L à một vùng đất Việt cổ, Bắc Ninh -miền quê “địa linh nhân kiệt”nơi từ nghìn xưa cho tới hôm nay luôn là phên dậu phía Bắc của Kinh thành Thăng Long- Đông Đô – Hà Nội , nơi đầy ắp những di sản văn hoá tiêu biểu ở khắp các làng quê. Nằm trong sự giao lưu hội nhập mạnh mẽ về kinh tế, văn hoá, tín ngưỡng và tôn giáo, Bắc Ninh đã sản sinh ra những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể hết sức phong phú, đa dạng. Trải qua những biến cố của thời gian, thăng trầm của lịch sử, trên dải đất Bắc Ninh vẫn lưu giữ được hàng trăm ngôi đình, chùa, đền , miếu thành quách và những ngôi nhà dân gian có giá trị nghệ thuật cao, mà không phải địa phương nào cũng có được. Từ thành cổ Luy Lâu, thành cổ Bắc Ninh, chùa Bút Tháp, chùa Dâu, Đình Diềm, đình Đình Bảng … tới Văn miếu Bắc Ninh – nơi lưu giữ 1/3 các vị đại khoa Hán học cả nước . Thực ra khi xây dựng như vậy, ông cha ta không hề nghĩ đến phải làm gì để giữ gìn bản sắc địa phương, bản sắc dân tộc mà chỉ đơn giản là làm sao cho tiện dụng , làm sao cho đẹp, cho phù hợp với cảnh quan khu đất, với khí hậu, với phong tục tập quán của địa phương …
Để có được một nền kiến trúc mang bản sắc riêng biệt là cả một quá trình hàng trăm năm nối tiếp nhau từ đời này qua đời khác với bao thăng trầm của lịch sử, với bao khắc nghiệt của vùng thiên nhiên nhiệt đới hết sức phức tạp.
Bắc Ninh không có núi rừng trùng điệp, không có các tài nguyên thiên nhiên phong phú. Nhưng Bắc Ninh có những con sông chở nặng phù sa, những dải đồi thấp mang đầy những truyền thuyết say đắm lòng người. Những công trình kiến trúc cổ nổi tiếng trong nước và hấp dẫn khách du lịch, đậm đà sắc thái dân tộc với những bộ khung sườn bằng gỗ quí đã tồn tại qua bao thế kỷ tới bây giờ, đấy là chưa kể đến bao loại đá quí cùng nhiều loại vật liệu không nung khác, mà cho đến ngày nay trong kiến trúc dân gian ở nhiều vùng, vẫn còn thừa kế truyền thống tiếp tục khai thác và sử dụng: tre Lương Tài, Quế Võ ; lim Sơn Động; gốm Thổ Hà, Phù Lãng; đá Bất Lự, Phật Tích… vừa kinh tế lại vừa có giá trị thẩm mỹ riêng biệt.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm ướt, mưa gió lũ lụt thất thường đã tác động rõ rệt tới các công trình kiến trúc cổ truyền Việt Nam trong đó có các công trình kiến trúc cổ của Bắc Ninh. “Không thể tìm hiểu chính xác được các không gian kiến trúc cổ truyền ấy nếu chúng ta không bắt đầu phanh phui từ những điều kiện thiên nhiên của đất nước , đến các yêu cầu về nơi ăn ở của con người. Thiên nhiên Việt nam là một vùng trời đất nhiệt đới với tất cả những ưu đãi lớn lao và những tai ương quái ác, ưu đãi và tai ương cứ trộn lẫn với nhau, cứ nối tiếp nhau từ đời này sang đời khác ! Và chính là nếp nhà cổ truyền của dân tộc Việt nam đã được cất dựng nên ngay giữa vùng thiên nhiên nhiệt đới hết sức phức tạp ấy ”(Từ những mái nhà tranh cổ truyền – KTS Nguyễn Cao Luyện )
Trong hoàn cảnh thiên nhiên nói trên, không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã tạo dựng những công trình kiến trúc không phải kiểu “kiến trúc đóng” như ở các nước châu Âu mà là những “kiến trúc mở”, yêu cầu thông thoáng , ngăn chặn tia nắng bức xạ mặt trời , song cũng có thể chống mưa bão, gây cho con người cảm giác dịu mát , gần gũi .
Triết lý sống của người Việt nam nói chung và Bắc Ninh nói riêng là lối sống hài hoà với thiên nhiên , nương nhờ và thuận theo thiên nhiên . Vì thế, từ nếp nhà ở dân gian hay công trình kiến trúc cổ Bắc Ninh thường có bố cục thoáng đạt, hoà lẫn trong bóng mát cây xanh hay soi bóng bên hồ nước để tạo nên một cân bằng sinh thái khoa học. Trong kiến trúc cổ của ta, đình là biểu tượng tập trung nhất của làng về mọi mặt: hành chính, tôn giáo ,văn hoá, tinh thần , tình cảm, niềm tin của dân làng, là kiến trúc gỗ lớn nhất, ngôi đình phải là tiêu biểu cho nền văn hoá mang đậm truyền thống nông nghiệp lúa nước, vì vậy thế đất và hướng đình của các làng ven sông luôn làm cũng quay mặt ra bờ lõm của khúc sông, bên bồi của đất, bao giờ đình làng cũng ở vào vị trí đẹp, có tầm nhìn mở rộng, phóng khoáng, thường là ở trung tâm của làng. Còn đối với các ngôi chùa, khi xây dựng người xưa quan tâm trước hết là phải tìm được cảnh đẹp. Đó là núi, đồi ở giữa đồng bằng, như viên ngọc quý đặt trên tấm thảm, lấy cảnh quan tự nhiên làm cái nền cho kiến trúc, cùng trải ra như không giới hạn. Núi đồi lại gần với sông ngòi hay hồ ao, có cao trên, thấp dưới với nhiều tầng sinh thái khác nhau. Những ngôi chùa hoặc đình dù lợi dụng thiên nhiên hay cải tạo thiên nhiên thì dường như đều đã điểm đúng địa huyệt và hội tụ được thiên khí, tạo ra bộ mặt văn hoá làng quê bừng sáng .
Kiến trúc Bắc Ninh không tìm sự đồ sộ về chiều cao rộng trong không gian, nhưng được nhân đôi mình lên khi được soi bóng trên mặt nước . Nước là yếu tố đặc trưng của kiến trúc truyền thống Việt nam và Bắc Ninh. Xuất phát từ nền văn minh lúa nước, người ta tin rằng nước là khởi đầu của mọi nguồn hạnh phúc. Nước ở chỗ trũng, ở phía thấp nên mang yếu tố âm , còn công trình kiến trúc được xây dựng nổi lên được xem như yếu tố dương . Quần thể kiến trúc hợp thành một cặp âm dương hoà hợp thể hiện ước vọng cho mọi loài sinh sôi phát triển. Ngay đối với thuyết phong thuỷ, gạt đi những bí hiểm mà thầy địa lý thêu dệt, một công trình kiến trúc dù lớn hay nhỏ cũng phải ăn nhập với thiên nhiên, có trước có sau, có gò bãi cao, có ngòi dài hồ rộng, có cảnh trí hai bên cân đối với ” bụi chuối đằng sau,bụi cau đằng trước”. (Trong thuyết phong thuỷ khái niệm chu tước, huyền vũ, thanh long, bạch hổ thực chất là tạo được khu đất và ngôi nhà của mình sao cho phía trước sáng sủa, có tầm nhìn rộng, phía sau kín đáo, được bảo vệ, hai bên tự do, linh động hỗ trợ). Vì vậy ta không lạ gì khi thấy những đền, miếu thường được đặt trong những khung cảnh êm đềm , quyến rũ.
Cây xanh cũng là người bạn đồng hành không bao giờ xa nhau được của kiến trúc Bắc Ninh. ở đâu có những tán lá xanh xum xuê bốn mùa râm mát, là chắc chắn ở đấy có một chiếc quán nghỉ hay một ngôi đền cổ! ở các công trình kiến trúc cổ bao giờ cũng có một ngoại cảnh đẹp với nhiều cây cao bóng cả gợi không khí trú ngụ của Thần Thánh. ở đấy, nếu cây đa vươn cao xoè tán rộng quanh năm xanh tốt với những chùm rễ phụ buông rủ như truyền sinh khí của trời cho đất mẹ, thì những cây gạo vào dịp cuối xuân đầu hè nở hoa đỏ rực cứ như bát hương khổng lồ nơi cửa Phật, nhà Thánh.
Với nhà ở, người ta cũng theo nguyên tắc phong thuỷ nhưng điều kiện thường eo hẹp hơn, chẳng hạn nhà được một hướng tốt cũng là đủ, hướng tốt là hướng nam hoặc đông nam, tránh hướng tây nóng, bắc lạnh. Một ngôi nhà mà được “địa trạch” ăn mạch với địa thế, người ta mới tin tưởng cuộc sống yên vui để “an cư mà lạc nghiệp “
Hầu hết các công trình kiến trúc cổ ở Bắc Ninh thường không vươn cao mà hoà hợp với thiên nhiên, nhất là các ngôi chùa cổ ta dễ nhận thấy mặt bằng trải rộng, không phát triển theo chiều cao mà lan toả theo chiều rộng như hoà tan cùng thiên nhiên và con ngươì. Đứng truớc các công trình kiến trúc cổ Bắc Ninh, ta thấy tự nhiên có cái không khí êm đềm, tĩnh mịch để chúng ta sống với cảm xúc êm dịu của đời sống nội tâm thầm lặng vv… Bước vào bất kỳ một ngôi chùa nào ta cũng đều dễ cảm nhận được rằng: sau cái thâm thấp của mái chùa, qua cái u tĩnh phảng phất mùi hương trầm của nội thất, trùng điệp những cột gỗ tròn to với hệ xà, kèo chau chuốt của hoa văn cách điệu, như cố tình tạo nên sự tiếp nối của thiên nhiên vào trong công trình: thiên nhiên còn tiếp tục, còn”sinh hoạt”, còn “sống” trong lòng kiến trúc giữa bầu không khí tâm linh. Gỗ sống, Ta sống, Phật sống- tất cả là một, một là tất cả .Cái siêu thoát trong thức kiến trúc được thể hiện khá rõ qua bố cục không gian, nội thất công trình .
Trong kiến trúc cổ , phần mái nhà (tượng trưng cho Trời – ngôi Thiên trong thuyết Tam Tài )
được ông cha ta đặc biệt chú ý. Chiếc mái đình sà thấp xuống, bất ngờ uốn cong vút, thanh thoát ở bốn đầu đao ,
ngoài việc gợi nhớ hình ảnh con thuyền – cuộc sống của con người nơi sông nước, còn có tác dụng tạo
cảm giác bay bổng cho toàn bộ kiến trúc vốn thấp , phát triển theo tuyến dài hơn là chiều cao và bớt đi vẻ
nặng nề của kết cấu gỗ .Vì thế, chiếc mái nhà kiểu Việt từ lâu đã coi như của cội, của nguồn,
tất nhiên nước nào cũng dùng mái dốc, song mái dốc của ta thoai thoải, nó gần gũi, thanh thoát hơn nhiều.
Mái nhà Việt Nam dốc thẳng, mái nhà Trung Quốc, Nhật Bản lại hơi cong lõm, còn với kiểu mái Mansart của
Pháp với mặt mái có độ dốc gần dựng đứng. Chiều cao mái Việt Nam thường sấp xỉ bằng 2/3 chiều cao toàn công
trình, dựa trên hàng cột to khoẻ gây cảm giác nhẹ nhõm, vừa trang trọng ,vừa gần gũi cởi mở. Còn mái
Trung Quốc thường có tỷ lệ độ dày mái tương đương độ cao thân nhà . Độ vươn xa của mái hiên Việt Nam
ít hơn so với Trung Quốc và Nhật, trong khi mái Mansart ở Pháp lại không vươn ra khỏi tường
(kiểu mái Mansart lợp đá màu đen, người Pháp đã bỏ từ lâu, nay lại chen chúc về xứ ta lợp thành tôn xanh,
tôn đỏ hoặc ốp gạch men rải rác xuất hiện ở khắp mặt phố. Thật trăn trở khi Giáo sư Trần Văn Khê đã nhận xét:
Nhạc cổ truyền dân tộc Việt nam và phương Đông có lịch sử ngàn năm, nhiều cái hay, cái đẹp…
Nhạc Rock -Pop như người khách từ phương xa đến, ta tiếp đón họ lịch thiệp, nhưng không thể đưa họ chễm chệ
trên bàn thờ để con em chúng ta vái lạy !)Chính các yếu tố thiên nhiên địa lý và khí hậu ấy đã tác động
quan trọng tới những giải pháp kiến trúc, hình thành phong cách và sắc thái riêng biệt, tạo nên môi trường
và không gian kiến trúc sinh hoạt, làm việc thích hợp cho dân tộc mình.
Kiến trúc hình thành phong cách riêng của mình không thể tách rời cơ sở kinh tế xã hội của đất nước và địa phương xây dựng nó. Với nền kinh tế tự cung, tự cấp, nông nghiệp, với cách làm ăn lạc hậu chậm phát triển, nên trước kia trong kiến trúc nhà ở dân gian nói chung đều đơn sơ bé nhỏ, trừ những cung đình, dinh thự và những công trình tôn giáo được huy động tập trung tiền của của dân là có qui mô đáng kể, tồn tại lâu dài. Điều kiện kinh tế, vật tư và nhân lực khác nhau nẩy sinh hình thức và loại hình kiến trúc cũng khác nhau. Tôn ti trật tự và luật lệ phong kiến hà khắc của Luật Hồng Đức (thời Lê), luật Gia Long (thời Nguyễn) vv… hạn chế bố cục, trang trí, và phần nào kìm hãm sức sáng tạo nghệ thuật của quần chúng. Mỗi bậc thềm, mỗi cấp nâng cao của nền có tác dụng nhấn mạnh địa vị, như việc nhà dân không được làm nền hai cấp, cung điện nhà vua lấy số ba, chín hay tám mươi mốt làm số bậc.Vua Minh Mạng (1820-1840) cũng đã đưa ra những câu huấn điều :
” Dân phường mà giáp đường quan
Không được làm gác trông ngang ra đường
Có cần làm chỗ chứa hàng
Chiều cao không được cao bằng kiệu quan “
Dân ta có nếp sống, lối nghĩ và tâm tư tình cảm riêng biệt, những giải pháp kiến trúc trong bố cục công trình và tổng thể thường giản dị, mộc mạc và nhẹ nhàng, thanh nhã ; những hình thức nặng nề loè loẹt, rườm rà phô trương không tồn tại hoặc chỉ là số ít trong kiến trúc cổ truyền của ta.
Cách dùng màu trong kiến trúc cổ của ta cũng vậy, phần lớn là mầu sắc tự nhiên, đối lập hẳn với kiến trúc cổ Trung Quốc lại là nền kiến trúc của màu sắc. Người Trung Quốc rất ưa dùng nhiều mầu trong các công trình kiến trúc cổ của mình. Màu sắc tự nhiên là nền tảng của hệ thống màu sắc trong kiến trúc cổ Bắc Ninh. Bằng việc sử dụng những màu tìm thấy ở vật liệu thiên nhiên, những nhà kiến trúc xưa thường thu được hiệu quả cao: ngoài 3 màu nguyên chất: vàng, đỏ, then ( thiếp vàng , sơn ta mài son, then ) còn lại phần lớn là màu sắc tự nhiên: màu nâu nhạt của gỗ, nâu đỏ của vách gạch trầm và gạch lát nền, xám của ngói nung và sự truyền cảm gây ra bởi màu sắc không rõ rệt của gỗ mộc và vật liệu tự nhiên khác, luôn là đơn giản và tao nhã !
Con người xứ ta sống bình dị, thật thà, ngay thẳng và kiến trúc cổ Bắc Ninh đều dựa trên những đường nét ngay thẳng, mà điều đó thể hiện rõ nhất qua việc tổ hợp mặt bằng. Phần lớn trong kiến trúc cổ Bắc Ninh là bố cục cân xứng hài hoà trong một quần thể kiến trúc thường đăng đối theo một trục dọc hoặc qui tụ vào một điểm.
Cụ Hồ đã có lần khuyên các kiến trúc sư: ” Các chú làm kiến trúc nên làm cho ngang ngay, sổ thẳng“. Chính cái ngang ngay, sổ thẳng ấy người xưa đã biết vận dụng khéo léo để đạt tới sự thống nhất và biến hoá, cân bằng và ổn định, tỷ lệ và tầm thước …
Bố cục mặt bằng các ngôi chùa cổ phần lớn là chữ Đinh, chữ Công hay nội Công ngoại Quốc. Thông thường trước cổng chùa là một cổng lớn: Cổng tam quan ( vừa hiểu là cổng có ba cửa, vừa hiểu là ba nơi quan sát theo giáo lý Phật học là không quan, giả quan và trung quan ), khu trung tâm của chùa thông thường gồm ba ngôi nhà nối tiếp nhau: Tiền đường, Thiêu hương, Thượng điện. Ngoài ra có thể có dẫy hành lang ở trong cùng thường là nơi đặt bàn thờ và điêu khắc tượng các vị La Hán, các vị hoà thượng hoặc phối hợp cùng hành lang hai bên làm nơi tạm trú cho khách thập phương , chuẩn bị cỗ chay ngày lễ hội vv…, có khi kết thúc khu chùa là một dãy nhà Tổ. Kiến trúc hết sức quan trọng nữa của chùa là Tháp. Tháp được xây dựng nhằm ghi lại những dấu tích của nhà Phật.
Kiến trúc đình làng lại đơn giản hơn, có thể chỉ là một nếp nhà 5-7 gian “thông xuồng”, bốn mái kiểu chữ Nhất và quy mô hơn, phức tạp hơn với những dạng bố cục mặt bằng: chữ Đinh, chữ Nhị, chữ Công, chữ Môn vv…và không gian phát triển cả phía sau, phía trước với hai bên: hậu cung, tiền tế, các dãy tả vu, hữu vu vv…song không gian chủ yếu nhất vẫn là toà Đại Đình (Đại bái), ngoài ra còn các công trình phụ sân, tam quan…tuỳ theo công sức đóng góp và kinh tế giầu nghèo của địa phương làng xã mà công trình có quy mô to, nhỏ, trang trí phong phú, tinh xảo hay khiêm tốn, mộc mạc .
Với ngôi nhà ở người Việt thường có ba gian hoặc năm gian bố trí theo hình chữ Nhất vuông góc với nhà phụ, nhìn ra hiên và sân trước nhà. Nhà được chia thành hai phần, hai gian đầu hồi dùng làm chỗ ngủ cho đàn bà, con gái, kết hợp với để đồ quý hay của cải, ba gian nhà ngoài dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên, nơi ở của đàn ông, nơi sinh hoạt gia đình và giao tiếp láng giềng. Nơi thờ cúng được đặt ở gian giữa của ngôi nhà .
Việc bố trí đơn giản và hợp lý phổ biến như vậy là một đặc trưng trong cách nhìn thực tiễn của phong cách kiến trúc cổ Việt Nam, và chính là giải pháp thiết kế hợp lý nhất có thể chấp nhận được khi kết cấu gỗ là rường cột chính của công trình .
Khác với một số truyền thống kiến trúc khác, trong kiến trúc gỗ cổ truyền Việt Nam hầu như ít có cấu kiện thừa, ít có cấu kiện chỉ thuần tuý mang tính chất trang trí. Các đề tài trang trí được thể hiện ngay trên các cấu kiện kỹ thuật, chịu lực. Ngay với các cấu kiện nhỏ, thứ yếu cũng vậy. Một chiếc đấu được chạm hình đài sen, một chiếc cánh gà được chạm lộng, hay chạm kênh bong hình rồng một cách cầu kỳ, mới nhìn tưởng như được làm thêm cho đẹp. Thực chất đó vẫn là những chi tiết tham gia chịu lực. Các cấu kiện cũng ít khi chỉ là những thân gỗ tự nhiên mà thường được gia công, tạo hình cách điệu. Rường, kẻ được uốn mềm thành hình lưng thú, hình cổ ngỗng..Cột thì “đầu cán cân, chân quân cờ”. ở đây , nghệ thuật điêu khắc được kết hợp chặt chẽ với nghệ thuật kiến trúc đến mức điêu luyện. ở các bộ phận kết cấu công trình từ nền đến mái đều mang dấu vết rất sinh động của hoa lá, vân mây, tứ linh, bát bảo. Có thể tách riêng một câu đầu uốn cong, một cánh cửa bức bàn, tự nó đã là tác phẩm điêu khắc. Và tứ trụ, bồn cây, bình phong, rồng đá bên thềm, lan can bên hồ nước, với trạm trổ trên gỗ, đắp trát trên gạch, đục đẽo trên đá, sản phẩm đậm nét điêu khắc, giá trị nghệ thuật của công trình kiến trúc được nâng cao lên nhiều .
Kiến trúc cổ truyền Bắc Ninh có kích thước tương xứng với tầm vóc con người sử dụng nó, nên nó rất gần gũi, mộc mạc và bình dị , từ bản thân các cấu kiện, các bộ phận tới toàn thể hình khối công trình. Các kích thước cao, thấp, dài, rộng…của lan can, thành bậc, ngưỡng cửa vv…rất phù hợp với yêu cầu sử dụng và tầm thước người Việt Nam. Ngoài ra, khoảng cách xa gần từ con người tới các bộ phận kiến trúc cũng được xử lý thoả đáng: kích thước những hoạ tiết, trang trí trên bờ nóc, diềm mái…do khoảng cách xa con người- thường được khái quát và phóng đại; ngược lại ở những bộ phận gần tầm mắt lại được thiết kế chi tiết cẩn thận, nuột nà hơn không chỉ ở kiến trúc cung đình, tôn giáo , mà cả ở một số ngôi nhà dân gian điển hình .
Với hoàn cảnh kinh tế xã hội thời phong kiến trên nền tảng một nước nông nghiệp lạc hậu, những công trình kiến trúc nghệ thuật được xây dựng trải qua nhiều thế kỷ còn tới ngày nay ở Bắc Ninh tuy không nhiều, song vẫn là những dấu tích ghi lại chặng đường lao động nghệ thuật đầy sáng tạo của ông cha ta .
Chúng ta vừa trân trọng bảo tồn những di sản kiến trúc còn lưu lại làm giầu đẹp kho tàng văn hoá dân tôc; chúng ta vừa phải kế thừa, khai thác những tinh hoa văn hoá và kiến trúc truyền thống đó, nhằm phát triển nền kiến trúc Bắc Ninh mang đậm bản sắc dân tộc, ngang tầm thời đại, song vẫn phải là ngôi nhà Việt như nó đã từng là, nhân bản với con người, dung dị với thiên nhiên, chân thực và bền vững.