Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh vẽ Kiều của nữ họa sĩ Ngọc Mai








TÔI YÊU TIẾNG VIỆT




  
        

N ói đến sự tồn vong của Tiếng Việt người ta hay nhắc câu “Tiếng ta còn thì nước ta còn” của Phạm Quỳnh. Dân tộc ta đã phải trải qua hàng ngàn năm từ Hán sang Nôm, từ Nôm qua tiếng Việt và phát triển mãi cho đến bây giờ. Từ những chữ tượng hình chuyển qua chữ La tinh chúng ta đã tách ra và trở thành một nước riêng biệt.

Tôi lại liên tưởng ngay đến bài thất ngôn tứ tuyệt, và là bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống quân Tống lần 1/981 và lần 2/1076:


Nam quốc sơn hà Nam đế cư

Tiệt nhiên phân định tại thiên thư

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


(Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư)

Bản dịch của Trần Trọng Kim:

Sông núi nước Nam vua Nam ở

Rành rành định phận ở sách trời

Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm

Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.


Bản Tuyên Ngôn khẳng định lại rõ ràng chúng ta không lệ thuộc vào non sông địa lý của ai cả. Chúng ta có ngôn ngữ và chữ viết riêng. Tuy rằng có một số chữ vẫn dùng chung nhưng chữ viết thì hoàn toàn khác.

Chính vì chữ viết liên quan đến dòng lịch sử nên càng phong phú thêm khi Trịnh Nguyễn phân tranh, khi non sông còn chia đôi 2 miền đất nước.

Có những lúc tôi thắc mắc tại sao trong Nam tên đường là Lê Thánh Tôn, ngoài Bắc thì lại dùng Lê Thánh Tông thế thì dùng cái nào là đúng? Có vị nói dùng Tôn hay Tông đều được cả. Sau này tìm hiểu thêm tôi mới phát hiện ra là sau khi Trịnh Nguyễn phân tranh thì những chữ “kỵ húy” chia ra 2 miền rất rõ. Trong Nam kiêng:

. Hoàng trùng với Nguyễn Hoàng nên phải đổi là Huỳnh

. Ánh trùng Nguyễn Ánh → yếng ví dụ: yếng sáng

. Cảnh trùng Hoàng Tử Cảnh → kiểng như cây kiểng, cá kiểng, chậu kiểng…

. Con dâu của vua tên Hoa → dân thường phải gọi là bông (cầu Bông), hay là hóa (Thanh Hóa), Hoa hậu → huê hậu, Phàn Lê Huê (hát tuồng)…

. Ngô Thì Nhậm (miền Bắc) → Ngô Thời Nhiệm (miền Nam)

Nhưng ngoài Bắc thì không đổi như trong Nam. Bởi vậy cụ Tú Xương qua 8 kỳ thi chỉ đậu dở dang ở tú tài không lên thi Hương được vì hay bị rớt ở khâu kỵ húy (bây giờ ta hay gọi là rớt từ lúc gởi xe).

Ba tôi kể lại lúc di cư vào Nam 1954, người Nam rất hiếu khách luôn mời chào những người mới vào. Nhưng người Nam dùng vô, người Bắc thì dùng vào, đôi bên hơi khó hiểu nhưng nói: “Dô vào đây” thì ai cũng biết rồi từ từ mới bỏ bớt đi vì hiểu rằng trong trường hợp này ngôn ngữ nói hơi có sự khác biệt còn nghĩa thì như nhau cả thôi.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết bài ca Nối vòng tay lớn có câu: “Từ Bắc vô Nam nối liền…” chứ không viết vào Nam. Trên đã nói nghĩa giống nhau bây giờ hơi khác một chút: trong bóng đá lại hay dùng chữ: Vàooooooooooo, và uống rượu bia lại hay dùng chữ: Dôooooooooooo.

Sự phong phú của Tiếng Việt còn ở chỗ cũng là một từ nhưng trong từng tình huống lại dùng chữ khác ví dụ như: áo thâm, ngựa ô, mèo mun, chó mực… Nếu theo một số người muốn biến thành công thức cho khỏi rắc rối, đổi thành một chữ ĐEN hết, đọc lên chắc sẽ buồn cười lắm.

Ví dụ như: Ông tôi mặc cái áo thâm, tay cầm ô. Ông thấy con mèo mun và con chó mực đang vui đùa ngoài sân…

Được đổi thành: Ông tôi mặc cái áo đen, tay cầm dù đen. Ông thấy con mèo đen và con chó đen đang vui đùa ngoài sân…

Thầy cô nào chấm bài này chắc cho điểm đen và vào sổ đen luôn. Nói cho vần vậy thôi chứ văn chương không thể máy móc, công thức được. Chấm Toán cứ đúng là 10 điểm còn Văn thì chưa chắc, phải là người Việt yêu tiếng Việt mới thấm từng chữ từng câu; cũng như I ngắn, Y dài…

Đường Lê Văn Sĩ giờ đây đã sửa lại là Lê Văn Sỹ, Cầu Công Lý không thể là Lí được, lịch sử nhà Lý, dòng họ Lý càng không thể đổi thành Lí được mặc dù các em được dạy các môn như Vật Lí, Lí thuyết, Kĩ thuật, Kĩ sư… Ta vẫn dùng chữ giặc Mĩ nhưng lại có cái Sân vận động Mỹ Đình. Ns. Nguyễn Văn Tý bị đổi là Nguyễn Văn Tí chắc buồn lắm, và Tí không thể thay cho Giáp Tý được, bạn thử sản xuất lịch xem có ai mua không? Tí chỉ là tí tẹo, lí chỉ là lí lắc không thể thay cho Lý Trí, Lý Luận, Giáo Lý… được. Name card mà bạn đề Kĩ sư… chắc là khó lấy được tình cảm của khách hàng rồi.

Về cách phát âm thì cũng nhiều chuyện đây, người viết chỉ đưa ra trường hợp cùng một chữ nhưng nếu phát âm sai sẽ là phản nghĩa:

Bài hát Mùa Xuân trên Tp. HCM của Ns. Xuân Hồng cuối cùng có câu “Vui sao nước mắt lại trào”. Đây là vui quá, mừng đến rơi lệ sau bao nhiêu năm đợi chờ nhưng nếu phát âm là “chào” thì nghĩa ắt hẳn sẽ là ngược lại.

Cách đọc các dấu cũng khác với cách viết

. Dấu huyền quệt từ trái qua phải, từ trên xuống là đúng

. Dấu sắc theo cách đọc là phải đá từ dưới bên trái lên, chếch sang bên phải.

. Dấu hỏi theo cách đọc từ dưới đi lên. Cứ nghe người rao bán phở thì rõ nó liền tiếng từ thấp lên cao

. Dấu ngã theo cách đọc phải xuống rồi mới lên

Khi được học hỏi sao lại có sự khác biệt như vậy thì được trả lời ràng có lẽ do ban đầu mình viết bằng ngòi bút sắt (có 2 loại: ngòi lá tre, ngòi bầu) mà giấy thì không tốt nếu đá ngược dấu sắc lên thì không được đành phải quệt xuống từ bên phải xuống vậy. Bây giờ giới trẻ có bút bi nên dấu sắc tha hồ đá lên viết cho lẹ.

Trên mới là phần dấu còn một số từ hơi bị ngược ngạo với cách phát âm:

Đứng lên đang trên cao độ lại xuống như muốn bảo người ta ngồi

Chữ xuống trong ngồi xuống như muốn giục người ta đứng lên

Bạn thử hét câu ra lệnh: “Ngồi xuống” coi chừng sẽ có kẻ bật dậy

Chính vì chữ xuống có âm cao nên các nhạc sĩ khi sáng tác luôn để chữ xuống cuối câu và hát nhẹ nhàng hơn

Trời cao hãy đổ sương xuống (Trời cao của Duy Tân)

Hãy ngồi xuống đây (Lê Uyên Phương)…

Cặp chữ trời cao, đất thấp cũng ngược ngạo như vậy. Nhưng đa số lại cho rằng âm điệu của tiếng Việt tự nó đã ngân nga như lời hát. Bạn thử nghe lời rao: Ai ăn bún xào không? Thật lọt lỗ tai phải không?

Để chọn một từ cho hợp có khó hay không hãy hỏi các thi sĩ khi nắn nót từng vần thơ trắc hay bằng sao cho hợp luật. Có khi bài thơ ra đời đã lâu nhưng lại sửa lại 1 chữ cho rõ hơn, hay hơn. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh dị bản. Bà Thùy Dương cũng cho rằng có nhiều dị bản (kể cả truyện Kiều) là do“Chính tác giả sửa lại thơ của mình” (CLB Sách Xưa & Nay số 43 trang 32). Bà đưa ra ví dụ bài thơ Chiều xanh của chính tác giả:


CHIỀU XANH


(Tặng CLB thơ Chiều Xanh, Q. PN)


Chiều tà nghe chuyển ráng trời xanh

Ngan ngát hương đưa quyện gió lành

Lả lướt thuyền thơ trôi suối ngọc

Chơi vơi sóng nhạc quyện đàn tranh

Hồn thu lạc bước miền hư ảo

Bến mộng dừng chân cõi tịnh thanh

Một thoáng phiêu du về dĩ vãng

Nghìn sầu ngưng đọng giọt long lanh !


Về nhà tôi đưa cho một cô bạn xem. Cô rất thích và bảo: “Hay lắm, nhưng sao câu chót lại buồn thế?”. Tôi nói: “Vui chứ sao lại buồn?” - “Vui sao lại khóc?”. Thì ra cô hiểu lầm “giọt long lanh” là giọt lệ và nói: “Có gì mà buồn thê thảm đến thế!”. Tôi nói: “Xưa thì là giọt lệ đấy, nhưng nay thì giọt lệ đã thăng hoa, ngưng đọng thành những giọt châu” và tôi tin chỉ có cô không hiểu mà thôi. Nhưng vài tuần sau tôi lại nhận được một lá thơ của một nam thi hữu ở một tỉnh xa. Ông rất thích bài thơ và đặc biệt 2 câu chót đã gợi cho ông một sự thương cảm rất sâu sắc, vì thế ông mạn phép họa lại và an ủi tôi. Nguy hiểm quá! Câu thơ mình tâm đắc nhất đã được bạn bè yêu thích, nhưng lại được hiểu ngược nghĩa 1800! Nhưng đã phổ biến rồi làm sao lấy lại? Vì thế khi lên tập thơ của nhóm Chiều Xanh, tôi đã phải đổi lại “giọt long lanh” thành “hạt long lanh”, chắc chắn ai cũng hiểu là hạt châu, hạt ngọc, không thể là hạt lệ!

Nhiều bài nhạc đã hay nhưng sau một thời gian chính tác giả lại sửa lại ca từ như bài “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ), Vinh Danh Thiên Chúa (Hải Linh) chỉnh lại độ ngân hoặc chỉnh ô nhịp…

Tôi vẫn thường dùng từ điển tiếng Việt để tra cứu. Có người nói cần gì, nhưng vẫn phải dùng vì văn nói khác mà văn viết khác. Có từ dùng để nói nhưng khi viết văn thì phải dùng sao cho thanh tao chứ không cứng cáp, thô tục được. Có những từ phải sử dụng một thời gian dài mọi người chấp nhận rồi mới đưa vào từ điển được nên cứ dùng từ điển mất công một chút nhưng chắc ăn không sợ sai.

Người ta cứ vịn cớ VN chưa có Hàn Lâm viện. Xin thưa thời vua Lê Thánh Tôn đã có sáng kiến thiết lập một hàn lâm viện văn học thực thụ dưới danh hiệu Tao Đàn nhị thập bát tú (1459) trước cả các nước Ý, Pháp, Anh… nữa (xem hình bên)

Thiết nghĩ muốn làm việc này cũng đâu có gì khó còn hơn là tiêu biết bao nhiêu tiền vào đào tạo những vị chẳng làm được gì cho văn học nước nhà có khi còn ngáng đường đi của những người khác…

Tại hải ngoại trẻ em vẫn được học tiếng Việt và trong những gia đình Việt Nam sống tại đó, Tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chính sử dụng trong gia đình.

Sách dạy tiếng Việt - Con Tim Việt Nam - của nhà xuất bản Tuổi Hoa, dành cho trẻ em gốc Việt ở hải ngoại, đang học tại các trường công lập, cuối tuần học tiếng Việt tại các Trung Tâm Việt Ngữ. Bộ sách này đang được chính thức sử dụng tại Highline Public Schools, Washington và Westminster School District, California cũng như tại nhiều trường và trung tâm Việt Ngữ.

Ngôn ngữ & Văn Hóa của Quyên Di là bộ sách tiếng Việt cao cấp, đang được chính thức sử dụng tại đại học UCLA và Cal State University, Long Beach cũng như tại học khu Garden Grove, California.

Nhiều người Việt xa quê hương tình cờ nghe ai đó nói tiếng Việt thế nào cũng lân la tay bắt mặt mừng để hỏi chuyện, hỏi thăm quê hương, thăm bà con mình. Dĩ nhiên với thời đại Internet như ngày nay thì mọi chuyện trên trời dưới đất đều rõ cả, nhưng không phải ai cũng có thể nghe những gì mình muốn biết rõ ràng, những giọng nói thân thương mà chỉ vùng miền của mình mới có…

Thế nên dù có thông thạo Anh, Pháp, Nga, Hoa, Nhật, Hàn… nhưng tiếng Việt vẫn là tiếng mẹ đẻ. Tiếng ấy đã ngấm sâu trong máu khi còn nằm nôi đã nghe những lời ca dao, những câu hò… trẻ bây giờ còn nghe thêm nào là Mozart, nào là Beethoven trong thai kỳ nữa để tăng thêm IQ cho sau này… thực ra thì ngay khi mới tượng hình cho đến khi chào đời, đứa bé vẫn thường được người mẹ - đôi khi cả người cha - âu yếm, thương yêu nựng nịu không chỉ bằng những cái vuốt ve mà còn dùng cả những lời nói tràn đầy yêu thương để trò chuyện, thủ thỉ, thầm thì với đứa con yêu quý của mình về tình yêu thương, về những mong ước tốt lành của mình dành cho đứa trẻ, thậm chí tâm sự với con cả những suy nghĩ, tâm trạng của mình trong thời gian cưu mang này (thường được gọi là thai giáo)…

Nhạc sĩ Phạm Duy có bài hát rất nổi tiếng:

Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời…”

Có người trước khi chết còn muốn nghe lại câu hò quê hương, nghe lại câu dân ca, lời hát ru mới xuôi tay nhắm mắt được.

Xin dâng một nén hương kính nhớ các vị tiền bối đã có công khai sáng chữ viết từ Hán sang Nôm, từ Nôm sang chữ Việt, để chúng tôi là những hậu sinh được thừa hưởng những sự nghiệp lớn lao của các ngài.

Xin trân trọng giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và truyền lại cho thế hệ mai sau những câu nói, những tiếng hát, tiếng ru à ời mẹ cha thủ thỉ khi còn nằm trong nôi.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .