T rong cuộc đời mỗi con người, từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời, với người Thái Việt Nam có rất nhiều lễ cúng vía theo chu trình của đời người: Sinh - bệnh - lão - tử, nhằm mục đích giúp con người có thêm nghị lực, niềm tin, để có sức khỏe, có đạo đức, có một cuộc sống dài lâu, ấm no, hạnh phúc, hiểu biết về đạo lý và sống có trách nhiệm với cộng đồng và tự nhiên.
Có thể trong những buổi đầu sơ khai, khi cuộc sống con người chưa phát triển, chưa đủ năng lực chế ngự thiên nhiên khắc nghiệt và chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân, người Thái Việt Nam cũng như các dân tộc khác phải cầu khẩn các thế lực siêu nhiên ban cho họ sự sống, nghị lực và niềm tin vượt mọi khó khăn trong cuộc sống. Dần dần cùng với sự phát triển của xã hội, trải qua sự chắt lọc từ ngàn đời, việc cúng vía bớt dần mầu sắc mê tín dị đoan, trở thành những nét đẹp văn hóa đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Người Thái quan niệm, con người có rất nhiều vía: “Sam síp khuôn mang nả, hả síp khuôn mang lăng” - có nghĩa là: Ba mươi vía đằng trước, năm mươi vía đằng sau: Vía tóc, vía lông mày, vía mắt, vía ngón chân ngón tay, vía thóp thở, vía bàn tay, vía xương sườn…. Nếu đau ốm, hoặc một bộ phận nào đó trên thân thể bị đau là do con vía ấy bị lạc lối. Bởi thế phải cúng để gọi con vía về và cầu khẩn cho con vía khỏe mạnh.
Ngay từ khi ra đời, lễ cúng vía đầu tiên là cúng “ra lửa” - “nhá phay”, tức là khi đứa trẻ chào đời được bẩy ngày với bé trai, hoặc chín ngày với bé gái, thầy mo cúng báo cáo với các đấng siêu nhiên và tổ tiên sự hiện diện của đứa bé trên cõi đời và cầu xin các đấng siêu nhiên bảo trợ cho bé, ban cho bé hay ăn, chóng lớn và mạnh khỏe, giỏi giang. Khi đứa trẻ được hai đến sáu tháng tuổi, nếu hay ốm đau sài đẹn, người nhà tổ chức cúng vía, tại lễ cúng này thầy mo mời thêm vía của các bé khỏe mạnh bầu bạn cùng vía của bé. Những người mẹ từng trải trao đổi kinh nghiệm nuôi con với người mẹ trẻ. Người mẹ trẻ có thêm nghị lực, niềm tin và kinh nghiệm để chăm sóc bé tốt hơn. Rồi khi đứa trẻ được một, ba, sáu… tuổi… ở những chu kỳ biến đổi quan trọng về tâm sinh lý, lại được tổ chức cúng vía mong đứa trẻ khỏe mạnh, thông minh, tài giỏi.
Khi dựng vợ gả chồng, thầy mo cúng vía cầu mong cho vợ chồng trọn đời chung thủy, biết yêu thương nhường nhịn nhau, con cháu mạnh khỏe, cuộc sống no đủ.
Người già lại được cúng vía để cầu mong sức khỏe và trường thọ. Ngay cả khi dù chỉ bị váng đầu, ù tai, hoa mắt… Thầy mo cúng vía làm cho người bệnh tin rằng cuộc sống vẫn tốt đẹp lắm, cơ thể vẫn khỏe mạnh, hoa cỏ vẫn muôn mầu rực rỡ, chim chóc vẫn cất cao tiếng hót với mọi cung bậc diệu kỳ, làm cho người bệnh tự tin hơn, yêu đời hơn. Cũng có khi trẻ nhỏ hay người già bị người nhà, hay khác vô tình hay cố ý xúc phạm tới tinh thần, nhân phẩm, làm cho sầu muộn, trầm uất, dẫn đến bồn chồn không yên, thậm chí kém ăn mất ngủ, đau ốm cũng được gia đình tổ chức cúng vía.
Thầy mo không chỉ cầu khẩn các đấng siêu nhiên ban cho sự bình yên, mà còn răn dạy con cháu và mọi người phải biết tôn trọng lẫn nhau, đặc biệt phải có hiếu với cha mẹ, độ lượng với nhau, nhường cơm sẻ áo, biết sống nhân ái vì gia đình và cộng đồng.
Ngoài cúng vía cho con người, người Thái còn tổ chức cúng vía cho cả loài vật rất gần gũi và thân thiết với con người sống trong nền văn minh lúa nước là con trâu trong lễ “síp sí”, sau một mùa vụ vất vả nhằm tri ân con trâu, mong cho vía trâu mạnh khỏe, bỏ qua những gì mà người đối xử không phải do sức ép của thời vụ.
Trong các lễ cúng vía, ngòai các nghi thức cầu khẩn các đấng siêu nhiên, thì thầy mo còn khuyên bảo con người phải biết sống cho phải đạo làm người. Ngay trong bữa cơm thân mật với gia chủ sau lễ cúng, những người tham dự lại hát đối đáp với nội dung phù hợp với mục đích buổi cúng vía. Ví dụ trong lễ thôi sưởi lửa - “nhá phay”cúng vía cho đứa trẻ hết thời gian ở cữ, hai bên nội ngoại hát chúc cho: “Thằng cu, cái hĩm đều to cao lớn đều/ Người Thái trong bản bảo nhau/ Sau này bố mẹ, ông bà sẽ được nhờ cậy cháu/ Con cháu trưởng thành lớn khôn...” và những kinh nghiệm nuôi dạy trẻ. Hay trong lễ cúng vía cho đôi vợ chồng trẻ ngày đầu hợp hôn, hai bên nội ngoại hát dặn con vía của hai vợ chồng trẻ phải: “Làm vợ phải tin chồng, đừng như nghe lời vịt mà mất trứng, đừng nghe lời gà mà mất vườn”. Còn trong lễ cúng vía cho người già, mọi người lại hát tỏ lòng biết ơn với bậc sinh thành: “Có gốc mới có ngọn/ Có cây mới có cành” và chúc: “ Mong cho ông bà sức khỏe, trường thọ, vía cứng cáp/ Cho con cháu được hưởng phúc lành/ Con cháu rất vui mừng phấn khởi và những lời khuyên bảo về đạo làm người đã được đúc kết từ bao thế hệ… Từ nhận thức về tự nhiên và xã hội như vậy, người Thái từ bao đời vẫn khuyên bảo nhau sống có trách nhiệm và chan hòa với cộng đồng, sống hòa thuận với thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên.
Trong đời sống văn hóa Thái, thầy mo có vai trò vô cùng qua trọng. Đây là những người vừa có tài năng và đức độ, vừa hiểu biết sâu sắc về tri thức văn hóa dân gian, tâm sinh lý và đạo lý làm người, được cộng đồng kính trọng, có đủ năng lực hướng dẫn bà con biết ứng xử trong các mối quan hệ của cộng đồng theo truyền thống đạo đức của dân tộc. Các thầy mo luôn biết qua các lễ nghi tâm linh, khơi dậy ý chí, niềm tin, nghị lực cho mỗi người tùy hòa cảnh cụ thể, hướng con người tới cái đích chân bản thiện. Các thầy mo đi cúng cho dân bản vì nghĩa vụ với cộng đồng, không bao giờ được yêu sách về vật chất và không bao giờ đặt giá trị vật chất lên trên.
Lược bỏ những yếu tố mang mầu sắc mê tín, thì phải chăng trải qua hàng ngàn năm lịch sử sinh tồn và phát triển, người Thái Việt Nam đã có nhận thức được mối quan hệ giữa con người và vạn vật, giữa yếu tố vật chất và tinh thần, giữa thế giới hữu hình và thế giới vô hình và mối quan hệ tổng hòa của mỗi cá thể với xã hội? Bởi vậy cho đến ngày nay, khi xã hội phát triển, các lễ cúng vía của người Thái vẫn tồn tại như một món ăn tinh thần, mang nét đẹp của thuần phong mỹ tục đáng trân trọng.