Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


VŨ ĐIỆU CHĂM-PA

  


H ầu như mỗi làng người Chăm đều có một đội múa riêng của làng.Múa Chăm phong phú và độc đáo: có múa sinh hoạt và múa tôn giáo, có múa tập thể và độc diễn, có múa đạo cụ và múa chỉ bằng những động tác của tay chân và cơ thể người múa. Một trong những nét đặc trưng của múa Chăm là múa ổn định theo nhạc và số nhạc cụ đệm cho múa khá thống nhất ở các địa phương khác nhau. Dàn nhạc đệm cho múa thường gồm hai trống ba-ra-mưng và một kèn sa-ra-nai.

     Múa quạt là điệu múa phổ thông của người Chăm. Khi múa, các vũ nữ dùng quạt làm đạo cụ để biểu hiện những sinh hoạt tinh tế của loài chim. Vì thế múa quạt có nhiều điệu: pi-điền (múa công), ka-mang (múa gà lôi), kjong (múa chim nhồng), ma-rai (múa chim trĩ), v.v…Các động tác múa rất đa dạng, mô phỏng các động tác đẹp của các loài chim: vẫy, nhấn hai quạt xòe hoặc xếp – tượng trưng cho cánh chim bay, uốn cong cánh tay và bàn tay kết hợp với nhún người – tượng trưng cho sự nhảy nhót, khoe dáng của các loài chim...

     Múa bóng mang tính tôn giáo và cũng rất phổ biến của người Chăm. Múa bóng tập thể tổ chức ở sân đền, múa bóng đơn lẻ tổ chức ở sân từng gia chủ. Trong suốt buổi lễ múa bóng, người múa (thầy bóng) không nói mà chỉ múa để diễn đạt ý nguyện cũng như thể hiện sự hiện diện của thần linh. Vì thế các động tác của múa bóng rất phong phú. Trong lễ múa bóng có múa kiếm, múa chèo thuyền, múa nhảy ngựa, múa roi. Mỗi nghệ nhân có thể sáng tạo động tác múa theo cảm hứng, nhưng về cơ bản, những động tác và tạo hình của múa bóng lại thống nhất ở một số động tác: nhảy một chân co một chân duỗi, giẫm hai chân cùng một lúc, nhấn hai cổ tay, lượn vòng cánh tay.

     Những điệu múa cổ xưa nhất hiện còn lại của người Chăm là những điệu múa trình diễn trong lễ hội Chà Và. Đây là lễ hội lớn hàng năm thường được tổ chức vào tháng giêng lịch Chăm (khoảng tháng 4 Dương lịch). Trong hội Chà Và, các vũ nữ trình diễn nhiều điệu múa khác nhau như: múa chà già – múa với hai chiếc khăn, múa pi-điền – múa quạt, múa kiếm, v.v… Gần đây, các nghệ nhân Chăm đã sáng tác thêm những điệu múa đặc sắc như múa chàm rông, múa đóa pụ (đội bình nước trên đầu) …Hình ảnh vũ nữ Chăm-pa cổ xưa đã được chạm khắc vào các đền tháp, trong đó bức phù điêu Vũ nữ Trà Kiệu thật là độc đáo!...

     Dàn nhạc đệm cho múa không nhiều nhạc cụ song khá độc đáo. Trống ba-ra-mưng là loại trống chỉ có một mặt da, da căng trống thường là da hoẵng. Âm thanh của trống ba-ra-mưng đầm ấm, chậm rãi như tiếng nói tâm tình. Trống ba-ra-mưng có mặt ở các dàn nhạc trong tất cả các hội lễ của người Chăm.

     Trống ky-năng có hình dáng cân đối, tang trống gỗ cao 70 cm, đường kính hai mặt trống bằng nhau khoảng 30 cm, phần giữa tang trống hơi phình ra. Âm thanh của trống ky-năng diễn tả đa dạng: lúc náo nhiệt, linh hoạt, lúc lại nhè nhẹ, thầm thì. Trống ky-năng có mặt trong hầu hết những dịp lễ hội.

     Thuộc bộ nhạc hơi có vai trò nổi bật là kèn sa-ra-nai. Mỗi nghệ nhân đều có một chiếc kèn riêng với kích cỡ riêng, chiều dài từ 38 cm đến 40 cm. Kèn sa-ra-nai có sở trường là gây ấn tượng mạnh bằng việc tạo ra những âm thanh liền hơi ở tốc độ nhanh.

     Ngoài những nhạc cụ chính nói trên, người Chăm nhiều khi còn dùng g’rùng (lục lạc), cênh (chiêng) để phụ họa cho dàn nhạc những lúc cần thiết.

     Nhìn chung, vũ điệu Chăm-pa nhằm phô diễn vẻ đẹp của con người.

(Ghi chép Folklore)




VVM.11.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .