Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


ĂN GIỖ




         

Ă n giỗ là một tục lệ quan trọng trong đời sống tinh thần và vật chất của người Việt. Giỗ là dịp để con cháu tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên, người sống nhớ đến người đã khuất, Tổ Quốc nhớ đến những người có công. Ăn giỗ cũng là dịp để gia đình, họ hàng và xóm làng, bè bạn thêm gắn kết tình nghĩa sâu đậm qua nhiều thế hệ. Làm cỗ cúng và ăn giỗ còn là một hoạt động ẩm thực rất quan trọng, nó góp phần gìn giữ giá trị văn hóa vừa là vật thể vừa là phi vật thể trong kho tàng của văn hóa Việt Nam.

Ngày nay, kinh tế phát triển đến chóng mặt, nhà hàng, tiệm ăn mở ra như nấm. Một số gia đình đã bỏ tập tục cúng lễ và ăn giỗ tại nhà mà kéo nhau đi ăn ở nhà hàng, khách sạn.

Thời thế thay đổi thì tục lệ cũng đổi thay. Có nhất thiết phải giữ những tập quán ăn giỗ kiểu cổ truyền? Ăn giỗ ở nhà hàng có gì hay, có gì dở? Đó là vấn đề đang đặt ra trong đời sống mỗi gia đình Việt Nam thời hiện đại.

Giỗ cụ nội tôi thủa xưa

Trong gia đình tôi, có một đám giỗ mà mọi người quan tâm nhất. Đó là giỗ cụ nội tôi vào ngày 27 tháng chạp hàng năm. Ông nội tôi là con trưởng và tôi là chắt đích tôn. Cụ nội tôi mất trước khi tôi ra đời có vài ngày vào năm 1947 - Cụ bị Tây đi càn sát hại. Bởi thế, mỗi lẫn giỗ cụ tôi là mọi người lại nhớ đến cái năm ấy, cái ngày ấy.

Từ mấy tuần trước, các ông trẻ, bà trẻ tôi đã về gặp ông bà tôi bàn làm giỗ. Người thì chuẩn bị gạo, đỗ, đong rượu, lo thu gom bát đĩa của mỗi gia đình. Ông tôi và mấy ông trẻ khỏe mạnh nhất thì lo chuyện mổ lợn, dựng rạp.

Con lợn nuôi cả năm để chờ đến ngày giỗ béo nung núc trong chuồng. Các ông trẻ tôi đã đến từ đêm hôm trước lo dựng rạp. Cái sân lát gạch Bát Tràng nối từ nhà ông tôi ra bể nước và bếp phía sau nhà được các ông lấy tre gác ngang tường rồi dùng nong úp lên trên. Cả khoảng sân nay đã trở thành một gian nhà rộng dưới sân trải chiếu. Đêm trước các ông trẻ tôi uống rượu rồi cắt đặt mọi công việc, việc hệ trọng và sôi nổi nhất vẫn là thịt lợn. Hồi ấy, đám giỗ, đám cưới mà không có tiếng lợn chọc tiết kêu eng éc là coi như đám giỗ, đám cưới xoàng. Cái việc mổ lợn làm cỗ nó như một màn biểu diễn không thể thiếu được trong cái nghi lễ của đám giỗ cụ tôi. Hồi ấy, tôi còn nhỏ nhưng là chắt đích tôn nên được các cụ chiều lắm. Lợn mổ xong thế nào cũng được cái bong bóng lợn đem sát tro rửa sạch rồi lấy se điếu thổi phồng lên làm quả bóng chơi rất thú vị. Khi giã giò, bao giờ ông tôi cũng gói riêng cho thằng chắt đích tôn một cái giò lụa nhỏ xíu ăn ngon vô cùng.

Các cụ bà thì cắt đặt mọi công việc bếp núc. Từ ngâm gạo, đãi đỗ, thổi xôi bày đặt các món. Đặc biệt giả cầy, măng…là những món mà sinh thời cụ nội tôi rất ưa dùng bao giờ cũng phải có. Các bà cũng tranh thủ bổ cau têm trầu, cọ rửa đồ thờ và làm bao việc lặt vặt. Chẳng ai bảo ai nhưng công việc cứ nhanh thoăn thoắt đâu vào đấy cả. Đây cũng là dịp để các bà, các cô thi nhau trổ tài nấu nướng. Với những bà mới về làm dâu trong họ thì đây là một dịp “sát hạch” về tài nội trợ. Nhiều bà được khen nhưng cũng có bà không tránh khỏi tiếng chê vì vụng về bếp nước hay trong ứng xử không phải phép.  

Cỗ đã nấu xong, các cụ bà sắp đặt cẩn thận đồ ăn thức uống lên mâm đồng rồi dâng lên bàn thờ, hương khói nghi ngút. Lần lượt ông nội tôi rồi đến các ông, các bà trẻ khăn áo chỉnh tề thắp hương khấn vái tổ tiên ông bà và cụ tôi. Các cụ bà thì quỳ lạy úp mặt xuống chiếu xuýt xoa cầu khấn…

Trong những năm chiến tranh li tán, những đám giỗ linh đình như hồi tôi còn nhỏ đã giảm nhiều. Phần vì không có điều kiện tụ họp, đất nước chia cắt, phần vì kinh tế khó khăn. Tuy vậy, đến ngày giỗ ấy mọi nhà vẫn đến thắp hương bàn thờ tổ và làm mâm cơm cúng bình dị nhưng thành kính nhớ đến tổ tiên. Trong gia đình, cũng có nhiều người đi xa hoặc sống ở nước ngoài nhưng đến ngày ấy, ai cũng thắp nén hương trước bàn thờ ông bà tổ tiên để nhớ đến người đã khuất.

Còn nhiều hình ảnh của đám giỗ mà không sao kể hết. Tôi chỉ nhớ đấy là một ngày hệ trọng nhất trong năm của gia đình dòng họ. Nhiều anh chị em họ tôi cả năm chỉ có một ngày ấy là được gặp mặt nhau. Sau này lớn lên, phiêu bạt khắp nơi, con đàn cháu đống cả nhưng gặp nhau, chúng tôi đều nhớ đến những kỉ niệm của những ngày giỗ kị thủa xưa. Ông nội, bà nội tôi cùng thế hệ các cụ đều ra đi cả nhưng những kỉ niệm cuộc đời và sâu đậm nhất là những ngày giỗ năm xưa thì chẳng bao giờ quên.




VVM.21.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .