Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


GIÓ ĐÔNG VỀ




H ôm ấy là ngày 19 tháng 12 nhằm ngày 17 tháng 11 âm lịch năm Qúy tỵ, chúng tôi thức dậy sau một đêm ngon giấc và được chào đón bởi một buổi sáng dày sương và se lạnh. Bà tôi bước ra khỏi phòng với một chiếc áo bông khoác thêm, trong lúc pha ly sửa nóng cho bà, mẹ tôi cứ hít hà, tôi thì tung bước ra khoảng sân rộng trước nhà, thật là sảng khoái. Ôi! Gió đông về.

Gió đông về, cũng là những giây phút bắt đầu cho mùa giáng sinh. Và mùa giáng sinh về, luôn mang hơi hớm gì đó của sự trong trẻo và an lành. Cũng là báo hiệu của mùa xuân, sự tươi mới và phúc lạc. Khí trời mát mẻ đã như góp phần vào sự đồng tình đó, như hoan nghênh những bước chân của ông già Noel. Tôi chợt nhớ lại những năm khi mình khoảng năm, bảy tuổi- ngây thơ chờ đón những gói quà- những gói quà mà ông già Noel chỉ mang đến cho những đứa bé ngoan, như lời mẹ tôi thường bảo, và những khi nhận được quà, tôi đều hỉnh mũi tự hào.

Một lần, tôi đã phát hiện ra bí mật của mẹ, để thấm thía hơn về tình yêu thương, khi vô tình nửa đêm thức giấc (mẹ tôi luôn thức rất khuya cho nhiều việc) tôi thấy mẹ đang mở giấy bông để gói một quyển sách, tôi vẫn vô tình trong cảm giác lơ mơ và lại chìm vào giấc ngủ, chỉ khi sáng dậy thấy bên cạnh gối nằm một gói quà- đúng là giấy bông tối qua- tôi mới hiểu ra. Điều khiến tôi xúc động hơn, đó là quyển sách được “ ông già Noel” mang tặng- quyển sách mà mấy hôm nay tôi đang cố lấy “ điểm cộng” theo “ qui ước” của mẹ để được “ tậu về” ( mẹ tôi có cả một “ sớ táo quân” cho những điểm cộng và trừ dành cho tôi. Khi hết tháng, nếu số điểm cuối cùng là trên mười, tôi sẽ được thưởng một món quà nhỏ; nếu còn lại là điểm âm, tôi sẽ bị cắt giảm thời lượng giải trí, và buồn nhất là tháng đó sẽ không được đi nhà sách).

*

Rồi khi trở thành cậu học trò lớp sáu, tôi thấy mình như lớn hẳn ra, biết giúp mẹ rửa cái ly của mình uống sữa, rửa cái dĩa mà mình được mẹ mang cho phần ăn sáng, biết mang quần áo khô từ sào ngoài sân vào nhà và sắp xếp lại gọn gàng những buổi chiều mẹ đi làm về muộn, và đã không còn vô tư đòi quà… “ Con trai của mẹ giỏi lắm”, những khi mẹ ôm tôi vào lòng, và nói câu nói đó, tôi thấy một niềm hân hoan tràn ngập, như giây phút bắt gặp món quà của “ ông già Noel”.

*

Giờ đây, tôi đã là một thanh niên, đã qua tuổi học trò, đã qua tuổi mộng mơ để hiểu biết sâu sắc hơn về giá trị thật của cổ tích và thần thoại, đã được mẹ tôi dẫn dắt về con đường phải đi…và giờ, tôi ước có thể mang quà đến cho tất cả các em nhỏ ở những miền xa, những vùng đất còn nhiều nghèo khó…hẳn, các em nhỏ sẽ hạnh phúc biết bao, sẽ tràn ngập niềm hân hoan như tôi của ngày xưa.

*

Gió đông về, trời đất như hòa ca trong giây phút chuyển mùa, van vật như rộn ràng, tươi tắn hẳn ra. Mẹ tôi lại lúi cúi dọn dẹp, bưng bê…như muốn năm mới về là cả nhà phải được mới hơn, được sạch sẽ hơn, được vui hơn…và dù vậy, tôi vẫn không thấy ánh mắt mẹ được tươi hơn, nhất là khi mẹ hướng cái nhìn về phía bà ngoại, và buột miệng buông thỏng “ trời lạnh, trẻ mau lớn, người già lại ra đi…”; đặc biệt, khi lau chùi ngôi mộ của ông ngoại phía sau nhà, tôi luôn thấy mẹ rất trầm tư, tôi biết mẹ nhớ ông ngoại nhiều lắm. Thi thoảng tôi bắt gặp những dòng nước mắt lặng lẽ của mẹ, khi bà ngồi tựa lưng bên mộ ngoại.

*

Giờ đây, khi gió đông về, khi tôi đã là một người đàn ông; và khi mẹ phải nhíu đôi mắt sau cặp kính dày trước một quyển sách, tôi đã hiểu, rất hiểu về nét mặt trầm tư và đôi mắt đượm buồn của mẹ khi nhìn ngoại ngày xưa, tôi không tả được cảm xúc trong lòng mình, một nỗi mông mênh. Gió đông ơi! Ngọn gió đông đã về, và đã mang theo bao điều tuyệt diệu, nhắc nhở tôi rất nhiều điều mà ngày thường trong cuộc mưu sinh mải miết, tôi đã không thể nhớ hết. Tôi trân trọng từng ngọn gió đông, như quí trọng từng tiếng tí tách của kim đồng hồ, tôi yêu cuộc đời này. Như ngoại, như mẹ đã từng yêu. Nhất định sau này những đứa con của tôi cũng thế, cũng sẽ yêu và sống cho cuộc đời. Tôi tin thế, gió đông nhỉ!?.




VVM.05.01.2024.NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .