N hững bàn tay khéo léo của các nghệ nhân dân gian đã gửi hồn người vào trong những hình tượng khi tạo tác những vật thể, chi tiết, họa tiết công trình cổ, ẩn chứa thông điệp tri thức huyền diệu.
Cũng có những cổ vật được đặt trong nơi thờ cúng hay để trần nơi dân gian truyền đời những chuyện kỳ bí, không phải mấy ai cũng hay biết.
TƯỢNG RỒNG.
Ở Việt Nam, Rồng là con vật trở thành biểu tượng gắn với nhà vua, thân dài có vảy như rắn và thường mỗi chân có 5 ngón có móng.
Pho tượng bằng đá sa thạch, thân dài cuộn khúc có vảy như rồng, tìm thấy ở lối dẫn lên chùa Bảo Tháp, Bắc Ninh, trước là khuôn viên tư dinh của Thái sư Lê Văn Thịnh, người mà dân làng Bảo Tháp cũng như 14 ngôi làng quanh vùng thờ ông như Thành Hoàng của làng mình.
Hình ảnh linh vật pho tượng (rồng đá) ở trong đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh được tìm thấy, hai chân trước gân guốc, mỗi chân xòe rộng với 5 ngón có móng vuốt sắc nhọn, tự bấu chặt như đang xé thân mình. Tư thế phẫn uất cùng cực này chưa từng có trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam và các nước Đông Nam Á.
Truyện sử truyền lại, “Tội giết vua thì chu di cửu tộc, nhưng tội giết thầy, thì xử thế nào?”. Vua Lý Nhân Tông, học trò của tội đồ Lê Văn Thịnh, nghe thấy thế thì miễn cho ông tội chết, nhưng bắt đi đày ở Thao Giang, một vùng đất thuộc Phú Thọ ngày nay.
Ông Lê Văn Thịnh , người đỗ thủ khoa, khoa thi Minh kinh bác học (1075) là khoa thi đầu tiên thời Lý cũng là khoa thi đầu tiên của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long, nên ông được coi là vị Trạng nguyên đầu tiên của Việt Nam (danh hiệu Trạng nguyên thực sự thì đến đời Trần Thái Tông 1246 mới có). Về sau ông giữ chức Thị lang bộ binh. rồi lên tới chức Thái sư, tột đỉnh vinh quang trong triều. Nhưng may mắn thay, trước đó ông đã là thày dạy cho vua.
“Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm (Hố Tây), ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh mặc áo trông như hổ. ông bị triều đình ghép tội “hóa hổ giết vua”. Người hóa hổ thực hư không biết, nhưng đi đầy là thật.
Tượng đá tại đền là khối sa thạch, nặng khoảng 3 tấn, cao 72 cm, rộng 137 cm. Gần đây một cuộc khai quật trước khi tôn tạo đền, phát hiện thêm 2 bộ phận nữa cũng là 2 khúc tượng đá sa thạch, mỗi khúc dài gần 60 cm, cao 35 cm và rộng 40 cm. Tuy nhiên, khi mang 2 khúc đá mới phát hiện trên, ghép vào phần có đầu tượng (rồng đá) thì 2 bộ phận này không khớp với phần thân bị đứt ở hai bên pho tượng. Điều này cũng khiến có suy đoán, tượng còn một phần thân nữa chưa tìm thấy.
Có ý kiến cho rằng đây đúng là tượng rồng, (thân có vảy rồng) và tượng trưng cho vua. Hình tượng hiện rõ như một lời gửi gắm từ tâm thế của vị vua đã gây ra nỗi oan trái cho người thầy là bậc công thần của nước, vì chót nghe một tai, nên tự cắn thân xé mình. Tượng có một tại bị bịt kín là vua chót nghe lời xiềm nịnh một phía của gian thần, sử đối không phải với người thầy của mình. Lý do đó còn để tương đồng với một số ý kiến cho rằng, ở đền thờ một vị quan dù là Thái sư, thì không thể là tượng rồng, vì rồng chỉ có thể tượng trưng cho vua. Vị vua đó chắc chắn là vua của ta, không dưng hành hạ thân mình.
Khác với ở Trung Quốc, có những quan lại cũng được phép đắp tượng rồng ở tư dinh. Do đặc điểm người Trung Quốc thường hay khoe mẽ, rồng có thêm nhiều đường nét hù dọa bóng gió đến rối rít, nhiều màu sắc sặc sỡ đến lòe loẹt.
Hình tượng con rồng người TQ mang đầu ngựa có mõm dài có nanh, trán gồ mang sừng hươu, Mũi rồng cao hếch lộ rõ 2 lỗ, có râu và bờm. Nhưng tất thảy buộc phải có số ngón chân ít hơn rồng của vua. Tùy theo phẩm hàm mà có từ 2-3-4 ngón nhưng không được phép có 5 ngón.
Người trong Hội đồng khoa học chuyên thẩm định các bảo vật quốc gia, nghiêng về quan điểm là tượng của một con rắn và cho đó là rắn thần (dù có 4 chân 5 móng). Ý kiến về hình tượng đó gọi là rồng mà không mang đầu cá sấu, không râu, không bờm, không cánh mũi rộng ngang kiểu rồng, trong khi rồng Thăng Long, Phật Tích, Đọi Sơn đều có tính thống nhất này. Đây không phải là rồng, bởi không nằm trong mẫu số chung của nghệ thuật rồng đời Lý, nó là xà thần thời Lý (suy đoán), nên đã đề nghị ghi tên bức tượng là Xà thần. Thân tượng trong tư thế nằm. Đầu gục hẳn xuống miệng há trong tư thế cắn mạnh, đôi mắt lồi trợn tròn, mũi tẹt sống mũi cong xuống. Những chiếc răng dài nhọn, tự cắn ngập vào thân mình, dáng vẻ đầy đau đớn, bi thương.
Niên đại ra đời của tượng, hiện đang được các nhà khoa học công nhận là ở thời Lý. Một trong hai bộ phận phát hiện bằng khai quật sau là bàn chân rồng nguyên vẹn với 5 móng vuốt sắc nhọn, bám chặt vào thân. Từ hai bộ phận này có nhà khoa học cho rằng (đoán) chất liệu và phong cách tạo tác phù hợp với pho tượng rồng cắn thân mình trong miếu Xà Thần từ thời Lý nên cho là tượng có niên đại thời Lý.
Đó phải là chuyện của đời sau - một ý kiến khác của nhà nghiên cứu Việt nam - Phải muộn hơn mới sinh ra tác phẩm như thế, người đã bị hàm oan đi đày, sau khi ông mất khó có chuyện tạo dựng ngay trong thời Lý. Pho tượng trong đền thờ có lẽ nó (suy diễn) sinh ra ở thời Lê (sơ) thì hợp lý hơn.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng bảo vật quốc gia này không phải Rồng, Rắn mà là Kỳ đà.
Tượng đá có đặc điểm tạo hình hoàn toàn không giống với chuẩn mực rồng thời Lý. Tượng trông như một thứ Kỳ đà - Cự đà nhưng có đôi tai cách điệu có vành nổi lên đầu. Bên tai trái lành trống, một bên tai phải bị bịt kín đặc.
Kỳ đà còn gọi là Cự đà 5 móng vuốt, toàn thân phủ vẩy, tai không vành, có khả năng biến đổi màu da để thích ứng với môi trường.
Những thông điệp từ pho tượng rồng ở một đền thờ Bắc Ninh còn chứng tỏ sự bấp bênh trong nhận thức. Các nhà khoa học nổi tiềng Việt Nam vẫn đang tự tìm tòi (suy đoán) cả những ý tứ từ thông điệp người xưa muốn gửi tới đời sau.
TƯỢNG TRÂU ĐÁ.
Trâu vốn được coi là con vật mang đến phú quý, cát tường biểu tượng của sự an lành, no đủ. Trâu có nhiều đức tính được ca ngợi như hiền lành, bền bỉ, mạnh mẽ. Truyền thuyết Trâu vàng - Kim Ngưu truyền tụng, biểu tượng sự quý trọng gắn với huyền thoại sự tích Hồ Tây nay thờ ở đền An Thọ bán đảo Tây Hồ, Hà Nội. Trâu vàng còn là linh vật tại Seagame Việt Nam.
Có ai nhớ, đã bao lần trâu cùng người đi vào ca dao tục ngữ, bằng cả tình yêu thương, không chỉ vì trâu giá trị đứng đầu cơ nghiệp. Trâu khỏe sức hơn cả, chăm chỉ hiền lành hơn cả mà không đòi hưởng lại gì. Ai đó có bỏ quên chỉ với vài nắm rơm khô qua ngày, thì trâu cũng tự dũi toét mũi tìm cỏ bờ đê, mà vẫn cần mẫn giúp sức, giúp công.
Các quan ngày xưa thường có tượng trâu bằng ngọc hay đá quý để trên bàn làm việc, nhưng không đặt trên bàn thờ, bàn học con cái, thể hiện sự nhắc nhở tôn trọng, công sức là cao quý. Trong đời sống hiện đại, tượng trâu được chế tác từ gốm, đá quý bày trong bàn phòng khách.
Có phải trâu từng bên người trẻ Đinh Bộ Lĩnh không ít lần tập xung trận, luyện lên bản lĩnh. Trâu bơi qua dòng nước xiết phò ứng người hoạn nạn. Trâu dùng sừng ngà đen, hất tung giáo giặc, húc thủng mạn thuyền. Trâu cho ai chiếc sừng quý làm hiệu lện xung trận.
Trong dân gian tượng trâu đá lại rất sống động thường đặt ở hướng Đông Bắc hoặc Bắc mặt quay về Nam, hướng thuận giữ mưa, cầu gió. Tượng Trâu đá còn lưu truyền, gửi gắm trong đó thông điệp người đời trước. Các nhà khoa học VN lần nữa lúng túng với kiến thức của mình để đưa ra những khẳng định, còn người dân thì kể thành truyện, đôi khi không phổ biến.
Ở một vùng nông thôn Quốc Oai, Hà Nội trên một đoạn đường quanh co rìa làng, không phải là nơi thường xuyên qua lại của người dân hay du khách. Một hình tượng rất gần với đời thường, một con trâu đá nằm cúi, thấp đầu xuống ven đường. Có ai biết gì đã xảy đến với trâu, kẻ gắn bó suốt những năm tháng cuộc đời dựng xây cơ nghiệp cho ai?
Tượng Trâu đá đã thành trâu mộng sức vóc hơn đời, cái sống lưng gồ lên hơn các nghé con. Lưng trâu nhẵn bóng bởi người quen ngồi, các cậu bé quen cưỡi những buổi chiều tắt nắng. Có ai biết vì đâu từ năm nào, đời nào trâu , đã nằm mãi bên con đường nhỏ. Con trâu đá vốn thủy chung, quen nhẫn nhịn bây giờ mất sừng, chỉ còn như nghé.
Trâu đá cụt mất đôi sừng, thân phơi ngoài nội cỏ, vươn cổ dài đặt đầu thấp sát xuống đất, khuôn mặt buồn bã, mệt nhọc chất chứa nỗi cay đắng trong lòng, không thể ai an ủi được.
Nghiệp đời là vậy. Chỉ vẫn mãi thương con người, không biết đâu là cùng.
Truyện rằng: Vào đời Lê Trung hưng có một quan đại thần có nhiều công trạng, quê ở Quốc Oai. Vị quan suốt cuộc đời dồn hết tâm sức giúp vua làm nên những kỳ tích giữ nước được vua tôn vào hàng quốc thần. Những tưởng cuộc đời cống hiến và danh vọng ấy đủ để khi tuổi già bái triều, về nghỉ ngơi nơi làng quê, sẽ được hưởng tuổi già viên mãn.
Ông có một người con trai ở quê, giữ nền nếp gia phong, theo nghiệp ông bà, gánh trọng trách thay cha làm lên một trang thôn trên vùng đất được vua ban thưởng những công tích của cha. Trang trại ở rìa làng, giờ chỉ có những người thuộc gia nô cũ mới hay. Rộng lớn mà hoang vắng, trang trại phải đi qua một đoạn đường nhỏ lầy lội khi trời mưa. Trâu đá nằm phơi sương gió bên bụi tre dọc bên con đường nhỏ, dẫn vào khu đất tới giữa miếu thờ ông. Cạnh ngay đấy một đoạn, những bức tượng Hạc đá ẩn trong bụi tre, đứng rủ gục đầu, ủ rũ như vẫn bàng hoàng trong giấc ngủ mê. Người dân quý trọng nơi đây, kính cẩn giữ gìn nên không dám di dời.
Chuyện éo le là thực ấy, đau lòng người. Trâu đá giữ mãi trong lòng.
Là công thần khi về nghỉ mà sống với dân, được dân trong vùng nể trọng. Người con trai trưởng thành cùng gia nhân không dám dựa công lao cha mà sách nhiễu. Mọi người gia nô yêu quý tôn thờ bởi phong độ vững vàng tình nghĩa của người con, nên luôn trung thành nhất mực.
Có ai hay trời làm sấm sét giữa trời quang mây tạnh. Quan huyện bị con trai ông đánh chết vì tội hống hách lập ra những lệ làng coi thường phép vua và không tôn trọng người cha. Gia nhân quá tay, hay quan huyện bị tai biến, đời nay không rõ, chỉ biết rằng gia nhân không phục lệnh vua bắt chém đầu đứa con ít tuổi của vị đại thần và là con trai duy nhất của ông. Họ đã truyền kể lại những câu truyện khác về cái chết của vị quan từ những nguyên cớ khác, để lý giải câu chuyện đó, như chuyện Bạch xà “ Lệ chi viên”.
Phải chăng, khi ông đã rời bỏ chốn quan trường mà không thể một lời cầu xin nhà vua ban ơn huệ, giảm án cho con. Chắc chắn công lao của ông, không ai nỡ bỏ qua nhất là khi, đứa con nghịch tử gây án với kẻ hống hách hại lương dân, lại là con một và rất được gia nhân tôn thờ.
Triều đình vẫn chờ ông trước phán quyết tội hình, nhưng ông lặng lẽ và án đã tuyên.
Ông cho người làm nên pho tượng Trâu đá cổ dài sừng cụt (nghé) đặt nơi bờ cỏ. Nơi đấy cách xa Sài sơn nhưng hình như là đá khối sâu liền từ trong lòng đất, không thể di dời được. Gia nhân không ai dám làm đau lòng ông thêm, lặng lẽ dựng ở nơi xa xa, ẩn trong những bụi tre những tượng Hạc đứng rủ đầu, mỏ quập hẳn xuống ngực như muốn biểu lộ nỗi đau trong lòng những kẻ thân tín theo hầu. Đời nay mấy dễ ai làm.
TƯỢNG CHÓ ĐÁ.
Chó là con vật giản dị, mang đậm chất hồn quê, gắn với chữ tình, thủy chung mà kiên quyết. Chó biết đâu là chủ, biết nhường kẻ nào, cho cái gì được vào nhà, biết làm thế nào ngăn chặn những chuyện xấu, giữ bình an cho gia chủ.
Xưa kia, ở hầu hết các công trình như cổng làng, cổng chùa,cổng đình, thậm chí cả trước những chiếc cầu, chiếc cống, các cụ ta thường chôn chó đá để trấn trạch (trấn yểm giữ đất) xua đuổi tà ma, yêu quái đến quấy nhiễu, xua đuổi bệnh tật và cầu mong mang đến tài lộc. Dân gian có nhiều người chọn thợ hoặc tự mình đục đéo chó đá, đặt ở trước cổng nhà.
Người đẽo chó đá căn cứ tính cách chủ thế nào, thì tạo tác biểu hiện ra con chó đá như vậy. Nhìn vào con chó đá ngồi ở cổng, to lớn dữ dằn, tai dựng đứng thì nhận biết gia chủ là người giàu có. Những nhà có thế lực, thì chó đá bệ vệ, đôi khi cách điệu cổ đeo chuông, khánh. Người am hiểu tặng bạn để nhà một con chó đá, ngoài ý nghĩa về mặt thẩm mỹ, ngôi nhà sẽ trở nên hài hòa với thiên nhiên, gia chủ sẽ nhiều tài lộc.
Không như Sư tử hay Nghê đá (chó trời trên cột biểu, dưới sân chùa) trấn trạch, chó đá được bày biện cả trong nhà, gầm bàn thờ, ngoài vườn. Ngày nay có doanh nghiệp để con Nghê đá, Tỳ Ngưu, Sư tử đá, trưng diện ở nơi ra vào. Có người mang chó đá gắn trước nơi làm việc để vừa gần gũi gắn với đời mà không thần thánh hóa. Chó đá vừa canh giữ kẻ xấu, vừa đón chào người tốt, người quen cho gia chủ, và để nói thêm những hiểu biết của chủ nhân về nét độc đáo văn hóa dân gian.
Vua Lý Công Uẩn anh minh được quần thần tôn thờ lên làm vua sau hai triều Đinh, Lê mà không vướng một hòn tên mũi đạn. Trí tuệ sáng ngời dời đô, đã để lại cho hậu thế nhiều suy ngẫm. Không chỉ vì vua sinh năm Tuất, cuộc đời huyền thoại của vua liên quan đến việc thờ Thần Cẩu. Khi định đô ở Thăng Long, vua cho lập miếu thờ thần Cẩu Mẫu, thần Cẩu Nhi để canh giữ, bảo vệ kinh thành. Miếu thờ Cẩu Nhi qua sách “Tây Hồ chí” nằm ở góc Tây Bắc hồ (khi chưa phân thành hồ Trúc Bạch) trên bến Châu, đời Trần gọi là bến Thần Cẩu. Nay miếu còn trên đảo nhỏ hồ Trúc Bạch cạnh đường Thanh niên, gần nhà hàng Hô Tây.
Tượng chó đá ở phủ thờ quận công Nguyễn Ngọc Trì làng Hát Môn, xã Hát Môn Phúc Thọ, Hà Nội, có 4 chó đá nguyên khối, đặt trước và sau phủ gọi là Thạch Cẩu. Trước mỗi tượng chó đá, đều có bát hương để thờ.
Dân làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, Đan Phượng, Hà Nội, thờ chó đá là vị thần che chở cho làng, mang đến bình yên. Người dân ở đây dù không phải là Thành hoàng, nhưng kính cẩn gọi là quan lớn Hoàng Thạch.
Người dân nuôi chó là để đánh động cho người làng biết mỗi khi có giặc giã, trộm cướp. Khi làm xong nhà, người ta thường tự đục đẽo lấy chó đá, trấn trạch trước ngõ. Mỗi con chó đá dân dã này không to mà mang dáng dấp, hình dạng khác nhau.
Để làm ra nó, người ta không cầu kỳ, nhưng chó là chó có tai cụp như bằng đỉnh đầu và một đoạn đuôi ngắn như cộc. Với từng chủ, gương mặt chó đá cũng khác nhau, có con hiền, con dữ, có con tham ăn, con yếu đuối trông rõ lo âu, con lại vui vẻ, ma mãnh. Những con chó đá bình dân ấy, đôi khi chỉ là ước lệ nhưng rất tự nhiên.
Có truyện truyền miệng về một con chó đá của một anh nông dân nghèo Ba Vì, Hà Nội.
Ngôi nhà người trẻ nghèo trong chiếc vườn bé nhỏ như túp lều, tạm bợ lợp rạ mà thân thể cũng bằng rạ, rách tươm, vốn không có gì cần phải trông giữ. Mảnh vườn cha mẹ mất sớm để lại cũng không có gì, nhưng khi khoai sắn cứ lên tốt, là lại bị chuột cắn, đào bới hết. Anh nuôi một con chó màu lông đen đặt tên là Mực, cũng chi bằng khoai, bằng sắn.
Anh dặn : “ Mực trông nhà, trông vườn để anh đi làm, chuột bọ nó đào hết khoai thì không có gì mà ăn đâu !”
Từ đó khoai sắn tốt bời bời, củ nhiều lúc lỉu, không một kẻ ăn trộm nào dám bén mảng. Mực có nhiều lần bị đói, nhưng luôn chờ đón anh về sau những ngày đi làm thuê xa. Mực rối rít quẫy cái đuôi dài, mừng anh từ đầu ngõ. Anh và Mực sống với nhau, ăn ở cùng nhau như hai người bạn chí tình, thân thiết.
Trong làng có một đám sáu tên sai nha nhà quan, thường xuyên đi tuần thú, gây sự kiếm chác với dân làng. Chúng lăm lăm trong tay những thanh thước gỗ lim dàì vuông cạnh mà cứng nặng như thanh sắt. Mỗi kẻ dẫn theo bằng dây thừng, một con chó tai đứng to lớn. Chúng gặp bất cứ điều gì ở nhà ai cho là ngứa mắt, là chúng ỷ thế quan, xông vào đập phá, phạt vạ. Đàn chó được dịp thả ra mặc sức phá phách đuổi gà, bắt vịt về làm đồ nhắm.
Anh đâu ngờ một buổi tối trời sau một ngày làm việc nặng nhọc mệt đứt hơi, anh về thấy nhà cửa tan hoang. Con Mực hấp hối lê lết về, nằm ngay lối vào như đã cố đến sức cùng lực tận, giữ lời cam kết trông nhà. Anh vô cùng thương xót, ra công chăm sóc mà không qua khỏi cái chết đau đớn của Mực, bởi những vết răng chó cắn hằn sâu trên cổ và cả những nhát gậy vụt lõm đầu. Trong trận quần nhau không cân sức với một lũ chó và toán sai nha nhà quan, Mực đã vô cùng dũng cảm chống trả số đông đám nguời, đám chó. Mực không thể rõ, chỉ vì anh chủ không có gà vịt làm mồi nhắm mà Mực đã làm ngứa mắt chúng.
Mực nhìn anh trút hơi thở cuối cùng vì biết cơn ác mộng kinh hoàng đã qua. Anh đã khóc những giọt nước mắt tiếc thương trên mộ một người bạn anh yêu quý, sau vườn.
Một hôm đã tối trên đường gần nhà, anh vấp phải một khối đá chắn ngang lối về mà không hay rằng đó là vật linh thiêng. Nhìn khối đá đen sẫm, anh nghĩ ngay đến việc, tự mình tác thành cho khối đá hình thù chú chó yêu quý, để được vợi bớt nhớ thương với Mực.
Anh mang khối đá ra chỗ Mực bảo:
“ Mực ơi tao nhớ mày lắm. Sống khôn chết thiêng thì nhập vào đây để tao được sống với mày”.
Mang theo cả lòng yêu thương, anh cứ thế đục đẽo. Khi đến đôi tai anh cố ý cho nó ngỏng cao lên như nghe ngóng, anh đâu biết con vật đã nhập hồn vào khối đá cứ dứt khoát cụp tai xuống. Sau nhiều lần, anh đành nghe theo, để nguyên chiêc tai cụp của Mực giống như chó Kiến làng quê. Riêng chiếc đuôi dài anh cho nó quấn lên thân mình rồi thò lên một đoạn qua lưng.
Con chó đá nhà nghèo luôn chờ đón anh, được đặt trước cổng buộc tạm bằng tre từ khi không còn Mực. Mỗi khi về anh thường cúi xuống xoa đầu nó. Trong bóng đêm con chó lại quẫy quẫy cái đuôi mừng rỡ. Ban đầu anh cũng sợ, nhưng khi hiểu ra anh rất mừng vui. Lâu rồi thành quen.
Đến một tối trời khác, chính viên quan độc ác lại cùng bọn tuần đinh lăm lăm thước lim, tuần thú qua nhà. Tiếng chó sủa inh ỏi làm nhà nào, nhà nấy vội đóng chặt cửa lại. Mọi người đều cố tránh vì biết chúng dù vô cớ, cũng sẽ chủ động đánh người. Đàn cẩu tặc sẵn sàng giết hại, nhai sống những con vật nuôi vô tội khác một cách khủng khiếp không tưởng tượng nổi. Có nhà còn mang sẵn gà vịt hay một ít trứng gà ra tống tiễn, biếu chúng.
Con chó đá, bình tĩnh nhìn lũ cẩu tặc rồng rắn khiêng kiệu viên cẩu quan đi giữa, dừng lại trước cổng tre. Nó còn thấy được cả một âm hồn hình hài một loại thú to lớn giống loài chó, nhưng chuyên ăn bám theo chỗ quan trường, hớp hồn những kẻ bị quan trừng phạt.
Con chó đá vểnh đôi tai nghe ngóng, rồi lặng lẽ ngồi xuống phòng thân. Đối với chó đá những con thú đang gào thét nhặng xị không là gì. Chó đá lo nhất là con linh cẩu, đệ tử theo sau quan ăn của thừa. Con quái thú to lớn, hung hãn là ác quỷ từ địa ngục, ăn xác thối, lông nó xù ra, đầu to miệng sùi bọt rãi. Hàm răng sắc nhọn, chìa cả ra ngoài có thể nghiền nát tất cả. Quái thú từ cõi chết reo rắc nỗi kinh hoàng cho các linh hồn dương gian, lượn lờ rình rập đằng sau đám quan quân. Nó mới là thứ làm chó đá đáng ngại.
Trời bỗng tối sầm, ngay sau đó là những tiếng thét thất thanh trong đêm. Trong cơn giông mù mịt anh chủ bị lôi sềnh sệch vứt vào cổng nhà. Anh bị đánh trên đường về và vì tội dám thưa quan chuyện cái chết vô lý lần trước của Mực.
Bỗng nó gầm lên thành tiếng, cùng lúc với tiếng sấm trên trời, không còn ra tiếng chó. Lũ chó to chết lặng. Bọn sai nha ngơ ngác há hốc mồm đứng im, chỉ con quáí thú vẫn đảo điên phía sau, chờ đợi.
Quan như bị sét đánh ngang tai run rẩy, vội lệnh cho sai nha rước kiệu ra về. Con quái thú lại gần cái thân thể tơi tả như cái xác, nó không thể thấy, một bóng đen tuyền có cái tai cụp, đang nhấc nhấc lên. Quái thú lại gần con Mực hướng về phía anh chủ, nhe nanh.
Con Mực nhảy chồm lên bằng cả sức nặng khối đá thân nó, giáng một đòn chí tử vào đầu quái thú rồi thu mình lại lăn sang bên cạnh đám lông dày hôi thối. Quái thú giật mình đau đớn quay lại giơ những móng vuốt quào cấu xuống, xé toạc ra những vệt đá đen rồi cũng biến mất vào khoảng tối tăm vô tận.
Anh chủ tỉnh dậy thấy con Mực đang nằm lăn bên cạnh, thân thể đầy vết cào, một bên má bị sứt thành miếng. Đôi tai Mực cụp xuống lúc lại nhấc nhấc lên, cái đuôi cụt mất một đọan sau lưng, phần còn lại ve vẩy, vẫy mừng anh.
Những ngày sau anh để Mực cộc đuôi ở chỗ cổng. Mực của anh vẫn đứng đó thủy chung một dạ, không kể nắng mưa, trông chờ anh. Mọi người đi qua ai cũng mong có được một Mực như anh. Họ tạc tượng Mực bằng đá, cộc đuôi, tai cụp, thân thể có những vết cào xước đôi khi cố ý làm mất một mảng ở má, đặt ngay cống trước nhà. Mọi người hay gọi là chó đá, để giữ nhà.