Từ Vũ NewVietArt ViệtVănMới trân trọng
cảm ơn
nhà thơ, nhà biên khảo
Bùi Ngọc Tuấn đã ưu ái
cho phép đăng tải toàn bộ công trình biên khảo này.
C húng ta có rất ít tài liệu về đồ gốm cổ truyền Việt Nam, số người sưu tập đã ít, số sách vở viết về đồ gốm, đồ gỗ, đồ đồng Việt chỉ được phổ biến một cách hạn hẹp. Trong số tài liệu ít ỏi đó, phần lớn được viết bằng bởi người ngoại quốc ở Úc, Anh, Nhật… trong mươi, mười lăm năm gần đây. Nhiều người Việt không biết rằng dân tộc mình có một ngành nghệ thuật thuần nhất, phong phú, kéo dài nhiều trăm năm và rất được yêu chuộng bởi các nhà sưu tập trên thế giới. Những món đồ gốm, hình tượng gỗ, trống đồng này rất đặc biệt Việt Nam, rất đẹp và rất hiếm có. Chúng tôi có cái duyên may là yêu thích ngành nghệ thuật tạo hình đặc sắc này của ông cha, nên trong những năm qua đã có dịp tìm hiểu và sưu tập được khá nhiều món, từ tô, đĩa, đến bình, ấm, lư hương, chân đèn.. Càng tìm hiểu chúng tôi càng say mê hơn và nhận rõ hơn cái giá trị tuyệt vời của nghệ thuật tạo hình cổ truyền Việt Nam. Càng tìm hiểu chúng tôi càng bứt rứt vì thấy ít ai biết đến và ít ai sưu tập những món đồ thật sự Việt Nam, vừa đẹp vừa nghệ thuật, vừa giầu kỹ thuật sáng tạo lại vừa chứa đựng cả dòng diễn tiến của văn hoá nhà qua những món đo.à.. hoặc thường dùng hàng ngày, hoặc khi tế lễ, hội hè, từ thôn quê đến kinh đô. Do đó dù sự hiểu biết còn thiếu xót, dù cuộc nghiên cứu chỉ mới ở mức khởi đầu, nhưng cảm thấy không thể chờ đợi lâu hơn được, chúng tôi đành mang cái biết thiếu xót ấy, mang những vật tích gom góp được để trước là mua vui cho bà con, sau là khơi động lên lòng yêu văn hóa dân tộc, rồi từ đó những cuộc nghiên cứu nghiêm chỉnh sẽ được thực hiện bởi các nhà chuyên môn. Ngõ hầu người Việt chúng ta hiểu rõ hơn, yêu nhiều hơn, rồi cùng chung giữ và trân quí các món đồ biểu hiệu cả một dòng tình tự dân tộc. Hy vọng rằng một ngày gần đây đa số chúng ta biết và yêu những nét chạm khắc trên cột đình cổ, những cái trống đồng, những món đồ Chu Đậu, đồ Lý Trắng, Lý Nâu ... để càng hiểu và yêu thêm cái tâm tình thuần Việt được thể hiện qua bàn tay người nghệ sĩ Việt nhiều trăm năm trước. Để qua những cái đĩa, cái chén, cái trống đồng, các hình tượng ấy, chúng ta sẽ thấy rõ ông cha ta nhìn đời sống chung quanh mình thế nào.
T rong quá trình tiến hóa, sự tồn tại và phát triển của một giống sinh vật hay thực vật dựa trên sức mạnh của giống vật ấy. Đối với một giòng giống, một văn hóa con người, sức mạnh ấy dựa trên hai yếu tố: ý chí và bản chất đặc biệt. Ngoài yếu tố thể chất, bản sắc đặc biệt ấy là nền văn hóa của mỗi dân tộc. Chính ý chí và bản chất của dân Do Thái đã làm cho dân tộc này tồn tại suốt hai nghìn năm vong quốc. Mãnh mẽ hơn thế nữa là sự tồn tại của dân tộc Việt Nam qua một nghìn năm bị người Trung Hoa đô hộ, qua một nghìn năm thường xuyên chống trả với những cố gắng đồng hóa dân Việt về văn hóa và chủng tộc.
Tuy nhiên trong đôi ba trăm năm gần đây, bên cạnh những nỗ lực phi thường để mở mang bờ cõi trở về vùng đồng bằng sông Cửu Long, người Việt lại trở nên nhu nhược về sự sống còn của văn hóa Việt. Từ trí thức tới chính quyền, tới dân giả người ta trở nên lơ là với văn hóa ‘thuần Việt’, người ta trở nên thiếu hiểu biết rõ ràng và trung thực về lịch sử, nguồn gốc và văn hóa Việt Nam. ‘Bụt chùa nhà đã trở nên hết linh thiêng’ trong tâm trí người Việt. Tất nhiên không ai nhận vậy, nhưng nhìn vào các hành vi của đa số chúng ta, đó là một sự kiện rõ ràng.
Chỉ vì ‘bụt chùa nhà không thiêng’ mà trong biết bao năm qua, chúng ta đã không tìm hiểu, không nghiên cứu và không phổ biến nền văn hóa thuần Việt. Tệ hơn chúng ta lại cho rằng cái gì không từ bên ngoài mang vào thì không tốt, không quý. Để làm giảm mặc cảm tự ti, chúng ta đã tự gán mình làm một nhánh phụ của Trung Hoa. Phụ bạc bao công lao gìn giữ nòi Việt của tổ tiên.
Người tây phương vẫn coi là văn hóa Việt Nam chỉ là một nối dài của văn hóa đa dạng Trung Hoa; họ vẫn coi văn hóa nòi Việt không khác gì văn hóa của một tỉnh phương nam nước Tầu. Hiểu biết về lịch sử, về văn hóa Việt Nam của tây phương dựa trên sách vở do người Pháp viết lúc còn cai trị nước ta, mà sách Pháp lại dựa trên sách Tầu, những kẻ luôn luôn muốn coi Việt Nam là một tỉnh của họ và coi văn hóa Việt Nam chính là bản sao chép của văn hóa Tầu.
Họ coi như thế vì chúng ta cho phép họ coi như thế, bởi vì rất nhiều người Việt chúng ta lại cũng coi như thế, dậy nhau như thế. Trong bao năm qua, chúng ta đã lệ thuộc vào sách vở do người Pháp viết, người Tầu viết ấy để làm cơ sở cho hiểu biết của mình về văn hóa Việt. Những sách vở này có nhiều nhận xét, nhiều kết luận bắt nguồn từ những thành kiến và những chủ đích ngoài phạm vi văn hóa, khoa học thuần túy mà bỏ qua những yếu tố, những sự thực khác. Trong bao năm qua, giới trí thức Việt Nam, đã như ‘những con vẹt’, học và dậy nhau những sai lầm về văn hóa về nguồn gốc dân ta một cách rất hồn nhiên, vô tư. Chúng ta học mà không hỏi, thuộc lòng mà không suy nghĩ, nhai lại mà không tìm hiểu, không nghiên cứu. Đến bây giờ, với vài triệu người ở hải ngoại, nhu cầu học hỏi về dân tộc của giới trẻ ngày càng tăng, mà những người đi trước vẫn còn tiếp tục truyền dậy cho họ những điều mình nhắm mắt học thuộc lòng từ những năm đi học trước đây. Trong khi đó thì nền giáo dục ở trong nước hiện nay thoái hóa trầm trọng.
Bên cạnh những lỗi lầm khác, lỗi lớn nhất của rất nhiều trí thức Việt Nam là không có hiểu biết rõ ràng về bẳn sắc văn hóa Việt Nam, không có ý chí tìm hiểu, truyền bá nền văn hóa ấy. Thế nhưng cũng trong suốt bao nhiêu năm qua, nhiều người đã tìm hiểu, đã cố gắng viết lên các nét đặc biệt của văn hóa thuần Việt, các sự thực, đúng sai của lịch sử, của nguồn gốc dân tộc. Nhưng những công trình này không được giới giáo dục và giới truyền thông (hai lực lượng mạnh nhất của sự tìm hiểu, phổ biến văn hóa) chú ý tới.
Ở miền Nam, sự hiểu biết về lịch sử dân tộc của những thế hệ sinh vào thập niên 1940 cho đến 1960 chỉ dựa trên bộ sách viết cho học sinh
trung học của ông bà Tăng Xuân An (tóm lược từ bộ Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim), hay những bộ sách giáo khoa
trung học tương tự. Ở bậc đại học, nếu người ta có học về sử Việt, thì cũng không thêm được bao nhiêu. Trong những thời gian tốt,
những hiểu biết ấy được truyền dậy từ thế hệ này sang thế hệ kia, trong những thời gian xấu thì còn tệ hại hơn hàng ngàn lần.
Ở miền Bắc lại càng tệ hơn nữa, người ta chỉ chú tâm dậy học trò lịch sử đảng cộng sản. Đọc lại bộ sử giá trị của Trần Trọng Kim,
ta thấy rõ rằng, những điều cụ đã dè dặt, đã nhấn mạnh là truyền thuyết không đáng tin lắm, thì lại bị dậy thành những những sự
thực về dân Việt.
Hai lầm lẫn ghê gớm nhất về giòng giống chúng ta là:
1- Người Việt có nguồn gốc từ một giống người ở Nam Trung Hoa (thuyết Bách Việt)
2. Văn hóa Việt Nam mang nặng ảng hưởng Trung Hoa.
Các sử gia Việt Nam đời trước viết rằng: ‘… Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái
Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục… Sau Đế Minh truyền ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng
hiệu là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm nhâm tuất (2879 BC) và lấy
con gái Đông Đình Quân là Long Nữ, đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua xưng là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai
(Đế Lai là con Đế Nghi) tên là Âu Cơ đẻ ra được một bọc nở ra trăm người con trai. Lạc Long Quân bảo Âu Cơ rằng:
‘ Ta là dòng dõi Long Quân, nhà người là dòng dõi thần tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay ta được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải’. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương…’
Trần Trọng Kim viết thêm rằng: ‘…có lẽ là từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ Quảng (tỉnh Hồ Nam, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây) còn xưng là đất Bách Việt. Đấy là một điều nói phỏng, chứ không lấy gì làm đích xác được’. Ở trang kế tiếp, Trần Trọng Kim viết tiếp: ‘…Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng Bàng không chắc là chuyện có thực’.
Quả vậy, đây không phải là một câu chuyện kể lại một sự kiện lịch sử. Mà là một truyền thuyết có tính cách triết lý. Cũng giống như người Nhật Bản khi họ truyền dạy nhau câu chuyện Thái Dương Thần Nữ, họ không thể nào tin một cách khoa học rằng nữ thần mặt trời đã sinh ra dân tộc họ; Ông cha chúng ta khi tạo ra truyền thuyết này, đã không chú trọng vào tích cách xác thực khoa học của nó, mà muốn truyền cho chúng ta một khái niệm triết lý trừu tượng nhằøm khơi động tinh thần dân tộc tự chủ của chúng ta sau này. Khi nhắc lại truyền thuyết này, Trần Trọng Kim tỏ rõ ý nghi ngờ về tính cách xác thực của nó. Nhưng tiếc thay những chi tiết phụ trong truyện đã được người đời nay chú trọng quá đáng mà làm lu mờ ý nghĩa đích thực của truyền thuyết vẻ vang này. Nói như thế không phải là phủ nhận truyền thuyết này, mà ngược lại, chính là để nhấn mạnh ý nghĩa cao sâu của nó, để nhận rõ, để duy trì tinh thần dân tộc Việt Nam, để hãnh diện với nguồn gốc độc lập và cá biệt của nòi Việt.
Về phương diện triết lý, điều chính yếu chúng ta phải ghi nhận từ truyền thuyết ‘Con Rồng, Cháu Tiên’ là:
Dân tộc ta là một dân tộc độc lập. Đế Nghi giữ đất phương bắc, Lạc Long Quân giữ đất phương nam. Văn hóa ta không phải là văn hóa Tầu nối dài.
Chúng ta thuộc về một giòng giống oai hùng, linh thiêng (con cháu của Rồng và Tiên).
Với các nhà nho Việt thủa xưa, những gì liên hệ tới lời nói, hành vi, quê hương của Khổng Tử đều có tính cách cao quý. Họ cho rằng để làm tăng thêm phần cao cả, chính thống, họ phải nói rằng chúng ta bắt nguồn đâu đó từ những thời, từ những người mà Khổng Tử ca ngợi (Tam Hoàng Ngũ Đế). Vì thế Thần Nông, Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Minh, Đế Nghi được đưa vào truyền thuyết này.
Ngày nay ta phải thấy rằng truyền thuyết này là một trong nhiều phương cách ông cha ta đã dùng để truyền dậy tính cách cao cả, khác biệt và độc lập của nguồn gốc, của văn hóa Việt Nam, để giữ vững tinh thần dân tộc Việt Nam, và nhờ đó ông cha ta đã thành công, đã giành lại, đã giữ vững quyền tự chủ. ‘Bụt chùa nhà chúng ta đã rất linh thiêng và còn mãi mãi rất linh thiêng’.
Giáo sư Nguyễn Khắc Ngữ, trong bộ sách ‘Mỹ-thuật Cổ-truyền Việt-nam’, nhấn mạnh rằng ‘thuyết bách Việt không chính xác, vì theo thuyết Bách Việt thì các nước Việt (Đông-Việt, Mân-Việt, Điền-Việt, Nam-Việt…) chỉ có sau khi nước Việt của Câu Tiễn bị nước Sở thôn tính, người Việt chạy xuống phương Nam, lập thành nhiều bộ lạc người Việt, tức là từ thế kỷ thứ 6 về sau’. Ông cha ta đã sinh sống đã phát triển văn hóa ở vùng Bắc Việt từ rất nhiều ngàn năm trước đó rồi.
Về phương diện nhân chủng, người Trung Hoa thuộc giống Mongoloid từ tây bắc châu Á đi xuống. Chúng ta thuộc giống Malayo-Polynesien, nghĩa là thuộc các sắc dân từ các hải đảo phía nam Thái Bình Dương đi lên. Từ nhiều ngàn năm trước thiên chúa giáng sinh. Ông Bình Nguyên Lộc đã dày công nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc qua khoa ngôn ngữ học cũng đã chứng minh rằng tổ tiên chúng ta từ phương nam đi lên, chứ không phải từ phương bắc đi xuống.
Nhìn vào bản đồ, ta thấy nước Tầu thời cổ đại chỉ quanh quẩn ở vùng núi rừng phía tây bắc, mà từ đó đi về lãnh thổ của các Hùng Vương xa vô cùng (15 Bộ của Hùng Vương nằm trọn trong vùng Bắc Việt và Bắc Trung Việt bây giờ).
Sử Tầu cũng chép những điều ngược với truyền thuyết ‘chạy về phương nam’ của người Việt. Trong Thông Chí, Trịnh Tiều viết: ‘Năm Mậu Thân thứ năm đời Đường Nghiêu, sứ giả Việt Thường qua hai lần sứ dịch sang dâng con rùa thần; có lẽ nó được đến hơn nghìn năm, mình nó dài ba thước, trên lưng có dấu khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang về sau, vua Nghiêu sai chép lấy gọi là Quy Lịch’.
Trong Sử Ký, Tư Mã Thiên cũng viết: Năm Tân Mão (1109 BC) đời vua Chu Thành Vương, sứ giả nước Việt Thường sang cống chim bạch trĩ, phải qua ba lần thông ngôn, rồi dùng xe chỉ nam để về nước.
Như vậy đây là hai dân tộc, hai nước biệt lập, cách xa nhau và có rất ít trao đổi văn hóa, chính trị, nhân chủng. Phải qua hai, ba lần thông dịch mới hiểu được nhau, thì làm sao mà văn hóa Tầu ảnh hưởng vào văn hóa ta được. Lại nữa nếu câu chuyện sứ giả Việt Thường dâng cho vua Nghiêu con rùa thần với dấu khoa đẩu trên lưng (mà vua Nghiêu dùng làm căn bản cho lịch pháp) là có thật, thì văn hóa truyền từ phương nam lên phương bắc hay truyền từ phương bắc xuống phương nam?
Chúng ta vẫn chỉ nhớ các bài Việt Sử dậy theo tài liệu thiếu sót trước đây, mà không chú ý gì đến những kết quả nghiên cứu nghiêm chỉnh của các nhà khảo cổ và nhân chủng hiện thời. Trong số này có những người như nhà nhân chủng học Mỹ, Dr. Paul K Benedict sau khi phân tích nguồn gốc nguyên thủy của một số tiếng dùng trong ngôn ngữ của các dân tộc thuộc vùng Đông Nam Á, đã nói rằng những tiếng mà trước đây người ta lầm tưởng là dân Đông Nam Á mượn của tiếng Tầu, thì thật ra người Tầu mượn những tiếng đó từ ngôn ngữ của dân vùng Đông Nam Á. Ông còn nói thêm rằng đã có nhiều trao đổi văn hóa giữa Trung Hoa và vùng Đông Nam Á, trong những trao đổi này, Trung Hoa chịu ảnh hưởng chứ không cho ảnh hưởng vào nền văn hóa ở vùng Đông Nam Á này (‘with Chinese as the recipients rather than the donors’). Dr. Wilhelm G. Solheim II, giáo sư nhân chủng học trường đại học University of Hawaii, đã viết rằng: ‘…trước đây người ta cho rằng văn hóa truyền từ tây qua đông và từ bắc xuống nam.
Trước đây người ta cho rằng văn minh nhân loại bắt nguồn từ vùng Lưỡng Hà Địa (Mesopotamia) và Ai Cập, rồi sau đó là Hy Lạp và La Mã.
Văn minh lần hồi truyền qua Ấn Độ và Trung Hoa, Đông Nam Á là vùng thụ nhận sau cùng. Người Âu Châu thấy văn minh Trung Hoa và Ấn Độ
đã tiến cao, khi gặp những tương tự về kiến trúc, trong đời sống trưởng giả ở vùng Đông Nam Á, họ lập tức cho rằng vùng này học theo
Ấn Độ và Trung Hoa. Vì thế họ còn đặt tên vùng này là Indochina’. Ông Carl Sauer, cũng cho rằng ‘canh nông bắt nguồn trên
thế giới trước nhất là ở Đông Nam Á, từ nền văn hóa Hòa Bình’. (Dấu vết của văn hóa Hòa Bình không chỉ giới hạn ở Bắc Việt
Nam bây giờ, mà còn ở toàn Việt Nam và chạy dài qua vùng Thái Lan, hiện nay). Năm 1968, ông Donn Bayard tìm thấy ở Non-Nok-Tha
một mảnh đồ gốm có dấu hột lúa. Khi dùng carbon-14 để định tuổi, người ta thấy mảnh đồ gốm này cổ hơn năm nghìn năm (vào khoảng 3,500BC).
Đây là dấu tích cho thấy lúa gạo ở Đông Nam Á đã có trước Trung Hoa cả một ngàn năm. Khi dùng carbon-14 để định tuổi chất than gỗ trên các
dụng cụ bằng đồng ở nơi này, họ thấy các vật bằng đồng này đã được đúc vào khoảng trước 3,000 BC. Ông Whilhelm Solheim đã kết luận rằng
kỹ thuật đúc đồng bằng khuôn đôi (double molds) đã có ở Đông Nam Á hơn năm ngàn năm rồi, trước Trung Hoa một ngàn năm. Vì di tích đó cổ như thế,
ông kết luận rằng: ‘Kỹ thuật đúc đồng phát xuất từ Đông Nam Á chứ không phải từ vùng Cận-Đông như trước đây lầm tưởng’.
Ông Chester Gorman tìm thấy nhiều mảnh thực vật đã hóa than trong đó có vài hột đậu, một củ mã thầy, một quả ớt, vài miếng bầu và dưa leo,
bên cạnh những đồ dùng bằng đá của văn hóa Hòa Bình. Nơi đây ông Gorman cũng còn thấy những mảnh xương súc vật đã được cắt thành miếng
nhỏ nhưng không có vết cháy, đây là điều chứng tỏ thịt được cắt ra và nấu chín chứ không nướng trên lửa. Thử carbon-14, những vật tích
này có tuổi từ 6,000 BC cho tới 9,700 BC. Thêm vào đó, dưới các lớp đất sâu hơn còn có những vật cổ hơn như thế. Cũng tìm thấy ở chỗ khai
quật này là các đồ gốm với dấu dây in, với nét vẽ bằng mũi nhọn, những dao đá và dụng cụ đá, tất cả đều thuộc văn hóa Hòa Bình.
Ngày nay những vật tích (dụng cụ và dấu rau cỏ canh nông) của văn hóa Hòa Bình vẫn còn tiếp tục được tìm thấy ở đây.
Những vật tích với nét đặc biệt của văn hóa Hòa Bình (đồ gốm trang trí bằng dấu giây in và hình vẽ băng mũi nhọn) còn được tìm thấy
ở Đài Loan, xa nhất về phương Tây, dấu vết này còn được thấy ở hang Padah-lin phía đông Miến Điện.
Wilhelm Solheim kết luận rằng đồ đá của văn hóa Hòa Bình đã có từ 20,000 BC và canh nông xuất hiện ở vùng này vào khoảng 15,000 BC. Đồ gốm từ trước 10,000 BC. Thuyền độc mộc được chế ra ở Đông Nam Á vào khoảng 4,000 BC tới 5,000 BC đã đưa dân Đông Nam Á đến vùng Đài Loan và Nhật Bản. Rồi vào khoảng hai nghìn năm trước đây, người vùng Đông Nam Á còn di chuyển xa về phương tây, lập nghiệp ở Madagasca và mang nhiều giống cây canh nông vào đông bộ Phi Châu, cũng trong khoảng thời gian này đã có nhiều trao đổi thương mại giữa Việt Nam và vùng Địa Trung Hải.
Những di tích khảo cổ học này, cho thấy ở vùng Bắc Việt bây giờ đã có một nền văn minh cao và khác hẳn văn minh Trung Hoa, từ hơn mười nghìn năm trước. Những người sống ở nơi này vào thời đó chắc chắn không phải là con cháu Đế Minh bởi vì lúc ấy chưa có Đế Minh (theo sử Tầu thì thời Phục Hy vào khoảng 4480 BC – 4365 BC. Thần Nông vào khoảng 3220 BC – 3080 BC)
Nhà sử học Nguyễn Khắc Ngữ đã chia các thời kỳ văn hóa tiền sử Việt Nam như sau:
A. Cựu thạch với các di tích ở Núi Đọ, Sơn Vi, Hoà Bình I, Bắc Sơn đã có cách nay 300,000 năm
B. Trung Thạch: với các di tích cụ thể ở Hòa Bình II, đã có cách nay 10,000 năm
C. Tân Thạch: với các di tích ở Bắc Sơn II, Bàu Tró, Hạ Long đã có cách nay khoảng 5,000 năm
D. Kim Loại: với các di tích ở Phùng Nguyên, Đông Sơn đã có cách nay khoảng 4,000 năm
Ngôn ngữ hai dân tộc Việt, Hoa hoàn toàn khác nhau. Ở bên Tầu, người tỉnh này không thể nói chuyện với người tỉnh khác được, vì tiếng nói mỗi nơi mỗi khác. Tuy nhiên đó chỉ là sự khác biệt về cách phát âm, tiếng Tầu ở nơi nào cũng có chung cấu trúc, cho nên họ vẫn hiểu nhau qua chữ viết (bút đàm). Ví dụ: những bài ca, những chuyện cổ của người Quảng Đông khi viết ra giấy thì người Phúc Kiến vẫn hiểu như thường, đem đọc lên bằng giọng Phúc Kiến, thì dẫu người nghe có không biết chữ vẫn hiểu rõ ràng như nghe những chuyện cổ vùng họ. Họ không cần chuyển dịch gì cả. Nhưng tiếng Việt của chúng ta hoàn toàn khác tiếng Tầu. Để hiểu nhau, nói hay viết, ta và họ phải dùng thông ngôn, phải chuyển dịch. Bởi vì đây là hai ngôn ngữ khác nhau, của hai giống người khác nhau (Cũng như tiếng Anh khác hẳn tiếng Pháp…). Cấu trúc của tiếng Việt ngược hẳn với tiếng Tầu. Họ nói ‘bạch vân’ (tĩnh tự đi trước danh tự) ta nói ‘mây trắng’ (tĩnh tự đi sau danh tự). Ta có mượn nhiều từ ngữ của họ, nhưng lại đem dùng theo cách riêng của ta, mà nhiều khi biến đổi hẳn ý nghĩa của những chữ ấy (Ví dụ như khi dùng chữ ‘tử tế’ ta hàm ý ‘tốt bụng’ nhưng chữ tử tế của tiếng Tầu lại có nghĩa ‘kỹ lưỡng’...) Để ghi chép, người Tầu ở nơi nào cũng dùng chữ Hán được. Nhưng chúng ta không thể làm như thế được, ta đã phải mượn chữ Hán để chế ra chữ Nôm mà dùng, và người Tầu lại hoàn toàn không đọc được, không hiểu được chữ Nôm. (Gần đây số lượng chữ Hán du nhập vào tiếng Việt càng nhiều hơn vì hai yếu tố :
1- Khi soạn bộ ‘Danh từ kỹ thuật’ ông Hoàng Xuân Hãn đã gần như dịch trọn một quyển tự điển kỹ thuật của người Tầu.
2- Chính quyền Việt Nam ở Hà Nội ưa dùng chữ của cơ cấu hành chánh, kinh tế của người Tầu, mà bỏ đi những chữ vốn có từ trước - ví dụ trước nói ‘ghi tên’ , thì nay nói ‘đăng ký’ , trước nói ‘trở ngại kỹ thuật’ thì nay là ‘sự cố kỹ thuật’, trước nói ‘sổ gia đình’ thì nay là ‘sổ hộ khẩu …). Thêm vào đó, những tên người, tên đất mà chúng ta biết về lịch sử Việt thời thượng cổ, cũng không chắc gì là đúng. Thời ấy chúng ta đã có tiếng nói riêng, có văn hóa riêng, thì không có cớ gì chúng ta tự gọi là Lạc Long Quân, là Âu Cơ, là Xích Quỷ, là Văn Lang, là Việt Thường, là Hùng Vương… bởi vì đây là những chữ Hán Việt. Chẳng qua là vì chúng ta không có những quyển sử viết bởi ông cha mình từ thời đó, và cũng đã mất cả chữ viết riêng của mình, nên đành phải dùng những tên người tên đất theo sách vở Trung Hoa, mà người Trung Hoa vì không nói được tiếng ta, không chép được tiếng ta, nên khi thì họ phiên âm, khi thì họ dịch nghĩa những tên ấy và ngày nay ta đành chỉ biết thế mà thôi.
Trong quyển ‘Lịch sử âm nhạc Việt Nam – từ thời Hùng Vương đến thời Lý Nam Đế’, Lê Mạnh Thát đã dẫn ra những sử liệu hùng hồn chứng minh rằng nguồn gốc dân tộc ta vốn từ phương nam tràn lên và văn hóa Việt Nam cổ thời đã ảnh hưởng sâu đậm vào văn hóa Trung Hoa. Lê Mạnh Thát đã dẫn Hậu Hán Thư của Phạm Việp về việc Mã Viện tịch thu trống đồng của Việt Nam để đúc ngựa dâng vua nhà Hán rằng: ‘Viện ưa cưỡi ngựa, nên ở Giao Chỉ được trống đồng Lạc Việt bèn đúc ngựa phép, trở về dâng lên vua…’ . Địa Lý Chí của Tuỳ Thư, chép rằng: ‘Giao Chỉ là một nơi đô hội…(người Giao Chỉ) hết sức cấy cầy, khắc gỗ làm phù thế. Lời đã thề thì đến chết không đổi. Cha con làm nghề khác nhau. Cha nghèo thì sống nhờ những người con. Chúng đều đúc trống đồng lớn…’. Sau này, đến năm 981, Lý Phưởng cũng viết: ‘Đại Chu chính nhạc nói rằng: Trống đồng đúc bằng đồng, trống một mặt để trống, một mặt bịt mà đánh lên. Những thứ của An Nam, Phù Nam, Thiên Trúc đều như vậy cả…’. Lý thú nhất là việc Lê Mạnh Thát giải mã bài Việt Ca ghi lại trong Thuyết Uyển. Lưu Hướng viết bộ sách này vào khoảng năm 16 BC, kể chuyện Trang Tân kể chuyện Ngạc Quân Tử Tích (sống vào thế kỷ 6 BC) nghe người Việt ôm chèo hát bài Việt Ca. Khi nghe, Ngạc Quân Tử Tích nói không hiểu bài ca bằng tiếng Việt nên gọi người Việt tới giải nghĩa. Lưu Hướng chép lại lời phiên âm bài ca giọng Việt và bản dịch bằng tiếng Sở. Từ bản ghi âm giọng Việt, Lê Mạnh Thát đã dùng phương pháp phân tích các từ cổ để ghi lại bài Việt Ca theo giọng nói của chúng ta bây giờ. Ngoài ra Lê Mạnh Thát còn dùng Tiền Hán Thư và Sử Ký của Tư Mã Thiên để chứng minh rằng văn hóa Việt Nam đã thâm nhập vào văn hóa Trung Hoa đầu tiên qua các thuật bói gà, tín ngưỡng nhà cháy và loại hình âm nhạc như Việt Ca… hay sự kiện bộ Việt Luật của Hùng Vương được lưu hành rộng rãi tại nước ta mà sau khi đánh hạ Hai Bà Trưng năm 43 AD, Mã Viện đã phải sửa hơn mười việc cho hợp với luật nhà Hán.
Những chứng liệu ấy cho thấy rõ ràng là văn hóa thuần tuý của người Việt đã rất cao dưới thời Hùng Vương. Lê Mạnh Thát đã thành công trong việc chứng minh bốn nghìn năm văn hiến của lịch sử Việt Nam.
Dân tộc chúng ta, có nguồn gốc xa xưa từ những giống dân ở những hải đảo phía nam biển Thái Bình, chứ không phải từ nam Trung Hoa, phương bắc. Nền văn hóa dân gian Việt Nam khác hẳn văn hóa Trung Hoa. Phần ảnh hưởng chỉ là phần kỹ thuật, không phải là phần ý nghĩa, tâm tình, hay cách biểu hiện. Có những yếu tố văn hóa hoàn toàn ngược với văn hóa Trung Hoa. Ở bất cứ nơi nào trên đất Trung Hoa người ta cũng ‘trọng nam, khinh nữ’, còn ở Việt Nam thì - ngoài giới hạn của những gia đình quan lại, nho học - vai trò của người phụ nữ được tôn trọng, được đề cao, được coi là cột trụ của gia đình, xã hội. Cũng như bất cứ nền văn hóa nào khác của nhân loại, chúng ta thu nhập ảnh hưởng văn hóa từ nhiều nguồn, bên cạnh những ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa, ta cũng có những ảnh hưởng Ấn Độ, Tây Phương và văn hóa ta còn mang nhiều dấu vết văn minh Nam Đảo.
Xin trích trang 17 của ‘Mỹ Thuật Cổ Truyền Việt Nam’ của nhà sử học Nguyễn Khắc Ngữ: ‘Trước đây người ta thường lầm lẫn mà cho rằng nguồn-gốc văn-minh Việt-nam bắt nguồn từ Trung-quốc mà ra.
Sự-thực, từ đời Thượng-cổ, Việt-nam và Trung-quốc đã có hai sắc thái văn-minh khác-biệt.
Dựa vào các cuộc khảo-cổ ở Việt-nam, Thái-lan, Trung-hoa, Mã-lai, Nam-dương, Phi-luật-tân, người ta đã chứng minh được rằng: Tổ tiên người Đông-Nam-Á đã biết trồng-cây, mài đá làm đồ-dùng, làm đồ-gốm trước người Trung-hoa, Ấn-độ và cả Cận-đông hàng mấy ngàn năm.
Về thuật đúc đồng bằng khuôn đôi, theo một số chuyên-gia, vùng này đã có từ 3,000 năm trước –Kỷ-nguyên Tây-lịch, nghĩa là trước cả người Trung-hoa và có thể trước cả người Cận-đông.
Tất-nhiên, sau này, qua các cuộc đô-hộ kéo dài hàng ngàn năm, ảnh-hưởng của văn-minh Trung-quốc không thể tránh được, nhưng nó không thể xóa-bỏ hẳn nền văn-minh cổ-truyền của Việt-nam, mà nó chỉ đóng-góp thêm cho nền văn-minh Việt-nam càng thêm súc-tích mà thôi’.
Sự tồn tại và phát triển văn hóa Việt Nam, là một công trình vĩ đại của tiền nhân ta, nhất quyết chống trả với cuộc đồng hóa của người Tầu. Ngoài những cuộc đấu tranh võ lực, đã có biết bao nhiêu cuộc chiến âm thầm nhưng quyết liệt giữa hai giòng văn hóa Trung Hoa và Việt Nam. Ta phải nhận rằng văn hóa Việt Nam đã thắng. Chúng ta đã thắng bởi vì âm mưu đồng hóa chủng tộc của người Tầu đã thất bại. Về thể chất ta vẫn giữ nguyên những yếu tố Việt. Về văn hóa, không những ta đã duy trì, đã phát triển được nền văn hóa cá biệt của mình, mà lại còn thu nhập được cái hay cái đẹp của văn hóa Trung Hoa; Hơn thế nữa, nhiều yếu tố văn hóa Việt Nam lại còn ảnh hưởng vào văn hóa Trung Hoa. Biết được điều này nên vua nhà Minh đã ra lệnh cho quan quân của mình phải ‘ tịch thu tất cả những gì có chữ viết mang về Tầu, những gì không mang được như bia đá, kiến trúc… phải đốt cháy, phải đập tan…’ Số lượng sách vở, kiến trúc bị họ đã diệt nhiều vô cùng, tuy nhiên cái mà họ không hủy được là những yếu tố văn hóa Việt Nam trong tinh thần, trong đời sống dân gian của ông cha chúng ta.
Trong cuộc chiến đấu cam go và dài hàng ngàn năm như thế, ông cha ta đã chứng tỏ văn hóa thuần Việt mạnh vô cùng. Nhìn vào sinh hoạt, phong tục dân gian, nhìn vào ngôn ngữ văn hóa Việt Nam dù có những ảnh hưởng Trung Hoa, nhưng nét thuần Việt vẫn là nét chính, bao quát khắp đời sống Việt. Ta vẽ mình, ăn trầu, nhuộm răng… người Tầu, cho dù là Tầu ở Hoa Nam cũng không hề có những tập tục ấy. Tổ chức đình làng là một tổ chức không có trong xã hội Trung Hoa. Nguời Tầu mặc áo cài cúc bên trái, ta cài cúc bên phải…
Hãy nhìn vào đồ gốm cổ truyền Việt Nam, một nhành văn hóa ít được biết đến, ít được nghiên cứu, ta sẽ thấy tính chất thuần Việt sắc bén, phong phú và mạnh vô cùng. Chính Đạo Phật cũng truyền thẳng từ Ấn Độ vào nước ta trước khi truyền sang Tầu. Từ chữ Buddha chúng ta dã chuyển âm thành tên gọi ‘Bụt’ , trước khi các nhà nho theo kinh điển Trung Hoa mà gọi là ‘Phật’. Thiền Uyển Tập Anh, chép rằng: Năm 1016, Quốc Sư Thông Biện khi trả lời Phù Thánh Linh Nhân Hoàng Thái Hậu (mẹ vua Lý Nhân Tông) đã dẫn sách Tục Cao Tăng: Sư Đàm Thiên (542-607) trả lời vua Tùy Cao Tổ rằng ‘Một phương Giao Châu, đường thông Thiên Trúc, Phật Pháp lúc mới tới thì Giang Đông chưa có, mà Luy Lâu (Giao Chỉ) lại dựng chùa hơn 20 ngôi, độ tăng hơn 500 người, dịch kinh 15 quyển, vì nó có trước vậy. Vào lúc ấy có Khâu Đà La, Ma La Kỳ Vực, Thương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác tại đó. Các vị sư Ấn Độ này sống vào thời Sĩ Nhiếp đang làm Thái Thú Giao Châu (187-226) như vậy để có chừng đó ngôi chùa và dịch chừng đó kinh thì đạo Phật đã vững vàng lắm ở đất ta, như thế chắc đã phải truyền vào cả trăm năm trước.
Ngày nay, thế giới đang sôi nổi trong vận động toàn cầu (globalization). Vì thế vấn đề tìm hiểu, phổ biến và duy trì những nền văn hóa cá biệt của nhân loại càng trở nên khẩn thiết. Vì toàn cầu không có nghĩa là mọi người bỏ quên đi các cá biệt để trở nên giống nhau, để suy nghĩ như nhau, để nói một thứ tiếng mà thôi. Càng chung nhau nhiều chừng nào càng phải duy trì những cái riêng hay đẹp nhiều chừng nấy. Toàn cầu để xoá bỏ cương giới hành chánh, kinh tế, để giao lưu văn hóa, không phải để làm cho tất cả mọi người trên thế giới đồng nhất về mọi mặt, vì toàn cầu chính là ‘hòa nhi bất đồng’.
Các nhà giáo dục và truyền thông Việt Nam, trong bao nhiêu năm qua, đã không chịu tìm hiểu rõ ràng, đã nhắm mắt nhai lại những điều học thuộc lòng mà không suy xét, không nghiên cứu, không đọc thêm các tài liệu, các phát hiện mới, mà cứ dậy nhau những hiểu biết sai lầm, nông cạn về các truyền thuyết cổ và những kiến thức sai lầm tạo ra từ người Tầu và người Pháp vào đầu thế kỷ 20 với những dụng ý chính trị.
Khi viết về văn hóa Việt, người Tầu luôn có thái độ rằng Viêït Nam là giống “man”, là một phần của Trung Hoa, cần phải được cai trị, giáo hóa (An Nam). Người Pháp khi viết về văn hóa Việt lại dựa trên sách Tầu, chữ Tầu, nên những điều người Tầu viết lại được người Pháp nhắc lại. Người Việt học sách Tầu, sách Pháp với tinh thần nô lệ sách lại truyền bá các điều sai lầm khắp nơi.
Trong những lỗi lầm của trí thức Việt Nam, lỗi lầm ấy, lỗi tiếp tục duy trì những ý thức hệ vong bản, những sai lầm sử học đã làm thui chột tinh thần dân tộc, đã duy trì tinh thần nô lệ, vọng ngoại là lỗi lầm lớn nhất, tai hại nhất. Tai hại hơn nữa là ngày nay nó còn tiếp tục được truyền dạy cho giới trẻ, còn tiếp tục làm cơ sở cho những tìm hiểu, nhận định về nguồn gốc dân tộc và văn hóa Việt Nam.
Trong buổi bình minh của xã hội toàn cầu, nếu chúng ta không còn ý chí để duy trì và phát triển bản chất dân tộc, thì tương lai nòi Việt sẽ ra sao? Chúng ta sẽ đóng góp gì vào cái xã hội mới này?
‘Bụt chùa nhà chúng ta linh thiêng vô cùng’ , chúng ta phải mau mau sửa chữa lại những hiểu biết thiếu xót và sai lầm về nguồn gốc và về tính cách biệt lập của văn hóa thuần Việt mà gióng chuông ca ngợi mà tự hào về nguồn gốc về nền văn hóa ấy. Ông cha chúng ta đã giành được hoàn toàn quyền tự chủ về chính trị, hành chánh từ suốt thế kỷ thứ 10, vậy thì chúng ta không có cớ gì để trở lại làm nô lệ văn hóa cho người Tầu.
Hãy để cho Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai ngủ yên trong sử Tầu. Lạc Long Quân và Âu Cơ là người phương nam chứ không phải là người phương bắc. Chúng ta chính là ‘Con Rồng Cháu Tiên’ với nguồn gốc với nền văn hóa thuần Việt, phong phú, rực rỡ, nhân bản và khác hẳn người Tầu, khác hẳn văn hóa Trung Hoa.
Viết tới đây, lòng tôi thêm bồi hồi, nhớ lại bài học thuộc lòng “Giờ Quốc Sử” của Đoàn Văn Cừ, mà tôi đã học lúc còn nhỏ, sống với gia đình ở phố Hàng Cau, Nam Định vào đầu thập niên 1950:
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông làng mạc ruộng đồng quê
Chúng tôi ngồi yên lặng lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ quốc sử
Thầy tôi bảo các em nên nhớ rõ
Nước chúng ta là một nước vinh quang
Bao anh hùng thủa trước của giang san
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc
Các em phải đêm ngày chăm chỉ học
Để sau này nối được chí tiền nhân
Ta chắc rằng sau một cuộc xoay vần
Dân nước Việt lại là dân hùng liệt
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt
Giống anh hùng trên đất nước Việt Nam
Bên những trang lịch sử bốn ngìn năm
Đầy chiến thắng, đầy vinh quang, hạnh phúc
Vâng, văn hóa thuần Việt sẽ chói ngời, và sau một cuộc xoay vần mới, dân nước Việt sẽ lại là dân hùng liệt như thời Lý, thời Trần thủa trước.
... CÒN TIẾP ...