Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


TRĂNG MƯỜI SÁU




S au hành động bất cẩn ấy chàng bần thần không yên. Có nhiều lý do để chàng, tự thâm tâm, không hề muốn một sự việc như vậy xảy ra trong khi chàng chưa chinh phục được sự kính trọng của mọi người chung quanh, cấp trên cũng như cấp dưới. Nói như vậy không có nghĩa là khi đã có được sự tin tưởng của mọi người thì chàng muốn làm gì cũng được; trái lại khi chưa gây được một ấn tượng tốt đẹp, sự việc lại càng bội phần xấu xí. Trong khi chàng phân tích mọi sự việc để thấy rõ tại sao chàng có thể rơi vào một hoàn cảnh trớ trêu như vậy, Đạo phát giác ra một chi tiết kỳ quặc nơi chính mình. Con người có năm giác quan nhưng không hẳn là cả năm đều hoạt động đồng đều, trong mỗi cá nhân sẽ có một giác quan nào đó bén nhậy hơn các giác quan khác; sự bén nhậy có thể do chỗ ta sử dụng tương đối nhiều và vì vậy, giác quan đó phát triển mạnh hơn, hoặc cũng có thể là một cần thiết có tính cách thầm kín của bản năng thúc đẩy ta đến chỗ phải sử dụng. Đọc "Of mice and men" của Steinbeck chàng đặc biệt chú ý đến cách diễn tả của tác giả về những cử chỉ khác thường của anh chàng dở người Lenny thích vuốt ve những vật mềm mại và nhớ đến kỷ niệm của chính chàng trên một chuyến tàu đêm Nha trang-Sài gòn hồi xưa. Thuở ấy chàng không còn là một cậu bé mà cũng chưa hẳn là một kẻ trưởng thành. Chuyến tầu khá đông khách, Đạo chuyền từ toa này sang toa khác mà không tìm được chỗ đứng; cuối cùng nó đành vào một toa chở hàng hóa, không đèn, chỉ toàn thúng mủng cồng kềnh của các người buôn gánh bán bưng. Len được đến bên cửa sổ, nó bằng lòng ngả một nửa thân ra ngoài để đỡ ngợp và thấy chút ánh sáng. Nó ngủ gà ngủ gật và trong một lần chợt tỉnh nó nhận ra ngang tầm bụng nó một cánh tay đàn bà vắt lên cửa sổ, cánh tay thuôn và trắng trần lên đến tận vai vì người con gái ăn mặc theo kiểu áo cánh của người Trung Hoa: chiếc áo hàng sa-tanh đen óng càng làm nổi bật làn da ngà. Như kẻ trong mộng, Đạo vuốt cánh tay. Chỉ khi nó ý thức được hành động đang làm, Đạo mới kinh hoàng run sợ nhưng chẳng biết xoay trở ra sao, đành đực người ra chịu trận. Lời sỉ nhục hay cái tát tai đây, Đạo tự hỏi và chờ đợi, lâu, khá lâu: đôi mắt đen lay láy chớp nhẹ, người con gái ngước lên nhìn nó và nhoẻn miệng cười. Ơ hơ trong trường hợp này thì phải làm sao? Nó có cảm tưởng như xem xong một vở kịch mà tấm màn không chịu khép; có lẽ nhận một cái tát tai còn dễ chịu hơn...

Vậy mà Đạo tái phạm. Và lần này cánh màn còn dùng dằng lâu hơn nữa.

Buổi tối, mọi người được mời sang câu lạc bộ của người nước bạn xem xi-nê. Trung sĩ Huyền Trang thay bộ quân phục, nhưng nàng ăn mặc ra sao Đạo không rõ lắm. Điều chắc chắn là tấm áo của nàng cũng có chỗ tương tự với tấm áo của người thiếu nữ Trung Hoa nhiều năm trước. Những tên tội phạm thường bị phát giác vì không từ bỏ được thói quen nên đã vô tình để lại chốn phạm trường những dấu vết tự tố cáo mình; Đạo lập lại cái thói quen vô ý thức của chàng. Huyền Trang ngồi đúng vào hàng ghế trước mặt, cánh tay trần gác lên thành ghế, chàng đàng sau, giữa hai người lính Mỹ. Chàng đặt bàn tay lên vai nàng vuốt dần xuống đến tận khuỷu và sực tỉnh, hoảng hốt rụt tay về. Hai anh chàng ngoại quốc ngồi hai bên chẳng để ý gì vì bận theo dõi chuyện phim. Ngay cả Huyền Trang cũng có vẻ không quan tâm; đúng ra quan tâm hay không khó mà biết được; nàng không nhìn lên màn ảnh, đầu hơi cúi xuống. Vừa lúc ấy đoạn phim chấm dứt. Một cuốn phim dài gồm ba hay bốn băng; lúc hết cuốn băng, người ta thay cuốn khác. Trong rạp xi-nê, kẻ chiếu phim nối hai đoạn phim thành thử bạn không bị phút entracte như vậy; ở đây trái lại tên phụ trách chiếu phim cứ thả cho quay trọn vòng nên bạn, trước khi lóa mắt vì ánh đèn còn nhìn thấy trên khung vải những chữ X và những con số. Phút nghỉ này có lợi cho mọi người vì hầu hết đều sà vào quầy mua thêm nước giải khát hoặc thuốc lá. Đèn bật sáng, Đạo luống cuống toan đứng lên tránh Huyền Trang thì đã bắt gặp nàng quay xuống mỉm miệng cười. Cái cười không có vẻ lẳng lơ mời mọc, cũng chẳng là cười khinh bỉ hoặc gây gổ; đó là một nụ cười, lạ thay, buồn buồn mệt mệt, chỉ khiến chàng bối rối khó hiểu hơn. Dù sao cũng mất can đảm ngồi cho đến cuối phim, Đạo đến mua vài lon bia rồi chuồn ra ngoài ngả dài trên thảm cỏ trước sân cờ, tâm trạng không yên. Khuya lắm chàng mới về phòng, mò mẫm bật công tắc đèn. Giường lính là loại giường sắt không rộng quá tám tấc, chỉ vừa cho một người nằm. Cấp sĩ quan được biệt đãi ở chỗ mỗi người có phòng riêng giường riêng, không chồng lên nhau; tuy diện tích nhỏ nhưng đảm bảo được không khí riêng tư. Trên chiếc giường mà chúng tôi vừa mô tả, Huyền Trang nằm sóng soải, mặt quay vào vách. Tôi nói sai rồi: trạng từ sóng soải hàm nghĩa buông thả khêu gợi, đàng này thế nằm của Trang hiền lành tự nhiên kiểu người vợ nằm chờ chồng về; chỉ có việc quay mặt vào vách là nói lên một điều gì không ổn lắm. Nàng trốn chính nàng. Thể xác và tinh thần chúng ta nhiều khi không chịu thỏa hiệp, chúng kỳ kèo phản đối chống trả nhau. Cái đầu phía trên tuy đóng vai xếp lớn, nhưng cảm thấy bất lực trong việc phân phải trái, đành quay đi làm ngơ giả điếc. Cái đầu quay vào vách có thể là cái đầu ở trạng thái đó. Vì là kẻ quan sát nên người viết nói một cách tỉnh bơ như vậy chứ ông Đạo thì bấn loạn dữ lắm. Mà lỗi của ông ta chứ lỗi ai! Đạo biết vậy nên chàng bổ đầu nặn óc thuyết phục Huyền Trang. Thấy nàng hiền lành quá, chàng ngồi ghé bên giường tìm cách giải thích thái độ mình. Chàng không tìm được cách ngụy biện đành phải nói ra sự thật, nhưng sự thật của chàng khó ai tin nổi, đã vậy phải tìm cách thối thác cho khéo, nếu không sẽ khiến nàng nổi khùng vì tự ái. Bạn đâu có thể bảo với cô gái rằng bạn sờ cô ta thử chơi vậy thôi chứ không hề thèm muốn! Thú thật rằng bạn thèm muốn đã là điều quấy mà thú thật rằng bạn không thèm muốn thì càng nặng tội hơn! May là Huyền Trang từ đầu đến cuối không hề nói một lời; nàng tiếp tục quay mặt vào vách và tiếp tục lắng nghe chàng huyên thiên. Càng nói chàng càng nhận ra là những điều mình nói không thuyết phục nổi ai và lời mình càng lúc càng nhạt nhẽo vô duyên. Và đến một lúc, Đạo không biết gì để nói nữa. Cô gái trở mình và tỏ cho chàng hay là nàng muốn về. Nghe nàng tỏ ý, chàng sực nhớ hỏi xem nàng vào phòng chàng vào lúc nào. Dãy phòng ngủ sĩ quan cất theo hình chữ L hoa; mặt cửa chính là phòng khách vừa là câu lạc bộ, tiếp đến là hành lang dài một bên, đối diện là phòng ngủ của mọi người, phòng cuối ngó ra vườn hoa là phòng dành cho chỉ huy trưởng. Ban nãy, khi trở về, Đạo theo lối ấy, thấy ông thiếu tá kéo ghế xích đu ra ngoài ngồi đàm đạo với hai ba người khách; đầu bên này câu lạc bộ cũng đầy người ồn ào, vậy Huyền Trang làm thế nào vào phòng chàng mà không ai trông thấy? Nàng không thể ra về vào lúc này được; lại phải thuyết phục để nàng ở lại thêm một lúc nữa. Chàng đành trải tấm poncho nằm xuống sàn và dành cho Trang chiếc giường. Cả hai tuy mệt mỏi nhưng không ai nhắm mắt được. Trong thời gian ấy Trang trở mình mãi và nhỏm dậy nhiều lần tuồng như sốt ruột, thấy thế Đạo đành đóng vai trinh sát rón rén nhìn đầu trước đầu sau rồi ra dấu cho nàng chuồn ra. Nhìn nàng cắm cúi rẻ con đường nhỏ về trại, chàng hết sức ái ngại. Sự việc này nếu xảy ra trong một giai đoạn khác của đời chàng, có lẽ chàng sẽ chẳng để cho người con gái chịu bẽ bàng như vậy. Nhưng Đạo đang yêu; vì tình yêu đích thực chàng có lý do để trở nên ...đoan chính.

Điểm tương đồng duy nhất giữa bé Cẩm Đoài và Dolorès của Nabokov là nàng trẻ, trẻ người và trẻ nết. Chàng cho rằng mình may mắn khi biết nàng muộn (thật ra thì chưa đủ muộn); vì nếu biết nàng sớm hơn có lẽ chàng không tưởng tượng được là chàng có thể yêu nàng. Đạo hơn nàng mười bốn tuổi, có nghĩa là khi chàng mười bốn tuổi nàng mới vừa được sinh ra. Nếu họ biết nhau lúc đó, chắc chàng đã bế Đoài trên tay, tắm, thay tả, và đút cho Đoài ăn. Người ta có thể yêu một đứa bé như vậy không? Mười sáu năm sau, sự việc có khác đi dù kể ra vẫn hãy còn sớm. Cô gái mười sáu có thể yêu cậu trai cỡ tuổi cô hay lớn hơn cô vài tuổi; họ có thể đưa nhau đi xi-nê, đưa nhau đi nghe nhạc, dắt nhau xuống bể tắm, và sau nhiều bận gần gũi, có thể cậu sẽ đặt môi lên môi nàng hít một cái, nhanh và liều, vì đàng sau cậu giàng thành hàng ngang, những đôi mắt trông chừng của bố mẹ của thầy giáo của xã hội... Đàng sau Đạo không có đôi mắt nào canh chừng cả ngoại trừ thành kiến. Giả thiết là khi chàng bốn mươi mới gặp nàng, nàng hai mươi sáu: được lắm. Lúc đó người ta nói chuyện yêu đương không ngại miệng. Chàng có cảm giác của kẻ đến cuộc hẹn quá sớm. Trong trường hợp như vậy bạn làm gì? Bạn cố ý nhẩn nha nhẩn nhơ. Bạn đi tới đi lui. Bất cứ hành động nào bạn cũng làm thật chậm thật thong thả, nhưng bỏ đi thì là một việc làm hoàn toàn sai lầm: bạn sợ lỡ hẹn. Thà bạn trùm chiếu nằm đấy chờ chứ quay về để đến khi đúng giờ mới trở lại thì không.

Chàng thấy cô bé ấy lần đầu trong thế nằm. Nó nằm bệt xuống sàn, nghiêng về một bên, hai chân co lại, chơi đùa với con búp-bế. Những lần khác, Đạo nhìn nó trên bãi cát bờ biển. Cũng trong thế nằm. Có thể là chàng cũng nhìn thấy nó trong những vị thế khác, nhưng mỗi lần gợi nhớ về nó, Đạo chỉ thấy nó trong thế nằm. Không phải trong một thế nằm khêu gợi nhưng là một thế nằm ngây thơ không được đạo diễn sắp xếp. Dù vậy, chàng vẫn nhận ra rằng đôi mông nó đã tròn.

Cái khác nhau giữa một cô gái đã trưởng thành và một đứa bé là mọi cử chỉ của cô gái đều có tính toán hay nói khác đi, là những phản ứng có điều kiện trong khi cử chỉ của đứa bé rất hớ hênh; tôi muốn nói rằng cử chỉ của đứa bé không bị che dấu, nó nghĩ gì muốn gì đều để lộ cả ra ngoài. Hãy lấy một thí dụ: cô gái khi bắt gặp cái nhìn của người khác phái, cô ta sẽ làm gì? Cô tay sẽ đưa tay vuốt tóc; cái vuốt tóc của cô có nhiều ý nghĩa: thứ nhất cô nghĩ rằng cô đẹp nhưng cùng một lúc cô nghi ngờ (khi nãy ra khỏi nhà mình quên soi gương xem phấn đánh có đều không, hồi đi qua ngã tư gió quá chắc tóc rối hết rồi, giá mình mặc chiếc áo bọoc-đô thì hợp hơn..); thứ hai cô băn khoăn muốn nhìn lại khuôn mặt chủ nhân cái nhìn trộm nọ xem có xứng đáng cho cô bối rối không. Cẩm Đoài bắt gặp cái nhìn Đạo qua khe cát, nó vội vàng nhỏm dậy nhìn chăm chăm vào Đạo rồi dường như không tin rằng chàng nhìn nó, nó quay nhìn sau lưng xem có ai không. Bãi biển vắng, cát vàng, mấy con sóng xô đẩy, có ai đâu. Nó quay lại lần nữa, tất nhiên Đạo đã lãng đi. Nó cũng lãng đi nhưng nằm xuống với tất cả yên lòng và tiếp tục những ý nghĩ ngây thơ của nó trong khi chàng rình rập quan sát nghe ngóng sự chuyển mình của con cái chưa thức giấc trong nó. Điều khó hiểu là tại sao chàng đã để trôi qua không biết bao nhiêu ngày chủ nhật của đời lính và của tuổi thanh xuân sắp cạn để tháp tùng nó xuống bờ biển và giúp nó làm bài tập nhà trường cuối tuần. Hơn nữa, nhìn lại bản "thành tích cá nhân" Đạo chưa bao giờ có một người bạn gái trẻ tuổi; chàng chỉ tìm thấy nét quyến rũ nơi những kẻ đã chín, một chút mệt mỏi, một chút buông thả, có lẽ vì chàng không đủ sức để chinh phục những kẻ quá thủ thế; đàng khác, lúc nhỏ, bao quanh bởi mẹ và các bà chị, Đạo quen được chiều chuộng và thích được chiều chuộng; với cô gái bé bỏng non dại chàng sẽ không chờ đợi được điều đó. Cứ cho là chàng thấy và hiểu hoàn cảnh không chút thuận lợi nào của mình nhưng chàng vẫn không tự chủ được. Mỗi chiều thứ bảy, dù sớm dù muộn, chàng đều tìm cách ra Nha trang. Gặp khi nhằm phiên trực hoặc phải tham dự một buổi huấn luyện đặc biệt, một cuộc hành quân, tâm trí chàng luôn hướng về hình ảnh cô bé. Mặt khác, chàng chẳng chờ đợi gì về phía nó: thấy nó ngây thơ hồn nhiên như vậy chàng cho rằng việc thúc đẩy nó cắn vào trái cấm là một sai lầm và tội lỗi. Biết sao? Chàng đành xuôi theo bản chất mơ mộng hảo huyền của mình như một cách tìm quân bình giữa thực tế khe khắt. Tiếng nổ của bom đạn đã từng bước chuyển đến gần...

Những giòng ghi chép của Đạo về Cẩm Đoài:

Mười sáu. Tôi gọi cô bé là Mười sáu: "Em mười sáu tuổi tôi mười sáu/Áo lụa phơi đầy sân gió xưa"... Thơ của ai? Hình như của Trần Dạ Từ. Đã lâu lắm tôi không còn hay biết gì về sinh hoạt văn học nghệ thuật nữa. Chúng tôi chỉ còn đọc nhật báo Tiền Tuyến và tiểu thuyết kiếm hiệp Kim-Dung. Vào lính là từ bỏ xa hoa, không phải xa hoa vật chất mà xa hoa tinh thần. Hết thừ người mơ mộng. Hết thơ thẩn ngoài phố mỗi ngày. Hết ngồi thư viện. Hết viết thư tình. Hết đọc triết. Hết làm thơ. Hết hát. Hết đàn. Nhưng còn Mười sáu. Mười sáu là cái xa hoa cuối cùng nên tôi sẽ cố duy trì. Mười sáu đại diện cho phía bên kia đời sống, còn tôi bên này; dù bằng lòng ở bên này cuộc sống nhưng tôi vẫn muốn bấu víu một chút gì của bên kia. Bên kia là những chiều thứ bảy là đường phố đông vui là trai thanh gái lịch; bên kia không có thuốc súng không có thép gai, chỉ có nhạc và thơ.

Bây giờ tôi hiểu tại sao mỗi lần gợi nhớ đến Mười sáu tôi chỉ nhìn thấy hình ảnh Mười sáu nằm, bởi lẽ chỉ khi Mười sáu nằm tôi mới nhìn thấy mắt, còn khi đứng khi đi khi học bài khi làm bài mắt Mười sáu bao giờ cũng nấp dưới vầng trán, dưới làn tóc xỏa. Đầu Mười sáu bao giờ cũng cúi, tia nhìn chờn vờn sợ hãi. Chú nai con chỉ mở tròn đôi mắt sau bụi rậm khi chú tin là chú đã xa lánh mọi đe dọa: tôi nhìn thấy mắt Mười sáu một lần hôm ấy trên chuyến xe vừa rời khỏi thành phố; chiếc xe càng chạy xa tôi càng nhận rõ tia nhìn Mười sáu ngoái lại, xuyên qua bề dày của đám đông, của xe cộ, của bụi bặm...tất cả những thứ ấy đều mờ nhòe chỉ riêng đôi mắt Mười sáu là rõ nét. Đưa Mười sáu đi xong, tôi quay về "nhà" thơ thẩn vài phút trước khi thay quân phục về trại. Tôi nhìn bàn học của Mười sáu, tôi xếp lại cho ngay ngắn những cuốn sách giáo khoa, những bài làm chưa xong, những trang nháp. Tôi nhặt chiếc lược mà Mười sáu đã bỏ quên bởi vội vàng gở lại tóc trước lúc lên xe. Bên cạnh chiếc lược là hai con tem chết bóc từ một bao thư nước ngoài: Mười sáu sưu tầm tem thư ư? Từ đây tôi sẽ để ý lượm lặt tem cho Mười sáu; cũng như tôi từng ra hiệu sách chọn mua những bản nhạc mà tôi nghe Mười sáu thì thầm; cũng như tôi để ý, mỗi lần đi biển, nhặt những vỏ ốc xà cừ mà Mười sáu yêu thích. Tôi chi li, tôi nhỏ bé, tôi âm thầm, tôi kiên nhẫn. Tình yêu tôi như vậy đó. (Một lần nghe Mười sáu nghêu ngao vài câu trong bản nhạc vừa được tung ra, ý chừng Mười sáu yêu thích. Tôi tìm mua, mang về đàn hát một mình nhưng biết rằng từ bàn học Mười sáu để ý theo dõi. Rồi tôi ra đi, tuần sau, khi trở về, giọng Mười sáu đã ngọt ngào thành thạo...) Giữa tôi và Mười sáu có một khoảng trống, có hai dấu ngoặc đơn, có một giòng nước không cầu bắc ngang, có bức tường ngăn cách; nhưng lạ thay tất cả những điều đó không hề là chướng ngại, vì qua khoảng trống, trước dấu ngoặc đơn, bên kia bờ nước, sau bờ tường che tôi vẫn cảm nhận nguyên vẹn sự có mặt của Mười sáu.

Dù vậy, Mười sáu đối với tôi, như chiếc bóng. Khi tôi về, Mười sáu chào bằng nụ cười chiêm bao; khi tôi đi Mười sáu tiễn bằng cái nhìn với. Mười sáu không còn trong tuổi nghe truyện bà tiên truyện ông chằng, tôi thay thế bằng những điển cố văn học đông tây, những Thésée và Ariane những Tristan và Iseut những Mỵ nương và Trương Chi những Quỳnh Như và Phạm Thái. Tôi kể và Mười sáu "nghe" bằng cây bút chì vẽ ngang vẽ dọc bôi trắng bôi đen trên trang giấy. Lời tôi nói, ý tôi nghĩ, tôi chuyển đạt đến Mười sáu trong tâm trạng của kẻ gieo hạt: hạt rơi xuống lòng đất nhưng chắc chi đất có đủ độ ẩm để hạt nẩy mầm; mà mầm dù nẩy chắc chi mưa đủ thuận gió đủ hòa, tạo sinh khí cho thân non để nó đội đất vươn mình lên? Tôi dò dẫm những biến thái tình cảm nơi Mười sáu như nhà nông moi lớp đất mỏng tìm dấu vết chồi non. Tôi cảm ơn đặc điểm của ngôn ngữ Việt về khả năng gửi gắm tình cảm qua cách sử dụng nhân vật đại danh tự trong các ngôi thứ. Từ sự xưng "con" buổi đầu, Mười sáu chuyển sang lối bỏ lững chữ "tôi" mơ hồ, tiếng gọi "anh" chưa đủ chững chạc; rồi một hôm vì lơ là việc học, không áp dụng được một công thức toán giản dị khiến tôi nổi giận, Mười sáu hoảng hốt níu tay tôi, nài nĩ gọi tên tôi, "Đạo": bị Mười sáu giáng cấp, tôi chẳng phật lòng chút nào: tôi cho rằng Mười sáu sửa soạn thế đứng tương lai trong đó Mười sáu tự nâng lên một chút và hạ tôi xuống một chút để có được một bình đẳng... tương đối. Đẳng cấp và quan hệ xã hội được biểu lộ rõ rệt trong cách xưng hô của chúng ta; sửa đổi lối xưng hô là sửa đổi liên hệ tình cảm, là từ chối mối liên hệ sẵn có để thiết lập một tương quan mới.

Như con vật sợ sệt, luôn cảnh giác nghe ngóng đề phòng, tôi gượng nhẹ để khỏi làm Mười sáu giật mình, phải giơ hai tay lên trời như một hàng binh để tỏ cho Mười sáu rõ là tôi không vũ trang, không có súng lục ngang lưng không dấu dao găm dưới nách. Và một khi lấy được lòng tin của Mười sáu rồi thì Mười sáu sẽ thỏ thẻ kể cho nghe những ướt át Bến Ngự, eo xèo Trường Tiền, xa xôi đằng đẳng chốn "Ngoẹo dàn xay". Lên ba lên bốn, Mười sáu được săn sóc bởi người vú nuôi vì mẹ bận ngược xuôi với cuộc sống. Mười sáu "kết tình" cùng O Sắc (tên người vú nuôi) quen thuộc với mùi tóc tai người đàn bà nọ đến nghiền ngẩm. Hôm mẹ cho người vú về thăm nhà Mười sáu quay quắt nhớ mong, bò lên giường, ngửi gối đánh ra hơi hướm quen thuộc và hỏi: "O Sắc mô đây?". Tuổi thơ nhận định bằng giác quan chứ không bằng lý trí, hơi hám quen thuộc đủ tượng trưng cho đối tượng nhớ mong. Tôi phát giác nơi Mười sáu một khía cạnh mới, cái quay quắt khát khao của đơn lẻ bơ vơ. Chắc vì vậy mà Mười sáu lặng lẽ câm nín ở lứa tuổi đáng ra phải vồ vập rộn ràng? Có ai ngờ rằng một đứa bé ba tuổi đã biết thất vọng, biết mất mát, biết trơ trọi cô đơn, biết chạy đuổi kiếm tìm. Nhưng để đạt đến giai đoạn này, trước đó người ta phải trải qua giai đoạn nhượng bộ cam đành; và trước giai đoạn nhượng bộ cam đành là giai đoạn phản kháng giành giật. Chỉ còn mỗi một bước nữa là Mười sáu bắt kịp nổi lòng vì vua nhà Nguyễn khi mất người thương: "Xếp tàn y lại để dành hơi"! Không sao, mới lên ba, Mười sáu còn nhiều thì giờ.

Khám phá ra tính mẫn cảm nơi Mười sáu, tôi nâng Mười sáu lên ngang hàng dù Mười sáu non dại đến đâu; chúng ta không trưởng thành bằng chất chồng tuổi tác, chúng ta chỉ lớn lên với sung sướng và khổ đau. Tôi xin kết tóc xe tơ với sung sướng khổ đau của Mười sáu.

Dù vậy, mặt khác, tôi vẫn muốn cầm chân Mười sáu trong thế giới nhỏ bé yên hàn lâu nay. Tôi không muốn kéo Mười sáu vào cơn bảo lửa của thời đại; nhưng nếu tôi duy trì cái Mười-sáu-mong- manh làm sao tôi có thể kể cho mười sáu mối bận tâm hôm nay của tôi? Làm sao tôi nói về chiến tranh về dân chủ về cái chết về cái khổ về nổi đau về cơn giận? Làm sao tôi chia sớt với Mười sáu cái nhức nhối vì thương tích của cả một giống nòi?




VVM.05.01.2024.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .