Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



BÀI THƠ TUYỆT MỆNH
CỦA NGƯỜI THỦ LĨNH NGHĨA HỘI


Kim nhật lung trung điểu
Minh triêu trở  thượng ngư
Thử  thân hà túc tích
Xã  tắc ai kỳ khu!

Nay là chim trong lồng
Mai đã cá trên thớt
Thân này tiếc gì đâu
Gian nan tình đất nước!


(Bản dịch của Hoàng Tạo)


Từ  năm 1885 đến 2008, trải qua 123 năm, bao thế hệ  ở miền Trung nói chung, cũng như ở Quảng Ngãi, nhiều người vẫn nhớ bài thơ tuyệt mệnh của Lê Trung Đình- thủ lĩnh Nghĩa Hội viết trước khi bước lên đoạn đầu đài. Đọc bài thơ tứ tuyệt trên, nhiều người trong chúng ta cảm kích và quý trọng một con người yêu nước. Chỉ với 4 câu thơ cô đọng, thể hiện khí khái hiên ngang, anh hùng và tấm lòng của Lê Trung Đình đối với đất nước. Trong hoàn cảnh bị thực dân Pháp cầm tù, chuẩn bị đưa đi xử chém. “Thân cá chậu chim lồng”, nhưng dũng cảm xem cái chết “nhẹ tựa lông hồng”, Lê Trung Đình không tiếc thân mình, chỉ canh cánh nỗi lòng lo cho đất nước, dân tộc trong cảnh lầm than bị quân Pháp xâm lược. Qua 4 câu thơ của ông, chúng ta nhớ lại thời kỳ đen tối của dân tộc và đất nước, hoàn cảnh bi hùng, khâm phục sự hy sinh vô cùng to lớn của những người yêu nước. Và, càng yêu hoà bình, quý trọng nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước hơn tất cả. Bài thơ “ Tuyệt mệnh” của Lê Trung Đình đã đi vào lòng các sĩ phu yêu nước cùng nhân dân qua bao đời nay và mãi mãi.

Là  một trong những người đầu tiên lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp, Lê Trung Đình sinh vào năm 1862 (?), người làng Phú Nhơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi (theo Thái Doãn Hiểu và Hoàng Liên trong tác phẩm "Giai thoại kẻ sĩ Việt Nam": Lê Trung Đình sinh năm 1857). Lúc còn nhỏ, ông đã thông tuệ kinh sử, sớm nổi tiếng về văn chương. Năm 1882, Lê Trung Đình đậu cử nhân. Thời bấy giờ, Pháp đã đánh chiếm và thiết lập bộ máy cai trị ở toàn bộ miền Nam và miền Bắc đất nước ta. Là một người tính tình cương trực, lo lắng trước sự suy vong của triều đình nhà Nguyễn và của đất nước, Lê Trung Đình chán ngán thi cử và cũng không ra làm quan. Ông âm thầm liên kết với những người cùng chí hướng, vận động thành lập Nghĩa hội để chống Pháp. Ông liên hệ với những người yêu nước ở Quảng Nam, Bình Định thành lập Nghĩa hội và xây dựng quân đội để nổi lên chống Pháp. Lúc bấy giờ ở Quảng Ngãi, phong trào Nghĩa hội do Lê Trung Đình và Nguyễn Tự Tân lãnh đạo. Ở Quảng Nam, có Hường Hiệu và Bùi Điền phụ trách. Còn ở Bình Định do Mai Xuân Thưởng lãnh đạo. Nghĩa hội được tổ chức bí mật và được sự ủng hộ của nhân dân miền Trung. Lê Trung Đình xây dựng chiến khu ở Tuyền Tung thuộc huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương. Hưởng ứng lời kêu gọi của vua Hàm Nghi, ngày 1/6 năm Ất Dậu ( tháng 7/1885), Lê Trung Đình cùng người phó tướng của mình là Nguyễn Tự Tân đưa nghĩa quân từ chiến khu về đánh chiếm được thành Quảng Ngãi. Phong trào Nghĩa hội thắng lợi, bắt sống bố chánh Quảng Ngãi .

Quân Nghĩa hội của Lê Trung Đình chiếm giữ thành Quảng Ngãi được 5 ngày. Nhưng, do Nguyễn Thân phản bội, cấu kết với quân Pháp phản công mạnh vào lực lượng Nghĩa hội. Ngày 5/6 năm Ất Dậu (1885), quân Pháp huy động quân sơn phòng từ Ba Tơ, Đức Phổ tấn công dữ dội vào thành Quảng Ngãi (Lực lượng sơn phòng là lính của Nam Triều do Pháp điều khiển). Lực lượng chênh lệch, lại không có sự phối hợp nhịp nhàng của quân Nghĩa hội từ Quảng Nam và Bình Định nên bị thất thủ. Phó tướng Nguyễn Tự Tân hy sinh tại trận, Lê Trung Đình thủ lĩnh Nghĩa hội bị giặc bắt. Pháp ra sức dụ hàng, nhưng Lê Trung Đình thể hiện tinh thần bất khuất trước kẻ thù. Pháp đã đưa ông đi xử chém vào ngày 18/7/1885. Trước khi hy sinh, Lê Trung Đình để lại cho đời bài thơ tuyệt mệnh, thể hiện tấm lòng của mình đối với đất nước và dân tộc.

Cuộc  đời, hành động của Lê Trung Đình là tấm gương sáng về lòng yêu nước, ý chí chống ngoại xâm. Sau cách mạng Tháng Tám năm 1945, có thời tỉnh Quảng Ngãi được đổi tên thành Lê Trung Đình ./.




VVM.13.7.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .