Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




NHÀ VĂN NGUYỄN DẬU -

NGƯỜI "MỞ HẦM"



  
        

M ới vào tuổi thiếu niên, tôi đã nghe tên nhà văn Nguyễn Dậu. Thú thật, tôi cũng chưa nhìn thấy chứ không nói là đọc những sáng tác tiêu biểu của ông. Sau này nghe những người sống và làm việc cùng ông kể lại, tôi hình dung ông là một người tận tụy với nghề nhưng lại lận đận sau việc in ấn. Trong khi công nhân mỏ vẫn thường kể cho nhau nghe. Nhà văn Nguyễn Dậu, người trực tiếp cùng công nhân mở lò, khao than đã cho ra đời hai tập tiểu thuyết Mở hầm. Ông là người nhanh nhẹn, hoạt bát, khỏe, viết đều và nhanh. Bộ tiểu thuyết Mở hầm đã góp phần làm nên tên tuổi Nguyễn Dậu trên văn đàn rồi cũng gây cho ông đủ phiền toái với những lời chê bai, phán xét cực đoan.

Ban ngày làm việc, đến tối, nhiều cuộc họp được tổ chức để đánh giá tác phẩm viết về Người công nhân dưới chế độ mới. Phần đông, họ thật thà chất phác từ cu li than hôm qua, văn hóa chữ nhớ chữ không. Những người như bố mẹ tôi ngày đó được nâng đỡ do thành tích lao động tốt mà chủ yếu là gia đình có tới bốn đời cần lao, nhà nước cử đi học văn hóa và công tác quản lý dài dài mỗi năm ba tháng. Gần chục năm mới nhận chứng chỉ đã học xong chương trình văn hóa lớp năm. Những thành phần như thế được tổ chức tham gia ý kiến trong những buổi hội họp, tranh luận trái chiều về cái gọi là chủ nghĩa tự nhiên mà chả hiểu nó mặt ngang mũi dọc ra sao. Ông Hoàng Tuấn Dương sau này làm Trưởng ban tuyên giáo Đảng bộ Công ty than Hòn Gai, người cùng làm lò với Nguyễn Dậu kể về cuộc góp ý chân thành và thẳng thắn tiểu thuyết Những người thợ mỏ (Tập 1 của Võ Huy Tâm). Cuộc họp căng thẳng đến mức nhà văn phải nức nở như một đứa trẻ nhỏ bị oan ức. Là công nhân trực tiếp, Võ Huy Tâm còn bị phê phán thế. Người ta căm ghét, lên án cái chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tự nhiên khủng khiếp như vậy. Và dĩ nhiên, nhà văn Nguyễn Dậu tác giả của tiểu thuyết Mở hầm đã phải gánh đủ thứ rắc rối, khổ sở. Ông Hoàng Tuấn Dương còn kể Nguyễn Dậu vào làm thợ lò chưa biết cuốc lò khao than, chưa biết nói tục đã được công nhân giúp đỡ trở thành một người thợ như thế nào.

Cuốc than trong lò Thống Nhất, nhiều hôm nóng bức, ông trần truồng giữa những dòng than trôi qua háng. Hai năm lăn lộn với công việc, ông trở thành một thợ lò thực thụ, dám văng tục trong lúc công việc không chạy mà thời gian trước, ông nghe còn kinh hãi cho đến khi bị tai nạn lao động buộc phải bỏ nghề. Ngoài giờ sản xuất, hội họp, về đến nhà, ông lại ngồi bền bỉ, cặm cụi ghi lại những cảm xúc, góp nhặt những chi tiết đời sống để dựng nên tác phẩm lớn của cuộc đời mình. Ông viết nhiều, nhanh nhưng về mỏ, ngoài Mở hầm chỉ còn truyện ngắn Ánh đèn trong lò không được chú ý mấy. Nhiều người còn khẳng định với tôi Mở hầm tập 1 ra đời năm 1961 do NXB Thanh niên ấn hành. Tác giả còn dự định viết tiếp tập 2 thì bị phê phán nên không ai thấy xuất hiện.

Tôi bắt đầu nghe tên Nguyễn Dậu khi đang học sơ tán cuối năm 1965. Nhân cái chết của người công nhân, một công nhân khác nói đến Nguyễn Dậu. Đâu như người này đã tố cáo nhà văn kể không đúng về một nhân vật trong gia đình ông. Từ đó, bên cạnh những công việc khác, tôi đã ý thức một niềm tự hào. Miền quê mình thực sự giàu đẹp, đã có một nhà văn đến sống và làm việc. Ông tên là Nguyễn Dậu.

Với Mở hầm, Nguyễn Dậu đã cho bạn đọc hiểu về cuộc sống thời kỳ đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đây là tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên viết về người thợ lò.

Nguyễn Dậu có tên khai sinh là Nguyễn Ngọc Song. Ông sinh năm 1930 tại xóm Cống Xuất, khu Xi măng Hải Phòng. Sau khi học xong lớp Nhất trường Giăng Duypuy (Jean Dupuis) vừa lúc cách mạng tháng Tám nổ ra, Nguyễn Ngọc Song tham gia công tác tuyên truyền ở Hải Phòng, sau đó gia nhập quân đội, học trường Thiếu sinh quân rồi phục vụ ở bộ binh, pháo binh, quân y. Năm 1950 được cử sang Trung Quốc học khóa đào tạo sĩ quan rồi về công tác tại phòng Văn nghệ quân đội thuộc Tổng cục chính trị, chuyển ngành lần lượt công tác ở xưởng phim, biên tập viên Nhà xuất bản Phổ thông, Tòa soạn báo Văn nghệ, Sở Văn hóa Hà Nội. Vốn thông thạo Pháp văn, Trung văn, lại có năng khiếu văn nghệ nên trong thời gian phục vụ trong quân đội, Nguyễn Dậu đã sáng tác khá nhiều thể loại: thơ ca, dịch sách, tấu nói, hề hài, kịch nói, chèo… Nhưng sở trường của ông là tiểu thuyết.

Là hội viên Hội nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Hải Phòng, ông thường nghĩ rằng nhà văn trước hết là một con người sống trong xã hội. Anh ta cần phải đồng cam cộng khổ chia sẻ mọi trách vụ công dân với mọi người và bởi vì anh tự nguyện là một nhà văn có nghĩa là anh phải trong sáng hơn, lương thiện hơn, hi sinh vị tha hơn những người khác. Chân – Thiện – Mỹ theo tôi đó là tiêu chí rạng rỡ nhất, cao quý nhất mà nhà văn theo đuổi. Đồng thời, đó cũng là mục tiêu vô tư, thánh thiện và đầy đủ ý nghĩa cao đẹp nhất đối với nhà văn.

Đối tượng được ông quan tâm là tầng lớp nhân dân lao động, những con người dưới đáy xã hội hoặc những người bị cuộc đời vùi dập, sống không địa vị, không danh phận, không nhiều mơ ước, luôn luôn phải vật lộn để giữ gìn nhân tính của mình. Địa bàn quen thuộc của ông là quê hương, đồng đội, đồng chí. Bản chất nhân hậu nhưng không kém sắc sảo, bạo dạn nên ngay từ những năm lao động thực tế ở vùng mỏ, với tập tiểu thuyết Mở hầm, Nguyễn Dậu đã sớm đề cập vấn đề tâm tư, tình cảm uẩn khúc, éo le của những thân phận culi, thân phận người mà dư luận nói chung còn cho là nặng nề. Theo bài viết của Ngô Đăng Lợi, ông còn dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung nhiều tác phẩm và đều do nhà xuất bản Bắc Kinh ấn hành năm 1963.

Nguyễn Dậu được ghi tên trong Từ điển văn học Việt Nam (bộ mới) do Nhà xuất bản Thế Giới phát hành năm 2005. Tác phẩm Nhọc nhằn sông Luộc của ông được tặng Giải thưởng Văn nghệ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) năm 1996.

Ông qua đời ngày 24 tháng 7 năm 2002 tại Hải Phòng sau vài chục năm dấn thân, cống hiến văn chương nghệ thuật. Gặp rủi xui nghề nghiệp đến ngày trời bắt đầu rạng sáng thì lâm bạo bệnh, ông đã vội vàng trở về cõi xa khuất muôn trùng. Nghe tin, nhiều người cùng làm với ông ngày ấy (giờ cũng đã về với đất gần hết rồi) không hiểu sao mỗi lần nhớ, mỗi lần nghĩ, lại nhắc đến nhà văn Nguyễn Dậu. Họ vẫn ngậm ngùi thấy tiếc thấy thương ông nhiều lắm.

Nguyễn Dậu đã gắn bó với nhân dân, sống và viết như thế với cả niềm đắm say vô tư suốt cả cuộc đời ông. Ông sáng tác đều đặn và bền bỉ. Ngoài những tập truyện ngắn, riêng về tiểu thuyết ông có: Nữ du kích Cam Lộ; Đôi bờ; Mở hầm; Vòm trời Tinh Túc; Nàng Kiều Như; Nhọc nhằn sông Luộc; Xanh vàng trắng đỏ đen…

Sau khi bị rầy rà vì cuốn Mở hầm rồi bị tai nạn không còn đủ sức khỏe đi lò cuốc than nữa, Nguyễn Dậu trở về Hà Nội tiếp tục tìm cho mình một cuộc sống mới. Ông vẫn quyết đeo đuổi nghiệp văn chương mơ ước của mình. Trở về với cuộc sống thường dân phố thị nhưng đòi hỏi cơm áo không buông tha ai, vì sinh kế, ông sắm đồ nghề, làm thợ cúp tóc gần đền Ngọc Sơn (Hoàn Kiếm-Hà Nội). Ở đó gần chục năm dao kéo, ông hiểu biết về rùa tường tận. Năm 1990, Nhà xuất bản Hà Nội đã cho ra mắt tập truyện Rùa hồ Gươm của ông. Tác phẩm đã vinh danh ông là Người khóc rùa ở Hồ Gươm. Sau đó, Nguyễn Dậu lên mỏ thiếc Tĩnh Túc, về Hải Phòng, vào Khu 4, đến công trường, xưởng máy, trận địa, bến cảng, vùng chiến sự thâm nhập thực tế, tìm hiểu lấy tài liệu sáng tác. Ông có mặt ở hầu khắp các vùng đất máy bay Mỹ bắn phá ác liệt nhất trong các trọng điểm cầu Bùng, cầu Giát, phà Ghép… vùng Thanh – Nghệ, sinh hoạt như một phóng viên chiến tranh. Những tháng ngày ngút trời bom đạn, sục sôi khí thế chiến đấu ấy, Nguyễn Dậu bất chấp hiểm nguy, quên hết mọi nỗi riêng tư sống chết, dành hết tâm lực cho khát vọng lớn của mình là được đi, sống và viết.

Ông là nhà văn viết say sưa. Nhiều cuốn sách, truyện ngắn của ông được bạn đọc khen hay, đánh giá cao. Nghe ông sẽ ra tiểu thuyết Chúa Trời ngủ gật, tôi háo hức, chắc chắn sẽ được đọc một tiểu thuyết hay của bậc cha anh nhưng chờ mãi đến tận giờ, không biết sách đã ra chưa?



. Cập nhật theo nguyên bản của tác giả chuyển từ Quảng Ninh .