Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             









MỘT NỐT TRẦM

  






V ào ngày 2 tháng Tư, tôi có viết mấy dòng fb Tưởng niệm Trịnh Công Sơn theo gợi ý của nhóm Giáo Già Saigon đã từng quen biết với anh Sơn. Ngay sau đó tôi nhận nhiều tin nhắn và email trách móc nặng lời: nhắc chi một tên Việt cộng.                                    

Tôi tự nghĩ ở cõi này, ai cũng có ít nhiều kỷ niệm, êm đẹp hay đớn đau, tùy theo từng cảnh ngộ.

Sau ngày đình chiến 54, anh Sơn và chúng tôi đều lớn lên ở quê hương Miền Nam. Có lẽ hoàn cảnh ấy đưa đẩy chúng tôi đôi lần gặp nhau.                                   .

Thời thư sinh áo vải, chúng tôi gặp nhau dưới mái trường, dù đó là mái trường Sư Phạm Qui Nhơn hay mái trường làng Định Quán. Gần như chúng tôi có chung một ước mơ nhỏ: dẫn dắt đàn em thơ của quê hương  đến trường. Không rõ lúc ấy có ai cho rằng anh em chúng tôi ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản ?

Sau này, anh Sơn rời chức Trưởng giáo trường Định Quán, chuyển qua sáng tác âm nhạc, nổi tiếng cùng với tiếng hát Khánh Ly. Còn tôi, vẫn tiếp tục kèm trẻ, dạy tư, trong hoàn cảnh có Ba là tù Côn Đảo, phải nhờ sự bảo trợ của người thiện tâm, để tồn tại cùng cát bụi.    

Lần đầu tiên tôi nghe chính anh Sơn hát những bài tình ca của anh tại quán Văn trong sân trường Đại học Văn khoa Saigon cũ (ở đường Nguyễn Trung Trực). Lời ca của anh như những lời thơ, ít nhiều, xoa dịu nỗi đau  buồn của một du tử xa quê xa  mẹ, xa người yêu. Anh như hát giùm chúng tôi những lời tâm tình cùng đất trời Saigon.                .      

 Nếu anh là một tên vi-xi vô thần, sao anh coi thân phận mình như cát bụi, như một vết lăn trầm trong cõi luân hồi sinh diệt, lại tụng kinh đêm cầu siêu cho người nằm xuống, cầu an cho quê hương.                                                        

Nếu anh là một VC vô cảm, sao anh lại chia sẻ cùng chúng tôi mối sầu vương khi tình yêu trắc trở, nỗi đau nhức trước cuộc đời nhiễu nhương ?

Nếu anh là người có công lớn với Công Sản, sao anh không viết những lời tụng ca đảng cho ta mùa xuân lại viết chi những bài tình ca Diễm xưa, Hạ trắng, Biển nhớ, Chiều một mình qua phố, Như cánh vạc qua đêm, Rừng xưa đã khép ?                                  

Tại số 4 đường Duy Tân, tôi nghe Sơn hát khúc ca về dân da vàng, với đôi lời đặc biệt nhắc chúng tôi nhớ một trang lịch sử đau thương của dân tộc: một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, Ba mươi năm nội chiến từng ngày.                                

  Nếu là Việt cộng nằm vùng hát những lời ca phản chiến, sao Sơn dám gọi Trung Quốc là giặc; Giặc Tàu, bọn giặc đã bắt dân ta làm nô lệ cho chúng cả ngàn năm.                            

   Sao Sơn dám coi cuộc chiến đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào là cuộc nội chiến kéo dài trên ba mươi năm ? 

Phải chăng anh em, cùng một Mẹ Việt Nam, tương tàn theo lệnh của giặc Tàu, dưới bom đạn của Liên Sô, của Mỹ.

Ai đã “hát trên những xác người”? Phải chăng giặc ngoại xâm và bè lũ bán nước đã reo ca ăn mừng chiến thắng trên xác người, trên máu xương của dân Việt da vàng. 

Trong đêm ra mắt tập Da vàng ca khúc, tại số 4 đường Duy Tân, anh Sơn nghẹn ngào hát một điệp khúc:

“Gia tài của Mẹ để lại cho con một nước Việt buồn”  Cả hội trường, trong đó có chúng tôi, cúi mặt ngậm ngùi như một phút mặc niệm.                                          

Giờ đây, anh Sơn đã trở về với cát bụi. Thực hư xin nhường lại cho lịch sử.

Riêng tôi , lời ca trữ tình của anh như Một nốt trầm rơi xuống hồn tôi, trong những ngày xế bóng, cuối mùa.      

           Thảo Điền, tháng Tư năm 2014.

   
 
QUA PHỐ NHỚ SƠN.

[Kính tặng Khánh Ly]


Tình như cánh vạc qua đêm
những dòng sông nhỏ xa thêm bến bờ.
Sơn ngồi hát những vần thơ
tưởng như bên Quán Văn chờ đêm mưa.
Tình như hương lặng vào mùa.
Ta đi nghe gót giày khua đường dài.
Cũng đành thôi nếu một mai.
Vết lăn trầm xuống hình hài vô minh.
Tình như cát bụi lặng thinh
tàn quên một đóa hồng nghìn thu qua.
Rừng xưa đã khép từ xa.
Khúc chiều biển nhớ  tình ca bên trời.
Diễm xưa chừ đã xa khơi.
Ngàn năm ru mãi một lời yêu thương.
Một mình qua phố chiều buồn
âm thầm nhớ tiếng đàn Sơn giữa đời.
Ta cùng cát bụi rong chơi,
chợt nghe một nốt trầm rơi cuối mùa



VVM.26.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .