôi nghĩ, nằm trong khả năng diễn đạt của tiếng Việt bằng những lời lẽ bình dân trong sáng kết hợp với một vài từ hán-việt được sử dụng có cân nhác, có ý thức. Bởi vậy ai muốn nói gì thì nói, tôi vẫn cảm thấy yêu tiếng nước tôi hơn bao giờ hết. Tiếng nước tôi? Vâng tiếng nước tôi là thứ tiếng tôi chót yêu từ khi mới ra đời (người ơi!). Còn cái được gọi là nước tôi í à, thì nay nó lại nằm tận đẩu đâu, ở một nơi nào đó trên địa cầu, chứ không còn thuộc mảnh đất mang hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương nữa. Và cũng bởi nước tôi nay không còn là mảnh đất mang hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương nữa, nên tôi càng thèm được nhận (vơ) tiếng Việt là tiếng nước tôi hơn bao giờ hết.

(Đọc và viết lại để sửa đổi và bổ sung cho hoàn chỉnh ngày 20-9-2020)

(1) - Mời đọc thêm bài “ Đi tìm cuốn sách dịch đã mất”, trong đó tôi có dịp trình bày đày đủ hơn về khả năng diễn đạt ưu việt bằng hội nhập của tiếng Việt (phần hai), cũng như biểu hiện bị đồng hóa dẫn đến tình trạng xuống cấp của tiếng Việt hiện nay (phần kết).



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Pháp ngày 22.9.2020 .