75 Năm Bản Quốc Ca Việt Nam –
“Tiến về Hà Nội" - ca khúc “kỳ lạ” nhất
viết về ngày Giải phóng Thủ đô
V ăn Cao tên khai sinh là Nguyễn Văn Cao (15/11/1923 – 10/7/1995)
Là một nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ, chiến sĩ. Ông là tác giả của ca khúc Tiến quân ca, quốc ca chính thức của nước VN DCCH nay là CHXHCN VN, đồng thời ông cũng là một trong những cây bút có sức ảnh hưởng lớn nhất của nền Tân nhạc Việt Nam. Ông được giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc đánh giá một cách rộng rãi là một trong ba nhạc sĩ nổi bật nhất của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX, cùng với Phạm Duy và Trịnh Công Sơn.
-Sau Nhân Văn – Giai Phẩm, người ta vẫn không dám đối xử với tác giả Tiến Quân Ca như những thành viên khác của NVGP. Họ đành đưa Văn Cao vào bóng tối. Không nhắc tới. Không cho in. Không cho hát. Không cho vẽ. Trong ba mươi năm. Nhưng Văn Cao vẫn hiện diện. Hiện diện bằng sự vắng mặt. Người dân miền Nam vẫn nghe những tuyệt tác của Văn Cao qua tiếng hát những ca sĩ thượng thặng Thái Thanh, Hà Thanh, Khánh Ly... Và người dân miền Bắc mỗi lần chào cờ là một lần hội ngộ với Văn Cao.
Tiến Quân Ca là xương thịt của một nghệ sĩ thiên tài, suốt đời đóng góp cho nghệ thuật chân chính và tranh đấu cho tự do của đất nước, sẽ mãi mãi còn lại. Bởi khó có tác phẩm nào thay thế được Tiến Quân Ca trong lòng dân tộc Việt Nam.
1952, Văn Cao được cử đi Mạc Tư Khoa trong phái đoàn Trần Huy Liệu, theo Hoàng Văn Chí, "Văn Cao được gặp nhà nhạc sĩ số một Liên Xô là Chostakovitch. Các tài liệu khác, không nói đến cuộc gặp gỡ này, vì Chostakovitch cũng có "vấn đề", số phận trầm luân, tương tự Văn Cao chăng? Hoàng Văn Chí viết tiếp: "Tuy nhiên sau khi đi Mạc Tư Khoa về, Văn Cao bắt đầu tỏ ý thất vọng: Liên Xô không phải là thiên đường như ông vẫn tưởng tượng. Thêm vào đấy, khi ông về nước thì cuộc đấu tố địa chủ cũng vừa bắt đầu, ông được cử đi tham quan mấy vụ đấu tố điển hình ở Việt Bắc".
Có thể nói, chuyến đi Liên Xô 1952, đối với Văn Cao tương tự như chuyến đi Liên Xô 1936 đối với André Gide: họ đã nhìn thấy mặt thật của "thiên đường".
1954, hòa bình lập lại, Văn Cao phụ trách ban nhạc đài Phát thanh Hà Nội.
1956, tham gia NVGP với bài thơ Anh có nghe không, đăng trên Giai Phẩm Mùa Xuân. Sáng tác trường ca Những người trên cửa biển, một đoạn in trên Nhân Văn số 4.
Sau Nhân Văn, người ta định chọn Bài ca cách mạng tiến quân của Đỗ Nhuận để thay thế, nhưng rồi Tiến quân ca vẫn được giữ lại. Sau ngày thống nhất đất nước, Văn Cao sáng tác Mùa xuân đầu tiên (1976), không được hát, có lẽ vì những câu "Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người".
1980, Hiến Pháp mới không ghi Tiến quân ca là quốc ca. Trong các buổi chào cờ, người ta cử nhạc. Không lời.
1981, một cuộc "vận động sáng tác quốc ca" được tổ chức quy mô, có thi tuyển, kéo dài trong 2 năm, nhưng cuối cùng vẫn không chọn được bài nào thay thế.
1988, Văn Cao được chính thức "phục hồi" cùng các thành viên NVGP. Tập nhạc Thiên Thai và tập thơ Lá được phép xuất bản.
1993, Quốc hội xác định: Tiến quân ca là quốc ca Việt Nam.
Văn Cao mất ngày 10/7/1995, tại Hà Nội.
“Tiến về Hà Nội" - ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô
Trong số rất nhiều ca khúc viết về Hà Nội thì “Tiến về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Văn Cao được xem là ca khúc “kỳ lạ” nhất viết về ngày Giải phóng Thủ đô. Nói “kỳ lạ” bởi ca khúc được sáng tác vào năm 1949, tức là ra đời trước 5 năm khi Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.
Ra đời trước 5 năm mà trùng khớp kỳ lạ
Theo nhiều nhạc sĩ thì “Tiến về Hà Nội” được xem như một bài hát mang tính dự báo về ngày Giải phóng Thủ đô nhưng lại trùng khớp một cách kỳ lạ với những gì đã diễn ra sau đó. Vào tháng 10/1954, Hà Nội đón những đoàn quân từ chiến khu Việt Bắc về tiếp quản và hình ảnh những đoàn quân “đi như sóng” tiến về Hà Nội đẹp không khác gì lời bài hát mà nhạc Văn Cao đã viết từ trước đó: “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…/ Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào…”.
Đặc biệt, những bức ảnh ghi lại thời khắc đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Hà Nội trong rừng cờ hoa, trong sự chào đón của người dân Hà Nội và các Trung đoàn tiếp quản Thủ đô đều đi từ 5 cửa ô tiến vào nội thành càng “đúng như in” với những gì vị nhạc sĩ tài ba đã hình dung.
Trong những tư liệu hiếm hoi còn lại, nhạc sĩ Văn Cao từng chia sẻ về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Tiến về Hà Nội” rằng, vào cuối năm 1948, ông được lệnh điều về công tác tại Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Cùng đi với ông thời đó còn có nhà văn Nguyễn Đình Thi và hoạ sĩ Tô Ngọc Vân. Vì hoàn cảnh chiến tranh lúc đó là "thời kỳ cầm cự" có thể chiến tranh kéo dài không biết đến bao giờ nên ông đã mang theo vợ con vượt đường số 6 đi bộ gần một tháng mới về đến chợ Đại thuộc huyện Ứng Hòa, Sơn Tây nay là Hà Nội. Đây từng được xem là “thủ phủ” của các văn nghệ sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
“Về tới chợ Đại chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3 tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.
Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: "Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm. Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như "Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga đây Dương Tử đây sông Lô đây sóng căm hờn vút cao...". Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ. Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!".
Khi anh Đạo tiễn tôi ra về anh đã khoác tay tôi đi trên đường làng một quãng dài anh thủ thỉ nói với tôi "Khẩu hiệu của Trung ương là tất cả cho tổng phản công nhưng nếu có một bài hát cho Hà Nội đầy tình cảm cũng là mơ ước của những người dân thủ đô đấy".
Đêm hôm ấy tôi ra về đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài "Tiến về Hà Nội" đã đến với tôi "Trùng trùng quân đi như sóng. Lớp lớp đoàn quân tiến về..." Chỉ hai tuần lễ sau đó tôi đã viết xong ca khúc "Tiến về Hà Nội" khi ấy là mùa xuân 1949. Bài hát "Tiến về Hà Nội" của tôi đã được anh Khuất Duy Tiến cho in vào tờ báo Thủ đô hồi ấy”, cố nhạc sĩ “Tiến quân ca” đã kể lại.
Lời tiên đoán lịch sử chân xác
Theo hoạ sĩ Văn Thao – con trai trưởng của cố nhạc sĩ Văn Cao thì vào thời điểm đó nhạc sĩ còn sáng tác bài “Tổng phản công” nhưng do ca khúc “Tiến về Hà Nội” tạo tiếng vang lớn nên bài hát “Tổng phản công” ít được nhắc tới.
Hoạ sĩ Văn Thao cho biết thêm, vào cuối năm 1949, thực dân Pháp bất ngờ mở trận càn lớn ở Hà Nam Ninh (nay là Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam), đánh lên khu vực Hòa Bình. Để bảo toàn lực lượng, toàn bộ lực lượng văn nghệ khu 3 ta phải rút lui, nhạc sĩ Văn Cao cùng với một số nghệ sĩ khác di chuyển sang Thái Bình. Tại đây, đầu năm 1950, nhạc sĩ Tạ Phước đã dàn dựng bài “Tiến về Hà Nội” phục vụ bộ đội và nhân dân địa phương vì thế bài hát lan nhanh khắp nơi. Nhưng cũng ngay sau đó, ca khúc bị cất đi do quan điểm được cho là chưa hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Mãi tới ngày Giải phóng Thủ đô, “Tiến về Hà Nội” mới được khơi dậy và vang lên khắp nơi.
Chỉ tiếc rằng, chính trong ngày các đoàn quân từ chiến khu trở về tiếp quản Thủ đô và ca khúc của ông được vang lên “đường đường chính chính” thì tác giả lại không có mặt để chứng kiến giờ phút thiêng liêng này. Thời điểm đó, nhạc sĩ Văn Cao theo phái đoàn Văn hóa cứu quốc đầu tiên của Việt Nam sang thăm Liên Xô và Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng, nếu ca khúc “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” là lời reo vui của ngày chiến thắng. Bài hát được viết theo thể loại hành khúc đem lại không khí sôi nổi đầy khí thế, nghe trong câu hát có nhịp chân hành quân gấp gáp đầy kiêu hãnh, xôn xao, hạnh phúc giữa cả rừng cờ hoa chào đón hân hoan.
Nhạc sĩ Huy Hoàng cho rằng: "Tiến về Hà Nội" là một lời tiên đoán lịch sử thật chính xác nhưng có lẽ có một điều quan trọng hơn: đây một tác phẩm âm nhạc xuất sắc. Một lời tiên đoán đúng đến mấy thì chỉ sau khi sự việc xảy ra nó mới được kiểm chứng, còn một tác phẩm âm nhạc thì được kiểm chứng từng giây từng phút sau khi ra đời.
Ca khúc đã được yêu mến, được hát vang trên những con đường Hà Nội trong ngày giải phóng 10/10, trong những năm tháng "mịt mù bão lửa" cho đến "một thời hòa bình". "Tiến về Hà Nội"vẫn tràn sức sống cho tới tận ngày nay, bởi nó mang lại cho người nghe một cảm giác lạc quan tin tưởng và hạnh phúc khó tả”. Từ khi ra đời đến nay, “Tiến về Hà Nội” vẫn được nhiều người yêu mến. Âm thanh của ca khúc vẫn thường xuyên vang lên, đặc biệt là trong dịp kỷ niệm ngày giải phóng thủ đô 10/10. Ca khúc như đã trở thành một “khúc ca khải hoàn” của người Hà Nội trong ngày hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau.
TIẾN VỀ HÀ NỘI
Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về
Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng/ cờ ngày nào tung bay trên phố
Trùng trùng say trong câu hát lấp lánh lưỡi lê sáng ngời
Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/ Cả cuộc đời tươi vui về đây
Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào
Chảy dòng sương sớm long lanh/ Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa
Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/ Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay
Những xuân đời mỉm cười vui hát lên/ Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần
Như mùa xuân xuống cành đường nghe gió về/ Hà Nội bừng tiến quân ca.
Đi tìm ẩn số trong sự nghiệp tác giả 'Quốc ca' (15/11/2019)
Họa sĩ Tạ Tỵ gọi Văn Cao là “người ôm mấy vùng ánh sáng” vừa để chỉ vùng sáng tác nghệ thuật đa dạng, vừa chỉ nhân cách nghệ sĩ tác giả Quốc ca.
Nhắc tới Văn Cao, người ta thường nghĩ tới bản Tiến quân ca, hoặc một số bản tân nhạc như Thiên thai, Suối mơ… Văn Cao là hình tượng nghệ sĩ hiếm hoi trong thế kỷ 20 rộng hơn một tư cách. Ông là nhà thơ, là nhạc sĩ, là họa sĩ; cũng rất ít người biết ông có viết văn xuôi đăng báo, viết tiểu luận về văn nghệ sĩ. Văn Cao dường như còn nhiều ẩn số để giới nghiên cứu tìm hiểu.
Một số khía cạnh trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật của Văn Cao được nhà văn Nguyễn Trương Quý, nhà sưu tầm sách Nguyễn Bình Phương, TS Trần Ngọc Hiếu trình bày trong chương trình “Một Văn Cao số nhiều” (diễn ra tối 14/11). Đây là một hoạt động trong chuỗi sự kiện mừng sinh nhật Văn Cao (15/11) do Ơ kìa Hà Nội tổ chức.
Người tiên phong trong âm nhạc
Nói tới Văn Cao là nói tới Quốc ca, nhưng liệu chúng ta đã biết được bao nhiêu về tác giả Tiến quân ca, Thiên thai, Suối mơ… Nhà văn Nguyễn Trương Quý - tác giả cuốn khảo cứu âm nhạc Một thời Hà Nội hát - đưa ra những nhận định về Văn Cao trong âm nhạc.
Sách Rock Ha Nội & Rumba Cửu Long (tác giả Jason Gibbs, Trương Quý dịch), nhận định Văn Cao thuộc thế hệ nhạc sĩ tiên phong Việt Nam. Thế hệ Văn Cao có ý niệm làm nghệ thuật phục vụ cộng đồng, công chúng. Trước đây các tài tử chỉ hoạt động theo câu lạc bộ thu hẹp, hình thức là thi đàn, thi xã. Trong giai đoạn tân nhạc phôi thai, ông sáng tác những bài nổi tiếng như Thiên thai, Suối mơ, Bến xuân, Trương Chi…
Âm nhạc là giấc mơ đầu tiên của Văn Cao, không phải lĩnh vực xuyên suốt trong hành trình nghệ thuật của ông. Nền tân nhạc rất ít có tác giả định hình phong cách, nhưng Văn Cao là người hiếm hoi khi nghe giai điệu là nhận ra tác giả.
Âm nhạc của Văn Cao không tách rời thơ, họa. Tác phẩm của ông đưa ra định đề biểu tượng, mỹ cảm riêng, khác biệt với giai điệu của hàng trăm bài tiền chiến na ná nhau. Buồn tàn thu, Thiên thai có cấu trúc dày dặn, phức hợp. Thời kháng chiến ông có những bài cô đọng như Làng tôi, là người đầu tiên viết trường ca với bản Sông Lô.
Văn Cao có ảnh hưởng rộng tới nhiều nhạc sĩ sau này. Trần Hoàn (tên thật là Trần Tăng Hích) nói ông lấy bút danh này vì quá mê Thiên thai (trong ca khúc có câu “Đào nguyên trước Lưu Nguyễn quên trần hoàn”). Hoặc những tác giả khác viết nên các ca khúc giống Văn Cao như Sóng nước Ngọc Tuyền của Huy Du giống Thiên thai, hoặc Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên (lấy lại ý niệm trong Suối mơ)…
Văn Cao như người khai nguyên, tạo ra nhiều mở màn trong âm nhạc. Sau năm 1945, cả âm nhạc và tranh của Văn Cao đều có ý niệm thẩm mỹ hiện đại, chặt chẽ, cô đọng, mạnh mẽ, con người là chủ thể của sáng tạo. Tác phẩm của ông có đường nét gồ ghề vạm vỡ thay cho mỹ cảm dặt dìu ủy mị tiểu tư sản.
Văn Cao chuyển hướng sáng tác rất nhanh. Trương Chi vẫn còn hơi hướm lãng mạn, nhưng sau đó ông đã có Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam, Làng tôi, Ngày mùa, trường ca Sông Lô, Tiến về Hà Nội…
Với nhà văn Trương Quý, chỉ riêng âm nhạc Văn Cao đã đa dạng, là số nhiều rồi, chưa nói tới các địa hạt thơ ca, hội họa. Âm nhạc là giấc mơ đầu đời của Văn Cao, và nó tiếp nối trong hành trình nghệ thuật sau đó của ông như hội họa, thi ca.
Thơ ca khám phá khoảnh khắc chênh chao của sự sống con người
Là một nhà thơ, sự nghiệp thi ca của Văn Cao được TS Trần Ngọc Hiếu chia làm ba chặng, có sự biến chuyển rõ nét.
Trong âm nhạc, Văn Cao định hình ngay từ tác phẩm đầu tiên thì trong thơ ông có sự biến chuyển. Thời kỳ trước cách mạng Tháng 8, thơ của ông là thể lục bát. Bài Lữ khách (Anh hùng ca) của Văn Cao đậm chất Đường thi, cũng giống như âm nhạc đời đầu (Thiên thai, Suối mơ) rất cổ điển.
-Sau đó, thơ ca ông mang tính kiêu bạc, âm hưởng thời đại. Văn Cao ý thức xây dựng tiết tấu gấp khúc, chói, gắt trong thơ.
Trước cách mạng Tháng 8, sự nghiệp thơ Văn Cao được khẳng định qua bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc. Tác phẩm này có cách tạo hình hỗn loạn, quằn quại, thể hiện trạng thái rã rời của cái tôi; ngôn ngữ phóng khoáng, rũ rượi.
Giai đoạn thơ ca thứ hai là lúc người ta biết đến ông nhiều trong vai trò âm nhạc (Tiến về Hà Nội, trường ca Sông Lô). Sau khi Văn Cao viết trường ca Sông Lô, có tới 6 bản về sông Lô được sáng tác. Ở giai đoạn này, Văn Cao có bài thơ nổi bật là Những người trên cửa biển. Tác phẩm này có tính tiên phong, đổi mới. Văn Cao là một trong những người đầu tiên rũ bỏ vần trong thơ. Thơ bỏ vần của Văn Cao làm cho hơi thơ gân guốc, nhịp thơ rắn rỏi, truyền được sự gấp gáp thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp. Những người trên cửa biển còn là một tổng kết xã hội của Văn Cao, ông viết về những chuyện tưởng nhỏ nhưng hết sức hệ trọng. Tác phẩm cho thấy sự nhạy cảm của ông với thời cuộc.
Ở giai đoạn thơ ca thứ 3, Văn Cao dường như không sáng tác nhạc. Đây là giai đoạn phức tạp nhất khi tìm hiểu thế giới tinh thần của Văn Cao.
65 tuổi Văn Cao viết về mình: “Những ngày buồn không nói được / Tôi chỉ tìm ra sự sống của tôi” (Ba biến khúc tuổi 65). Làm thơ, Văn Cao không thể né tránh việc đối diện với chính mình. Thơ Văn Cao cho thấy cái tôi không giấu giếm, cái tôi đau đớn, nhưng đi qua gian nan với sự bình thản.
Thơ Văn Cao là những trạng thái cảm xúc thanh lọc. Ông không tỏ ra mình là một nhà tư tưởng, ông không hùng biện, không đúc kết. Bằng cái nhìn trực cảm, ông thường nhìn ra những khoảnh khắc bấp bênh, chơi vơi của con người.
Với Văn Cao, làm thơ là để tâm tình. Giai đoạn đau khổ nhất ông vẫn viết ra thứ ngôn ngữ dịu dàng. Sau tất cả, cái khổ đau là cần thiết để người ta nhìn cuộc đời này bình tâm, vẫn thấy cuộc đời này còn lại điều gì đáng sống (Tần Tần).
TỪ KẾT
Sự nghiệp văn nghệ của Văn Cao
So với hai nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng khác là Phạm Duy khoảng 1000 ca khúc và Trịnh Công Sơn với 600 ca khúc, Văn Cao sáng tác không nhiều. Sự nghiệp âm nhạc của Văn Cao được chia làm hai mảng chính: tình ca và hùng ca. Ngoài ca khúc, ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc dành cho piano như Sông Tuyến, Biển đêm, Hàng dừa xa...Ông còn sáng tác nhạc phim như "Chị Dậu" (1980), tổ khúc giao hưởng phim Anh bộ đội cụ Hồ của Xưởng phim QĐND...
Tình ca - Nhạc trữ tình lãng mạn thời tiền chiến
Trong giai đoạn sáng tác đầu tiên, giống như những nhạc sĩ tiền chiến khác, Văn Cao viết các nhạc phẩm trữ tình, nhưng ít ảnh hưởng bởi chủ nghĩa lãng mạn Pháp mà mang nặng âm hưởng phương Đông. Từ ca khúc đầu tay Buồn tàn thu, Văn Cao đã sử dụng ngũ cung để viết về một hình ảnh quen thuộc trong nghệ thuật châu Á: người phụ nữ đan áo ngồi chờ đợi. Sau Buồn tàn thu, ông còn viết hai ca khúc khác về mùa thu là Thu cô liêu và Suối mơ. Trong đó Suối mơ vốn là một đoạn của bản Trương Chi 1 được Văn Cao phát triển thêm và cùng Phạm Duy hoàn tất. Bản Trương Chi nổi tiếng sau là Trương Chi 2.
Bên cạnh đề tài mùa thu, Văn Cao cũng viết hai ca khúc nổi tiếng khác về mùa xuân là Cung đàn xưa và Bến xuân. Nhạc phẩm Bến xuân có sự tham gia của Phạm Duy, nhưng về sau Văn Cao viết lại lời mới cho ca khúc này và đặt tên Đàn chim Việt. Ngay từ những ca khúc đầu tiên, Văn Cao đã giành được thành công. Buồn tàn thu được biểu diễn trên các sân khấu hát rong và trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong những năm 1944-1945, lúc tân nhạc còn mới phôi thai nên trở nên phổ biến. Suối mơ, Bến xuân được Phạm Duy đánh giá là cực điểm của lãng mạn tính trong ca nhạc Việt Nam.
Nhưng hai tình khúc của Văn Cao được đánh giá cao hơn cả là Thiên Thai và Trương Chi. Bản Thiên Thai được nhà xuất bản Tinh Hoa ở Huế in năm 1944, Văn Cao tự nhận mình là "Người sông Ngự", ghi: "Ảnh hưởng sông nước khúc Thiên Thai cổ trong khung cảnh huyền diệu của Đường Thi với hai truyện Thiên Thai và Đào Nguyên. Người sông Ngự đã lạc mất cảm xúc rồi!". Lời bài hát được đề là của Văn Cao, Hoàng Thoái và Phạm Duy cho rằng Hoàng Thoái là bí danh của Đỗ Hữu Ích, một người bạn của Văn Cao. Sử dụng ngũ cung để viết về một câu chuyện cổ, Thiên Thai có tới 94 khuông nhạc, vừa mang tính trường ca, vừa mang tính nhạc cảnh. Năm 2001, khi phim Người Mỹ trầm lặng được thực hiện, Thiên Thai được sử dụng làm nhạc nền của bộ phim. Giống như Thiên Thai, Trương Chi cũng dựa trên tích chuyện cổ nhưng không phải là một truyện ca mà manh tính tự sự. Ca khúc này còn một đoạn lời nữa mà các ca sĩ thưởng không trình diễn: Từ ngày trăng mơ nước in thành thơ, Lạc loài hương thu thoáng vương đường tơ.... Hình ảnh Trương Chi trong bài hát cũng thường được so sách với hình ảnh của chính Văn Cao.
-Mùa xuân đầu tiên, nhạc phẩm cuối cùng đi vào lòng công chúng Những bản hùng ca đặt nền móng cho dòng nhạc cách mạng Việt Nam Ngay từ khi còn trong nhóm Đồng Vọng ở Hải Phòng, Văn Cao đã viết các ca khúc hướng đạo khoẻ khoắn. Cũng giống như các nhạc sĩ tiến chiến khác, Văn Cao sử dụng đề tài lịch sử để thể hiện tình ái quốc trong Gò Đống Đa, Hò kéo gỗ Bạch Đằng Giang... Ngoài Tiến quân ca, ông còn sáng tác các hành khúc khác như Tiến về Hà Nội, Thăng Long hành khúc ca. Tham gia Việt Minh, Văn Cao sáng tác các ca khúc Chiến sĩ Việt Nam, Công nhân Việt Nam, Không quân Việt Nam...
Năm 1947, sau chiến thắng sông Lô, Văn Cao viết trường ca Sông Lô, ca khúc ghi dấu ấn trong lịch sử tân nhạc. Phạm Duy viết: "Đó là tác phẩm vĩ đại... chẳng thua bất cứ một tuyệt phẩm nào của nhạc cổ điển Tây phương... Bài này đánh dấu sự trưởng thành của Tân nhạc". Cũng theo ý kiến của Phạm Duy, Trường ca sông Lô phải là đỉnh cao nhất của nhạc kháng chiến nói riêng, của tân nhạc Việt Nam nói chung và Văn Cao là "cha đẻ" của hùng ca, trường ca Việt Nam.
Sau năm 1954, các ca khúc của Văn Cao, trừ Tiến quân ca, không được trình diễn ở miền Bắc. Nhưng ở miền Nam, các ca sĩ hàng đầu của Sài gòn như Thái Thanh, Khánh Ly, Hà Thành vẫn trình diễn và ghi âm nhạc phẩm của Văn Cao. Ca khúc Không quân VN được sử dụng làm bài hát chính thức của Không lực VNCH mặc dù chưa được phép của tác giả.