Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




CÂU CHUYỆN LÁ CỜ CỦA SỨ ĐOÀN NƯỚC TA ĐI CHUỘC ĐẤT BÊN PHÁP

  


N ăm 1863, khi sứ đoàn nước Đại Nam(1) sang Pháp theo lệnh của Vua Tự Đức, với sứ mệnh xin chuộc lại ba tỉnh miền Nam đã bị Pháp đánh chiếm năm 1862. Có lẽ nhà vua cảm thấy tội lỗi với Liệt Thánh vì đã để mất một mảnh giang sơn mà các tiên đế đã tốn hao bao nhiêu xương máu, vào sinh ra tử, mới gầy dựng được. Đoàn gồm 69 người, từ Chánh sứ, Phó sứ, Bồi sứ, một số quan văn võ trong triều cho đến lính hấu phục dịch, mang theo lễ mễ lụa là, gấm vóc, thổ sản để làm tặng vật. Cuộc hành trình bắt đầu từ cửa Thuận An (Huế) đi nhờ trên tàu thủy của Pháp(2) vào Sài-Gòn quá cảnh tại đây 5 ngày để nhận thêm 9 nhân viên của Súy phủ Sài-Gòn tháp tùng. Ngày 21-6-1863 (Tự Đức thứ 16) tiệc tiến hành ở Bộ Lễ, sau khi rời bến 3 ngày đã đến hải phận tỉnh Bình Thuận và sau đó 1 ngày đến Gia Định vào bến Ngưu Giang (Bến Nghé) tục gọi là Bến Thành. Trước kia đi thuyền buồm, thường từ Huế đến Sài-Gòn phải mất 12 ngày, nhưng nay đi trên tàu hơi nước chỉ mất có 3 ngày nên cụ Phạm Phú Thứ, Phó sứ trong phái đoàn cảm nhận được sự văn minh cơ khí cuả người Phương Tây, đã tức cảnh bài thơ:

“Thuyền đề Gia Định”
Tích văn, Thuận Hải quá Cần Hải
Lãng bạc phong phàm lệ giáp thần(3)
Quái đê! Nghịch phong thiên lý ngoại,
Hõa thuyền(4) tam nhật đáo Ngưu Tân

Dịch giả Quang Uyển tạm dịch thơ:

Xưa nghe Cửa Thuận – Cần Giờ
Thuyền buồm lướt sóng mười hai ngày trời
Lạ! Nay gió ngược, dặm khơi,
Ba ngày thuyền đã tới nơi Bến Thành.

Sau 5 ngày thăm viếng Sài-Gòn, Sứ đoàn được Súy Phủ Sài-Gòn đặt tiệc tiễn hành và chuyển sang tàu lớn hơn(5). Rời Sài-Gòn đã đi ngang qua đảo Côn-Lôn (Poulo Condore) ngày 05-7-1863 và sau đó đến Tân-Gia-Ba và Mã-Lai ngày 10-7-1863 tiếp tục cuộc hành trình, ngày 10-8-1863 đoàn đến cảng Aden, và bắt đầu vào Hồng Hải. Ngày 13-8-1863 tàu đi ngang qua La Mecque thuộc xứ Ả Rập và ngày 17-8-1863 thì đến cảng Suez. Kể từ Aden đến đây mất 7 ngày và tàu bắt đầu vào hải phận của Ai Cập, khi tàu sắp vào cảng Suez, Rieunier, vị sĩ quan hướng dẫn nói cho sứ đoàn biết là bắt đầu từ đây sang Pháp, những nơi sứ bộ đi qua đều có nổ súng đón chào, vì thế cần có cờ sứ bộ giương lên để đáp lễ. Trước một nghi thức ngoại giao có hơi mới mẻ đối với nước Nam, vì hồi nào đến giờ, nước Nam cũng có bang giao với nhiều nước nhất là trong vùng Á Châu, nhưng chưa hề có thể thức này để làm tiền lệ. Cụ Phạm Phú Thứ đã trả lời rằng: Chúng tôi chỉ có đem theo đây lá Quốc kỳ và cho Rieunier xem, xem xong Rieunier nói rằng: Lá cờ này về phần màu sắc, lẫn lộn với cờ các nước sợ khó phân biệt, và đề nghị có thêm dấu hiệu gì gắn lên cờ để biết - vì thấy rằng cờ nước Nam có màu toàn vàng giống như cờ "kiểm dịch" của tàu các nước mỗi khi cập bến ở vùng Địa Trung Hải phải treo lên tàu để chứng minh đã qua thủ tục kiểm dịch. Sở dĩ Rieunier đưa ra câu nói trên là vì "tế nhị ngoại giao" trong ngôn ngữ, chứ xét thấy vào thời đó, đâu có một nước Âu Châu nào có lá cờ màu vàng như nước ta, ngay cả đến cảng Suez của Ai Cập là nước vào thời đó đang lệ thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, phải treo cờ Thổ, thì lá cờ này cũng chỉ có nền đỏ giữa có trăng lưỡi liềm bọc ngôi sao màu trắng. trong lúc các quan trong sứ đoàn còn đang lúng túng chưa tìm ra cách xử sự với lá cờ, thì phó sứ Phạm Phú Thứ đưa ngay ý kiến: lấy tơ đỏ thêu lên hai mặt cờ bốn chữ: " Đại Nam Khâm Sứ" là được, mọi người đều cho là diệu kế và truyền cho các thợ may làm ngay, vì trong chuyến đi đã được dự trù là dài ngày nên có chuẩn bị đem theo các thợ chuyên môn để lo cho triều phục của các quan vốn may bằng gấm vóc rất nhiều màu săc, vả lại lúc tàu cập bến thì đã 6 giờ chiều, hết ngày, nên vị trấn quan thành Suez nói với sứ đoàn là để sáng hôm sau mới làm lễ tiếp đón, nên thì giờ cũng rộng rãi. Sáng hôm sau, trong lúc 19 phát thần công nổ dòn, thì lá cờ sứ đoàn cũng được kéo lên phất phới ở cột buồm chính giữa tàu. Câu chuyện lá cờ của sứ đoàn nước Nam đi Pháp năm 1863, như đã ghi lại trong Tây Hành Nhật Ký, di thảo của Cụ Phạm Phú Thứ là như vậy. Nhưng cũng có một tạp chí nói rằng, trong lúc các quan của sứ đoàn chưa biết kiếm đâu ra lá cờ cho hợp thức như vị sĩ quan hướng dẫn đã đề nghị, thì có một người hầu của cụ Phan Thanh Giản thưa rằng: con thấy cái khăn trầu của cụ cũng còn mới làm thế lá cờ rồi về tâu lại với vua sau. Thật không hiểu nổi, trong lúc ai cũng biết cái khăn trầu của các cụ ngày xưa thường chỉ là một vuông vải màu đỏ, chỉ đữ gói một cái trắp nhỏ trong đựng trầu cau và một ít vôi, với một cái ống ngoáy, thường cho tiểu đồng hoặc người hầu xách theo, trong lúc lá cờ là màu vàng, màu truyền thống của vua chúa trong chế độ quân chủ ngày xưa.

Nhân chuyến đi sứ này, xin kể thêm, khi tàu của sứ đoàn cặp bến Toulon, hành trình lên bộ đi bằng xe lửa từ Toulon đến Marseille rồi từ Marseille đến Paris, ngồi trên xe nhìn qua khung kính cửa sổ toa xe, cụ Phạm Phú Thứ thấy phong cảnh xứ người cây cỏ tốt tươi, ruộng đồng thẳng tắp, dọc theo đường rầy (raille) đường dây điện báo chạy dài dùng làm phương tiện thông tin giữa các nhà ga, hai bên nhà cửa, ngay hàng thẳng lối, cụ thầm thán phục cách tổ chức sống của người Tây Phương nên cũng tức cảnh bài thơ sau đây:

Phiên âm: "Phú-lảng-sa hỏa xa đạo trung thư sự"

Lập quốc thiên dư bát bách niên
Phú cường cỏ xảo thiện tây thiên
Giang sơn hoa thụ lê song lý
Lầu quán nhai cù điện tuyến biên
Bát chính thực trù chân hữu đắc
Tứ đoan thâm ý tích vô truyền
Tào giao Đông thổ kiêm trường kỹ
Pha-lý, Long-Đơn vị túc hiền

Dịch nghĩa: Trên đường đi xe lửa ở Pháp ghi sự việc

Dựng nước hơn một nghìn tám trăm năm
(Nước Pháp) giàu mạnh. Tài khéo nhất ở phía Tây xa xôi
Ngồi trong xe, thấy sông núi, hoa cây qua cửa sổ pha lê
Và lâu đài, quán xá, đường phố ven dây điện
Họ có kế hoạch thực hiện bát chính(6) rõ ràng đã thu dược kết quả tốt
Nhưng tiếc là họ không truyền được ý nghĩa sâu xa của tứ đoan(7)
Giá Phương Đông sớm giỏi thêm về kỹ thuật
Thì Phà-Lý và Luân-Đôn chưa chắc đã tài hơn.

Phiên âm và dịch nghĩa do Quang Uyển.

Và bài thơ sau đây của Hoài Mai Phạm Phú Thông:

Nghìn tám trăm năm nước lập thành
Trời Tây giàu mạnh nổi lừng danh
Non sông hoa cỏ gương lồng bóng
Đường sá lâu đài, điện báo quanh
Bốn đức sâu xa chưa giảng giải
Tám khoa thực dụng đã tinh rành
Á Đông nếu sớm thêm cơ xảo
Chưa hẳn nhường chi Pháp với Anh


Ghi chú:
(1) Đại Nam là tên nước từ đợi vua Minh Mạng đến Bảo Đại
(2) Tên tàu ECHO
(3) Giáp thần: 12 ngày
(4) Hỏa thuyền: Tàu chạy bằng máy hơi nước của Pháp
(5) Tên tàu là EUROPEEN
(6) Bát chính: Tám điều thiết yếu trong chính sách quản lý một quốc gia theo kinh thư: cái ăn (thực), cái dùng (hóa), thờ cúng (sự), biên cương (tư không), giáo dục (tư đổ), trị an (tư khấu), ngoại giao (tân), quân sự (sư).
(7) Tứ đoan: Bốn điều cơ bản của đạo đức con người theo đạo Nho: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí.




VVM.10.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .