1- Đến với “tiếng Pháp”
Nhớ đâu khoảng 1958,59 gia đình tôi dời cư từ thị trấn Dầu Tiếng (Huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một) về lại Saigon - (cư ngụ đường Hòa Hảo Q10 - gần trung tâm Y khoa Medic ngày nay). Phải nói duyên may diễm phúc khi ấy,tôi được vào học tư thục - École Phủ Huỳnh - (279 Nguyễn Tri Phương,Q10 SG - sau 75 là cơ sở trường Đại học Tài chính Kế toán TP HCM).Tôi rất vô tư không phân biệt - có lẽ là trường đạo - mỗi buổi học vào ra cả lớp đứng dậy đọc một thời kinh ngắn) - chương trình tiểu học, có thêm phần tiếng Pháp - tương đương Cours Moyen - Supérieur .
Nghĩ lại tội nghiệp cái thằng tôi quá - (9,10t đầu) dân trường làng(vừa xong lớp Ba) chân dính mũ cao su đồn điền Michelin, có chuẩn bị “tây u” gì đâu “phóc” một cái nhào vô lớp Bốn (Phủ Huỳnh) chạm mặt với vô vàn kiểu bài : “Lecture” (tâp đọc phát âm), “Vocabulaire” (từ vựng), “Récitation” (bài đọc thuộc lòng), “Orthographe du Français”(chánh tả),”Traduction”(phiên dich Pháp Việt)…
Áp lực dồn tôi vào thế phải cố gắng - học như vẹt ! Đến nay - tôi vẫn còn láng máng trong đầu dăm từ vựng về cơ thể người chẳng hạn như : (le corps humain):la tête(đầu),les cheveux(tóc),l’oeil(mắt),les yeux(đôi mắt),Le nez(mũi),l’oreille(tai),le cou(cổ),les mains(tay), les jambs(chân),la poitrine(ngực);le ventre(bụng) v.v…
2-Đồng hành cùng tiếng Pháp
Năm 1961 trúng tuyển vào Pétrus Ký Saigon - sinh ngữ chính (Pháp văn), tôi lại tiếp tục chịu sự “xay nghiền” 7 năm trời tại ngôi trường do chính ông “Tây mũi lõ” sang đây “khai thác” thuộc địa - tiện thể “khai hóa”luôn dân Việt !
Trường xây dựng (năm 1927),khai giảng niên khóa đầu tiên (1928 -1929). Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse lúc bấy giờ chính thức đặt tên trường Lycée Pétrus Trương Vĩnh Ký. Trải qua nhiều đời Hiệu trưởng - giai đoạn (1927-1947) các ông người Pháp : SainteLuce, Banchelin, Paul Valencot, Andre Neveu, Le Jeanni - giai đoạn (1947-1975)các thầy người Việt: Lê Văn Khiêm, Phạm Văn Còn, Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Văn Thơ, Nguyễn Văn Trương, Phạm Văn Lược, Nguyễn Thanh Liêm, Trần Ngọc Thái , Trần Văn Thử, Trần Văn Nhơn, Bùi Vĩnh Lập, Nguyễn Minh Đức… (nguồn https://petruskyaus.net)
- Bảy năm trời từ Đệ Thất (lớp 6) đến Đệ Nhất (lớp 12), tôi không sao quên được Thầy Cô dạy môn Pháp văn: Phạm Văn Ba,Trương Văn Ngọc, Trần Xuân Tiên, Hồ Văn Thái, Đặng Thị Thiên Chi, Phạm Xuân Ái. Nội dung chương trình dựa trên tài liệu sgk “Cours Le Français Élementaire”và Serie sách“Cours de langue et de civilisation francaise”- (NXB Hachette - Paris) .
3- Tiếng Pháp phức tạp
Tiếng Pháp và tiếng Việt đều sử dụng chung hệ thống ký tự Latin, nên người Việt mình rất dễ dàng tiếp thu so với các ngôn ngữ khác - dễ đánh vần hơn vì viết thế nào thì đọc thế ấy - trừ một số trường hợp ngoại lệ.
Khi học từ vựng buộc phải chú ý “giống,số” của danh từ - giống đực (masculin)/giống cái (féminin) - số ít (Singulier)/số nhiều (Pluriel). Với tiếng Anh hay tiếng Việt, văn phạm chỉ sử dụng giới tính để chỉ người và con vật, nhưng Pháp ngữ họ sử dụng luôn cho cả “đồ vật”. Chẳng hạn với tiếng Việt, hầu hết mọi đồ vật đều dùng từ “cái” để gọi tên như : cái bàn, cái ghế… nhưng nó không hàm nghĩa quy định giới tính. Còn với tiếng Pháp khá rắc rối - các danh từ, tính từ phải phân biệt giống (đực/cái), thậm chí còn có những từ ngữ lưỡng giới đối với vài trường hợp ngoại lệ rất khó nhớ. Ví dụ: “Chính phủ” (le gouvernement) là giống đực, “quốc gia” (la nation) lại là giống cái…
- So với từ vựng thì Văn phạm Pháp(Grammaire)đóng vai trò quan trọng - là thành phần kết cấu các cú pháp từ vựng tạo thành một câu trong đoạn văn, trong giao tiếp. Các bộ phận trong câu tiếng Pháp ràng buộc với nhau chặt chẽ,dù có muốn hiểu nhầm cũng không thể. Chúng ta có thể biết hết các từ trong câu tiếng Anh nhưng vẫn không thể nào hiểu ý của câu, còn tiếng Pháp dựa vào ngữ pháp là có thể tự tìm ra ý nghĩa một câu.
Gai góc nhất thường gặp là việc chia động từ (Conjugaison des verbes). Các động từ được chia theo các ngôi và phụ thuộc vào trạng thái của chủ ngữ để phân loại và chia cùng với các trợ động từ (Être hay Avoir) ở các thời kép. Để hiểu và biết cách chia động từ phải hiểu rõ các thì (les temps) và các cách (les modes)…vô cùng rối rắm giờ cố nhớ lại tôi cũng muốn “tụt não” !
Nhắc sơ sơ để thấy độ phức tạp của tiếng Pháp :
ĐỘNG TỪ (le verbe) được chia làm 3 nhóm (3 groupes):
Nhóm 1 (1er groupe): những động từ có đuôi -er như aimer (yêu), manger (ăn), chanter (hát), regarder (nhìn)...
Nhóm 2 (2ème groupe): những động từ có đuôi -ir như finir (kết thúc), réussir (thành công), haïr (căm thù)...
Nhóm 3 (3ème groupe): những động từ còn lại, được xem là bất quy tắc (irrégulaire) như aller (đi), avoir (có), faire (làm), être (thì, là, ở, bị, được)...
Các thì (les temps): Présent/Passé simple Imparfait/ Passé composé de l'indicatif/ Passé antérieur/ Futur/Conditionnel present/ Conditionnel passé …
4-Tiếng Pháp rạch ròi chuẩn mực.
Chẳng hạn :
-“Đảo chánh” (Coup d’État) - lật đổ chính quyền của nhau bằng hành động quân sự và lên nắm chính quyền,ví dụ: (đảo chính Ngô Đình Diệm 1/11/1963 (Miền Nam trước 1975 hiểu sai là CM),đảo chính Myanmar 1/2/21)…
-“Cách mạng” (Révolution) - sự biến đổi căn bản trong quan hệ chính trị kinh tế, xã hội - dùng bạo lực lật đổ tầng lớp thống trị, xóa bỏ chế độ XH cũ lạc hậu nắm chính quyền thiết lập XH mới tiến bộ - (CM tư sản Pháp, CM tháng 10 Nga)
Từ “động viên”:tiếng Pháp rất rành rọt
- hiểu theo nghĩa(Mobiliser): gọi nhập ngũ - huy động,tập hợp nhanh gấp lực lượng để thi hành một nghĩa vụ (động viên quân sự ,Nha động viên ,Sắc lệnh Tổng động viên);
- hiểu theo nghĩa (Encouragement): là lời khuyến khích cổ vũ tạo ra,làm tăng thêm lòng hăng hái,tinh thần tích cực, can đảm của con người để hoàn thành tốt công việc. - encourager (động từ) :Cổ vũ,khích lệ,thúc giục)
5-Tiếng Pháp làm giàu tiếng Việt. (*)
Việt Nam là thuộc địa của Pháp đương nhiên phải chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp qua cái cầu ngôn ngữ sâu đậm - (ngót nghét trăm năm đô hộ). Trong quá trình tiếp xúc chúng ta đã vay mượn nhiều từ gốc Pháp để chỉ những khái niệm mà tiếng Việt không có. Phần lớn các từ đó khi phiên âm đã bị thay đổi cách đọc lẫn chữ viết để phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt, vốn là ngôn ngữ không biến hình.
Hiện có rất nhiều từ tiếng Việt đang được sử dụng có nguồn gốc từ tiếng Pháp và nhiều người cảm thấy có sự gần gũi giữa hai ngôn ngữ mà khi nói có thể hiểu ngay được nghĩa của chúng: Complet (com-lê) , mètre (mét) , ciment (xi-măng) , câble (cáp) , caoutchouc (cao su), villa (vi-la), balcon (ban công), auto (ô tô), ballot (balô) , café (cà phê), bus (buýt) , savon (xà phòng), vaccin (vắc xin) v.v…
Cọ xát với “ông Tây thực dân” hàng trăm năm,ông cha mình chẳng những giữ vững bản sắc dân tộc - không để mai một tiếng nước nhà mà còn biết cách “quốc hữu hóa” (nationaliser)– biến cái của người thành cái của mình một cách sáng tạo - làm giàu kho từ vựng quốc ngữ !
Tiếng Pháp mất vị thế
Việt Nam từng là thuộc địa của Pháp và hiện nay là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ (tên chính thức: b>Organisation internationale de la Francophonie (Tổ chức Quốc tế của các quốc gia nói tiếng Pháp). Nhưng tiếng Pháp gần như chỉ còn là cái bóng thời gian mờ nhạt.Lớp trẻ VN ngày nay có xu hướng chọn sử dụng tiếng Anh làm ngoại ngữ chính.
Sau thời bao cấp khốn đốn (hơn 20 năm sau 1975),VN buộc phải mở toang cửa ra thế giới - khẩu hiệu “đổi mới hay là chết !”siết vào não bộ từ Trung ương xuống tới dân dã .
Tiếng Anh - tiếng Nga - tiếng Trung - tiếng Hàn - tiếng Nhật … ồ ạt ùa vào VN theo bước chân giao thương kinh tế toàn cầu - trong số đó tiếng Anh vẫn là lựa chọn số Một ! -“English is the number one choice” !
Giờ đây ngồi giữa hoàng hôn,thi thoảng nhớ về miền niên thiếu ,tôi không sao quên cái thời mài giũa “tiếng Tây” - Ngày ấy học tập tuy vô cùng gai góc nhưng rồi cũng vượt qua.Điều viên mãn là sớm được gần gũi thứ ngôn ngữ nhất,nhì thế giới - qua đó biết thêm chút ít văn hóa phương tây - mở rộng biên cương tâm hồn !
(Saigon,viết 4/7/2021- chỉnh sửa bổ sung 27/5/2023)
(*) Tham khảo thêm kho từ vựng qua: