* Kính tặng trường cũ và những người thầy khả kính của tôi.
* Kỷ niệm thành lập trường trung học Trần Quý Cáp Hội An.
Đ ã 29 tết mà thời tiết cứ như ngày giáng sinh, mưa lất phất, gió buốt thấu xương. Rời đơn vị, tôi vác ba lô cuốc bộ ra đường lộ chính tìm phương tiện quá giang xuống Nam Phước đón xe về nhà trong tâm trạng háo hức vô hạn. Năm nay không có ba mươi mà , ngày mai đã là mồng 1 tết .
Đơn vị tôi (công trường đường bộ 104) đóng trên một ngọn đồi có tên goi là Chiêm Sơn (dân địa phương gọi là Diêm Sơn), một vùng núi non trung du thuộc địa phận huyện Duy Xuyên . Nghe nói nơi này xưa kia là vùng đất thiêng của người Chăm. Hậu duệ của họ đến nay vẫn còn sống ở đấy, qua nhiều đời sống chung với người Việt rất khó để nhận biết đâu là Việt, đâu là Chăm . Từ mối lương duyên Chế Mân - Huyền Trân, thần dân họ sau này rất nhiều sinh linh ra đời mang hai dòng máu. Những người dân địa phương bảo rằng : hễ nhìn vaò mắt người nào thấy thăm thẳm màu núi rừng thì đó là hậu duệ người Chăm”. Thật vậy, nhất là con gái, có “đôi mắt người Sơn Tây” của Quang Dũng, thâm u và đẹp lạ lùng.
Không
khí đón xuân trong khắp ngõ xóm đã khẩn trương lắm
rồi, nhà nhà rộn ràng gấp gáp, vậy mà công trường tôi
đến hôm nay mới được nghỉ tết vì phải hoàn tất nốt
đoạn lát đá rải nhựa cuối cùng để bàn giao cho địa
phương. Năm nay mưa kéo dài, công tình không hoàn thành kịp
tiến độ.
Liên hoan tổng kết xong ai cũng nóng ruột về nhà. Chiếc ba lô của tôi nặng hơn vì mấy bộ quần áo công nhân và số hàng công nghệ phẩm mua theo tem phiếu. Nào sữa, đường, bột ngọt, một ít bánh ngọt và đồ đạc mua thêm tại các cửa hàng quốc doanh. Thêm mấy gốc cây khô, đá núi có hình thù kỳ dị tôi thu nhặt được trên công trường, đem về làm trang trí cho vui, tất cả tôi cho vào ba lô, còn lại buộc chặt chẽ cho vào một chiếc túi khác mang theo; ước cũng trên ba mươi ki lô. Đường từ Diêm Sơn xuống Nam Phước phải trên chục cây số. Từ doanh trại ra đã quá 2 giờ chiều, tôi lầm lũi đi, mỗi lúc chiếc ba lô như càng nặng thêm. Gió núi thông thốc mang hơi lạnh của nước đá phả vào mặt. Toàn thân tôi tím tái khi trên người chỉ có bộ trang phục công nhân bạc màu và thêm 1 chiếc áo công nhân khác khoác thêm. Thời ấy xe cộ đâu dễ dàng như bây giờ; mà nếu có, honda cũng khó huống là xe hơi. Đường sá rất khó đi, mưa xuống là đất đỏ bầy nhầy, nắng lên là tung bụi. Đó là lý do công trường chúng tôi có mặt ở đây.
Cuối đông, làng xóm quạnh hiu, Thi thoảng mới thấy một chiếc xe đạp chạy qua và lần nào tôi cũng đưa tay vẫy để hi vọng, bất kể có phương tiện gì đi cùng chiều; biết là người ta đi làm đồng về cũng vẫy, một chiếc máy cày cũng vẫy . Kệ, quá giang được đoạn nào hay đoạn ấy. Lầm lũi đi mà đầu óc cứ quay về dĩ vãng, nhớ quay quắt cái thời học sinh.
Ngày ấy niên khóa 1971-1972, tôi –một học sinh nghèo thi đỗ vào đệ thất của một trường công lập danh giá mang tên chí sĩ –nhà giáo Trần Quý Cáp. Vinh dự lắm, thời ấy để vào được cái ngưỡng cửa ngôi nhà tri thức, bước lên cái nấc thang đầu tiên mà sau này sẽ đưa tôi đến cửa ông Tú, ông Cử dễ có mấy ai. Tôi nhớ như in số báo danh của mình, con số “gánh” 646, con số đã và sẽ đi theo đến hết cuộc đời tôi.
Cậu em con bà dì đã là học sinh ban C, lớp đệ nhị của trường ( lớp 11 bây giờ ) đi xem bảng niêm yết trúng tuyển, hộc tốc chạy về báo tin. Tôi chưa tin, chen lấn giữa rừng người vào tận chiếc bảng lưới để dò xem cho kỹ. Tôi chỉ thực sự tin là mình đã đậu khi số báo danh đập vào mắt, khỏi phải nói tôi vui sướng nhường nào. Má tôi rạng rỡ :
- Thấy chưa, trước khi đi thi, tau nấu xôi bắt ăn là đậu liền !
Tính Ba ít nói, ngày vui khóe mắt rưng rưng. Tuy nghèo, ba cũng cố gắng làm một cái tiệc mừng, gọi là để tạ ơn ông bà cô bác bề trên phù hộ cho tôi được đỗ đạt hiển vinh, cả xóm đến chúc mừng.
Thế rồi bao nhiêu kỷ niệm vui buồn dưới mái trường yêu dấu ấy, đã 3 mùa phượng hồng thắp lửa “ve kêu gọi hè sang ”; chiến tranh loạn lạc, bạn bè ly tán , một số chuyển trường đi xa , và chỉ còn hơn 1 tháng nữa là sắp đến mùa hè thứ tư , trong lúc chúng tôi đang chuẩn bị kế hoạch cho một cuộc chia tay đầy lưu luyến của năm cuối cùng trung học đệ nhất cấp để chuyển lên học đệ tam thì quê hương giải phóng .
Ngày tôi ôm vở trở lại trường thì bạn bè xưa chỉ còn dăm ba đứa, lại thêm nhìn đâu cũng thấy thơ cụ Tú Xương mà ai đó đã “chế” lại , viết chằng chịt bằng bất cứ chất liệu gì có thể và “”đăng tải” bất cứ chỗ nào .
“Sự
học ngày nay lỡ vỡ rồi
Mười
thằng đi học, chín thằng thôi…”
Lớp được biên chế lại, tôi lạc vào giữa chốn xa lạ, một thế giới chưa từng đặt chân đến; lạ lẫm bàn bè , lạc lõng thầy cô. Buồn chán và đói. Cái đói mà lớp trẻ sau này nghe thuật lại vẫn không thể tin. Đến bây giờ và còn lâu nữa người ta sẽ còn nhắc đến “cái đói sau bảy lăm”. Quả là kinh hoàng! Và, cũng vì cái đói mà nhà thơ Hoàng Lộc ( cựu học sinh TQC ) đã trút cái bực bội lên cụ Nguyễn Công Trứ trong bài thơ gây tranh cãi “Nói chuyện đói với Nguyễn Công Trứ ” như một lời đối thoại với Tồn Chất tiên sinh và tự thoại với mình . Con đường học vấn của tôi bị rẽ ngoặt từ đó, và để giải quyết gánh nặng kinh tế gia đình, tôi quyết định đi công trường làm công nhân.
Bầu trời như nặng thêm màu chì, tôi cứ cuốc bộ và quá giang như thế, cuối cùng rồi cũng đến được nơi cần đến. Từ Nam Phước tôi đón xe khách tuyến đường Tam Kỳ - Đà Nẵng để xuống ngã ba Vĩnh Điện về Hội An. Chiếc xe hơi chạy than nóng hầm hập với nhiệt lượng than đá và hơi người quá tải không làm vơi bớt cái lạnh. Khi xe dừng , khó khăn lắm tôi mới bám được một tay trên thanh sắt ngang ở mui xe và chen chúc ghé được một chân trên cái bửng sau xe đã han gỉ , chưa biết nó sẽ bung ra lúc nào ! Chiếc xe như ông lão chống gậy, chậm chạp lê từng bước mệt nhọc, đến được thị trấn Vĩnh Điện đã hơn 6 giờ tối.
Xe
dừng, chỉ duy nhất một hành khách xuống xe, đó là
tôi. Đa số họ điểm đến là bến đỗ cuối cùng. Chiếc
xe lại hối hả chuyển bánh thẳng hướng Đà Nẵng.
Đường Vĩnh Điện – Hội An giờ này không có xe khách, chỉ toàn xe ôm. Thời đó không dễ để tậu một chiếc xe máy, đa phần là xe mua hồi năm sáu tám, bảy mươi, lúc còn làm ăn thư thả. Ngoài những người hành nghề xe ôm chuyên nghiệp, dân thành phố khá giả lúc ấy mua xe chỉ là phương tiện đi lại thuần túy và là tài sản giá trị. Bây giờ chính nó lại là “lao động chính” nuôi sống gia đình.
Lúc bấy giờ, dân vùng nông thôn thì còn nhờ củ khoai trái bí, dân thành phố đói đến vàng mắt ra.
Quái lạ, mọi khi xe khách đến, chưa kịp dừng đã thấy lũ lượt các “bác tài xe ôm” đổ xô đến vây lấy, chào mời, lôi kéo. Vậy mà hôm nay im ắng lạ thường. Trời lại lất phất rắc hạt, tôi mở ba lô lấy áo mưa, nghĩ bụng:
- Thôi, cứ đi được chừng nào thì đi, thể nào cũng gặp một xe, lo gì !
Không thể chờ, tôi khoác ba lô vội vã rảo bước.
Trời đã nhá nhem, các nhà bên đường lác đác đã lên đèn. Những bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét đỏ rực ở góc sân , đây đó thậm thịch tiếng chày giã bánh nếp, bánh nổ…Tại các ngõ xóm, các cổng chào với những băng rôn, cờ xí được dựng lên. Tuyệt không có bóng dáng một chiếc xe ôm. Có lẽ họ đã về nhà còn lo sửa sang, chùi rửa , cúng xe, lo dọn dẹp nhà cửa đón ông bà ! đường Vĩnh Điện – Hội An hơn chục cây số . Tôi thầm nhủ :
- Kiểu này chắc lại phải lội bộ nữa đây !
Nghĩ đến đoạn đường phải đi mà thêm ngao ngán .
Đi được khoảng hơn cây số thì từ phía Hội An một chiếc xe hối hả phóng lên, nhìn qua “kiểu dáng” từ xa ai cũng nhận ra ngay đó là xe ôm bởi những “thiết kế đặc biệt” để có thể chở hàng cho những chị con buôn. Còn tôi, thoáng qua thôi, một đứa trẻ con cũng biết là khách đường xa đang nôn nóng về nhà ăn tết.
- Có thế chứ , đang muốn rã cặp giò ra đây này- Mắt tôi sáng lên.
Không đợi tôi vẫy gọi. Thấy tôi, chiếc xe trờ tới, dừng ngay trước mặt. Bác tài, độ ngoài bốn mươi, áo mưa trùm kín đầu nhẹ nhàng hỏi :
- Anh về Hội An hay Lai Nghi . ? Công nhân về tết à ?
- Dạ , cháu về Hội An ạ.- Tôi nhanh nhảu đáp.
- Đoạn nào ?
- Dạ, Miếu Ông Cọp !
- Miếu trên hay dưới ?
- Dạ Miếu Ông Cọp xóm mới, khu Xuân mỹ , đường ra chùa Chúc Thánh .
- Chà, đất cát hơi khó đi đó nghe.- Bác tài phân trần .
Hội An hồi đó có nhiều Miếu Ông Cọp, nhưng “miếu trên” mà mọi người thường hay nhắc đến là miếu Xóm Mới – xóm tôi ở. Miếu “xóm dưới” thuộc phường Sơn Phong, cách chỗ tôi khoảng 1 cây số, đường về chỗ tôi xa hơn, hẹp, lại khó đi.
Thấy tôi lưỡng lự, bác tài xuống xe, bỏ mũ áo mưa ra khỏi đầu, tiến lại. Lúc này mưa đã dứt hạt. Tôi bàng hoàng như không tin ở mắt mình khi nhận ra đó là thầy R…một giáo sư dạy ở trường; có lẽ thầy không nhận ra tôi. Cũng phải thôi, mỗi năm có đến gần ngàn học sinh mới vào trường, làm sao thầy biết mặt biết tên tất cả. Thường thì những học sinh nổi bật nhất hoặc là thật giỏi, hoặc là quá cá biệt mới tạo được sự chú ý với các thầy cô, đằng này tôi còn là một học sinh chưa được thầy dạy qua dù là một tiết. Tôi đâm ra bối rối chưa biết phải xử sự làm sao thì thầy vồn vã:
- Sao về trễ vậy ? chắc đơn vị ở xa à ? trễ quá xe đâu mà đi , mấy ông kia về cả rồi, may mà còn tôi lảng vảng… Thôi lên xe đi –vừa nói Thầy vừa xốc cái ba lô gần bốn chục ký của tôi đặt phía trước.
- Dạ, chú ơi…cháu…- Tôi lúng túng giữ tay thầy lại.
- Sao vậy ? có cái gì dễ vỡ trong này sao?
- Dạ, không phải. Cháu …cháu gần tới nhà rồi.
- Ủa, sao lúc nãy anh nói về xóm mới –Miếu Ông Cọp ?
- Dạ đúng. Nhưng đó là lát nữa kia, còn bây giờ cháu phải ghé nhà người bà con để gửi quà tết. Gần đây, cách mấy cái nhà nữa thôi chú ạ - Tự nhiên tôi bỗng nảy ra sáng kiến, đưa tay chỉ hú họa một ngôi nhà phía trước.
Thầy vẫn chưa rời tay khỏi ba lô:
- Thôi mà, tôi không có lấy đắt đâu. Cuốc cuối cùng rồi về lo việc. Anh cũng phải về cho kịp, trời tối rồi đó.
Tôi cố gắng khẳng định :
- Thật mà , cháu phải về nhà bà con. Lát nữa thằng em con bà dì chở cháu về. Nhà có xe chú ạ. Cháu cảm ơn chú, phiền chú quá.
Nghe đến đây, thầy buông tay khỏi chiếc ba lô, vẻ mặt buồn rười rượi nhưng cũng cố vớt vát:
- Thì …tôi chờ, có sao đâu. Tôi chỉ lấy đủ tiền xăng thôi cũng được, ở dưới đó chạy xe không lên đây rồi…Thôi, về với tôi đi, để em nó chở về rồi lại chạy lên tội nghiệp nó. Trời tối rồi, mưa gió mà đoạn dưới kia đường vắng, không có nhà, nguy hiểm lắm.
- Cháu nói thật mà, chú không tin sao ?
Tôi khoác ba lô lên vai, tiếp tục rảo bước, thầy nổ máy chầm chậm đi theo.
- Dạ, thằng em cháu lì lắm, nó đi quen rồi, nhà nó ở đây , ai mà dám làm gì hả chú ? vả lại nhà cháu cũng gởi đồ lên nữa. Đằng nào nó cũng phải xuống mà. Đây, tới nhà rồi, thôi, chào chú, chúc chú và gia đình một mùa xuân vui vẻ đầm ấm ạ.
Để thầy tin, đành phải liều với giải pháp tình thế. Làm ra vẻ người thân, tôi mạnh dạn bước vào cổng một ngôi nhà bên đường và gọi lớn.
- Dì ơi, dì có ở nhà đó không ?
Trong nhà không có ai, hình như tất cả đang ở nhà dưới. Tôi tự nhiên đi thẳng vào nhà. Định bụng nếu có ai ra hỏi thì bảo ghé xin nước uống, đi đường xa mà. Vẫn không thấy ai lên tiếng, phía vườn sau vang lên rộn rã tiếng nói cười. Ngoài kia, tiếng máy xe rồ ga , xa dần, xa dần…
Ước lượng chiếc xe đã khuất hẳn sau đoạn cua , tôi tiếp tục hành trình. Lòng lại thầm cầu mong một chiếc xe ôm khác xuất hiện với tôi, tôi không biết mình có thể đi bộ thêm được bao lâu khi đôi chân cũng đã phồng rộp lên vì đôi giày vải. Tôi mong sẽ có ai đó, không phải một mà là hai người làm hành khách của thầy để thầy vui với chuyến xe cuối cùng trong đêm ba mươi, và khi đã đón được khách thì thầy sẽ không quay trở lại nữa, tôi sợ phải gặp lại thầy .
Chiếc ba lô càng lúc càng nặng hơn, hai vai đau nhừ phải trở bên liên tục . Bây giờ nó lại được cộng thêm sức nặng của tâm tư. Lòng tôi chùng xuống với bao ý nghĩ ám ảnh không rời. Trước mắt tôi hiện lên hình ảnh thầy với khuôn mặt sạm đen gầy gò, co ro trong chiếc áo mưa cũ dưới cái mưa lạnh buổi tàn đông mà lòng nghe quặn thắt. Tôi tự trách mình đã không là người khách cuối cùng mang niềm vui nhỏ đến với thầy . Tôi cứ ray rứt hình dung hình ảnh thầy trở về nhà với chiếc xe không và với bình xăng đã cạn cùng chiếc túi kẹp lép. Tôi muốn gào to lên hai tiếng “Thầy ơi !” mà sao chẳng thành lời. Tôi lại tự trách sao không gởi biếu thầy một món quà nho nhỏ trong số hàng tết mà tôi đã cho tất cả vào chiếc ba lô kia ! nhưng như thế là tôi phải gọi người xe ôm ấy bằng thầy, nghĩa là phải để cho thầy biết về tôi, mà điều này tôi không bao giờ muốn. Thầy sẽ xử xự ra sao nếu biết rằng tôi đã nhận ra thầy ? tôi lo lắng cái tư thế của một người thầy chạy xe ôm trước một học sinh cũ của mình ! Thôi, thà rằng cứ như vậy còn hơn. Nỗi buồn và sự trống vắng của thầy cùng với chuyến xe cuối đêm ba mươi rồi cũng sẽ vơi đi khi giao thừa đến, nhưng với tôi, nó đã đeo đẳng suốt mấy chục năm ròng !
Cho đến tận bây giờ, trong tôi vẫn cứ hiện hữu hai luồng tư tưởng đối nghịch. Một tự trách, tự giày vò; một hài lòng với cách hành xử đó. Hài lòng vì một lẽ tôi không thể tự cho phép mình ngồi trên chuyến xe ấy cho thầy chở, tôi không thể thuê và tự tay trả công thầy bằng giá trị đồng tiền, cho dù đó là đồng tiền chính đáng của cả hai. Đời thầy đã làm người lái đò cần mẫn chuyên chở bao nhiêu học sinh qua sông, nhưng tuyệt đối tôi không thể làm người khách qua đường của thầy trong trường hợp đó.
Về
sau, mỗi chuyến về phép hoặc nghỉ cuối tuần,
trên đường Vĩnh Điện- Hội An tôi cũng thường bắt
gặp thêm nhiều người thầy cũ của trường vì hoàn cảnh
phải tự nguyện gia nhập đội quân xe ôm như thầy Tr…,
thầy M…,v.v…nhưng tuyệt nhiên tôi vẫn giữ nguyên lập
trường tôi đã chọn.
Cuối năm, phố nhỏ Hội An như cô gái xuân thì trước tấm kính điểm trang để chuẩn bị hòa mình vào đêm dạ hội, khi cái rét tháng chạp mang hơi tết đến với mọi nhà, cũng lại dịp tập thể lãnh đạo thành phố, trường trung học Trần Quý Cáp, giáo viên cùng cựu học sinh mọi nơi đang náo nức chuẩn bị kỷ niệm 60 năm ngày thành lập trường, mái trường đã góp phần sản sinh ra biết bao nhân tài cho đất nước, làm rạng danh thành phố, tiếp nối truyền thống hiếu học của đất Ngũ Phụng Tề Phi. Nhìn quê hương đâng khởi sắc từng ngày, những chủ nhân sở hữu xe hơi , xé máy hạng sang đang dần xếp vào hàng top ten của cả nước, không còn cảnh sắn khoai chạy bữa. Nhìn đàn bướm tung tăng cánh trắng lũ lượt đến trường, tôi chạnh nghĩ về kỷ niệm một thời dưới mái trường yêu dấu, trước mắt tôi cuộn phim dĩ vãng lần lượt hiện về. Cũng một ngày cuối năm. Ngày ấy, một người thầy cũ với một học trò và một chuyến xe…
Thầy ơi, khi đọc những dòng này thầy sẽ hiểu. Nỗi day dứt em cất giữ hơn ba chục nay nay mới được dịp giãi bày. Dù cho lúc ấy em không cho phép mình gọi thầy nhưng tự đáy lòng bao giờ em vẫn là một học trò dưới mái trường yêu thương ấy và bao giờ trong cõi tâm tư sâu thẳm cũng vọng vang thiêng liêng tiếng gọi : “Thầy ơi !”. Và sau hơn ba mươi năm, xin hãy nhận nơi em một lời xin lỗi muộn vì đã có một lúc, trong một hoàn cảnh cụ thể, đối diện với người thầy kính yêu mà em không thể gọi Thầy !.