Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

VỀ CỘI

                  

T ôi vừa về đến ngõ thì gặp mấy bác con giai và con dâu họ Nguyễn từ nhà tôi đi ra. Vừa nhìn thấy tôi, họ cùng reo lên vui mừng như trút được một gánh nặng:
     - May quá, chú đã về. Chúng tôi đang lo quá. Chỉ sợ không gặp được chú thôi.
     Tôi sững lại giây lát rồi hỏi:
     - Có việc gì đấy các bác?
     Người con dâu họ, có dáng cao và gầy như cây lúa đói phân, hiệu trưởng trường trung học cơ sở ở xã bên, bảo:
     - Mời bác vào nhà cho chúng em thưa chuyện.
     Chuyện gì thì tôi chưa biết. Nhưng tôi thấy cả dâu, cả giai, cả trưởng họ Nguyễn đến gặp tôi và mong tôi, ắt có gì đó phải rất quan trọng. Và chỉ có việc quan trọng của gia đình họ, dòng tộc họ, họ mới tìm tôi chứ. Mọi người vừa an tọa, tôi chưa kịp pha chè mời khách theo phong tục quê hương, chị con dâu gầy như cây lúa thiếu đạm đã lên tiếng:
     - Chả là thế này bác ạ. Bác Nguyễn Quang nhà chúng em mong sau khi chết sẽ được về quê.
     Tôi đỡ lời ngay:
     - Thế thì tốt quá. Họ nhà rước linh cữu bác ấy về đồng làng an táng là phải quá.
     Người con dâu họ ngập ngừng giây lát mới nói:
     - Được như thế thì còn gì bằng. Chúng em chả phải đi tìm bác.
     Tôi ngớ người hỏi:
     - Tại sao?
     Vẫn người con dâu họ Nguyễn gầy gò, đáp:
     - Thưa bác, các cụ không cho về.
     Tôi giật mình, tự hỏi: Sao lại có chuyện như vậy được. Làng tôi vốn là một làng ngụ cư. Dẫu từ ngày có làng đã ngót nghét một nghìn năm. Một nghìn năm chứ có đến hai ba ngàn năm thì làng ngụ cư vẫn cứ mãi mãi là làng ngụ cư với những tập tục của nó. Thế hệ sau nối tiếp thế hệ trước ai cũng giàu lòng thương người, luôn luôn giang tay đón những số phận long đong cơ nhỡ không nơi nương tựa vào làng. Nếu họ thích ở lại, làng cho họ được nhập cư. Nhập cư rồi, họ thấy sinh sống khó khăn, họ chán, họ lại đi và người khác lại đến. Nhưng phần nhiều là trụ lại. Dẫu gian khó, vất vả đấy nhưng kéo lại được cái tình người. Người con, người cháu đã ngụ cư ở làng thì cũng có thể rước cốt của ông bà, cha mẹ ở quê hay ở đâu đó về đất làng an táng cho tiện việc trông nom hương khói. Bởi vậy, đất thổ cư cứ mỗi ngày một băm nhỏ mãi ra. Cha chia cho các con. Các con lại chia cho các cháu. Người sinh ra mà đất thì vẫn vậy. Đất ở thu nhỏ. Đất trồng trọt ít dần. Đất chôn người cũng chật chội. Thôi thì, đất đai có vậy, bảo nhau mà ở ăn, bảo nhau làm lụng và cuối cùng là bảo nhau chôn cất người quá cố. Chớ có cậy tiền, cậy của xây mồ mả to, cao lấn át người khác. Trông dặm mắt lắm
     Lá rụng về cội. Từ ngàn xưa đã thế. Bây giờ vẫn thế. Vậy tại sao các cụ lại không cho con cháu họ Nguyễn rước linh cữu ông đại tá họa sỹ Nguyễn Quang về đất làng an táng. Lạ quá. Hẳn có nguyên cớ chi đây? Tôi gặng hỏi mãi, mấy vị họ Nguyễn chỉ một mực nói, chúng em đã nói hết nước, hết cái nhưng các cụ cứ gạt phắt đi. Trong khi đó, ông em chỉ ao ước khi chết được chôn ở quê cha đất tổ để xuống dưới ấy được hầu hạ tổ tiên. Ông em đi làm cách mạng mấy chục năm trời, nếu chôn ở Văn Điển, Thanh Tước cũng được tiêu chuẩn ở khu A, khu B gì ấy. Oai lắm. Vinh dự lắm chứ. Ông em là đại tá quân đội, là danh họa của đất nước cơ mà. Đám ma ông em thể nào cũng to lắm. Chúng em cứ nghĩ, đưa ông em về quê thì vinh dự cho làng mình lắm chứ. Thế mà các cụ lại gạt phắt đi. Chúng em biết làm thế nào bây giờ. Chúng em bảo nhau cứ liều tìm đến nhà bác, nhờ bác nói với các cụ giúp cho.
     Tôi hỏi:
     - Thế các bác đã gặp những cụ nào. Đã gặp Đảng ủy, Ủy ban và Mặt trận Tổ quốc chưa?
     Chị con dâu họ, hiệu trưởng trường phổ thông trung học cơ sở, sốt sắng đỡ lời tôi:
     - Dạ, thưa với bác, chúng em đi rất là thứ tự. Đầu tiên chúng em đi nói với ông trưởng khu. Ông trưởng khu bảo, khu xóm có quyền gì. Các vị phải ra xã chứ. Chúng em đi gặp ông bí thư Đảng. Ông bí thư bảo việc này bên chính quyền. Chúng em đi tìm ông chủ tịch cả buổi mới gặp được. Ông ấy bảo bên Mặt trận lo. Thế là thế nào ạ? Em hỏi lại. Ông ấy bảo còn thế nào nữa. Các vị phải tìm gặp ông Thủ, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc chứ. Đảng ủy phân công rồi. Việc hiếu do Mặt trận và Hội Người cao tuổi lo. Việc cưới xin giao cho Chi đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ. Thế là chúng em đi gặp bà Mặt trận. Bà Chủ tịch Mặt trận nói, việc này Mặt trận chúng tôi quyết thế nào được. Các vị phải đi gặp các cụ thượng làng. Chúng em hỏi, phải gặp cả 4 cụ hay chỉ 1 cụ đại diện thôi ạ. Bà Mặt trận bảo, cứ gặp một cụ thôi đã. Để tôi nghĩ xem nên gặp cụ nào. Cụ Huỳnh chín mươi hai, cao tuổi nhất nhưng cổ hủ, bảo thủ. Mấy tháng nay nằm bẹp một chỗ. Chả nghe ra thế nào nữa. Cụ Thịnh thứ hai, chín mươi tuổi thì lẫn quá là lẫn. Chỉ có cụ Đồng. Các vị phải đi gặp cụ Đồng. Cụ Đồng tám mươi chín tuổi còn đạp xe đạp từ làng ta lên tận Hòa Bình thăm bà ba cơ mà. Đúng. Đúng. Ông cụ còn khỏe mạnh minh mẫn lắm. Việc hội làng vừa rồi toàn ông cụ quyết hết. Cụ Đồng đã quyết, chả ai dám trái ý đâu. Các vị đi ngay đi. - Bà Mặt trận nhìn đồng hồ - Mười một giờ trưa rồi. Các vị không đi ngay cụ ngồi vào mâm rượu là không có bàn việc gì nữa. Cụ bảo, có hơi men, bàn chuyện là hỏng việc. Men nó nói chứ mình có nói đâu. Chúng em vội đi ngay. Gặp ai chứ gặp cụ thượng Đồng là chúng em yên tâm lắm. Tính cụ dễ dãi, xởi lởi, con đàn cháu đống. Cụ những hơn bảy chục cháu cả nội, cả ngoại và ngót ba chục chắt phải không bác nhỉ?
     Tôi gật đầu nói:
     - Tôi không hỏi kỹ. Nhưng có lẽ cụ Đồng cũng phải bấy nhiêu cháu chắt.
     Cô giáo nói:
     - Chúng em cứ nghĩ, bác cùng họ với cụ, hẳn nắm chắc lắm kia.
     Tôi bảo:
     - Họ nhà tôi to. Nhóm nào biết nhóm ấy. Hôm vừa rồi nhóm nhà cụ Đồng giỗ tổ Nhóm tức là cụ tổ mới thứ mười một sinh hạ ra nhóm đằng ấy mà làm sáu mươi mâm cỗ, ngồi đóng năm người một mâm vẫn còn thiếu. Con con cháu cháu từ Hải Phòng, Hà Nội, Sơn Tây, Hòa Bình... về hết.
     Cô giáo lè lưỡi kêu:
     - Sao cái nhà cụ Đồng đẻ khỏe thế. Cả làng cứ rộn lên là có một nhóm mà làm những sáu mươi mâm cỗ vẫn chưa đủ.
     Tôi bảo:
     - Cụ đời thứ mười một nhà cụ Đồng sinh ra những bảy cụ ông mà đều nuôi được cả. Cụ Đồng mới là đời thứ mười bốn thôi đấy. Ngừng một lát mời các vị họ Nguyễn uống nước thanh thủy nhà tôi. Một lát sau, tôi nói thêm: - Các vị tìm đến cụ thượng Đồng là đúng chỗ rồi đấy. Cụ thượng đã quyết thì ai dám trái ý cụ.
     - Vâng. Nhưng thưa bác - Vẫn cô hiệu trưởng con dâu họ Nguyễn đỡ lời: - Chúng em ra nhà thì cụ mới chuẩn bị dùng bữa. Cụ bà đang sắp thêm món xách bò để cụ ông nhắm rượu. Chết, chết, cụ thượng Đồng già thế mà răng chưa rụng, vẫn còn nhai được cả xách bò. Cứ bảo người già không rụng răng thì ăn hết lộc của con, của cháu. Sao gia đình nhà cụ vẫn đông đàn dài lũ, ăn nên làm ra, giàu có đến thế. Chứng tỏ kinh nghiệm này chả đúng bác nhỉ?
     Tôi gật đầu xác nhận. Nói đến cụ thượng Đồng làng tôi có lẽ tự cổ chưa ai sánh được. Chuyện cụ nghe cứ như huyền thoại. Thời trẻ cụ buôn bán trâu, bò. Nay chợ Nghệ (tức chợ Sơn Tây) mai chợ Phương Lâm (tức chợ Hòa Bình), ngày kia chợ Đơ (tức chợ Hà Đông). Cụ rong ruổi nay đây, mai đó, ít khi có mặt ở nhà. Thời cụ, giai khôn năm bảy vợ là chuyện bình thường. Cụ khoe cụ chỉ có bốn bà thôi. Bà nào cũng cơ ngơi rộng lớn, làm chủ một phương. Thời tao toàn đi bộ. Đi đường mòn. Chứ làm gì có các loại xe cộ như bây giờ. Đạp xe đi cái đoạn đường cao tốc từ quê mình lên Sơn Tây, qua ngã ba Hòa Lạc, sướng thật. Đường tốt. Xe tốt. Tao đạp đi cả ngày, cả tháng được. Vì cái hoàn cảnh, cái ngày xưa, tao đi bộ vất vả, phải tá túc ở nhiều nơi nên mỗi nơi tao phải đặt một cơ sở.
     Có ai nghĩ, một ông lão ngót cửu thập, hàng ngày vẫn đạp xe đi chục cây số là thường. Cụ có cái xe Mipha từ thời cổ. Cụ giữ gìn lau chùi rất cẩn thận. Cái xe lúc nào cũng sạch bóng. Cái khung đã tróc hết sơn, đen bóng. Đi về, cụ lại treo lên. Con cháu cấm có đứa nào được động đến. Bọn thanh niên làng tôi kháo nhau, thỉnh thoảng gặp cụ ra chợ Cầu mua thức nhắm, cái mông cứ cong tớn, nảy tanh tách. Bọn chúng đồng thanh chào.
     - Chúng con lạy cụ thượng làng ạ.
     Cụ nhả miếng bã trầu. Vì miệng cụ lúc nào cũng nhai trầu bỏm bẻm. Cụ cười, nói:
     - Ừ. Ông chào các con, các cháu.
     Một thanh niên đã có vợ con, táo tợn ra vỗ vào mông cụ thượng Đồng đánh bộp một cái, nói:
     - Mông cụ thượng còn nảy lắm. Cụ phải lấy thêm cô gái mười tám tuổi cho đủ ngũ bà.
     Cụ thượng Đồng quay nhìn cậu thanh niên vừa vỗ vào mông cụ chạy trở lại chỗ đám chúng bạn đang đứng, cười ồ lên. Cụ thượng cũng vui. Cụ nhìn đám con cháu và cười òa với chúng rồi chửi cửa miệng:
     - Cha bố chúng bay.
     Cụ thượng Đồng chúng tôi rất cởi mở, chan hòa với mọi người. Nhưng bàn vào việc làng, việc nhà cụ rất nghiêm khắc. Cụ có hơn hai chục người con cả trai và gái. Cụ phân chia tài sản cho các con giai, con gái bình đẳng, rõ ràng. Cụ bảo tôi đa mang lắm vợ, nhiều con không nghiêm khắc, công bằng là nát nhà. Chả thế ngày hội làng, ngày giỗ tổ, ngày tết, các con cụ đều tranh thủ về lễ. Có anh còn làm đến trưởng công an một quận, làm đến chức đại tá trong quân đội nhưng cụ đã lệnh hôm ấy, hôm ấy, tao nhận với họ, với khu xóm rồi, chúng bay phải về để tế thần, tế tổ. Đứa nào chưa biết tế thì chủ nhật, ngày lễ tranh thủ về quê mà học. Cấm có anh nào dám vắng mặt. Không có lý do lý trấu gì hết. Chỉ trừ có ốm đau đột xuất thôi. Các con cụ đông và khá giả. Do vậy sự đóng góp công sức với họ, với làng, gia đình cụ cũng nhiều và nhiệt tâm. Cho nên trong họp họ, họp làng, tiếng nói của cụ bao giờ cũng là tiếng nói mang đầy tính gia trưởng và quyết định. Cụ bảo, các anh đã dốt, đã chả biết cái gì lại còn phê bình người ta gia trưởng. Gia trưởng chữ Hán là gì có biết không. Gia là nhà. Gia trưởng là trưởng nhà. Rất đơn giản. Trong nhà không có chủ, không có trưởng nhà thì có mà nát bét. Cụ bảo cụ giữ được sức khỏe, được phong độ như người ta vẫn khen là do số trời cho, do cụ chỉ uống rượu nếp cái do cụ bà nấu từ thời trẻ đến giờ. Uống đều đặn. Ngày ba bữa. Mỗi bữa đúng một chén. Người ta trêu cụ, thưa cụ, cụ bà nào nấu rượu cho cụ ạ? Cụ biết họ trêu cụ nên cụ rất vui, vứt cái bã trầu, cười tít cả mắt. Cụ bảo, bà cả nhà tôi nấu. Chứ những bà kia chả biết đường nào. Thế cụ đến ở với bà hai, bà ba... thì phải mang theo rượu của bà cả đi à? Cụ gật đầu, bảo mang theo. Ngày xưa cho vào bong bóng trâu, bò. Bây giờ cho vào can, vào chai dầu Neptuyne, tiện quá. Này, bà cả bằng tuổi lão đấy nhé. Các cụ dạy cùng tuổi ngồi duỗi mà ăn. Có lẽ đúng. Bà lão mười lần sinh, mười lần dưỡng. Thế mà cấm có ốm đau bệnh tật gì chỉ phải cái lưng còng quá. Nhưng đầu óc còn minh mẫn, tỉnh táo lắm. Bà ấy chả lo gì bằng lo hết rượu cho ông uống nhá.
     Đông con nhiều cháu chắt nhưng hai cụ chả ở với con nào. Cứ cụ bà hầu cụ ông. Ông con cả cụ ngót thất thập, ở nhà bên cạnh, thỉnh thoảng hết rượu lại chạy sang, hai cụ cho con xin bữa rượu. Xin một nhưng lấy hẳn cả chai Lavie, lít rưỡi cơ.
     Vừa rồi, ăn tết xong, thấy tiết trời ấm áp khô ráo, cụ quyết định bí mật thử sức mình một chuyến công du bằng xe đạp. Đằng sau chằng chiếc can đầy năm lít rượu. Cụ bà bảo thế. Con cháu nháo nhác cả lên. Người con cả bảo mẹ sao không giữ cụ ông lại. Cụ bà cười trơ hai hàm lợi, các ông biết tính bố các ông rồi. Đã định làm gì là không ai cản nổi. Ông cả gọi điện đi Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông hỏi đã thấy bố đến nơi chưa. Cụ đi từ lúc bảy rưỡi. Theo lịch trình quen thuộc thì cụ đi Sơn Tây chơi với bà tư dăm ngày rồi đạp xe theo đường Việt Nam - Cu Ba đi Hòa Bình rồi từ Hòa Bình về Hà Đông. Nhưng vài ba năm nay, các con cụ không cho cụ đi xe đạp. Họ lo cụ đuối sức, xe cộ đông đúc, dễ bị trắc trở dọc đường. Cụ muốn đi đâu đã có xe Dream chở cụ, xe tắc xi đưa cụ. Con cháu có đến nỗi nào mà để bố già ngót chín chục tuổi đạp xe! Lần này, nghe nói đường cao tốc Láng - Hòa Lạc tốt, rộng và thoáng nên cụ quyết định thay đổi lịch trình cụ đi Hà Đông trước. Anh cháu nội ở Sơn Tây phóng xe máy về tận nhà vẫn không gặp ông nội. Cả nhà sợ quá. Ai cũng lo cụ bị tai nạn ở chỗ nào. Giữa lúc ấy nhận được điện từ Hà Đông gọi về. Cụ ra đến ngoài này rồi. An toàn. Bố rất khỏe. Bố vừa mới tắm xong. Dạ. Bố vẫn tắm nước lạnh. Ai nói cũng chả nghe. Bác nói chuyện với bố nhé. Ông cả nghe có tiếng vọng, nói cái gì. Tao chả có cái gì để nói. Chúng bay chỉ vẽ chuyện. Tao có phải tù nhân nhà chúng bay trốn trại đâu mà chúng bay quản thúc, truy nã tao khắp cả 3 tỉnh. Tao đi đâu, ở đâu là tự do của tao. Ông cả con bà hai ở Hà Đông cố tình nghiêng máy để bác cả con bà cả ở quê nghe rõ. Các ông lắc đầu, cười. Xin chịu bố già. Chỉ có các bà mẹ họ mới quen được tính bố.
     Một ông già, một cụ thượng làng còn khỏe mạnh, cường tráng, quyết đoán, gia trưởng như thế, chỉ cần trái ý cụ một chút là hỏng hết việc. Ở làng quê bây giờ, tiếng nói của già làng có sức mạnh lay núi chuyển sông với nhân dân. Được ý các cụ sẽ được lòng dân và ngược lại. Ông nhà thơ Thanh Tịnh có câu: Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong cơ mà. Tôi hỏi:
     - Các bác nói thế nào mà cụ thượng Đồng gạt phắt đi. Xin các bác nói thực hết để tôi còn biết đường mà thưa lại với cụ.
     Vẫn cô hiệu trưởng cao và gầy nói:
     - Dạ. Chúng em vừa đặt vấn đề xin đem thi hài ông em về đất làng ta an táng thì cụ bảo, tao ở làng này đã ngót ngét chín chục năm, tao không biết nó là ai. Tao cũng không thấy mặt nó, không nghe ai nói đến nó bao giờ. Bây giờ các cháu đem xác nó về. Tức là đem bao thứ tanh hôi cho làng hưởng ư? Tạo thì tao quyết được. Nhưng dân làng chửi tao. Họ tưởng tao già rồi, con cháu, bổng lộc đầy nhà còn tham ăn, tham uống. Tao bảo không là không. Do đó, chúng em phải đến nhờ bác nói hộ. cụ nhà mình ngày xưa có uy tín với làng, các bác lại nối gót cha ông không ngừng dốc sức, dốc tâm vì làng. Xin bác giúp chúng em.
     Tôi gật đầu nhận lời. Nghĩa tử là nghĩa tận. Tôi biết họa sỹ đại tá Nguyễn Quang từ vài chục năm nay, khi tôi ở đơn vị về cơ quan Tổng cục Chính trị. Lúc ấy ông đã là họa sỹ lừng danh với tập ký họa từ miền Nam gửi ra. Tôi không chỉ biết ông chung chung mà qua cha tôi, tôi còn hiểu kỹ gia thế nhà ông. Ông cũng lại ở cùng xóm với tôi. Dẫu rằng đối với tôi, chắc chắn đến lúc ông qua đời, ông cũng không biết tôi là ai. Ông có về thăm quê vài ba lần vào những ngày giỗ tổ họ Nguyễn và ngày tết ta. Nhưng chỉ ở nhà từ đường họ Nguyễn chứ chẳng đi đến đâu. Do đó ở làng chẳng mấy người biết ông. Sống với dân, cái danh là cần lắm, nhưng sự góp công, góp sức với dân, với làng nước mới quan trọng. Cha tôi suốt cuộc đời đã không mệt mỏi giữ gìn nếp sống văn hóa ở làng. Lại có công to trong việc giữ gìn ngôi đình làng trải qua bao biến cố thăng trầm, để đến ngày nay, ngôi đình vẫn uy nghi tọa lạc ở giữa làng và được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Vào những năm cuối đời, cha tôi còn dốc sức viết gia phả cho các dòng họ. Họ nào trước kia viết bằng chữ Hán thì cha tôi dịch sang quốc ngữ và viết bổ sung thêm. Họ nào chưa có thì lập hộ. Cha cũng biên dịch các bài văn tế, văn khấn tổ tiên cho các họ, cho từng nhà. Vì vậy cả làng đều quý cha tôi. Cha tôi chỉ đỗ tú tài Tây nhưng người làng toàn gọi là cụ tú Gồ. Khi cha qua đời, dân làng kiêng không nói cha chết mà tiếc thương bảo: “Làng ta vừa cháy mất một kho báu rồi”. Vài ba năm nay, tôi thôi làm quản lý. Tôi có thời gian rỗi rãi. Chẳng hiểu trời xui đất khiến hay do tổ tiên tôi sai bảo mà việc đầu tiên tôi nghĩ đến là tu bổ ngôi đình cổ làng tôi cùng bốn cỗ kiệu rước chữ rước thần và đồ tế tự. Thế là tôi phóng xe ngược xuôi xin tiền của tỉnh, của Bộ để chữa đình, xin các nhà làm ăn có máu mặt để làm những cỗ kiệu. Tôi đến đâu cũng được mọi người hưởng ứng. Để giữ tiếng, tôi mời được ai giúp làng thì đề nghị họ trực tiếp gặp Ban di tích và làm việc trực tiếp với thợ. Hết bao nhiêu người ta chi, Ban di tích chứng nhận. Bởi thế dân làng thích lắm. Mấy chục năm nay, lòng dân chỉ ao ước làng mở hội, có rước chữ, rước thần. Thì bây giờ đã có kiệu, có đồ tế tự như xà mâu, bát bửu mới được tân trang, quần áo tế, rước, cờ quạt tôi cũng đã vận động mọi người sắm cho làng. Như con rết nhiều chân. Mỗi người đều dốc tâm cung tiến một ít. Thế là lễ hội được tổ chức vui quá. Có người khen gia đình tôi ra mặt. Họ bảo, may quá. Ngày xưa thì ông cụ lo việc làng. Từ ngày ông cụ đi cứ tưởng chả có ai ra làng gánh vác. Hóa ra bây giờ lại đến con ông cụ. Tôi nghĩ, các bác họ Nguyễn tìm đến tôi, nhờ tôi giúp cho một việc quá ư nan giải là đúng. Bởi họ đã bế tắc. Họ mới tìm tôi. Tôi không thể không giúp. Tôi cũng hy vọng tôi sẽ giúp được họ. Tôi bảo:
     - Các bác cứ yên tâm, để tôi lo. Tôi nói với năm ba các cụ, với Đảng ủy, Ủy ban, Mặt trận chắc là êm thôi. Các bác về nói với khu xóm tổ chức cho trọng thể. Nên có cơi trầu lên chùa, nói với sư cụ cho các vãi đi làm phúc. Rồi thợ kèn thợ trống nữa. Các bác nhớ khi đơn vị đọc điếu văn xong thì xin luôn tờ ấy về đưa cho Bí thư hoặc Chủ tịch xã để xã còn căn cứ vào đó, có lời ai điếu ông Đại tá họa sỹ. Còn việc khác tôi lo. - Mải chuyện, đến tận lúc này tôi mới kịp hỏi thăm sức khỏe của ông họa sỹ Nguyễn Quang.
     Cô giáo hiệu trưởng con dâu họ Nguyễn dân dấn nước mắt. Cô gọi ông là chú ruột. Cô nói:
     - Cảm ơn bác có lời hỏi thăm sức khỏe ông em. Ông em hôn mê mấy hôm nay rồi. Chắc chỉ ngày một ngày hai là ông em về thôi.
     Chia tay các bác họ Nguyễn, tôi đến thẳng nhà cụ thượng Đồng. Chỉ còn một đoạn đường nữa là đến nhà cụ, tôi chợt nhìn thấy cụ súng sính trong bộ quần áo đỏ, đầu đội mũ ni đỏ, chân bước son són về phía tôi để về nhà. Tôi chợt nhớ hôm nay giỗ tổ ngành của cụ. Tôi dừng chân, chắp hai tay trước mặt, nói rõ to:
     - Con lạy cụ ạ. Cụ đi lễ tổ ngành về.
     Cụ lên tiếng ngay, giọng cứ sang sảng:
     - Bố cháu. Về lúc nào. Bố cháu nhớ giỏi thật. Đúng. Ta vừa đi uống rượu giỗ tổ ngành. Chắc bố cháu tìm ta có việc gì hẳn?
     Tôi cung kính:
     - Cụ dạy không sai ạ.
     Khi cha tôi còn sống vẫn dặn chúng tôi, ra đường gặp các cụ thượng làng phải chắp tay lạy từ xa. Vào đình, thấy các cụ áo đỏ phải chắp tay mà vái. Các cụ là ông vải sống của làng đấy. Chớ có được thất lễ, các cụ cười tao không biết dạy con.
     Cụ thượng Đồng bảo:
     - Vào nhà ta đã.
     Tôi thu mình ngồi vào chiếc tràng kỷ đối diện với cụ. Cụ nói:
     - Ta có gói chè ngon lắm. Để ta pha ấm nước uống đã. - Cụ quay ra cửa hỏi cụ bà. - Cụ ơi, có nước sôi chưa?
     Tiếng cụ bà nằm trong buồng vọng ra:
     - Nước sôi tôi mới đun ở phích đỏ cụ ạ.
     Tôi vội lên tiếng:
     - Chào cụ bà ạ. Cụ ở trong nhà con không nhìn thấy.
     Tôi đau lưng. Trưa nào cũng phải nằm một tý. Bố cháu thông cảm, nói chuyện với cụ ông vậy nhé.
     Tôi đứng lên tráng ấm pha chè rồi rót nước ra chén mời cụ chứ không dám để cụ pha. Biết tính cụ bà cũng thích uống nước chè đặc, tôi rót chén cuối cùng đem vào tận trong buồng mời cụ. Cụ bảo:
     - Quý hóa quá. Tôi xin bác.
     Ở nông thôn, nhiều người cứ nghĩ, mọi chuyện rất đơn giản, cứ ào ào. Nhưng đâu phải thế. Chỉ cần trái ý các cụ là hỏng hết mọi việc. Nhất là bây giờ, già làng trưởng bản đang được Nhà nước coi trọng và đề cao. Đảng ủy, Ủy ban kính nể. Nhân dân tôn sùng. Những gia đình con cháu hiển đạt thì luật Nhà càng được các cụ coi trọng.
     Tôi trình bày với cụ thượng Đồng về đại tá họa sỹ Nguyễn Quang. Tôi đang nói dở, cụ đã bảo:
     - Ta đuổi nó đi rồi. Cái con Nhân cậy mình làm hiệu trưởng bảo tao, đem linh cữu ông họa sỹ đại tá về là vinh dự cho làng ta lắm. Chứ tiêu chuẩn của ông ấy được nằm ở khu A, khu B gì đấy ở cái nghĩa địa Văn Điển, Thanh Tước kia. Ta giận quá. Ta bảo, này cô giáo, làng ta chỉ xin cái phần hôi tanh, cái xác ông ấy chứ không cần cái vinh dự đâu nhé. Cái vinh dự ấy đem mà gửi vào nơi khác. Đem mà gửi vào khu A, khu B nghĩa địa Văn Điển, Thanh Tước. Bởi vì, cái nghĩa địa ở làng ta chỉ toàn là dân cày chứ không có đại tá, không có danh họa đâu. Này cháu, cái ông đại tá danh họa ấy, cả đời ta chả thấy mặt mà chết lại đòi về quê. Ta nhận cho chôn để làng chửi ta là lão già tham ăn à. Chắc họ lại đút lót cho vài gói bánh quy với chai rượu tây chứ gì.
     Tôi xin đỡ lời cụ. Tôi nói:
     - Cụ không cho ông Quang về thì mang tiếng làng ta lắm. Lá rụng về cội. Cái vinh dự vinh diếc được rước linh cữu ông đại tá về làng, chả cần bàn đến cụ ạ. Có điều ông đại tá Quang cùng xóm với cháu đấy cụ ạ.
     Cụ Đồng bảo:
     - Ta có nghe nói ông ấy cùng xóm nhà cháu bao giờ đâu.
     Tôi thưa:
     - Cụ có nghe nói đến các cụ Nguyễn Thục, Nguyễn Quy, Nguyễn Sâm, Nguyễn Hoài Sơn bao giờ chưa. Tên nhà họ toàn các vị thuốc bắc cả.
     Cụ thượng Đồng bảo:
     - Có. Có. Ông Thục, ông Quy, ông Sâm, ông Hoài Sơn ta đều biết cả.
     Tôi nói tiếp:
     - Thế các ông cụ ấy chả cùng xóm cháu ư? Cụ Hoài Sơn còn là bạn học với bố cháu cơ mà.
     Cụ thượng ngớ người, nói:
     - Phải, phải. Thế nhà ông Nguyễn Quang họa sỹ ấy là con cụ nào?
     Tôi thưa:
     - Con cụ Hoài Sơn ạ. Ông ấy theo cha xuống Hải Phòng từ năm hai tuổi. Lớn lên gia nhập Vệ quốc đoàn ở Hà Nội. Hết chống Pháp lại chống Mỹ, ông ấy làm gì có thời gian về làng. Vài năm gần đây ông ấy có đưa vợ con, cháu nội, cháu ngoại về lễ Đức Thượng đẳng đấy ạ.
     Cụ thượng Đồng gật gật đầu nói:
     - Thôi chết ta rồi. Cũng tại cái con mẹ hiệu trưởng, nó cứ mở mồm là nói vinh dự cho làng, vinh dự cho xã. Nếu nó dẫn giải như bố cháu, ta đã nghe ra. Bây giờ làm thế nào hở bố cháu?
     Tôi thưa:
     - Chỉ cần cụ đồng ý để họ Nguyễn rước linh cữu ông đại tá họa sỹ về đồng làng thôi. Con sẽ ra Hà Nội báo lại với họ.
     Cụ thượng Đồng gật đầu lia lịa. Cụ nói:
     - Đồng ý. Đồng ý. Cứ thế cháu nhá.
     Tôi đứng dậy xin phép cụ ra về. Tôi ra vẻ ngớ ngẩn, hỏi:
     - Thưa cụ, được cụ đồng ý thì con xin phép cụ đi gặp Đảng ủy, chính quyền, mặt trận, Hội Người cao tuổi và các cụ ở năm bàn có được không ạ?
     Cụ thượng Đồng đứng phắt dậy, khoát tay:
     - Khỏi lo. Bố cháu khỏi lo. Để ta đi nói với họ cho.
     - Chết, chết. Con không dám phiền cụ ạ.
     - Có gì mà phiền với muộn. Để ta đi cho dẻo chân, tiêu cơm. Ta còn bảo các cụ ra đồng đón vong linh ông ấy chứ.
     Tôi phấn khởi quá nói:
     - Thưa cụ, được cụ lo giúp con thì còn gì bằng. Con xin cụ nói với chính quyền không nên thu tiền đất của gia đình ông Quang mà mang tiếng ạ.
     - Được, được.
     - Mới lại xã có bài điếu văn nữa cụ ạ.
     - Được, được.
     - Bố cháu cứ yên tâm. Ta lo được hết.

     Ở làng quê tôi là vậy. Được lời như cởi tấm lòng mà. Chớ có dại khoe tài, khoe của, khoe khôn với già làng. Làng chả cần những thứ ấy đâu. Làng chỉ cần duy nhất chữ tình, chữ nghĩa thôi.




VVM.04.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .