Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




CA DAO THEO DÒNG LỊCH SỬ

  


C âu hát thành khúc điệu gọi là ca, không thành khúc điệu gọi là dao. Ca dao có nghĩa là câu hát không thành chương khúc, một loại hình văn chương bình dân rất phổ biến trong dân gian với ý nghĩa thường được nghiêng về sự châm biếm những kẻ có quyền lực hoặc phản ảnh một tình trạng xã hội bất an. Ca dao thường có hai câu, thỉnh thoảng cũng có được bốn câu để làm rõ thêm ý nghĩa. Thời đại nào cũng có ca dao, xin lược kể một vài câu qua các triều đại dưới thời phong kiến ở nước ta. Vào thời Chúa Trịnh lấn quyền Vua Lê ở đất Bắc, vua Lê Chiêu Thống(1) cho người qua cầu viện nhà Thanh để giúp đỡ mong phục hồi lại quân quyền của mình. Triều đình nhà Thanh mới nhân cơ hội này sai Tôn Sĩ Nghị là Tổng đốc Lưỡng Quảng (Quảng Đông và Quảng Tây) kéo quân ang đánh chiếm nước ta. Nguyễn Huệ lúc bấy giờ đang giữ chức Long Nhượng Tướng quân cai quản đất Thuận Quảng, sau khi làm lễ tế cáo trời đất ở núi Bân Sơn (Thừa Thiên) lên ngôi xưng Đế hiệu là Quang Trung kéo quân ra Bắc để đánh quân Thanh. Tôn Sĩ Nghị ỷ mình quân đông, lợi dụng lúc Lê Trịnh đang tranh giành quyền bính, thế lực phân rẽ, nên quân Thanh kéo vào chiếm Thăng Long như chỗ không người. Quân tướng của họ Tôn cũng đâm ra khinh xuất, chỉ lo việc ăn chơi mà không lo phòng bị. Trong lúc vua Quang Trung kéo quân ra Bắc người ngậm tăm, ngựa ngậm thẻ di chuyển thần tốc bằng cách cứ hai người võng một người rồi thay đổi, vừa đi vừa chạy, sức tiến quân nhanh chóng, quân sĩ không mệt nhọc. Khi qua Nghệ An Thanh Hóa, quân Tây Sơn đã thắng được cánh quân Trịnh do Đinh Tích Nhưỡng rồi thừa thắng kéo quân thẳng tiến Thăng Long đánh úp, phá được thủy binh Trịnh dưới quyền Quận thạc Hoàng Phùng Cơ tại cửa sông Thúy Ái và thắng quân Trịnh Khải ở Tây Luông, quân Tây Sơn vào Thăng Long bái yết vua Lê Hiền Tôn với danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Trong dịp này vua Lê phong cho Nguyễn Huệ làm Đại nguyên súy, phụ chính Dực vận Uy quốc công. Sau đó nhờ sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh, vua Lê thuận gả con gái là công chúa Ngọc Hân mới 16 tuổi cho Nguyễn Huệ. Vua Lê Hiền Tôn mất, Nguyễn Huệ chịu tang xong phải theo Nguyễn Nhạc (vì nghi em, cũng kéo quân ra Bắc) rút quân về Nam được vua anh phong làm Bắc Bình Vương. Nhưng sau khi vua Lê Hiền Tôn mất, vua Lê Chiêu Thống lên kế vị, vì không phục Tây Sơn, đã lên nương náu tại đất Lạng Giang, và cử Hoàng Thái Hậu nhà Lê sang nhà Thanh xin quân cứu viện. Như đã nói ở trên Nguyễn Huệ lần này sau khi xưng Vương lại kéo quân ra Bắc. Sau khi phá được quân Thanh ở tại tiền đồn Hạ Hồi, Ngọc Hồi, Bắc Bình Vương thắng trận vẻ vang tại gò Đống Đa khiến tướng nhà Thanh là Sầm Nghi Đống phải treo cổ tự tử rồi tiến vào thành Thăng Long ngày mồng 7 Tết Kỷ Dậu (1789) khiến cho Tôn Sĩ Nghị không kịp mặc binh giáp, bỏ cả ấn tín khi tới vùng Phượng Nhãn để chạy về tàu, kéo theo vua Lê Chiêu Thống không kịp đem theo triều thần, thuộc hạ. Cho nên lúc bấy giờ trong dân gian mới có câu:

Gió đưa cây cải về trời

Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

Trịnh Sâm, khi ở ngôi chúa có thái phi là Dương Ngọc Hoan người làng Long Thư, huyện Thạch Hà, sanh ra Trịnh Tông. Kịp đến khi một thị nữ là Đặng Thị Huệ người làng Phù Đổng được tuyển vào làm cung nữ ở phủ Chúa, vì Thị Huệ có nhan sắc, lại ăn nói khéo léo, rất được lòng Chúa, nên khi sanh ra Trịnh Cán được phong làm Tuyên phi, tục danh của thị Huệ là “Bà Chúa Chè” vì gốc tích ở nơi có trồng nhiều chè, làm nghề hái chè, càng ngày càng được Chúa yêu, nên bà chúa chè nuôi tham vọng sau này sẽ được lập con mình lên làm Thế tử, tranh với Trịnh Tông. Lúc bấy giờ dưới trướng chúa Trịnh Sâm, có Huy quận công Hoàng Đình Bảo, giữ chức Trấn thủ Sơn Nam(2), là người có quyền hành lớn trong phủ Chúa, nên Đặng Thị Huệ tìm cách cấu kết với Huy quận mong nhờ thế lực của họ Hoàng để sau này dựa thế đưa con mình lên ngôi Chúa. Huy quận công là người có thế lực nên ra vào phủ Chúa một cách rất tự do, Chúa Trịnh Sâm lúc bấy giờ lại hay đau yếu, nên trong dân gian đã có câu:

Các quan có mắt như mờ

Để cho Huy quận vào sờ chánh cung

Đặng Thị Huệ lại âm mưu đưa người tâm phúc vào hầu việc trong phủ Chúa, nhất nhất theo dõi hành động của Trịnh Tông để về vu cáo tâu lên Chúa Trịnh Sâm, nên chúa tức giận tâu với vua Lê xuống sắc chỉ lập Trịnh Cán lên làm Thế Tử và truất ngôi Thế Tử của Trịnh Tông. Trong dân gian bấy giờ lại có câu:

Đục cùn thì giữ lấy Tông

Đục long cán gãy còn mong nỗi gì

Quân sĩ lấy làm bất bình việc Chúa Trịnh Sâm bỏ trưởng lập thứ nên đã nổi loạn, lúc này Chúa Trịnh Sâm đổ bệnh nặng và qua đời. Quân nổi dậy phần nhiều là lính người Thanh Hóa, Nghệ An có tên là quân Tam Phủ đã đến vây phủ Huy quận và sát hại ông và tôn Trịnh Tông lên ngôi chúa, Đặng Thị Huệ rất sợ hãi và cuối cùng dùng thuốc độc để quyên sinh, Trịnh Cán còn nhỏ lại hay đau yếu, nhưng đã được Trịnh Tông truyền rao hậu thưởng cho ai chữa được bệnh của Cán, có lẽ còn nghĩ đến tình máu mủ ruột thịt, nhưng sau đó Trịnh Cán qua đời. Khi Trịnh Tông lên ngôi chúa rồi thì đám quân Tam Phủ cậy mình có công đã nổi lên phá phách hoành hành các nơi không ai chịu nổi dân chúng gọi là Loạn Kiêu Binh. Kịp đến khi quân Tây Sơn kéo ra Bắc, đánh thắng cánh quân của Chúa Trịnh Khải tức Trịnh Tông mới yên. Lúc bấy giờ có ông Lý Trần Quán, rất trung thành với Trịnh Khải, chẳng may lúc chúa lưu vong, ông có kẻ môn đệ sinh lòng phản trắc bắt chúa Trịnh nộp cho Tây Sơn, Lý Trần Quán ân hận khi hay tin Trịnh Khải tự vẫn liền sắm một cỗ áo quan và một chỗ đất chôn rồi nằm trong cỗ áo quan cho người đậy nắp, tự chôn sống lúc ông 52 tuổi. Tại Tp, HCM vùng Tân Định có con đường mang tên Thạch Thị Thanh nối liền đường Nguyễn Hữu Cầu và Võ Thị Sáu, trước kia con đường đó mang tên là Lý Trần Quán.

Thời Nguyễn sơ có ông Nguyễn Khoa Đăng giữ chức Nội Tán kiêm Án sát sứ Tông Tri quân quốc trọng sự dưới đời chúa Nguyễn Phước Chu (1691 – 1725) ông đã dẹp yên đươc đám giặc cướp tại vùng Hồ Xá thuộc phủ Vĩnh Linh Quảng Trị thường giết hại khách qua đường thiên lý. Do đó trong dân gian còn truyền lại câu ca dao:

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông(3) nhà Hồ, sợ phá Tam Giang

Phá(4) Tam Giang ngày rày đã cạn

Truông nhà Hồ, Nội Tán cấm nghiêm

Tương truyền sau khi nhận lãnh sứ mạng bình định vùng Hồ Xá ông liền giả làm khách bộ hành đi ngang qua truông để cho bọn cướp bắt. Trên đường theo quân cướp, ông ngầm rắc lúa để làm dấu, nhờ đó quân lính của ông đã tìm ra đường vào tận sào huyệt để phá tan bọn cướp.

Ghi chú:
(1) Lê Chiêu Thống (1787 – 1789) : tức Lê Duy Kỳ vị vua cuối cùng của nhà Hậu Lê, con của Thái Tử Lê Duy Vỹ. Cháu đích tôn của Vua Lê Hiển Tôn. Sau khi chạy theo Tôn Sĩ Nghị về Tàu, vua đã phải sống lưu vong trong vòng 5 năm dài nơi đất khách quê người và chết ở Yên Kinh thọ 28 tuổi. năm 1804 Triều Nguyễn đã cho đưa thi hài vua Lê về chôn ở làng Bàn Thạch và cho truy đặt tên thụy là Lê Mẫn Đế.
(2) Trấn Sơn Nam : Triều Lê trấn Sơn Nam gồm 4 tỉnh: Hà Đông, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên.
(3) Truông : một vùng đất cát lớn không cây cỏ, nhà cửa trải dài từ đường thiên lý đến chân núi gọi là truông.
(4) Phá : là vùng nước lớn ăn thông từ đất liền ra biển, phá Tam Giang nằm trong huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên.




VVM.16.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .