Việt Văn Mới
Việt Văn Mới








LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM



KỲ THỨ I.


THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..

Việt Văn Mới xin đăng tải lại một vài nhận định báo chí, văn giới về Lược Sử Văn Nghệ khi xuất bản lần đầu vào 1959 :

a) Tạp chí Bách Khoa:" ..Ông TPhong vừa cho ra một loạt phê bình văn học. Đó là ai nấy đều mong đợi, bởi vì sau một thời gian khá lâu chưa ai tiếp tay Vũ Ngọc Phan, chốc đà mười mấy năm trời' đúng một thời gian luân lạc cuả cô Kiều...."( số 56, năm 1959, TRIỀU ĐẨU)

b) Ông TP một văn nghệ sĩ thủ đô vừa viết xong và cho phát hành cuốn" Lược sử Văn Nghệ VN", trong đó tác giả phân tích các tác phẩm của văn nghệ sĩ ra đời từ 1930 đến 1945. Cuốn này được quay ronéo có bầy bán tại các hiệu sách. Sách này tác giả đã tốn nhiều công phu và sưu tầm khá nhiều tài liệu để biên soạn (nhật báo Ngôn Luận ngày 8/9/1959- Saigon).

c) ..." Điều thứ ba, sự phán đoán của anh hợp với ý tôi, phần nhiều các tác phẩm anh khen, thì tôi cũng nhận là có giá trị; những tác phẩm anh chê, thì tôi cũng không thích. các nhận xét cuả anh về Triều Sơn, Hoàng Thu Đông đều đúng cả. Đó là nhận xét của tôi; tôi phải phục sức đọc, sức viết, sức nhớ cuả anh. Cảm ơn anh một lần nữa.." (Nguyễn Hiến Lê, 12/3c Kỳ Đồng, Saigon 3- ngày 17/4/1959)

d) Nguyệt san Sinh Lực (1959, Chủ nhiệm: Võ văn Trưng- Saigon) :"...Hôm nay Thế Phong còn có thể ít nhiều nhầm lẫn-nhưng với khả năng rạt rào của tuổi trẻ, với lòng yêu văn nghệ đến đam mê, anh còn nhiều bước đi ngạc nhiên trên lãnh vực nà để đào xới lại mảnh đất hoang phê bình cảo luận bị bỏ quên trong nhiều năm. Sự cố gắng của Thế Phong là sự cố gắng hoàn toàn văn nghệ, cuả một người văn nghệ biết mỉm cười trong sự nghèo túng bản thân mình để hiến chiều dài cho văn học sử. Cũng có đôi khi ta thấy Thê Phong phê phán có vẻ độc tài và tàn nhẫn nữa; nhưng ta vẫn thấy rằng: đó là sự độc tài và tàn nhẫn không có tính cách tự cao, tự đại; hoặc dao to búa lớn; (trái lại) nhiều tinh thần thẩm mỹ, dĩ nhiên là có chủ quan. Ta quí sự nhận thức ấy- vì anh dám nói- cũng như người khác có dám cãi lại hay không là quyền của họ.." (Lê Công Tâm - Thanh Hữu, nhà văn).

e) Le Journal d'Extrême Orient (Saigon, 3 Décembre 1959)" Lược sử văn nghệ Việt nam-Hisotire de la littérature vietnamienne". Histoire sommaire de la littérature vietnamienne, òu l'auteur passe en revue les écrivains d'avant guerre 1930-1945. Cette oeuvre est tirée sur ronéo avec une tirage limitée. Fruit de minuitieuses recherches et d'une riche documentation donnée une vue d'ensemble des diverses époques et tendances des écrivains, des poètes du Vietnam, de leurs oeuvres, d'une littérature riche de plusieurs millénaires suivant le cours de l'Histoire. C'est une synthèse remarquablement coordonné annotée parle critique éminent qu'est ThếPhong qui l'achevée dans les derniers jours de Juin 1956

(đã in ở cuối sách "LSVNVN-Nhà văn tiền chiến 1930-1945 của ThếPhong, NXB Vàng Son Saigon 1974)...

Từ Vũ và Việt Văn Mới chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã ưu ái cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ,một bộ tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

Từ Vũ

VvietartNewvietart 2004-2018
ViệtVănMới 25.6.2020 Troyes-France.



VÀI DÒNG TÂM SỰ NGƯỜI VIẾT SÁCH

T rước hết cảm ơn bậc đàn anh bước trước: Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – Hoài Chân ... (chẳng là gần với tài liệu văn học tham khảo, cũng như so sánh).

Viết sách biên khảo hay phê bình, giá trị nhiều hay kém có thể nằm trong vài ý kiến dưới đây: Lập trường người viết phải có trước khi tìm kiếm tài liệu. Ấy là đã phải kể tới kiến thức, học và đọc; khả năng và tâm hồn văn nghệ nhạy cảm của người viết phê bình.

Lại cần kinh nghiệm, nhỡn quan nhìn, phải được chế biến theo lập luận người viết càng nhuyễn, sách càng phong phú. Không thể coi sách tương tự như cours nhà trường, làm thành gọi là biên khảo, phê bình văn học. Cũng như étude, non-fiction, fascicule, étude critique sur critique phân minh rõ ràng.

Tài liệu dồi dào, nhưng tài liệu nào chưa đọc, không nên bao biện. Người viết không định ý, lập luận; hẳn tài liệu phong phú dồi dào đi nữa; cuối cùng người viết chết theo với tài liệu sưu khảo được. Nhớ tới Nguyễn Hiến Lê trong một sách biên khảo bàn về tài liệu, nhất là tìm tài liệu văn học, sử học Việt Nam khó gấp bội phần khi sưu tập tài liệu tương tự ở nước ngoài. Ý kiến thật xác đáng. Nước ta triền miên khói lửa, và tầm mức thẩm định giá trị tài liệu văn học chưa được sử dụng đúng mức, công bằng.

Cộng đời sống thấp kém, ít thời giờ đọc sách, mua sách, bảo tồn sách, nên tủ sách văn học Việt Nam cần cho người viết sử dụng còn ở tình trạng rất thiếu thốn.

Khi viết bộ sách này, khích lệ tôi nhiều nhất phải kể tới một người: đó là anh Nguyễn Đức Quỳnh. Ông nhắn nhủ tôi rằng: “tài liệu nhiều chưa chắc đã là một yếu tố thành công, còn phải dám làm, dám nhận trách nhiệm”.

Đôi khi, chính kẻ dám làm lại liều lĩnh và dám biết mình ngu. Như vậy, chắc chắn tôi biết trách nhiệm khi viết sách. Cảm ơn một lần nữa nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh, ông bạn văn tiền chiến vong niên. Nữa, cho tôi xin cảm ơn thêm vài tấm áo vải lao động: như anh chị Hai Nụ ở Xóm Chùa (Tân Định) làm nghề thợ thêu. Anh chị nuôi sống tôi hai năm trời: cơm và nhà ở. Nhà thuê vào năm viết bộ sách là một trăm năm mươi đồng. Tiền cơm bốn trăm đồng. Chưa hết, ông già Lịch bán thuốc lá, cũng ở đây; cho tôi chịu khoảng hai ngàn đồng tiền thuốc lá. Thuốc lá Ruby khoảng sáu đồng một bao. Sáu tháng liền, tôi chỉ đi ra tới ngõ; xa hơn là 147B Trần Quang Khải (Sàigòn 1) tới tiệm cho thuê sách Đức Hưng. Nơi này đủ gần hết tác phẩm tiền chiến, giấy dó Hàn Thuyên, mướn đem về đọc để làm tài liệu viết. Một người bạn nữa anh Lung cũng ở Xóm Chùa ngập nước, có một tủ sách khá lớn. Anh cho mượn và tôi sử dụng một cách sở hữu chủ. Anh từ miền Bắc vào Nam lâu, có viết báo tài tử, một người thật chân tình. Phải chăng chân tình này làm tôi cảm động, khi nghe kể đoạn đời anh tham gia kháng chiến ở Nam Bộ bị Pháp cầm tù. Đời tù đầy thêm kinh nghiệm sống, đời quất ngọn roi phũ phàng bao nhiêu, nạn nhân chịu nổi hờn đau sẽ sống lâu hơn; sau thì người ấy sẽ được liệt vào bậc tốt nhất xã hội trên mọi phương diện.Và một bạn học cũ Hà Nội : Tạ Văn Tài đạp xe đạp thăm tôi để khích lệ - trước khi anh đậu hai thủ khoa Văn chương và Luật khoa Sài Gòn rồi sang Mỹ du học.

THẾ PHONG







BỘ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900-1956

gồm 4 tập:

1). NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930 -1945

2). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN 1945 -1950 gồm hai phần:

a). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN CHỦ LỰC 1945-1950 viết theo lối tuyển tập thơ văn kháng chiến, viết về: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Hữu Thung, Hoàng Lộc, Yên Thao, Nguyễn Đình Thi vv... Các chiến sĩ văn nghệ như: Vô Danh, Hà Minh Tuân, Lê Minh, Vũ Linh, Nguyễn Trinh Cơ, Đình Quang, An Bá Đảm, Quốc Chính, Nguyễn Xuân Hòe, An, Lưu Hương, Chính Hữu, Minh Tiệp, Phùng, Hà Khang, Kim Lân, Siêu Hải, Nguyễn Công Mỹ vv... b). Nhà văn miền Nam 1945 –1950: Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Hoàng Tấn, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Tố Nguyên, Quốc Ấn, Sơn Khanh, Vũ Xuân Tự, Hợp Phố (nữ), Phi Vân, Nguyễn Bảo Hóa(78) v.v...

3). NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950 - 1956.

Bùi Xuân Uyên, Tạ Tỵ, Xuân Nhã (nữ), Hoàng Chu Ngạc, Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Phan Phong Linh, Bạch Diện, Mai-Lâm-Nguyễn-Đắc-Lộc, Nguyễn Tố, Văn Thuật, Mặc Thu, Nguyễn Ái Lữ, Kỳ Văn Nguyên, Nhị Lang, Thanh Nam, Huy Quang, Nguyễn Thiệu Giang, Thi Thi Tống Ngọc, Nguyễn Hoàng Quân, Hiệp Nhân, Thùy Linh, Thanh Bình, Vĩnh Lộc, Nguyễn Thạch Kiên, Hà Bỉnh Trung, Hoàng-Lan, Quốc Ân, Hoài Linh, (1 và 2) Kim Dung, Hiền Nhân, Đoàn Thu, Hoàng Công Khanh, Sao Mai, Nguyễn Minh Lang, Văn An, Thanh Hữu, Huy Sơn, Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Hoàng Phụng Tỵ, Hoàng Song Liêm, Hoài Việt, Trần Nhân Cư, Huyền Giang, Băng Sơn, Vân Long, Song Hồ, Lê Đình Chân, Mặc Đỗ, Phạm Việt Tuyền (Thanh Tuyền), Lê Văn Hòe, Phạm Văn Sơn, Hoàng Như Mai, Huyền Chi, Hoài Minh, Thanh Thuyền, Hồ Đình Phương, Tạ Ký, Xuân Huyền, Thanh Thanh, Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu Mai - Vũ Bá Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân, Nguyễn Hoài Văn, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Nguyên Sa, Mai Thảo, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo,(nữ) Triều Lương Chế, Phạm-Thái –Nguyễn-Ngọc-Tân, Vũ Khắc Khoan, Chấn Phong, Hư Chu, Hồ Hán Sơn, Phan Lạc Tuyên, Đỗ Tấn, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Văn Cổn, Hoàng-Nguyên-Bùi-Khải-Nguyên, Cung Trầm Tưởng, Hà Liên Tử, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Chế Vũ, Thế Viên, Diên Nghị, Huyền Viêm, Phan Minh Hồng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Năng An, Hoàng - Thu - Đông (Hoàng Trọng Miên), Diên Hương, Thanh Nghị, Kiêm Đạt, Hồ Nam– Vương-Tân, Nghiêm Xuân Hồng.

4) TỔNG LUẬN 60 NĂM VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900 -1956 (NAM VIỆT NAM)

Tổng luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1960. Người viết bộ sách cô đọng tóm tắt bốn tập dẫn giải ở trên. Người đọc không có thời giờ hoặc cần có quan niệm tổng thể chỉ cần đọc tập này thôi. Bản Anh ngữ của Đàm Xuân Cận: A brief glimpse at the Vietnamese literary scene 1990 - 1956 (Đại Nam Van Hien Books) Phụ lục bộ sách in thêm một cuốn nữa .Hiện tình văn nghệ Nam Việt Nam 1957 -1961(79) , để độc giả theo dõi được tổng quát bình diện văn nghệ Nam Việt Nam, diễn biến qua nét chính yếu sinh hoạt văn nghệ qua các nhóm: Đại Học và Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Nam Châu, Lê Tuyên, Lê Thanh Châu, nhóm Văn Hóa Á Châu, Chủ tịch giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Lê Xuân Khoa,v.v…. Văn Hóa Vụ (Cơ quan văn nghệ chính phủ Ngô Đình Diệm với Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Trọng Miên, Phan Du,v.v… Nhóm Sáng Tạo, Trung tâm văn bút Việt Nam V.N. (PEN) với Nguyễn Thị Vinh, Thanh Lãng, Tường Hùng, Duy Lam, Nguyễn Hoạt; nhóm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương với Nhật Tiến, Duy Lam, Thu Vân,v.v… và cuối cùng Khép với bức thư người viết trình bày lý do viết bộ sách. Khi viết tôi mới 24 tuổi. Tự nhận rằng nhầm lẫn sơ sót không thể không có. Chủ quan có, nhưng nhớ rằng chủ quan nào mà anh diễn dịch trong tác phẩm? Chủ quan viễn kiến hoặc chủ quan hẹp hòi, ao tù, bè nhóm? Khi sách xuất đầu lộ diện, tôi không muốn nhìn thấy cảnh này, như Vũ Ngọc Phan ra mắt Nhà văn hiện đại; thì một L.H.V. viết bài phê bình trên báo Thanh Nghị rất hay, xác đáng lại không dám ký tên thật. Nhưng điều đau đớn, sau hai chục năm, tôi đây đến sau vẫn biết rằng, người viết ký tên tắt kia chính là Lê Huy Vân. (Bạn học cùng lớp với Nguyễn Hiến Lê). Tôi cho đó đê hèn đáng yêu nhưng không nên có. Một lối phê bình câm nín yên lặng nữa, đểu cáng đáng yêu hơn: mưu mô im lìm – Pháp gọi là: le critique très impitoyable c’est taire. Như vậy không được, một tác phẩm phê bình văn học ra mắt; hay thì khen hay; dở phải chê dở! Sự khen và chê ấy quan thiết ở chỗ đúng cảm quan người viết ở mức độ đúng nhất, không ngụy trang, mưu mô. Tôi cúi đầu trước cử chỉ đó và trong đời chỉ đón nhận thái độ đó. Khi tôi dự định làm văn sĩ, tôi cần đọc nhiều tác phẩm đàn anh, bạn văn trong nước, cả đến quốc tế. Để làm gì? Xin thưa, để xem tác phẩm nào hay hoặc dở, những gì người ta đã và chưa nói tới. Học hỏi và quyền chê khen theo quan niệm đúng nhất của tôi lúc đó. Hoặc như V.Biélinsky(80) , tác giả phê bình văn triết luận nổi tiếng số một của Nga đã chẳng nói: “...Làm sao nghi ngờ hả? Các anh quay lưng không thèm nhìn hả, lại bịt tai không thèm nghe sao? Kệ xác các anh! Không quan tâm tới. Các anh đọc hay không, với tôi không cần thiết. Tại sao à, cuối cùng ai cũng có tự do. Ngoài ra, làm sao tôi phải mặc cả với anh kia chứ? Vậy thì anh bạn ơi, đừng giận nhé! Bằng lòng hay không bằng lòng, các anh vẫn phải đọc. Không đọc, vậy thì anh đọc cái gì mới được chứ? Anh bạn ơi, nếu cho phép tôi, thì tôi bắt đầu nói đây này"…. Sự thật! Sự Thật! Chẳng có gì hơn là sự thật”
Nói theo đàn anh V.Biélinsky, thì xin thưa với các Ngài, sự thật tôi nghĩ, tôi trình bày như thế đó.

Sài gòn, 20 tháng 6 năm 1956.

THẾ PHONG

Ý KIẾN NHỎ VỀ NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930 - 1945

Tiếng Việt hôm nay coi như một ngôn ngữ chính thức trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Đó là mảnh đất có ngót năm nghìn năm lịch sử tiền nhân bồi đắp dành lại cho con cháu đã có thành tích chống lại một nghìn năm bị thống trị Tàu, tiếp đến trăm năm lại bị đô hộ Tây. Cứ mỗi lần phong trào cách mạng đột biến là sau đó một lần bình diện văn nghệ bứt thêm được một độ tiến bộ.

Cuộc cách mạng Nguyễn Thái Học tuy không thành công, nhưng thành nhân cũng góp phần tạo thành một Tự Lực văn đoàn thức tỉnh sau cơn mê lãng mạn thuần triết của Từ-Trẫm-Á, Tuyết Hồng Lệ Sử; Song-An Hoàng-Ngọc-Phách Tố Tâm sau đến Đôi Bạn Nhất Linh, một Khái Hưng Tiêu Sơn Tráng Sĩ, Hạnh, Đẹp, một Xuân Diệu, một Thế Lữ, nhất là một Nguyên Hồng với Những Ngày Thơ Ấu... Rồi tiếp đến sự nhục nhã càng dồn nén của thống trị Pháp chà đạp nhân bản; để rồi có một Vũ Trọng Phụng với Giống Tố, Số Đỏ chống đối mãnh liệt, chứng tỏ sự muốn vươn lên của nhược tiểu dân tộc và một Lan Khai mượn quá vãng để lên án hiện tại trong Lầm Than.

Năm 1940, một đợt cải biến nữa, Nhật bắt đầu sang thay thế cho Pháp tạo thành một Hàn Thuyên với Nguyễn Tuân Vang Bóng Một Thời, Chùa Đàn; một Nguyễn Đình Lạp với Ngoại Ô, Ngõ Hẻm; một Nguyễn Đức Quỳnh với Thằng Cu So, Thằng Phượng, Thằng Kình, một Trương-Tửu (Nguyễn Bách Khoa) với Kiếp Đọa Đày; hoặc các nhà văn độc lập điển hình cho mọi xu hướng khác nhau, như Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Thụy-An-Hoàng-Dân, Ngọc Giao, Hồ Hữu Tường, Lê Văn Trương, và những nhà phê bình uyên bác như Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh, Hoài Chân, Trương Chính vv...

Một Nhà văn hiện đại Vũ Ngọc Phan, một Thi Nhân Việt Nam Hoài Thanh là đánh giá, phân tích sắp xếp diễn tiến lịch sử văn nghệ trong giai đoạn cực thịnh từ đầu thế kỷ hai mươi đến năm Nhật đặt chân lên đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, hai bộ sách trên không phải không thiếu sót. Có dư luận cho rằng Vũ Ngọc Phan đã không biết phê bình, nghĩa là lột trần tư tưởng thầm kín của sự vươn lên trong tác phẩm chống đối guồng máy chính quyền hồi ấy. Như Giông Tố, Số Đỏ, Đôi Bạn, Thằng Kình, Ngoại Ô, Giăng Thề, Lầm Than (1) hoặc Nhớ Rừng của Thế Lữ. Xét lại thì giữa một khung cảnh chính trị nô lệ, dưới quyền đàn áp bằng lưỡi lê, nhà tù của Pháp; đặt các cơ cấu bóp chẹt sự thật, thì sự thật đành câm nín trong sự thật muốn diễn đạt, phê bình.

Thế nên, một Đôi Bạn, Thằng Kình, Ngoại Ô, Vang Bóng Một Thời, Vũ Ngọc Phan đành câm lặng ngoảnh mặt đi, không dám nhắc nhở một Dũng đã sang Tàu, sang Nga một Kình nhược tiểu quốc muốn giải phóng dân tộc qua ý chí nung nấu cơ giới hóa, qua hình ảnh tượng trưng của một lớp học Nhì A. Và bao nhiêu nữa; cho đến hôm nay lịch sử cách mạng hoàn thành nền độc lập; trên đà tiến triển trên đường xây dựng chế độ mới. Còn là chúng tôi có điều kiện nhắc lại sự việc mà các bậc đàn anh đã miễn cưỡng bỏ qua.




SƠ LƯỢC KHÁI QUÁT LỊCH TRÌNH
DIỄN TIẾN VĂN NGHỆ TỪ 1865-1950


Trước khi phân tích lịch trình diễn tiến trình diện văn nghệ Việt Nam, chúng ta nhìn lại khởi điểm của lịch sử văn nghệ, từ ngày có chữ quốc ngữ. Chúng tôi xếp loại theo tài liệu của đa số nhà văn hóa, học giả và theo quan niệm riêng của chúng tôi. Có thể chia ra làm 04 giai đoạn:

. Giai đoạn I : Giai đoạn khởi thủy : 1865-1913.

. Giai đoạn II : Giai đoạn nền móng : 1913-1930.

. Giai đoạn III : Giai đoạn cực thịnh : 1930-1945

. Giai đoạn IV : Giai đoạn phân hóa : 1945-1954.


I. – GIAI ĐOẠN KHỞI THỦY:

Từ năm 1865 đến 1913, các nhà văn, học giả như Trương Vĩnh Ký, Paulus Của, Phan Bội Châu cùng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, Hoàng Cao Khải với Tuồng, Chèo cổ, Hát đúm, Quan họ, Cò lả, Trống quân, Truyện Tàu, Bài ca Á tế Á, Cô đầu. Tất nhiên phải kể đến một ông Tổ có công sáng tác quốc ngữ là linh mục Alexandre de Rhodes (A Lịch Sơn Đắc Lộ).

II. – GIAI ĐOẠN NỀN MÓNG:

Từ năm 1913 đến 1930 hai nhóm Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh (1892-1930), Nam Phong Tạp chí của Phạm Quỳnh với các nhà văn Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học (1857-1921), Hải Triều, Phan Khôi, Dương Bá Trạc, Á-Nam-Trần-Tuấn-Khải, Nhượng Tống, Vũ Đình Long, Trần Huy Liệu, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939), Hồ Biểu Chánh, Phạm Tất Đắc, Nguyễn Quang Oánh, Đào Duy Anh, Phan Kế Bính (1875-1921). Hoàng Thúc Trâm, Nguyễn Văn Tố, Phong trào cải lương Nam kỳ, Song-An-Hoàng-Ngọc-Phách. Những nhà văn này góp rất nhiều công lao tu bổ nền móng giai đoạn xây dựng chữ Quốc ngữ.

III. – GIAI ĐOẠN CỰC THỊNH:

Nhóm Tự Lực văn đoàn hình thành, sau Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại năm 1930. Gồm những nhà văn chịu ảnh hưởng Tây học sâu xa như: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Thế Lữ, Mạnh Phú Tư, Anh Thơ (nữ), Bùi Hiển, Đỗ Tốn, Đỗ Đức Thu... Về tiểu thuyết tâm tình, các tác giả lồng khung cảnh cách mạng tiểu thuyết có lối viết kỹ thuật Tây Phương lôi cuốn được nhiều độc giả Tân học, nhất là thanh niên thiếu nữ mới. Ngoài ra, Xuân Diệu, Thế Lữ khai thác lối thơ mới chịu ảnh hưởng Verlaine, Rimbaud, Lamartine... tạo cho thi ca Việt Nam một sắc thái mới là Thơ Mới. Còn Tú Mỡ với lối đi riêng thơ trào phúng. Về tả chân tiểu thuyết, chúng ta thấy có Nguyên Hồng và Thạch Lam...

Các nhà văn độc lập khác như Lê Văn Trương với lối tiểu thuyết trường giang như Balzac, tuy không thành công cả nội dung và hình thức hoặc Nguyễn Công Hoan tả chân phong kiến; Lan Khai mở rộng tầm mắt cho độc giả hiểu biết về tâm tình, phong tục tập quán người Việt miền núi; Phan Trần Chúc điển hình cho tiểu thuyết dã sử. Cách diễn tả tâm lý sâu sắc, bố cục gọn gàng, hành văn sáng sủa, hấp dẫn. Bên cạnh Lan Khai còn có Tchya, nhà văn, thơ viết loại truyện truyền kỳ, tuy không giá trị bằng Lan Khai, Phan Trần Chúc; nhưng là món ăn tinh thần giá trị giải trí lành mạnh.

Nhóm Hàn Thuyên vào giai đoạn cuối cực thịnh tiền chiến. Nhà văn hoài dĩ vãng Nguyễn Tuân; xã hội Nguyễn Đình Lạp, Trương-Tửu-Nguyễn-Bách-Khoa; hoạt kê Đồ Phồn, tiểu thuyết phóng sự trường thi Chu Thiên, giáo dục tranh đấu Nguyễn Đức Quỳnh, với lối nhìn phân-tâm-học. Đối tượng của nhóm này tạo cho con người hiểu biết quốc tế qua lý luận triết học đệ tứ.

Công lao đóng góp cho văn học thời bấy giờ, về khảo luận văn học đáng kể như Đặng Thái Mai với Văn Học Khái Luận, Trương-Tửu-Nguyễn-Bách-Khoa với những cuốn khảo về Truyện Kiều và Nguyễn Du, Kinh Thi Việt Nam, Nguyễn Đổng Chi Việt Nam Văn Học Cổ Sử, Lương Đức Thiệp xã hội, Nguyễn Tế Mỹ, Nguyễn Hải Âu kinh tế, hoặc Hồ Hữu Tường với lối viết tiểu thuyết phóng thích chính trị và sau cùng là bác sĩ Nguyễn Trần Huân. Riêng Nguyễn Trần Huân về sau này đóng góp cho văn học qua dịch phẩm giới thiệu văn chương cổ V.N. như Truyền kỳ mạn lục hoặc tác phẩm viết chung với M.Maurice Durand qua cuốn Introduction à la littérature Viêtnamienne (Văn học Việt Nam)do Unesco tài trợ và xuất bản ở Paris vào 1969.
Ảnh hưởng của nhóm này tạo cho nhóm cộng sản đệ tam sau này không nhỏ.
Sau 1945, nhóm Hàn Thuyên chia ra làm hai phe, một ở lại với đệ tam như: Đặng Thai Mai, Đỗ Phồn, Trương Tửu (Nguyễn Bách Khoa), một số chết trong cao trào cách mạng 1945-46, như: Nguyễn Hải Âu, Nguyễn Tế Mỹ, Lương Đức Thiệp v.v... Sau cùng một số vào Nam như: Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Hồ Hữu Tường và Nguyễn Trần Huân sống ở Paris từ trước thế chiến hai.

Vũ Trọng Phụng là nhà văn xã hội hoạt kê điển hình bậc nhất trong văn học phóng sự. Ông là đại diện cho cả một khuynh hướng như: Tam Lang, Vũ Bằng, Trọng Lang. Vũ Trọng Phụng ghi lại một thực trạng xã hội bị thống trị, sự đảo lộn trật tự gia đình, tất cả những gì ảnh hưởng Tây Phương đôi khi trở thành lố bịch với chúng ta. Dưới mắt ông, tất cả đáng châm biến, chỉ trích, căm thù (Giông Tố, Số Đỏ).

Về trào lộng xã hội sau tiền chiến, Hồ Hữu Tường viết tiểu thuyết thật độc đáo: Ngàn năm một thuở, Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc náo Hoa Kỳ, Phi Lạc bỡn Nga vv...


IV. – GIAI ĐOẠN PHÂN HÓA:

- Cách mạng kháng chiến bùng nổ, Việt-Nam độc lập, giai đoạn này tất cả hàng ngũ nhất tề đồng tâm chống lại xâm lăng, không phân biệt đoàn thể nào. (Giai đoạn Pháp tái chiếm V.N. 19-12-1946). Tuy nhiên, do tình hình chính trị hiệp định Genève ra đời vào 1954, một số nhà văn thơ vùng kháng chiến trở về Hà Nội và một số rời Hà Nội vào Sài Gòn (Quốc Gia).



Tiết 1


KHÁI QUÁT VỀ VĂN NGHỆ TIỂU TƯ SẢN


Từ Văn Nghệ Thuộc Địa Nửa Phong Kiến, Lãng Mạn Đến Tiểu Tư Sản.


Sau phong trào văn nghệ phôi thai nửa thuộc địa phong kiến lãng mạn Hoàng Ngọc Phách, Hồ Biểu Chánh là thời kỳ chuyển tiếp văn nghệ tiểu tư sản của Tự Lực văn đoàn. Bắt nguồn ở cuộc cách mạng Nguyễn Thái Học; Việt Nam Quốc Dân Đảng thất bại, Nhất Linh, Hoàng Đạo đứng lên tổ chức Tự Lực văn đoàn. Theo lập luận của Trương-Tửu-Nguyễn-Bách-Khoa nhóm Hàn Thuyên; thì Tự Lực văn đoàn là sản phẩm xì hơi cách mạng bằng phương tiện văn chương do linh mục Cras (2) đỡ đầu. Linh mục này sau làm bí thư cho toàn quyền Decoux. Trương Tửu đả kích lối văn chương cách mệnh xa lông (lên án Lạnh Lùng của Nhất Linh: “Lạnh Lùng" đáng ném ra khỏi tủ sách gia đình vì lối văn khiêu dâm”. Về sự xúi giục của lối văn chiều đời ấy, ông cắt nghĩa cho độc giả hiểu thế nào là hình-động-lực. Ông kết luận: “Chỉ có những người nào có tư tưởng nhất định tính nết độc lập mới tránh được sức thôi miên của những hình ảnh xấu sa và quyến rũ tả trong một cuốn văn bằng một ngọn bút tài hoa”.

Hoàn Cảnh Lịch Sử

Năm 1930, Nguyễn Thái Học, Phó Đức Chính, Nguyễn Khắc Nhu... với cuộc cách mạng chống thực dân Pháp thống trị khiến các ngành bảo vệ an ninh thực dân, công an chà đạp nhân bản nhược tiểu dân tộc. Cũng vì thế, có biết bao thứ lính: lính khố đỏ, khố xanh, mật thám của Sở Liêm phóng khủng bố bất cứ một người dân Việt nào yêu nước chống lại. Nhất là sau khi VNQDĐ thất bại, ngành kiểm duyệt sách báo đối với tình hình văn nghệ thời ấy vô cùng chặt chẽ.

Nhóm Tự Lực văn đoàn khai sinh từ dạo ấy, những vị lãnh tụ nhóm trên là VNQDĐ sau này. Một Nguyễn Tường Tam chính khách, một Khái Hưng-Trần-Khánh Giư bị phe đối lập thủ tiêu vào năm 1947. Đường lối của nhóm ban đầu đến chặng cuối không phải chỉ để phát huy văn nghệ thuần túy, mà chính để phổ biến tư tưởng cách mạng. Năm 1941, Tự Lực văn đoàn bị khủng bố, Nguyễn Tường Tam sang Tàu, còn Khái Hưng và Hoàng Đạo bị vây bắt ráo riết. Sự cảnh giác tư tưởng độc giả của nhóm Tự Lực văn đoàn là một thái độ rất văn hóa.


Tiết 2

KHÁI HƯNG
Trần Khánh Giư (1896 – 1947)


Tiểu Sử.

Khái Hưng tên thật Trần Khánh Giư. Sinh năm 1896 ở Cổ Am (Hải Dương) và mất năm 1947. Gặp Nhất Linh vào năm 1931. Là nhà văn chủ lực trong Tự Lực văn đoàn viết cho báo Phong Hóa, Ngày Nay, cơ quan chính yếu của nhóm. Sau năm 1945, ông là một trong những người chủ trương tuần báo Chính Nghĩa và nhật báo Việt Nam, cơ quan của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Ngày 27 tháng 12 năm 1946, Khái Hưng bị kháng chiến bắt và đưa đi an trí ở Lạc Quần (Chinê, Phủ Lý) rồi từ đó mất tích.

Tác Phẩm.

Tác phẩm đầu tay của Khái Hưng, cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên và cũng là cuốn đầu tiên của nhà xuất bản Đời Nay (cơ quan ấn loát của Tự Lực văn đoàn) in vào năm 1933. Rồi tiếp đến Nửa Chừng Xuân (1934), Gánh Hàng Hoa (viết chung với Nhất Linh, 1936), Trống Mái (1936), Dọc đường gió bụi (1936), Anh phải sống (viết chung với Nhất Linh, 1937), Tiếng suối reo (1937), Tục lụy (1937), Đợi chờ (1939), Thừa tự (1940), Tiêu sơn Tráng sĩ (1946), Hạnh (1940), Những ngày vui (1941), Đẹp (1941), Đội mũ lệch (1941), Đồng bệnh (1942), Gia đình, Thoát ly, Băn khoăn, Đời mưa gió (với Nhất Linh) do nhà Phượng Giang tái bản sau tiền chiến. Năm 1945, ông viết truyện ngắn với luận đề cách mạng chống phong kiến, tứ đổ tường đăng trên tuần báo Chính Nghĩa như truyện ngắn Lời nguyền, Khói hương...

Phân Loại Tiểu Thuyết.

Khái Hưng viết hai loại: truyện ngắn, truyện dài, dịch thơ, kịch. Thơ dịch của ông đến hôm nay còn được nhắc lại là bài Sonnet d’Arvers. Truyện dài chia ra làm nhiều loại, lãng mạn như Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Trống mái. Về phong tục tập quán như Thừa Tự, Gia đình… Về phân tích tâm lý như: Hạnh, Đẹp, Băn khoăn… Truyện ngắn như Dọc đường gió bụi, Anh phải sống, Đội mũ lệch, Lời nguyền, Nhung… Về kịch như Đồng bệnh, Tục luỵ…

Về tiểu thuyết lãng mạn như Hồn bướm mơ tiên và Nửa chừng xuân, tác giả quá say mê với đề tài của mình, nên tâm lý nhân vật cũng như cách giải quyết bị lệch. Về truyện ngắn, Khái Hưng thành công trong Đợi chờ, Anh phải sống và nhất là sau này trong Lời nguyền, Nhung, cũng như truyện dài phân tích tâm lý, thảm kịch gia đình, thành công rực rỡ vào năm 1941 là cuốn Hạnh ra đời, tiếp theo là Băn khoăn, Đẹp.

Nghệ Thuật Viết.

Khái Hưng cũng như Nhất Linh, Thạch Lam, Hoàng Đạo có tài viết truyện. Thiên bẩm viết truyện làm say mê hấp dẫn người đọc rất truyền cảm, diễn tả thái độ lồng trong tư tưởng luận đề thực tiễn, khiến người đọc cho rằng truyện đã có người thể hiện rồi, mà tác giả là người đã sống hay mục kích sống. Độc giả không thể nào rời được cuốn truyện đang xem (tất nhiên, tôi nói đối tượng của độc giả Tự Lực văn đoàn hồi ấy). Có đôi khi lại ngưng đôi ba phút, hoặc giả xem gần hết cuốn truyện, mà vẫn còn thấy tiếc rẻ là chóng đi tới kết thúc. Khái Hưng làm say mê người đọc nhất là truyện ngắn. Trong Đợi chờ, kết thúc của cuốn truyện bắt người đọc sững sờ. Hoặc giả trong Tương tri (trong tập Hạnh) chúng ta đọc xong, buồn man mác như đã gặp thiên thần qua cơn ác mộng tuyệt đẹp. Tính chất mơ mộng của tiểu tư sản đã bộc lộ tuyệt đích ở đây. Cốt truyện tác giả kể việc quen cụ Tú Trường Lệ, mỗi lần qua đó, cụ mời tác giả đánh cờ cho bằng được mới thôi. Nhà cụ đẹp như động tiên, mỗi khi cụ rẽ vào dặng phi lao là mất bóng. Rồi quen lệ, năm sau tác giả chờ mong cụ lại để hầu cờ thì vắng bóng. Không biết cụ đi đâu, nhà cửa chuyển từ bao giờ không ai hay và không để lại vết tích nào. Tác giả nhớ lại và diễn tả nỗi nhớ ấy qua những dòng văn bóng bẩy, đẹp vô cùng:

“… Năm ngoái, chờ mong mãi mà không thấy cụ Tú ra đánh cờ… Tôi mò mẫm về tận trái núi bình phong nhưng cũng không tìm được di tích cụ Tú kỳ dị ấy…”

Thật bay bướm, đẹp như giấc mộng thần tiên hay người trần gian đã về tiên giới. Cảm giác buồn đẹp xâm chiếm lòng người, cảm giác xao động bắt nguồn từ đó, thì chính sự tạo được một thái độ ở người đọc là thành công tác giả. Phê bình lối truyện ngắn Khái Hưng, Vũ Ngọc Phan cho rằng tác giả có lập ý cao như Anatole France hay Hofmann, Edgar Poë, chủ trương thuyết hoài nghi.

Đến Đợi chờ, nghệ thuật lịch lãm của truyện ngắn lai càng bọc lộ rõ nét. Nhất là thanh niên thiếu nữ đã mấy ai không yêu ở tuổi hoa niên, mà đã dễ mấy ai yêu rồi không vương vấn: Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, gặp người đẹp giữa đường trong cuộc du lịch, nàng hết xăng cho vào xe hơi đành vay mượn chàng thanh niên ấy. Người đẹp hứa hẹn mai mốt gặp gỡ thì dễ gì mà không hẹn ngày tái ngộ. Ngưng người thanh niên đã chờ đợi mấy mùa thu vẫn bặt âm tín. Diễn tả thái độ nhớ nhung buồn sầu ấy, Khái Hưng viết:

“...Và bên bờ sông cao, khóm cây vẫn yên lặng nghiêng mình soi bóng xuống mặt nước rêu xanh khô đọng, những bụi lau lá sắt và nhọn vẫn đứng thẳng hàng, bông trắng loáng thoáng lẩn trong không. Trên ngọn đồi xa, làn mây bạc vẫn ngập ngừng dừng lại… cùng chàng mong ngóng người năm ấy, vạn vật trầm ngâm mong ngóng xuân về…”

Nghệ thuật viết truyện dài của Khái Hưng, nhất là những cuốn về sau như Băn khoăn chẳng hạn, tiểu thuyết lãng mạn như Hồn bướm mơ tiên, hoặc Nửa chừng xuân bắt nguồn rất nhanh đến loại truyện phân tích tâm lý, mổ xẻ tinh vi hình tượng con người sống trong cùng khoảng thời gian, không gian với tác giả, khiến người đọc xếp ông vào loại bất tử. Từ Hạnh đến Đẹp, Băn khoăn đi sâu vào tâm lý với kỹ thuật viết trưởng thành. Chúng ta nhớ đến văn hào quốc tế thời nay Constantin Virgil Gheorghiu, vì họ đều có một nguồn (souche) viết tiểu thuyết hấp dẫn, nội dung vẫn mang vết tích đời sống cá nhân, bối cảnh xã hội, triết lý được tả lại bằng hình tượng, thái độ, cảm giác. Độc giả nào cũng có thể say sưa với Hạnh, Băn khoăn, Đẹp; cũng như Giờ thứ 25, May mắn thứ hai, Người Lữ hành cô đơn. Tình tiết sắp đặt thật mới, không cần dùng khung cảnh lãng mạn câu khách (lãng mạn tầm thường không dính líu, hay cần thiết cho cốt chuyện) mà nghệ thuật diễn đạt được lồng vào hơi văn đặc biệt của tác giả. Cũng là một loại tiểu thuyết chính trị của Khái Hung như Lời nguyền, Nhung hoặc của Gheorghiu, Ehrenbourg, nhưng họ đều khác nhau ở điểm lập trường chính trị. Tiểu thuyết của Khái Hưng nói lên sự hòa đồng cách mạng của nhược tiểu quốc cùng với hoàn cảnh chính trị năm 1945, Gheorghiu lên án tư bản, phát xít độc tài, dân Do Thái là nạn nhân của mọi chế độ, nhưng ông đề cao nhà thờ và ông cho rằng chỉ có nhà thờ và thi sĩ có thể cứu nhân độ thế ở thời tao loạn mà thôi (cõi thức của tôn giáo và lương tâm của thi sĩ). Ehrenbourg viết tiểu thuyết với nghệ thuật tham lam chủ nghĩa; nên đôi khi ông bất chấp cả diễn tiến của tâm lý, tình cảm hình tượng, giác quan con người hôm nay, tự tạo một mẫu người anh hùng, rồi đề cao nhân vật ấy, bắt buộc con người cùng thời thể hiện. Chính vì thế, tiểu thuyết cảo luận của Ehrenbourg là bản án quá thiên về một chủ nghĩa để giải quyết và kết thúc; khiến cho người đọc không còn khách quan theo dõi. Những cuốn Cơn bão, Paris thất thủ đã khác hẳn các tiểu thuyết căn bản của Nga, của Dostoevskð, Léon Tolstoï…

Nghệ thuật viết tiểu thuyết, thiết tưởng rằng không thể nhà văn nào có thể khuyên nhà văn nào, nên viết theo đường lối này hay đường lối kia. Mỗi nhà văn có một hoàn cảnh và hoàn cảnh ấy tạo cho mỗi nhà văn một thế giới riêng. Nếu chỉ theo một con đường để khai thác, thì văn nghệ bị trói chặt theo một đường lối; như thế có hại cho sự khai thác mọi chiều trong xã hội. Người ta không thể khuyên Khái Hưng nên viết như Vũ Trọng Phụng hay trái lại. Cũng không nên như André Maurois khuyên rằng: "nếu viết tiểu thuyết thì không nên bày tỏ chủ nghĩa chính trị hay triết học". Và ông cho rằng chủ nghĩa chính trị hay triết học ấy nên sắp vào một ngành: văn nghị luận. Nói thế là lầm, là lý luận của bọn người (nghệ thuật vị nghệ thuật, art pour art) không hợp với trình độ đòi hỏi con người hôm nay. Phê bình một tác phẩm chỉ nên nhận định tác phẩm ấy có nghệ thuật cao so với loại truyện ấy không, vì viết được truyện có hình tượng thời thế có nghệ thuật là trình độ cao, là thái độ biết đem đời sống vào văn chương, như Bertrand Russell quan niệm: ghi chép đời sống dẫn vào triết lý nhân sinh.

Trở về Khái Hưng, với Băn khoăn, Đẹp và nữa, Hạnh, chúng ta thấy rằng ở Đẹp và Băn khoăn rất khó tóm tắt cốt truyện, nghĩa là khó tóm tắt đầy đủ tình tiết. George Duhamel, nhà văn hiện đại của Pháp rất thích loại này. Vì ông cho rằng cuộc sống thực tiễn cũng như trong truyện rất khó mà tóm tắt, như vậy có nghĩa là đã có khung một cuốn tiểu thuyết hay.

Chịu Ảnh Hưởng Tây Phương.

Khái Hưng là nhà văn thấm nhuần tư tưởng Âu Phương, cách hành văn trong tiểu thuyết đã chứng tỏ điều ấy. Không phải lối văn dài giòng, khúc trắc, khó hiểu, lôi thôi, kể lể; như tiểu thuyết phôi thai Hồ Biểu Chánh hay "Tố Tâm" Hoàng Ngọc Phách. Cách hành văn sáng sủa, kết thúc truyện đột ngột, hợp với giác quan và tâm lý chuyển biến của lớp người đương thời. Đọc văn ông, nhất là truyện ngắn như chúng ta vừa nói ở trên, hương vị buồn man mác, nói riêng. Truyền cảm, nói chung, thoảng như hoa thơm trong truyện tình Mối tình đầu của Tourguenieff, đôi khi đài điếm cao sang như Anna Karénine của Léon Tolstoï. Nhà văn Khái Hưng sinh trưởng trong một gia đình trưởng giả, nên trong tiểu thuyết của ông không thể bình dân, hoặc đi vào từng lớp người đang sống ở hang cùng ngõ hẻm. Vì thế, đôi khi ông tả hình ảnh nông thôn thì cảnh ấy không thoát được hình tượng của một chiếc máy ảnh chỉ chụp được những gì khách quan hoặc dưới con mắt của người xa lạ nông thôn. Tuy nhiên, lối tả cảnh nông thôn rất đẹp. Nhờ thiên bẩm tiểu thuyết, giầu tường tượng, nghệ thuật trình bày, cho nên những gì viết thành truyện đều có chiều sâu (nói về cuộc sống trưởng giả, thị thành) Nhân vật trong Băn khoăn chứng tỏ: ông sống trong lòng trưởng giả rất nhiều. Tâm tình của Nghị Hách trong Giông tố của Vũ Trọng Phụng, thì chỉ có Vũ Trọng Phụng mới diễn tả nổi – vì ông sống trong lòng bọn cuồng loạn. Và Nam trong Đẹp, thì chỉ có một Khái Hưng mới làm trọn được phận sự mình.

Cách Mạng Tư Tưởng.

Văn Khái Hưng đều đều, ít bộc lộ cách mạng tư tưởng trong tác phẩm như Nhất Linh ở điểm, giữa lúc Pháp còn hống hách, bọn tay sai thư lại, phong kiến thực dân chà đạp, a tòng, thì Nhất Linh lại dám lên án chúng trong Đôi bạn. Còn Khái Hưng đi vào chiều sâu con người hơn là vận mệnh. Nhưng không thể trách Khái Hưng tại sao lại không như Nhất Linh. Tư tưởng con người, nhất là nhà văn không dễ gì bó buộc vào khuynh hướng nào, một khi tác giả không đam mê thích thú. Ở Nhất Linh là người nuôi chí anh hùng tạo thời thế và Khái Hưng nhờ thời thế thay đổi.

Phân Tích Loại Tác Phẩm Chính Của Khái Hưng:

Ở phần trên, chúng ta đã phân tích: Nhất Linh là người nuôi chí anh hùng tạo thời thế và Khái Hưng nhờ thời thế thay đổi. Như vậy có bạn cho rằng chúng ta quên mất tác phẩm Tiêu Sơn tráng sĩ của ông xuất bản vào năm 1940: một tác phẩm nuôi dưỡng cách mạng trước giờ khởi điểm. Xét tác phẩm trên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị nuôi dưỡng cách mạng của ông, nhưng thực không có thái độ và ý chí như Đôi bạn. Vì thế cuốn Tiêu Sơn tráng sĩ chỉ có giá trị tư tưởng thúc đẩy gián tiếp (pensée réactionnaire épileptique). Phân tích sự nghiệp Khái Hưng, chúng tôi nhận chân ông qua những tác phẩm sở trường, gọi là loại truyện phân tích tâm lý. Điển hình cho loại này, phải kể đến Hạnh, Băn khoăn, Đẹp...

Phê bình Đẹp là phê bình chung cho loại truyện trên. Trước khi phân tích, chúng ta cùng điểm qua tiểu thuyết lý tưởng của ông sai và phần lý tưởng ở chỗ nào? Sau Dương Quảng Hàm đến Vũ Ngọc Phan, mới đây là Tam Ích với cuốn Văn Nghệ và Phê Bình (Nam Việt xuất bản, 1949). Phê bình Khái Hưng, Tam Ích viết:

“… Khái Hưng có thể viết một vạn bài báo để bênh vực thái độ khách quan của mình, Khái Hưng cũng không thể chối từ được một sự thực mà có lẽ Khái Hưng không thừa nhận: Khái Hưng đã muốn cho ái tình thắng tôn giáo trong cuốn Hồn Bướm Mơ Tiên và muốn cho cá nhân ra khỏi gia đình trong cuốn Đoạn Tuyệt, hạnh phúc cá nhân trong cuốn Lạnh Lùng. Luẩn quẩn trong bấy nhiêu vấn đề, nhà văn đã để lộ thái đội tư tưởng mình trong tác phẩm. Và cứu cánh của nghệ thuật Khái Hưng là ở một xã hội một số người. Số người này đọc Khái Hưng và lấy cái triết lý lờ mờ ấy làm triết lý nhân sinh. Cũng như người ta đọc Kim Vân Kiều vẫn nhớ: “Bắt phong trần phải phong trần” (trang 41)

Điểm thứ nhất, Tam Ích phê bình đúng. Khái Hưng đã muốn cho ái tình thắng tôn giáo - tuy nhiên trong sự cố ý ấy lại muốn Lan ni cô có tư tưởng cao thượng, nên cho Ngọc về Hà Nội. Rồi Lan có ý định bỏ chùa Long Giáng đi tu chùa khác. Sau lại cho Ngọc lên thăm Lan và ngỏ ý suốt đời không lấy ai, chỉ sống trong thế giới ảo mộng, trong tình yêu lý tưởng.

Ngọc nói:

“... Gia đình? Tôi không có gia đình nữa. Đại gia đình của tôi nay là của nhân loại, là vũ trụ mà tiểu gia đình của tôi là hai linh hồn của đôi ta ẩn núp dưới bóng Từ Bi Phật Tổ …” Tư tưởng yêu bồng bột ấy không đứng vững, vì Ngọc lên thăm Lan luôn luôn, bên nương sắn vắng vẻ, tình yêu xác thịt sẽ thắng. Cái lẩn quẩn của Khái Hưng là như thế!

Điểm thứ hai, Tam Ích nhầm, vì Đoạn tuyệt và Lạnh lùng là của Nhất Linh. Như vậy Tam Ích đã không đọc kỹ Khái Hưng và quyết đoán tư tưởng Khái Hưng đúng chỗ, thì làm sao có điều kiện chính đáng; nếu không nói là cái khờ của một kẻ muốn phê bình mà không biết đối tượng kẻ bị phê bình cho đến nơi đến chốn. Cũng như Tam Ích đã có gan phê bình "Gã khờ" Dostoievskð là nhân vật bệnh (morbidité); nhưng ông chưa hề đọc cuốn sách ấy (xem lời chú thích của ông trong Văn nghệ và phê bình, trang 43)

Trước khi phê bình Khái Hưng ta nên cân nhắc hoàn cảnh sáng tạo của tác giả. Giữa một thời đại thực dân thống trị mất tự do, độc lập nằm trong tay bọn thực dân phong kiến; việc kiểm soát tư tưởng ngặt nghèo, thì sự tự do sáng tạo rất khó khăn. Không phải là dễ dàng như ta phê bình: sao nhà văn này chỉ tả lãng mạn, nói đâu đâu, không nêu lên thực trạng xã hội. Điều thứ hai là nội tâm và cuộc đời tác giả bao giờ cũng đi đôi với tác phẩm. Vì một khi có lập trường sống của mình rồi, nhìn bối cảnh cuộc đời đem vào truyện, sẽ được tự động chọn lựa theo quan niệm có. Cho nên lập trường người viết với người phê bình khác nhau. Vì thế người phê bình phải mở rộng khuynh hướng để nhìn và đánh giá một tác giả chỉ nên nhìn xem tác phẩm tác giả trong khuynh hướng ấy đạt mục đích nghệ thuật cao chưa? Còn nữa, không thể nhìn truyện Kiều ở bây giờ để đả kích Nguyễn Du chủ trương thuyết định mệnh lạc hậu hoặc phê bình Nhị Độ Mai phong kiến hủ hóa; lẽ thời Nhị Độ Mai còn cấp tiến hơn chế độ bộ lạc. Như vậy, phê bình Khái Hưng ta phải đặt tác phẩm ấy song hành với hoàn cảnh chính trị thời ấy.

Đẹp là cuốn tiểu thuyết của Khái Hưng viết về cuộc đời nghệ sĩ. Ông viết về họa sĩ Nam là bạn học của Biên. Biên lấy vợ sớm có con sớm. Con gái đầu lòng của Biên là Lan. Trước kia Nam đến chơi, Lan còn bé hay theo chú đi chơi. Bẵng đi sáu năm, thì:

“… Bỗng năm ngoái, đi chơi vịnh Hạ Long lúc trở về, Nam rẽ vào thăm Quảng Yên và gặp Biên ở đấy. Gia đình Biên đã thay đổi khác xưa. Vợ Biên má hóp, da nhăn trông có vẻ già, tuy mới ba mươi sáu tuổi. Nhưng sự biến đổi bất ngờ cho Nam nhất là Lan không còn ngây thơ như trước nữa. Nay Lan đã là một cô gái dậy thì, hai má đỏ hây hây, cái ngực nở nang như chứa đầy sinh lực. Lan hiện học năm thứ ba trường Đồng Khánh và nghỉ hè về nhà được một tháng.

Thoạt nhìn thấy Nam, Lan vui cười chắp tay chào, vì nàng vẫn nhận được chú năm xưa. Nhưng nàng không dám vồ vập, nhất lại thấy Nam ngơ ngác và lúng túng ngả đầu như đáp lễ một người đàn bà chưa từng quen biết…”

Ông rất tâm lý, khi tả một người thanh niên chưa vợ, nhìn thấy người con gái đẹp, dù xưa kia đã chót đóng vai chú cháu cũng không muốn ràng buộc mình vào lễ phép, để không được tự do chiếm cứ sau này. Ông tả theo đúng giác quan. Còn vai Lan, nàng không dám vồ vập, cũng đúng, vì lẽ nàng đã lớn và thái độ của chú năm xưa là lạ. Thẩm mỹ nghệ sĩ bắt đầu chuyển đến nhịp yêu, cho nên hơn một tuần lễ sau, Nam lại ra Quảng Yên vẽ Lan.

Đây là cuộc đàm thoại giữa Nam và Lan buổi đầu:

“… Chú có họ với thầy cháu không nhỉ ?

Nam lắc đầu mỉm cười, cho nàng là quá thật thà.

Cháu cứ tưởng thế nào cũng hơi có họ một tí, nên chúng cháu mới gọi ông là chú.

Thế này này: chả ngày xưa tôi là bạn của thầy…

Lan mỉm cười ngắt lời:

Vậy ra, ông cùng học một lớp với thầy đấy...”

Cuộc đàm thoại thật tế nhị, dí dỏm. Tâm lý con người, nhưng người thường chưa cảm thấy, chưa diễn tả được, ông đã làm công việc của người kỹ sư tâm hồn diễn đạt thay. Lan biết Nam không phải là chú thật của mình, sự chuyển biến từ chú sang ông, tác giả để cho sự diễn tả hết sức tự nhiên. Sau đó Lan lại hỏi:

“… - Nếu thế thì có lẽ ông nhiều tuổi rồi đấy nhỉ?

Nam chưa từng nghĩ đến tuổi bao giờ, từ ngày chàng biết hưởng lạc thú ở đời, chàng tưởng như tuổi chàng đứng lại. Và chau mày suy nghĩ, khó chịu nhưng Lan đã chịu để chàng yên?

Năm nay ông bao nhiêu nhỉ?

Rồi Lan nói tiếp luôn:

Người Tây, họ kiêng hỏi tuổi lắm kia đấy, nhưng An Nam mình gặp nhau rất hay hỏi tuổi có phải không chú nhỉ?

Nam cười:

An Nam mình cũng nhiều người hay giấu tuổi như vậy. Nhất khi có lợi.

Lan làm bộ ngây thơ:

Có lợi gì cơ ông?

Chẳng hạn một người đàn ông đứng trước mặt một cô thiếu nữ trẻ hơn mình nhiều quá, thì quên hạ bớt tuổi mình xuống dăm năm.

Lan yên lặng, như không nghe thấy câu trả lời của Nam. Và Nam cũng yên lặng cúi xuống vẽ.

Bỗng chàng nói:

Mà tôi chưa trả lời câu hỏi của… Lan nhỉ?

Năm nay tôi băm hai… già quá rồi!

Lan cười rất xinh:

Già gì mà già. Ba mươi hai trẻ lắm chứ. Thầy mẹ con bảo chú chưa có vợ có thực không chú?

Thực đấy Lan ạ. Nói là chú không lấy vợ thì đúng hơn.

Chú cứ nói dại dột.

Thực đấy chứ! Chú quả quyết lắm rồi. Nhưng Lan ngồi yên cho chú nhờ một tí…”

Vai Nam ông diễn tả rất đúng. Một thanh niên vó vẻ già, mặc cảm cho nên lúc nào phải xưng tuổi với một thiếu nữ trẻ hơn mình cũng kèm theo nhưng câu nhũn nhặn, có thiệt về phần mình; hoặc chưa già lắm thì già lắm, để người nghe mình tâng bốc lại, cho là mình còn trẻ. Nghĩa là không mấy ai lại không hỏi tuổi mình ở trường hợp ấy cả. Đến đoạn tế nhị như hỏi chú có vợ thực chưa rất tinh tế. Tác giả để cho Lan nói nhiều hơn, hoặc xưng hô ông, chú, con, cháu, và Nam nói rất ít, nếu có, không bao giờ gọi Lan bằng cháu mà chỉ xưng hô tên thật của nàng.

Chưa hết, mẩu đàm thoại vô cùng lịch lãm:

“ – Vì Lan bảo tôi giận Lan, vậy tôi giận vì cớ gì?

– Vì con nhìn thấy tương lai của ông.

– Không phải nhé! Vì Lan hóm hỉnh, tinh quái nhé!

Lan lắc đầu chán nản:

– Lạ thực! Ông cũng như con, cứ nhất định bắt con ngây thơ mãi. Ông phải biết năm nay con mười bảy tuổi ta, mười sáu tuổi tây rồi. Con không phải là trẻ con nữa. Nếu sang năm con đậu Thành Chung thì con sẽ xin bổ làm giáo học, và sẽ cầm thước bổ lên đầu các trò em...Để bấy giờ ông mới chịu cho con là người lớn chăng?

– Cũng chưa là người lớn được.

– Vậy bao giờ con mới là người lớn?

Nam mỉm cười:

– Khi nào có chồng, có con Lan mới là người lớn.

Lan nhìn Nam tròng trọc:

– Vậy ông cũng chưa là người lớn được, vì hiện ông chưa có vợ có con…”

Phải nói rằng ông sống qua nhiều thế hệ, từ thế hệ Nam, rồi thế hệ trẻ gần gũi, tìm hiểu chặng đời qua rồi mà Lan đang sống; thì ông mới có giọng văn kinh nghiệm, tả tình lịch duyệt đến thế! Ta đọc xong, một cảm giác dí dỏm, yêu đời, phục quan niệm về người lớn khi Lan mười sáu tuổi, sau nàng sẽ trở thành cô giáo. Nàng có tình yêu sớm, song trạng thái chưa ổn định, chưa thể quyết định rằng yêu có thể lấy được nhau, có lấy nhau mới yêu nhau… Còn Nam, một thanh niên đã trải qua yêu đương (ba mươi hai) nhưng lại yêu lại (retour d’âge) muốn yêu nhưng không tự thú là mình yêu. Cho nên mượn lời, mượn hoàn cảnh, mượn thái độ tương đồng, bất cứ cách nào lồng được lòng yêu đương, tâm tình thèm được yêu của mình, là nói lên bằng những câu yêu đương bóng bẩy. Đó là tâm sự của Nam. Đôi khi vì quá say mê với nhân vật của mình, Khái Hưng đã cho vai Lan luận về cái đẹp quá sức hiểu biết ở tuổi Lan:

“… - Ông viện nghệ thuật, con cũng xin viện nghệ thuật. Nghệ thuật là đẹp chứ gì. Người dễ cảm cái đẹp là nghệ sĩ, mà cái đẹp hoàn toàn nhất, người ta có nói xấu mãi mặc lòng bao giờ cũng vẫn là con người. Vậy sao ông không cảm được cái hoàn cảnh ấy. Ông chưa cảm là vì ông chưa gặp được người ông cảm đó thôi…

… Ông phải biết Goethe ngoài bảy mươi còn cảm trước hình ảnh thiếu nữ hai mươi tuổi..." Đến phần ông tả Nam trở về Hà Nội, tâm lý Nam tiến theo độ sinh hoạt bình thường, không nhanh quá, không chậm quá. Đây:

“ ...Chàng buồn rầu tự nhủ: mình về hơi có vẻ đột ngột và chàng yên chí rằng vợ chồng Biên đều lưu ý đến sự đột ngột ấy. Sự thực, vợ chồng người bạn chỉ giữ lấy lệ và chàng ra đi giữa sự vui vẻ, trước mặt gần khắp gia đình ấy đến tận ô tô để tiễn biệt chàng. Nam còn như trông thấy mấy cái bàn tay nhỏ xíu giơ tay ra vẫy, mấy hàm răng trắng nuột nhe ra cười, khi xe bắt đầu từ từ lăn trên đường nhựa...”

Chỉ thiếu một một Lan. Và Nam, loay hoay tự hỏi: Tại sao Lan không tiễn mình? Vì Lan tự cho là lớn rồi? Vô lý! Mới hôm nào cùng các em đi dạo phố với chàng. Lan có tỏ ý ngượng ngùng đâu? Vì Lan giận chàng? Càng vô lý hơn. Lan không hề giận ai và trong hai người chính chàng bị Lan trêu tức và đáng giận Lan hơn. Thiếu Lan nhiều người nhận thấy ngay. Lũ em lao xao hỏi nhau chị Lan đâu? Chị Lan không đi à? Và Biên bảo vợ:

“...Nói xong cười to và thẳng thắn. Biên vẫn coi Lan như một đứa bé chưa biết gì và không từng nghĩ đến cái tuổi mười bảy của con. Có lẽ vì thế mà Lan muốn lánh mặt cha mẹ ở nơi công chúng nhất là trước mặt Nam mà đã nói chuyện bằng một giọng người lớn và ngang hàng…”

Đọc xong, ta thấy tác giả không vẽ thừa một nhân vật nào đi quá hạn định của Nam. Vì mặc cảm, khi Nam đã chớm yêu Lan. Nên tìm hiểu từ một thái độ nho nhỏ, thái độ đi đứng, nghĩ ngợi của nàng rồi tự mình kết thúc đâu là hợp lý. Đến những đứa bé, tâm lý của những đứa bé tiểu tư sản, ông vẽ rất đúng, từ thái độ lao xao, chúng kêu là không thấy Lan. Và chuyển tiếp đến Biên, vợ Biên. Hành động của Biên rất vô tình. Không nghĩ rằng Nam có thể yêu con mình, khi Biên coi Nam là người bạn cũ ngang hàng từ lúc đi học. Và Lan còn trẻ con. Giai đoạn Biên nói với vợ là dụng ý của Khái Hưng nhắc đến tên, đến thái độ của hầu hết gia đình Biên. Nhất là Lan, ông phân tích rất khéo léo, Lan không muốn cùng đi với cha mẹ, vả lại có Nam thì nàng sao được quyền coi ngang hàng? Thái độ yêu chứng tỏ rất điềm nhiên. Đây là giai đoạn Lan đến thăm Nam, ông viết:

“...Lan ! Vô lý ! Lan đến đây làm gì ?

Chàng tự hỏi và lúng túng. Đối với gái chàng thành thạo bao nhiêu thì đối với các cô thiếu nữ con nhà chàng ngượng ngập bấy nhiêu. Ít khi có dịp chàng tiếp xúc với các cô và các bà...”

Tâm trạng của Nam, nghệ sĩ, đã từng có cả cô gái điếm sống chung (Xuyến), cách xử thế không phải làm bận lòng Nam. Nam quan niệm, họ phải chiều mình, có tiền là giải quyết được tất cả các vấn đề, trao đổi là xong xuôi công việc. Nhưng gặp các cô con nhà lành, Nam cảm thấy mình phải có bổn phận lịch thiệp chiều chuộng họ nên lúng túng. Với một cô gái mới lớn, nếu không được người khác thừa nhận theo sự mong muốn của mình, sẽ bực bội. Đây:

“… Ông chú đạo đức của cháu ơi ! Chú cam đoan cháu quá quắt lắm. Chú coi cháu như đứa trẻ mười một, mười hai sao?...”

Có lẽ quá lý tưởng cho tuổi lớn của Lan. Khái Hưng lại mắc vào một đoạn rất hỏng vì tả cái biết quá sức hiểu biết của Lan ở tuổi biết:

“...Tranh sơn dầu ví như một người đẹp mà người ta tôn kính đứng xa để ngắm. Tranh sơn ta ví như một người đẹp mà người ta thích vuốt ve hơn ngắm nghía. Có phải vì thế mà người ta làm những bức bình phong hay cánh cửa tủ bằng sơn ta để bày sát bên cạnh người ta không? Nhẵn nhụi quá và mát rời rợi...”

Lan đã trở thành bà lão bàn nghệ thuật hội họa Trung Hoa, hiểu được muốn vẽ trăng thì tả mây; hoặc lồng trong triết lý sâu xa có vẻ thần bí, mà nàng chưa thể nào có lập luận ở tuổi ấy. Đây là đoạn nói về Lan thất hứa đến thăm Nam. Nàng viết thư tạ lỗi họa sĩ qua giọng văn như sau:

“Thưa ông,

Em xin lỗi ông, vì em đã sai hẹn. Lỗi ấy ở một phần cô giáo Mùi em, nhưng em cũng xin nhận cả. Cô giáo em vô lý quá, ông ạ. Ai lại đọc tiểu thuyết trong giờ khâu mà phạt cấm ra chủ nhật.

Chương trình nhà trường mới lại càng vô lý chứ! Sao không dạy con gái học vẽ như con trai mà lại bắt học khâu? Nhưng việc nữ công ấy sau này của chúng em là khâu vá suối đời chăng? Nếu quả thế thì cũng buồn ông nhỉ? Đời người phải là một đời nghệ sĩ, một đời họa sĩ, mới đáng sống phải không ông? Em nói thế không phải nịnh ông đâu em không thích nịnh ai bao giờ? Nhưng em tin thế. Sống cho cái đẹp, sống để yêu cái đẹp, nói thế có đúng không ông, hay không có nghĩa gì hết?

Đây cần mở một dấu ngoặc để cảnh tỉnh ông mấy câu, hẳn ông cho phép chứ? Sống cho cái đẹp nhưng vẫn phải sống. Còn ông thì chểnh mảng với sống quá! Em nói thế không phải em không nhận thấy mức độ sống của ông mạnh mẽ, cao sâu là chừng nào? Nhưng đây em nói về phương diện sống thường của hạng người… thôi nói thế đủ rồi, ông sẽ hiểu. Và đến đây đóng cái dấu ngoặc lại để thuật cho ông nghe câu chuyện bị phạt ra chủ nhật...”

Nhân vật không sống đằm thắm với vai trò nữa, gò bó, vá víu; sự đả kích chương trình giáo dục của bọn thống trị thời bấy giờ lồng vào vai Lan phát biểu. Nên đoạn sau ta lại thấy ông quá say mê với việc tiếp tục đả kích, cho vai Lan trở thành một nhà giáo dục, nào là không được đọc sách mà sách ấy là của André Gide (Giao hưởng đồng quê, Khung cửa hẹp, Đỗ Đình Thạch dịch). Và lại phê bình như triết nhân:

“...Sự thực, người ấy chỉ mù, sinh ra đã mù, chứ không câm. Người ấy không nói được là vì từ thuở nhỏ ở với bà: “Người chết mà bà không nói một câu”… Em thì thấy vô lý, vì sự thực chỉ có một. Cái đẹp cũng chỉ có một. Cái đẹp tưởng tượng trong khi mù vẫn là cái đẹp trước mắt khi đã sáng. Lỗi là cho thiếu nữ không biết nhìn hay nhìn sai vì quáng lòa trong ánh sáng đột ngột rực rỡ...”

Ở đây không nhận chân giá trị về phê bình Gide đúng hay không? Nhưng chỉ phê bình Khái Hưng đã không cho nhân vật khác Lan nói lên lời trên (Nam chẳng hạn) mà đặt vào cô bé mười bẩy, mười tám như Lan thì hơi quá! Có lẽ ông viết xong đoạn trên, rồi nghĩ thấy vô lý của mình; nên ngay cùng trang, ông cho Nam phê bình óc triết lý của Lan:

“...Nam đọc một mạch hết bức thư. Rồi vân vê mấy mảnh giấy trong tay, chàng xem lại từng đoạn. Chàng thấy Lan triết lý, triết lý quá. Và chàng mỉm cười tự nhủ: “Bọn họ mới lớn lên, họ vẫn thế, nhất là về bên phụ nữ. Họ thích triết lý lắm. Bất cứ một việc gì dù đơn giản đến đâu họ cũng có một triết lý sâu xa ở trong...”

Bây giờ đến đoạn cho độc giả một cảm giác thi vị, ngộ nghĩnh của Nam nhờ Tuệ, anh ruột Nam đi hỏi Lan làm vợ cho Nam:

“ –...Ừ tôi hãy hỏi chú, lúc bấy giờ chú xưng hô ra làm sao? Khi chắp tay chào vợ chồng Biên: “Lạy thầy mẹ, con về thăm thầy me ạ” liệu chú có ngượng mồm không?

Nam đã đỏ mặt cãi lại:

– Cần gì! Em nói tiếng Pháp!

Và Tuệ đã mỉm cười tiếp luôn:

– Nói tiếng Pháp với cả vợ Biên và các con nhỏ của Biên...?”

Kết Luận.

Cốt truyện rất thường, nhưng trong cái thường ấy, tác giả viết linh động say mê, hấp dẫn là một điều khó, không phải nhà văn nào cũng thực hiện được. Người ta đọc Tourguenieff thấy hoàn cảnh tạo nhân vật rất thường, như Zassekine được rất nhiều người yêu, đủ loại cả trí thức. Nhưng riêng cậu Vladimir Prétovitch mười sáu tuổi lại được yêu hơn hết…rồi Zassekine lấy chồng, Prétovitch quên nàng. Nhưng sau chàng đến đại học đường thì gặp một người cùng yêu Zassekine kể cho nghe, nàng đã chết rồi. Và Prétovitch có thư của nàng gửi cho trước phút lâm chung, trong đó nàng thú thực nàng yêu chàng hơn hết…

Cốt truyện có thế, chi tiết lại không thường, tâm lý nhân vật không dễ mấy ai viết được hơn Tourguenieff, thì mối tình đầu hay Đẹp đã thành công cũng như ông đã thành công trong Băn khoăn hay Hạnh, Lời nguyền, Nhung.

Phê bình máy móc theo duy vật lịch sử, nhìn cái đã qua với con mắt trục lợi hiện tại, chúng tôi muốn nghĩ ngay rằng: “Sao người ta không sinh ra đời đã là thánh ngay mà phải trải qua những cái gì là tầm thường, khóc oe oe, hay vòi, làm nũng, để đến một độ lớn nào tự mãn ( tạm gọi khi trưởng thành) cho rằng quá vãng của mình không muốn có ở bây giờ”.

Chúng tôi trả lời thái độ phê bình Khái Hưng của ông Tam Ích, vì ông đã mắc vào lỗi phê bình ấy:

“...Về nghệ thuật tiểu thuyết, không phải mỗi lúc lại có thể có một Khái Hưng hay một Nhất Linh. Phải bao nhiêu năm mới lại kiếm được những văn sĩ ấy? Chỉ tiết một điều là phần nội dung của nghệ phẩm của họ không hợp với trào lưu nữa và đứng trên ý thức hệ thì nghệ sĩ này đã đối lập với nghệ sĩ kia. Khái Hưng đối lập với Nguyễn Đình Thi chẳng hạn và Nguyễn Tuân đối lập ngay với Nguyễn Tuân tiền chiến tranh” (trang 47, Văn nghệ và phê bình của Tam Ích).

Chúng tôi có ý nghĩ khôi hài rằng giá Nguyễn Tuân hay Nhất Linh, Khái Hưng sớm thức thời như lời ông Tam Ích phê bình, chỉ nên đợi đến lúc nào ông Tam Ích hô lớn: đó là đúng ý thức hệ sáng tác; thì các ông mới nên sáng tác. Và như thế một người trưởng thành rồi có nên ghen với tuổi trẻ của con mình có ý thức hơn khi mình là trẻ con không? Hỏi là trả lời vấn đề đối lập ý thức hệ như ông Tam Ích, quan niệm sáng tác và phê bình vậy.

Khái Hưng là một nhà văn của Tự Lực văn đoàn để lại những trang tiểu thuyết vô cùng lịch lãm, có thể gọi là người đầu tiên biết viết tiểu thuyết trong lịch sử cực thịnh của văn chương Việt Nam ở giai đoạn đầu.(3)


CÒN TIẾP ...