Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Tú Xương (1870-1907)







LÃNG DU TRONG TÔN GIÁO VIỆT NAM




  
        

N ét riêng của Phật giáo Việt Nam là Thiền học với các thiền phái sau:


Tỳ ni đa lưu chi là phái thiền thứ nhất ở Việt Nam do cao tăng Ấn Độ Tỳ ni đa lưu chi (Vinitaruci) từ Trung Quốc sang Việt Nam năm 580 thành lập. Cao tăng trụ trì tại chùa Pháp Vân (thường gọi là chùa Dâu ở Hà Bắc). Tổ sư truyền tâm ấn cho học trò là Pháp Hiền và qua đời năm 594. Thiền phái TNĐLC truyền thừa được tới thế hệ thứ 19 là Y Sơn (mất năm 1213). Thiền phái TNĐLC chủ trương bất lập văn tự, chú trọng việc truyền thụ tâm ấn, có khuynh hướng nhập thế giúp dân, biết sử dụng các thuật phong thuỷ sấm vĩ.


Vô ngôn thông là phái thiền thứ hai ở Việt Nam. *Vô Ngôn Thông là cao tăng người Quảng Châu Trung Quốc đến Việt Nam năm 820, trụ trì ở chùa Kiến Sơ, (cạnh đền thờ Phù Đổng) Gia Lâm, Hà Nội. Thiền phái VNT truyền thừa 15 đời, với 40 vị thiền sư. Vị tổ cuối cùng là cư sĩ Ứng Thuận (1221). Thiền phái Vô Ngôn Thông nhấn mạnh thuyết đốn ngộ: không nhất thiết phải qua nhiều giai đoạn tiệm tiến, có thể đạt được quả vị giác ngộ nhanh hơn, nếu có khả năng lớn về trí tuệ và hành đạo. Phái Vô Ngôn Thông có nguyên tắc vô đắc: Không ai có thể trao truyền cho mình sự giác ngộ, mình phải tự thực hiện lấy. Thiền phái Vô Ngôn Thông gần gũi với đời sống xã hội, tham dự vào đời sống nhập thế mà vẫn hành được sinh hoạt tâm linh của mình, truyền thừa từ thế kỷ thứ 9 đến đầu thế kỷ 13 (bốn thế kỷ).


*/ Thiền sư này họ Trịnh, tính tình trầm lặng, ít nói, mau hiểu biết, không cần nói nhiều nên người đời gọi là Vô Ngôn Thông


Thảo Đường thiền phái Trong số tù binh bắt được của Chiêm Thành trong cuộc chinh phạt năm 1069 của vua Lý Thánh Tông có một thiền sư Trung Hoa tên là Thảo Đường. Theo sách Thiền Uyển Tập Anh thì ông là là đệ tử của thiền sư Tuyết Đậu Minh Giác ở Trung Hoa. Năm 1069, thiền sư Thảo Đường được phong quốc sư ở Đại Việt. Thiền sư Tuyết Đậu chủ trương hoằng dương Thiền học trong giới trí thức, dung hợp giữa Phật giáo và Nho giáo. Đặc điểm nàycó ảnh hưởng đến Phật giáo đời Trần ở Việt Nam. Trong lúc hành đạo ở Đại Việt, thiền sư Thảo Đường đã giảng sách Tuyết Đậu ngữ lục ở chùa Khai Quốc. Khuynh hướng thiền học trí thức và thi ca từ đó ảnh hưởng tới hai thiền phái Tỳ Ni Đà Lưu Chi, Vô Ngôn Thông. Thiền phái Thảo Đường có 19 người (nhưng chỉ có 10 người xuất gia) thuộc 6 thế hệ. Thiền phái này không cắm rễ được trong quần chúng, thực sự có ảnh hưởng tới một số trí thức có khuynh hướng văn học.


Nhà Trần và phái thiền Trúc lâm Yên Tử Việt Nam


Quân Nguyên-Mông ba lần sang xâm lược, vào năm 1257, năm 1284, năm 1288. Vua quan nhà Trần đã đoàn kết hoàng tộc, quan quân, dân chúng đánh bại, đuổi quân Nguyên – Mông ra khỏi bờ cõi. Một đặc điểm thú vị trong nhà Trần là về cuối đời vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông, vua Trần Nhân Tông đều nhường ngôi cho con, làm thái thượng hoàng. Trần Thái Tông nghiên cứu Thiền học, thấy nguyên lý nhập thế “đi về nhân sinh hiện thực” ở truyền thống Khổng giáo Trung Hoa, đồng thời thấy được con đường xuất thế “tìm về vũ trụ siêu nhiên” trong truyền thống Phật giáo Ấn Độ. Ông viết trong sách Khoá hư kinh nghiệm về cái tâm ngộ đạo (tâm hư): “Người chưa sáng tỏ lầm phân biệt có ba giáo lý (Phật, Lão, Khổng) khác nhau, hiểu thấu được đến cùng thì cùng giác ngộ một tâm (Vị minh nhân vọng phân tam giáo, liễu đắc để đồng ngộ nhất tâm). Một tâm ở đây hiểu theo nghĩa: nhân sinh của Nho, thiên nhiên của Lão, siêu nhiên của Phật. Ông coi sống chết là lý thường nhiên trong bài Khuyến chúng kệ ( kệ khuyên mọi người):

Sinh già ốm chết

Định lý tự nhiên

Muốn cầu giải thoát

Gỡ mãi rối thêm

Mê nên cầu Phật

Ngờ phải cầu Thiền

Thiền ấy không cầu

Ngậm miệng lặng yên.

(Sinh lão bệnh tử/ Lý chi thường nhiên/ Dục cầu giải thoát/ Giải phọc thiêm triền/ Mê chi cầu Phật/ Hoặc chi cầu Thiền/ Thiền dả bất cầu/ Đỗ khẩu vong ngôn.). Theo Thái Tông, phải lấy giáo lý Phật giáo “để dẫn dạy quần chúng u mê”, lấy giáo lý Nho học “đặt mực thước cầm cân cho đời sau, làm khuôn mẫu cho tương lai.”

Nguyễn Đăng Thục gọi Khoá hư là bó đuốc của Thiền học Việt Nam. Việc giáo hoá “Trung, Hiếu, Hoà, Tốn, Ôn, Lương, Cung, Kiệm” hoàng tử Hoảng của Trần Thái Tông đã tạo nên con người “phong vị đế vương” Thánh Tông (1240-1290) sau này. Dưới thời Trần Thánh Tông - một vị vua có tâm hồn nghệ sĩ, (suốt 21 năm) dân sống trong cảnh thái bình thịnh trị. Thơ của Thánh Tông cũng nói lên điều đó (Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự). Đối với Trần Thánh Tông, Thiền đã ở trong thi ca của ông- ở ngay trong con người nhà vua - thi sĩ.

Năm 1299, vua Trần Nhân Tông xuất gia năm tại chùa Hoa Yên núi Yên tử và thành lập phái thiền Trúc lâm. Ông là tổ sư thứ nhất của phái Trúc Lâm.. 3 vị tổ của thiền phái này là Điều Ngự Giác Hoàng (Trần Nhân Tông, vị tổ thứ nhất); Pháp Loa (Đồng Kiên Cương, 1284-1330, vị tổ thứ hai); Huyền Quang (Lý Đạo Tái, 1254-1334, vị tổ thứ ba). Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư viết: …Vua hoà nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp phục hưng làm vẻ vang đời trước, thực là vua hiền của nhà Trần…” Thiền phái Trúc Lâm liên hệ mật thiết với chính trị, phong hoá và xã hội, là nền Phật giáo nhập thế, nên khuynh hướng là hoằng đạo nhập thế. Theo Việt Nam Phật giáo sử luận thì Trần Nhân Tông là một nhà lãnh đạo giáo hội hơn là một tư tưởng gia”. Ông có bài phú Nôm:


Cư trần lạc đạo:


Ở đời vui đạo hãy tuỳ duyên

Đói đến thì ăn mệt ngủ liền

Trong nhà có báu thôi tìm kiếm

Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.


Nửa cuối thế kỷ 20 chúng ta ít nhắc tới Nho Phật Lão Việt Nam, nhưng tam giáo đồng nguyên ấy bình lặng tồn tại trong Đình làng, Chùa làng, trong giọng văn Nho Phật Lão của Đỗ Chu, trong sự trở về với hồn cốt dân tộc ở những tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .