Đ i là sự chuyển vận của người hay của vật từ nơi này tới nơi khác.
Dùng hai chân để đi gọi là đi bộ. Không dùng hai chân để đi mà có khi ngồi một chỗ cũng gọi là đi: đi tầu, đi máy bay, đi xe hơi, đi xe ngựa, đi đò dọc... Ði có khi để chỉ một hành động: đi quân dịch, đi hải quân, đi không quân, đi lính, đi bộ binh, đi đánh nhau, đi họp, đi hội, đi bơi, đi tập thể dục, đi thăm viếng, đi lễ, đi chùa, du lịch, đi ủy lạo, đi thăm bệnh nhân, đi nhậm chức, đi hỏi vợ, đi dò thám, đi tiên phong, đi làm nhiệm vụ, đi buôn đi bán, đi ăn cướp, đi ăn trộm, đi rình mò, đi đánh ghen, đi sắm Tết, đi thăm mộ, đi mua bán, đi coi hát v.v...
Ði cũng để chỉ một vài thứ bệnh tật: đi lỵ, đi kiết, đi tả, đi tướt, đi tiêu chảy...
Ði còn dùng để chỉ vài hiện tượng sinh lý thường nhật của con người: đi tiểu, đi đại tiện, đi tắm, đi ngơi, đi nghỉ.... Nó đang đi tiểu có nghĩa là nó đang đứng ở trong nhà cầu chứ không di chuyển.
Ði chân là đi không có giầy trái với đi giầy là xỏ chân vào giầy cũng như đi vớ là xỏ chân vào vớ (bí-tất).
Ði làm là đến sở làm còn đi vắng là không có nhà. “Ông ta đi vắng”.
Ði tễu là đi loanh quanh chơi, không có mục đích cũng giống như đi dông dài.
Ði Paris không có nghĩa là đi bộ tới Paris mà là ngồi trên máy bay hay tầu thủy để nó chở đến Paris.
Ði bách bộ hay đi dạo hay đi dạo mát là vừa đi vừa chơi một cách nhàn tản thư thái, còn đi bát phố là đi nghểu nghến ở ngoài phố để ngắm nhìn hàng nọ hàng kia.
Ði chập chững là tình trạng của những đứa trẻ lẫm chẫm biết đi hoặc người mới ốm dậy. Ði chập choạng là đi bước thấp bước cao, chân nam đá chân siêu.
Ði chợ: tới chợ để mua đồ. Ði chung là cùng đi với nhau cũng gần giống như đi chơi chung.
Ði cà nhắc là chân bị thương hoặc có tật phải ráng mà bước từng bước cũng gần như đi lê đi lết, kéo lê chân một cách nặng nhọc. Đi nạng: dùng nạng mới đi được.
Ði câu là cầm cần câu đến bờ sông, bờ biển ngồi chờ cá đớp mồi. Ði săn hay đi săn bắn là vác súng lên rừng tìm nai tìm cọp mà hạ. Ði bắn là đến xạ trường để tập bắn nhưng đi trận là đến chỗ có địch quân để bắn thiệt.
Ði biệt hay đi biệt tích là đi mất tiêu, đi mất tăm, mất tích không trở lại nữa cũng gần giống như đi luôn là đi không về. “Thôi thì mày đi luôn đi!”.
Ði bầu là đi bỏ phiếu. Đi học là cắp sách đến trường còn đi ăn là đi đến nhà hàng dùng bữa. Ði ăn Tết là dự Tết cũng như đi ăn cưới là đến dự tiệc cưới.
Ði xem lễ (đi dâng lễ) hay đi nhà thờ là đến nhà thờ dự lễ cũng tương tự như đi chùa là đến chùa lễ Phật.
Ði xuất hành là tục lệ đầu năm chọn giờ tốt, ngày tốt để bắt đầu ra đi cầu may cho cả năm; còn đi xông đất là đến mừng tuổi người nào đó ngày Tết mà mình là người đầu tiên vào nhà họ.
“Mồng một Tết này, em mời bác đến xông đất cho nhà em nhé!”
Ði chui là trốn đi, đi vượt biên bất hợp pháp “Chú ấy đi chui mà cũng mất ba cây (vàng)”.
Ði trong mấy động tự kép sau đây hoàn toàn không có nghĩa di chuyển, như đi khách hay đi khứa là tiếng lóng của các cô gái giang hồ để chỉ lúc rước khách. “Anh đi với em hôm nay đi!”
Ði lại có nghĩa là đi trở lại mà cũng có nghĩa là trai gái làm tình với nhau:
“Sau khi mổ xong, bà phải kiêng chuyện đi lại với ông nhà trong ba tháng!”
Ði đi lại lại thì lại là chuyện di chuyển thực. “Nó đi đi lại lại nãy giờ mấy lần rồi”
Ði cũng có nghĩa là chết. “Bà cụ vừa đi”. “Ông tôi đi rất nhẹ nhàng.”
Con tầu chạy ở dưới nước nhưng vẫn gọi là con tầu đi.”Hắn làm ăn xui xẻo quá, hắn ngất ngư con tầu đi rồi.”
Ði tiền là đặt tiền ra chiếu bạc còn đi tù là vào nhà pha nằm nghỉ mát. Ði nhảy là đến vũ trường để khiêu vũ trong khi đi hát, đi sô (show) là đến một nơi để trình diễn (ca sĩ) mà cũng có nghĩa là đi hát cô đầu. “Nữ ca sĩ này thường lên hát ở New York”.
“Ông ấy hay đi hát ở phố Khâm Thiên, Hà Nội.”
Ði hoang không phải là đi một cách hoang phí hay đi những bước lớn mà là bỏ nhà đi sống cà lơ thất thểu ở bất cứ chỗ nào, cũng còn một danh từ nữa là đi bụi đời.
“Nơi này là cái tổ của những đứa trẻ đi bụi đời.”
Ði đoong là mất hết:” Thế là đi đoong hai chục ngàn” .
Ði đạo thường để chỉ người theo một tôn giáo: “đi đạo Phật” “đi đạo Thiên Chúa”, đi đạo Tin Lành” vv...
Ði đời nhà ma cũng có nghĩa như đi đoong, mất hết:”Thôi thôi vốn liếng đi đời nhà ma” (Kiều).
Ði tu là vào nhà chung bên Công giáo hoặc nhà chùa bên Phật để được huấn luyện thành Linh mục, Thượng toạ, Nữ tu, Ni cô...
Ði du lịch là đi đó đi đây thăm phong cảnh. Ði ở hay đi ở đợ là ở làm việc vặt trong nhà người ta lấy công.
Ði tuần để chỉ binh sĩ hay Cảnh sát đi giữ an ninh trật tự ngoài đường phố.
Ði thi là đến trường thi để chịu khảo hạch đặng lấy cấp bằng. Ði lạc là quên mất đường về còn đi đồng vừa là đi ra ngoài ruộng lúa vừa có nghĩa đi đại tiện. Cho rõ nghĩa, người ta còn nói:
“Anh ấy vừa ra đồng” tức ra thăm ruộng lúa. “Sáng ngày vác cuốc ra đồng.”khác với ”Thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng, thứ ba đông các”, ngồi ngoài đồng mà làm việc tiêu hóa.
Ði đưa ma là dự lễ an táng người nào còn đi đánh đụng là chia phần thịt một con bò, con lợn, con dê....
Đi võng là nằm trên võng cho hai người khiêng. Đi rước, đi đón tiếp một nhân vật quan trọng. Còn có nghĩa đi rước kiệu (cung nghinh thần, thánh), đi rước đèn trung thu chẳng hạn, trái với đi xem rước: đứng ngoài mà nhìn.
Thư đi là thư từ để đem gửi đi, trái với thư đến là thư người ta gửi tới.
Một động từ ráp thêm chữ “đi” ở đàng sau thì nó thành ra một mệnh lệnh cách:
“Làm đi, ăn đi, đi đi, uống đi, trèo lên đi, hát đi...”
Cứ thế mà suy ra ta thấy trong Việt ngữ, tiếng “đi” được dùng đến thật nhiều.
Sau đây là vài câu tục ngữ, ca dao có tiếng “đi” trong đó:
Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại
Bánh ít đi, bánh qui lại
Ði đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá mà quàng phải giây.
Nhẩn nha như chúng chị đây
Chẳng đá nào vấp, chẳng giây nào quàng.
Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau.
TIỄN EM
Hai tay nâng chén rượu hồng
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay
Uống đi! Em uống cho say!
Để ta mơ thấy những ngày xuân qua
Thấy tình duyên của đôi ta
Đến đây là... đến đây là... là thôi!
Em đi dệt mộng cùng người
Lẻ loi riêng một góc trời, riêng anh!
(Không nhớ tên tác giả)
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao.
Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông gió, trông ngày, trông đêm
Trông sao chân cứng đá mềm
Trời êm, bể lặng mới yên tấm lòng!
Tấp tểnh người đi, tớ cũng đi
Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi
Tiễn chân cô mất ba tiền lẻ
Sờ bụng thầy không một chữ gì!
(Trần tế Xương)
Chưa đi chưa biết Đồ Sơn
Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà!
Đồ nhà năm tháng tuy già
Nhưng mà vẫn tốt hơn là Đồ sơn!
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn!
Đi xa về nhà, tha hồ nói khoác!
Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ!
CHỚ TRỄ GIỜ
Xuân đi học coi người hớn hở
Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng
Hỏi rằng sao đã vội vàng
Trống chưa nghe đánh đến tràng làm chi?
Thôi hãy hượm, đừng đi anh ạ!
Này con khăng tôi đẽo sẵn rồi
Cùng nhau ta hãy đánh chơi
Lát rồi ta sẽ tới nơi cũng vừa.
Thu đáp lại dẫu giờ còn sớm
Cũng nên đi kẻo trễ làm sao?
Nếu chờ khi đánh trống vào
Lúc ta rảo bước tài nào kịp cho
Trễ giờ, ta phải nên lo!
(Quốc văn Giáo khoa thư lớp Dự bị (tức lớp 2)
Lối mòn cỏ nhạt mùi sương
Hồn quê đi một bước đường một đau! (Kiều)