Việt Văn Mới
Việt Văn Mới







CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH





C ho đến thời này mà nhiều người vẫn tin rằng cứ Xuất gia,vô Chùa, cạo tóc, đắp Y, ngày ngày tụng Kinh, Niệm Phật, Ngồi Thiền, học một số Pháp là người tu hành. Trong khi đó, tu Phật theo đúng Chánh Pháp không phải chỉ là rập khuôn theo những hình tướng bề ngoài theo khuôn mẫu đã định sẵn, mà cần phải theo một trình tự tu sửa bên trong nội Tâm.  Nếu không thực hành công việc ĐỘ SINH thì không thể đạt đến mục đích Tu Phật như Đức Thích Ca mong mỏi khi khai Đạo. Vì vậy, Tu Phật chân chính sẽ có ý  nghĩa hơn khi hành giả đã hiểu rõ mục đích của Đạo Phật rồi mong muốn bản thân mình cũng đạt được, mới nên dấn thân tu học.

Nhưng biết tìm ai hướng dẫn trong khi cơ man nào là Chùa, Sư thì đông vô số, người nào xem ra cũng tu hành lâu năm, đạo cao, đức dày, đệ tử đông đen ?. Kinh sách thì Thiên Kinh Vạn Quyển, biết tìm tài liệu nào để hành trì theo. Kinh nào, cũng nói “đây là kinh cao nhất”. Pháp Môn nào  cũng nói tu theo đây thì chóng thành Vô Thượng Bồ Đề ? Nhất là hơn chục năm trở lại đây xuất hiện một số Pháp Sư, tự xưng mình là Phật mới, giáng thế để dạy tu ! Cũng có đông đảo người theo tu học.

 Trong Kinh có nói rằng những người muốn tu hành là người đã có căn cơ từ xa xưa. Họ đã từng tu, kiếp này trở lại để tiếp tục. Do vậy, họ sẽ chọn người hướng dẫn phù hợp với trình độ của mình. Trong số đó, theo tôi, người tin theo Đại Thừa là những người duyên may được học hỏi kinh nghiệm tu hành được hướng dẫn tận tình bởi những vị Tổ đã Chứng Đắc để lại. Trong những Bộ Kinh Đại Thừa lúc nào cũng sẵn có câu trả lời cho những thắc mắc trên con đường lần dò tìm hiểu Đạo của người đi sau. Tuy không phải dễ hiểu, do Chư Tổ viết hay giảng cách đây đã mấy trăm năm. Nhưng nếu kiên trì, tư duy, đối chiếu với nhiều Kinh khác, với một số căn bản trong Đạo mà ta nắm được, cộng với công năng tu hành dần dà cũng sẽ hiểu ra.

Cũng giống như những học trò được học hỏi từ những người Thầy đã tốt nghiệp hướng dẫn, tất nhiên kết quả sẽ khác với học với những người chỉ hơn mình vài lớp hay cũng vô trường học độ vài năm, chưa tốt nghiệp đã bỏ trường đi ra. Theo Đạo Phật, chỉ những người ra khỏi Rừng Mê mới có khả năng dẫn người khác ra được. Người chưa ra khỏi, còn lòng vòng trong đó, tất nhiên cũng sẽ dắt người học đi vòng quanh như họ. Trong Đạo Phật cũng có câu : “Mê nhất kiếp, ngộ nhất thời” để nói về người may mắn gặp được bậc Thầy đã chứng Ngộ. Người Thầy đó sẽ đưa thẳng họ vào Đạo, gọi là Đốn Giáo. Còn những người không biết đường thì họ sẽ dắt đi vòng quanh, biện minh là do căn cơ người học còn thấp, phải từng bước tiến tu, gọi là Tiệm Giáo.

          Bước chân vào Đạo thì đầu tiên là phải PHÁT TÂM. Không phải bất cứ PHÁT TÂM nào cũng đưa đến kết quả của Đạo. Đọc Kinh LĂNG NGHIÊM, chúng ta sẽ thấy Phật hỏi Ngài A Nan : “Ông đối trong giáo pháp của ta, do ngưỡng mộ cái gì mà phát tâm Xuất Gia” ?  Khi A Nan trả lời : “vì thấy Phật có 32 Tướng Tốt, 80 Vẻ Đẹp”, thì Phật giải thích với Ngài về “Mắt Thấy, Tâm Sinh”để cho rằng “Ông nhiều kiếp Sinh tử Luân Hồi cũng do Tâm và Mắt”. Nếu ông không biết nó ở chỗ nào thì không bao giờ hàng phục được phiền não trần lao.

Cũng như vị Quốc Vương bị giặc đến xâm lăng, đem binh dẹp trừ, nếu không biết giặc trú ngụ tại đâu thì không bao giờ dẹp được”.

Đứng như thế. Người Phát Tâm đi tu mà không biết mục đích của việc tu hành là để “Độ Khổ”, tức là Trừ Phiền Não thì sẽ làm gì trong thời gian tu tập ? Tụng Kinh, gỏ mõ đâu phải là công năng tu hành ? Cũng giống như vị Vua, đi i dẹp giặc mà không biết giặc đang trú ngụ ở đâu ? Quân số bao nhiêu ? Phải dùng biện pháp nào mới hữu hiệu thì làm sao dẹp ? Đi tu Phật mà chưa biết đi tu để được gì ? Không biết phải hành trì như thế nào ? Kết quả về đâu ? thì biết bao giờ sẽ thành công ?

 Đâu tiên là phải Phát Tâm. Nói về Phát Tâm, Phật dạy : “Nếu các ông dùng cái vọng tâm sanh diệt làm nhơn tu hành, mà mong cầu cho đặng quả Phật thường còn không sanh diệt thì không thể được”. Tất nhiên người mới vào tu học làm sao phân biệt thế nào là “Vọng Tâm sanh diệt” ? Do đó, người Thầy sẽ là người có trách nhiệm giải thích cho họ hiểu thế nào mới là cái Phát Tâm chân chính.  Lâu lắm rồi, tôi có đọc một bài Pháp của một Hòa Thượng rất có uy tín trong Đạo. Ông khuyên người  đi tu : “Bỏ cái nhỏ để được cái lớn”và ra thí dụ là “Đức Thích Ca nhờ bỏ gia đinh, đất nước nhỏ bé mà  được cả thế giới tôn thờ” !.  Có lẽ bản thân Ngải cũng không biết rằng đó là phát tâm cầu danh uy ! Như thế  là hành giả đã “dùng Vọng Tâm Sanh Diệt làm nhơn tu hành”, không phải là phát tâm tu hành cầu Giải Thoát theo Đạo Phật chân chính.

Nhiều người đi vào con đường tu hành vì mong mỏi điều gì đó mà phát Tâm thì lúc đạt được điều đó cho là đã Chứng Đắc. Đôi khi không giống với mục đích tu hành chân chính của Đạo Phật. Thí dụ có người thích biết trước việc nọ việc kia thì khi Ngồi Thiền một thời gian, mở được Thần Thông thấy được vài việc thì cho rằng đã tu xong ! Trường hợp bên Thiền Tông thì chỉ cần Khai được một Công Án là đã thấy mình Chứng Đắc, mà không biết rằng đó mới chỉ là mở Cái Biết về một vấn đề, chưa phải là tất cả, và Cái Biết cần thiết trong Đạo Phật là Biết Làm thế nào để Thoát Sinh Tử.

Nhiều người khi Phát tâm tu hành vì bế tắc với cuộc sống, hoặc thấy cuộc sống người tu nhàn hạ, nên vào Chùa để “nương nhờ cửa Phật” . Người nghe giảng Phật quá tốt đẹp nên đi tu là hiến trọn cuộc đời để “Phụng sự cho Phật”, quên rằng  mục đích thật sự của Đạo Phật là để Thoát Khổ hay Giải Thoát Sinh Tử.  Phật nhập diệt đã từ lâu, đâu cần ai phụng sự  ? Rồi cũng không ít người vừa vô Chùa đã thấy mình Thoát Khổ, chê những người còn lăn lộn giữa đời là mê muội, trong khi họ mới Thoát khổ vì không phải vật lộn với cuộc sống, mà nhờ giao gánh nặng cơm áo lại cho các Thí Chủ !

Việc PHÁT TÂM đã có đúng, sai. Việc tìm Thầy để hướng dẫn lại còn quan trọng hơn.

          Như chúng ta đều biết. Không phải tất cả những người đi học đều tốt nghiệp. Không phải ai tu lâu năm cũng Đắc Đạo. Và cũng giống như trường đời, sự hiểu biết của người trò không vượt quá người Thầy. . Kinh VIÊN GIÁC viết  : “Này Thiện Nam ! Có loại Chúng sanh có thể chứng được VIÊN GIÁC. Song, nếu chúng gặp Thiện Tri Thức là Thinh Văn hóa độ, thì chúng thành Tiểu Thừa; còn gặp Thiện Tri Thức là Bồ Tát hóa độ, thì chúng thành Đại Thừa. Nếu gặp Như Lai dạy tu Đạo Vô Thượng Bồ Đề, thì chứng thành Phật Thừa”.

Người mới sơ cơ thì làm sao phân biệt được ai là Thinh Văn, ai là Bồ Tát, ai là Như Lai để theo học ?  Có lẽ chỉ nhờ vào duyên phận mà thôi. Căn cơ nào sẽ tìm đến với căn cơ đó, vì người tu học nào cũng chỉ thích nghe những người giảng hợp ý mình. Tuy nhiên, nếu chúng ta nắm được một số căn bản cần thiết để phân biệt Nhất Thừa và Nhị Thừa thì cũng đỡ chọn nhầm, đỡ phí thời gian.  Kinh sách của Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều cho rằng Phật không phải là Thần Linh, mà cũng là người bình thường như tất cả chúng Ta. Chỉ nhờ đoạn trừ lậu hoặc mà được Giải Thoát. Vì vậy, người dạy THỜ PHẬT thì đó là Tà Đạo như Kinh Kim Cang đã cảnh báo :

“Ai nương sắc thấy Ta,
Dùng âm thanh để cầu Ta
Kẻ đó hành tà đạo
Không thể thấy như Lai”.

  Tu Phật theo Nhất Thừa là để được Giải Thoát hay Thành Phật, thực hiện lời Thọ Ký : “Chúng Sinh là Phật sẽ thành”, không phải để Thờ hay để Phụng sự cho Phật ! Trường hợp có thầy cũng nói rằng dạy cho mọi người tu để Thành Phật thì cách hay nhất là xem Hạnh của vị đó, xem họ giữ GIỚI, có thực hành đúng BÁT CHÁNH ĐẠO hay không ? Đó là vài căn bản để đánh giá bậc Chân tu và những người lợi dụng danh nghĩa Đạo giữa thời buổi thật, giả lẩn lộn, mà giả nhiều hơn thật này ! Đôi khi có người cũng thật tâm tu hành, nhưng trình độ giới hạn, do cứ “Xưa bày, nay làm”. Họ cứ phổ biến những điều đã được học từ người đi trước, cho đó là đầy đủ, không chịu tìm hiểu cho đến nơi đến chốn. Có trường hợp xuất thân từ chính phái, nhưng sau đó tách ra, tự mở cách hành trì riêng như Thiền Sư DESIMARU, Chưởng Môn của Phái Tào Động. Ông tự xưng mình là Tổ đời thứ 84 tính từ Đức Thích Ca. Người không hiểu lịch sử Đạo làm sao biết được là Y bát đã kết thúc từ thời Lục Tổ Huệ Năng, vì đã được dấu đi không còn truyền nữa thì làm gì có đến con số thứ 84 ! Đó là lừa dối người theo học. Hơn nữa, Thiền của Thiền Sư này hướng dẫn và giải thích cũng không  giống như Thiền do Đức Thích Ca và Chư Tổ dạy.

Nhiều người thời nay vẫn cho rằng phải là Tu Sĩ, mới có thể Chứng Đắc ! Thượng Tọa (T.N.T.) khẳng định : “Chỉ có người Xuất Gia thanh tịnh mới Chứng Đắc. Cư Sĩ chỉ đắc chân nhân mà thôi”! Chứng tỏ là T.T đó chưa hiểu hết về Đạo Phật. Chưa  hiểu <ì>Tu chỉ có nghĩa là SỬA, là Cởi mở những ràng buộc để được Giải Thoát . Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Tất cả Chúng Sanh là Phật sẽ thành”, đâu có nói chỉ những người Xuất Gia mới thành Phật ?  Ai cho phép sửa lời Phật dạy ?  Trong sắc áo tu hành, người mang hiểu biết sai lầm này phổ biến, để mọi người tiếp tục nhân ra thì tội không phải nhỏ, chỉ người không rõ Lý Nhân Quả mới dám nói bừa. Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN viết : “Nếu nói quá một pháp. Đây là tội Vọng Ngữ”!

Mọi người đều có chủng tử Phật, tức là Phật Tánh. Do đó, chỉ cần gặp được người Thầy đã nắm vững con đường hành trì,  biết cách hướng dẫn cho  tu hành thì chắc chắn cũng sẽ đạt được kết quả. Tu Phật đã gọi là TU TÂM,  thì ở đâu ?  mặc gì ? làm nghề gì ? mà không Tu được ?  Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “Cõi nước chỗ nào có người thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép, đúng như lời tu hành. Hoặc là chỗ có quyển Kinh, hoặc trong vườn, hoặc trong rừng, hoặc dưới cây, hoặc Tăng Phường, hoặc nhà Bạch Y, hoặc ở điện đường, hoặc núi hang đồng trống, trong đó đều nên dựng tháp cúng dường.

Vì sao ? Phải biết chỗ đó chính là Đạo tràng, các Đức Phật ở đây mà đặng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, các Đức Phật ở đây mà Chuyển Pháp Luân, các Đức Phật ở đây mà nhập Niết Bàn”. (Phẩm Như Lai Thần Lực).

Qua đoạn Kinh được trích, chúng ta thấy nói rất rõ, nơi chốn, hình tướng không quan trọng, mà quan trọng là ở chỗ Thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và ĐÚNG NHƯ LỜI TU HÀNH. Đó chính là Y KINH sau khi đã LIỄU NGHĨA. Ngược lại, nếu chúng ta đầy đủ hình tướng, nơi chốn, mà không thọ trì, đọc tụng, giải nói, biên chép và đúng như lời tu hành thì làm sao thành lập được Đạo Tràng để thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác,  Chuyển Pháp Luân và Nhập Niết Bàn ?

Sở dĩ buổi đầu Thái Tử Sĩ Đạt Ta phải Xuất Gia, là vì Ngài là người đầu tiên đi tìm con đường hoàn toàn mới lạ, chưa có ai biết. Nếu Ngài ở lại trong Cung, bên cạnh vợ con, lại phải lên Ngôi thì suốt ngày bận bịu làm sao có thì giờ để tìm ra một con đường hoàn toàn mới hầu hướng dẫn lại cho chúng ta ?  Những lớp Đệ Tử của thời đầu của Ngài cũng phải theo hình thức Ngài hướng dẫn  để hình thành Tăng Đoàn uy nghi làm lực lượng nồng cốt hầu giữ gìn và khai triển Đạo Phật, để mọi người nhìn vào đó, thêm tin tưởng mà phát Tâm tu hành. 

Nhưng đã qua gần 3.000 năm rồi.  Đạo Phật lẽ ra không còn đóng khung sau khung cửa Chùa nữa, mà phải phổ cập cho tất cả. Mọi người, mọi giới, đều có thể tu hành để đạt được Giải Thoát, không chỉ dành riêng cho giới Tu Sĩ như hiện nay.  Chính do lớp người trước chưa học hết Giáo Pháp của Đạo mà đã đi giảng Đạo, để rồi chỉ Y Ngữ mà xưng tán Phật như một vị “Thần Linh có quyền năng bao trùm vũ trụ, cứu Khổ, ban vui, phù hộ độ trì cho tất cả mọi người”. Họ hình thành một giới Tu Sĩ, ăn trên, ngồi trước, giảng Đạo, và Phật Tử là những thí chủ, phải cung dưỡng cho họ mọi thứ, để họ phụng sự cho Phật và chuyển lời cầu xin của mọi người đến Phật !

Có khi chính họ cũng không đọc hết Giáo Pháp của Đạo Phật để biết rằng Đức Thích Ca chỉ xưng mình là ĐẠO SƯ, tức là Người Dẫn Đường. Con đường Ngài khám phá ra và để lại sau 49 ngày đêm Thiền Định.chỉ là cách thức để Thoát Khổ, Thoát Phiền Não. Công năng tu hành của Đức Thích Ca kể cả 6 năm tu theo Ngoại đạo, không có pháp nào giúp Phật trở thành Thần Linh, phù hộ, độ trì cho ai. Người muốn được Thoát Khổ phải tự mình hành trì, gọi là TỰ ĐỘ. Phật không có Độ được cho ai. Như vậy, nếu ta hướng dẫn cho mọi người cầu xin một người không có khả năng để ban cho ai thứ gì, thì không những ta có lỗi dối lừa bá tánh mà còn có lỗi với Phật vì đã làm cho mọi người hiểu sai về  Đạo Phật, biến Đạo Phật từ Nhất Thừa, Tư Tu, Tự Độ thành ra Nhị Thừa, Quyền Thừa, cầu xin, nương tựa ! Đừng nghĩ rằng chúng ta vô tội, vì người đi trước đã dạy như thế!  Đạo Phật có dặn VĂN-TƯ-TU, đâu có kêu nghe xong là hành luôn ! Và cũng đừng quên rằng Nhân Quả tuy không có người cằm nắm, nhưng không bỏ lọt một ai !  Ai làm, người đó chịu, Phật không có quyền giảm hay chịu thế cho bất cứ ai.

Người trực chỉ cái Tâm mà hành trì,  gọi là ĐỐN GIÁO, khác với những người TIỆM GIÁO, loanh quanh với hình tướng, với chuông mõ, lấy đó làm công phu tu hành. Do không biết rằng  “Giải Thoát hay rằng buộc đều ở nơi Tâm”.  Kinh TÂM ĐỊA QUÁN viết : “Trong Ba Cõi lấy Tâm làm chủ. Người Quán được Tâm, được Giải Thoát cứu cánh; người không Quán được Tâm ở mãi trong triền phược”. Ví như muôn vật đều từ đất sinh, Tâm pháp sinh ra thiện, ác, năm thú (Trời, Người, Ngục, Quỷ, Súc Sinh). Bậc Hữu Học, Vô Học, Bậc  Độc Giác hoặc Bồ Tát cùng Như Lai trong thế gian và xuất thế gian”.

 Dù nhiều Kinh được các Vị Giác Ngộ từ nhiều thời khác nhau viết ra, nhưng cũng đều nói về sự quan trọng của cái Tâm : Thiện, Ác, Quả Vị, Địa Ngục, Niết Bàn cũng do đó mà ra.

Người càng không hiểu Đạo Phật càng hướng dẫn con đường tu hành thật là phức tạp, vòng vo với đủ thứ Giới phải giữ, nhiều cấp độ để đào tạo. Tổ Đạt Ma thì ngắn, gọn :  Chỉ cần Trực chỉ cái Tâm :

Hỏi : “Nếu có người dốc lòng cầu đạo thì nên tu theo pháp nào mới là cực kỳ tỉnh yếu ?

Đáp : Chỉ một Pháp Quán Tâm thâu nhiếp các pháp mới thực là cực kỳ tỉnh yếu.

Hỏi : Sao một pháp nhiếp trọn các pháp được ?

Đáp : Tâm là gốc của muôn pháp, tất cả các pháp duy một Tâm sanh ra. Nếu hiểu được Tâm ắt muôn pháp sẵn trong đó, cũng ví như cây lớn có đủ thứ cành,  nhánh, trái, bông, nhưng tất cả đều do một gốc sanh ra, nếu chặt gốc ắt cây chết.

Nếu hiểu Tâm mà  tu đạo ắt được tĩnh lực, nên dễ thành. Không hiểu Tâm mà tu đạo ắt nhọc công mà vô ích.

Mới biết tất cả việc lành dữ đều do tự Tâm. Cầu gì khác ngoài Tâm rốt không đâu có được”:

Đó cũng là ý nghĩa của “Vạn Pháp Duy Tâm tạo” . Vì vậy, người Thầy cũng phải là người đã“Đắc cái Tâm” thì mới có thể “Tâm Truyền Tâm” cho học trò được.

Khi bắt đầu TU TÂM là hành giả sẽ đi vào CON ĐƯỜNG ĐỘ SINH. Phải ĐỘ cho hết Chúng Sinh thì mới Giải Thoát được.

Hầu hết người tu cứ ngỡ Chúng Sinh là những người chung quanh, nên họ tìm cách lôi kéo càng đông người vào Quy Y càng tốt, tưởng đó là làm công việc Độ Sinh. Chùa nào cũng hăng hái làm công việc này. Trường hợp cụ thể mà tôi đã gặp, là một người từ Nhật về, xưng là theo Giáo Phái Nhật Liên. Ông nói mình chuyên đi giảng đạo để khuyến tu. Tôi vì lịch sự mà phải ngồi nghe ông ta giảng cả tiếng đồng hồ về Giáo Phái của mình. Tôi hỏi hành trì cách nào ? thì ông nói : Người theo Môn Phái Nhật Liên chỉ cần niệm NAM MÔ DIỆU PHÁP LIÊN HOA KINH là sẽ được Chư Phật phù hộ!  Ông kể cho nghe một số người từ khi bắt đầu quy y theo Phái Nhật Liên ai cũng đều cũng giàu lên hết. Nếu là người ham giàu chắc sẽ tin để Quy y theo. Nhưng tôi chỉ tin Nhân Quả nên từ chối tham gia.

Đọc tài liệu nói về những Thiền Sư ta cũng thấy nói về điều này. Có Thiền Sư thì dùng thẻ, mỗi thẻ có ghi tên người mà Ngài đã “Độ” được. Con số chất đầy cả phòng trong Am của Ngài. Hoặc có vị tạc hàng ngàn tượng Phật lớn nhỏ mà ta thấy để đầy trong các hang động hoặc ở nhiều Chùa, vì hiểu lầm ý nghĩa của “Cúng Dường Phật” !

Nói về Chúng Sinh,  Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA viết : “Trong các cõi nước đó, chỗ tối tăm ánh sáng của nhựt nguyệt không soi tới đặng mà đều sáng rở, trong đó Chúng Sanh đều đặng thấy nhau, đồng nói rằng : “Trong đây sao bỗng sanh ra Chúng Sanh” ? Trong Tâm làm sao ánh sáng ban ngày, ban đêm soi tới được ? Nhưng quả thật, cách đây hàng ngàn năm mà nói về Cái Tâm như thế thì được mấy người hiểu ? Do đó, người Chứng Đắc cũng rất là hiếm hoi.

Về sau, Lục Tổ Huệ Năng nói rõ nhất : “Chư Thiện Tri Thức. Chúng Sanh trong Tâm mình tức là : Lòng tà mê, lòng giả dối, lòng bất thiện, lòng ghen ghét, lòng ác độc. Các Tâm này đều gọi chung là Chúng Sanh. Mỗi người phải dùng Tánh mình mà độ lấy mình mới gọi là thiệt độ”. Ngài cẩn thận dặn dò : “Chúng người hãy chú tâm nghe cho rõ : Những người mê muội đời sau, nếu biết cái Tâm Chúng Sanh tức là Thấy Phật Tánh. Bằng chẳng biết Cái Tâm Chúng Sanh thì muôn kiếp tìm Phật ắt khó gặp. Nay ta dạy các người phải biết Chúng Sanh ở Tâm mình thì thấy Phật Tánh ở Tâm mình. Muốn cầu Thấy Phật thì phải biết cái Tâm Chúng Sanh”.

Tổ Đạt Ma giải thích cũng không khác : “Mới biết tất cả Nghiệp Khổ đều do Tâm mình, nên cần nhiếp Tâm, lìa hết tà ác là mọi nỗi khổ của Ba Cõi Sáu Đường Luân Hồi đều tự nhiên tiêu mất, tức được Giải Thoát”.

 Với  Kinh VIÊN GIÁC thì :

“Nếu người đoạn Thương, Ghét
Cùng với Tham, Sân, Si
Chẳng cần tu gì khác
Cũng đều đặng Thành Phật”

Tại sao Tu Phật mà lại phải Độ Sinh ?

Theo khám phá của Đức Thích Ca, mọi việc lành, dữ đều theo Tâm mà khởi.  Từng sát na, những ý tưởng trong Tâm của mỗi chúng ta Khởi, Diệt liên tục mà Ngài gọi là Vô Tận Ý hay “trùng trùng Duyên khởi”.  Gần đây, những nhà nghiên cứu về tư tưởng của Úc cho rằng  mỗi người chúng ta, trung bình khởi ra mỗi ngày 50.000 ý tưởng,. Nhưng  ý tưởng có ích thì hiếm hoi, đa phần là vô ích. Trong số tư tưởng được khởi lên, Phật gọi tư tưởng chưa thanh tịnh, có xu hướng đen tối, xấu xa là Chúng Sinh. Nếu chúng ta không chịu chuyển hóa, thay đổi nó, cứ theo nó mà đưa ra hành động thì sẽ tạo ra những Nghiệp xấu.  Tu hành theo Đạo Phật là để ngưng không tạo Nghiệp để Thoát vòng Sinh Tử Luân Hồi.

 Khi người tu Điều phục, hay chuyển hóa được một tư tưởng chưa thanh tịnh, cho nó bỏ đi tà ý để được thanh tịnh thì gọi là “Đưa được  một Chúng Sinh thành Phật”, hay còn  gọi là “Cúng Dường một Vị Phật”. Vì thế,  Kinh viết, mỗi đời, mỗi người “Cúng Dường vô số ức Đức Phật” . Số Chúng Sinh đã “Được Độ” đó, gọi cách khác là “Quyến thuộc của Bồ Tát” mà ta thấy Kinh viết “Bồ Tát khi vân tập thì mang theo mấy trăm muôn quyến thuộc” là như thế. Không phải là danh sách của những người mà chúng ta dắt đi Quy Y, hay cất mấy mươi kiếng Chùa, Độ vô số Sư Tăng như Vua Lương Võ Đế và bao nhiêu người bao thời qua, kể cả thời nay vẫn hiểu lầm.

 Người tu Phật muốn được Thành Phật thì phải hành Hạnh Bồ Tát, tức là phải quay vô Tâm, LÀM CÔNG VIỆC ĐỘ SINH cho những Chúng Sinh trong nội Tâm. Hạnh này được tượng trưng bằng những vị Bồ Tát với nhiều danh xưng tượng trưng cho những công việc làm. Thí dụ như Quán Thế Âm Bồ Tát, là vị Bồ tát luôn lắng nghe tiếng kêu của Chúng Sinh để cứu độ. Hoặc Ngài Địa Tạng Vương Bồ tát với lời nguyện : “Ngày nào còn một chúng Sinh chưa được độ, con thề không ngồi vào nơi Vô Thượng Chánh Giác”. Nhiệm vụ của Chư Bồ Tát là “Bay lướt Mười Phương để cứu độ Chúng Sinh”. Mười Phương đó tức là trong, ngoài, trên, dưới, Đông, Tây, Nam, Bắc, ngày cũng như đêm, không để sót một Chúng Sinh nào không được cứu.

Việc Độ Sinh được viết trong kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA : “Bấy giờ Đức Phật bảo A Nan : Ông ở đời sau sẽ đặng làm Phật hiệu là Sơn-Hải-Tuệ-Tự-Tại-Thông-Vương-Như-Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô Thượng Sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên Nhơn sư, Phật Thế Tôn. Ông sẽ cúng đường sáu mươi hai ức Đức Phật, hộ trì tạng pháp vậy sau chứng đặng đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, giáo hóa hai mươi nghìn muôn ức hàng hà sa số các chúng Bồ Tát v.v.. làm cho thành Đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác”.

Những tư tưởng xuất phát từ một người, nên Kinh gọi là “quyến thuộc” của người đó. Vì thế mà có đến hai muôn ức Đức Phật đồng một tên, một họ. Việc giáo hóa thành công được viết : “Kế lại có Đức Phật cũng hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh, lại có Đức Phật cũng hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh. Như thế đến hai muôn ức Đức Phật đếu đồng một tên, hiệu Nhựt Nguyệt Đăng Minh, lại cùng đồng một họ, họ Phả La Đọa”. Đó là Kinh tả về công việc ĐỘ SINH của một người. Khi Độ Tận Chúng Sinh, thì cuối cùng những Chúng Sinh mà người đó Độ, và bản thân người Độ cũng đều Thành Phật, tức là được Giải Thoát.

Phải DIỆT Chúng Sinh để ĐỘ, nhưng cuối cùng không có ai bị DIỆT cả. Vì “Chúng Sinh không phải là Chúng Sinh, chỉ giả gọi là Chúng Sinh”,  bởi đó chỉ là tư tưởng, không phải người thật. Và việc “Độ”chỉ là loại trừ, gạn lọc những khuynh hướng xấu, để Cái Tâm được hoàn toàn thanh tịnh mà thôi. Không phải tất cả những tư tưởng  dù tốt hay xấu đều phải loại bỏ để cái Tâm trở thành Trống không như nhiều người đã hiểu lầm rồi đoạn diệt tất cả mọi tư tưởng để trở thành ngu ngơ, không còn phân biệt tốt, xấu, nên, hư, lợi, hại. Đạo Phật dạy Trừ VÔ MINH, nếu ta trừ cả TRÍ HUỆ thì lấy gì để soi sáng mà tu hành ?  

Người không hiểu ý nghĩa của việc Tu Phật, không biết rằng Cõi Phật ở trong Tâm, nên khi thấy Kinh viết Cõi Phật được trang hoàng bằng Bảy Báu thì Y Ngữ, kêu gọi bá tánh gom góp thật nhiều vàng bạc, xây lên những ngôi Chùa hoành tráng. Đúc những Tượng Phật cẩn đầy kim cương, hồng ngọc, cho đó là Cúng dường cho Phật  để cầu xin Phật Độ ! Họ đã không tư duy để hiểu rằng Cõi Phật ở trong Tâm, không phải là thế giới vật chất bên ngoài, thì làm sao chứa được vàng, ngọc, kim cương, châu báu của cõi đời ? Trang hoàng cho Chùa, cho Tượng, thì đâu có nghĩa là trang hoàng cho Phật hay Nước Phật ? Một bên Hữu Tướng, một bên Vô Tướng, hoàn toàn khác nhau.

Sỡ dĩ nói rằng Tây Phương Cực Lạc đầy Bảy Báu vì Theo Đạo Phật, THÂN có Ba Nghiệp là THAM, SÂN, SI. Khẩu có Bốn Nghiệp là Nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói khen mình, chê người mà từ vô lượng kiếp đến nay, mỗi người đã ôm giữ không phút nào xa rời. Vì thế, Xả một món thì gọi là “Cúng dường châu báu cho Phật”.Xả Tham, Sân, Si thì gọi là “Cúng cho Phật viên châu báu có giá trị liên thành” mà ta thấy trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, “ Long Nữ cúng cho Phật, Phật nhận thì nàng lập tức Thành Phật”, để người không hiểu ý nghĩa của việc cúng đó trách Đạo Phật, cho là Phật mà còn Tham, nhận châu báu để đổi Quả Vị ! Đúng là “Y Kinh giải nghĩa Tam thế Phật oan !

 Cúng “Bảy Nghiệp của Thân và Khẩu” gọi  là CÚNG DƯỜNG BẢY BÁU CHO PHẬT. Do đó mà Tây Phương Cực Lạc được hình thành toàn bằng Châu Báu : “Bảy từng bao lơn. Bảy từng mành lưới. Bảy từng hàng cây” trong ý nghĩa này.“Dây vàng giăng khắp” là ý nghĩa sự quý giá của Giới. Nhờ Giới mà người tu được giữ gìn trong khuôn khổ, không bị sa vào ác đạo. “Ao nước chứa tám công đức” là ý nghĩa của việc hành Bát Chánh Đạo. 

Cõi Phật không phải ở trên trời, ở Đông Phương hoặc Tây Phương, mà đó là nơi thanh tịnh, an lạc TRONG TÂM.  Kinh DUY MA CẬT viết : “Bồ Tát muốn được cõi Phật thanh tịnh phải làm cho Tâm thanh tịnh. Tùy chỗ Tâm thanh tịnh mà Cõi Phật được thanh tịnh”. 

Không phải chết đi mới được về  Tây Phương Cực Lạc.  Tổ Huệ Năng cũng chỉ cách để đến Cõi Tây Phương :“Nay khuyên các Thiện Tri thức, trước Trừ Mười Điều Ác, tức là đi tới mười muôn dặm. Sau Dứt Tám Điều Tà, ấy là qua khỏi tám ngàn dặm. Niệm niệm Thấy Tánh, thường làm công việc công bình chánh trực thì đến cõi ấy mau như khảy móng tay, liền thấy Phật Di Đà”.

Chỉ cần Thấy Tâm, Tu Tâm thì không cần hình tướng cũng đạt được mục đích của việc Tu Phật.

Tổ Đạt Ma dạy : “Nếu thấy Tâm là Phật thì không cần cắt tóc, cạo râu.
Hàng Bạch Y vẫn là Phật.
Nếu không Thấy Tánh, cắt tóc, cạo râu vẫn là ngoại đạo”

 Vì vậy : Biết Phật là gì ? Nước Phật ở đâu ? Thế nào là Tạc Tượng Phật ? Thế nào là Cất Chùa ? rồi không còn chấp vào hình tướng nữa, mà quay vô Tâm mình mà làm những công việc đó. Tâm mình đã có Chùa, có Phật thì hàng ngày chăm thắp Ngũ Hương : Hương Giới, Hương Định, Hương Huệ, Hương Giải Thoát, Hương Giải Thoát Tri Kiến để cúng dường Phật của mình. Phóng Sinh từng Chúng Sinh, tức là không để cho nó tiếp tục bị giam cầm trong tù ngục Tham, Sân, Si, mà đưa cho nó qua Bờ Giác để được an ổn hay Thành Phật.  Đó mới thật là Chuyển hóa Chúng Sinh hay Độ Sinh. Khi cái Tâm không còn xao động, được an lạc thì gọi là hành giả đạt được Hữu Dư Y Niết Bàn tại kiếp sống. Đó chính là mong mỏi của Đức Thích Ca khi lập Đạo Phật vậy.  

(Tháng 6/2020)



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển ngày 05.8.2020 từ SàiGòn .