Việt Văn Mới
Việt Văn Mới






TỪ MIẾU BÀ CHÚA XỨ

ĐẾN THÁP CHÀM PO AGAR

VÀ CHÙA BÀ ẤN GIÁO MARIAMMAN




Bài viết theo ngạn ngữ Việt Nam :
“Tháng Hai Cờ Bạc Tháng Ba Hội Hè”.

  
        

M iếu bà Chúa xứ (núi Sam – Châu Đốc), tháp Chăm Po Nagar (Xóm chài – Nha Trang) và chùa bà Mariamman (số 45 Trương Định phường Bến Thành Quận 1 – Thành phố Hồ Chí Minh) được xây dựng từ lâu đời có niên đại khác nhau rất xa ở ba địa điểm rất xa nhau và do ba cộng đồng dân tộc thiểu số phân lập nhưng lại có một kiểu dáng – mô típ kiến trúc tượng thờ gần giống nhau. Chúng ta thử tìm hiểu lai lịch của ba cơ sở tín ngưỡng dân gian này để xem nguồn gốc xuất hiện như thế nào trên đất nước Việt Nam.

Miếu bà chúa xứ : Tọa lạc dưới chân núi Sam và nằm ở vị trí phía trước lăng miếu (còn gọi sơn lăng) của Khâm sai Thoại Ngọc Hầu tức Nguyễn Văn Thoại (1762-1829), một quan Tổng trấn đạo Châu Đốc (An Giang thuộc Phủ Gia Định) thời vua Minh Mạng triều nhà Nguyễn.

Theo ý kiến một số nhà nghiên cứu, tượng bà Chúa xứ được tạc bằng Diệp thạch, một loại đá thuộc trầm tích cổ được hình thành ở các tam giác châu và các hố đại dương (vùng biển sâu và xa bờ) có mặt từ thời kỳ trước nước biển rút khỏi vùng châu thổ sông Cửu Long, gọi là hải thoái. Bởi vì, tượng thần này được đặt thờ trên một bệ đá ở trên đỉnh núi Sam cao mấy trăm mét có thể do những người Ấn theo đạo Bà La Môn hay Ấn Giáo mang tới theo đường biển lúc nước biển còn mấp mé nơi đỉnh núi, rau sam (rau muống nước) mọc đầy dẫy. Có tên núi Sam cũng từ gốc tích này.

Theo sử nhà Lương 502-556 (Trung Quốc) từ thế kỷ thứ IV một người Ấn Độ sang Malaysia rồi tới Phù Nam cưới công chúa lấy vương hiệu Crutavarman. Ông vua này tôn sùng Bà La Môn giáo theo phái thờ Civa (Siva) – Lịch sử bang giao Việt Nam – Đông Nam Á (Phan Lạc Tuyên 1993) .

Thời kỳ hải thoái vùng biển này tương ứng với thời kỳ truyền thuyết lập quốc của Phù Nam vào thế kỷ thứ I Tây lịch. Theo đó, một hoàng tử người Ấn tên Kaundinya đi thuyền tới vùng này (khu vực đại dương Nam Á) gặp công chúa Liễu Diệp con của vua rồng (hay thần rắn Nagar) đang cai quản. Công chúa đem binh thuyền ra ngăn chặn thì bị hoàng tử bắn một mũi tên trúng thuyền công chúa và thuyền bị thủng chìm. Công chúa được hoàng tử cứu sống rồi hai người trở thành vợ chồng. Vua cha bèn nhường ngôi báu cho hai người đồng thời trổ phép thần thông rút hết nước biển vùng này để đất đai màu mỡ cho họ trị vì đất nước. Truyền thuyết vua rồng rút nước biển tương ứng với thực tế của khoa hải dương học ngày nay : hiện tượng hải thoái vào đầu và thế kỷ thứ VI ở vùng biển Nam Á.

Một điều rất lạ lùng là truyền thuyết lập quốc của ba vương quốc Cam-pu-chia, Champa và Phù Nam đều có cùng một nguồn gốc như trên. Như vậy, phải chăng thời kỳ đó, cả ba dân tộc Khmer, Chăm và Phù Nam đều có mặt vùng đất mới sau thời kỳ hải thoái gọi là đồng bằng sông Cửu Long mà nhiều nơi còn ngập mặn ? Nhưng rồi không vương quốc nào làm chủ được đồng bằng ẩm thấp hoang vu này cho đến khi xuất hiện một số di dân người Hoa và người Việt sau thời kỳ hải thoái lần thứ hai. Theo Địa chí văn hóa TP Hồ Chí Minh năm 1987, vương quốc Phù Nam hình thành từ thế kỷ I tới thế kỷ VI thì tan rã do người Khmer nổi lên thành lập vương quốc Chân Lạp gồm Thủy Chân Lạp (vùng Nam Biển Hồ - Tonlésap) và Lục Chân Lạp (vùng Bắc Biển Hồ). Hải thoái lần thứ I tương ứng với thời kỳ đầu công nguyên. Hải thoái lần 2 vào thế kỷ thứ VI sau công nguyên. Hiện tượng này phù hợp với nhận định của các nhà nghiên cứu lịch sử và địa chất : vương quốc Phù Nam biến mất cùng với phố cảng Óc Eo (Ô Keo) nơi có núi Sập (Thoại Sơn) thuộc Long Xuyên ngày nay. Có thể do trận động đất có sóng thần tràn ngập và tàn phá vùng An Giang, Long Xuyên, Cà Mau làm thành hải xâm) nên một ngọn núi lẻ của dãy Thất Sơn bị sụp lở làm phủ lấp luôn phố cảng Óc Eo. Sau đó, hiện tượng hải thoái diễn ra dần dần cho đến ngày nay, còn lại 9 cửa sông Cửu Long, biển Hồ, đồng Tháp Mười và U Minh ngập mặn..

Vào những năm 1820-1825, Thoại Ngọc Hầu theo ý nguyện của vợ đưa tượng bà Chúa xứ từ trên đỉnh núi Sam xuống chân núi để lập miếu thờ cùng với công trình xây dựng cổ tự Tây An có vị trí như ngày nay qua nhiều lần trùng tu. Thoại Ngọc Hầu ngoài chiến công trấn thủ đạo An Giang còn có công bảo vệ nước bạn Cam-pu-chia có tranh giành ngôi vua nội bộ và khẩn hoang lập ấp di dân, cụ thể đào kinh Vĩnh Tế (Hà Tiên – Châu Đôc), kinh Thoại Hà (Rạch Giá – Thoại Sơn, Long Xuyên) và đắp Tân lộ kiều lương (con đường từ núi Sam tới thị xã Châu Đốc).

Tượng bà Chúa xứ có nguồn gốc của tượng thần Siva, một trong số ba thần của Bà La môn giáo hay Ấn độ giáo là Brahman, Siva và Visnu. Sau này, người dân sửa lại gương mặt của thần Siva để thành một nữ thần, còn thân hình vẫn giữ nguyên dạng là thần nam Siva vạm vỡ. Bên cạnh nơi thờ tượng bà Chúa xứ (thần Siva) còn có tượng đá hình bộ phận sinh dục của đàn ông (Linga) được phủ vải đỏ, dân gian gọi là cậu – con bà. Còn bệ đá hình âm vật (Yoni) vẫn ở nguyên chỗ cũ trên đỉnh núi Sam. Người theo đạo trên thờ bộ linga - yoni tượng trưng cho sự sinh nở, phát triển của muôn loài.

- Đền bà Po Naga ở tháp Chăm Xóm bóng Nha Trang : Tên nguyên chữ là Po Yang Ino Naga (có nghĩa Bà mẹ xứ sở). Ban đầu tượng thần được bọc vàng, ngọc. Năm 781 hải tặc từ Nam Á tới cướp đi. (Văn bia nơi đây nói quân Java tới vào năm 774). Năm 918, vua Indravarma III của Champa cho đúc tượng lại bằng vàng. Quân Khmer đi đường biển tới cướp đưa về nước. Bức tượng đá còn lại ngày nay do vua Jaya Indravarma cho tạc lại năm 965. Nhưng tới khi người Việt tới lại biến tên tượng này thành “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi Hồng Nhơn Phổ Tế Linh Ứng Thượng Nữ Thần”. Bên ngoài tháp có dựng tấm bia đá giải thích lai lịch do Thượng thư Phan Thanh Giản soạn năm 1858. Tới năm 1867 cụ uống thuốc độc tự tử khi quân Pháp đánh chiếm Vĩnh Long cùng với ba tỉnh miền Tây Nam Bộ.

Khu vực tháp Chăm ở đây gồm có ba tháp và tượng nữ thần Po Naga được đặt trong tháp chính lớn nhất. Nữ thần với dáng ngồi có mười tay, hai tay chính để trên đùi bình thường, còn các tay nhỏ hơn cầm vũ khí như kiếm, cung, tên…Tượng bà được đặt trên một cái bệ đá vuông có tên gọi Yoni với đường rãnh viền quanh có miệng để thoát nước khi tắm rửa bà. Hai pho tượng nhỏ đặt hai bên vách, là cô và cậu, con của bà. Còn linga bằng đá được thờ riêng (cặp linga-yoni) trong tháp Giữa tượng trưng cho thần Siva của Ấn độ giáo. Người Chăm lúc đầu cũng theo đạo này, có lẽ cùng thời với sự có mặt của bà Chúa xứ ở núi Sam và ở đền Angkor Wat bên vương quốc Cam-pu-chia. Theo đó, ba vương quốc như đã nói có cùng một truyền thuyết lập quốc và theo cùng một Ấn độ giáo lúc ban đầu. Về sau, có nơi theo Hồi giáo rồi Phật giáo.

- Đền nữ thần Mariamman ở quận 1 TP Hồ Chí Minh : Ngôi đền thường được gọi là chùa Bà Đen tọa lạc ở số 45 đường Trương Định thuộc phường Bến Thành quận 1 là một trong số ba ngôi đền (hai đền kia thờ ông ở đường Tôn Thất Thiệp phường Bến Nghé và đường Nam Kỳ khởi nghĩa phường Nguyễn Thái Bình). Các ngôi đền này được xây dựng đúng theo kiến trúc mỹ thuật Ân độ giáo thuộc vùng Nam Ấn Độ tức ở đất nước Scri Lanka do chính các thương nhân Ấn Độ làm ăn ở Sài Gòn xây dựng từ rất lâu, có người nói trên 200 năm lúc ban đầu là ngôi nhà lá rồi lợp tôn. Ngôi đền hiện nay được xây dựng lại năm 1958-1960 do một Ấn kiều của Hội Ấn kiều hoạt động ở quanh khu vực chợ Bến Thành từ thời Pháp thuộc đến ngày Sài Gòn được giải phóng tháng 4/1975 xây dựng theo mẫu của các đền thờ bên Nam Ấn Độ.

Sau đó, ngôi đền bị tiếp quản do người chủ trì bỏ về nước và tới năm 1990 ngôi đền được chính quyền quận 1 cho mở cửa hoạt động trở lại do một thương gia người Ấn Độ là cháu ruột của thương gia trước tiếp tục quản trị đền nhưng ông lại qua đời năm 2005. Ngôi đền rơi vào tình trạng tranh giành quyền quản trị của hai dì cháu người Việt gốc Khmer theo đạo Phật phái Nam tông ở Trà Vinh. Bà dì chính là vợ của thương gia Ấn Độ trước, còn cháu trai là cháu ruột của bà. Hiện nay ngôi đền được quản lý bởi một Ban Quản trị do chính quyền quận 1 cử để tiếp tục duy trì trật tự, tôn tạo ngôi đền để cho bá tánh tới lui cúng lễ hàng ngày theo tín ngưỡng dân gian.

Ngôi đền thờ nữ thần Mariamman được hóa thân từ thần Siva của Ấn độ giáo thuộc mô-típ của bà Chúa xứ núi Sam và bà Po Na ga tháp Chăm Nha Trang. Ngôi đền chính gồm ba điện thờ : giữa thờ nữ thần Mariamman, hai bên là thờ tượng cô và cậu, con cái của bà. Lối kiến trúc ở đây khác hẳn miếu bà Chúa xứ và tháp Chăm thờ bà Po Naga như đã nói theo đúng nghệ thuật kiến trúc của các đền Ấn giáo ở Nam Ấn Độ. Trên mái điện thờ (mái bằng như sân thượng) có hai khối kiến trúc theo Ấn giáo được tạo hình theo hình tháp giật cấp mang tính nghệ thuật cao vửa tinh vi vừa bí hiểm, một nằm ngay cửa chính ra vào đền và một nằm ngay tên ba điện thờ bên dưới.. Ngay trên nóc điện thờ của ba ngôi đều có các loại tượng người và thú vật chạm trổ tinh vi, đẹp mắt với nhiều màu sắc. Trên tường trước khu nhà hậu hình chử U quanh khu vực đền có 18 tượng thần kiến trúc khác nhau rất tinh vi được đặt trong vòm tròn, đều là biến thể của thần ba ngôi Brahman, Siva và Visnu.

Tượng nữ thần Mariamman và cô, cậu đều bằng đá sơn màu đen tương tợ nữ thần Po Naga, tay và cổ đều đeo đồ trang sức bằng vàng, đá quý…có thứ thật, có thứ giả rất được khách hành hương sùng bái và tin tưởng vào quyền lực linh thiêng. Ngay trước cửa điện thờ nữ thần có hai bộ linga - yoni, một để nổi trên bệ đá thấp, một nằm trong vuông lõm dưới nền gạch có chiều cao hơn một mét và được bao quanh bởi một vuông rào bằng đồng để hạn chế sự đi lại của khách hành hương. Mọi việc cúng lễ đều diễn ra bên ngoài vòng rào này.

Nơi đây, cách hành lễ khác với hai nơi trên. Hai nơi trên chỉ làm lễ vào ngày “vía bà” hàng năm vào ngày 23-24/4 âm lịch (bà Chúa xứ) và ngày 2-23/3 âm lịch (bà Po Naga). Còn ngày vía bà Mariamman vào ngày 15-16/10 âm lịch. Hai nơi trên, khách hành hương ra vào cúng lễ bình thường hàng ngày, tự mình thắp hương, đặt lễ vật và cầu nguyện. Riêng đền thờ nữ thấn Mariamman hàng ngày đều có hai thời điểm hành lễ lúc 8-9 giờ sáng và lúc 7-8 giờ tối, riêng ngày lễ trọng vào thứ sáu hàng tuần, mồng một, rằm hàng tháng đều có thêm một thời điểm hành lễ vào lúc 10-11 giờ trưa. Còn thời lễ tối lúc 8 giờ có giật chuông kêu vang như ở các nhà thờ Thiên chúa giáo. Việc hành lễ do một nữ (người dì) và một nam (người cháu) thực hiện riêng biệt nhau. Cả hai đều bắt chước cách làm lễ của thương gia Ấn Độ trước đây nhưng lại tụng kinh Phật giáo tiểu thừa bằng tiếng Phạn. Người làm lễ cầm khay than củi nhỏ um đầy khói hoặc chiếc đèn dầu đi xông khắp các tượng rồi để cho khách hành hương hơ khói hai bàn tay, vuốt lên mặt, có người phụ rót nước dừa vào tay khách để uống ngay như nước thánh và khách được chấm điểm son đỏ vào giữa trán để chịu lễ hưởng phước lành. Người làm lễ chính còn rung chuông tay như bên Thiên chúa giáo.

Trước đây, nghi thức lễ của Ấn độ giáo như trình bày ở trên chỉ được thực hiện cho người Ấn hay lai Ấn theo đạo này. Nhưng hiện nay, nghi thức này lại được sử dụng luôn cho mọi khách hành hương khi tới đền cầu nguyện, bất kỳ ai.

Khách hành hương lại có thói quen sau khi thắp hương khấn vái xong thì tới bên tường điện thờ ở phía sau hay bên hông để úp mặt vào tường cầu nguyện tiếp trong một vài giây đến một vài phút tùy theo ý nguyện của mình. Một tập quán khác nữa, khách hành hương lại đến tượng sư tử đặt gần cửa ra vào trước chính điện để cầu nguyện thêm hoặc khấn vái hoặc lấy hai bàn tay sờ vào tượng rồi vuốt lên người mình như để đón nhận sự may mắn, tiểu trừ bệnh tật. Khách hành hương là ông bà, cha mẹ còn thực hiện cách cầu nguyện này cho con cháu đi theo. Đây là một cách cầu nguyện đầy mê tín, thiết nghĩ nên bãi bỏ.

Nói tóm lại, hiện nay cả ba địa điểm thờ thần Siva nói trên đều nổi tiếng trên đất nước Việt Nam, hàng ngày thu hút rất đông khách hành hương thuộc mọi thành phần. Nhưng ở tháp Chăm Nha Trang và miếu bà Chúa xứ ở núi Sam – Châu Đốc đã được dân gian hóa nghi thức thờ cúng, cầu nguyện. Ngoài ra còn thay đổi tên thần như tượng người nam nguyên thủy Siva được chỉnh sửa thành nữ là bà Chúa xứ, tượng thần nữ Po Naga được thay bằng tên nữ thần Việt Nam. Riêng ở chùa bà Mariamman, còn giữ nghi thức hành lễ của Ân độ giáo nhưng kinh cầu cũng đã biến thể lai Phật giáo Nam tông do người hành lễ có gốc Phật giáo Khmer ở miền Tây.

Đền thờ bà Chúa xứ đã biến thành ngôi miếu đồ sộ kiến trúc theo nhà chùa Phật giáo nhưng lễ vật cúng hoàn toàn theo cách thức của đình đền Việt Nam, có đốt vàng mã, cúng heo quay và dâng sớ cầu an, cầu tài. Tháp Chăm Nha Trang thờ nữ thần Chăm lai Việt đã được đơn giản hóa nghi thức hành lễ hàng ngày của khách hành hương. Đây chỉ là khu di tích văn hóa Chăm hơn là cơ sở tín ngưỡng dân gian nhưng lại có “xin xăm”.

Chùa bà Mariamman ở quận 1 còn giữ nguyên kiến trúc cổ đậm nét nghệ thuật Ấn độ giáo về tượng thần và đền tháp. Nghi thức cúng lễ pha trộn rườm rà do có hai thời điểm làm lễ (sáng, tối) có người của chùa thực hiện và vật phẩm cúng lễ gồm nhiều thứ phức tạp như gạo, muối, dầu đốt, hoa quả và nhiều loại khác nữa như trầu, cau, chuối, dừa, bánh, kẹo, đường, sữa... Việc kết hoa lài thành nhiều kiểu như xâu chuỗi đeo tay, đeo cổ tượng, trang trí nơi thờ cúng mỗi ngày, cần tới 5, 7 lao động chuyên nghiệp thực hiện đã trở thành phức tạp, rườm rà và lãng phí.



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả đã chuyển từ SàiGòn .