Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             









THÁI HẬU
DẠY CON LÀM VUA

  




T rên con đường Cao Thắng thuộc quận 3 thành phố SàiGòn, nơi gần ngã tư Cao Thắng – Xô Viết Nghệ Tĩnh, khách đi đường với đủ loại xe cộ thường khi bị ách tắc ngay trước cổng một tòa cao ốc có ba tầng lầu dài hàng trăm thước, khi dừng xe chờ tín hiệu đèn xanh, ngước nhìn lên cao thấy hàng chữ nổi vàng óng ánh gắn trên vách tường đề: Bệnh viện Từ Dũ – Tên đặt cho một cơ sở lớn để kỷ niệm nhân vật nào đây mà mang ý niệm phụ nữ – Xin thưa ngay: đó là một mệnh phụ sanh trưởng trong gia đình quyền quý, vốn là con gái của đại thần Phạm Đăng Hưng(1) đã từng thờ hai triều Vua Gia Long và Minh Mạng, mà nấc thang danh vọng lên đến hàng Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, một trong tứ trụ triều đình(2) hàm chánh nhất phẩm.

Bà là Phạm Thị Hàng, cũng có tên là Hào, trưởng nữ của vị công thần nói trên, gốc người huyện Tân Hóa, quận Gò Công thuộc tỉnh Gia Định(3) – Từ lúc còn trẻ, năm mới 14 tuổi bà đã được tuyển triệu vào cung chầu hầu Hoàng Thái Tử Miên Tông, thời kỳ còn tiềm đế(4) mà sau này là vua Thiệu Trị – Tuy sống trong khuê các và là vợ của vua, nhưng lúc nào bà cũng tỏ ra lo lắng đến cuộc sống của nhân dân, nên Bà thường hỏi con là Vua Tự Đức(5) về việc quan lại đắc thất và thường bảo ban những điều hết sức thiết thực về việc trị chính – Sử ghi lại, lúc bấy giờ tình hình trong nước hết sức rối rắm, ngoài Bắc giặc giã tứ tung, như giặc Khách Tam Đường ở miền Thái Nguyên (1854), giặc Châu Chấu do Lê Duy Cự và Cao Bá Quát cầm đầu ở Sơn Tây (1854), giặc Tạ Văn Phụng và Nguyễn Văn Thịnh trong vùng Lạng Sơn Bắc Ninh, Quảng Yên (1861-1865), giặc Khách ở Cao Bằng (1865) lại thêm thiên tai bão lụt, đê vỡ nhiều năm liền, dân tình đói khổ, miền Trung thì bị tàu chiến Pháp vào cửa Đà Nẵng bắn phá (1956-1958), còn trong Nam thì triều đình phải nhường 3 tỉnh Miền Đông cho Pháp – Sớ tâu các nơi gởi về hàng đống, nhưng tại triều việc thiết triều lại xao nhãng, tỉnh thần các nơi nóng lòng chờ thánh chỉ.

Lúc bấy giờ cụ Phạm Phú Thứ đang làm việc ở viện Tập Hiền cũng ít khi thấy vua ra nghe giảng sách, ông bèn dâng sớ tâu, lời lẽ nêu ra thí dụ các vua Nghiêu, Thuấn đời xưa của lịch sử Trung Hoa, trong nước thái bình, thịnh trị, của rơi ngoài đường không ai nhặt, mà vua còn phải làm việc tới khuya chưa nghỉ để giải quyết cho xong công việc – Vua Tự Đức đọc sớ tự ái đến phẫn nộ, xuống lịnh cất chức cụ Phạm, đày đi cắt cỏ ngựa ở trạm Thừa Nông, một nơi tiếp chuyển công văn ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên – việc đến tai Bà Từ Dũ – Thái Hậu bèn cho triệu vua vào cung và hỏi: “Ông Phạm dâng sớ can vua thì ông được lợi gì?”

Vua Tự Đức tâu mẹ: “Ông không được lợi gì, nhưng sao bề tôi mà dám nói với vua lời lẽ quá đáng như vậy”. Thái Hậu mới phán rằng: “Khi người ta thương thì thấy mình làm điều không phải người ta mới giận, mà giận thì nặng lời”.

Thái Hậu lại hỏi thêm: “Khi Ông Phạm đi thọ phạt thì tỏ ra thái độ như thế nào?” Vua nói nghe triều thần tâu lại Ông ta hàng ngày làm việc khổ sai xong thì đi câu cá giải buồn chứ không gì khác. Thái hậu nghe xong mới ôn tồn bảo vua: “Những người như vậy là đáng kính trọng, chứ những người lúc nào cũng chỉ biết vâng vâng dạ dạ, thì chắc gì họ đã trung thành với vua”.

Sau phút suy nghĩ, Tự Đức sụp xuống lạy mẹ và lui về cung lập tức xuống lệnh triệu tập cụ Phạm về phục chức làm việc như cũ – mãi đến thời gian sau, khi vua Tự Đức băng hà (1883) và tiếp theo ngay sau đó xảy ra việc phế lập ở triều đình Huế do Phụ Chánh thân thần Tôn Thất Thuyết đóng vai chủ chốt, cũng cho thấy Thái Hậu Từ Dũ là người có phẩm hạnh và xử sự khôn khéo trong cơn nguy biến.

Đó là ngày kinh đô Huế thất thủ, 23 tháng 05 Ất Dậu nhằm ngày “Quảy cơm chung” – Vào nửa đêm nói trên Tôn Thất Thuyết cho lịnh quân Nam tấn công vào đồn Mang Cá do Pháp đóng, nhưng chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, bên quân Nam thất bại do vũ khí sút kém hơn đối phương và ông quan Tướng(6) phải điều động đạo ngự(6) gồm cả ngàn người chạy ra Quảng Trị – Sau hai ngày chạy loạn khi ra đến Quảng Trị, dừng lại để hôm sau chạy tiếp lên Tân Sở(7) Tôn Thất Thuyết mới xin ý kiến của Bà Từ Dũ.

Ban đầu Thái Hậu nói rằng: sự thể đã đến như thế này, thì mọi việc đều tùy nơi nhà ngươi. Nhưng sau đó Bà cũng nói: Kinh đô là nơi Tôn miếu xã tắc, bỏ đi trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng là có tội với các tiên đế, hơn nữa đạo ngự gồm phần nhiều các quan lớn tuổi và các ông hoàng bà chúa, xưa nay quen sống trong nhung lụa, bây giờ đi không nổi, có người bắt lính hầu phải cáng, kiệu, thấy rất trở ngại – Tôn Thất Thuyết tuy là người rất cực đoan không chịu nghe ai, nhưng lúc này thấy đạo ngự làm vướng chân quá, hơn nữa ý kiến của Thái Hậu vẫn là một ý kiến “Nhiếp chính” vì vua Hàm Nghi bây giờ mới 15 tuổi. Nên mới nảy ra ý kiến chia đạo ngự ra làm hai toán, một toán gồm các quan lớn tuổi, không còn ý chí phấn đấu và các ông hoàng bà chúa cho quay trở về Huế, còn lại một toán gồm những người khỏe mạnh cùng với Tôn Thất Thuyết hộ giá vua Hàm Nghi chạy lên Tân Sở rồi tiếp theo chạy ra Ấu Sơn thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi đây Nhà vua xuống chiếu Cần Vương – Thái Hậu trở về Huế, sống với triều đình mới do Đồng Khánh được người Pháp bảo trợ đưa lên ngôi, nhưng mỗi khi nghe ai nhắc đến tên Hàm Nghi thì bà òa lên khóc và cho đến ngày mồng 5 tháng 4 năm Tân Sửu (1901) thì bà mệnh chung thọ 92 tuổi.

(1) Ngày trước có đường Phạm Đăng Hưng ở gần chợ Đa Kao, nay là đường Mai Thị Lựu.
(2) Tứ trụ triều đình là: Văn Minh điện đại học sĩ – Cần Chánh điện đại học sĩ – Đông Các điện đại học sĩ – Võ Hiển điện đại học sĩ – Trong tứ trụ, Văn Minh điện đại học sĩ được coi là lớn nhất, ngang hàng với Thủ tướng bây giờ.
(3) Tên gọi của các địa phương thuộc tổ chức hành chánh ngày xưa.
(4) “Tiềm đế” hay còn gọi là “Tiềm long” tức vua chưa lên ngôi.
(5) Vua Thiệu Trị làm vua được 7 năm thì băng, lúc này Tự Đức lên nối ngôi.
(6) Quan Tướng: chỉ Tôn Thất Thuyết.
(7) Thành Tân Sở xây từ năm Quý Tỵ (1883) khi vua Tự Đức còn sống, do Nguyễn Văn Tường quản đốc xây cất. Thành rộng mỗi chiều 780m ở về phía Tây Bắc tỉnh Quảng Trị cách Phủ Lỵ Cam Lộ 15 cây số. Trong thành có đủ cung điện dinh trại quân sĩ, có chợ có giếng nước, nếu thành có bị vây cũng vẫn đủ nhu phẩm để sống đầy đủ dự định là điểm kháng cự, nếu vạn nhất kinh đô Huế thất thủ (theo vua Hàm Nghi của Phan Trần Chúc).




VVM.26.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. vietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .